Dùng sông Hồng cứu sông Tô Lịch; Dự án ở Khu kinh tế Nhơn Hội gặp khó; Vành đai 3 'cầu viện' cát; Khu biệt thự mọc hoang trên đồi

HÀ NỘI DỰ KIẾN LẤY NƯỚC SÔNG HỒNG CỨU SÔNG TÔ LỊCH

TP. Hà Nội dự kiến xây đập tràn trên sông Hồng để lấy nước tạo dòng chảy tự nhiên, phục hồi sông Nhuệ, sông Đáy và sông Tô Lịch. Đặc biệt, hạn chế hoặc tạm ngừng việc khai thác cát trên sông Hồng.

Mới đây, HĐND TP. Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đặt mục tiêu giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô.

Theo đó, Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng đập Xuân Quan trên sông Hồng, đập Long Tửu trên sông Đuống để dâng nước, cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm sống lại các dòng sông. Nhờ đó, nước từ sông Hồng, sông Tô Lịch sẽ có dòng chảy, thoát cảnh dòng sông chết, tích tụ nước thải như hiện nay.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ hạn chế hoặc tạm ngừng việc khai thác cát trên sông Hồng. Việc này nhằm góp phần nâng cao mực nước sông Hồng để tăng khả năng lấy nước vào các sông Đáy, sông Nhuệ, Tô Lịch và hệ thống công trình thủy lợi khác.

Trong những năm qua, Hà Nội cũng đã dành nhiều nguồn lực để tìm kiếm giải pháp "hồi sinh" các dòng sông chết qua nội thành, đặc biệt trong đó là sông Tô Lịch, sông Lừ và sông Sét.

Cụ thể, tháng 10/2016, TP. Hà Nội đã khởi công dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, có tổng mức đầu tư 16 nghìn tỷ đồng với mục tiêu xử lý nước thải thuộc các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì. Thời gian xây dựng dự án trong giai đoạn 2013-2025.

Đến nay, dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (công suất 270 nghìn m3/ngày đêm) đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến trong quý 2/2024 sẽ vận hành thử nghiệm nhà máy.

Tại hội nghị công bố quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, việc làm đập tràn trên sông Hồng để bảo đảm môi trường cho toàn bộ Hà Nội và vùng xung quanh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, khi nước sông Hồng dâng lên sẽ giúp các sông Nhuệ, sông Đáy hay thậm chí sông Tô Lịch có dòng chảy tự nhiên như xưa.

Cùng vấn đề trên, Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cũng vừa đề xuất xây dựng một số đập trên sông Hồng và sông Đuống nhằm dâng nước, tạo nguồn tự chảy thường xuyên, liên tục vào các sông của Hà Nội. Việc này nhằm bảo đảm dòng chảy môi trường, tránh tình trạng ứ đọng, ô nhiễm, trả lại khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm cho sông.

Đề án cũng hướng tới việc điều hòa, kiểm soát lượng dòng chảy phân lưu từ sông Hồng sang sông Đuống, sử dụng nước, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước.

Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, việc kết hợp cầu giao thông, tận dụng khai thác nguồn thủy năng góp phần bảo đảm hệ thống điều độ điện quốc gia, xây dựng các âu thuyền, đường cá đi, duy trì hệ sinh thái thủy sinh trên sông, tạo cảnh quan là điểm nhấn phù hợp với quy hoạch thành phố hai bên sông của Hà Nội.

VƯỚNG MẶT BẰNG, NHIỀU DỰ ÁN Ở KHU KINH TẾ NHƠN HỘI GẶP KHÓ

Ngày 4.4, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cho biết tại Khu kinh tế Nhơn Hội vẫn còn nhiều dự án gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, có 5 dự án trong Khu kinh tế Nhơn Hội đang gặp sự phản đối của người dân liên quan giải phóng mặt bằng.

Trong đó, tại dự án Khu vui chơi Phú Hậu - Cát Tiến có 19 trường hợp xây dựng nhà sau năm 2014 không được bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản có trên đất, không được bố trí đất tái định cư khi giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, các hộ không thống nhất nhận tiền theo phương án được duyệt, không đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng dự án.

Dự án Khu khách sạn cao tầng tại Điểm số 1 tuyến du lịch biển Nhơn Lý - Cát Tiến có 1 trường hợp không phối hợp trong công tác kiểm đếm, UBND H.Phù Cát đang rà soát các thủ tục để thực hiện cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc. Tại dự án này còn có 15 trường hợp không nhận tiền vì cho rằng giá bồi thường thấp, đề nghị giải quyết đất tái định cư nhưng không được.

Tại dự án Khu vui chơi giải trí đầm Thị Nại - Nhơn Hội, 53 hộ bị ảnh hưởng bởi giải phóng mặt bằng đều phản ảnh giá bồi thường thấp và giá giao đất tái định cư cao.

Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Cát Hải Bay (giai đoạn 2) chỉ kiểm kê được 83/305 trường hợp, còn lại không hợp tác. Ngoài ra, dự án Khu dân cư và tái định cư Vĩnh Hội cũng gặp vướng mắc do nhiều trường hợp yêu cầu hỗ trợ thêm tiền di dời mồ mả.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, giải pháp tháo gỡ vướng mắc là lập kế hoạch chi tiết trong công tác phối hợp với chính quyền địa phương tập trung vận động, thuyết phục các hộ nhận tiền theo phương án được duyệt, hoàn tất các thủ tục để thực hiện cưỡng chế thu hồi đất. Đồng thời, lập kế hoạch chi tiết về nhiệm vụ các cơ quan liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng.

DỰ ÁN VÀNH ĐAI 3 TP.HCM “LỤT” TIẾN ĐỘ VÌ THIẾU CÁT

10 gói thầu thi công xây lắp chính của Dự án Vành đai 3 TP.HCM đang đối mặt với nguy cơ không bảo đảm tiến độ vì thiếu cát. TP.HCM đang khẩn trương tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để có nguồn cát phục vụ thi công ngay trong tháng 4/2024.

Nhà thầu thấp thỏm chờ cát

Khởi công vào tháng 6/2023, các gói thầu XL03, XL06, XL8 và XL9 thuộc Dự án thành phần 1 Dự án Vành đai 3 TP.HCM đang triển khai thi công các hạng mục phụ trợ, đào bóc hữu cơ, đường công vụ và thi công kết cấu phần dưới hạng mục cầu, hầm, cọc khoan nhồi, sản lượng ước tính khoảng 850 tỷ đồng (hơn 13% giá trị hợp đồng). 6 gói thầu xây lắp chính còn lại (XL1, XL2, XL4, XL5, XL7 và XL10) được khởi công đồng loạt trong tháng 1/2024, hiện các nhà thầu đang huy động nhân sự, thiết bị phục vụ thi công.

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, do thiếu nguồn cát san lấp nên phần đường của Dự án Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM đang chậm tiến độ. Tình trạng này cũng khiến 6 liên danh thi công các gói thầu mới khởi công lo lắng.

Liên danh Công ty CP Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty CP Xây dựng cầu 75 - Công ty TNHH Tập đoàn Định An - Công ty CP Hà Đô 1 là đơn vị thi công Gói thầu XL1 Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP. Thủ Đức (từ Km12+200 đến Km14+950) với giá trúng thầu 2.123,524 tỷ đồng. Theo đại diện Liên danh, việc huy động vật liệu rất khó khăn, đặc biệt là cát. Nguồn cung khan hiếm, giá cả leo thang, biến động từng ngày khiến nhà thầu luôn trong trạng thái lo lắng.

Đại diện Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Xây dựng Đèo Cả - Tổng công ty Xây dựng số 1 - Công ty CP Xây dựng công trình 510 - Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng - Tổng công ty Thành An chia sẻ: “Khu vực phía Nam có nhiều dự án cao tốc đang đồng loạt thi công. Do đó, việc huy động nguồn vật liệu khiến nhà thầu hao tổn công sức. Nếu không có biện pháp đồng bộ, nhà thầu rất khó đảm bảo tiến độ ngay từ đầu”. Liên danh này đảm nhiệm thi công Gói thầu XL4 Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP. Thủ Đức (từ Km20+550 đến Km23+550) với giá trúng thầu 1.642,272 tỷ đồng.

“Ăn đong” vật liệu cũng là thực tế đang diễn ra tại nhiều gói thầu khác. Theo đại diện Liên danh thi công, 2 gói thầu XL8 và XL10, nhiều tháng nay nhà thầu phải liên hệ với rất nhiều mỏ để “gom” cát. “Giá hợp đồng chỉ hơn 200.000 đồng/m3 cát. Nhưng thực tế, nhà thầu đang phải mua với giá 300.000 đồng/m3. Giá cao, số lượng ít khiến nhà thầu khó xoay xở”, vị này chia sẻ.

Cấp thiết điều chuyển cát trong tháng 4/2024

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, đất đắp nền đường, đá xây dựng và cát xây dựng cơ bản đáp ứng phục vụ cho Dự án. Riêng nguồn cát đắp nền đường hiện nay gặp nhiều khó khăn. Tổng nhu cầu cát đắp nền cho Dự án Vành đai 3 TP.HCM khoảng 9,3 triệu m3. Trong đó, năm 2024 là 6,5 triệu m3 (riêng TP.HCM là 4,7 triệu m3).

“Từ tháng 12/2023, Thành phố đã đề xuất và được các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre thống nhất chủ trương cung cấp một phần trữ lượng các mỏ cát tại địa phương để phục vụ Dự án (nếu kết quả thí nghiệm các mẫu cát đáp ứng yêu cầu kỹ thuật). Tuy nhiên, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang cho biết do khó khăn về nguồn cung cát phục vụ các dự án cao tốc đang triển khai và các công trình của địa phương, nên chủ trương không cấp cát cho công trình ngoài tỉnh. Đơn cử, An Giang đã ít nhất 3 lần có văn bản từ chối cung cấp cho dự án này”, ông Phúc chia sẻ.

Nhằm giải quyết khó khăn cho Dự án Vành đai 3 TP.HCM, TP.HCM đề xuất Bộ GTVT điều chuyển, chia sẻ một phần khối lượng (khoảng 450.000 m3, cụ thể: Vĩnh Long 50.000 m3; An Giang 200.000 m3; Đồng Tháp 200.000 m3) tại một số mỏ đang khai thác đã được địa phương cấp cho các dự án cao tốc khác (cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng...) sang Dự án Vành đai 3 TP.HCM ngay trong tháng 4/2024, theo hướng dự án nào tiến độ cấp thiết và nhu cầu tới trước sẽ cung cấp vật liệu trước.

TP.HCM cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các thủ tục liên quan để rút ngắn thủ tục gia hạn/cấp lại giấy phép khai thác mỏ để có thể đưa vào khai thác chậm nhất vào đầu tháng 6/2024 (Vĩnh Long 22 mỏ; Tiền Giang 35 mỏ và Bến Tre 4 mỏ) và các thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản (đối với các mỏ quy hoạch) để có thể đưa vào khai thác chậm nhất vào đầu tháng 9/2024 (Bến Tre 4 mỏ).

SỰ THẬT KHU BIỆT THỰ “MỌC” HOANG TRÊN ĐỒI LÂM ĐỒNG

Sau khi bị đình chỉ xây dựng, khu biệt thự 18 căn tại huyện Bảo Lâm tiếp tục "đẻ" thêm 4 căn, nâng tổng số công trình không phép lên 22 căn.

Theo ghi nhận, khu biệt thự xây dựng không phép có vị trí cách UBND xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm khoảng 5 km, nằm trên một ngọn đồi thuộc thôn 10A, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Xung quanh khu biệt thự hoành tráng này là các rẫy cà phê của người dân. Bên trong, các đơn vị thi công đã xây dựng thô 22 căn biệt thự dạng song lập, mỗi căn gồm 1 trệt 1 lầu.

Nguồn tin của phóng viên cho biết, khoảng tháng 5-2023, UBND xã Lộc Thành đã kiểm tra việc xây dựng tại ngọn đồi này, ghi nhận có 18 công trình xây dựng dạng liền kề, đã hoàn thiện phần thô. Một người đàn ông tên Đoàn Trí Khoa được thuê để quản lý công việc tại đây. Cơ quan chức năng đã yêu cầu ngưng thi công và cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan.

Đến tháng 10-2023, UBND xã Lộc Thành tiếp tục kiểm tra thì phát hiện các công trình tiếp tục được thi công phần sơn và lắp ráp hệ thống cửa. So với 18 công trình được phát hiện vào tháng 5-2023 thì đến thời điểm này đã thành 22 căn.

UBND xã mời ông Khoa về trụ sở làm việc thì người này cung cấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản vẽ thiết kế thi công, thông báo khởi công xây dựng. Tuy nhiên ông Khoa chỉ cung cấp thông báo khởi công xây dựng này sau khi UBND xã yêu cầu cung cấp.

Căn cứ những giấy tờ mà người này cung cấp, UBND xã đối chiếu với quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 thì khu vực xây 22 biệt thự không phù hợp để xây dựng; còn quy hoạch chung xây dựng giai đoạn 2021-2023 thì khu vực này dự kiến được bổ sung vào quy hoạch xây dựng nhưng hiện nay đang trong thời gian thực hiện và chưa được phê duyệt.

Tại buổi làm việc, ông Đoàn Trí Khoa thừa nhận được 18 chủ sử dụng đất ủy quyền trông coi quản lý việc xây dựng biệt thự. Nhận thấy trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có đất ở, lại thuộc khu vực nông thôn nên khi thi công không đến địa phương trình báo. Người này nhận sai khi thi công mà không thông báo đến chính quyền địa phương.

Về các nguyên nhân để khu biệt thự "mọc" không phép, chính quyền xã Lộc Thành lý giải do địa bàn rộng, công việc nhiều, thiếu cán bộ. Các trường hợp vi phạm dù đã bị lập biên bản, xử lý vẫn lén lút xây dựng, hoàn thiện công trình vào các ngày nghỉ, lễ tết gây khó khăn cho việc quản lý của cơ quan chức năng; người vi phạm không phải là người địa phương.

Toàn bộ vụ việc đã được UBND xã Lộc Thành báo cáo UBND huyện Bảo Lâm vào đầu tháng 3-2024. Tuy nhiều điều lạ là vụ việc kéo dài gần 1 năm (từ thời điểm phát hiện 18 công trình vào tháng 5-2023 đến thời điểm báo cáo - PV), khu biệt thự 22 công trình này chỉ bị yêu cầu dừng thi công chứ chưa bị lập hồ sơ xử phạt lần nào.

Hiện UBND huyện Bảo Lâm đã chỉ đạo các phòng ban chức năng của huyện phối hợp với UBND xã Lộc Thành kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến 22 biệt thự không phép này.

Nguồn: CafeF; Thanh Niên; Báo Đấu Thầu; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang