Quy định hóa đơn điện tử xăng dầu; Bao giờ HN làm tàu điện 1 ray; Sa lầy ở dự án sân bay Nha Trang; Nỗi lo nhà ven kênh TP.HCM

QUY ĐỊNH HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ XĂNG DẦU CHUẨN BỊ 'VỀ ĐÍCH'

Tính đến chiều qua (1.4), chỉ còn khoảng chục cửa hàng bán lẻ xăng dầu chưa thể về đích xuất hóa đơn bán lẻ từng lần. Về cơ bản, toàn hệ thống đã hoàn thành kế hoạch.

Chỉ còn 10 cửa hàng ở vùng xa chưa thực hiện

Báo cáo của Tổng cục Thuế ngày 1.4 cho thấy, so với gần 1 tuần trước, số cửa hàng bán lẻ xăng dầu giảm 46 cửa hàng. Số này hiện đã đóng cửa hoặc xem xét thu hồi giấy phép kinh doanh do điều kiện kinh doanh, địa điểm… không đáp ứng được theo quy định.

Thống kê đến hết ngày 31.3, toàn quốc đã có 15.925/15.935 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện xuất hóa đơn bán lẻ, đạt khoảng 99,94% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Như vậy, còn 10 cửa hàng chưa thực hiện, chiếm 0,06%. Theo quy định, 10 cửa hàng này sẽ phải đóng cửa, nhưng phía cơ quan thuế hiện chưa đưa ra thông tin về phương án xử lý với 10 cửa hàng này.

Ngày 1.4, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, như thói quen, người dân đổ xăng tại các cửa hàng xăng dầu hầu như không yêu cầu lấy hóa đơn. Tại một cửa hàng xăng dầu ở TX.Diên Khánh (Khánh Hòa), khách vào đổ xăng giờ trưa ngày 1.4, yêu cầu lấy hóa đơn điện tử để về thanh toán. Tuy nhiên, nhân viên bán hàng báo thời điểm này không có người xuất hóa đơn, đề nghị khách đưa số điện thoại để đầu giờ chiều, cửa hàng sẽ gửi hóa đơn điện tử qua Zalo cho khách hàng.

Quan sát cho thấy, đa số khách vào đổ xăng không yêu cầu lấy hóa đơn. Tương tự, tại cửa hàng xăng dầu ở H.Định Quán (Đồng Nai), lúc 16 giờ 30, khách vào mua 50.000 đồng xăng, người bán thao tác trên máy POS đặt cạnh cây xăng, xuất in luôn hóa đơn bán hàng khi khách yêu cầu. Chủ cửa hàng cho biết, nếu khách không lấy hóa đơn, dữ liệu hóa đơn từng lần bán sẽ được cập nhật lên phần mềm lưu trữ.

Tại TP.HCM, quan sát hơn 30 phút tại cây xăng Petrolimex trên đường Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình) vào giờ tan tầm, có khoảng hơn 10 người vào đổ xăng. Tất cả đều không yêu cầu lấy hóa đơn điện tử. Tuy vậy, trao đổi với Thanh Niên, nhân viên bán hàng tại đây cho hay, nhiều người muốn lấy hóa đơn in, vào trong văn phòng có người in ngay, chỉ mất chưa tới 1 phút. Còn lại, khách muốn lấy hóa đơn điện tử, chỉ cần đưa số điện thoại, cửa hàng sẽ xuất hóa đơn chuyển qua Zalo.

Bà Dương Thúy Phượng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Thắng Lợi (Đồng Nai), cho biết trong thời gian đầu, các thao tác in, xuất hóa đơn, kết nối dữ liệu của nhân viên bán hàng còn rất lúng túng. Tuy vậy, sau 10 ngày, nhân viên đã thao tác thành thục hơn và nhanh hơn rất nhiều. Đổi lại, dữ liệu quản lý của cửa hàng cũng dễ dàng theo dõi hơn.

Bà Phượng chia sẻ: "Việc xuất hóa đơn, in ngay trên máy POS không còn là vấn đề nữa. Cứ mỗi lần khách mua, chúng tôi xuất hóa đơn, lưu ngay trên phần mềm điện tử. Khách không lấy hóa đơn thì không in ra, nhưng vẫn xuất lưu trữ đầy đủ bằng hình thức điện tử, kết nối chuyển lên cho cơ quan thuế. Hoặc lưu trữ những hóa đơn trong ngày bán, cuối ngày chuyển lên. Theo đó, khi cần, cơ quan thuế có thể tra cứu dữ liệu mà các doanh nghiệp kết nối, xuất hóa đơn chuyển lên. Ngược lại, với các cửa hàng xăng dầu, từ khi cài app xuất hóa đơn này, các dữ liệu hàng tồn, tồn bao nhiêu rất rõ ràng, nên khi cần tra cứu thì nhanh hơn nhiều".

Tuy vậy, trao đổi với Thanh Niên, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư phần mềm kết nối dữ liệu và xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, in qua máy POS, vẫn chưa hết lo lắng. Một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM chia sẻ: Việc đầu tư và áp dụng app xuất hóa đơn điện tử tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã được cơ quan thuế hướng dẫn và đồng ý để doanh nghiệp làm. Tuy nhiên về lâu dài, không rõ các ngành quản lý khác lại yêu cầu đầu tư thêm những thiết bị khác, gây tốn kém, khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hay không. Vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ. Doanh nghiệp muốn tuân thủ pháp luật và yên tâm làm ăn kinh doanh, không muốn hôm nay hay ngày mai bị kiểm tra, yêu cầu này nọ…

Ủng hộ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật

Theo quy định, thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Do đó, việc xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng không làm mất thời gian của người mua không có nhu cầu lấy hóa đơn nhưng vẫn bảo đảm doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ rằng những gì mà cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nỗ lực thực thi về thực hiện hóa đơn điện tử từng lần bán hàng là rất đáng ghi nhận. Đó là sự nỗ lực lớn, khi có nhiều đơn vị kinh doanh không đóng trên địa bàn thuận lợi, mà ở miền núi, hải đảo, vùng xa… Con số 10 cửa hàng chưa áp dụng kịp cho thấy mức độ cố gắng tuân thủ pháp luật, quy định của doanh nghiệp khá tốt.

Tuy vậy, trước mắt là có phần mềm, có hóa đơn điện tử và kết nối số liệu với ngành thuế, vấn đề chuẩn hóa cần thời gian nữa, nhưng mọi thứ nên dựa trên nguyên tắc càng đơn giản, càng ít gây khó khăn, phiền hà, tốn kém chi phí của doanh nghiệp là càng tốt. Sau thời gian chạy thử nghiệm, các cơ quan quản lý sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát, đồng thời đong đếm độ chuẩn xác của giải pháp phần mềm. Nếu thấy tốt thì không cần phải yêu cầu làm thêm gì nữa. Nếu chưa ổn, còn lỗi nhiều, cần có cách điều chỉnh sao đó cho phù hợp.

Chuyên gia này cũng cho rằng, trong việc buộc tất cả cửa hàng xăng dầu bán lẻ phải tuân thủ việc xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng nhằm bảo đảm chống thất thu thuế chỉ là phần nhỏ. Vấn đề là giúp chống hàng giả, hàng nhái, buôn lậu xăng dầu… "Tất cả các cửa hàng xăng dầu từ miền núi đến miền xuôi, từ vùng sông nước đến đồng bằng đều nói không tiêu thụ xăng dầu có nguồn gốc từ buôn lậu, trốn thuế. Thế nhưng con số từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn lít xăng, dầu được cơ quan chức năng phát hiện hầu như mỗi ngày trên biển, trên sông… là dấu hỏi lớn đặt ra của nhà quản lý. Doanh nghiệp nên coi việc áp dụng quản lý hóa đơn điện tử bán lẻ này nhằm mục đích bảo đảm tính công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Đó mới là quan trọng", ông Thịnh cho biết.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, chia sẻ hóa đơn điện tử từng lần bán hàng cho khách hàng là điều kiện bắt buộc trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu không ngoại lệ. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện thì buộc phải tạm dừng hoạt động, thậm chí bị rút giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi. Các dữ liệu cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã tuân thủ đúng quy định trong triển khai hóa đơn điện tử từng lần bán hàng. Đó là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, với các cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, hạ tầng internet còn hạn chế, sẽ là thách thức lớn đối với họ.

HÀ NỘI VÀ BÀI TOÁN LÀM TÀU ĐIỆN MỘT RAY

Để dừng hoạt động xe máy tại các quận và nâng vận tải công cộng đáp ứng 50-60% nhu cầu của người dân sau năm 2030, trong nghị quyết về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội vừa được HĐND thành phố thông qua, ngoài hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị, UBND thành phố Hà Nội đưa ra phương án xây dựng các tuyến tàu điện nhẹ 1 ray (monorail).

Đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố sẽ nâng cấp, chuyển đổi xanh, thông minh đối với các tuyến xe buýt hiện có, mở thêm các tuyến mới, đặc biệt các tuyến liên kết vùng, ưu tiên hoàn thành hệ thống đường sắt vành đai thành phố và các ga đầu mối trên tuyến vành đai, các tuyến kết nối với thành phố phía Bắc, thành phố phía Tây, khu vực Yên Viên, Gia Lâm; xây dựng mạng lưới đường sắt tại khu vực đô thị trung tâm đảm bảo mật độ các ga tàu có khoảng cách phù hợp dành cho người đi bộ, có thể di chuyển đến mọi vị trí trong thành phố, đủ năng lực thay thế phương tiện giao thông cá nhân...

Đặc biệt, để các loại hình vận tải khối lớn, hiện đại vươn đến những khu dân cư có địa hình đi lại khó khăn, đồi dốc, nhiều ao hồ, thành phố lên kế hoạch xây dựng các tuyến đường sắt nhẹ loại 1 ray đi trên cao (monorail).

Theo khảo sát, thành phố đã lên được 3 lộ trình có thể thực hiện 3 tuyến tàu một ray monorail theo các hướng: Liên Hà (Đông Anh) - Tân Lập - An Khánh (Hoài Đức) dài khoảng 11 km (tuyến số 1); Mai Dịch - Mỹ Đình - Văn Mỗ - Phúc La, Giáp Bát - Thanh Liệt - Phú Lương, dài khoảng 22 km (tuyến số 2); Nam Hồng (Đông Anh) - Đại Thịnh (Mê Linh) dài khoảng 11 km tuyến số 3.

Ngoài ra, các đơn vị tư vấn khảo sát, tàu monorail có thể chạy ven hai bờ sông Hồng giúp người dân đi lại kết hợp phát triển du lịch. Ngoài ra, với khổ tàu và đường ray bé, tàu có thể kết nối, trung chuyển khách vào khu vực phố cổ.

Để giảm ùn tắc, hạn chế xe cá nhân, nhiều ý kiến của chuyên gia và cơ quan chuyên môn cho rằng, đường sắt đô thị được xác định là xương sống của giao thông, tuy nhiên thành phố đang thực hiện việc này rất chậm và chưa được 1/10 quy hoạch.

Ông Nguyễn Minh Đức - đại biểu HĐND Hà Nội - cho rằng, để thực hiện tốt quy hoạch chung Thủ đô, cần quan tâm đến giao thông, đặc biệt là đường sắt đô thị. Để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, việc phát triển đường sắt đô thị là cốt yếu của Hà Nội trong thời gian tới. “Nếu thành phố phát triển tốt giao thông đường sắt, hệ thống này sẽ gánh ngay được 30% cho vận tải hành khách. Tuy nhiên, đầu tư cho đường sắt không hề nhỏ, vì vậy, thành phố cần có bài toán huy động vốn để dồn nguồn lực đầu tư”, ông Đức nói.

Theo ông Đường Hoài Nam - đại biểu HĐND Hà Nội, từ nay đến 2030 chỉ còn 6 năm, vì thế thành phố cần ưu tiên thực hiện giải pháp có trọng tâm trong phát triển đô thị và giao thông.

Ông Nam cho biết, trục không gian cảnh quan sông Hồng được xác định trong quy hoạch là rất quan trọng, cần tính đến kết nối không gian, cảnh quan xanh sông Đuống. Do vậy, để trục cảnh quan sông Hồng phát triển, cần sớm xác định tổ hợp kiến trúc dọc sông Hồng, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông tiếp cận dọc 2 bên bờ sông.

TIỀN MẤT TẬT MANG Ở DỰ ÁN SÂN BAY NHA TRANG CỦA HẬU 'PHÁO'

Bỏ tiền mua đất trong dự án sân bay Nha Trang (Khánh Hòa) của Tập đoàn Phúc Sơn do Hậu 'Pháo' làm chủ tịch, nhà đầu tư mòn mỏi chờ 8 năm dự án vẫn là bãi hoang, chưa được nhận sổ đỏ, không liên hệ được với chủ đầu tư.

Khốn khổ vì đầu tư vào đất sân bay Nha Trang

Là một trong những khách hàng chịu ảnh hưởng khi mua đất nền tại dự án khu trung tâm đô thị - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang (tên gọi Piania City Nha Trang), thuộc sân bay cũ Nha Trang, chị My ở Nha Trang đang trong những ngày “đứng ngồi không yên”.

Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Công ty Phúc Sơn). Ông Nguyễn Văn Hậu (Hậu 'Pháo'), Chủ tịch HĐQT công ty này, vừa bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam.

Năm 2016, chị My mua gần 100m2 đất nền tại dự án, với giá hơn 4 tỷ đồng. Chị kể, hồi ấy, các dự án khu đô thị ở Nha Trang thi nhau mở bán. Công ty Phúc Sơn cũng quảng cáo rầm rộ về bán đất nền dự án nên chị quan tâm tìm hiểu.

Sau khi được nhân viên của công ty tư vấn, dẫn đi xem cơ sở hạ tầng cùng giấy tờ pháp lý được trưng ra, chị gom tiền tiết kiệm, vay thêm người thân và ngân hàng để mua đất với ý định xây nhà ở.

Nữ khách hàng đã ký với doanh nghiệp này “hợp đồng tiến trình thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng” tại dự án. Người đứng tên trên hợp đồng là ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT. Trong hợp đồng thể hiện tiến độ nộp tiền, thời gian bàn giao. Nhân viên công ty liên tục thúc giục khách hàng đóng tiền.

Đến nay, chị My đã đóng 95% số tiền, tương đương chừng 4 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp vẫn chưa bàn giao sổ đỏ. Mỗi năm, Công ty Phúc Sơn viết thư gửi khách hàng, đưa ra nhiều lý do chậm bàn giao nhưng không đề cập tới phương án xử lý.

Còn gia đình chị khủng hoảng cả vật chất lẫn tinh thần. Số tiền nợ ngân hàng chị phải gồng trả lãi và bị người thân trách móc khi mượn tiền, nên giờ chị chỉ biết trông chờ vào pháp luật.

Rơi vào cảnh tương tự, ông Xuân ở Nha Trang “ngậm đắng nuốt cay” khi đầu tư vào dự án Piania City Nha Trang. Ông kể, năm 2016, thị trường bất động sản ở Nha Trang sôi động. Nhiều dự án mọc lên. Là người trong giới kinh doanh, ông Xuân được các môi giới bất động sản săn đón, mời chào.

Thấy dự án của Công ty Phúc Sơn được quảng cáo khắp nơi, ông thử tìm hiểu. Chủ đầu tư cũng trưng ra giấy tờ pháp lý, như được UBND tỉnh Khánh Hòa ký quyết định giao đất, được cấp giấy phép xây dựng, lại là một trong doanh nghiệp thực hiện 3 dự án BT (xây dựng - chuyển giao) về giao thông tại địa phương.

“Ít có dự án khu đô thị nào sát biển, nằm trong trung tâm với vị trí thuận lợi, hạ tầng tốt như dự án này nên tôi bàn bạc gia đình đầu tư”, ông Xuân giãi bày.

Tiền tích lũy nhiều năm của vợ chồng cùng tài sản sẵn có, ông Xuân mua 6 lô biệt thự, mỗi m2 có giá trung bình từ 40-100 triệu đồng, tùy vị trí. Ông kỳ vọng là sau khi dự án hoàn thiện thủ tục sẽ đầu tư làm khách sạn hoặc những dịch vụ khác tạo thêm lợi nhuận.

Khách hàng mua biệt thự của "Hậu Pháo" đồng loạt cầu cứu

Đến nay, ông Xuân đã đóng hơn 35 tỷ đồng mua 6 lô đất biệt thự tại dự án Piania City Nha Trang. Tuy nhiên, hơn 8 năm qua, ông cũng chưa nhận được sổ đỏ. Trong khi, bản thân ông có nguy cơ “vỡ trận” khi phải lấy tài sản tự có đi cầm cố để đầu tư vào dự án của Hậu Pháo.

Gần đây, sau thông tin Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sơn bị bắt, ông nhiều lần tìm tới văn phòng đại diện của công ty này trên đường Trần Phú nhưng cửa đóng then cài, không liên lạc được với người đại diện. Trong nhà điều hành không có người. Mọi thông tin đều mù mờ. Còn dự án nơi ông mua đất mới làm hạ tầng, sau nhiều năm vẫn ngổn ngang. Xung quanh bị vây tôn, cỏ mọc um tùm.

Cùng cảnh ngộ, chị N. đã chuẩn bị sẵn tài liệu của 3 hợp đồng mua dự án do Tập đoàn Phúc Sơn làm chủ đầu tư để gửi đơn kêu cứu lên chính quyền Khánh Hòa và các cơ quan liên quan.

Chị N. đã mua 3 khu đất tại dự án ở sân bay Nha Trang vào năm 2017. Mỗi lô đất trung bình hơn 100m2, giá trên 100 triệu đồng/m2, gần vị trí được quy hoạch phố đi bộ.

Đến nay, gia đình chị đã đóng khoảng 18 tỷ đồng, số tiền này chị đi vay ngân hàng và cả mượn của người thân.

Không chỉ chị My, ông Xuân, chị N. mà nhiều người khác cũng chi tiền tỷ mua đất trong sân bay Nha Trang của "Hậu Pháo", nay hoang mang không biết tương lai dự án ra sao. Huy động vốn để đầu tư, phải hứng chịu rủi ro lớn khi dự án “đóng băng” nhiều năm nên họ đồng loạt làm đơn cầu cứu gửi tới các cơ quan chức năng.

BẤT CẬP NHỮNG DÃY NHÀ VEN KÊNH RẠCH TP.HCM

Không chỉ gây ảnh hưởng môi trường, mất cảnh quan đô thị, hàng ngàn căn nhà tạm bợ ven kênh rạch ở TP.HCM còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo ngại. Vụ hỏa hoạn mới đây thiêu rụi nhiều căn nhà ven kênh Tàu Hũ (quận 8) là một lời cảnh tỉnh.

Tối ngày 1/4, một dãy nhà nằm ven kênh Tàu Hũ (quận 8, TP.HCM) đã bốc cháy dữ dội. Ngọn lửa thiêu rụi nhiều căn nhà và tài sản, rất may không có thương vong về người.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP.HCM, vụ cháy xả ra lúc 19h30, lửa bốc lên tại xưởng gỗ rộng 320 m2 nằm ven kênh Tàu Hủ, phường 2 (khu vực giữa cầu Chữ Y và Nguyễn Văn Cừ). Khi phát hiện cháy, nhiều người dân đã dùng bình chữa cháy để dập lửa nhưng bất thành.

Lửa nhanh chóng lan sang dãy nhà gỗ, lợp mái tôn nằm sát nhau. Mỗi căn có diện tích 50-150 m2, bên trong có nhiều đồ nội thất, bàn ghế, quần áo. Lửa đỏ rực cả đoạn kênh, kèm cột khói cao nghi ngút khiến cả khu dân cư hoảng loạn.

Hàng chục cảnh sát PCCC quận 8 có mặt nỗ lực dập lửa. Nhiều ghe, canô dưới kênh cũng được huy động xịt nước hạn chế đám cháy lan rộng. Phòng cảnh sát PCCC TP.HCM chi viện lực lượng xuống hiện trường hỗ trợ.

Sau khoảng gần 2h chữa cháy, ngọn lửa đã được không chế. Vụ cháy không gây thương vong về người nhưng khiến nhiều ngôi nhà và tài sản của người dân bị thiêu rụi.

Sáng 2/4, lực lượng công an phong tỏa hiện trường để tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ hỏa hoạn. Người dân có nhà bị cháy được chính quyền địa phương hỗ trợ tìm nơi ở tạm.

Tại TP.HCM hiện vẫn còn hàng nghìn căn nhà nằm dọc các kênh rạch. Những căn nhà này chủ yếu làm tạm bợ, không đảm bảo điều kiện an sinh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

Hàng chục nghìn tỉ di dời nhà ven kênh rạch

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, thành phố có 5 tuyến kênh rạch chính dài hơn 105 km trong phạm vi nội thành, giải quyết tiêu thoát nước cho khu vực rộng 14.200 ha.

Tuy nhiên, hệ thống này ngày càng bị thu hẹp và ô nhiễm. Để cải thiện môi trường đô thị, từ năm 1993, TP.HCM thực hiện việc di dời nhà ven và trên kênh rạch nhưng tiến trình di dời vẫn diễn ra rất chậm.

Tổng số căn nhà trên và ven kênh rạch lên đến hơn 65.000 căn (thống kê từ năm 1993 đến nay). Nhìn chung, các giai đoạn thực hiện chương trình giải tỏa, di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh rạch đều đạt chỉ tiêu khá thấp (dưới 50%).

Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 1993 - 2020, TP.HCM mới di dời được hơn 38.185 trên tổng số hơn 65.000 nhà cần di dời; giai đoạn từ năm 2021 - 2025, TPHCM mới chỉ di dời được 2.867 căn trên tổng chỉ tiêu 6.500 căn.

Tại kỳ họp HĐND TP.HCM khóa X vào tháng 12/2023, UBND TP.HCM đã trình nội dung dự án di dời hơn 1.000 hộ dân trên và ven bờ bắc kênh Đôi (quận 8) để làm đường, chỉnh trang đô thị có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỉ đồng.

Cụ thể, dự án sẽ bao gồm các hạng mục chính như xây dựng khoảng 4,3 km kè, kết hợp nạo vét một phần lòng sông kênh Đôi phía bờ Bắc; mở rộng đường Hoài Thanh, Nguyễn Duy dọc bên lên 20 m; xây mới đường Nguyễn Duy nối dài (từ hẻm 157 Hưng Phú đến cầu chữ Y) rộng 16 m và cầu Hiệp Ân 2.

Dự án cũng sẽ làm hệ thống thoát nước mưa, nước thải, cây xanh, chiếu sáng dọc theo các đường ven kênh; xây dựng bến thủy nội địa (loại bến hành khách) dọc kè bờ bắc kênh Đôi tại phường 8.

Sau khi đuộc HĐND thành phố thông qua, dự án sẽ lập, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, chuẩn bị chuẩn bị công tác bồi thường cho khoảng 1.017 căn nhà trong năm 2024.

Năm 2025, sẽ tiến hành bồi thường, hỗ trợ tái định cư đồng thời khởi công dự án. Dự kiến, công trình này sẽ hoàn thành vào năm 2028.

Ngoài bờ bắc kênh Đôi, TP.HCM hiện cũng đang nghiên cứu di dời, cải tạo bờ nam con kênh này. Dự án sẽ có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 9.000 tỉ đồng với hơn 5.000 hộ dân phải di dời.

Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã chính thức phê duyệt dự án cải tạo con rạch Xuyên Tâm với tổng mức đầu tư lên đến 9.664 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm 6.339 tỉ đồng.

Rạch Xuyên Tâm có điểm đầu từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (quận Bình Thạnh) và kết thúc tại sông Vàm Thuật (quận Gò Vấp) với tổng chiều dài gần 9km.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, toàn tuyến rạch Xuyên Tâm và 3 tuyến nhánh (rạch Cầu Sơn, rạch Bình Lợi, rạch Bình Triệu) dài gần 9 km sẽ được xây kè, lòng rạch nạo vét sâu 3,5 m, rộng 20-30 m.

Hai bên rạch làm đường giao thông quy mô 2 làn xe mỗi bên cùng công viên, mảng xanh, đèn chiếu sáng.

Trong đó, đoạn qua địa bàn quận Gò Vấp sẽ được khởi công vào tháng 8/2024 và hoàn thành trong tháng 4/2025. Đoạn qua quận Bình Thạnh sẽ khởi công vào tháng 4/2025 và hoàn thành trong tháng 4/2028.

Để thực hiện dự án, sẽ có khoảng gần 1.900 hộ dân sống ven hoặc trên con kênh này tại các quận Bình Thạnh, Gò Vấp phải di dời.

Nguồn: Thanh Niên; CafeF; Vietnamnet; CafeLand

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang