Thất thường thị trường trái cây; Thấy gì từ xuất siêu 10 tỉ USD; DN vận tải 'kêu trời'; Ôm đất vườn tỉnh, được nửa giá cũng bán

Thất thường thị trường trái cây trong nước

(Ảnh minh họa).

Xuất khẩu trái cây những tháng đầu năm tăng trưởng vượt bậc, thế nhưng ở thị trường trong nước, giá các mặt hàng này lại xuống thấp so với mọi năm

Ghi nhận tại thị trường TP HCM, giá vải Tây Nguyên chỉ 25.000 - 35.000 đồng/kg, giá măng cụt 35.000 - 60.000 đồng/kg, chôm chôm đầu mùa 25.000 - 30.000 đồng/kg, ổi nữ hoàng dưới 7.000 - 8.000 đồng/kg… thấp hơn mọi năm 20% - 30%. Trước đó, xoài cát Hòa Lộc, cam sành miền Tây rơi vào cảnh giá rẻ chưa từng có.

Trái cây vào mùa, sức mua yếu

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Cơ quan phụ trách phía Nam Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA), cho rằng thời điểm này đang vào mùa trái cây nên mặt bằng giá xuống thấp. Nhưng năm nay, giá cả thấp còn do sức mua trên thị trường rất yếu, phản ánh sự khó khăn của nền kinh tế. "Trái cây là mặt hàng ăn chơi nên khi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thường cắt giảm. Do đó, trái cây muốn bán được phải giảm giá" - ông Mười nói.

Vì rất nhiều mặt hàng đồng loạt vào vụ thu hoạch như: măng cụt, xoài, mít, chanh leo, chôm chôm, quả vải, thơm… nên các nhà máy chế biến thu mua không hết, dù giá rẻ. Do đó, giải pháp là phải sản xuất rải vụ để tránh thu hoạch đồng loạt. Nhưng cách này cũng không dễ vì cần nhiều vốn để xử lý ra quả trái vụ, chỉ những nhà vườn có diện tích lớn, nhiều kinh nghiệm mới dám thực hiện.

Theo ông Mười, thời điểm hiện tại chỉ có sầu riêng giá cao do nhu cầu của thị trường Trung Quốc còn lớn. Bản thân ông mỗi ngày nhận được khoảng chục cuộc điện thoại nhờ kết nối nguồn hàng sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu Trung Quốc nhưng không còn nhiều.

Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, thông tin từ đầu năm đến nay đã có nhiều mặt hàng dội chợ. Từ cam sành, xoài cát Hòa Lộc giá rẻ chưa từng có đến măng cụt, vải Tây Nguyên giá đều thấp hơn các năm. Nguyên nhân là do năm nay các vùng trồng đều được mùa trong khi sức mua rất yếu. Dù vậy, lượng hàng về chợ không tăng do thương nhân chủ động điều tiết nguồn hàng, tránh giá giảm sâu. Lượng hàng không qua chợ đầu mối thì về thẳng các điểm kinh doanh hoặc được bán ở vỉa hè, xe đẩy.

Trong khi đó, dưới góc độ nhà xuất khẩu, ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (tỉnh Long An), cho rằng giá nhiều loại trái cây thấp vì không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Ông dẫn chứng mặt hàng sầu riêng Monthong đủ chuẩn xuất khẩu hiện giá lên đến 100.000 đồng/kg nhưng hàng dạt chỉ 40.000 đồng/kg. Các nhà xuất khẩu phải tìm mua sầu riêng từ rất nhiều nhà vườn để đủ một container. "Nhiều nhà vườn than giá thấp, chỉ 50.000 đồng/kg mua "xô" vì họ bán vườn từ lúc còn non, nếu giá xuống họ có lợi, còn giá lên thì họ thiệt. Điều này là tất yếu trong kinh doanh và không phản ánh giá thị trường" - ông Hòa phân tích.

Muốn giá cao phải đạt chuẩn xuất khẩu

Ông Nguyễn Văn Thực, Giám đốc HTX Hòa Lộc (Cái Bè, Tiền Giang), cho biết tại Hòa Lộc có 200 ha xoài cát, trong đó có 20 ha được chứng nhận VietGAP, năng suất 200 tấn/vụ nhưng năm nay không xuất khẩu được trái nào. "Công ty xuất khẩu lâu nay ra giá chỉ 35.000 đồng/kg nhưng phải chọn trái đủ tiêu chuẩn, từ 100 kg chỉ chọn ra được 40 kg để xuất khẩu. HTX yêu cầu phải 55.000 đồng/kg thì người trồng mới có lãi chút đỉnh nhưng họ không đồng ý. Do đó, nhà vườn phải tìm mối khác nhưng chỉ được khoảng 7 tấn để đóng gói bán lẻ ra nước ngoài, số còn lại bán trong nước nên giá bị đẩy xuống thê thảm" - ông Thực chia sẻ.

Cũng theo ông Thực, giá xoài cát Hòa Lộc năm nay giảm mạnh còn do giống xoài này được trồng nhiều ở khắp nơi như Đồng Tháp, Hậu Giang, các tỉnh miền Đông nên nguồn cung trở nên thừa. Do đó, giá xoài cát những năm tới sẽ tiếp tục thấp, khó trở lại mức cao như trước.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xoài cát Hòa Lộc rớt giá còn do thị trường xuất khẩu mặt hàng này không tốt, khá hẹp, chủ yếu là Việt kiều mua về dùng. Trong khi năm nay kinh tế khó khăn, người Việt ở nước ngoài cũng hạn chế mua vì giá bán khá cao. Kể cả thương lái Trung Quốc cũng chê xoài cát Hòa Lộc bởi giá bán cao quá, không cạnh tranh nổi với xoài Campuchia. Vì vậy, các thương lái Trung Quốc đã ký hợp đồng nhập khẩu xoài keo của Campuchia với số lượng lên đến 500.000 tấn nhờ có mức giá thấp, chỉ 5.000 - 10.000 đồng/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm có kết quả tích cực với kim ngạch gần 2 tỉ USD, tăng tới 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyên cho biết kết quả này chủ yếu nhờ phía Trung Quốc tăng mua các mặt hàng sầu riêng, chuối, mít, thanh long… "Những mặt hàng xuất khẩu tốt thì giá cao. Với mặt hàng sầu riêng, Việt Nam cần đàm phán để có thêm nhiều mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được Trung Quốc chấp thuận để ổn định đầu ra vì diện tích sầu riêng của Việt Nam đang tăng nhanh" - ông Nguyên nói.

Theo TS Lê Minh Hùng, Giám đốc Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, trước đây rau quả xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, yêu cầu đơn giản nhưng nay xuất khẩu chính ngạch, yêu cầu cao. Do đó, muốn xuất khẩu được giá tốt, các nhà vườn phải thay đổi canh tác theo yêu cầu thị trường. Ngoài ra, công nghệ bảo quản sau thu hoạch của Việt Nam cũng cần được cải thiện để giúp trái cây Việt Nam có thể tiếp cận những thị trường xa, bán được giá cao.

"Chúng tôi đang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp phép lưu hành nhiều chế phẩm sinh học để bảo quản rau quả, hỗ trợ các đơn vị xuất khẩu" - TS Lê Minh Hùng nói.

(Nguồn: Người Lao Động)

Thấy gì từ con số xuất siêu 10 tỉ USD?

Kinh tế khó khăn, nhiều ngành hàng xuất khẩu giảm sút nhưng xuất siêu liên tục tăng từ 4 tỉ USD trong 3 tháng đầu năm lên tới 9,8 tỉ USD tính đến hết tháng 5.2023. Có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, nhưng các số liệu về kim ngạch thương mại chứng minh rằng dấu hiệu hồi phục đã xuất hiện.

Xuất siêu sang Mỹ 31 tỉ USD

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 5.2023, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 55,86 tỉ USD; nếu so với cùng kỳ năm trước giảm tới 12,3%, nhưng nếu so tháng trước đó thì tăng 5,3%. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt trên 29 tỉ USD, tăng 4,3% so với tháng trước; khu vực kinh tế trong nước đạt 7,8 tỉ USD, tăng 1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21 tỉ USD, tăng 5,5%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5.2023 ước đạt gần 27 tỉ USD, tăng 6,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,3 tỉ USD tăng 3,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,5 tỉ USD, tăng 7,8%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136 tỉ USD, giảm gần 12% so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126 tỉ USD, giảm gần 18% so cùng kỳ năm trước. So cùng kỳ năm trước, trong 5 tháng đầu năm 2023 xuất siêu sang Mỹ ước đạt 31 tỉ USD (giảm 22%), xuất siêu sang EU 12,6 tỉ USD (giảm 3,6%); xuất siêu sang Nhật Bản đạt 521 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 564 triệu USD). Trong khi đó, nhập siêu từ Trung Quốc là 23,6 tỉ USD (giảm 16,7%), nhập siêu từ Hàn Quốc gần 11 tỉ USD (giảm 38%), nhập siêu từ ASEAN 3,4 tỉ USD (giảm 41%).

Thẩm tra báo cáo kinh tế của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng lưu ý: Xuất siêu lớn trong bối cảnh kinh tế khó khăn, xuất khẩu giảm là điều đáng lưu tâm. Điều này cho thấy sự suy giảm của động lực tăng trưởng. Theo các chuyên gia, từ cuối năm 2022 xuất nhập khẩu đã bắt đầu giảm do bối cảnh chung của kinh tế thế giới, nhu cầu tiêu thụ giảm trên quy mô toàn cầu. Những yếu tố này tiếp tục ảnh hưởng tới cán cân thương mại của VN trong những tháng đầu năm 2023.

Với một nền kinh tế có độ mở cao như VN và xuất khẩu phần lớn dựa vào nhập khẩu nguyên vật liệu, thì việc xuất siêu trong bối cảnh này là điều cần phải được xem xét cẩn trọng, vì xuất siêu tăng là do nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu. Tuy nhiên, các số liệu về kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 5 tăng ở cả chiều xuất và nhập cho chúng ta hy vọng về những dấu hiệu của sự phục hồi sản xuất kinh doanh.

Chưa ổn định, nhưng đáng mừng

Chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long nhận định: VN có 28 mặt hàng nhập khẩu tăng trưởng âm. Trong đó, mặt hàng giảm lớn nhất là điện thoại và linh kiện giảm 64%; tiếp đến là cao su giảm 43%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 36%... Đây là những mặt hàng chiếm kim ngạch nhập khẩu khá lớn, nên việc giảm nhập khẩu nguyên liệu cũng góp phần vào con số xuất siêu gần 10 tỉ USD. Nhìn vào số liệu thống kê có thể thấy rằng xuất khẩu ròng có sự tăng trưởng khá lớn, dù so với cùng kỳ thì không bằng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang suy thoái, tồn tại nhiều bất ổn, nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của VN bị giảm sút, thiếu đơn hàng mà con số xuất siêu của VN lại dương, như vậy cũng có thể nói là khả quan. Ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế gồm có tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư, mà một trong những yếu tố đó là kim ngạch xuất khẩu ròng ghi nhận con số dương thì đáng mừng, đáng khích lệ.

Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) phân tích: Tình trạng xuất nhập khẩu đều giảm mạnh do thiếu đơn hàng trong hơn nửa năm qua, đặc biệt là kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu khiến con số xuất siêu liên tục tăng trong thời gian qua. Đó là lý do khiến nhiều người lo lắng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ rất nguy hiểm đến nền kinh tế, vì nó đồng nghĩa với hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ. Tuy nhiên, trong tháng 4 và tháng 5 đã ghi nhận dấu hiệu tăng trưởng so với tháng liền kề trước đó. "Nhưng thực tế theo quan sát của tôi, đơn hàng đã quay lại nhưng chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ, cầm chừng; thiếu những đơn hàng lớn, số lượng ổn định về lâu dài. Chính vì vậy, trong bối cảnh chung vẫn còn nhiều khó khăn đòi hỏi chúng ta không nên quá lạc quan mà phải tích cực nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường", ông Thịnh nói.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nhận định, trong mấy tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu sụt giảm mạnh ở cả chiều xuất và nhập thì ai cũng rất lo. Tuy nhiên, đó là bối cảnh chung của nền kinh tế toàn cầu. Việc chúng ta vẫn duy trì được trạng thái xuất siêu cao góp phần ổn định cán cân thanh toán và kinh tế vĩ mô là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong việc tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà chúng ta đã ký kết với các đối tác.

Nỗ lực khai thác thị trường mới

Dẫn câu chuyện của ngành dệt may, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đặt vấn đề: Trong bối cảnh ngành thời trang như dệt may, da giày của chúng ta thiếu đơn hàng thì Bangladesh lại "làm không hết việc". Vậy yếu tố khó khăn của thị trường chỉ là một phần, phần còn lại là do chúng ta chưa kịp thích nghi với các xu hướng mới của sự phát triển. Vì vậy, chúng ta phải rà soát lại tất cả thị trường truyền thống, xem nhu cầu chuyển đổi thế nào để tránh mất thêm đơn hàng. Bên cạnh đó, cần nỗ lực tìm kiếm khách hàng ở các thị trường mới, đặc biệt ở những nơi mà chúng ta có các FTA.

TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng thế mạnh thật sự của VN, nhất là các DN nội địa, là lĩnh vực lương thực, thực phẩm, gỗ..., nên phải đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng này, đặc biệt ở các thị trường mới. Bên cạnh đó là đầu tư vào khâu chế biến và chế biến sâu. Đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi và thông thoáng hơn để DN VN tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng thật sự cho những mặt hàng điện tử, điện thoại, máy tính… Ví dụ, Samsung là nhà đầu tư lớn nhất ở VN hiện nay. Theo DN này, 55% giá trị gia tăng của hàng hóa được tạo ra ở VN. Nhưng nghiên cứu của Trường ĐH Fulbright chỉ ra rằng con số này thấp hơn rất nhiều và chỉ nằm ở các khâu rất đơn giản trong chuỗi giá trị đó như tiền công, bao bì, bản in. Phần chênh lệch đó rơi vào túi các DN nhỏ và vừa của Hàn Quốc đi theo Samsung vào VN. Cần phải tạo điều kiện để DN Việt tham gia sâu hơn vào những chuỗi giá trị sản xuất đó.

TS Trần Hữu Hiệp (Trường ĐH FPT) chia sẻ, trong bối cảnh khó khăn chung như vậy mà chúng ta vẫn tăng trưởng xuất siêu là điều đáng mừng. Chính vì vậy, cần tiếp tục thúc đẩy sản xuất trong nước tiến tới tự chủ về nguồn cung nguyên nhiên vật liệu. Đẩy mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước.

(Nguồn: Thanh Niên)

Doanh nghiệp vận tải kêu trời vì “khủng hoảng” đăng kiểm

(Ảnh minh họa).

Hàng loạt cán bộ lãnh đạo và đăng kiểm viên của nhiều trung tâm đăng kiểm trên cả nước bị bắt đã dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng khiến hoạt động đăng kiểm xe cơ giới bị ùn tắc kéo dài.

Báo chí những ngày gần đây đưa tin hàng chục ngàn phương tiện vận tải phải nằm bãi với lý do không thể đăng kiểm đúng hạn. Hàng loạt cán bộ lãnh đạo và đăng kiểm viên của nhiều trung tâm đăng kiểm trên cả nước bị bắt đã dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng khiến hoạt động đăng kiểm xe cơ giới bị ùn tắc kéo dài.

Chậm chạp và lúng túng trong xử lý khủng hoảng

Hành vi tiêu cực, tham nhũng vặt trong lĩnh vực đăng kiểm đã kéo dài nhiều năm nay gây bức xúc cho chủ các phương tiện vận tải đường bộ, đặc biệt là các phương tiện vận tải hàng hóa. Cho đến khi những hành vi này bị phát giác và hàng loạt cán bộ ngành đăng kiểm bị bắt thì ngành đăng kiểm phải đương đầu với vấn nạn thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng.

Vấn đề là Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), mà trực tiếp là Cục Đăng kiểm, quá chậm chạp trong việc xử lý khủng hoảng dẫn đến ách tắc và thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải nói riêng và chuỗi cung ứng nói chung. Lẽ ra với hệ thống thông tin quản lý trên hệ thống, Cục Đăng kiểm phải biết được chính xác số lượng xe đến hạn đăng kiểm hàng tháng, hàng quý và đối chiếu với nguồn nhân lực còn lại sau khủng hoảng để điều chỉnh chính sách kịp thời và đưa ra các biện pháp phòng ngừa khủng hoảng.

Tuy nhiên, các biện pháp mà Bộ đưa ra là chậm chạp, lúng túng. Điển hình như Thông tư 02/2023/TT/BGTVT đề xuất cho phép các phương tiện vận tải được kéo dài chu kỳ đăng kiểm nhưng chỉ áp dụng cho chu kỳ đăng kiểm mới, các phương tiện vận tải sắp đến hạn vẫn phải đi khám đăng kiểm. Đến khi tình trạng ách tắc này kéo dài và do áp lực dư luận cũng như kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) lên Thủ tướng Chính phủ thì Bộ GTVT mới đồng ý cho ô tô dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải được tự động kéo dài chu kỳ đăng kiểm theo quy định mới.

Tương tự, Bộ GTVT cũng đang chậm chạp trong việc triển khai lấy ý kiến các bộ ngành liên quan về việc sửa đổi Nghị định 139/2018/NĐ-CP cho phép các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của các hãng xe được tham gia kiểm định xe cơ giới. Nếu Nghị định 139 sửa đổi này được ban hành sớm sẽ bổ sung nguồn nhân lực và trang thiết bị rất lớn cho công tác đăng kiểm, đồng thời phá vỡ thế độc quyền trong hoạt động đăng kiểm.

Thực tế hiện nay, các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng của các hãng xe có đầy đủ phương tiện, thiết bị và nhân lực để kiểm định xe. Nếu các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng này tham gia kiểm định xe cơ giới sẽ giảm bớt phiền hà và thời gian cho các chủ phương tiện vì có thể thay thế phụ tùng hoặc sửa chữa tại chỗ nếu các phương tiện khám không đạt yêu cầu, không phải mang xe đi sửa chữa, thay thế ở các địa điểm khác sau đó mới quay lại trung tâm đăng kiểm để tái khám như lâu nay.

Chính việc lúng túng trong xử lý khủng hoảng đã dẫn đến các trung tâm đăng kiểm đều quá tải, hàng chục ngàn phương tiện phải “đắp chiếu” chờ kiểm định, gây thiệt hại đáng kể cho các doanh nghiệp vận tải trên cả nước. Các doanh nghiệp vận tải phải đối diện với nguy cơ bị khách hàng phạt hợp đồng do không bảo đảm tiến độ và khối lượng hàng. Phần lớn các hợp đồng vận tải đều ràng buộc chủ phương tiện phải đảm bảo giấy tờ đăng kiểm và còn hạn hiệu lực nên khi khủng hoảng đăng kiểm xảy ra, chủ các doanh nghiệp vận tải khó có thể miễn trừ trách nhiệm. Tuy rằng khủng hoảng đăng kiểm là lỗi của cơ quan nhà nước nhưng có lẽ các doanh nghiệp vận tải cũng khó vận dụng điều khoản “bất khả kháng” để tránh các khoản tiền phạt và đền bù.

Cần giải pháp kịp thời để ngăn tác động xấu đến nền kinh tế

Cuộc khủng hoảng về đăng kiểm nếu kéo dài sẽ làm suy kiệt các doanh nghiệp vận tải và tác động lớn đến chuỗi cung ứng. Nếu các doanh nghiệp vận tải không hoạt động được vì vướng thủ tục đăng kiểm sẽ gây đứt gãy chuỗi cung ứng, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung. Vì vậy, Chính phủ cần có các giải pháp nhanh chóng, kịp thời để giảm thiểu tác động tiêu cực.

Trước hết, Bộ GTVT cần nhanh chóng thu thập ý kiến các bộ ngành có liên quan để ban hành ngay Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2018/NĐ-CP, trong đó ưu tiên cho phép các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng của các hãng xe được phép tham gia kiểm định xe cơ giới. Việc này sẽ có tác động nhanh chóng vì hiện nay các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đang có sẵn nguồn nhân lực và trang thiết bị đáp ứng được hoạt động kiểm định, không cần phải mất thời gian, kinh phí đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực.

Hoạt động lấy ý kiến các bộ ngành liên quan cần quyết liệt như chỉ đạo của Thủ tướng: đến thời hạn mà các bộ ngành có liên quan không trả lời xem như đồng ý. Bộ cần chủ động trong phạm vi thẩm quyền của mình để trình Chính phủ có thể ban hành Nghị định sửa đổi này sớm nhất.

Về chu kỳ đăng kiểm xe cơ giới, mặc dù Thông tư 02 đã kéo dài thêm thời hạn đăng kiểm, tuy nhiên so với một số nước, các chu kỳ đăng kiểm theo quy định hiện này vẫn còn nhiều và chưa phân biệt rõ các loại hình phương tiện.

Cụ thể, nên nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước chỉ quy định 2 loại chu kỳ đăng kiểm: 2 năm đối với các phương tiện vận tải không kinh doanh, 1 năm đối với các phương tiện vận tải có kinh doanh hoặc phương tiện vận tải công cộng. Nếu áp dụng quy định này sẽ giảm bớt số lần kiểm định, dẫn đến giảm áp lực lên hệ thống đăng kiểm. Thực tế các phương tiện cá nhân (không kinh doanh) luôn được bảo dưỡng tốt hơn các phương tiện kinh doanh và phương tiện vận tải công cộng cần được kiểm định nhiều hơn vì liên quan đến sinh mạng, an toàn của nhiều người.

Chính phủ cần có chỉ đạo sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan đăng kiểm và cơ quan Cảnh sát giao thông về vấn đề xử lý xe quá hạn đăng kiểm lưu thông trên đường, phục vụ công tác khám đăng kiểm. Thực tế cuộc khủng hoảng đăng kiểm lần này là do bất khả kháng từ cơ quan quản lý nhà nước nên các trường hợp phương tiện đã đăng ký nhưng chưa khám được sẽ được phép lưu hành từ bãi xe đến nơi khám, đồng thời quy định hạn chế tốc độ của các phương tiện này để đảm bảo an toàn.

Thực tế hiện nay các loại xe nhập khẩu, quá cảnh hoặc mới xuất xưởng vẫn được cấp phép đăng ký/lưu hành tạm thời từ xưởng, cảng biển đến nơi khám lưu hành. Dịch vụ này hiện đã tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia nên thủ tục cũng đơn giản, nhanh chóng. Giải pháp này sẽ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải trong việc lưu hành trên đường, giảm chi phí thuê xe chuyên chở hoặc kéo phương tiện từ bãi xe đến nơi đăng kiểm.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Nhà đầu tư ôm đất vườn tỉnh: “Được nửa giá, tôi cũng bán…”

Từng giành nhau mua 8-10 triệu đồng mỗi m2, đến nay những mảnh đất vườn tại một số tỉnh lân cận Tp.HCM đang bất động về giao dịch.

“Bán được nửa giá, tôi cũng bán…”, một nhà đầu tư chia sẻ khi đang cố bán mảnh đất vườn gần 3.000m2 tại Định Quán, (Đồng Nai) nhưng chưa có ai hỏi mua.

Còn nhớ, vào thời điểm giữa năm 2021, đất vườn tại Định Quán, Long Thành (Đồng Nai) mua bán sôi nổi. Thị trường xuất hiện tình trạng tranh giành nhau xuống cọc. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư ôm cùng lúc 4-6 nền với mức giá từ 300-500 triệu đồng mỗi nền. Sau đó bán qua tay lời hàng trăm đến hàng tỉ đồng trong khoảng thời gian ngắn.

Tại Long Thành, các thông tin sân bay cũng liên tục “đẩy sóng” cho loại hình đất vườn nói riêng, phân khúc đất nền nói chung. Các hoạt động gom đất, chờ lên giá qua tay diễn ra phổ biến giai đoạn 2021 đến đầu năm 2022.

Hiện nay, tình trạng mua bán tại các khu vực này gần như tắt hẳn. Nhiều nhà đầu tư “kẹt” tiền tỉ với dòng sản phẩm đất vườn tỉnh. Giá đã giảm phổ biến từ 20-30%, có một số sản phẩm giảm 40-50% nhưng vẫn khó giao dịch.

Sở hữu 3 mảnh đất vườn tại Định Quán, Đồng Nai. Đến nay cần tiền, anh Việt (một nhà đầu tư tại Tp.HCM) không thể thu lại. ba mảnh đất này, anh mua với giá 1.7 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nay, do đang ôm nhiều bất động sản, anh Việt rao bán đất vườn để gồng các tài sản khác nhưng mãi không bán được. Nhà đầu tư này cho biết, giờ có ai mua một nửa giá anh cũng bán để có tiền chi trả các khoản khác và chờ thị trường ổn lại.

Theo cách anh Việt chia sẻ thì thị trường đất nền tỉnh khó trở lại đà tăng trong ngắn hạn, cho nên thay vì chờ tăng giá thì anh chấp nhận bán lỗ sâu để thu lại phần nào dòng tiền.

Nhóm anh Hải (ngụ Tp.Thủ Đức) hiện cũng đang kẹt vài lô đất vườn tại Đồng Nai và Bình Thuận. Do không sử dụng vốn vay ngân hàng nhưng nếu muốn thu dòng tiền để giải quyết công việc trước mắt thì khá khó khăn để bán được. Dù có nhiều năm kinh nghiệm trong đầu tư bất động sản, nhóm đầu tư này cũng không lường hết được sự khó khăn của thị trường hiện tại. “8 năm nay tôi chưa thấy thời điểm nào thị trường khó khăn như hiện nay”, anh Hải cho biết.

Đất vườn vốn là dòng sản phẩm đầu tư thay thế và từng hái ra tiền cho nhà đầu tư. Các mảnh đất vườn tại khu vực Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu hay Bình Thuận với giá vài trăm triệu đồng/sào đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư Tp.HCM đổ về gom trong giai đoạn 2019-2021. Hiện không ít người vẫn ôm đất vườn và muốn ra hàng thời điểm này là vô cùng khó khăn.

Hiện nay, đất vườn tỉnh lân cận Tp.HCM xuống nửa giá, nhà đầu tư vẫn dưng dưng. Nhiều nhà đầu tư dự tính kiếm lời với phân khúc này trong vòng 1-2 năm, giờ như “ngồi trên đống lửa” nhìn giá xuống và bán không được.

Những biến động về kinh tế khiến nhiều người e ngại xuống tiền với đất đai ở khu vực tỉnh. Ngay cả những người đang ôm đất tỉnh cũng rơi vào tình trạng lo lắng khi không xác định được thời gian phục hồi. Dòng tiền có thể sẽ bị chôn rất lâu vào các loại hình như đất vườn, đất nông nghiệp.

(Nguồn: CafeF)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang