Mỹ: Mạng di động gặp sự cố; Cuộc chơi lớn của Intel; Phi thuyền đáp xuống mặt trăng; Cần Đạo luật Chip mới; Tăng cấm vận Nga

Nhiều mạng di động ở Mỹ đồng loạt gặp sự cố chưa rõ nguyên nhân

Tính tới khoảng 9 giờ 30 phút sáng 22/2 theo giờ miền Đông nước Mỹ, AT&T có hơn 73.000 trường hợp mạng di động ngừng chạy, trong đó có các địa điểm như Houston, Atlanta và Chicago.

Ngày 22/2, hàng nghìn người dùng ở Mỹ sử dụng dịch vụ điện thoại di động của các nhà cung cấp mạng viễn thông AT&T, Cricket Wireless, Verizon, T-Mobile, USMobil... đã gặp sự gây gián đoạn các cuộc gọi và tin nhắn, cũng như dịch vụ khẩn cấp tại các thành phố lớn, bao gồm cả San Francisco.

Dữ liệu của trang mạng Down Detector chuyên theo dõi tình trạng ngừng hoạt động cho biết tính tới khoảng 9 giờ 30 phút sáng 22/2 theo giờ miền Đông nước Mỹ, AT&T có hơn 73.000 trường hợp mạng di động ngừng chạy, trong đó có các địa điểm như Houston, Atlanta và Chicago.

Sự cố bắt đầu xảy ra vào khoảng 3 giờ 30 phút sáng cùng ngày và cổ phiếu của công ty đã giảm 2,5% trong phiên giao dịch buổi sáng.

Tuyên bố của AT&T, nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn nhất Mỹ với hơn 290 triệu khách hàng thuê bao mạng 5G, nêu rõ: "Sáng nay, một vài khách hàng của chúng tôi bị đình trệ dịch vụ mạng điện toán không dây. Chúng tôi đang nỗ lực khôi phục dịch vụ cho họ. Chúng tôi khuyến khích khách hàng sử dụng tính năng gọi điện thoại qua Wi-Fi cho tới khi mọi thứ bình thường trở lại."

Theo các bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X (trước đây là Twitter) của các cơ quan chính phủ ở một số thành phố của Mỹ, việc ngừng hoạt động đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các dịch vụ khẩn cấp bằng cách quay số 911 của người dân.

Sở Cứu hỏa San Francisco cho biết trên X: "Chúng tôi biết về một vấn đề ảnh hưởng đến khách hàng không dây của AT&T trong việc thực hiện và nhận bất kỳ cuộc gọi điện thoại nào (bao gồm cả tới 911)."

Sở Cảnh sát quận Prince William ở Virginia và Sở Cảnh sát Charlotte-Mecklenburg ở North Carolina cũng đăng những tuyên bố tương tự trên nền tảng này.

Trong số các nhà mạng khác, Cricket Wireless có hơn 13.000 trường hợp bị đình trệ, Verizon có hơn 4.000 trường hợp, T-Mobile có hơn 1.800 thuê bao bị ảnh hưởng, còn Boost Mobile có khoảng 700 số điện thoại bị ngắt mạng.

Tuy nhiên, T-Mobile và Verizon cho biết mạng của họ vẫn hoạt động bình thường và việc ngừng hoạt động có thể liên quan đến việc khách hàng đang cố gắng kết nối với các mạng khác.

Hiện nguyên nhân dẫn tới đình trệ các mạng điện thoại di động ở Mỹ vẫn chưa rõ ràng./

Cuộc chơi lớn của Intel trong chiến lược của Mỹ

Sau nhiều đồn đoán, Intel đã chính thức công bố chiến lược phát triển mảng đúc chip bán dẫn như một bước đi quan trọng trong nỗ lực của Mỹ nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng ngành này.

Hôm qua (22.2, theo giờ Việt Nam), sự kiện Intel Foundry Direct Connect đã diễn ra tại TP.San Jose (bang California, Mỹ).

Intel Foundry Direct Connect được xem là một sự kiện quan trọng của ngành chip bán dẫn khi có sự tham gia trực tuyến của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo và Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc (CEO) Microsoft Satya Nadella. Ngoài ra còn có sự hiện diện trực tiếp của ông Rene Haas - CEO Arm, ông Sam Altman - CEO OpenAI, ông Aart de Geus - CEO kiêm nhà sáng lập Synopsys, cùng lãnh đạo của nhiều tên tuổi trong ngành công nghệ như Siemens, MediaTek…

Cuộc chơi của Intel

Tại sự kiện này, ông Pat Gelsinger, CEO Intel, chính thức công bố ra mắt Intel Foundry - doanh nghiệp đúc chip hệ thống đầu tiên trên thế giới - để đáp ứng kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI).

Ông Gelsinger cho rằng: "AI đang thay đổi thế giới và cách chúng ta định nghĩa về công nghệ và chất bán dẫn để hỗ trợ sức mạnh ngược lại cho chính AI. Điều này đã mang đến cơ hội chưa từng có cho những nhà thiết kế chip sáng tạo nhất trên thế giới và cho Intel Foundry, nhà máy gia công theo hệ thống đầu tiên toàn cầu phục vụ cho kỷ nguyên AI".

Theo đó, Intel Foundry hướng đến tối ưu hóa toàn bộ hệ thống đúc chip đồng bộ cao từ sản xuất đến đồng bộ phần mềm nhằm đáp ứng kỷ nguyên AI đang bùng nổ. Intel và hệ sinh thái liên quan cho phép khách hàng đổi mới trên toàn bộ hệ thống. Như thế, Intel giờ đây không chỉ là nhà phát triển chip mang thương hiệu chính mình mà còn mở ra mảng đúc chip để sản xuất chip cho các đối tác với một hệ sinh thái toàn diện để đáp ứng từng yêu cầu chuyên biệt của đối tác. Intel đặt ra tham vọng trở thành công ty đúc chip lớn thứ 2 thế giới vào năm 2030.

Cũng tại sự kiện trên, đại diện các đối tác liên quan như Synopsys, Cadence, Siemens, Ansys, Lorentz và Keysight khẳng định đã sẵn sàng để phối hợp cùng Intel trong chiến lược trên.

Intel cũng đã công bố việc mở rộng lộ trình "4 năm 5 nốt" (đạt được 5 bước tiến về tiến trình chip bán dẫn trong 4 năm). Cụ thể hơn, Intel công bố sẽ hướng đến quy trình 14A - tức sản xuất chip đạt tiến trình 1,4 nm - để nối tiếp quy trình 18A (sản xuất chip tiến trình 1,8 nm) vốn đang được xúc tiến ngay trong năm nay.

Phát biểu tại sự kiện trên dưới hình thức trực tuyến, Chủ tịch kiêm CEO Microsoft Satya Nadella tuyên bố rằng Microsoft đã chọn một thiết kế chip mà họ dự định sản xuất trên quy trình Intel 18A để hợp tác với Intel.

Thách thức không nhỏ

Việc xúc tiến quy trình 18A rồi 14A được xem là chiến lược của Intel nhằm giành lại vị thế tiên phong về quy trình sản xuất chip, bởi tập đoàn này vẫn đang sản xuất chip tiến trình 5 nm trong khi Samsung (Hàn Quốc) và TSMC (Đài Loan) đang sản xuất chip tiến trình 3 nm. Cả 3 tên tuổi này đang chạy đua để sớm sản xuất chip bán dẫn tiến trình 2 nm trong năm 2025. Samsung đặt ra mục tiêu sản xuất chip 1,4 nm vào năm 2027 và TSMC cũng đặt ra mục tiêu tương tự. Chính vì thế, Intel sẽ đối mặt sự cạnh tranh không nhỏ từ Samsung và TSMC.

Cuộc chạy đua quy trình chip càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh AI bùng nổ đòi hỏi những chip bán dẫn có hiệu suất vượt trội để đáp ứng các tác vụ phát triển AI. Tuy nhiên, một thách thức không nhỏ phải kể đến là rút ngắn các bước phát triển quy trình chip bán dẫn dẫn đến việc giá thành tăng lên, do các quy trình sản xuất không tối ưu hóa chi phí.

Chuyện không chỉ của Intel

Về mảng đúc chip, dù đưa ra mục tiêu cho Intel Foundry là xếp thứ 2 thế giới về đúc chip, nhưng Intel không tiết lộ dự kiến sẽ đứng sau đối thủ nào.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint, TSMC hiện đang dẫn đầu ngành đúc chip toàn cầu với thị phần 60%, tiếp theo là Samsung với 13%, thứ ba là UMC (Đài Loan) chiếm 6%. Trong bối cảnh eo biển Đài Loan thường xuyên căng thẳng, việc lệ thuộc quá lớn vào những nhà đúc chip của Đài Loan trở thành nguy cơ tiềm ẩn cho Mỹ, nhất là giữa lúc Mỹ - Trung cạnh tranh căng thẳng.

Phát biểu qua hình thức trực tuyến tại Intel Foundry Direct Connect, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Raimondo nhấn mạnh: "Chúng ta cần đa dạng chuỗi cung ứng chip bán dẫn, tăng cường hoạt động sản xuất của ngành này ngay tại nước Mỹ, đặc biệt là các loại chip tiên tiến vốn cần thiết để phát triển AI".

Bà Raimondo khẳng định Mỹ cần giữ vững vị thế tiên phong về công nghệ tiên tiến và việc đảm bảo năng lực tự chủ về sản xuất chip bán dẫn sẽ giúp đạt được mục tiêu vừa nêu.

Chính vì thế, Intel Foundry có thể sẽ có vai trò chiến lược để hoàn thiện hệ thống cung ứng về chip bán dẫn trong chiến lược tăng cường tự chủ toàn diện của Mỹ về vấn đề này.

Phi thuyền tư nhân đầu tiên của Mỹ đáp thành công xuống mặt trăng sau nửa thế kỷ

Một tàu vũ trụ do công ty Intuitive Machines ở Texas chế tạo và vận hành đáp xuống gần cực nam của mặt trăng hôm 22/2, theo Reuters. Đây là cuộc đổ bộ đầu tiên của Hoa Kỳ lên bề mặt mặt trăng trong hơn nửa thế kỷ qua và là lần đầu tiên khu vực tư nhân đạt được thành tựu này.

Robot đổ bộ gồm 6 chân không có người lái, được đặt tên là Odysseus, đáp xuống lúc khoảng 6h23 chiều ngày 22/2, giờ miền đông Hoa Kỳ, công ty Intuitive Machines và các nhà bình luận của NASA cho biết trong một webcast chung về cuộc đổ bộ từ trung tâm điều hành phi thuyền của Intuitive Machines ở Houston.

Ông Tim Crain, giám đốc sứ mệnh của Intuitive Machines, nói với trung tâm điều hành: “Thiết bị của chúng tôi đang ở trên bề mặt mặt trăng và chúng tôi đang truyền tín hiệu, vì vậy xin chúc mừng nhóm IM”. Ông nói thêm: “Chúng ta sẽ xem chúng ta có thể nhận được gì nhiều hơn từ đó”.

Ông Bill Nelson, Giám đốc NASA, ngay lập tức ca ngợi đây là một “đại thắng” và nói rằng “Tàu Odysseus đã chiếm được mặt trăng”.

Cuộc đổ bộ hôm 22/2 là chuyến đáp có kiểm soát đầu tiên xuống bề mặt mặt trăng của tàu vũ trụ Hoa Kỳ kể từ khi phi tuyền Apollo 17 đáp xuống hành tinh này vào năm 1972, khi ấy phi thuyền của NASA đáp xuống đó cùng với các phi hành gia Gene Cernan và Harrison Schmitt.

Cho đến nay, mới chỉ có các tàu của 4 quốc gia khác đã từng đáp xuống trên mặt trăng - Liên Xô cũ, Trung Quốc, Ấn Độ và gần đây nhất là Nhật Bản vào tháng trước. Hoa Kỳ là nước duy nhất từng đưa con người lên bề mặt mặt trăng.

Sự xuất hiện của tàu Odysseus cũng đánh dấu “việc đáp xuống êm ái” đầu tiên trên mặt trăng bằng một phương tiện do giới thương mại sản xuất và vận hành, và là lần đầu tiên trong chương trình mặt trăng Artemis của NASA, khi Hoa Kỳ chạy đua để đưa các phi hành gia trở lại vệ tinh tự nhiên của trái đất trước khi Trung Quốc cho tàu vũ trụ của họ đáp xuống đó.

Mặc dù Odysseus là ngôi sao mới nhất trong chương trình CLPS của NASA nhưng chuyến bay IM-1 được coi là một sứ mệnh của hãng Intuitive Machines. Hãng này do ông Stephen Altemus, cựu phó giám đốc Trung tâm vũ trụ Johnson của NASA ở Houston và hiện là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của hãng, đồng sáng lập vào năm 2013.

Mỹ cần một Đạo luật Chip mới

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết nước này cần thêm một Đạo luật Chip và Khoa học nếu muốn dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn.

Đạo luật Chip và Khoa học trị giá 52 tỷ USD được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký vào năm 2022. Theo Đạo luật này, khoản tài trợ thứ ba và lớn nhất từ trước đến nay trị giá 1,5 tỷ USD được chuyển cho nhà sản xuất chip GlobalFoundries, có trụ sở tại New York vào đầu tuần này.

Hiện tại, Intel cũng nằm trong số những công ty đang tranh giành nguồn tài trợ từ Đạo luật này. Theo các nhà phân tích và quan chức nắm rõ tình hình, mặc dù Bộ Thương mại Mỹ vẫn chưa công bố số tiền trong gói tài trợ trị giá 52 tỷ USD sẽ cấp cho Intel, nhưng nhà sản xuất chip Mỹ dự kiến ​​sẽ nhận được một phần đáng kể.

Trong động thái mới nhất, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói tại sự kiện của xưởng đúc Intel Foundry Direct Connect, ở San Jose, California rằng: “Intel là một công ty dẫn đầu của Mỹ, có vai trò rất lớn trong quá trình hồi sinh ngành bán dẫn của Mỹ”, đồng thời cho biết, Intel nên chuẩn bị sẵn sàng để sớm công bố nhận thêm các nguồn tài trợ theo Đạo luật Chip và Khoa học.

Bà cũng chia sẻ thêm rằng: “Tôi hết hơi khi phải chạy nhanh nhất có thể để triển khai Đạo luật Chip và Khoa học đầu tiên”.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ, Gina Raimondo, chỉ riêng Đạo luật Chip và Khoa học trị giá 52 tỷ USD đầu tiên là không đủ để Mỹ giành lại vị trí dẫn đầu trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, bà đã đưa ra nhận xét này trong một cuộc phỏng vấn với Giám đốc điều hành Intel, Pat Gelsinger tại sự kiện của công ty.

Bà nhận định rõ: “Tôi cho rằng sẽ phải có thêm Đạo luật Chip và Khoa học thứ hai, hoặc một loại hình đầu tư tiếp tục nào đó, nếu Mỹ muốn dẫn đầu thế giới trong ngành bán dẫn, đáp ứng đủ và kịp nhu cầu về công nghệtrí tuệ nhân tạo (AI)”.

Ngoài ra, Gina Raimondo cũng chỉ ra nhu cầu tính toán của trí tuệ nhân tạo, đồng thời nói thêm rằng, mình đã nói chuyện với Giám đốc điều hành OpenAI, Sam Altman (người đang làm việc để đảm bảo chính phủ Mỹ chấp thuận cho một liên doanh lớn nhằm thúc đẩy sản xuất chip AI trên toàn cầu).

Mỹ cấm vận thêm 500 cá nhân, thực thể của Nga

Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ mở rộng lệnh cấm vận đối với Nga và đưa thêm 500 cá nhân, thực thể có liên quan đến Moskva vào danh sách trừng phạt.

Ngày 23/2, Reuters dẫn lời Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết, Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn 500 cá nhân, thực thể của Nga. Động thái này nhằm thể hiện lập trường kiên định của Mỹ đối với khủng hoảng ở Ukraine khi xung đột đã sắp bước sang năm thứ 3.

Ông Adeyemo cho biết, lệnh cấm vận mới sẽ được thực hiện với sự hợp tác của các quốc gia đồng minh nhằmvào tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga và các công ty ở các nước thứ ba tạo điều kiện cho Nga tiếp cận hàng hóa mà họ muốn.

“Ngày 23/2, chúng tôi sẽ ban hành hàng trăm lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, điều quan trọng là không chỉ có Mỹ thực hiện những trừng phạt này” , ông Adeyemo nhấn mạnh.

Các lệnh cấm vận mới nhất chỉ là một phần trong số hàng nghìn lệnh trừng phạt nhắm vào Moskva được Mỹ và các đồng minh công bố sau Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt. Sau hai năm xung đột, thiệt hại về người của cả hai bên lên đến hàng chục nghìn người và phá hủy nhiều thành phố.

Các hình phạt mới được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh tìm cách duy trì áp lực lên Nga, bất chấp nghi ngờ về việc liệu Quốc hội Mỹ có phê chuẩn hỗ trợ an ninh bổ sung cho Kiev hay không.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cạn ngân sách có thể chi bổ sung viện trợ cho Ukraine và chỉ có thể trông chờ vào sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ đối với gói viện trợ quân sự bổ sung.

“Các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu sẽ làm chậm lại sự phát triển của Nga, khiến họ gặp khó khăn hơn trong việc tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine" , ông Adeyemo nói thêm. Ông cũng cho rằng các lệnh cấm vận không thể giúp Ukraine mạnh lên và Quốc hội Mỹ cần phải hành động để cung cấp cho Ukraine những nguồn lực và vũ khí mà họ cần.

Các chuyên gia cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt không đủ để ngăn chặn các cuộc tấn công của Moskva.

Peter Harrell, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết: “Những gì Quốc hội Mỹ làm để thông qua viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác mà họ có thể làm trên mặt trận trừng phạt”.

Bộ Tài chính vào tháng 12 cho biết nền kinh tế Nga đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, suy giảm 2,1% vào năm 2022.

Rachel Lyngaas, Chuyên gia kinh tế cho biết trên trang web của Bộ Tài chính Mỹ rằng quy mô của nền kinh tế Nga giảm hơn 5% so với dự đoán trước đó.

Tuy nhiên, kinh tế Nga vẫn đạt kết quả trên mức mong đợi, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của Nga sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm 2024 sau mức tăng trưởng vững chắc 3,0% vào năm 2023.

Tuy nhiên, người phát ngôn của IMF Julie Kozack hôm 22/2 cho biết, "rõ ràng là Nga hiện đang ở trong nền kinh tế chiến tranh", với chi tiêu quân sự thúc đẩy sản xuất vũ khí, trợ cấp xã hội của chính phủ thúc đẩy tiêu dùng và lạm phát đang gia tăng còn ở những lĩnh vực khác lại đang giảm.

Nguồn: VietnamPlus; Thanh Niên; VOA; VTC; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang