Người Việt hải ngoại: Hoa hậu Á châu thế giới tại Mỹ Sandy Nguyễn Hà Vy; 'Kiếp nạn' du học sinh ở Hàn; 4 người bị bắt ở Nhật

Sandy Nguyễn Hà Vy: Tuổi 20 chiến thắng bản thân

Học tập tốt, hoạt động xã hội tích cực, luôn hướng trái tim đầy nhiệt huyết về quê hương Việt Nam dù sinh ra và lớn lên ở nước ngoài... là sơ nét chân dung của Sandy Nguyễn Hà Vy (20 tuổi, sinh viên Đại học UC Berkeley, Hoa Kỳ).

Hà Vy cũng vừa nhận được danh hiệu Hoa hậu Á châu thế giới tại Mỹ 2023.

Mong muốn chia sẻ lại sự may mắn

Sinh ra ở Singapore, phần lớn thời gian sống ở nước ngoài nhưng Hà Vy vẫn có thể nghe nói khá tốt tiếng Việt.

"Tôi luôn được gia đình dạy dỗ rất kỹ về thuần phong mỹ tục của người Việt, ở nhà luôn nói tiếng Việt và tôi đặc biệt thích nấu những món ăn Việt, tìm hiểu về quê hương thông qua sách báo, mạng xã hội... Tôi luôn mong hoàn thành chương trình học sớm để về Việt Nam làm việc trong tương lai", Hà Vy chia sẻ.

"Chân ướt chân ráo" bước vào giảng đường UC Berkeley năm 2022, đến nay Hà Vy đã nhanh chóng tham gia nhiều hoạt động cộng đồng như vị trí cố vấn tổ chức ASRB (hiệp hội của sinh viên đại học trực thuộc SERC tại UC Berkeley) - giúp các doanh nghiệp thực thi trách nhiệm xã hội, đặc biệt tập trung vào những mô hình tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật.

Bạn cũng nằm trong hội đồng thành viên của tổ chức Femtech với mong muốn phát triển nữ quyền trong lĩnh vực công nghệ, cộng tác với tổ chức AAPA nhằm góp phần phát triển năng lực lãnh đạo cho cộng đồng người gốc Á tại Hoa Kỳ…

Là một bạn trẻ đầy năng lượng tích cực, Hà Vy cho biết bản thân luôn thấy may mắn khi được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa nên phải không ngừng học hỏi, cầu thị, phát triển và chia sẻ lại.

"Nhưng một trong những điều khiến tôi thấy hạnh phúc nhất là được lớn lên trong tình thương yêu của gia đình, học được những điều quý giá từ họ. Anh trai tôi là người truyền cảm hứng lớn hàng đầu cho tôi", Hà Vy bộc bạch.

Có anh trai là người tự kỷ, Hà Vy cho biết việc lớn lên cùng anh giúp bạn học được cách nhìn nhận, chấp nhận sự khác biệt và phải không ngừng nỗ lực vượt qua bản thân mình.

Luôn hướng về quê hương Việt Nam

Và cũng vì tình yêu thương dạt dào dành cho người anh, Hà Vy từng phát động điệu nhảy "Puzzle Dance" với thông điệp "Khác biệt, vẫn tuyệt" vào Ngày Quốc tế nhận thức chứng tự kỷ vài năm trước.

Mong muốn của cô bạn trẻ là thông qua điệu nhảy trẻ trung trên, mọi người sẽ thấu cảm, ủng hộ và dành nhiều yêu thương hơn nữa cho cộng đồng người tự kỷ.

Nói về một trong những thất bại ý nghĩa nhất với bản thân, Hà Vy cho biết năm 2022 bạn có cơ hội tham gia một hoạt động có thể góp phần phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Dẫu vậy, trong khi tất cả thành viên trong nhóm đều có thể sử dụng thông thạo tiếng Việt thì Hà Vy vẫn gặp không ít thử thách trong điều này và cuối cùng bạn phải rút ra khỏi nhóm trong tiếc nuối. Thất bại trên giúp bạn nhận ra hạn chế cần cải thiện ở bản thân.

"Song song đó tôi cũng nhận ra khi chúng ta thật sự muốn thì sẽ có rất nhiều cách để thực hiện điều bản thân yêu thích, muốn chinh phục", Hà Vy chia sẻ. Chẳng hạn trong tháng 10-2023, Hà Vy chinh phục được danh hiệu Hoa hậu Á châu thế giới tại Mỹ 2023.

"Hành trình đến được giải thưởng này không ít thử thách do tôi phải sắp xếp lịch học và hoạt động cộng đồng để đến thành phố Los Angeles luyện tập và thi", bạn nói.

Trong đêm chung kết, Hà Vy tham gia phần thi trang phục quốc gia Việt Nam, bạn cho biết bản thân luôn thấy tràn ngập niềm tự hào mỗi khi mặc áo dài trình diễn và hô vang hai tiếng Việt Nam.

Với danh hiệu vừa đạt được, Hà Vy mong muốn được "chắp cánh" để trong tương lai gần có thêm cơ hội góp phần tăng đầu tư nước ngoài về Việt Nam, giúp nhiều người tự kỷ trong nước có cuộc sống trọn vẹn, đong đầy trong sự yêu thương và cơ hội.

Anh chàng du học sinh Việt tại Hàn Quốc kể "kiếp nạn" ai cũng có thể mắc phải: Ra ngoài ăn một lát cũng mất 18 triệu VNĐ

Người nước ngoài ở Hàn Quốc mỗi khi đi ra ngoài đều không được quên thứ quan trọng này.

Giấy tờ tùy thân là thứ vô cùng quan trọng đối với bất kỳ ai, dù ở nơi đâu vì nó liên quan đến nhiều vấn đề an ninh, an toàn của mỗi người và giúp các nhà chức trách dễ dàng kiểm soát. Vậy nên, mỗi khi đi đâu xa, thứ gì có thể quên, còn giấy tờ tùy thân là tuyệt đối không thể.

Đặc biệt, nếu bạn sống ở nước ngoài thì các giấy tờ tùy thân lại càng quan trọng hơn nữa. Trên tài khoản TikTok có tên @baotranmobiletv, một bạn du lịch người Việt Nam tại Hàn Quốc đã kể "kiếp nạn" của một thanh niên (giấu danh tính) về trải nghiệm mất số tiền khá lớn liên quan đến giấy tờ tùy thân.

Mở đầu video, bạn Bảo Trần giới thiệu luôn đây chính là "kiếp nạn thứ 82 của du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc".

Bảo Trần chia sẻ: " Mấy hôm nay, trên nhóm Facebook Hội du học sinh Việt Nam đang xôn xao bài viết về việc một bạn du học sinh đăng bài cảnh báo mọi người về việc khi đi ra ngoài nhất định phải mang theo giấy tờ tùy thân, nếu không muốn bị phạt.

Chuyện là, bạn này ra ngoài ăn thì bất ngờ có 2 anh cảnh sát không biết từ đâu đến hỏi giấy tờ tùy thân của bạn ấy. Do chỉ đi ra ngoài ăn một lát nên bạn ấy không mang theo bất kỳ giấy tờ gì. Vậy nên bạn ấy không thể xuất trình cho cảnh sát bất kỳ giấy tờ gì. Sau đó, bạn du sinh này bị cảnh sát phạt tiền lên tới 1 triệu won (tương đương hơn 18 triệu VNĐ) ".

Bảo Trần cho biết, sau khi xem bài viết này, anh cũng khá bất ngờ và có thử tìm hiểu luật Hàn Quốc.

Và đúng là, người nước ngoài ở Hàn Quốc, mỗi khi bước chân ra khỏi cửa, phải có nghĩa vụ mang theo giấy tờ tùy thân để chứng minh bản thân hợp pháp.

Trong trường hợp bị cảnh sát kiểm tra mà không đáp ứng được yêu cầu, mức phạt cho trường hợp không mang theo giấy tờ tùy thân được quy định tại khoản 2, điều 98 của Luật Quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc, tối đa có thể lên tới 1 triệu won.

Bảo Trần nhắn nhủ: " Vậy nên các bạn ạ, kiếm tiền đã khó mà lại chịu án phạt bất ngờ như thế thì quả là đen đủi. Để vượt qua 'kiếp nạn thứ 82', khi các bạn đi ra đường, nhớ mang theo chứng minh thư, căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân để tránh mất tiền oan nhé ".

4 người Việt tại Nhật bị bắt vì liên quan tới việc lưu trú trái phép

Lưu trú bất hợp pháp đã không còn là chuyện quá xa lạ với cộng đồng người Việt tại Nhật. Minh chứng rõ ràng nhất là có hàng loạt các nhóm “Bộ đội” với số lượng thành viên đông đảo tồn tại trên mạng xã hội.

“Bộ đội” là từ lóng để chỉ những người Việt cư trú bất hợp pháp tại Nhật

Thành phố Sakaide, tỉnh Kagawa

Ngày 23/11, Sở cảnh sát Sakaide, tỉnh Kagawa đã bắt giữ 2 người nam giới là công dân Việt Nam, 34 và 39 tuổi, vì tội ở lại Nhật Bản trái phép dù đã hết thời hạn lưu trú.

Theo cảnh sát, cả hai đã nhập cảnh vào Nhật Bản với tư cách là thực tập sinh kỹ năng và hết thời gian lưu trú vào năm 2022. Sau đó họ đã ở lại tỉnh Hiroshima và các khu vực khác làm công nhân dọn dẹp vệ sinh. Trước cáo buộc của cảnh sát, cả hai đã thừa nhận hành vi của mình.

Thành phố Sendai, tỉnh Miyagi

Vào ngày 22/11, một công dân Việt Nam đã bị bắt tại thành phố Osaki, tỉnh Miyagi vì nghi ngờ vi phạm Đạo luật kiểm soát nhập cư và tị nạn, cụ thể là tội danh lưu trú bất hợp pháp.

Người bị bắt là một nam giới thất nghiệp 36 tuổi, quốc tịch Việt Nam. Theo cảnh sát, vào khoảng 16h30 ngày 22/11, một cảnh sát tuần tra đã phát hiện chiếc ô tô khả nghi đang chạy với tốc độ thấp thuộc phạm vi quản lý của đồn cảnh sát Furukawa. Sau khi thẩm vấn người đàn ông trong xe, người ta phát hiện thời gian lưu trú của anh này chỉ kéo dài đến ngày 25/12/2022. Người này đã thừa nhận cáo buộc và nói rằng bản thân biết mình đang lưu trú bất hợp pháp nhưng vì muốn gửi tiền về cho gia đình ở Việt Nam nên đã bất chấp.

Cảnh sát cũng bắt giữ một công dân Việt Nam 30 tuổi đi cùng anh này trên xe vào thời điểm xảy ra vụ việc do không mang theo hộ chiếu. Điều này cũng là hành vi vi phạm Luật Quản lý xuất nhập cảnh và tị nạn.

Cảnh sát đang xác nhận danh tính của nghi phạm và điều tra lý do tại sao anh ta có mặt ở tỉnh này cũng như chủ sở hữu chiếc xe mà anh ta đang lái là ai.

Nguồn: Tuổi Trẻ; CafeF; LocoBee

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang