Người Việt hải ngoại: Ngôi chùa ấm tình ở Sri Lanka; Review ăn cưới ở Ấn Độ; Yêu cầu bồi thường vụ 39 người chết

Ngôi chùa Việt ấm tình ở Sri Lanka

Tọa lạc tại vùng Ambakote, cách thành phố cổ Kandy khoảng 20 km, Thiền viện Trúc Lâm - ngôi chùa Việt đầu tiên ở Sri Lanka, luôn ấm áp tình thương, tràn ngập giọng nói, tiếng cười của lớp học tiếng Việt.

Thiền viện Trúc Lâm do sư thầy Pháp Quang - người có nhiều năm sinh sống và tu học tại Sri Lanka khởi công xây dựng từ năm 2020.

Với tấm lòng nhân hậu luôn mong muốn đem niềm vui đến cho mọi người, sư thầy đã khởi xướng và có nhiều đóng góp trong công tác thiện nguyện cùng với các hoạt động lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp cũng như tấm lòng nhân ái của người Việt ở xứ người.

Nơi chia sẻ yêu thương

Ra đời vào đúng thời điểm đại dịch Covid-19 bùng nổ với những khó khăn chồng chất, Thiền viện Trúc Lâm đã góp phần tạo nên những điều tốt đẹp, cầu nối cho những người có tấm lòng nhân ái... khi người dân sở tại và cộng đồng người Việt ở Sri Lanka đang cần được hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần.

Cùng với các hoạt động phát gạo cứu đói, vào những ngày rằm hằng tháng, các sư thầy thường kết nối với các mạnh thường quân để có thể trao tặng khoảng 200 suất cơm cho người vô gia cư sống ở trạm xe buýt, tàu lửa, bệnh viện… ở nơi đây.

Đặc biệt, vào mùa Vu Lan báo hiếu hằng năm, Thiền viện Trúc Lâm tạo phước lành tại đất Phật Sri Lanka qua việc trao tặng những phần quà gồm gạo và lương khô cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn.

Vùng Ambakote khi vào mùa nóng thường xuyên bị mất nước và người dân luôn lo lắng về việc có đủ nước sạch để sử dụng. Tháng Sáu vừa qua, giếng nước đầu tiên đã được các sư thầy đồng hành với một nhóm từ thiện xây dựng tại khu làng mới thành lập ở Ambakote, giúp hơn 60 hộ gia đình có nước sạch sinh hoạt.

Vài tháng sau, giếng nước thứ hai được xây dựng tại Ambakote. Giếng nước lần này được Thiền viện Trúc Lâm bơm lên bình chứa để người dân quanh làng có thể sử dụng khi gặp hạn hán.

Cùng với việc quan tâm tới đời sống vật chất, các sư thầy dành thời gian mở các khóa tu thiền vào Chủ nhật nhằm tạo niềm tin, sự lạc quan và an vui cho người địa phương.

Truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Việt

Bên cạnh công việc thiện nguyện, các sư thầy ở chùa đã kết nối và xây dựng thành công chương trình giảng dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt cùng người dân sở tại nơi đây.

Lớp học bắt đầu tổ chức từ tháng 6/2022 với mục đích lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam và giúp đỡ những kiều bào người Việt có con em bị mất gốc hoặc mong muốn học tiếng Việt.

Không chỉ tạo kênh học tiếng Việt cho những đối tượng cần sử dụng ngôn ngữ Việt, lớp học còn trở thành cầu nối cho những tấm lòng nhân ái muốn góp sức tạo nên những điều tốt đẹp cho cuộc sống.

Sư thầy Pháp Bảo - một giáo viên ở Thiền viện Trúc Lâm, cho biết lớp học tiếng Việt được thực hiện qua hai kênh là giảng dạy qua ứng dụng Zoom (diễn ra vào các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu trong tuần) và giảng dạy trực tiếp ở Thiền đường (diễn từ thứ Hai đến thứ Sáu trong tuần).

Lớp học được chia làm hai cấp độ, mỗi cấp độ khoảng ba tháng dành cho người mới làm quen với tiếng Việt (khoá học cơ bản) và các học viên đã vượt qua kỳ thi khóa học cơ bản.

Về phương pháp giảng dạy, các sư thầy dạy cho học viên các ngữ âm và cách phát âm chuẩn xác, cấu trúc ngữ pháp cơ bản, mở rộng vốn từ vựng và tập trung chủ yếu kỹ năng nghe và nói.

Các sư thầy còn tổ chức các hoạt động thực hành và trò chơi để tăng cường khả năng giao tiếp và áp dụng tiếng Việt vào cuộc sống; giới thiệu văn hóa, lịch sử, ẩm thực, văn hóa Việt Nam; giảng dạy thông qua các bài hát với các chủ đề như tình yêu quê hương đất nước, tình đoàn kết, tình yêu gia đình như: Quốc ca, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Bà ơi bà, Đi học, Bà tôi, Bốn phương trời..

Thông qua phương pháp thực hành kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, các học viên chép tay bài tập và thực hành các hội thoại giao tiếp với nhau.

Ngoài ra, Thiền viện Trúc Lâm còn tạo điều kiện cho các học viên có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm việc ở đây và các đoàn hành hương viếng thăm Sri Lanka. Các học viên đạt thành tích cao hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn còn được trao tặng học bổng và dụng cụ học tập.

Sư thầy Bảo Pháp chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi vẫn chưa có tài liệu chính thống tiếng Việt cho người nước ngoài cũng như kinh nghiệm giảng dạy. Giáo trình giảng dạy vẫn dựa trên sự am hiểu về con người, đất nước nơi đây và tham khảo trên Internet để soạn thảo sao cho phù hợp nhất”.

Mặt khác, điều kiện kinh tế ở khu vực chưa được tốt như đường truyền mạng còn yếu, dụng cụ học tập còn thô sơ, ánh sáng hạn chế do thường xuyên cúp điện và thiếu nhiên liệu; cơ sở vật chất giảng dạy chưa đầy đủ để đáp ứng số lượng học viên ngày càng gia tăng….

Tuy nhiên, với nhiều năm sinh sống và tu học ở Sri Lanka, phương pháp truyền đạt của các thầy rất dễ hiểu. Các thầy còn có thể giao tiếp tiếng sở tại, tiếng Anh - một công cụ rất thuận lợi trong việc giảng dạy kết hợp giữa các ngôn ngữ.

Điều đặc biệt là lớp học không thu phí này luôn mang lại môi trường thân thiện, hòa đồng cho các học viên. Với tấm lòng rộng mở ấy, các sư thầy luôn được người dân yêu mến và ủng hộ trong mọi hoạt động.

Khi trẻ em Sri Lanka đến Thiền viện Trúc Lâm tu học, các em sẽ được đặt tên Việt Nam (nam thì chữ lót là Lâm, nữ thì chữ lót là Trúc).

Vào dịp Quốc khánh Việt Nam, các bé gái người Sri Lanka còn diện trang phục áo dài và múa nón lá Việt Nam. Dù công việc học tập áp lực nhưng các em nhỏ sở tại rất ham học, vẫn cần mẫn đến chùa ngồi thiền và duy trì lớp học tiếng Việt.

Tăng cường gắn kết hai đất nước

Chính sự ủng hộ của người dân địa phương và sự đam mê học tập của các học viên đã tạo động lực cho các hoạt động ý nghĩa của các sư thầy người Việt tại Thiền viện Trúc Lâm.

Từ lúc khởi công xây dựng và đi vào hoạt động đến nay dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng các sư thầy luôn quan tâm hoằng pháp và thực hiện các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người nghèo tại Sri Lanka.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ ở nước ngoài, các sư thầy đều mong công tác giảng dạy tiếng Việt ở Sri Lanka sẽ được phát triển và lan tỏa nhiều hơn, tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp hơn cho cuộc sống.

Bên cạnh việc đẩy mạnh giảng dạy tiếng Việt, Thiền viện Trúc Lâm còn mở rộng các công việc khác như giảng dạy tiếng Anh, máy tính, tạo nên ngôi nhà chung cho những người già, trẻ em cơ nhỡ có thể nương tựa…

Để tăng cường sự gắn kết hơn nữa giữa người dân Sri Lanka và Việt Nam, sư thầy Pháp Quang và các thành viên đồng sáng lập Quỹ Văn hóa xã hội sẽ có thêm nhiều hoạt động từ thiện, xã hội, du lịch và giáo dục trong thời gian tới.

Sư thầy Pháp Bảo nhấn mạnh: “Việc tốt luôn luôn gặp được ủng hộ và chung tay của những tấm lòng tốt. Chúng tôi đã may mắn nhận được rất nhiều sự đồng hành của cộng đồng người Việt trong, ngoài nước và sự tôn trọng từ người dân bản địa.

Với tinh thần của người con đất Việt mong muốn mang ngôn ngữ và những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt đến cộng đồng quốc tế, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động quảng bá, giúp cộng đồng quốc tế hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam”.

Thanh niên Việt review ăn cưới ở Ấn Độ: Nhà hàng trải lá chuối thay bát đĩa, “đứng hình” khi bị hỏi về món lẩu

Chàng trai Việt Nam review đám cưới Ấn Độ với những trải nghiệm văn hoá độc lạ khó quên!

Trải nghiệm đám cưới Ấn Độ của chàng trai người Việt Nam nhận về hơn 800k lượt xem chỉ sau hơn 1 ngày đăng tải video. Với series ăn cưới liên tiếp, anh chàng đã đưa mọi người đi "ăn cưới online" một cách bài bản và khá chi tiết.

Theo như chia sẻ của Tiến Kun, đám cưới Ấn Độ sẽ diễn ra trong vòng 2 ngày: Hôm đầu tiên là quan khách đến và đứng xếp hàng để chụp hình cùng cô dâu chú rể và ăn cỗ cưới; Sáng hôm sau là buổi diễn ra các nghi lễ quan trọng mang nét văn hoá đặc trưng của người dân Ấn Độ. Và anh chàng được mời tham dự ngày lễ đầu tiên.

Trong khi đứng chờ để vào chụp hình kỉ niệm cùng cô dâu chú rể, khách mời có thể ăn nhẹ tại một quầy bar khá dài. Tại đây sẽ có những món ăn vặt khá quen thuộc, kem chảy, bánh ngọt, pani puri,...

Điểm đặc biệt của văn hoá đám cưới Ấn Độ khác biệt với Việt Nam là thay vì ngồi mâm tròn hoặc mâm 6 - 10 ghế đặc trưng, Ấn Độ sẽ xếp bàn dài rất nhiều người: Trải khăn bàn trắng, sử dụng lá chuối để đựng đồ ăn thay vì chén đĩa, nhân viên tổ chức đám cưới sẽ lần lượt đi phát đồ ăn được chia vừa đủ cho 1 người, cuối buổi sẽ có thêm cơm trắng. Có khoảng mười mấy món nhưng nếu đặc biệt thích món nào có thể gọi thêm. Đồ ăn trong đám cưới 100% là đồ chay.

Văn hoá ẩm thực Ấn Độ thường ăn bằng tay nên sẽ khá lạ lẫm đối với một số du khách nước ngoài. Nhiều netizen cũng vào để lại các bình luận chia sẻ trải nghiệm ăn cỗ cưới Ấn Độ: "Tui thề ẩm thực Ấn Độ sẽ không bao giờ làm bạn đói bụng", "Đám cưới này xong là không cần thuê người rửa chén bát, tiện ghê", "bốc tay là văn hoá của họ, ngay cả ở nhà hàng thì chuyện này cũng bình thường thôi"...

Tuy vậy, dân tình cũng thắc mắc, ở Việt Nam đám cưới hay có món lẩu cuối tiệc hay súp khai vị, với các món nước thì ăn kiểu gì được đây? Chả nhẽ lẩu cũng bốc tay ư? Nhưng chính chủ cũng giải đáp rằng "Ẩu nữa, lẩu chỉ có ở nhà hàng Thái thôi, vẫn có muỗng dĩa bình thường", "Lẩu sao mà ăn bằng tay được"!.

Kun cũng cho biết thêm, bản thân dự trữ thêm thìa và muỗng vì có một số món rất khó ăn bằng tay đối với anh chàng, tuy nhiên nếu món nào có thể dùng tay đương nhiên sẽ tôn trọng nét văn hoá này của nước bạn. Những người bạn Ấn Độ ngồi bên cạnh cũng thông cảm vì họ hiểu được với du khách nước ngoài, việc ăn bằng tay cũng sẽ khó như việc họ dùng đũa ăn cơm. Sau buổi tiệc thì ai ai cũng có quà mang về.

Yêu cầu bồi thường mới trong vụ 39 người Việt tử vong trong xe tải ở Anh

Kẻ đưa lậu người liên quan tới cái chết của 39 người Việt trong xe tải ở Anh phải bồi thường hơn 82.000 USD cho các gia đình nạn nhân.

Hãng tin DPA ngày 25-11 đưa tin Gheorghe Nica - 46 tuổi, người gốc Romania sống tại Anh - nằm trong số 5 kẻ bị kết án liên quan cái chết của 39 người Việt trong xe tải ở Anh năm 2019.

Hôm 24-11, Nica bị tuyên phải bồi thường hơn 65.000 bảng Anh cho các gia đình nạn nhân, đưa tổng số tiền bồi thường trong vụ án này lên hơn 280.000 bảng Anh (352.884 USD).

Thẩm phán Mark Lucraft KC đã ra phán quyết rằng tổng số tiền mà Nica được hưởng lợi là 186.587 bảng Anh (235.155 USD). Sau khi đánh giá tài sản của bị cáo, thẩm phán đã ra lệnh cho Nica bồi thường 65.175 bảng Anh (82.140 USD) trong vòng 3 tháng, nếu không sẽ phải lãnh thêm 1 năm tù.

Năm 2021, Nica bị kết án tù 27 năm về cái chết của 39 người Việt tuổi từ 15-44. Họ chết ngạt trong xe tải ở Essex - Anh vào tháng 10-2019. Các nạn nhân trước đó được vận chuyển trong một container kín từ Zeebrugge - Bỉ đến Purfleet - Anh.

Một phiên điều trần hồi tháng trước cho thấy Nica đã kiếm được ít nhất 90.000 bảng Anh (113.427 USD) từ việc đưa người nhập lậu.

Một người khác, tài xế xe tải Maurice Robinson, đến từ Craigavon - Bắc Ireland, kẻ đã tìm thấy các thi thể ở trong container của mình, đã bị tuyên án tù 13 năm 4 tháng. Người này phải bán chiếc xe tải của mình và đang bị xem xét bồi thường hơn 21.000 bảng Anh (26.466 USD).

Theo cáo trạng của tòa án, mỗi người di cư muốn tới Anh phải trả 13.000 bảng Anh (16.383 USD) cho những kẻ buôn lậu. Họ lên xe tải tại một địa điểm xa xôi và được vận chuyển đến Anh. Nhà chức trách đã xác định được 7 vụ buôn lậu người kể từ tháng 5-2018 đến ngày 23-10-2019.

Nguồn: Phật Giáo; CafeF; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang