Mang quan tài đến nhà chủ hụi đòi nợ; Đâm gục 2 người vì câu nói; Đường dây rửa tiền xuyên quốc gia; Bị lừa vì chiêu trò 'cũ rích'

MANG QUAN TÀI ĐẾN NHÀ CHỦ HỤI ĐÒI NỢ

18 bị can là những người mang quan tài, chủ trại hòm, thợ làm ảnh thờ phục vụ việc gây áp lực đòi nợ chủ hụi tại TP Phan Thiết đã bị khởi tố về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.

Ngày 15-4, nguồn tin cho biết Cơ quan CSĐT Công an TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 18 người trong vụ mang quan tài gây áp lực đòi nợ chủ hụi để điều tra về hành vi "Gây rối trật tự công cộng".

Theo đó, công an đã ra quyết định khởi tố 13 bị can tội "Gây rối trật tự công cộng" theo Khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự. Đây là nhóm bị can tham gia bàn bạc, góp sức trực tiếp để mang quan tài, ảnh thờ, giấy vàng mả đến nhà chủ hụi Ngô Thị Loan Chi (SN 1991, hộ kinh doanh bao bì, gia vị trên đường Lê Văn Phấn, TP Phan Thiết) gây áp lực đòi nợ.

Cơ quan CSĐT Công an TP Phan Thiết cũng đã khởi tố thêm 5 đối tượng tội "Gây rối trật tự công cộng" Khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự. Nhóm đối tượng này bao gồm cả người tham gia bán quan tài, thợ ảnh bị khởi tố để điều tra với vai trò đồng phạm.

Tất cả 18 bị can được áp dụng bện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo điều tra ban đầu, do bức xúc trước việc chủ hụi Ngô Thị Loan Chi đã bỏ đi khởi nơi cư trú, trưa 10-11-2023, hàng chục người chơi hụi mang theo quan tài, vàng mã kéo đến trước nhà bà Chi để gây áp lực, đòi nợ.

Tại căn nhà của bà Chi, dù đã đóng kín cửa nhưng các con hụi vẫn mang quan tài, chuối xanh, cáo phó kèm khung ảnh thờ là hình của bà Chi để đặt trước nhà.

Đến ngày 18-11, Cơ quan CSĐT Công an TP Phan Thiết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với bà Ngô Thị Loan Chi về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đường dây hụi hàng chục tỉ đồng trên địa bàn TP Phan Thiết.

Hiện, Cơ quan CSĐT Công an TP Phan Thiết tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

ĐÂM 2 NGƯỜI CHỈ VÌ 1 CÂU CHÀO ĐƠN GIẢN

Công an huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng bắt giữ Nguyễn Thanh Hưng sau 2 giờ nghi phạm này đâm gục 2 thiếu niên.

Ngày 15-4, thông tin từ Công an huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) cho biết lực lượng chức năng đã bắt giữ được Nguyễn Thanh Hưng (ngụ thôn Nam Hiệp 1, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương) liên quan đến vụ án mạng xảy ra tại địa phương.

Theo thông tin ban đầu, khuya 14-4, Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương báo Công an huyện thông tin tiếp nhận 2 thiếu niên nghi bị đâm. Trong đó, một người đã tử vong tên là Tăng Văn Phát, người còn lại trọng thương là Nguyễn Hoàng Lương Quyền (cùng 17 tuổi, ngụ xã Ka Đô, huyện Đơn Dương)

Vào cuộc điều tra, Công an huyện Đơn Dương xác định Hưng là nghi phạm nên tiến hành bắt giữ sau 2 giờ gây án.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy khoảng 22 giờ 30 phút tối 14-4, Hưng đến quán tạp hóa gần nhà mua đồ thì gặp Phát và Quyền đứng trước nhà người thân của Quyền. Một trong hai thanh niên hỏi Hưng "đi đâu đó đại ca". Khi Hưng hỏi lại "cái gì ghê vậy" thì bị một trong 2 thanh niên đấm vào mặt.

Lúc này, Hưng rút con dao mang sẵn trong người ra tấn công, khiến cả 2 bỏ chạy. Vụ việc khiến Phát tử vong và Quyền trọng thương. Sau khi gây án, Hưng về nhà và bị bắt sau đó.

ĐƯỜNG DÂY RỬA TIỀN XUYÊN QUỐC GIA

Từ lời trình báo của nữ kế toán bị chiếm đoạt hơn 19,9 tỷ đồng, vào cuộc điều tra, cơ quan Công an phát hiện đường dây tội phạm xuyên quốc gia, chuyên hoạt động lừa đảo, rửa tiền.

Hôm nay (15/4), TAND TP Hà Nội đưa 21 bị cáo ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.

Trước đó, vào 2/2022, chị Nguyễn Thị L. (SN 1985, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) lên mạng Facebook, thấy tài khoản “Khánh Nhỏ” đăng tin tuyển dụng nhân viên kế toán online, làm công việc nhập số liệu cho “Công ty kế toán Anpha” nên đã nhắn tin xin việc.

Sau khi được chấp nhận vào làm việc, chị L. nhận nhiệm vụ nhập số liệu những đơn hàng bị thiếu hoặc bị nhập sai số tiền của đơn hàng mà công ty cần sửa. Mỗi ngày, cộng tác viên sẽ nhận được từ 3 - 10 đơn hàng theo các khung giờ cố định. Sau đó, một đối tượng sử dụng tài khoản Telegram tên “Thư Ký Yến Phamarcity” nói rằng, công việc của chị L. đã hoàn thành nhiệm vụ và nhận tiền hoa hồng.

Ban đầu chị L. thực hiện đơn hàng chuyển 3 triệu đồng thì sau đó chị nhận lại được hơn 4,4 triệu đồng. Tiếp đó, theo yêu cầu của đối tượng, chị L. đã chuyển khoản số tiền 30 triệu đồng đến tài khoản do đối tượng cung cấp, nhưng chị đã không thể rút được tiền ra. Đối tượng đưa ra nhiều lý do khác nhau, yêu cầu chị L. tiếp tục chuyển tiền mới rút được số đã chuyển.

Cứ như vậy, ngày 25- 30/8/2022, chị L. đã 24 lần chuyển hơn 19,9 tỷ đồng đến 15 tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp, để rồi sau đó không rút tiền ra được. Biết bị lừa, chị đến Công an TP Hà Nội trình báo.

Lộ đường dây "rửa tiền" xuyên quốc gia

Quá trình điều tra xác định, các tài khoản ngân hàng trên do Bộ phận 777pay, thuộc tổ chức tội phạm Jibian quản lý. Công ty Jinbian là một tổ chức tội phạm hoạt động về lĩnh vực "rửa tiền" cho các ứng dụng đánh bạc hoặc các đối tượng lừa đảo như một cổng thanh toán trung gian. Công ty có trụ sở tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia).

Công ty này chia làm 8 bộ phận, bộ phận kỹ thuật phụ trách viết phần mềm, bảo mật hệ thống máy chủ, tránh hacker truy cập. Bộ phận hành chính có nhiệm vụ tuyển dụng, trả lương nhân viên và duy trì cơ sở vật chất để công ty hoạt động.

Còn các bộ phận khác làm dịch vụ "rửa tiền" cho nhiều đối tượng ở các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Indonesia và Việt Nam. Trong đó, Bộ phận 777pay chuyên "rửa tiền" tại thị trường Việt Nam.

Bộ phận 777pay do đối tượng Tan Zhi Bao (SN 1986, quốc tịch Trung Quốc) làm quản lý, có khoảng 79 người, chia thành 5 tổ làm việc, trong đó có nhiều người Việt Nam.

Kết quả điều tra cho thấy, Bộ phận 777pay đã cung cấp các tài khoản ngân hàng để các đối tượng lừa đảo hướng dẫn chị L. chuyển tiền nhằm chiếm đoạt.

Cụ thể, Tổ nhập khoản đã gửi các số tài khoản ngân hàng để các đối tượng lừa đảo cung cấp cho chị L. chuyển tiền. Sau khi chị L. chuyển hơn 19,9 tỷ đồng đến 15 tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp, nhân viên Tổ nhập đã xác nhận và lên điểm trong hệ thống của 777pay.

Toàn bộ số tiền của chị L. chuyển đến sau khi chuyển vào các tài khoản ngân hàng của Tổ tài vụ quản lý, các nhân viên Tổ tài vụ đã thực hiện việc luân chuyển, chia nhỏ và chuyển tiếp đến nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau.

CQĐT xác định, các bị can là nhân viên Bộ phận 777pay đã cung cấp tài khoản ngân hàng để những đối tượng lừa đảo chuyển cho bị hại. Sau khi bị hại chuyển tiền, chúng xác nhận và lên điểm cho các đối tượng lừa đảo trong hệ thống.

Lúc này, nhóm xuất tiền rút tiền từ nhiều tài khoản ngân hàng của Bộ phận 777pay và chuyển đến các tài khoản ngân hàng do những đối tượng lừa đảo chỉ định. Đây bị coi là hành vi đồng phạm giúp sức cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị L.

Xác minh theo dòng tiền chị L. bị chiếm đoạt, CQĐT xác định Phan Văn Minh (SN 1978, ở TP HCM) thành lập Công ty TNHH Minh Phúc và kinh doanh mua bán ngoại tệ.

Từ năm 2020, Minh bắt đầu nhận “rửa tiền” bằng hình thức nhận tiền Việt Nam đồng qua tài khoản rồi cho nhân viên đi rút tiền mặt giao cho khách, hoặc chuyển đến các tài khoản ngân hàng do khách chỉ định.

Để hoạt động, Minh thuê các bị can khác mở các tài khoản ngân hàng để nhận tiền, chuyển tiền và rút tiền; thuê người làm kế toán và quản lý các tài khoản ngân hàng và chuyển tiền online.

Trong vụ án này, Minh đã nhận "rửa" hơn 10 tỷ đồng là số tiền của Bộ phận 777pay chuyển đến. Hành vi của Phan Văn Minh và nhóm đồng phạm phạm vào tội Rửa tiền theo quy định tại khoản 3, Điều 324 Bộ luật Hình sự.

Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 19/4.

Phiên tòa hôm nay đã phải tạm hoãn do một bị cáo đi cấp cứu và vắng người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Phiên xử sẽ được mở lại vào ngày 15/5 tới.

MỘT CHIÊU LỪA CŨ RÍCH VẪN BỊ LỪA SỐ TIỀN LỚN

Công an Tp. Huế vừa nhận được trình báo của một phụ nữ về việc bị lừa 80 triệu đồng bằng thủ đoạn làm giả biên lai giao dịch chuyển khoản thành công.

Chiều 14/4, nguồn thông tin từ Công an Tp. Huế cho biết, bộ phận chức năng của đơn vị vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò ngụy tạo "biên lai giao dịch chuyển khoản thành công" khi vờ đặt mua hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, chị Nguyễn Thị H. (SN 1996, trú tại phường Tây Lộc, Tp. Huế) trình báo cơ quan công an bị kẻ xấu lừa đảo bằng chiêu trò đặt mua hàng, đặt cọc ít tiền, sau đó chiếm đoạt một số tiền lớn.

Theo đó, chị Nguyễn Thị H. là chủ của một cửa hàng kinh doanh khóa bị đối tượng xấu gọi điện đặt mua 100 bộ khóa.

Đối tượng này tự xưng là cán bộ của một cơ quan trên địa bàn Tp.Huế, cung cấp địa chỉ cụ thể của cơ quan và chuyển khoản đặt cọc trước cho chị H. 1,5 triệu đồng để làm tin.

Đối tượng tiếp tục nhờ chị đặt mua một số sản phẩm khác và nói sẽ chuyển khoản trước cho chị 100 triệu đồng.

Ngay sau đó đối tượng chuyển cho chị H. biên lai đã chuyển thành công cho 100 triệu đồng. Lúc này, chị H. chưa nhận được tiền nhưng đối tượng liên tục thuyết phục do cuối tuần hoặc chuyển liên ngân hàng nên có thể bị chậm.

Tin tưởng đối tượng đã chuyển thành công 100 triệu đồng, chị H. gọi vào số điện thoại mà đối tượng cung cấp để mua hàng và đặt cọc 80 triệu đồng. Khi chị chuyển khoản thành công, các đối tượng đã cắt đứt liên lạc thì chị mới nhận ra mình đã bị lừa.

Biên lai “đã chuyển thành công 100 triệu đồng” do kẻ xấu chuyển đến là biên lai giả. Tất cả là kịch bản được các đối tượng lên sẵn chờ con mồi sập bẫy.

Công an Tp. Huế cảnh báo người dân, để phòng chống loại tội phạm này, trong quá trình giao dịch không dùng tiền mặt, chuyển khoản, phải chắc chắn tài khoản đã nhận được tiền.

Cơ quan công an còn khuyến cáo, tuyệt đối không tin tưởng những biên lai, hình ảnh, tin nhắn thông báo “đã giao dịch thành công”, vì đó là những chứng từ, hình ảnh, tin nhắn mà các đối tượng lừa đảo có thể làm giả được.

Nguồn: Kenh14; Soha; Vietnamnet; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang