Nhiều dự án điện khí ì ạch; Hóa đơn điện tử xăng dầu trước giờ G; Siêu cảng quốc tế bao giờ khởi công; Quy hoạch tuần qua

TÌM NGUYÊN NHÂN KHIẾN HÀNG LOẠT DỰ ÁN ĐIỆN KHÍ CHẬM TIẾN ĐỘ

Theo lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, các dự án điện khí LNG đều gặp vướng mắc trong quá trình đàm phán và chưa ký được hợp đồng PPA để chủ đầu tư thu xếp vốn.

Tại cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, thực hiện các dự án điện khí của Bộ Công Thương mới đây, ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết theo Quy hoạch điện VIII, sẽ có 23 dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030.

Trong đó có 10 dự án sử dụng khí trong nước và 13 dự án điện sử dụng LNG (khí tự nhiên hóa lỏng).

Đến nay, 1 nhà máy đã đưa vào vận hành là Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I (660 MW); các dự án đang xây dựng là Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4 (tổng công suất 1.624 MW) và Nhà máy điện LNG Hiệp Phước giai đoạn 1 (công suất 1.200 MW).

Các dự án nhà máy điện sử dụng khí trong nước đều đã có chủ đầu tư và đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

3 dự án chưa tìm được chủ đầu tư

Theo lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, dự án Ô Môn II công suất 1.050 MW đã phê duyệt quyết định đầu tư, còn dự án Ô Môn IV đang trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt quyết định đầu tư điều chỉnh.

Trong số các nhà máy điện sử dụng LNG, hiện còn 3 dự án chưa lựa chọn được chủ đầu tư là Nghi Sơn, Cà Ná, Quỳnh Lập (riêng dự án Nghi Sơn đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư). Các nhà máy điện còn lại đã có chủ đầu tư và đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Một số dự án đã trình báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) tới Bộ Công Thương để thẩm định, phê duyệt và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã có văn bản gửi các chủ đầu tư yêu cầu hoàn thiện hồ sơ FS như Sơn Mỹ I, II, Quảng Ninh, Hải Lăng giai đoạn 1.

Dự án LNG Bạc Liêu và LNG Long An (I và II) đã được thẩm định và có văn bản thông báo kết quả thẩm định gửi chủ đầu tư. Các dự án đang đàm phán Hợp đồng PPA (hợp đồng mua bán điện giữa bên mua điện và bên bán điện) với EVN gồm Nhơn Trạch 3 và 4, Hiệp Phước giai đoạn 1, Ô Môn II, Bạc Liêu.

Các dự án điện khí có thể đưa vào vận hành thương mại trước năm 2030 gồm các dự án điện trong Trung tâm điện lực Ô Môn; Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4; Hiệp Phước. Tổng công suất các dự án này là 6.634 MW.

Còn nhiều vướng mắc

Các dự án điện LNG từ lúc có quy hoạch đến khi vận hành thường mất 8-10 năm, thậm chí lâu hơn. Việc chậm tiến độ các nguồn điện, đặc biệt chậm phát triển nguồn điện nền như LNG có thể làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.

Trên cơ sở báo cáo của các chủ đầu tư và địa phương có dự án, lãnh đạo Cục này nhìn nhận trong quá trình triển khai các dự án điện khí đang gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến hợp đồng PPA, bảo lãnh Chính phủ và cơ chế mua LNG.

Cụ thể, đa số chủ đầu tư trong nước yêu cầu trong hợp đồng PPA cam kết sản lượng hợp đồng dài hạn ổn định hoặc bao tiêu khí; chuyển ngang cam kết sản lượng mua khí từ hợp đồng mua khí sang hợp đồng mua điện; chuyển ngang giá khí sang giá điện, điều kiện bất khả kháng...

"Đặc biệt, một số quy định của Luật Đấu thầu chưa phù hợp với đặc thù và thông lệ kinh doanh LNG quốc tế. Do vậy, cần phải có quy định về việc mua LNG cho các dự án nhà máy điện LNG phù hợp với thông lệ quốc tế", ông Tô Xuân Bảo đánh giá.

Theo ông, nhiều dự án chỉ có thể đưa vào vận hành đến năm 2030 nếu hoàn thành đàm phán Hợp đồng PPA và thu xếp vốn vay trước năm 2027. Các dự án điện khí thuộc chuỗi khí điện (Lô B, Cá Voi Xanh) còn phụ thuộc vào tiến độ của dự án thượng nguồn để đảm bảo hiệu quả chung của cả chuỗi dự án.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận từ nhiều năm nay, cơ chế đối với phát triển các dự án điện khí (bao gồm khí tự nhiên và khí hóa lỏng) vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, Việt Nam phải phát triển 30.000 MW điện khí.

Trước đề xuất của các nhà đầu tư nước ngoài về việc cam kết sản lượng hợp đồng dài hạn, Bộ trưởng gợi ý EVN nghiên cứu và báo cáo cụ thể cho Chính phủ. Trong đó nêu rõ khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp và trình Chính phủ xem xét cơ chế, chủ trương để tháo gỡ vướng mắc thực hiện các dự án điện khí trong Quy hoạch điện VIII.

BẤT NGỜ SỐ LƯỢNG CÂY XĂNG CHƯA KẾT NỐI HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ

Số liệu vừa được Tổng cục Thuế cập nhật cuối tuần này đến ngày 29.3, trên toàn quốc đã có 15.762 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã thực hiện phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, đạt khoảng 98,9% trên tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Tổng số cửa hàng xăng dầu có trên cả nước theo số liệu thống kê trước đó của Tổng cục Thuế là 15.981 cửa hàng. Như vậy, đến 29.3, còn khoảng 219 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước chưa thể thực hiện kết nối cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Tuy vậy, Tổng cục Thuế đánh giá, về cơ bản, các cửa hàng xăng dầu trên cả nước sẽ thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng kịp tiến độ. Tính đến ngày 29.3, theo Tổng cục Thuế, đã có 59/63 địa phương đạt tiến độ về hóa đơn điện tử xuất từng lần bán hàng tại cửa hàng xăng dầu trên 90%, 40 địa phương hoàn thành 100% tiến độ.

Thời hạn mà Thủ tướng Chính phủ và Tổng cục thuế, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, UBND các tỉnh thành, sở công thương... đưa ra với các doanh nghiệp là hết ngày hôm nay (31.3) phải hoàn tất việc áp dụng và kết nối này.

Sáng 31.3, một đại lý xăng dầu tại Đồng Nai cho hay, cửa hàng vừa hoàn tất việc kết nối qua app, kịp trước thời hạn cơ quan quản lý đưa ra. Việc xuất hóa đơn đến nay chưa thấy trục trặc gì. Quan trọng hơn, qua app, cửa hàng vẫn có thể xuất hóa đơn điện tử từng lần bán dễ dàng hơn, theo dõi nguồn hàng tồn kho cũng tiện hơn so với trước. Chi phí cho mỗi hóa đơn điện tử này được một số doanh nghiệp báo dao động từ 30 - 50 đồng/hóa đơn.

Chủ cửa hàng này nói: "Nếu ngành thuế ngay từ đầu có hướng dẫn rõ ràng, cho các doanh nghiệp cài app và phần mềm xuất hóa đơn điện tử như vậy thì không có gì đáng bàn. Đằng này, buộc các cửa hàng xăng dầu phải thay đổi đầu đọc số, camera, máy in, máy pos, các giải pháp phần mềm... tốn rất nhiều chi phí và không cần thiết, khiến đa số các nơi lúng túng, không thể thực hiện khi tính toán chi phí đầu tư quá cao. Bên cạnh đó, việc kết nối thiết bị cũ - mới không tương thích, chất lượng thiết bị thế nào lại không có đơn vị quản lý hướng dẫn, kiểm định....".

Theo bảng tổng hợp triển khai phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu của Tổng cục Thuế, đa số các địa phương có tỷ lệ hoàn thành thấp đều tập trung tại các vùng xa, núi, hải đảo, hoặc địa bàn phức tạp như: Bắc Kạn, Kon Tum, Cao Bằng, Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn... Nói về vướng mắc, khó khăn của những địa phương chưa triển khai việc xuất hóa đơn điện tử, Tổng cục Thuế cũng nhìn nhận, những cây xăng tại khu vực này vẫn còn gặp khó khăn nhiều về đường truyền dẫn; hệ thống cây xăng chưa đồng bộ; thiếu thốn về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng - kỹ thuật...

HIỆN TRẠNG SIÊU CẢNG CẦN GIỜ 129.000 TỶ ĐỒNG

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa có ý kiến về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế trị giá 129.000 tỷ đồng ở TP.HCM.

Phấn đấu khởi công dự án trong năm 2025

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2021/VPCP-CN ngày 28/3/2024 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM (Đề án). Để có thể khởi công dự án trong năm 2025 theo kế hoạch, Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ phải được hoàn thiện sớm để trình Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Ủy ban nhân dân TP.HCM rà soát các nội dung theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, nhất là tính khả thi và hiệu quả kinh tế trong mối quan hệ với Cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, khu bến Cái Mép - Thị Vải để hoàn thiện Đề án.

Đồng thời, địa phương cần có văn bản gửi Đề án đến Bộ Giao thông vận tải để tham khảo, nghiên cứu, xử lý trong quá trình lập Hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình hoàn thiện Hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch.

Phó Thủ tướng lưu ý cần phải xác định rõ sản phẩm đầu ra của Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những nội dung vượt thẩm quyền của các Bộ, UBND TP.HCM, hoặc những nội dung cần thiết có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (đồng thời gửi Bộ Giao thông vận tải để thẩm định).

Bộ Giao thông vận tải khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 102/TB-VPCP ngày 15/3/2024; nghiên cứu, xem xét Đề án để quyết định các nội dung quy hoạch Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trên cơ sở báo cáo của UBND TP.HCM về sản phẩm đầu ra của Đề án, Bộ Giao thông vận tải rà soát, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định.

Cảng Cần Giờ có thể mang về 40.000 tỷ đồng/năm

Theo Báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đề ra mục tiêu xây dựng cảng trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP.HCM và khu vực. Qua đó thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.

Về vị trí, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến nằm ở khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, thuộc vùng đệm khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không ảnh hưởng đến vùng lõi khu dự trữ. Nơi đây nằm biệt lập với các khu vực lân cận, hiện nay có kết nối thuận lợi với luồng hàng hải và luồng đường thủy.

Tổng mức đầu tư dự kiến của Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khoảng 129.000 tỷ đồng. Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7 km và bến sà lan dự kiến khoảng 2 km.

Tổng diện tích ước tính khoảng 571 ha. Bao gồm cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay là 250.000 DWT, tương đương 24.000 TEU (một TEU tương đương container loại 20 feet), tàu trung chuyển có tải trọng từ 10.000 - 65.000 tấn và sà lan tải trọng 8.000 tầng kỹ thuật... khoảng 469,5 ha và diện tích vùng nước hoạt động cảng khoảng 101,5 ha.

Ước tính với sản lượng hàng hóa năm đầu tiên qua cảng đạt khoảng 2,1 triệu TEU (1 TEU bằng 1 container 20 feet). Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047 - bằng một nửa sản lượng Singapore hiện nay.

Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỷ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất. Tổng vốn đầu tư của dự án gần 129.000 tỷ đồng (5,5 tỷ USD), do Tập đoàn MSC - hãng tàu container tốp đầu thế giới đề xuất đầu tư.

TPHCM sẽ chi hàng chục nghìn tỷ đồng kết nối giao thông tới siêu cảng

Cần Giờ nằm ở phía Đông Nam, cách trung tâm TP.HCM khoảng 50 km đường bộ, được mệnh danh là "ốc đảo xanh" bởi nơi đây có khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận năm 2000.

Đây cũng là địa phương có vị trí tiếp giáp với biển Đông, nằm giữa 2 cửa sông lớn là sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu, đồng thời tiếp giáp sông Thị Vải. Đây là các tuyến hàng hải quan trọng của cảng biển nhóm 4, hội tụ đủ điều kiện để phát triển cảng biển cửa ngõ quốc gia và trung chuyển quốc tế.

Vì vậy, TP.HCM sẽ chi hàng chục nghìn tỷ đồng xây cầu Cần Giờ, nút giao đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức - Long Thành; đồng thời nghiên cứu bổ sung tuyến metro dọc đường Rừng Sác, đường kết nối cụm Cảng Cần Giờ - Cái Mép, đường ven biển kết nối Cần Giờ - Vũng Tàu nhằm khai thác hiệu quả dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Trong đó, dự án được chờ đợt nhất là cầu Cần Giờ, được TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành trước năm 2030, có tổng chiều dài 7,3km (trong đó, cầu Cần Giờ dài gần 3km, phần đường dẫn dài hơn 4,3km), quy mô 6 làn xe (4 làn cơ giới, 2 làn thô sơ), vận tốc 60km/h.

Dự án xây dựng nút giao thông đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng rất quan trọng bởi đường Rừng Sác là đường độc đạo kết nối trung tâm TP.HCM, tỉnh Đồng Nai và khu vực lân cận đến Cần Giờ (hiện việc kết nối giao thông đến huyện Cần Giờ chủ yếu bằng đường thủy).

Ngoài hai dự án trên sắp triển khai, TP.HCM cho biết sẽ nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt đô thị dọc theo đường Rừng Sác (dự kiến kết nối từ Khu đô thị biển lấn biển Cần Giờ với tuyến Metro số 4 tại huyện Nhà Bè). TP cũng nghiên cứu làm tuyến đường kết nối cụm Cảng Cần Giờ - Cái Mép và tuyến đường ven biển kết nối giữa TP.HCM (qua huyện Cần Giờ) với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tiềm năng đặc biệt của siêu cảng Cần Giờ

Ý tưởng đưa Cần Giờ hướng ra biển lớn đã có từ 20 năm trước. Trong thư gửi lãnh đạo TP. HCM năm 2002, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn mạnh ý tưởng xác định hướng Đông là Cần Giờ, sẽ hình thành khu đô thị nghỉ dưỡng, giải trí, du lịch. Khu đô thị biển gần liền với vùng rừng sinh thái độc nhất (rừng Sác), có bờ biển trải dài, cách không xa thành phố sẽ mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.

Ngày 18/7/2023, sau khi thị sát Cần Giờ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã đánh giá huyện Cần Giờ có tiềm năng đặc biệt để trở thành trung tâm trung chuyển hàng hải, logistic tầm vóc khu vực và quốc tế, có khả năng cạnh tranh cao với các trung tâm trung chuyển hàng hải hiện tại trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á.

Đối với Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, giới chuyên gia kỳ vọng “mỏ vàng” này sẽ giúp Cảng Sài Gòn tiến ra biển lớn, góp phần giúp TP.HCM - đô thị giàu top đầu Việt Nam tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm logistics của khu vực và châu Á như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore.

Đồng thời, những tác động và lợi ích lớn mà cảng này mang lại rõ ràng nhất là đóng góp nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng xung quanh, thu hút thêm các doanh nghiệp lớn đến đầu tư, phát triển.

Dự án triển khai sớm sẽ là bước đột phá không chỉ cho TP. HCM mà cả Đông Nam Bộ, bởi hình thành cửa ngõ giao thương tầm cỡ quốc tế. Cảng Cần Giờ cũng được cho sẽ không ảnh hưởng hoặc cạnh tranh khu Thị Vải - Cái Mép ở Bà Rịa - Vũng Tàu, mà cả hai sẽ tạo thành một hệ thống cảng biển cho vùng.

Cảng Cần Giờ sẽ bổ sung cho hệ thống Cảng Cái Mép, nâng tầm toàn bộ cụm cảng số 4 thành cảng biển quốc gia, tầm cỡ quốc tế, cạnh tranh với thế giới. Cụm cảng này kết hợp mới có thể phát triển hết tiềm năng vì lợi ích quốc gia, không chỉ vì TP.HCM hay vùng Đông Nam bộ. Từ đó, hiện thực hóa khát vọng VN trở thành cửa ngõ mặt tiền của thời đại đại dương.

Ngoài ra, cụm cảng không chỉ có ý nghĩa trở thành cảng trung chuyển quốc tế mà còn hỗ trợ, bổ sung, tạo hệ sinh thái chung để phát triển một trung tâm logistics, đặc biệt là khu mậu dịch phi thuế quan với dải đất mênh mông từ khu Soài Rạp đổ về.

NHỮNG THÔNG TIN QUY HOẠCH NỔI BẬT TỪ 23/3 - 29/3

Hà Nội thông qua quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030; Kiên Giang sẽ đưa huyện Kiên Lương lên thị xã; phương án xây cầu Cẩm Lý mới ở Bắc Giang; hàng nghìn tỷ đồng thu hồi đất, cải tạo bờ kênh Đôi tại TP HCM... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Kiên Giang sẽ đưa huyện Kiên Lương lên thị xã

Theo Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, toàn tỉnh có 34 đô thị, trong đó có hai đô thị loại I, một đô thị loại II, một đô thị loại III, 10 đô thị loại IV và 20 đô thị loại V.

Trong đó, tỉnh này quy hoạch đưa huyện Kiên Lương lên thị xã, đây là đô thị động lực của tỉnh, định hướng lấn biển để mở rộng không gian đô thị - dịch vụ; là trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch sinh thái biển, gắn kết với TP Hà Tiên hình thành khu vực phát triển mạnh về kinh tế cửa khẩu, kinh tế biển.

Hơn 4.900 tỷ đồng cải tạo kênh Đôi tại TP HCM

Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Đô thị (UBND TP HCM) đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án Nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi trên địa bàn quận 8.

Theo đó, địa điểm thực hiện dự án tại phường 8, 9, 10, 11, 12, 14, quận 8, TP HCM. Điểm đầu từ Giao lộ đường Hoài Thanh giao với đường Hoàng Sỹ Khải; điểm cuối nằm tại cầu Chữ Y. Tổng chiều dài khoảng 4,3 km. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là hơn 4.930 tỷ đồng.

Lộ diện phương án xây cầu Cẩm Lý mới ở Bắc Giang

Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) đã công bố Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM) về dự án cầu Cẩm Lý Km24+134 tuyến đường sắt Kép - Hạ Long tại tỉnh Bắc Giang.

Địa điểm thực hiện cầu Cẩm Lý mới nằm tại xã Cẩm Lý, xã Vũ Xá và xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam. Điểm đầu dự án nằm tại Km16+580 (QL 37) thuộc địa phận xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Điểm cuối nằm tại Km20+230 thuộc địa phận xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Về quy mô, đây là đường cấp III đồng bằng, phần đường thiết kế với tốc độ 80 km/h. Tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng.

Gần 9.300 tỷ đồng nâng cấp ba quốc lộ ở ĐBSCL

Theo VnExpress, Bộ Giao thông Vận tải vừa qua đã kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương nâng cấp ba quốc lộ 53, 62, 91B đạt tiêu chuẩn đường cấp 3, tổng vốn đầu tư 9.297 tỷ đồng.

Cụ thể, QL 62 trên địa bàn tỉnh Long An, điểm đầu tại nút giao với đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, điểm cuối dự kiến tại TX Kiến Tường, chiều dài khoảng 69 km.

QL 53 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh, gồm cầu Ngã Tư và đoạn Long Hồ - Ba Si, điểm đầu tại huyện Long Hồ, điểm cuối dự kiến tại huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, chiều dài khoảng 41 km.

QL 91B nằm trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, điểm đầu dự kiến tại ngã năm cầu Cần Thơ, điểm cuối tại thành phố Bạc Liêu, chiều dài khoảng 141 km.

Hệ thống đường vành đai qua TP Hà Nội mới hình thành hơn 46%

Theo Quy hoạch Giao thông Vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP Hà Nội sẽ có 7 tuyến đường vành đai kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận.

7 tuyến đường này bao gồm vành đai 1; vành đai 2; vành đai 2,5; vành đai 3; vành đai 3,5; vành đai 4 và vành đai 5. Đây được xem là bộ khung định hình mạng lưới giao thông đường bộ của Thủ đô.

Đến nay, mạng lưới đường vành đai vẫn chưa hình thành đồng bộ theo quy hoạch. Thống kê đến nay Hà Nội mới chỉ hình thành được 46,33% hệ thống đường vành đai.

Thông qua Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030

Sáng ngày 29/3, tại Kỳ họp thứ 15 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với 92,55% đại biểu có mặt tán thành.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đoàn Việt Cường nhấn mạnh, việc UBND TP Hà Nội trình thông qua Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đúng quy định, làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyêt.

Xem thêm về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030 TẠI ĐÂY.

Nguồn: Zing News; Thanh Niên; Soha; Vietnammoi

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang