Người Việt hải ngoại: Đón năm học mới tại Nga; Thi tài năng, kiến thức ở Nga; Chùa Bồ Đề tại Lào; Nàng dâu ở Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày hội văn hoá chào đón năm học mới của sinh viên Việt Nam tại Nga

(Ảnh minh họa).

Chương trình giao lưu văn hoá chào mừng năm học mới và chào đón các lưu học sinh Việt Nam vừa sang Nga nhập học đã được tổ chức tối 11/11 tại trường Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga mang tên P.E. Lumumba (RUDN) ở thủ đô Moscow.

Tham dự chương trình có sự hiện diện của ông Nguyễn Hải Đăng - Phó Bí thư Đảng ủy tại Liên bang Nga, bà Mai Nguyễn Tuyết Hoa, phụ trách bộ phận giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, đại diện Ban cán sự Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại Nga, đại diện của trường RUDN cùng đông đảo các lưu học sinh Việt Nam, sinh viên quốc tế đang học tập tại trường đại học này cũng như một số trường đại học khác ở thủ đô Moscow.

Phát biểu tại chương trình, bà Mai Nguyễn Tuyết Hoa, phụ trách bộ phận giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại Nga chúc mừng các sinh viên Việt Nam nhân dịp năm học mới, đánh giá cao sáng kiến tổ chức chương trình của các bạn đoàn viên, thanh niên; đồng thời cảm ơn lãnh đạo trường RUDN đã tạo điều kiện thuận lợi cho du học sinh Việt Nam trong cuộc sống, học tập cũng như tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ rất có ý nghĩa như chương trình này.

Chương trình giao lưu văn hoá, văn nghệ chào đón năm học mới được dàn dựng công phu, bài bản, theo kết cấu một cuộc thi với 6 đội tham gia. Vòng 1 các đội trình diễn trang phục truyền thống của các nước, với ý nghĩa khám phá văn hoá, truyền tải thông điệp trở thành công dân toàn cầu trong thời đại toàn cầu hoá. Vòng 2 các đội trả lời các câu hỏi để khám phá về văn hoá, đất nước, con người Nga, giúp các tân sinh viên có vốn kiến thức cần thiết ban đầu khi sinh sống, học tập ở Nga. Vòng 3 các đội biểu diễn các tiết mục nhằm tôn vinh các ngành nghề trong xã hội, tạo động lực cho các bạn sinh viên tin tưởng và quyết tâm theo đuổi các ngành nghề mà mình đã chọn. Các tiết mục phần thi tài năng này rất đa dạng từ hát song ca, múa, nhảy, diễn kịch, với nội dung ca ngợi về quê hương đất nước, con người Việt Nam, khẳng định sức trẻ, nhiệt huyết, khát vọng của các sinh viên Việt Nam đang học tập tại Nga.

Bạn Trần Công Tâm Anh - Bí thư Liên Chi đoàn RUDN - Trưởng Ban Tổ chức cho biết về những nét mới của chương trình năm nay đó là ngoài biểu diễn văn nghệ như các năm trước đây, Ban tổ chức còn tổ chức các trò chơi tập thể để tăng tính tương tác, gắn kết giữa các bạn đoàn viên, thanh niên với nhau. Ngoài ra, chương trình được tổ chức theo hình thức một cuộc thi với 6 đội thi theo cặp, mỗi cặp gồm sinh viên đến từ hai trường khác nhau để tăng tình đoàn kết và làm việc nhóm giữa các bạn sinh viên.

Đây là một chương trình rất có ý nghĩa, tạo sân chơi văn hoá lành mạnh, tăng cường cơ hội giao lưu, học hỏi, đoàn kết đối với các đoàn viên, thanh niên tại Liên bang Nga; đặc biệt đối với các tân sinh viên đây sẽ là cơ hội để kết nối, giao lưu với các thế hệ sinh viên, tạo điều kiện giúp đỡ nhau sớm hòa nhập vào cuộc sống và học tập tại Nga.

Sinh viên Việt Nam tại Nga thi kiến thức và tài năng

Ngày 11/11, tại Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga (RUDN), Cụm 1 Ban cán sự Đoàn tại Liên bang Nga tổ chức cuộc thi kiến thức và tài năng nhằm chào mừng năm học mới và đón các tân sinh viên đến với hành trình học tập tại nước Nga xinh đẹp.

Tham dự sự kiện, có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Phòng công tác sinh viên RUDN, sinh viên Việt Nam và quốc tế đang học tập tại các trường đại học tại thủ đô Moskva.

Phát biểu khai mạc chương trình, bà Mai Nguyễn Tuyết Hoa, phụ trách Bộ phận giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đánh giá cao ý tưởng tổ chức cuộc thi này.

Bà Mai Nguyễn Tuyết Hoa nhấn mạnh, ngoài nhiệm vụ học tập, thời gian gần đây, sinh viên Việt Nam tại Nga rất tích cực tham gia vào các hoạt động do Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Nga tổ chức. Tại các học viện, nhà trường ở Nga, sinh Việt Nam luôn được đánh giá cao về ý thức học tập, đoàn kết và tinh thần hội nhập quốc tế.

Bà Mai Nguyễn Tuyết Hoa bày tỏ kỳ vọng, sinh viên Việt Nam tại Nga sẽ tổ chức nhiều cuộc thi tương tự, tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, hội nhập tốt với môi trường sở tại và đạt kết quả cao trong năm học tới.

Thay mặt Ban Tổ chức, sinh viên năm thứ 3 RUDN Trần Công Tâm Anh cho biết, một trong những mục đích chính của cuộc thi là kết nối sinh viên Việt Nam đang học tại Moskva nói riêng và trên khắp nước Nga nói chung.

“Qua cuộc thi, chúng em muốn truyền đi một thông điệp mang ý nghĩa tích cực để các bạn sinh viên Việt Nam, đặc biệt các tân sinh viên luôn cố gắng, vượt qua khó khăn ban đầu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập. Sau khi tốt nghiệp về nước họ sẽ mang kiến thức của mình góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp hơn”, Trần Công Tâm Anh chia sẻ.

Tham gia cuộc thi có sáu đội với 3 vòng thi. Tại vòng thứ nhất, các đội trình diễn trang phục truyền thống và thể hiện đặc trưng văn hóa của các nước khác nhau.

Qua đó, áo dài Việt Nam, trang phục truyền thống Trung Quốc, Nga, Indonesia, Ấn Độ, Mông Cổ với sự thể hiện, trình diễn của sinh viên Việt Nam đã để lại hình ảnh đẹp, giúp mọi người khám phá văn hóa và truyền tải thông điệp hội nhập quốc tế.

Tại vòng thi thứ hai, các đội tham gia trả lời câu hỏi liên quan tới kiến thức đời sống và những trải nghiệm thực tế tại nước Nga.

Vòng thứ 3 thi tài năng có lẽ là phần thi sôi động nhất. Mỗi đội biểu diễn một tiết mục riêng với chủ đề tôn vinh các ngành nghề trong xã hội, tạo động lực cho sinh viên tin tưởng và quyết tâm theo đuổi ngành mà mình đã chọn.

Kết thúc cuộc thi, ban tổ chức trao Giải thưởng “Đội được yêu thích nhất”, “Giải triển vọng” và “Đại sứ sinh viên”.

Cuộc thi đã để lại ấn tượng tốt đẹp, giúp sinh viên Việt Nam tại Nga có thêm kiến thức, tự tin hơn, tạo động lực học tập tốt và không ngừng sáng tạo.

KHÁNH THÀNH CHÙA BỒ ĐỀ - BIỂU TƯỢNG ĐOÀN KẾT LÀO-VIỆT TẠI ĐẤT NƯỚC TRIỆU VOI

(Ảnh minh họa).

Phật tử hai nước bày tỏ mong muốn Chùa Bồ Đề Lào sẽ ngày càng quy tụ đông đảo bà con cộng đồng người Việt Nam đến sinh hoạt tâm linh, trở thành biểu tượng đoàn kết hai nước Lào-Việt Nam.

Ngày 12/11 tại thị xã Thakhek, tỉnh Khammuane, Trung Lào, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Trung ương Liên minh Giáo hội Phật giáo Lào tổ chức lễ khánh thành giai đoạn 1, dự án trùng tu Chùa Bồ Đề tỉnh Khammoune, Trung Lào.

Tham dự có Đại diện Lãnh đạo Liên minh Phật giáo; Đại diện Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Đại diện Mặt trận Lào Xây dựng đất nước; Ban Điều phối Phật giáo Việt Nam tại Lào; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Savannakhet; Lãnh đạo tỉnh Khammuane; Đại diện Lãnh đạo Bộ Nội vụ Lào, cùng đông đảo bà con Phật tử kiều bào Việt Nam đang làm ăn sinh sống tại Lào, Pháp và Việt Nam.

Tại buổi lễ khánh thành được thực hiện theo đúng các nghi thức tôn giáo của Phật giáo Việt Nam và Lào, các chư tôn đức hai giáo hội phật giáo hai nước đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Phật giáo trong đời sống văn hóa và tôn giáo của người dân Lào và Việt Nam; ghi nhận sự có mặt lâu đời và đóng góp to lớn của Phật giáo Việt Nam đối với đời sống tâm linh của bà con cộng đồng người Việt Nam riêng và sự đoàn kết giữa người dân hai nước nói chung, cũng như sự phát triển của xã hội Lào nói riêng.

Các chư tôn đức hai giáo hội Phật giáo hai nước cũng nhấn mạnh Chùa Bồ Đề là một trong những ngôi chùa Việt đầu tiên và lâu đời tại Lào, cũng như sự cần thiết phải trùng tu lại Chùa Bồ Đề Lào do sự xuống cấp nghiêm trọng sau quá trình dài sử dụng; bày tỏ mong muốn Chùa Bồ Đề Lào sẽ ngày càng quy tụ đông đảo bà con cộng đồng người Việt Nam đến sinh hoạt tâm linh tại chùa, góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng người Việt Nam tại Lào, trở thành một trong những biểu tượng đoàn kết, không chỉ trong lĩnh vực tôn giáo, mà còn trong quan hệ giữa hai nước Lào-Việt Nam anh em.

Trong phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lào, ông Nisith Keopanya cho biết cộng đồng Phật tử và các chùa Việt Nam tại Lào trong thời gian qua đã có nhiều đóng góp to lớn trong các hoạt động từ thiện giúp đỡ xã hội tại Lào nói chung, đặc biệt giúp đỡ người dân ở vùng sâu vùng xa, những người chịu ảnh hưởng của thiên tai nói riêng qua những hoạt động trao tặng lương thực thực phẩm, quần áo, thuốc men, đồ dùng học tập, vật chất, tiền bạc tại nhiều tỉnh trong khắp cả nước Lào với giá trị tương đối lớn, được Đảng và Chính phủ Lào ghi nhận và tuyên dương.

Thay mặt các tín đồ Phật giáo Lào, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lào cũng đánh giá cao và chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của các chùa Việt Nam và Phật tử và các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, đã có những đóng góp giúp đỡ cho xã hội Lào trong thời gian qua, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội cũng như Phật giáo Lào.

Trong giai đoạn 1 và cũng là hợp phần được khánh thành lần này, Dự án đã tập trung khôi phục Đại hùng bảo điện theo đúng kiến trúc truyền thống văn hóa Việt Nam xen lẫn những hoạ tiết của văn hóa, kiến trúc Lào.

Hầu hết kinh phí giai đoạn 1 của dự án do bà con phật tử tại Lào, Việt Nam và châu Âu ủng hộ.

Trong thời gian tới, Nhà chùa sẽ tiếp tục kêu gọi sự hảo tâm của các Phật tử và các nhà tài trợ để tiếp tục trùng tu Chùa Bồ đề, xứng đáng là ngôi nhà chung, nơi quy tụ sự đoàn kết và hướng về quê hương của cộng đồng người Việt tại tỉnh Khammuane nói chung và Lào nói riêng./.

Nàng dâu Việt chia sẻ bí quyết lấy lòng bố mẹ chồng Thổ Nhĩ Kỳ

Nguyễn Hồ Trà My - TikToker có hơn một triệu người theo dõi - kể chia sẻ kinh nghiệm làm dâu ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Nguyễn Hồ Trà My sinh năm 1990. Cô hiện là TikToker nổi tiếng, được nhiều người gọi bằng cái tên thân mật là "Chị Ba". Khán giả biết đến Trà My qua những video chia sẻ về ẩm thực, lối sống lành mạnh, đặc biệt là cuộc sống thường nhật của cô bên người chồng Thổ Nhĩ Kỳ Emre Yusuf Sigura. Gần đây nữ TikToker khiến khán giả thích thú với những câu chuyện khi sang thăm bố mẹ chồng và trải nghiệm cuộc sống làm dâu ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Nàng dâu Việt cho biết, không phải tự nhiên mà mối quan hệ Mẹ chồng – Nàng dâu tốt đẹp, kết quả hiện tại đều là quá trình học cách kết nối và cởi mở thay đổi.

Trà My tâm sự mỗi lần về quê chồng là một kiểu trải nghiệm khác nhau. Những năm đầu là một cô bé vô tư, coi về nhà chồng là một chuyến đi chơi, đi nghỉ hè. Về sau những trải nghiệm càng khác lạ và trưởng thành hơn. Quen vị ngon như cơm mẹ đẻ nấu ở nhà, có món Thổ Nhĩ Kỳ còn thèm.

“Do khoảng cách xa, những năm đầu hai mẹ con không có thân thiết và hiểu nhau. Tôi nhớ lúc làm dâu Thổ cách đây 3-4 năm, do ăn uống không hợp với món Thổ Nhĩ Kỳ nên phản ứng hơi quá. Người mẹ chồng nhìn thấy cũng phật lòng, khó chịu, cùng với việc không biết tương tác với người lớn, không biết giới thiệu món ăn Việt Nam cho hay nên khi giới thiệu lại món ăn Việt Nam, bố mẹ chồng cũng không thích. Mình phản ứng món ăn của bố mẹ chồng như vậy, nên bố mẹ chồng phản ứng lại món ăn Việt Nam như vậy cũng là bình thường”, cô nói.

Tuy nhiên, từ sau khi mẹ chồng theo dõi Facebook của Trà My, xem các clip tôi làm về cuộc sống hằng ngày của hai vợ chồng, những món ăn cô làm, hai mẹ con mới có chuyện để tương tác với nhau.

“Tôi tỉ tê nói với mẹ về món ăn Việt Nam, để cho bà hiểu vì sao mình phản ứng như vậy. Bây giờ thì khác rồi, cái gì cũng cần phải có thời gian. Hai mẹ con có điểm chung là thích nấu ăn. Trải nghiệm làm dâu cũng phải tự học, học cách giao tiếp tương tác với người lớn tuổi”, nàng dâu Việt chia sẻ.

Giờ đây, thành công trong việc làm dâu Thổ Nhĩ Kỳ của Trà My là làm cho nhà chồng mê trái cây Việt Nam và còn giới thiệu cho bạn bè hàng xóm của mình. Bố chồng Trà My giờ rất thích món rau sống, trái cây Việt Nam, ăn đến đâu khen ngợi đến đó. Thậm chí, quả gì ăn xong cũng đều để lại hạt để trồng.

Khi cắt bánh trung thu mời bố mẹ ăn thì phải chuẩn bị câu chuyện về Tết Trung thu. Hay như mời bố mẹ ăn quả vú sữa, cô sẽ kể sự tích liên quan cho bố mẹ chồng nghe…

Cuộc sống hôn nhân của Trà My và gia đình nhà chồng Thổ Nhĩ Kỳ được nhiều người ngưỡng mộ. Nữ TikToker cho biết, cô muốn lan toả nguồn năng lượng tích cực tới mọi người, nhất là các cô gái có người yêu ngoại quốc, chuẩn bị "làm dâu xứ lạ".

"Đây là chia sẻ, hi vọng có những điểm hay ho để mọi người rút kinh nghiệm khi làm dâu nước ngoài, tiếp xúc với người nước ngoài!", cô nói.

Nguồn: VTV4; Nhân Dân; Quê Hương Online; Thời Đại

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang