Minh bạch thu hồi đất; Khắc phục dự án 'treo'; Siêu cảng có động tới khu dự trữ sinh quyển; Sống tạm bợ vì quy hoạch treo

Minh bạch trong thu hồi đất

(Ảnh minh họa).

Chiều 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Thu hồi, trưng dụng đất là nội dung nhận được nhiều ý kiến của nhân dân.

2 loại ý kiến về thu hồi đất

Trình bày tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo luật lấy ý kiến nhân dân.

Theo Phó Thủ tướng, thu hồi, trưng dụng đất (chương VI) là nội dung nhận được nhiều ý kiến của nhân dân. Tiếp thu các ý kiến góp ý, dự thảo luật đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 75 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa. Quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất đối với các loại công trình công cộng từng lĩnh vực; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật cần thiết khác.

Đồng thời, rà soát làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh tại Điều 74; các trường hợp thu hồi đất do vi phạm để phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan như Luật Đầu tư, các Luật về thuế, làm rõ hành vi của cơ quan quản lý hoặc của người vi phạm tại Điều 77.

Thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và ý kiến nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, làm rõ tiêu chí về sự cần thiết đối với các trường hợp thu hồi đất để làm công trình văn hóa, thể thao, cơ sở an dưỡng, nghỉ dưỡng, nhà khách của lực lượng vũ trang nhân dân do các công trình này có thể vừa phục vụ cả quốc phòng và dân dụng theo quy định tại Điều 74 dễ dẫn đến thiếu minh bạch về trường hợp thu hồi đất, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, nội dung về thu hồi đất rất được cử tri, nhân dân quan tâm. Dự thảo luật đã có quy định cụ thể tuy nhiên cần minh bạch quá trình, tiêu chí, điều kiện thu hồi đất để đảm bảo đúng tiêu chí, tránh khiếu kiện. “Cần làm rõ khái niệm thế nào là “phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh”? Thế nào là phục vụ mục đích phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng?”-bà Nga chỉ rõ và đề nghị cần quy định thật rõ ràng cụ thể, dự liệu các trường hợp xảy ra trong thực tế để đảm bảo tính chặt chẽ và khả thi trong áp dụng pháp luật.

Quy định cụ thể trong luật việc xây dựng, áp dụng bảng giá đất

Về bảng giá đất, ông Thanh cũng đề nghị, quy định cụ thể trong luật về việc xây dựng và áp dụng bảng giá đất vì đây là cấu thành của cơ chế xác định giá đất như Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu. “Một số ý kiến đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể trong dự thảo luật về các phương pháp định giá đất và trường hợp áp dụng cụ thể để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong định giá đất. Có ý kiến đề nghị thu hẹp các phương pháp định giá đất, cân nhắc ưu tiên sử dụng phương pháp hệ số điều chỉnh. Xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, nghiên cứu chỉnh sửa quy định tại điểm i khoản 3 Điều 155 về bảng giá đất được dùng làm căn cứ tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước theo hướng chặt chẽ hơn, bảo đảm không tạo kẽ hở trong chính sách để trục lợi”-ông Thanh cho hay.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, các nội dung cần phải tiếp tục rà soát để hoàn thiện sâu sắc hơn như: Cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều diện tích đất hoặc đầu cơ hoặc chậm sử dụng đất, bỏ hoang đất; quản lý tiết kiệm, hiệu quả nguồn thu từ đất giữa Trung ương và địa phương; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản; cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững; kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, qua rà soát nhận thấy kết quả lấy ý kiến nhân dân có quy mô và thực hiện tốt, được nhân dân quan tâm với trên 12 triệu lượt ý kiến. Do đó nên có hình thức báo cáo lại với nhân dân về việc lấy ý kiến và tiếp thu giải trình ý kiến nhân dân. Theo đó ít nhất phải đăng tải công khai báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng. Tuy nhiên thẩm tra sơ bộ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho rằng, những tồn tại, hạn chế, bất cập trong báo cáo chưa tương xứng với nội dung về kết quả đạt được; thiếu số liệu chi tiết để đánh giá đầy đủ, chính xác về phạm vi, tính chất, mức độ và nguyên nhân những tồn tại, hạn chế.

(Nguồn: CafeF)

Khắc phục quy hoạch dự án "treo"

Cương quyết loại bỏ dự án đã giao đất nhưng không thực hiện; chấm dứt chủ trương đầu tư, thu hồi các dự án thiếu khả thi và trễ kéo dài

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã công bố một số dự án quy hoạch "treo" được điều chỉnh, hủy bỏ. Điều này là cần thiết để bớt đi thiệt hại, lãng phí và tạo điều kiện thu hút chủ đầu tư khác, người dân sửa chữa nhà cửa, tách thửa hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Quy hoạch "treo" cản trở sự phát triển

Quy hoạch cũng chính là cách con người suy nghĩ cho chiến lược phát triển, bố trí sắp xếp các vấn đề trong đời sống xã hội. Mỗi nét trên bản vẽ sẽ trở thành cơ sở chính sách pháp lý đối với vị trí và quy mô cho các dự án được hình thành, công trình trên hiện trường sau này.

Đây cũng là hiệu ích còn lại cho thực thể vật chất, cụ thể là các dự án và công trình sau khi triển khai hoàn thành ảnh hưởng đến con người, kinh tế - xã hội, văn hóa lâu dài. Yếu tố quyết định sự thành, bại trong phạm vi rộng. Nếu làm tốt, sẽ bảo đảm tính khả thi, thu hút được nguồn lực, phát triển bền vững. Ngược lại, có thể gây lãng phí lớn, cản trở sự phát triển.

TP HCM là đô thị lớn tập trung nhiều người, dân cư đông và giá cả đắt đỏ hơn các tỉnh, thành khác. Đây cũng là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, hoạt động nhiều lĩnh vực trọng điểm, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng và xã hội.

Tất nhiên phải có quy hoạch làm cơ sở quản lý, triển khai phục vụ phát triển. Nhưng mặt trái của những quy hoạch, dự án thiếu tính khả thi và "treo" kéo dài nếu được hủy bỏ thì cũng đã tổn thất cũng không nhỏ. Một đồng tiền cho phát triển đã phải trả giá bằng nhiều đồng tiền cho đầu tư phát triển.

Mỗi lần "xới" lên thông tin quy hoạch dự án "treo" luôn được dư luận quan tâm. TP HCM vừa qua đã thành lập tổ công tác giải quyết các vấn đề quy hoạch dự án "treo" trên địa bàn. Người dân hy vọng một khi có tổ công tác với đầy đủ thành phần các cơ quan chức năng sẽ có hành động mạnh mẽ hơn, giải quyết hiệu quả vấn đề quy hoạch dự án "treo".

Cần có đầu mối chịu trách nhiệm

Sau khi rà soát, hãy cương quyết loại bỏ những quy hoạch dự án đã giao đất nhưng không thực hiện, chấm dứt chủ trương đầu tư, thu hồi các dự án thiếu khả thi và chậm trễ kéo dài.

Việc cương quyết xử lý các vi phạm này sẽ hạn chế tình trạng hoang hóa đất tại thành phố, góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong đầu tư xây dựng phát triển, điều chỉnh giá trị đất cho những dự án có hiệu quả cao hơn với nhu cầu thật sự triển khai khẩn trương.

Ví dụ, với phần diện tích đất mà chủ đầu tư chưa thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và hiện do các hộ dân đang trực tiếp quản lý sử dụng trong chồng lấn giữa dự án khu dân cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh) và khu dân cư Rạch Miễu (quận Phú Nhuận), UBND TP HCM đã có quyết định thu hồi cuối năm 2015. Cơ quan chức năng cần đưa ra khỏi ranh quy hoạch để giảm bớt thiệt hại cho các hộ bị quy hoạch bởi dự án "treo" này.

Đã đến lúc xem xét lại khâu cán bộ thuộc bộ máy tham mưu, quản lý. Cần có đầu mối chịu trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý đối với việc lập, phê duyệt và triển khai quy hoạch dự án.

Tránh cơ chế xin - cho, xé lẻ dự án khu dân cư gây ra manh mún, không đồng hạ tầng, xảy ra tranh chấp kéo dài vì chủ đầu tư nào cũng muốn giữ lại quy hoạch dự án.

Trong công tác lập, phê duyệt quy hoạch dự án cần quy định chặt chẽ hơn, như buộc phải có sự phối hợp đồng bộ trong quản lý trên cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn, đặc biệt chứng minh được nguồn lực để tổ chức thực hiện và cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân.

Ngoài ra, lấy ý kiến người dân bị ảnh hưởng một cách thực chất, đưa ngay vào kế hoạch sử dụng đất để chính quyền quận/huyện theo dõi và HĐND TP HCM giám sát.

Cơ quan chức năng cần lấy ý kiến người dân một cách thực chất để kịp phát hiện những bất cập; giám sát đúng mức để có biện pháp xử lý kịp thời, không để kéo dài dự án "treo".

Đối với dự án khu dân cư, khu đô thị phải đồng thời xác định cụ thể, chính xác vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi thực hiện dự án và phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án thu hồi đất.

Chủ đầu tư đóng khoản tiền thế chân phù hợp theo tỉ lệ phần trăm mức đầu tư cam kết lộ trình triển khai dự án theo kế hoạch, nếu không thực hiện cam kết thì khoản chi phí này sử dụng hỗ trợ các trường hợp bị thiệt hại.

Riêng với quy hoạch dự án khu dân cư, khu đô thị nên ưu tiên hướng đến hình mẫu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) có chức năng đa mục tiêu, khả thi, hiệu quả bằng giải pháp tổng hợp về kinh tế, y tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, siêu thị, giao thông, nhà ở, không gian công cộng…

Như vậy vừa thu hút đầu tư xã hội hóa đồng bộ cơ sở hạ tầng, hạn chế chia cắt cục bộ và giải bài toán kinh tế cho quy hoạch dự án, nguồn vốn khả thi, chủ đầu tư có năng lực.

(Nguồn: Người Lao Động)

Siêu cảng tỉ USD có 'động tới' khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ?

(Ảnh minh họa).

Bên cạnh giá trị kinh tế, vị trí của cảng trung chuyển Cần Giờ có ảnh hưởng tới khu dự trữ sinh quyển hay không, có tác động bất lợi đến hệ sinh thái Cần Giờ hay không là yếu tố quan trọng hàng đầu được nhiều người dân TP.HCM quan tâm.

Chiều nay (12.5), UBND TP.HCM tổ chức Hội thảo "Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ".

Đủ "đồ chơi" cạnh tranh với Singapore

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết lịch sử phát triển của Sài Gòn - TP.HCM trong hơn 300 năm qua gắn liền với sự phát triển của cảng biển, vận tải biển. Đến nay, hạ tầng cảng biển của thành phố đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh theo quy hoạch, các cảng xây dựng đồng bộ, hiện đại, công nghệ mới, khai thác hiệu quả đã góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của cả khu vực phía nam.

Các Nghị quyết số 154 ban hành ngày 23.11.2022 của Chính phủ; Nghị quyết số 31 ngày 30.12.2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 81/2023/QH15 và Quyết định số 200/QĐ-UBND đều đặt mục tiêu nghiên cứu khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển khu vực Cần Giờ trở thành động lực mới cho TP.HCM; xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Trên cơ sở căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý nêu trên và thực tiễn phát triển của TP.HCM, đến nay đã hoàn thành dự thảo Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

"Huyện Cần Giờ - TP.HCM có vị trí địa lý tiếp giáp với Biển Đông, nằm giữa 2 cửa sông lớn, sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu, tiếp giáp sông Thị Vải, là các tuyến hàng hải quan trọng của cảng biển nhóm 4, hội tụ đủ điều kiện để phát triển cảng biển cửa ngõ quốc gia và trung chuyển quốc tế. Việc sớm triển khai xây dựng các cảng container của cảng biển trong giai đoạn 2021 - 2030 là cần thiết để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa hiện tại và trong tương lai từ nay đến 2030 của TP.HCM nói riêng cũng như các tỉnh Khu vực kinh tế trọng điểm phía nam nói chung" - lãnh đạo TP.HCM nhận định.

Trình bày tóm tắt dự án, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) khẳng định cảng Cần Giờ có tiềm năng rất lớn để cạnh tranh với các hub trung chuyển trong khu vực như Singapore hay Malaysia. Cụ thể, từ năm 1980 đến nay, tăng trưởng vận tải container ổn định từ 5 - 10%/năm. Sản lượng vận tải container tăng từ 36 triệu teu năm 1980 lên 237 triệu teu năm 2000, 545 triệu teu năm 2010, đến 2020 lên tới 816 triệu teu và dự kiến đạt 978 triệu teu vào năm 2025.

Trong đó, tỷ lệ hàng container trung chuyển đạt 28% - 30% tổng khối lượng hàng vận tải container toàn cầu, tương đương 274 – 293 triệu teu vào 2025. Đặc biệt, gần 60% khối lượng vận tải container toàn cầu qua biển Đông. Các cảng khu vực Đông Nam Á sẽ chiếm khoảng 30% lượng hàng trung chuyển, tương đương 82 – 88 triệu teu vào 2025. Công suất các cảng trung chuyển quốc tế Đông Nam Á hiện đạt gần 53,6 triệu teu. Như vậy, các cảng mới sẽ còn cơ hội "hứng" 28,4 – 34,4 triệu teu hàng trung chuyển.

"Bên cạnh vị trí, hiện nay, chi phí bốc xếp của Việt Nam cũng chỉ bằng khoảng 50% của Singapore. Chi phí bốc xếp hàng trung chuyển tính theo đề án chỉ bằng khoảng 60%. Cùng với đó, cự ly từ Thái Lan đến Cần Giờ chỉ bằng khoảng 40% từ Thái Lan đến Singapore, từ Phnom Penh tới Cần Giờ chỉ bằng 1/3 từ Phnom Penh đến Singapore, ước tính tiết kiệm cho các hãng tàu khoảng 1/4 chi phí nhiên liệu, tương đương với 13,2 triệu USD/năm nếu sử dụng Cần Giờ để trung chuyển thay cho cảng Singapore. Đây là những lợi thế cạnh tranh rất lớn của cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ" - ông Phạm Anh Tuấn nêu quan điểm.

Phát triển kinh tế nhưng phải giữ được môi trường Cần Giờ

Là lá phổi xanh của TP.HCM, mọi dự án khai thác kinh tế tại Cần Giờ đều nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân thành phố về tác động môi trường tới huyện đảo.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, cảng trung chuyển container quốc tế Cần Giờ thuộc vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, nằm trong vùng chuyển tiếp trên 2 cù lao cách vùng lõi khu dự trữ bằng sông Thêu rộng khoảng 1 km2. Khu vực này khá biệt lập, không ảnh hưởng tới Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Trong quy chế, khu vực chuyển tiếp vẫn được phép xây dựng ở mức độ phù hợp. Từ trước đến nay, toàn bộ hoạt động trên phía mặt sông Cái Mép - Thị Vải là hoạt động hàng hải, môi trường vốn đã phù hợp với việc tàu bè di chuyển ra vào.

Bên cạnh đó, với tính chất cảng trung chuyển container, phương thức được sử dụng chủ yếu là vận tải đường biển, không cần đầu tư quá nhiều về hạ tầng đường bộ kết nối. Dự kiến từ nay đến 2030, mọi hoạt động giao thông kết nối đều sử dụng đường thủy. Sau năm 2030, các tuyến đường bộ kết nối thực hiện theo quy hoạch của TP.HCM, đề xuất làm đường trên cao kết nối với đường Rừng Sác để giảm tối đa tác động đến môi trường. Chưa kể, nhà đầu tư chiến lược MSC cam kết xây dựng theo mô hình cảng xanh, cảng tự động, phát thải cực ít.

"Nhìn chung, ảnh hưởng của dự án đến môi trường là nhỏ. Đánh giá tác động của dự án cũng phải đánh giá cả 3 tiêu chí về địa điểm, tác động (quy mô, công nghệ khai thác, xử lý chất thải, địa điểm) và yếu tố nhạy cảm, bao gồm biện pháp giảm thiểu, công nghệ; phương án xây dựng, phương án khai thác, phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường..." - đại diện đơn vị nghiên cứu dự án thông tin thêm.

Đây cũng là một trong những điểm tâm đắc của chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đối với dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Hơn 20 năm "lăn lộn" khảo sát, tham gia cùng TP.HCM trong công tác di dời hệ thống cảng biển, nghiên cứu phát triển kinh tế Cần Giờ, TS Trần Du Lịch khẳng định đây là cơ hội rất tốt để TP.HCM thực hiện siêu dự án này. Việc phát triển Cần Giờ không chỉ đặt mục tiêu làm sao để người dân thoát nghèo, để đột phá kinh tế mà còn phải giữ được môi trường.

"Cảng trung chuyển quốc tế đảm bảo được hết các yếu tố này. Hơn nữa, dự án còn giải quyết được bài toán "độ vênh" giữa quy hoạch của nhà nước và ý định chọn địa điểm của nhà đầu tư. Hãng biển hàng đầu thế giới chọn vị trí mà TP.HCM bao năm qua nung nấu mong muốn phát triển. Đây là lợi thế rất lớn quyết định sự thành công của dự án. Vì thế, vấn đề hiện nay không phải làm hay không làm mà phải làm nhanh nhất có thể để không bỏ lỡ cơ hội đưa Cần Giờ thành đô thị phát triển thật sự, tạo sức bật cho toàn vùng kinh tế Đông Nam Bộ" - ông Lịch nhấn mạnh.

TS Trần Du Lịch cũng lưu ý phải coi vùng Cần Giờ là hub về hệ thống cảng của cả khu vực vùng Đông Nam Bộ cũng như quốc gia. Từ đó, Ban điều phối vùng Đông Nam Bộ phải phối hợp chặt chẽ trong lộ trình chuẩn bị, giải quyết khối lượng công việc cực lớn nhằm hoàn thành dự án đúng theo kỳ vọng vào năm 2027.

(Nguồn: Thanh Niên)

Sống tạm bợ vì vướng quy hoạch treo

Trong khi Hà Nội còn rất thiếu không gian xanh phục vụ cộng đồng thì nhiều dự án công viên ngay giữa trung tâm Thủ đô lại bị “treo” nhiều năm. Nguyên nhân vì vướng các khu dân cư nằm trong phạm vi dự án và khó khả thi việc di dời. Để tránh lãng phí những khoảng xanh quý giá, đồng thời tạo điều kiện ổn định cuộc sống người dân trong vùng quy hoạch, TP Hà Nội cần sớm có giải pháp hợp lý.

Hơn 20 năm qua, hàng trăm hộ dân tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội phải sống, chật chội trong những căn nhà xập xệ. Chẳng thể sửa chữa, cũng không được xây mới là tình trạng chung của các hộ dân nơi đây bởi dự án công viên hồ điều hòa Hạ Đình dù hàng chục năm vẫn đang nằm bất động trên giấy.

Những mảnh tường bong tróc, mái nhà chắp vá bằng các loại tấm lợp, căn nhà xiêu vẹo, xuống cấp dần theo thời gian nhưng cũng chẳng thể sửa chữa, anh Bảo và gia đình chỉ đành bất lực sống tạm bợ trong chính ngôi nhà của mình.

Anh cho biết, gia đình nằm trong khu vực dự án treo, chính vì vậy dẫu nhiều lần muốn được xây sửa lại căn nhà khang trang hơn để vừa sinh sống, vừa phục vụ sản xuất kinh doanh thế nhưng cũng không thể thực hiện.

Nguy cơ mất an toàn vẫn luôn thường trực, trong khi dự án vẫn chưa biết đến ngày triển khai hay phương án tái định cư, giải phóng mặt bằng chưa cụ thể khiến cho anh Bảo và nhiều hộ gia đình ở đây luôn nơm nớp lo sợ nhất là khi mùa mưa bão năm nay đang tới gần.

Không thể sống mãi trong căn nhà chật hẹp tồi tàn, một số hộ đã chấp nhận bị xử phạt để sửa chữa ngôi nhà xuống cấp này. Ông Đảm cho biết, bất đắc dĩ gia đình mới phải làm như vậy.Bởi theo thời gian dự án vẫn treo trên đầu nhiều năm, trong khi đó số lượng các thành viên của gia đình liên tục tăng khiến cuộc sống không khỏi ngột ngạt.

Dự án chậm tiến độ khiến đời sống của hơn 600 hộ dân đang sinh sống tại đây bị ảnh hưởng nặng nề. Thực tế cho thấy tại đây, các ngôi nhà cũ, mái lợp tôm, quây tạm đang ngày càng xuống cấp.

Không xin được giấy phép sửa chữa hay xây dựng dựng lại, thậm chí có gia đình phải chấp nhận đi thuê trọ nơi khác và đó cũng chính là câu chuyện của gia đình ông Tuấn Anh.

Căn nhà rộng 100m2 xây dựng từ năm 1996 nhưng đã xuống cấp trầm trọng như thế này. Trước nguy cơ mất an toàn, gia đình ông đành phải chuyển đi thuê trọ và xót xa khi chứng kiến căn nhà bị bỏ hoang 2 năm nay.

Đây cũng đang là câu chuyện buồn của nhiều hộ dân khác. Căn nhà bỏ hoang cùng bãi đất biến thành bãi rác tự phát này cũng là hệ lụy của dự án treo khi đất không thể xây nhà, còn nhà thì xuống cấp không thể sửa.

Ngay từ năm 2011, nhận thấy bất cập của quy hoạch này, UBND phường Hạ Đình và UBND quận Thanh Xuân (TP.Hà Nội) đã có văn bản báo cáo Sở quy hoạch kiến trúc và UBND TP.Hà Nội về thực trạng khu đất cũng như việc người dân không đồng thuận với quy hoạch.

Đặc biệt, trong đợt lấy ý kiến người dân về điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, phường Hạ Đình cũng như quận Thanh Xuân đã có đề xuất điều chỉnh lại quy hoạch Công viên hồ điều hòa Hạ Đình sao cho phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế.

Có thể nói, chủ trương xây dựng cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ cho lợi ích công cộng, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân là việc làm đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, việc quy hoạch cần được thực hiện hợp lý.

Các hộ dân nằm trong quy hoạch dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình đang rất kỳ vọng UBND quận Thanh Xuân và Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội sẽ tìm ra giải pháp để "gỡ khó" cho họ khi đã 21 năm dự án vẫn "treo. Và người dân nơi đây vẫn đang sống tạm bợ trong những căn nhà của chính mình.

(Nguồn: ANTV)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang