Thông qua đồ án quy hoạch thủ đô; 25.500 tỷ làm 130km cao tốc; Vành đai 3 thiếu cát đắp nền; Gỡ vướng dự án ngàn tỷ

THÔNG QUA ĐỒ ÁN QUY HOẠCH THỦ ĐÔ: DI DỜI CƠ SỞ GIÁO DỤC, Y TẾ KHỎI TRUNG TÂM

Theo đồ án, thành phố sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông, chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, đường vành đai, các cầu vượt sông Hồng. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, toàn bộ hoặc một phần cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trụ sở các cơ quan, đơn vị ra khỏi khu vực đô thị trung tâm.

Sáng ngày 29/3, tại kỳ họp chuyên đề, HĐND TP. Hà Nội đã biểu quyết thông qua Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Đồ án).

Trước đó, trình bày Tờ trình Quy hoạch Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, Đồ án đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; là trung tâm kinh tế tài chính, trung tâm y tế hàng đầu cả nước.

Đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, tiêu biểu cho cả nước; là thành phố kết nối toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng.

Để đạt được mục tiêu trên, Đồ án đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực giao thông.

Cụ thể, thành phố sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt hệ thống đường sắt đô thị, đường vành đai , các cầu vượt sông Hồng để tăng cường kết nối các địa phương và giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc. Đồng thời, tập trung cải tạo các khu chung cư cũ, xóa bỏ tình trạng nhà tự xây không theo quy hoạch, khai thác không gian ngầm trong phát triển giao thông và dịch vụ đô thị.

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, toàn bộ hoặc một phần cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trụ sở các cơ quan, đơn vị ra khỏi khu vực đô thị trung tâm. Xóa bỏ tình trạng các dự án đô thị chậm triển khai, các khu nhà ở đô thị mới xây dựng lên nhiều năm không có người ở, thiếu hạ tầng xã hội.

Thành phố cũng sẽ đầu tư xây dựng các cầu qua Sông Hồng, Sông Đuống như cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, các cầu trên vành đai 4,5… Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030. Mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài. Đầu tư, khai thác không gian ngầm khu vực đô thị trung tâm phục vụ các tuyến đường sắt đi ngầm từ vành đai 3,5, kết hợp phát triển thương mại, dịch vụ.

Đề nghị làm rõ phương án phát triển trục sông Hồng

Đồng tình với các nội dung được nêu trong Đồ án, tuy nhiên, Ban Đô thị (HDND thành phố) đề nghị, UBND thành phố cần rà soát, đánh giá cụ thể các tồn tại, hạn chế để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó đề xuất các giải pháp hiệu quả. Đồng thời, bổ sung quan điểm phát triển Thủ đô dựa trên 5 trụ cột: văn hóa - di sản; phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; hạ tầng đồng bộ, giao thông hiện đại; xã hội số - đô thị thông minh; khoa học kỹ thuật đổi mới, hiện đại.

Ban Đô thị cũng đề nghị làm rõ nét phương án phát triển trục sông Hồng. Ngoài ra, các khâu đột phá nhấn mạnh hơn về đột phá về hạ tầng giao thông, công trình ngầm, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, khắc phục tình trạng quá tải hạ tầng xã hội, ùn tắc giao thông. Ngoài ra, cần rà soát các phương án quy hoạch các ngành, lĩnh vực để phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù của Thủ đô.

Sau báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến về đồ án. Trong đó, các đại biểu đề nghị thành phố tập trung các giải pháp hoàn thiện về thể chế; mối quan hệ về phân cấp, phân quyền về nguồn lực, nhất quán. Đồng thời làm rõ trục phát triển của sông Hồng, giải quyết vấn đề giao thông, giảm ô nhiễm môi trường…

Theo kế hoạch, sau khi HĐND thành phố thông qua, Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội sẽ được trình cấp có thẩm quyền để báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

ĐẦU TƯ HƠN 25.500 TỈ ĐỒNG LÀM GẦN 130 KM CAO TỐC GIA NGHĨA - CHƠN THÀNH

Bộ GTVT vừa có tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng vừa ký Tờ trình số 112/TTr-CP báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây (CT.02) đoạn Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) – Chơn Thành (tỉnh Bình Phước).

Theo tờ trình này, dự án có điểm đầu giao với đường đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) tại Km 1915, thuộc địa phận huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông; điểm cuối kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa, thuộc địa phận thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Dự án có tổng chiều dài gần 130 km, gồm đoạn qua địa phận tỉnh Đắk Nông gần 28 km, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Phước khoảng 99 km và khoảng 2 km đoạn kết nối từ nút giao cao tốc TPHCM – Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa.

Chính phủ kiến nghị thực hiện phân kỳ đầu tư dự án, trong đó giai đoạn 1, tuyến cao tốc có quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100-120 km/h tùy thuộc vào điều kiện địa hình; bề rộng nền đường 24,75 m; giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được duyệt là 6 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường 32,25 m.

Theo tính toán sơ bộ, quy mô giai đoạn phân kỳ chính tuyến cao tốc có thể đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2045-2050.

Chính phủ đề xuất hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức PPP. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là khoảng 25.540 tỉ đồng được đầu tư bằng ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và vốn do nhà đầu tư thu xếp. Trong đó vốn ngân sách Nhà nước 12.770 tỉ đồng và vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng 12.770 tỉ đồng.

Dự án sẽ tiến hành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư năm 2024-2025, thi công xây dựng từ năm 2025 và hoàn thành năm 2026.

VÀNH ĐAI 3 TP.HCM ĐANG THIẾU CÁT ĐẮP NỀN, UBND TP.HCM KIẾN NGHỊ GỠ VƯỚNG

Để vành đai 3 TP.HCM dài 76km hoàn thành đúng tiến độ, cần có đủ nguồn cát đắp nền đường.

Vành đai 3 TP.HCM thiếu cát đắp nền

Ngày 29-3, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tháo gỡ khó khăn về nguồn cát đắp nền đường (cát san lấp) phục vụ cho dự án vành đai 3 TP.HCM.

Theo báo cáo, tháng 12-2023, TP.HCM đã làm việc với đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre để rà soát, cân đối nguồn cát phục vụ dự án vành đai 3 TP.HCM.

Tại cuộc họp, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre thống nhất chủ trương cung cấp một phần trữ lượng các mỏ cát tại địa phương để phục vụ đường vành đai 3 TP.HCM nếu kết quả thí nghiệm các mẫu cát đáp ứng yêu cầu.

Các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang cần xin ý kiến thường trực tỉnh ủy do khó khăn về nguồn cát phục vụ các dự án cao tốc đang triển khai (cao tốc Bắc - Nam phía Đông và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), các công trình của tỉnh và chủ trương không cấp cát cho công trình ngoài tỉnh.

Căn cứ nội dung cuộc họp, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP đã làm việc với sở tài nguyên và môi trường các địa phương. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang thống nhất tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ, chia sẻ cho vành đai 3 TP.HCM khoảng 6,3 triệu m³ cát.

Còn tỉnh Bến Tre hiện đang chuẩn bị thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản của các mỏ cát. Sau khi lựa chọn được đơn vị trúng đấu giá, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ một phần khối lượng cát để phục vụ dự án.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long đã cung cấp danh sách các mỏ để lấy mẫu, kiểm tra chất lượng nguồn cát. Tuy nhiên, các mỏ đang được phép khai thác ở địa phương hiện nay có công suất khai thác hàng năm rất hạn chế.

Cát không đủ cung cấp cho các dự án trên địa bàn và tỉnh cũng đang cấp cho các dự án cao tốc trục dọc, trục ngang. Đồng thời, Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long chưa có chủ trương chấp thuận cung cấp cát cho dự án đường vành đai 3 TP.HCM.

Cần điều phối nguồn cát để đảm bảo các dự án cao tốc triển khai đồng bộ

Vành đai 3 TP.HCM dài 76km đã được khởi công vào tháng 6-2023. Theo báo cáo của Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, nguồn vật liệu đất đắp nền đường, đá xây dựng và cát xây dựng hiện đã đảm bảo nhu cầu.

Riêng nguồn cát đắp nền đường hiện gặp nhiều khó khăn. Tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án hơn 9,2 triệu m³.

Nhằm đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ, UBND TP.HCM kiến nghị Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì tổ chức buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương để điều phối nguồn cát đắp nền cho đường vành đai 3 TP.HCM.

Theo đó, đề nghị UBND các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang thống nhất chủ trương dành một phần trữ lượng cát đắp nền đường từ các mỏ cát để cung cấp cho vành đai 3 TP.HCM.

Đồng thời, hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục gia hạn, cấp phép khai thác, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản để kịp thời cung cấp cho dự án vào quý 2-2024

Đối với nguồn vật liệu cát đắp nền đường đã được các địa phương cam kết cấp cho các dự án cao tốc khác, đề nghị Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ, rà soát để cân đối chia sẻ một phần khối lượng cho dự án vành đai 3 TP.HCM.

Cơ chế chia sẻ theo hướng dự án nào tiến độ cấp thiết và nhu cầu tới trước sẽ cung cấp vật liệu trước để đảm bảo triển khai đồng bộ các dự án cao tốc theo từng giai đoạn cho phù hợp.

GỠ VƯỚNG CHO DỰ ÁN NGÀN TỈ KÉO DÀI 8 NĂM Ở KHU ĐẤT VÀNG SÔNG HÀN

Sau 8 năm, dự án khu đất vàng ven sông Hàn (Q.Hải Châu) đã được tháo gỡ và khởi công, đây là một trong các dự án được gỡ vướng trong số hơn 100 dự án mắc kẹt mà TP.Đà Nẵng đang nỗ lực giải quyết nhằm khơi thông nguồn lực.

Sáng 29.3, Công ty CP đầu tư Landcom (chủ đầu tư) khởi công xây dựng các khối nhà ở thấp tầng thuộc dự án Khu nhà ở và dịch vụ Tuyên Sơn ven sông Hàn (P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).

Đây là dự án đã kéo dài 8 năm qua trên khu đất vàng ven sông Hàn, khởi động từ năm 2017 nhưng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về vấn đề đất đai, dẫn đến thủ tục kéo dài.

Nguyên nhân khiến dự án kéo dài như việc chuyển đổi từ khu thể thao thành khu đô thị, việc chuyển nhượng dự án, các điều kiện về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy định về xây nhà liền kề…

UBND TP.Đà Nẵng cũng như chính quyền Q.Hải Châu đã nỗ lực tháo gỡ để tiếp tục triển khai dự án.

Dự án được UBND TP.Đà Nẵng chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 3353/QĐ-UBND ngày 30.7.2019, điều chỉnh đầu tư lần đầu tại Quyết định số 2432/QĐ-UBND ngày 6.11.2023.

Ngày 14.3, Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng xác nhận hạng mục đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng thuộc Dự án khu nhà ở và dịch vụ Tuyên Sơn đủ điều kiện khởi công xây dựng tại văn bản số 1679/SXD-CPXD.

Tổng diện tích thực hiện dự án khoảng 3,6 ha đất vàng ven sông Hàn, bao gồm 156 căn nhà liền kề và 63 căn biệt thự. Tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ quý 2 năm 2024 đến quý 4 năm 2025.

Tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp đầu năm 2024, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho biết năm 2023 thành phố đã cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và chủ trương đầu tư cho trên 40 dự án, qua đó khơi thông nguồn lực đầu tư gần 60.000 tỉ đồng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2024 - 2025.

Ngoài ra, 32 dự án, khu đất khác tiếp tục thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Hiện TP.Đà Nẵng còn hơn 100 dự án, trong đó có nhiều dự án bất động sản gặp vướng mắc về pháp lý. TP.Đà Nẵng đã lên phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án, báo cáo chi tiết trình Trung ương để xin được tháo gỡ, nhằm giải phóng các dư địa phát triển cho thành phố.

Bên cạnh đó, cuối tháng 3, TP.Đà Nẵng đã lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho dự án đầu tư công, nhằm đôn đốc, xử lý hồ sơ thủ tục đầu tư, giải ngân hơn 8.800 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2024.

Tổ công tác do ông Nguyễn Hà Nam, Chánh văn phòng UBND TP.Đà Nẵng, làm tổ trưởng. Hai tổ phó là bà Trần Thị Thanh Tâm (Giám đốc Sở KH-ĐT) và ông Võ Tấn Hà (Phó giám đốc Sở Xây dựng).

Nguồn: CafeF; Môi trường & Đô thị; Tuổi Trẻ; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang