Người Việt hải ngoại: Ngôi chùa ni ở Lào; Chuẩn bị mọi tình huống ở Israel; 4 start-up gặp mặt; Bị bắn chết ở Myanmar

DIỆU GIÁC - NGÔI CHÙA NI ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT TẠI LÀO

(Ảnh minh họa).

Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Lào đã tổ chức lễ khánh thành công trình Tam bảo tại Chùa Diệu Giác. Đây là 1 trong 3 ngôi chùa Việt được cộng đồng người Việt xây dựng tại tỉnh Savannakhet.

Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, tối 12/11, tại thành phố Kaysone Phomvihane, tỉnh Savannakhet, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Lào đã tổ chức lễ khánh thành công trình Tam bảo tại Chùa Diệu Giác.

Đây là một trong ba ngôi chùa Việt được cộng đồng người Việt xây dựng tại tỉnh Savannakhet, Trung Lào.

Tham dự có đại diện Liên minh Phật giáo tại tỉnh Savannakhet; Ban Điều phối Phật giáo Việt Nam tại Lào; đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Savannakhet; đại diện các ban ngành liên quan của tỉnh Savannakhet, cùng đông đảo đông đảo bà con Phật tử Việt Nam và phật tử Lào đang làm ăn sinh sống tại địa bàn và tại Lào.

Dự án xây dựng Tam bảo Chùa Diệu Giác được triển khai từ tháng 1/2022 với tổng vốn đầu tư khoảng 8,2 tỷ đồng Việt Nam do các chư tăng ni và phật tử trong và ngoài nước đóng góp.

Sau gần 2 năm xây dựng, ngôi chùa này đã hoàn thành việc trùng tu, nâng cấp đủ điều kiện thuận duyên để tổ chức tu học Phật pháp, làm trung tâm sinh hoạt cộng đồng, trao đổi văn hoá và tìm hiểu giáo lý Phật đà cho cộng đồng phật tử hai nước Việt Nam-Lào.

Chùa Diệu Giác là ngôi chùa Ni đầu tiên của người Việt tại Trung Lào, được những người Việt sang lập nghiệp định cư tại đây xây dựng theo kiến trúc thuần Việt từ những năm 30 của thế kỷ trước.

Trong gần 100 năm qua, ngôi chùa này đã là nơi sinh hoạt tôn giáo không chỉ của bà con Phật tử người Việt Nam, mà còn của các Phật tử người Lào.

Là một người dân sinh sống tại thành phố Kaysone Phomvihane, tỉnh Savannakhet, bà Daonouly Boupphavanh thường xuyên đến các chùa Việt trong tỉnh để tham dự các sự kiện tôn giáo.

Theo bà Daonouly, sở dĩ bà hay lui tới các chùa Việt là do người Lào và người Việt có quan hệ rất đoàn kết và gắn bó với nhau, nên mỗi khi các chùa Việt tổ chức lễ hội gì bà cũng đến tham dự.

Theo Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng Ban Điều phối Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Lào, trong thời gian tới, Ban điều phối sẽ nỗ lực hơn nữa để phát triển thêm các chùa tại những tỉnh có cộng đồng người Việt sinh sống, để những ngôi chùa vừa là cầu nối văn hóa, vừa là nơi gắn kết cộng đồng người Việt nói riêng và gắn kết giữa hai Giáo hội và giữa hai dân tộc về lâu dài nói chung.

Theo số liệu của Ban Điều phối Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện tại Lào có 15 ngôi chùa Việt trải dài từ Bắc, Trung cho tới Nam Lào với khoảng 20 chư tăng, ni.

Tất cả các ngôi chùa Việt tại Lào đều là thành viên của Liên minh Giáo hội Phật giáo Lào và có quan hệ chặt chẽ với Hội người Việt Nam tại địa phương. Hoạt động của các chùa Việt tại Lào đều phù hợp với phong tục tập quán của Lào và Phật giáo.

Các hoạt động văn hóa, tâm linh và Phật giáo của các ngôi chùa Việt không chỉ đang ngày càng thu hút đông đảo cộng đồng người Việt Nam và người Lào tham gia, mà còn là nơi tập hợp, đoàn kết bà con, động viên và hỗ trợ bà con gìn giữ tiếng Việt và bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về cội nguồn, đất nước, quê hương, đồng thời thúc đẩy vai trò cầu nối quan hệ hữu nghị nhân dân và Phật giáo giữa hai nước Việt Nam-Lào anh em./.

Thư từ Israel: Chuẩn bị cho mọi tình huống!

Đại sứ quán Việt Nam tại Israel đã chuẩn bị phương án sơ tán kiều bào trong tình huống xấu nhất, dù không ai mong muốn nó xảy ra

Trải qua hơn 1 tháng bùng phát xung đột giữa Israel và phong trào Hamas tại Dải Gaza, cộng đồng người Việt tại Israel cho tới nay vẫn an toàn do sinh sống ở các khu vực cách xa vùng có giao tranh. Tại Israel có khoảng 500 kiều bào cư trú ổn định cùng khoảng 200 người làm việc và học tập ngắn hạn.

Dù phía trước đầy khó khăn nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau: Mọi thứ sẽ ổn! Bố mẹ chồng tôi cũng đi lại hơn trăm km về thăm con cháu.

Chúng tôi lo cho ông bà vì nhà ông bà chỉ cách biên giới Lebanon hơn 10 km. Ngày nào chúng tôi cũng năn nỉ ông bà về ở cùng cho yên tâm nhưng ông chỉ trả lời khi nào cần sẽ về ngay. Từ ngày xảy ra xung đột đến giờ, ông luôn động viên tôi chứ không phải ngược lại.

Sẽ cần rất nhiều thời gian để cuộc sống trở lại bình thường như trước ngày 7-10-2023. Nhưng mọi người ai cũng phải bước tiếp. Học sinh đã trở lại trường từ nhiều ngày trước, chỉ là phải học thêm một hoạt động không ai mong muốn: Cách tránh rốc-két! Người lớn cũng tiếp tục làm việc.

Xung đột nổ ra nên khoảng 22.000 người Palestine không được phép vào Israel làm việc và vài ngàn lao động Thái Lan về nước đúng vào mùa thu hoạch nhiều loại sản phẩm. Vì thế, chiến dịch tình nguyện rộng khắp bắt đầu. Những ngày trước, chồng tôi cùng với nhóm của anh tại một công ty công nghệ cao đi thu hoạch lựu cho nông dân.

Cứu nông sản cũng là giúp cuộc sống nói chung không bị ảnh hưởng quá nhiều, vừa không phải bỏ phí thành quả vừa tránh cảnh giá cả leo thang cũng như thiếu rau, củ, quả trong mỗi gia đình.

Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Ban Liên lạc Hội Người Việt Nam tại Israel vừa tổ chức một cuộc gặp trực tuyến, kết nối đại diện của cộng đồng người Việt sinh sống, học tập và làm việc từ miền Bắc, miền Trung tới miền Nam của Israel.

Tham gia cuộc gặp có cả các cơ quan truyền thông. Trong buổi gặp gỡ này, nhóm các tu nghiệp sinh nông nghiệp sống ở gần khu vực Shredot ở miền Nam, gần biên giới với Gaza, kể chuyện những ngày đầu của cuộc xung đột. Đến nay 15 tu nghiệp sinh đã được hỗ trợ di chuyển đến vùng an toàn hơn. Một số kiều bào và tu nghiệp sinh khác cũng kể về nỗi lo lắng khi nghe còi báo động rốc-két, song hiện thời bà con đã vững tâm hơn.

Chúng tôi đều vui mừng khi nghe người Việt mình an toàn. Chị Sơn Nguyễn, một Việt kiều đang kinh doanh nhà hàng ở TP Haifa, cho biết cuộc sống của chị không có thay đổi nhiều bởi cách khá xa vùng xung đột. Dù vậy, kinh doanh và thu nhập có giảm sút do người Israel hạn chế ra ngoài.

Cuộc gặp mặt 4 start-up gốc Việt tại sàn chứng khoán Nasdaq

(Ảnh minh họa).

Tổ chức phi lợi nhuận VietChallenge vừa tổ chức sự kiện tại sàn chứng khoán Nasdaq, New York (Mỹ) nhằm vinh danh tinh thần khởi nghiệp Việt trên toàn cầu, với sự tham dự của hàng trăm khách mời.

Vào tối 10-11-2023 (theo giờ địa phương), tại sàn chứng khoán Nasdaq, VietChallenge đã tổ chức sự kiện đặc biệt để vinh danh tinh thần khởi nghiệp Việt, với sự tham dự của gần 200 khách mời.

Đáng chú ý, sự kiện có sự góp mặt bốn start-up nổi bật từ nhiều lĩnh vực khác nhau như SANG Coffee, GeneStory, GreenJoy và Tubudd.

Theo thông tin từ ban tổ chức, SANG Coffee là start-up lĩnh vực F&B; GreenJoy chuyên cung cấp ống hút thân thiện với môi trường.

Trong khi Tubudd là nền tảng công nghệ thông minh cho các du khách quốc tế và GeneStory - giải mã gene. 4 công ty này đều nhận được đầu tư lên tới hàng triệu USD và đã chứng minh được mô hình kinh doanh trên thị trường Mỹ và Việt Nam.

Cũng tại sự kiện, một cuộc thảo luận sôi nổi khác diễn ra với sự tham gia của các nhà sáng lập các công ty khởi nghiệp tiêu biểu như Wombi Rose (LovePop), Jean Pham (Cellens) và Adam Nguyễn (IvyLink).

Tại đây, họ đã chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, mang đến những câu chuyện cảm hứng và bài học cho các doanh nghiệp trẻ.

Chương trình cũng có sự tham gia của đại sứ Đặng Hoàng Giang, đại sứ thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và TS Lợi Nguyễn, phó chủ tịch điều hành của Marvell Optical Group và đồng sáng lập của Inphi; bà Nguyễn Thị Ngọc Dung - đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia NIC.

VietChallenge là chương trình ra đời nhằm tìm kiếm các start-up nhiều tiềm năng, có tính tác động lan tỏa tích cực của người Việt trên phạm vi toàn cầu.

Một người lao động người Việt tại Myanmar bị bắn chết khi bỏ trốn đến Thái Lan

Giang quảng cáo có thể đưa người sang Thái Lan làm việc với mức lương cao nhưng thực thế là đưa nạn nhân tới Myanmar để lao động bất hợp pháp.

Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Tuyên Quang đã thi hành Lệnh bắt tạm giam bị can đối với Trần Bình Giang (SN 1999 trú tại thôn Bắc Hai, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” theo quy định tại khoản 2, Điều 349 Bộ luật hình sự.

Theo điều tra, Giang đã sử dụng tài khoản mạng xã hội tự xưng tên là Trần Đạo Phong (trú tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) đăng bài viết tuyển dụng người Việt Nam đến Thái Lan làm việc văn phòng nhẹ nhàng, được hưởng lương cao, nhập cảnh hợp pháp bằng hộ chiếu, được miễn phí visa cư trú. Người nào có nhu cầu chỉ cần chụp ảnh hộ chiếu gửi, đối tượng sẽ mua cho vé máy bay đi đến Thái Lan, đón đến nơi làm việc.

Tuy thực tế khi các nạn nhân đến Bangkok, Giang bố trí đón, đưa các bị hại nhập cảnh hợp pháp hoặc bất hợp pháp đến một khu tự trị có vũ trang tại Myanmar lao động bất hợp pháp. Các bị hại bị ép buộc phải tìm kiếm, kết bạn, làm quen với những người Việt Nam sử dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu không làm theo yêu cầu sẽ bị đánh đập, dí dùi cui điện.

Những nạn nhân muốn trở về nước thì phải nộp số tiền chuộc lên tới hàng trăm triệu đồng. Được biết, nhiều nạn nhân đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc, bơi qua sông đến Thái Lan, trong đó có 1 công dân tại tỉnh Tuyên Quang khi bỏ trốn đến Thái Lan thì bị bắn chết.

Nguồn: Quê Hương Online; Người Lao Động; Tuổi Trẻ; CAND

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang