Người Việt hải ngoại: Nhiều học bổng ở Đài Loan; Vượt định kiến ở Anh; Vụ GS bị dọa giết; Vụ hiệu trưởng làm chết bé gốc Việt

Nhiều loại học bổng cho du học sinh Việt ở Đài Loan

(Ảnh minh họa).

Du học sinh Việt có thể được miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí và nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt trong ngành bán dẫn, với chính sách thu hút sinh viên quốc tế của Đài Loan.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục Đài Loan, năm 2022 có gần 24.000 người Việt đang học tập tại đây, đứng đầu về số du học sinh quốc tế. Trong số này, khoảng 16.000 người theo các chương trình cấp bằng, hơn 7.000 học chương trình tiếng Trung hoặc diện trao đổi.

Bà Nicole Yen-Yi Lee, Giám đốc Vụ Giáo dục quốc tế và xuyên eo biển, Bộ Giáo dục Đài Loan, cho hay lợi thế của du học Đài Loan là khoảng cách địa lý gần, nhiều nét tương đồng trong văn hóa, ẩm thực với Việt Nam. Các ngành học chất lượng cao ở đây là Kỹ thuật, chất bán dẫn, Y học. Mặt khác, mức sống và chi tiêu ở Đài Loan cũng hợp lý.

Theo bà, vì nhiều yếu tố, cộng với tỷ suất sinh của Đài Loan thấp nên số sinh viên đại học ngày càng sụt giảm. Do đó, Đài Loan có nhiều chính sách để thu hút sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên Việt Nam.

Hiện sinh viên Việt Nam đến Đài Loan có thể tìm kiếm học bổng thông qua hai nguồn chính: Học bổng của chính quyền và học bổng của các đại học.

Chương trình học bổng của chính quyền dành cho du học sinh bậc đại học và sau đại học với mức 40.000 Đài tệ (hơn 30 triệu đồng) mỗi học kỳ để chi trả học phí. Nếu học phí vượt quá, du học sinh phải tự đóng phần còn lại. Hàng tháng, sinh viên được trợ cấp thêm sinh hoạt phí 15.000 - 20.000 Đài tệ, tùy bậc đại học hay cao học.

Để xin học bổng, ứng viên ngoài đáp ứng điều kiện đầu vào của các đại học, cần có chứng chỉ TOCFL (chứng chỉ tiếng Trung gồm 6 cấp độ, từ A1 đến C2) từ B1 hoặc chứng chỉ tiếng Anh IELTS 5.5, TOEIC 600, TOEFL (iBT) 60 điểm trở lên.

Ngoài ra, Đài Loan có kế hoạch chi 162,5 triệu USD để thu hút 320.000 sinh viên quốc tế đến học tập và làm việc trong lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán) từ nay tới năm 2030. Trong đó giữ chân được 210.000 cử nhân, nâng tỷ lệ sinh viên quốc tế ở lại làm việc từ 40% lên 70%.

Theo chương trình này, sinh viên sẽ được nhận học bổng gồm học phí, các lệ phí khác và trợ cấp ít nhất 10.000 Đài tệ (khoảng 7,6 triệu đồng) hàng tháng. Số tiền này đủ để sinh viên trang trải chi phí sinh hoạt. Điều kiện là sau khi tốt nghiệp, họ phải làm việc tại Đài Loan hai năm.

Trong khi đó, học bổng ở các đại học cũng rất đa dạng. Điều kiện chung là ứng viên đạt IELTS từ 5.0 hoặc TOCFL từ A1, điểm trung bình học tập ở THPT từ 6 trở lên. Ứng viên bậc thạc sĩ, tiến sĩ phải có bằng tốt nghiệp đại học cùng thư giới thiệu từ trường hoặc cơ quan làm việc.

Bà Vivian Chung, Phòng Hợp tác quốc tế, Đại học Quốc lập Tôn Trung Sơn, cho biết tất cả sinh viên năm thứ nhất sẽ được trợ cấp 6.000 Đài tệ (khoảng 4,6 triệu đồng) mỗi tháng. Số tiền này tương đương hoặc cao hơn học phí. Các năm sau, sinh viên phải có kết quả học tập từ 2.44/4 trở lên để duy trì học bổng.

Với bậc thạc sĩ, tiến sĩ, học viên được miễn học phí. Riêng học viên tiến sĩ sẽ được trợ cấp sinh hoạt phí 15.000 Đài tệ (khoảng 11,5 triệu đồng) mỗi tháng. Hiện Đại học Quốc lập Tôn Trung Sơn có 45 sinh viên Việt Nam theo học, ở các ngành Khoa học xã hội, Nghệ thuật, Quản lý, Kỹ thuật.

Đại học Quốc lập Đài Loan (NTU) - trường đứng đầu Đài Loan, top 70 thế giới theo QS Rankings thì cấp học bổng 100% học phí cùng trợ cấp tối đa 8.000 Đài tệ (hơn 6 triệu đồng) mỗi tháng. Tuy nhiên, điều kiện đầu vào của NTU cao hơn. Ứng viên phải có chứng chỉ IELTS 5.5 hoặc TOCFL từ A2 trở lên. Trường cho biết 52 sinh viên người Việt đang theo học ở đây, chủ yếu ở ngành Kỹ sư công trình, Quản lý xây dựng, Luật.

Ở các đại học tư, du học sinh Việt được hưởng hỗ trợ từ chương trình vừa học vừa làm. Trong đó, thời gian thực tập tại doanh nghiệp chiếm đến 50-70%, tùy ngành, trường.

Đại học Minh Tân có khoảng 1.100 du học sinh người Việt, là trường có nhiều sinh viên người Việt nhất tại Đài Loan. 85% trong số này học các ngành khoa học kỹ thuật liên quan đến chất bán dẫn, chủ yếu theo chương trình 2+2 (hai năm học ở trường, hai năm làm ở doanh nghiệp). Sinh viên được giảm 50% học phí trong năm đầu và xét học bổng dựa trên kết quả học tập cho các năm sau. Mỗi tuần, sinh viên được làm thêm tối đa 10 giờ, lương trung bình là 176 Đài tệ/giờ (135.000 đồng). Trong hai năm thực tập tại doanh nghiệp, sinh viên được nhận hỗ trợ 26.400 Đài tệ mỗi tháng (khoảng 20 triệu đồng).

TS Max K-W. Liu, Hiệu trưởng Đại học Minh Tân, cho biết thời gian thực tập hai năm giúp sinh viên thuần thục kỹ năng, nắm vững quy trình làm việc thực tế, là lợi thế xin việc tại Đài Loan sau khi tốt nghiệp.

Tương tự, Đại học Khoa học và Kỹ thuật Long Hoa cũng đẩy mạnh tuyển sinh chương trình này. Sinh viên được giảm 50% học phí năm đầu, thời gian thực tập tại doanh nghiệp chiếm phần lớn trong ba năm còn lại sẽ nhận lương tùy vị trí công việc.

Đại diện nhà trường cho biết có hơn 1.000 sinh viên Việt Nam theo học các ngành Khoa học, Kỹ thuật, Chất bán dẫn. Những năm qua, khoảng 85% sinh viên sau tốt nghiệp ở lại Đài Loan làm việc. Riêng lĩnh vực Chất bán dẫn, mức lương sinh viên mới ra trường khoảng 2.000-3.000 USD/tháng (50-70 triệu đồng).

Cô gái 9x gốc Việt vượt định kiến, khẳng định mình trong ngành giải trí Anh quốc

Gần 10 năm trước, Iola Nguyễn đã quyết tâm dấn thân vào ngành giải trí từ con số 0. Giờ đây, cô là nhà sáng lập của Meetkeypeople, công ty sáng tạo và giải pháp truyền thông số với nhiều giải thưởng quốc tế như The Stevie Awards (2022), Giải thưởng AWA (Phụ nữ thành tựu châu Á) tại Anh quốc năm 2022.

Iola Nguyễn tên thật là Nguyễn Kim Nga, năm nay 32 tuổi, đang sống ở London (Anh quốc), chia sẻ, từ năm 2012, cô đã quyết định bỏ lại cuộc sống tại Pháp để một mình sang Anh theo đuổi ước mơ nghệ thuật. Khi đã đặt chân đến London, Iola làm nhiều công việc để từng bước khẳng định dấu ấn của mình trong ngành giải trí.

Cô làm nhiếp ảnh gia, quay phim, biên tập viên tự do cho nhiều chương trình thời trang, liên hoan phim lớn, nhỏ. Các cơ hội dần mở ra cho cô gái gốc Việt, lúc này mới 24, 25 tuổi. Iola dần có thêm kinh nghiệm cũng như tìm được những thế mạnh như sáng tạo nội dung số và đạo diễn, biên kịch video ca nhạc.

Chăm chỉ và nhiệt huyết, cô nhận ra rằng những cố gắng của mình đang dần được đền đáp. Năm 2017, cô tự mình phát triển, sản xuất và đạo diễn một web series hài kịch mang tên It's All I Am. Tập đầu tiên đã đạt được 20.000 lượt xem trên YouTube chỉ sau 1 ngày. Năm 2019, cô đã giành được Giải thưởng âm nhạc CAAFAS của Anh cho Video ca nhạc tự sản xuất và đạo diễn.

Trước khi có được những thành quả này, Iola đã gặp phải nhiều thử thách. Nữ nghệ sĩ chia sẻ về những lần vấp ngã trên con đường theo đuổi đam mê: "Tôi phải đối mặt với việc mình làm việc không ngừng nghỉ hàng ngày mà không thu được kết quả gì trong nhiều năm; những bình luận tiêu cực nói tôi là kẻ mơ mộng và sẽ thất bại; những giai đoạn nghi ngờ chính mục tiêu của bản thân."

Ngoài ra, dấu ấn của những nữ nghệ sĩ độc lập là người gốc Á còn mờ nhạt trong ngành giải trí phương Tây. Về mặt tài trợ, doanh nhân nữ nhận được ít vốn hơn vì sự thiên vị vô thức của các nhà đầu tư. Iola đã tự hỏi mình có thể làm gì để những người như cô có thể tự tin hơn khi lập nghiệp.

Vì vậy, năm 2021, cô gái gốc Việt đã cho ra đời công ty riêng về sáng tạo và truyền thông số mang tên Meetkeypeople. Đối với cô, đây là cách để trao lại kinh nghiệm cho những người mới bắt đầu, như chính cô của năm 2012. Bên cạnh đó, giúp những nhà sáng tạo, nghệ sĩ/nhóm nghệ sĩ độc lập được gia nhập một cộng đồng những người có chung đam mê, giúp họ đạt được mục tiêu và tạo ra những sản phẩm chất lượng.

"Một mình thì làm được rất ít, cùng nhau thì ta có thể làm được rất nhiều. Tất cả chúng ta đều có thể thành công cùng nhau. Đây là mục tiêu tôi đặt ra cho công ty của mình", Iola cho biết.

Nền tảng Meetkeypeople kết nối nhà sản xuất, nhà tài trợ với nhân sự phù hợp theo nhu cầu của dự án. Ngoài ra, mọi người từ khắp nơi trên thế giới quan tâm đến việc thực hiện dự án hoặc muốn cộng tác đều có thể đăng ký thông qua nền tảng này. Iola và đồng sự cũng trợ giúp khách hàng lập kế hoạch, chiến lược, tài liệu hỗ trợ (video, ảnh) và gây quỹ mà không nhận hoa hồng từ người sáng tạo.

"Một khoản hoa hồng sẽ được tính cho những người làm việc tự do hoặc nghệ sĩ tham dự dự án." Iola cho biết.

Điểm khác biệt giữa Meetkeypeople với các thị trường việc làm tự do hoặc nền tảng tuyển diễn viên là 5% lợi nhuận ròng huy động từ cộng đồng sẽ được tái đầu tư vào các chiến dịch đang diễn ra trên nền tảng này.

"Các chiến dịch nhận được tái đầu tư sẽ được lựa chọn dựa theo tiêu chí ưu tiên những nhóm doanh nghiệp/nhà sáng tạo thuộc đối tượng thiểu số".

Số đông khách hàng của Iola là ở Anh, các nước châu Âu và Mỹ. Iola bật mí, trong hậu Covid-19, truyền thông số được ưa chuộng hơn bao giờ hết vì tinh thần khởi nghiệp bùng nổ trong thị trường các nước mà cô hoạt động. Cô hạnh phúc vì có được cơ hội vàng để phát triển Meetkeypeople, và kết nối với các dự án tiềm năng trên toàn thế giới.

Iola luôn tự nhủ "Bạn không bao giờ thất bại cho đến khi bạn bỏ cuộc" để nhắc mình phải kiên định trên con đường đã chọn. Năm 2022, vượt qua hơn hàng ngàn ứng viên tại giải thưởng Stevie - giải thưởng kinh doanh hàng đầu thế giới, nữ doanh nhân gốc Việt đã được xướng tên trong hạng mục Kinh doanh Quốc tế.

Giáo sư gốc Việt kể về việc bị dọa giết trong cao điểm dịch COVID-19 ở Anh

(Ảnh minh họa).

Giáo sư Jonathan Van Tam, người giữ chức Phó Giám đốc Y tế của Anh trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở xứ sở sương mù, đã kể về việc ông và gia đình phải nhận những tin nhắn đe dọa đến tính mạng trong buổi điều trần mới nhất về cách chính phủ nước này xử lý cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra.

Trong buổi điều trần diễn ra hôm qua (22/11), giáo sư Jonathan Van Tam đã mô tả quãng thời gian cao điểm của dịch COVID-19 ở Vương quốc Anh là “rất, rất căng thẳng” đối với bản thân ông, khi vừa làm việc 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày cùng khối lượng công việc khổng lồ, vị GS gốc Việt và gia đình của mình đã bị một số đối tượng dọa sẽ “cắt họng”.

Giáo sư Jonathan Van Tam cho biết bản thân ông đã từng cân nhắc việc rời khỏi cương vị trí của mình trước những lời đe dọa nói trên, tuy nhiên ông cho rằng những đối tượng đã dọa giết ông và gia đình chỉ là thiểu số.

Thông qua buổi điều trần, vị giáo sư gốc Việt gửi lời cảm ơn tới toàn bộ người dân Anh vì đã ủng hộ ông khi đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Y tế của Anh, mặc dù ông cũng bày tỏ quan ngại rằng những mối đe dọa này có thể khiến các chuyên gia y tế ngần ngại trong việc đảm nhận các chức vụ tương tự nếu như xảy ra đại dịch nào đó trong tương lai.

Cũng trong buổi điều trần ngày 22/11, Giáo sư Chris Witty (Giám đốc Y tế của Anh) cũng thừa nhận cá nhân ông được cảnh sát bảo vệ trong suốt 9 tháng sau những khuyến cáo của Bộ Nội vụ Anh. Giáo sư Chris Witty đã từng bị hai người đàn ông tiếp cận một cách thô bạo tại một công viện ở trung tâm thủ đô London hồi tháng 6/2021.

Bà Heather Hallett, thành viên Thượng viện Anh và là người chủ trì cuộc điều tra về cách chính phủ nước này xử lý cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra, đã lên án mạnh mẽ những hành vi đe dọa đến tính mạng của các chuyên gia y tế và khoa học, đồng thời bày tỏ sự biết ơn đối với Giáo sư Jonathan Van Tam cùng đồng nghiệp vì những đóng góp trong giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19 ở Vương quốc Anh.

Hồi đầu năm 2022, Giáo sư Jonathan Van Tam được cố Nữ hoàng Elizabeth II phong tước Hiệp sĩ nhờ những đóng góp quan trọng của ông trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại Vương quốc Anh. Vị giáo sư gốc Việt này đã trở thành gương mặt quen thuộc đối với người dân ở đảo quốc sương mù khi lên sóng truyền hình trong các cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh và được gọi một cách trìu mến với tên viết tắt là JVT.

Hàn Quốc giảm án cho hiệu trưởng bạo hành khiến bé gốc Việt tử vong

Tòa án Hàn Quốc tuyên án một hiệu trưởng họ Kim 18 năm tù giam, sau khi gây ra cái chết của một bé 9 tháng tuổi.

Vụ việc xảy ra hồi tháng 11/2022, nạn nhân là Cheon Dong-min, 9 tháng tuổi, con của một cặp vợ chồng Việt Nam, tại nhà trẻ ở Hwaseong, tỉnh Gyeonggi.

Thời điểm tử vong, Cheon mới đi nhà trẻ được khoảng một tuần.

Thông tin về vụ việc trên báo chí Hàn Quốc cho biết trưa 10/11/2022, Cheon không ngủ trưa được nên bà Kim đã đặt gối đè lên người bé trong khoảng 14 phút. Không thấy Cheon có phản ứng gì, bà Kim dùng điện thoại và để mặc bé trong chăn khoảng 3 giờ đồng hồ.

Bà Kim sau đó phát hiện bé Cheon ngưng thở và đã thực hiện hồi sức tim phổi cho nạn nhân, đồng thời gọi cấp cứu. Tuy vậy, bé Cheon không qua khỏi và bà Kim bị bắt với tội danh ngược đãi trẻ em và sát hại trẻ em.

Trong quá trình điều tra, tội danh của bà Kim được chuyển thành bạo hành trẻ em dẫn đến tử vong.

Hôm 20/04, bà Kim bị tuyên án 19 năm tù. Các thẩm phán cho rằng "rất khó để kết luận vụ giết người là cố ý", đồng thời phán quyết bà không phạm tội lạm dụng thể chất.

Bà Kim kháng cáo vì cho rằng mức án quá nặng, trong khi gia đình nạn nhân Cheon cũng kháng cáo vì cho rằng bản án vẫn còn nhẹ.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm 22/11, Tòa Hình sự Thượng thẩm quận Suwon có phán quyết tương tự phiên tòa sơ thẩm, đồng ý giảm án cho bà Kim xuống còn 18 năm.

Ngoài ra, bà này buộc phải hoàn thành chương trình giáo dục 120 giờ ngăn ngược đãi trẻ em và bị cấm làm việc trong môi trường liên quan tới trẻ em trong 10 năm.

Nguồn: Vnexpress; Phụ Nữ Việt Nam; Soha; Đọc Báo

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang