Giải bài toán cho vay tiêu dùng; Nỗi khổ của chủ đất nền; Dự án 'treo cẩu' ngày càng nhiều; Ông lớn khách sạn đổ bộ Đà Nẵng

Giải bài toán cho vay tiêu dùng

(Ảnh minh họa).

Hoạt động cho vay đối với các nhu cầu vốn phục vụ đời sống của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đã, đang góp phần tích cực đáp ứng nhu cầu vốn của thị trường và hạn chế tín dụng đen.

Riêng đối với các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, tổng dư nợ tín dụng đến cuối năm ngoái đạt trên 220.000 tỉ đồng, chiếm 1,87% tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho hay dù chiếm tỉ lệ nhỏ so với tổng dư nợ nền kinh tế nhưng các công ty tài chính đã hỗ trợ khoảng 30 triệu người tiếp cận được vốn vay với dư nợ bình quân khoảng 35-50 triệu đồng/người, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Có điều, gần đây hoạt động của các công ty này gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tỉ lệ khách vay tiêu dùng không trả nợ ngày càng cao khiến nợ xấu tăng, thậm chí có tình trạng rủ nhau "bùng nợ" khiến công ty tài chính đau đầu. Khách hàng chậm trả nợ khiến công ty tài chính phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ bao gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý... Nhân viên thu hồi nợ của công ty tài chính nghỉ việc nhiều, tuyển dụng khó khăn hơn trước.

Ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc điều hành Khối Dịch vụ Nghiên cứu thị trường và tư vấn của FiinGroup, nhận định thị trường tài chính tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sinh hoạt và tiêu dùng của người dân, đặc biệt là nhóm khách hàng yếu thế, không thể tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng thương mại.

Đây cũng là một thị trường có tiềm năng tiếp tục tăng trưởng tốt trong tương lai vì quy mô dư nợ vay tiêu dùng của Việt Nam mới chiếm khoảng 27,17% GDP, trong khi tỉ lệ trung bình của các nước trong khu vực từ 60%-70% GDP.

Do tăng trưởng nhanh và khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện nên thị trường tài chính tiêu dùng gặp phải một số thách thức liên quan đến lãi suất cho vay và thu hồi nợ.

"Thực tế đòi hỏi phải xây dựng khung pháp lý đầy đủ, chi tiết cho hoạt động thu hồi nợ đối với các hoạt động tài chính tiêu dùng chính thức và phi chính thức. Đặc biệt là công khai các hình thức đòi nợ hợp pháp, các hành vi đòi nợ bị cấm và chế tài xử phạt nặng nếu vi phạm" - ông Lê Xuân Đồng đề xuất.

Để gỡ khó cho thị trường cho vay tiêu dùng và các công ty tài chính, VNBA đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước ngoài việc nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đi vay đối với tổ chức tín dụng; các chế tài xử phạt đối với người đi vay cố tình chây ì trả nợ..., cần xem xét cơ chế hỗ trợ nguồn vốn cho một số công ty tài chính tiêu dùng, như với những đơn vị hoạt động lành mạnh, an toàn, hiệu quả có thể xem xét cho vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Điều này góp phần giúp giảm lãi suất vay tiêu dùng và công ty tài chính tiêu dùng có thể tiếp tục tham gia những gói tín dụng ưu đãi khác bên cạnh gói 20.000 tỉ đồng cho vay lãi suất 15%/năm cho công nhân, người lao động đang được triển khai, từ đó góp phần hạn chế tín dụng đen.

(Nguồn: Người Lao Động)

Nỗi khổ của chủ đất nền: “Tôi phải chờ cho người ta bán hết hàng rẻ đã, may ra mới bán được của mình”

Cùng vị trí, diện tích, khu vực nhưng mức giá bán ra cao hơn một chút thì chủ đất cũng rất khó ra hàng, mặc dù đó là bán lỗ. Hoặc là sản phẩm tiếp tục “ế”, hoặc chủ đất phải bán bằng giá của nền bên cạnh.

Mới đây, một nhà đầu tư H sở hữu nền đất hơn 50m2 tại P.Long Trường, Q.9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) đau đầu khi chia sẻ về câu chuyện bán lỗ của mình. Dù đã cắt lỗ 200 triệu đồng so với giá mua vào đầu năm 2022, nhưng hiện anh khổ sở vì bán mãi không được vì bị cạnh tranh với nguồn hàng bán lỗ sâu hơn.

Rao bán nền đất giá 2.6 tỉ đồng tại Q.9 hơn 2 tháng không có người hỏi mua, dù anh H đang khá bí dòng tiền. Đây là mức giá đã giảm 200 triệu đồng, chưa tính mức lỗ lãi ngân hàng và phí môi giới. Anh H cho biết, hiện cùng khu vực có một số nền đất đang giảm giá sâu hơn, còn khoảng 2.3-2.4 tỉ đồng/nền. Đây là lý do, nền đất của anh không ai hỏi.

“Tôi phải chờ cho người ta bán hết hàng rẻ đã, may ra mới bán được của mình. Còn nếu phải giảm tiếp để ra hàng thì tôi đành chọn cách chờ thị trường vậy, xoay sở khoản tiền chỗ khác”, anh H buồn rầu cho biết.

Như vậy, trường hợp như anh H không phải là nhà đầu tư chấp nhận bán bằng mọi giá, dù khó khăn tài chính. Tuy nhiên, anh lại gặp cản trở bởi những nguồn hàng giảm giá sâu. Vì thế, để ra hàng thu lại được dòng tiền lúc này không dễ dàng.

Nhà đầu tư này thực tế rất trông ngóng bán ra được. Lâu lâu anh gọi điện hỏi môi giới xem nền đất của mình là có ai hỏi mua hay chưa. Hoặc chỉ cần môi giới hỏi thông tin mảnh đất là anh đã mừng khấp khởi. Dù rất muốn bán ra nhưng anh H không giảm giá thêm mà chờ đợi.

Theo các môi giới đất nền, những nền đất hiện bán ra ngang giá hoặc giảm nhẹ từ 100-300 triệu đồng/nền không dễ ra hàng. Mức giảm này có thể chốt được vào thời điểm cuối năm 2022. Hiện rất nhiều nguồn hàng ngộp ra thị trường, vì thế, giá chỉ giảm sâu nhà đầu tư sẵn tiền mới mua.

Một môi giới đất nền tự do cho hay, có một số nền đất khách đầu tư ưng ý nhưng khi môi giới gọi điện cho chủ đất để thương lượng giảm thêm thì chủ đất không đồng ý, do đó, giao dịch không diễn ra. Hiện nay, người đi mua ở tâm thế có nhiều sự lựa chọn, nên họ liên tục ép giá/làm giá giảm xuống tiền trăm triệu. Nếu chủ đất nào cần tiền gấp có thể chấp nhận bán ra. Ngược lại, một số chủ đất “cứng” thì chờ thêm thị trường, chứ không chịu bán lỗ sâu.

Cũng theo các môi giới, từ nay đến cuối năm, thị trường đất nền ven Tp.HCM và vùng phụ cận có thể còn tiếp tục cắt lỗ. Nhiều nhà đầu tư rất muốn ra hàng nhưng chưa chịu mức giá người mua trả. Hiện các nền giảm sâu từ 600-800 triệu đồng/nền so với giá thị trường khu vực đã được giao dịch. Trong khi các nền đất giảm nhẹ, cả người bán và người mua đều chờ. Người bán cố gồng, chờ thị trường phục hồi, mong giá tăng trở lại. Còn người mua chờ “đạp” giá xuống thêm để mua vào.

(Nguồn: Soha)

Dự án bất động sản 'treo cẩu' ngày càng nhiều

(Ảnh minh họa).

Theo thống kê, hiện cả nước có hàng trăm dự án đình trệ chờ giải cứu. Những dự án đang xây dựng phải "treo cẩu" cũng ngày càng nhiều.

Bỗng dưng "trùm mền"

Dự án Kenton Node (H.Nhà Bè, TP.HCM) sau nhiều năm ách tắc khi đã xây dựng xong phần thô hàng ngàn căn hộ và nhà phố do Công ty Tài Nguyên làm chủ đầu tư đã được Tập đoàn Novaland cam kết mua lại. Đầu năm 2022, Tập đoàn Novaland chính thức triển khai thi công trở lại. Những hàng rào với hình ảnh công trình hoành tráng với tên mới Grand Sentosa cùng các chương trình bán hàng cũng được khởi động khiến khu vực này sôi động hẳn lên.

Thế nhưng thị trường bất động sản (BĐS) đột ngột lao dốc, bản thân Tập đoàn Novaland cũng lâm vào cảnh khó khăn, cắt giảm phần lớn nhân sự nên đương nhiên dự án Kenton Node cũng "treo cẩu" đến nay. Đi qua khu vực này, cảnh hoang tàn, đổ nát lại tái hiện và chưa biết đến bao giờ dự án mới có cơ hội "tái sinh". Không chỉ Kenton Node, mà hàng loạt dự án do Tập đoàn Novaland đang triển khai ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Thuận… cũng phải tạm dừng xây dựng, một phần do thủ tục hành chính và một phần do không bán được hàng, không còn tiền.

Lãnh đạo Công ty Tài Nguyên cho biết tại thời điểm đầu năm 2022, Tập đoàn Novaland cam kết mua lại dự án và đã đặt cọc mấy trăm tỉ đồng. Những đợt thanh toán sau dự kiến ngân hàng sẽ tài trợ. Thế nhưng thương vụ gãy gánh giữa đường vì thị trường đóng băng và bản thân Tập đoàn Novaland cũng đang đuối sức. Chính vì vậy, bản thân ông cũng chưa biết dự án sẽ "đi đâu về đâu" sau hàng chục năm "trùm mền".

Cách đó không xa, dự án của Công ty Phúc Long rộng hàng chục héc ta, sau một thời gian dài bán hàng, thi công rầm rộ thì nay cũng gần như đã rút đi hết vì chủ đầu tư hết tiền, dự án bán không ai mua. Theo một lãnh đạo của công ty này, mấy tháng qua không bán được một sản phẩm nào, nguồn thu không có, ngân hàng không cho vay trong khi các khoản phải chi vẫn "đều như vắt chanh". Để cắt giảm chi phí, công ty đành phải dừng hoặc giãn tiến độ thi công các dự án. "Bởi có làm bán cũng không ai mua và càng làm càng lỗ, càng không có tiền để duy trì bộ máy", vị này mệt mỏi nói.

Lãnh đạo Công ty HT Land thừa nhận hầu hết các dự án của công ty đã phải tạm dừng thi công. Chỉ những dự án bắt buộc giao nhà cho khách hàng mới phải dồn lực để làm. Tuy nhiên, giải pháp được công ty đưa ra là đàm phán với các nhà thầu để đổi sản phẩm thay vì trả tiền mặt vì "tiền mặt lúc này khó hơn lên trời". Chủ đầu tư một dự án tại TP.Thủ Đức thậm chí còn nói thẳng ông đang rất hối hận vì đổ quá nhiều tiền vào xây dựng dự án nhưng khi xây xong một block chung cư thì lại bán không ai mua.

"Tới đây khi mở bán những block còn lại, công ty sẽ cho khách hàng đăng ký trước. Nếu bán không tốt chúng tôi sẽ hoàn tiền cho khách hàng, không xây dựng tiếp nữa hoặc kéo dài tiến độ thanh toán, cùng với đó, tiến độ xây dựng cũng sẽ kéo dài theo", lãnh đạo công ty này cho biết.

Cần cho các dự án dở dang vay

Theo thống kê chỉ riêng hai địa phương là TP.HCM và Hà Nội đã có hơn 700 dự án phải dừng triển khai. Trong đó, Hà Nội hiện có khoảng 400 dự án, TP.HCM có hơn 300 dự án. Còn theo lãnh đạo Hiệp hội BĐS VN, hiện nay số dự án BĐS tạm dừng trên cả nước lên đến hàng nghìn, với giá trị đầu tư khoảng 800.000 tỉ đồng, trong đó có nhiều dự án nhà ở xã hội. Đây là một nguồn lực khổng lồ đang đóng băng không biết đến khi nào, không tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội mà còn kéo theo nhiều hệ lụy.

Để giải quyết tình trạng này, ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS VN, cho rằng giải pháp hiệu quả nhất là Chính phủ cần "bơm" một gói tín dụng khoảng 100.000 tỉ đồng như gói 30.000 tỉ đồng trước đây, với lãi suất về mức 5 - 6% cho cả nhà ở xã hội và nhà thương mại để "kéo" người dân tham gia thị trường, để giúp sức các dự án đang xây dựng dở dang. Bởi những dự án này nếu để "trùm mền" kéo dài sẽ gây lãng phí, thiệt hại vô cùng lớn cho doanh nghiệp, cho chính quyền và cho cả xã hội. Hiện nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, có sức lan tỏa, tác động lớn đến thị trường, đến nền kinh tế nhưng cũng đành thúc thủ. Do vậy, cần phải "bơm" tiền để các doanh nghiệp này tiếp tục triển khai dự án, tránh lãng phí nguồn lực và có sản phẩm tung ra thị trường.

"Hiện hàng tồn kho rất nhiều, dự án đang xây dựng dở dang phải dừng lại cũng nhiều. Đặc biệt, ngay cả các dự án đủ điều kiện bán hàng cũng không bán được bởi người mua mất niềm tin. Nên cần làm sao để khách hàng tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp, kích cầu tiêu dùng trong lĩnh vực BĐS bởi nhu cầu về nhà ở vẫn rất lớn. Phải có gói tín dụng tiếp cận cụ thể đến khách hàng mới khơi thông được thị trường. Có thể xem xét cho người mua nhà lần đầu để ở hoặc giới hạn tỷ lệ cho vay 50% trên giá trị BĐS. Ngoài ra phải có chính sách để các doanh nghiệp hiện đang tồn tại phát triển bền vững, bởi đây là những doanh nghiệp có năng lực", ông Phạm Lâm đề xuất.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM và Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, nói do thị trường BĐS đóng băng nên rất nhiều chủ đầu tư đã dừng thi công dự án hoặc nếu có làm cũng thi công cầm chừng. Điều này dẫn đến nhiều khoản nợ từ đầu năm đến nay công ty không đòi được, rơi vào khó khăn chưa từng thấy trong lịch sử hoạt động suốt mấy chục năm của tập đoàn.

(Nguồn: Thanh Niên)

Ông lớn khách sạn đổ bộ Đà Nẵng

Ông lớn khách sạn mới nhất đổ bộ Đà Nẵng là Hilton với việc khai trương khách sạn mới bên bờ biển Mỹ Khê.

Ngày 31/5, Hilton phát đi thông báo, vừa khai trương khách sạn Khách sạn Hilton Garden Inn Đà Nẵng tại bờ biễn Mỹ Khê, với 234 phòng nghỉ.

Bà Alexandra Murray, Phó Chủ tịch khu vực và phụ trách Hilton Đông Nam Á, cho biết, Việt Nam tiếp tục trở thành một trong những điểm đến du lịch năng động nhất tại châu Á và việc tập đoàn này mở khách sạn ven biển đầu tiên ở Đà Nẵng nhằm "khẳng định động lực phát triển mạnh mẽ tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng của Hilton tại khu vực này trong những năm tới".

Khách sạn mới ở Đà Nẵng của Hilton có 28 tầng, với bảy loại phòng nghỉ, từ phòng 26m2 dành cho tối đa 3 khách, tới phòng cao cấp dạng nhỏ 60m2. Hilton cho biết, lần đầu tiên tập đoàn này giới thiệu không gian ẩm thực sáng tạo mở cửa cả ngày của thương hiệu mang tên Together & Co tại khách sạn ở Đà Nẵng với nhiều món ăn địa phương và quốc tế.

Theo các chuyên gia Savills, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn được xem là phân khúc chủ đạo của thị trường Đà Nẵng trên cả lĩnh vực khách sạn cũng như biệt thự nghỉ dưỡng.

Theo dữ liệu của đơn vị này, 6 tháng cuối năm 2022, giá thuê khách sạn trung bình đạt 1,8 triệu đồng/phòng/đêm, tăng 60% theo năm. Công suất thuê tương đương cùng kỳ năm 2019 ở mức 59%. Tuy nhiên, công suất cả năm 2022 ở mức 48%, vẫn thấp hơn 13 điểm % so với cả năm 2019.

Dù có những tín hiệu khả quan, song lượng khách đến Đà Nẵng năm vẫn còn thấp hơn so với thời điểm trước dịch COVID-19, đặc biệt là lượng khách quốc tế. Hiện Đà Nẵng chủ yếu đón khách Hàn Quốc. Dù thế, Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết quý I năm nay, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt trên 1,42 triệu, tăng 4,6 lần so với cùng kỳ 2022.

(Nguồn: CafeF)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang