Người Việt hải ngoại: Đêm văn hóa tại Paris; Hội từ thiện Sen vàng Berlin; Giữ văn hóa tại Úc; Ngày Nhà giáo tại Lào

“Đêm Văn hóa Việt Nam” sinh động và đầy màu sắc tại Thủ đô Paris của Pháp

(Ảnh minh họa).

“Đêm Văn hóa Việt Nam” được tổ chức tại ở Thủ đô Paris ngày 18/11 là dịp để giới thiệu với bạn bè Pháp và Kiều bào những nét văn hóa đa dạng, sinh động, đầy màu sắc của đất nước và con người Việt Nam.

Ngày 18/11, một chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đêm Văn hóa Việt Nam” đã được tổ chức tại nhà hát Trianon ở Thủ đô Paris với sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng và Thượng nghị sỹ Jérémy Bacchi - Phó Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Thông tin tại Thượng viện Pháp, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp.

Đông đảo bà con Kiều bào và bạn bè Pháp đã tới dự.

Đây là một trong những sự kiện khép lại một năm sôi động với các hoạt động kỷ niệm 50 năm Thiết lập Quan hệ Ngoại giao và 10 năm Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt-Pháp.

Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức, với sự hỗ trợ của bà Anoa Dussol, Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Pháp nhiệm kỳ 2015-2018, cũng là dịp để giới thiệu tới bạn bè Pháp và bà con Kiều bào những nét văn hóa đa dạng, sinh động, đầy màu sắc của đất nước và con người Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh ý nghĩa của đêm giao lưu nghệ thuật: “Sự đồng cảm về văn hóa và giao lưu nhân dân luôn là sợi dây kết nối giữa hai dân tộc, tạo nên sự phong phú, đa dạng, sôi nổi trong hợp tác trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch giữa hai nước. Chính vì vậy, 'văn hóa sẻ chia' đã được hai bên thống nhất lựa chọn là chủ đề của năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao.”

Theo Bộ trưởng, Tuần Văn hoá-Du lịch Việt Nam tại Pháp, với nhiều nội dung phong phú diễn ra trong những ngày qua, từ Tọa đàm Du lịch “Tiềm năng và cơ hội” đến Triển lãm “Sắc màu Việt Nam” giới thiệu các tác phẩm tranh lụa và sản phẩm thủ công tinh tế của các nghệ nhân Việt Nam và các chương trình nghệ thuật đậm chất dân gian nhưng mang hơi thở của sự sáng tạo đương đại, đã phản ánh đời sống văn hóa của các dân tộc Việt Nam trong một tinh thần lạc quan, hứng khởi, trân trọng quá khứ, nỗ lực dựng xây, hướng tới một tương lai phồn vinh, thịnh vượng.

Ông khẳng định: "Đây là món quà tinh thần để khép lại năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước và tiến về phía trước với những bước phát triển sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên trên các lĩnh vực, trong đó có văn hóa, thể thao và du lịch. Sang năm tới, chúng ta sẽ cùng nỗ lực để có một kỳ Olympic Paris 2024 thành công và đáng nhớ."

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thông qua nghệ thuật, đêm diễn đã chuyển tải được đến công chúng Pháp vẻ đẹp của di sản cũng như công tác bảo tồn, tôn tạo di sản của Việt Nam trong thời gian qua, để những bạn bè Pháp chưa đến Việt Nam sẽ yêu thương mảnh đất này, còn những ai đến rồi thì ngưỡng mộ và muốn quay trở lại.

Chương trình nghệ thuật cũng là sự giao thoa giữa hai nền văn hóa. Không chỉ giúp công chúng Pháp hiểu thêm về văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các nghệ sỹ cũng đã trình bày những tác phẩm nghệ thuật Pháp thông qua nhạc cụ dân tộc Việt Nam, để thấy được tính độc đáo của văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Về phía Thượng nghị sỹ Jérémy Bacchi, ông bày tỏ sự vui mừng khi nhận thấy trong nửa thập kỷ qua, hai nước và hai dân tộc Pháp và Việt Nam đã duy trì được tình hữu nghị bền chặt về mọi mặt, cả về kinh tế và văn hóa. Mối quan hệ đó không ngừng được cải thiện trong suốt nửa thế kỷ.

Ông Bacchi nhấn mạnh: "Năm nay 2023 chúng ta chứng kiến nhiều hoạt động kỷ niệm mối quan hệ song phương. Tối nay tiếp tục là một sự kiện thành công nữa trong việc tổ chức các lễ kỷ niệm, qua đó góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước và hai dân tộc.

Tôi nghĩ rằng nước Pháp và nhân dân Pháp đã hiểu nhiều hơn về văn hóa Việt Nam, thông qua lịch sử anh hùng của nhân dân Việt Nam cũng như sự lạc quan tuyệt vời của các bạn trong việc nỗ lực đạt được các mục tiêu đề ra, từ đó giúp chúng tôi nhận thấy thế giới này đẹp hơn rất nhiều."

Nhìn lại một năm với nhiều sự kiện quan trọng, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho rằng đêm văn hóa Việt Nam tại Pháp là một trong những hoạt động nổi bật và sôi động của năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược Việt-Pháp.

Đại sứ đánh giá: “Trong năm qua, chúng ta đã có hàng loạt hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ giao lưu văn hóa nghệ thuật mà còn về trao đổi các chuyến thăm lãnh đạo cao cấp, hàng loạt các cuộc hội thảo, các chuyên đề khác nhau về khoa học, giáo dục đào tạo, nông nghiệp, giao thông vận tải, y tế…

Tất cả những hoạt động đó giúp chúng ta có một năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt-Pháp hết sức thành công, phản ánh được độ sâu rộng của quan hệ giữa hai nước, những tình cảm gắn bó giữa hai dân tộc, nhưng đồng thời cũng là những hoạt động giúp đối tác hai bên cùng trao đổi, suy ngẫm để vươn tới những tầm cao mới trong quan hệ song phương trong thời gian tới, đưa quan hệ này ngày càng hiệu quả và sâu sắc hơn, làm cho tình hữu nghị giữa hai nước ngày càng bền chặt hơn.”

Từ hát then, hầu đồng - những Di sản Văn hóa Phi Vật thể được UNESCO công nhận là đại diện cho nhân loại, đến những điệu múa sôi động của các dân tộc Dao, Cao Lan, hay âm hưởng núi rừng Tây Nguyên của đàn T'rưng, những tiết mục đặc sắc do các nghệ sỹ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Bắc thể hiện trong “Đêm Văn hóa Việt Nam” tại nhà hát Trianon đã mang đến cho bạn bè Pháp một ấn tượng sâu đậm về nét đa dạng của văn hóa Việt Nam.

Đêm nhạc kết thúc với âm hưởng của bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” dần khép lại một năm sôi động với nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp nhưng nó cũng mở ra một giai đoạn mới với mong muốn đưa mối quan hệ hai nước lên một tầm cao mới vì lợi ích của hai dân tộc.

HỘI TỪ THIỆN SEN VÀNG BERLIN LAN TỎA YÊU THƯƠNG ĐẾN NHỮNG MẢNH ĐỜI KHÓ KHĂN

10 năm qua, Hội Từ thiện Sen vàng Berlin đã xây 20 nhà tình nghĩa, 16 cây cầu nông thôn, 3 trường học, bếp ăn, sân chơi; tặng hàng nghìn xe lăn cho các trường hợp khó khăn ở trong nước.

Tối 19/11, Hội Từ thiện Sen vàng Berlin đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập. Trải qua một thập kỷ hoạt động tích cực, đến nay Hội Từ thiện Sen vàng Berlin, với 120 thành viên, đã trở thành cầu nối mang nụ cười, niềm vui, hạnh phúc đi khắp muôn phương và “tình đoàn kết, sự yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ chính là chìa khóa thành công.”

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Từ thiện Sen vàng, bà Dương Thị Bích Ngọc, đã điểm lại những dấu mốc của hành trình 10 năm hoạt động, cảm ơn, tri ân các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, cá nhân đã đồng hành suốt từ những ngày đầu với vỏn vẹn 8 thành viên.

Đặc biệt trong gần 3 năm đại dịch COVID-19, thời điểm khó khăn nhất, khi mà không chỉ người dân trong nước, mà cả bà con đang sinh sống tại Đức và châu Âu cần sự giúp đỡ, sứ mệnh của Hội Từ thiện Sen vàng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, bà Ngọc cho biết ban đầu, từ chỗ chỉ mong muốn được góp một phần nhỏ bé sức lực để giúp những người gặp hoàn cành khó khăn, nhưng rồi càng làm, chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, bà hiểu rằng càng có thêm sức mạnh càng giúp đỡ được nhiều người.

Cùng với quyết định mở rộng hội, ý tưởng mỗi thành viên đóng góp 10 euro/tháng để những người nghèo “có tấm lòng từ thiện” cũng có thể tham gia, đã ra đời.

Vượt qua khó khăn, vất vả, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái luôn là “kim chỉ nam” để hội hoạt động đến ngày nay.

Dù chưa quá lớn, sau 10 năm kêu gọi, kết nối với nhiều đơn vị từ thiện, các doanh nghiệp, "mạnh thường quân" cùng chung tay, Hội Từ thiện Sen vàng đã quyên góp được số tiền gần 600.000 euro. Trong đó, với hơn 210.000 euro được huy động trong gần 3 năm đại dịch khó khăn nhất, phải thừa nhận rằng đây là nỗ lực không hề nhỏ của “120 trái tim, cùng chung một nhịp đập”.

Ngoài những khoản kêu gọi cho những dự án cụ thể, toàn bộ phí hoạt động của hội được trích từ chính số tiền gây quỹ đều đặn hàng tháng của các thành viên, với 100% sử dụng cho mục đích từ thiện.

Tổng kết sau 10 năm, Hội Từ thiện Sen vàng đã xây dựng 20 căn nhà tình nghĩa, 16 cây cầu nông thôn, 3 trường học, 1 bếp ăn, 1 sân chơi; tặng hàng nghìn xe lăn cho các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Huế, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Trà Vinh, Hà Giang, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Hà Nội, Hải Phòng..., Hội Từ thiện Sen vàng còn nhận nuôi 5 trẻ mồ côi ở Việt Nam sau đại dịch COVID-19.

Không chỉ tập trung vào các hoạt động trong nước như hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa, người tàn tật, tặng học bổng, tổ chức Tết Trung Thu cho các trẻ em nghèo người dân tộc thiểu số, tặng áo ấm, quà Tết, phát cháo và sữa thường kỳ cho bệnh nhân tại khoa tim mạch Bệnh viện E Hà Nội…, mà trong thời kỳ dịch bệnh căng thẳng tại Đức, Hội Từ thiện Sen vàng còn kêu gọi may khẩu trang, găng tay, nấu những suất ăn để tri ân các y bác sỹ tuyến đầu của 2 bệnh viện Charite Mitte và Chirite Wedding Berlin, đóng góp và ủng hộ những nạn nhân bão lụt ở Đức, cũng như hỗ trợ người dân châu Phi.

Đặc biệt, trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, hội đã tổ chức nhiều chiến dịch phát đồ ăn thức uống, các nhu yếu phẩm cho người Việt Nam ở Ukraine sang Đức lánh nạn, chuyển 200 chiếc xe lăn cho Ukraine giúp những người bị thương.

Phát biểu tại buổi lễ, Tham tán Công sứ Chu Tuấn Đức đã ghi nhận những đóng góp và tấm lòng hảo tâm của các thành viên Hội Từ thiện Sen vàng Berlin, đánh giá cao vai trò của hội trong hoạt động thiện nguyện, đặc biệt trong thời điểm khó khăn nhất, khi phải đối mặt với dịch bệnh, đói nghèo...

Theo ông Chu Tuấn Đức, tinh thần “lá lành đùm lá rách", những hoạt động cụ thể, thiết thực của hội, đã giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống.

Những hoạt động đầy ý nghĩa của hội không chỉ được cộng đồng ghi nhận, sau hành trình 10 năm, Hội đã nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của Đại sứ quán, Bộ Ngoại giao và nhiều địa phương trong nước.

Đặc biệt nhất là 3 Bảng vàng lưu danh khi tham gia chương trình “Tổ quốc linh thiêng", “Thầm lặng nơi tuyến đầu” và “Vì sự nghiệp dân sinh Việt Nam".

Nhân dịp này, Tham tán Chu Tuấn Đức đã trao giấy khen của Đại sứ quán cho Hội Từ thiện Sen vàng và 5 cá nhân đã có thành tích và đóng góp nhiều nhất cho hoạt động của hội.

Giữ văn hóa truyền thống Việt tại Australia

(Ảnh minh họa).

Với mong muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa Việt, thời gian qua, nhiều cô dâu, chú rể là người gốc Việt đang sinh sống, làm việc tại Sydney (Australia) đã chọn tổ chức đám cưới theo kiểu truyền thống Việt.

Đó cũng là lý do nếu có cơ hội đi trên đường phố Sydney sôi động, hiện đại, một ngày nào đó, bạn có thể tưởng như mình đang ở Việt Nam khi nhìn thấy một đám hỏi, đám cưới với chiếc cổng hoa, các phù rể, phù dâu mặc áo dài truyền thống trao và đón những chiếc tráp bày trầu cau, bánh phu thê, bánh cốm...

Cô gái có sáng kiến tiên phong tổ chức đám cưới ở Australia theo phong cách Việt là Đỗ Thanh Hà, sinh năm 1994, người Hải Phòng, sang xứ kangaroo du học từ năm 2011. Hà vốn là người rất yêu áo dài Việt Nam. Vì vậy, Hà cũng là người mở cửa hàng có quy mô đầu tiên chuyên bán áo dài truyền thống Việt tại khu Cabramatta, Sydney.

Hà chia sẻ: “Khi mới sang Australia, tôi chưa thấy có cửa hàng nào lớn chuyên về áo dài Việt Nam mà đa phần áo dài chỉ được bán dưới dạng xách tay với số lượng ít, mẫu mã hạn chế. Trong khi đó, rất nhiều bà con, cô bác người Việt tại Australia có nhu cầu mặc áo dài diện phố và trong các sự kiện quan trọng”.

Rất nhanh, Hà quyết định kết nối với các cửa hàng, thợ may áo dài truyền thống ở Việt Nam để đưa áo dài sang Australia. Bản thân Hà cũng thường xuyên đi về Việt Nam để tham khảo, chọn lựa những chất liệu và mẫu áo dài mới nhất mang qua xứ kangaroo. Được ngắm và mặc thử những chiếc áo dài may bằng lụa, gấm (của các làng nghề lụa Việt Nam), áo có thêu, in họa tiết phong cảnh, hoa sen, cúc, chùa Một Cột... nhiều bà con Việt kiều xúc động, sắm cho mình vài bộ áo dài.

Ngoài ra, Hà còn cung cấp áo dài cách tân với cổ tròn, tay bồng để đáp ứng thị hiếu của các bạn trẻ vừa muốn giữ nét truyền thống nhưng vẫn thích có sự trẻ trung, hiện đại. Từ áo dài, Hà tiếp tục mở rộng sang dịch vụ tổ chức đám cưới truyền thống Việt Nam tại Australia. Rất nhiều cô dâu, chú rể là các du học sinh, hay là người Australia gốc Việt thế hệ thứ hai, thứ ba... tìm tới đăng ký dịch vụ. Nhiều cô dâu, chú rể là người bản xứ lấy chồng, vợ là người Việt cũng ủng hộ ý tưởng tổ chức đám cưới truyền thống Việt Nam và còn bày tỏ vinh dự khi được mặc áo dài truyền thống dành cho nam trong đám cưới.

Vì là đám cưới theo kiểu Việt nên từ khâu tổ chức, bài trí cũng đều toát lên nét văn hóa Việt. Những chiếc cổng chào kết hoa, phía trên treo biển bằng chữ tiếng Việt. Trên ban thờ bày mâm quả, có xôi gấc đậu xanh, bánh phu thê được làm đúng kiểu Việt Nam.

Hà tâm sự: “Càng ở xa quê hương, tôi càng cảm nhận được ý thức giữ gìn cội rễ và niềm tự hào được là người Việt Nam trong kiều bào rất mãnh liệt”.

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Lào

Ngày 20/11, tại Trường Song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du ở thủ đô Vientiane, Lào, đã diễn ra lễ kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2023) và trao quà của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho giáo viên dạy tiếng Việt của nhà trường.

Tới dự buổi lễ có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào; đại diện Hội người Việt Nam tại thủ đô Vientiane; cán bộ, giáo viên cùng đông đảo các bậc phụ huynh và các em học sinh của nhà trường.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Sivanheuang Phengkhammay, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, ngoài việc dạy cho các em học sinh không chỉ giỏi về tri thức, mỗi giáo viên nhà trường còn xác định nhiệm vụ quảng bá về đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp, thân thiện và đặc biệt chú trọng việc giáo dục cho các em học sinh thấm nhuần về mối quan hệ thủy chung, tình đoàn kết hữu nghị vĩ đại giữa hai nước Việt Nam-Lào.

Nhắn nhủ đến các em học sinh cố gắng học tập thật tốt, dành nhiều bông hoa điểm 9, điểm 10 tặng thầy cô, bà Sivanheuang cũng đề nghị các em học sinh cần phấn đấu hơn nữa, không được phép hài lòng với hiện tại và luôn tu dưỡng rèn luyện bản thân tốt về mọi mặt, để có thể “bay cao, bay xa” hơn nữa.

Đại diện cho hơn 1.000 học sinh nhà trường, em Phạm Trương Thiên Ân, học sinh lớp 11A đã thể hiện lòng biết ơn sâu sắc tới các thầy cô đã ngày đêm không quản ngại vất vả, miệt mài dạy dỗ học sinh.

Nhân dịp này, thay mặt Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Hội người Việt Nam thủ đô Vientiane đã trao 51 phần quà với tổng giá trị gần 18.500 USD tặng giáo viên Trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du. Những phần quà được trao tặng đúng trong lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam cũng thể hiện sự quan tâm, tri ân, đồng thời động viên các thầy cô giáo không ngừng khắc phục khó khăn, nỗ lực hơn nữa trong sự nghiệp trồng người cao cả.

Cũng tại buổi lễ, các thầy cô giáo và các em học sinh Trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du cùng biểu diễn những tiết mục văn nghệ và ôn lại truyền thống Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và tri ân những thầy cô giáo.

Nguồn: VietnamPlus; Quê Hương Online; Quân Đội Nhân Dân; Thời Đại

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang