Người Việt hải ngoại: Cung cấp kiến thức cho DHS Úc; Một số bang Úc từ chối học sinh; Kết nối nhân tài; Tiệm phở bị đóng cửa ở Mỹ

DỰ ÁN CUNG CẤP KIẾN THỨC, KỸ NĂNG CHO TÂN DU HỌC SINH VIỆT NAM TẠI AUSTRALIA

Dự án “Future Queenslanders” (Những người bang Queensland tương lai) nhằm cung cấp các kiến thức và kỹ năng mà các bạn sinh viên sống xa nhà cần có để có thể làm quen với đời sống du học.

Thấu hiểu sự hoang mang, lo lắng của các tân du học sinh, từ tháng 1-3/2024, Hội Sinh viên Việt Nam tại bang Queensland, Australia (AVSQ) đã tổ chức thành công dự án “Future Queenslanders” (tạm dịch: Những người bang Queensland tương lai) nhằm cung cấp các kiến thức và kỹ năng mà các bạn sinh viên sống xa nhà cần có để có thể làm quen với đời sống du học.

Dự án là sự kết hợp giữa các kiến thức bổ ích và các hoạt động thực tế cũng như những trò chơi đầy thú vị. Đây không chỉ là một dự án thông tin đơn thuần, mà còn là cơ hội để cộng đồng du học sinh Việt Nam tại bang Queensland làm quen và gần gũi với nhau hơn.

Dự án bao gồm 3 sự kiện - hay còn được gọi là 3 “Milestone,” được tổ chức ở cả Việt Nam và Australia trong 3 tháng. 3 sự kiện này gồm Queensland Biết Tuốt, AVSQ O-Week và Trạng nguyên về Làng.

Chia sẻ về ý nghĩa của dự án, bạn Quản Nguyễn Quỳnh Anh - Trưởng Dự án, cho biết Hội Sinh viên Việt Nam tại bang Queensland, Australia, muốn mang đến cho người tham gia, đặc biệt là những du học sinh mới sang Australia, những trải nghiệm đáng nhớ nhất và hy vọng qua chuỗi sự kiện này, các bạn sinh viên có thêm những người bạn mới, phần nào hiểu được cuộc sống của du học sinh và cảm giác được gắn kết với những du học sinh Việt Nam khác.

Sự kiện Queensland Biết Tuốt, hay còn gọi là “Milestone 1," là sự kiện đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam nhằm giới thiệu với các bạn học sinh Việt Nam về bang Queensland nói chung và thành phố Brisbane nói riêng, cũng như cuộc sống của một du học sinh thực thụ thông qua những chia sẻ gần gũi xoay quanh 3 chủ đề chính: đời sống, học tập và việc làm. Ngoài ra, đây còn là tiền đề cho 2 “Milestone” sau.

Tiếp nối Queensland Biết Tuốt, “Milestone 2” có tên AVSQ O-week, được tổ chức tại thành phố Brisbane nhằm cung cấp kiến thức cũng như chia sẻ kinh nghiệm thực tế cho du học sinh Việt Nam khi mới đặt chân tới thành phố Brisbane. Sự kiện kéo dài trong một tuần với 3 ngày chia sẻ (19/2, 22/2 và 25/2).

Trong “Milestone 2," các bạn sinh viên được lắng nghe những thông tin bổ ích và những chia sẻ về trải nghiệm cũng như kinh nghiệm thực tế từ những du học sinh đã có thời gian học tập, sinh sống và làm việc tại thành phố Brisbane khi gặp vấn đề về tài chính hay sức khỏe, những thông tin như cách học ở trường, cách viết luận dễ dàng…

Sau 2 “Milestone” chia sẻ thông tin và những hoạt động thực hành, “Future Queenslanders” kết thúc bằng sự kiện “Trạng Nguyên về Làng” - hay còn gọi là “Milestone 3." Đây là một sự kiện giải trí và hoạt động thể chất thuần túy nhằm mục đích gắn kết cộng đồng học sinh, sinh viên Việt Nam tại Australia thông qua những trò chơi giải đố thể thao.

Sự kiện cũng chào đón những người Việt Nam khác nhau tại bang Queensland, từ các du học sinh lâu năm đến những người đã đi làm. Vì vậy, sự kiện là nơi để cộng đồng Việt Nam tại Queensland gắn bó và có một khoảng thời gian thư giãn vào cuối tuần.

“Trạng Nguyên về Làng” đã thu hút 40 người Việt Nam, được chia làm 8 đội chơi. Sự kiện được chia làm hai phần là thi văn và thi võ.

Trong phần thi văn, 8 đội chơi được giao nhiệm vụ giải những câu đố liên quan tới các triển lãm tại Bảo tàng Queensland và Triển lãm Nghệ thuật Queensland.

Ở phần thi võ, các đội tham gia một loạt trò chơi thể thao như nhảy dây, nhảy bao bố và chạy zíc zắc. Sau hai phần thi, ban tổ chức tính điểm để tìm ra Trạng Nguyên.

Được thành lập ngày 18/6/2021 dưới sự hỗ trợ từ Đại sứ quán Việt Nam tại Australia và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney, Hội Sinh viên Việt Nam tại bang Queensland là một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào các chương trình phát triển kỹ năng, định hướng nghề nghiệp cho các bạn sinh viên tại bang Queensland nói riêng và tại Australia nói chung, cũng như các sự kiện vui chơi giải trí giúp gắn kết cộng đồng.

Thời gian tới, Hội Sinh viên Việt Nam tại bang Queensland sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện nhằm hỗ trợ phát triển kỹ năng, đồng thời gắn kết cộng đồng du học sinh Việt Nam tại bang Queensland. Mục tiêu của hội đã trở thành chỗ dựa vững chắc trên con đường du học tại Australia cho các bạn sinh viên Việt Nam.

VÌ SAO MỘT SỐ BANG CỦA ÚC TỪ CHỐI HỌC SINH BỐN TỈNH VIỆT NAM?

Vi phạm thị thực được cho là nguyên nhân khiến học sinh một số tỉnh của Việt Nam bị từ chối tại một số bang của Úc, mới nhất là bang New South Wales.

Sở Giáo dục bang New South Wales là trường hợp mới nhất thông báo tạm ngưng nhận đơn đăng ký nhập học từ bốn tỉnh tại Việt Nam.

Theo đó, vào sáng 12/3, các đối tác tuyển sinh du học tại Việt Nam của bang New South Wales nhận được thông báo từ DE International – ban quốc tế của Sở Giáo dục New South Wales – cho biết bang này sẽ tạm ngưng nhận hồ sơ của học sinh từ bốn tỉnh, bao gồm Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Ninh.

Một trong những đối tác tuyển sinh của bang chia sẻ với BBC News Tiếng Việt rằng chi phí đăng ký nhập học đã nộp trước đó của những bộ hồ sơ trên sẽ được hoàn trả.

Quyết định của Sở Giáo dục bang New South Wales áp dụng cho những học sinh muốn đến học bậc phổ thông công lập.

‘Giọt nước tràn ly’

Một nguồn tin thân cận với cơ quan giáo dục tại New South Wales cho BBC biết quyết định này chỉ ảnh hưởng bốn tỉnh trên và không ảnh hưởng đến bất kỳ địa phương nào khác của Việt Nam.

Theo một số nguồn tin, quyết định trên được đưa ra do sự gia tăng vi phạm quy định thị thực gần đây của sinh viên từ một số tỉnh thành Việt Nam. Hiện trạng này đã được báo cáo lên Bộ Nội vụ Úc.

Nguồn tin thận cận với cơ quan giáo dục nói trên cho biết quyết định nối lại hợp tác với bốn địa phương trên sẽ được xem xét lại trong tương lai.

Đơn vị truyền thông của Sở Giáo dục New South Wales không trả lời thắc mắc của BBC News Tiếng Việt về việc liệu quyết định của sở có khiến các học sinh từ các địa phương trên đang theo học tại bang sẽ bị phân biệt đối xử hay không.

Không chỉ New South Wales, vào tháng 2/2024, Sở Giáo dục bang Nam Úc cũng đã tạm ngưng tiếp nhận đơn đăng ký vào các trường phổ thông công lập của học sinh từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Các quyết định trên được đưa ra trùng hợp với tình trạng có một số du học sinh Việt Nam đột nhiên biến mất khi đang theo học tại Úc.

Trang News.com.au vào ngày 12/1/2024 đưa tin cảnh sát đang tìm kiếm bốn học sinh người Việt Nam biến mất trong vòng một tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Có nhiều nghi vấn là những học sinh này chủ động bỏ trốn để ở lại làm việc.

Không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa hiện tượng học sinh bỏ trốn và quyết định ngưng nhận học sinh của các bang nói trên. Tuy nhiên, một số nguồn tin của BBC cho rằng hai điều này có liên quan.

Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt, Tiến sĩ luật Nguyễn Thành Tô của Công ty Solis Lawyers từ Úc cho biết giai đoạn 2022 – 2023, chính phủ Úc có động thái nới lỏng việc xét duyệt cho thị thực du lịch và du học vì đây là hai ngành kinh tế quan trọng, có thể giúp quốc gia này thúc đẩy tăng trưởng hậu COVID-19. Tuy nhiên, nhiều trường hợp lợi dụng sự dễ dàng này để đến Úc và đi làm trái phép, buộc chính phủ Úc phải bắt đầu siết chặt lại quá trình xét duyệt thị thực.

“Về quyết định của Sở Giáo dục New South Wales mới đây cũng như Sở Giáo dục Nam Úc trước đó, tôi quan sát thấy rằng những địa phương bị ảnh hưởng là những địa phương có nhiều du học sinh sang Úc học nhưng không hoàn thành chương trình. Điều này khiến cơ quan chức năng nghi ngờ mục đích thật sự của các du học sinh đó. Sự việc những học sinh dưới 18 tuổi mất tích bí ẩn vào đầu năm nay mà gia đình các em vẫn dửng dưng chính là giọt nước làm tràn ly,” ông Tô đánh giá.

Học sinh Việt Nam bị ảnh hưởng

Giám đốc một công ty tư vấn du học lâu năm ở Đà Nẵng chuyên về du học Úc đánh giá với BBC News Tiếng Việt rằng, quyết định của bang New South Wales tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh ở các tỉnh thành khác của Việt Nam, nhưng việc du học Úc của các em sẽ gặp một số khó khăn nhất định.

Vị giám đốc nói rằng trong thời gian sắp tới, các trung tâm dịch vụ du học sẽ kiểm tra hồ sơ kỹ lưỡng hơn nhiều so với trước đây, đặc biệt là phần lý lịch và khả năng tài chính. Bà cho biết Canada cũng có động thái siết chặt thị thực du học tương tự.

“Đối với những khách hàng từ Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, chúng tôi đã thông báo đến họ và gợi ý họ chuyển hồ sơ con em mình sang các quốc gia khác hoặc các bang khác ở Úc,” vị giám đốc bổ sung.

Thống kê của Bộ Giáo dục Úc tính đến tháng 12/2023 cho thấy Việt Nam có gần 33.000 du học sinh tại Úc, xếp thứ sáu trong số các nước có sinh viên theo học ở nước này.

Trả lời BBC News Tiếng Việt qua email vào ngày 15/3, người phát ngôn Sở Giáo dục New South Wales cho biết:

“Chúng tôi đánh giá cao Việt Nam với tư cách là đối tác giáo dục quốc tế cũng như đánh giá cao học sinh Việt Nam tại các trường công lập ở New South Wales. Chúng tôi dự định sẽ tiếp tục mối quan hệ hợp tác chặt chẽ này.”

KẾT NỐI NHÂN TÀI NGƯỜI VIỆT Ở NƯỚC NGOÀI

Chia sẻ với TG&VN trước thềm Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng lần thứ hai được tổ chức tại Pháp, GS.TS. Nguyễn Đức Khương - Chủ tịch Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), bày tỏ kỳ vọng sự kiện là nơi khơi nguồn cảm hứng để những người có tầm ảnh hưởng ở nhiều lĩnh vực khác nhau đề xuất các sáng kiến và hành động thiết thực giúp đất nước vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn.

Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng (Vietnam Global Leaders Forum – VGLF) được tổ chức rất thành công tại Pháp năm 2019. Với chủ đề “Nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam”, đâu là hiệu ứng tích cực của sự kiện cho đến nay, thưa ông?

VGLF lần thứ nhất là một trong những thách thức lớn nhất của AVSE Global thời điểm đó. Khi bắt đầu, điều duy nhất mà ai trong chúng tôi cũng tin tưởng mạnh mẽ là nhân tài Việt Nam có mặt ở khắp nơi và luôn có tình yêu lớn với đất nước.

Càng vào cuộc và gần đến ngày diễn ra sự kiện thì điều này càng trở nên đúng. Gần 300 người Việt là những doanh nhân, trí thức có tầm ảnh hưởng đến từ 25 nước đã tập hợp tại Paris để cùng thảo luận và kết nối nguồn lực, đánh thức tiềm năng đất nước, góp phần vào sự phát triển chung của Việt Nam.

Chủ đề “Nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam” của VGLF 2019 như là sợi chỉ kết nối mọi người. Có lẽ, ai cũng thấy tự hào là một người Việt Nam, mong muốn đưa tên tuổi, tinh thần và giá trị Việt vươn tầm ra biển lớn.

Sự ra đời của Mạng lưới người Việt có tầm ảnh hưởng (Vietnam Global Leaders Network - VGLN) là kết quả thứ nhất thấy được ngay tại sự kiện.

Tinh thần của Diễn đàn tiếp tục được nuôi dưỡng và lan tỏa vào rất nhiều chương trình dự án do AVSE Global phối hợp với các cá nhân, tổ chức thực hiện.

Nổi bật nhất là các dự án tham vấn và tư vấn chính sách cho một số tỉnh thành trong nước, ra mắt cuốn sách Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng của tác giả Trần Tuệ Tri (Giám đốc Thương hiệu và truyền thông AVSE Global), những kết nối phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (V-Space)…

Trở lại sau năm năm, VGLF 2024 có những nội dung và diện mạo gì mới?

Trước hết, Diễn đàn đã xác định được sứ mệnh của mình, coi đây như kim chỉ nam để vững vàng đi những bước tiếp theo.

Đó là tập hợp, kết nối sức mạnh trí tuệ tập thể của những người Việt và gốc Việt ưu tú, có ảnh hưởng trong chuyên môn, giàu khát vọng đóng góp cho đất nước và khơi dậy tinh thần đoàn kết cùng đem đến lợi ích chung cho Việt Nam.

Chọn chủ đề “Việt Nam - Vươn mình trong biến động” (Vietnam Thriving in Change) cho VGLF 2024 lần này cũng rất gần với thực tiễn.

Trong gần 20 năm trở lại đây, thế giới trải qua nhiều biến động lớn, khủng hoảng có, chiến tranh có và đại dịch có. Chu kỳ lên xuống của nền kinh tế thế giới cũng ngày một ngắn lại.

Bên cạnh đó, còn có cạnh tranh địa chính trị, các thách thức thời đại như biến đổi khí hậu hay yêu cầu tăng trưởng xanh…

Tất cả các yếu tố này tạo nên một thế giới liên tục thay đổi, khó dự báo. Do vậy, suy nghĩ tìm một con đường để cùng nhau đi đến thịnh vượng, tăng trưởng toàn diện bảo đảm bền vững xã hội và môi trường rất có ý nghĩa.

Ngoài các phiên tổng thể về con đường thịnh vượng chung và lãnh đạo trong thế giới biến động, 100 khách mời tiêu biểu sẽ tham gia các đối thoại chuyên đề tập trung vào sức mạnh của văn hóa trong phát triển, câu chuyện nâng tầm vị thế công nghệ, năng lực phục hồi kinh tế và công bằng xã hội và bền vững.

Ban tổ chức muốn truyền tải thông điệp và kỳ vọng gì về Diễn đàn năm nay?

Những năm vừa qua, Việt Nam thường được quốc tế đưa ra như một ví dụ điển hình về năng lực “vươn mình trong biến động”.

Với chủ đề này, Ban tổ chức VGLF 2024 mong muốn truyền tải thông điệp về sự cầu thị, tinh thần linh hoạt, sáng tạo và năng lực thích ứng cao cũng như khát vọng của Việt Nam đi đến thịnh vượng cùng với bạn bè, đối tác năm châu.

Chúng tôi kỳ vọng, Diễn đàn là nơi khơi nguồn cảm hứng để những người có tầm ảnh hưởng nhiều lĩnh vực khác nhau đề xuất các sáng kiến và hành động thiết thực giúp đất nước vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn.

AVSE Global được thành lập từ năm 2011 với mục đích tập hợp những trí thức, chuyên gia cấp cao và nhà khoa học uy tín trên nhiều lĩnh vực ở phạm vi toàn cầu. Xin ông cho biết thành tựu nổi bật của tổ chức sau 13 năm hoạt động?

AVSE Global có một mạng lưới chuyên gia và nhà khoa học đông đảo, đang sinh sống và làm việc ở hơn 20 quốc gia khác nhau. 11 mạng lưới chuyên môn là những nguồn lực quý báu cho năm mảng hoạt động lớn gồm: Tham vấn - tư vấn chính sách, Tri thức và dự án, Hội thảo và diễn đàn chính sách, Nghiên cứu và phát triển và Đào tạo cao cấp.

Trên mảng tham vấn - tư vấn chính sách, chúng tôi đã có vinh dự được đồng hành cùng nhiều địa phương trong nước trong các dự án quy hoạch phát triển kinh tế xã hội như Yên Bái, Quảng Trị, Bạc Liêu, và TP. Hồ Chí Minh.

Hiện AVSE Global có chuỗi 16 hội thảo và diễn đàn chính sách, quy tụ hơn 2.000 chuyên gia trong nước và quốc tế hàng năm, trên những chủ đề sống còn của tương lai như năng lượng tái tạo, chuyển đổi khí hậu, quản trị chuỗi cung ứng, tài chính – ngân hàng…

Thành công lớn nhất là chúng tôi cùng nhau trải nghiệm những chuyến công tác thực tế tại các địa phương và tạo dựng được văn hóa trí tuệ tập thể để đưa những kiến thức khoa học công nghệ vào thực tiễn chính sách và các bài toán phát triển.

Nghị quyết 45-NQ/TW cùng với Đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” được Chính phủ phê duyệt trong năm 2023 đều chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước với những cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng nhân tài. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

Theo tôi, đây là những bước tiến quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam trong việc phát triển đội ngũ trí thức, chuyên gia và nhà khoa học.

Ý nghĩa lớn nhất ở đây là trọng dụng nhân tài và tạo điều kiện cho họ đóng góp hiệu quả hơn cho sự phát triển của đất nước.

Việc kết nối nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài giúp tạo ra một mạng lưới trí thức Việt rộng khắp, làm cầu nối cho các hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và thế giới.

Ở giai đoạn phát triển sắp tới trong tầm nhìn Việt Nam 2045, Việt Nam phải thu hút được nhiều nguồn lực từ bên ngoài và là điểm đến của tài năng thì khả năng bứt phá mới cao được.

Cùng với VGLF 2024, AVSE Global có những hướng đi mới nào để phát huy hơn nữa chủ trương và chính sách của Nhà nước đối với nguồn lực kiều bào?

Có rất nhiều chủ đề mà chúng tôi đang nung nấu như công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, thị trường phát thải carbon, hay những tác động đến chính sách vĩ mô của mục tiêu phát thải ròng bằng 0…

Tuy nhiên, “một cây làm chẳng nên non”, chúng tôi chờ đợi ngày gặp gỡ các đại biểu của VGLF 2024 để cùng chia sẻ tầm nhìn và kế hoạch hành động chung.

MỸ: TIỆM PHỞ BUỘC PHẢI ĐÓNG CỬA VÌ ‘BỐC MÙI’, CÁC DÂN BIỂU GỐC VIỆT CAN THIỆP

Một nhà hàng Việt Nam ở thành phố Portland, bang Oregon, Hoa Kỳ đã buộc phải đóng cửa vào tuần rồi vì đơn khiếu nại từ một hàng xóm ẩn danh than phiền về mùi thức ăn. Tuy nhiên, các giới chức địa phương và dân biểu gốc Việt đã kịp phản ứng khiến thành phố phải đình chỉ việc điều tra và xử phạt nhà hàng.

“Họ nói có một resident (cư dân) không thích mùi thịt nướng, (cư dân) đó nói rằng mỗi lần họ đi ra ngoài họ ngửi thấy mùi đó họ khó chịu và họ không dám mở cửa sổ ra vì mở cửa sổ thì mùi đó bay vô nhà họ mà họ không thích”, anh Eddie Dong, chủ nhà hàng Pho Boga, kể lại với VOA và cho biết anh đã nhận được lời giải thích trên từ thành phố Portland sau khi nhận được giấy phạt 1,908 USD vì mùi thức ăn của nhà hàng vào cuối năm 2022.

Sau đó, anh Eddie tìm cách thay đổi giờ nướng thịt vào thời gian cư dân xung quanh ít đi lại hoặc sắp đi ngủ.

“Làm như vậy nhưng họ cũng không chịu. Họ nói là còn mùi, rồi người inspector (thanh tra) xuống ngửi mùi và nói mình gắn máy lọc cho hết mùi. Mình nhờ người đến coi máy hút khói và đưa ống khói lên cao hơn để khỏi bay xuống dưới nhưng city (thành phố) cũng không chịu, họ nói cái đó cũng không thay đổi được”, anh Eddie cho VOA biết thêm.

Theo lời anh, máy lọc mùi mà thành phố khuyến nghị có giá khoảng 35.000-40.000 USD, nhưng cũng không ai dám đảm bảo sẽ không còn mùi nên lại tìm cách khác.

“Mình nướng thịt ở chỗ khác rồi đem về. Nhưng mấy tháng sau họ lại khiếu nại, nói rằng không phải mùi thịt nữa mà là mùi chiên xào, phở, nước lèo… Mình gọi họ và nói rằng như vậy là tất cả Menu (thực đơn) của tôi hết rồi. Anh nói tôi đóng cửa chứ gì? Họ nói ‘Tôi không nói anh đóng cửa. Tôi chỉ nói anh sửa thôi. Anh làm sao thì làm’. Tôi nói: ‘Tôi (gắn máy lọc mùi) mà anh không bảo đảm thì tôi làm làm gì. Thôi tôi đóng cửa cho rồi’. Rồi tôi bán (hàng) tuần cuối rồi đóng cửa”, anh Eddie Dong cho biết.

Trước ngày đóng cửa, anh nhận được giấy phạt thứ hai yêu cầu nộp phạt 908 USD. Nếu không đóng cửa, trong tháng 3 này, anh sẽ nhận được giấy phạt tiếp theo hơn 3.000 USD, anh Eddie cho biết thêm.

Vi phạm ‘mùi’

Nhà hàng Pho Gabo của anh Eddie Dong đã hoạt động được 6 năm. Trước đó, tiệm đã trải qua 2 đời chủ, với tổng cộng đến nay đã là 30 năm nhưng chưa từng bị than phiền về mùi thực phẩm hay gặp bất cứ trở ngại nào cho tới khi sự việc này xảy ra.

Sau khi anh Eddie dán thông báo đóng cửa tiệm, thông tin này đã được khách hàng đưa lên mạng xã hội và truyền thông địa phương, khiến Nghị viên thành phố Carmen Rubio lên tiếng.

“Tôi rất quan ngại và đang đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về tác động tiêu cực của chính sách này”, bà Rubio nói trong một đăng tải trên Facebook hôm 6/3 và cho biết văn phòng bà đã gặp chủ doanh nghiệp bị ảnh hưởng và từ đó đã chỉ đạo Cục Dịch vụ Phát triển tạm dừng lập tức các khiếu nại về mùi liên quan đến các cơ sở thực phẩm và đưa ra đánh giá ngay lập tức về quy định liên quan để đưa ra khuyến nghị thay đổi.

Theo những giấy phạt mà anh Eddie nhận được, lý do xử phạt của thành phố là dựa trên quy định về mùi hôi có số mã 33.262.070, trong đó cho phép địa phương phạt hành chính đối với các chủ doanh nghiệp vi phạm quy định, để cho mùi hôi làm ảnh hưởng đến dân cư.

“Mục tiêu của tôi là thấy những thay đổi về mã diễn ra càng sớm càng tốt”, Nghị viên Rubio viết.

‘Tiền lệ nguy hiểm’

Năm nhà lập pháp cấp bang người Mỹ gốc Việt, bao gồm các dân biểu Daniel Nguyen, Hai Pham, Thuy Chan, Hoa Nguyen và Khanh Phạm hôm 6/3 cũng đồng ký tên vào thông cáo báo chí, hoan nghênh chỉ thị của Nghị viên Rubio sau khi đến làm việc trực tiếp với anh Eddie.

“Với tư cách là những nhà lãnh đạo được bầu chọn trong cộng đồng người Việt, chúng tôi tin rằng việc đóng cửa Pho Gabo sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và gửi đi một thông điệp đáng lo ngại về giá trị của sự đa dạng văn hóa ở Portland”, các hãng truyền thông địa phương WW và KATU dẫn thông cáo báo chí nói.

“Chúng tôi tin rằng, như đã được viết và thi hành hiện nay, quy định về mùi hôi của thành phố mang tính phân biệt đối xử và không khách quan theo bất kỳ tiêu chuẩn nào”, thông báo nói thêm.

Các nhóm cộng đồng và thương mại cũng đã lên tiếng về quy định khiến nhà hàng Pho Gabo phải đóng cửa.

“Đối với các vi phạm quy tắc khác, chẳng hạn như tiếng ồn, độ rung và thậm chí ánh sáng chói, có những tiêu chuẩn khách quan, có thể đo lường được nhưng đáng ngạc nhiên là quy tắc của thành phố viết về vi phạm ‘mùi’ là hoàn toàn chủ quan”, Hiệp hội Nhà hàng & Nhà nghỉ Oregon nói và cho biết thành phố không đưa ra bất kỳ loại thiết bị nào để kiểm tra hay đo “mùi hôi” ngoài mũi của viên thanh tra, nên đã yêu cầu thành phố ngừng thực thi ngay lập tức quy định mà hiệp hội cho là không công bằng này.

APANO, một nhóm công bằng xã hội của bang Oregon chuyên hỗ trợ cho người châu Á-Thái Bình Dương, lập luận trong một tuyên bố rằng những nhận thức về mùi có thể “bị ảnh hưởng bởi thành kiến bài ngoại” và “tác động không cân đối đến các doanh nghiệp thuộc sở hữu của người da đen, bản địa và da màu, vốn là những doanh nghiệp mang lại sự sống động và đa dạng về văn hóa cho các khu vực lân cận của chúng ta”.

Trên trang change.org, một kiến nghị kêu gọi hỗ trợ cho Pho Gabo yêu cầu thành phố “chấm dứt các khoản xử phạt bất công và bảo vệ sự đa dạng ẩm thực của Portland” đã đạt được gần 3.500 chữ ký trong chỉ tiêu 5.000 chữ ký, tính đến sáng 14/3.

Anh Eddie Dong nói với VOA rằng chính sự hỗ trợ từ khách hàng và các dân biểu gốc Việt đã giúp cho các giới chức địa phương phải xem xét lại quy định có thể gây thiệt hại cho rất nhiều doanh nghiệp giống như nhà hàng của anh trong tương lai.

Nguồn: VTV4; BBC; Báo Quốc Tế; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang