Chỉnh giá điện 3 tháng/lần; Ngóng dự án chống ngập Thủ Đức; 20 dự án BOT lỗ nặng; 'Đường cong mềm mại' lách giữa 2 chung cư

GIÁ ĐIỆN ĐƯỢC TĂNG, GIẢM 3 THÁNG/LẦN

Quyết định mới nhất cho phép rút ngắn thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng. Song điều này không có nghĩa là cứ 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần

Thông tin trên được nêu tại Quyết định quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân thay thế Quyết định 24/2017/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 26/3.

Theo đó, giá bán điện bình quân được lập trên cơ sở chi phí khâu phát điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí điều hành - quản lý ngành, các khoản chi phí khác được phân bổ và chỉ bao gồm những chi phí phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)...

Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.

Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng.

Khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 03 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Liên quan cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm, Quyết định nêu rõ: Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán thấp hơn từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn EVN có trách nhiệm điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, EVN có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, giám sát.

Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 3% đến dưới 5%, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, giám sát.

Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 5% đến dưới 10%, Tập đoàn EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá của EVN, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để EVN triển khai thực hiện. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, Tập đoàn EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương.

Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan. Trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), Quyết định đề xuất rút ngắn thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống 3 tháng không có nghĩa là cứ 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần mà còn tùy thuộc vào đánh giá tác động tới kinh tế vĩ mô, cũng như tùy thuộc vào kết quả tính toán cập nhật giá điện đã đủ mức để được xem xét điều chỉnh theo quy định hay chưa.

Thực tế, Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng cũng đã cho phép điều chỉnh giá điện 6 tháng/lần. Nhưng vì nhiều lý do, giá điện có thời điểm 4 năm vẫn được giữ nguyên.

NGÓNG DỰ ÁN CHỐNG NGẬP TẠI TP THỦ ĐỨC VỀ ĐÍCH TRƯỚC MÙA MƯA

Là tuyến đường huyết mạch đi qua địa bàn TP Thủ Đức (TPHCM), nhưng Võ Văn Ngân cũng được biết đến là “điểm nóng” ngập nước. Sau 3 năm thi công, dự án nâng cấp hệ thống thoát nước chống ngập ở đoạn đường dài 2,5km với tổng số vốn đầu tư gần 250 tỷ đồng này vẫn chưa hoàn thành.

Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức cho biết, dự kiến dự án sẽ về đích trước ngày 30/4, tức là chỉ còn khoảng 30 ngày nữa.

Người dân nơi dây ngóng chờ thế nào trước thông tin này?

Tại đường Võ Văn Ngân vào giờ cao điểm chiều, người đi bộ lúng túng túng trước dòng người qua lại, chen nhau trên một con đường hẹp. Hỗn độn và tắc nghẽn là hình ảnh dễ nhận thấy trên con đường này.

Không còn cách nào khác, tài xế xe buýt phải đi sát vào hàng rào tôn che chắn dự án. Các phương tiện tìm cách giảm tốc độ và “né” nhau để tiến về phía trước.

Mặt trời chưa tắt nắng, không khí ngột ngạt và bụi bay mù mịt. Bấm còi xe dường như là cách ứng xử duy nhất để tránh va chạm.

Chen chúc và tắc nghẽn cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và cuộc sống của các hộ dân sinh sống, kinh doanh trên đoạn đường hơn 2 km.

Ông Lê Tâm đeo khẩu trang kín mín, than thở: “Mấy người buôn bán không buôn bán được, thứ hai là bụi với lại kẹt xe. Vừa tưới nước được sơ sơ, lát sau lại bụi, bụi lắm. Bụi chịu không nổi, đeo khẩu trang nguyên ngày luôn đó. Mùa mưa, lún, sạt, ngập nữa. Ngập khỏi nói luôn”.

Cùng chung cảnh ngộ, anh Lâm Văn Sang, chủ một cửa hàng kinh doanh cho biết, nhiều năm qua, cửa hàng anh khách ghé thăm thưa thớt vì bị “lô cốt” chắn ngay phía trước: “Bây giờ công trình cứ đào bới thế này thì lấy đâu ra khách mà làm. Trước kia còn làm được lai rai, giờ “lô cốt” nhiều thế này đâu có làm được gì được đâu. Công việc ế ẩm”.

Lý giải cho việc dự án chậm trễ tiến độ, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức cho hay, do cống hộp có kích thước lớn.

Khu vực này có hố đào sâu, địa chất yếu, đáy móng hố đào xuất hiện nước ngầm, cát chảy; mặt bằng thi công chật hẹp; lưu lượng phương tiện lưu thông lớn; thời gian thi công được chỉ từ 6 giờ - 7 giờ/ngày (từ 22 giờ tối đến trước 5 giờ sáng hôm sau); phui đào nằm giữa đường làm thu hẹp lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông.

Tuy nhiên, đơn vị này cũng thừa nhận nhà thầu thi công cũ thi công chây ì, tổ chức thi công ì ạch, không chủ động đẩy nhanh tiến độ, liên tục vi phạm tiến độ.

Điều này ảnh hưởng đến an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt và kinh doanh, buôn bán của người dân; gây phản cảm, bức xúc dư luận.

Ban đã chấm dứt hợp đồng với nhà thầu này vào tháng 10/2023 với khối lượng đã thực hiện khoảng 50% khối lượng dự án, trong đó riêng hạng mục cống hộp đạt khoảng 70%. Hiện, nhà thầu mới đang triển khai thi công vỉa hè, thi công hệ thống thoát nước và các hạng mục còn lại.

Ông Trần Nhân, Giám đốc điều hành Dự án xây dựng Hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, TP Thủ Đức cho biết thêm: “Chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tập trung thi công đồng loạt tất cả các mũi có thể thi công được để đẩy nhanh tiến độ, cố gắng hoàn thành các hạng mục công trình trước 30/4/2024 và góp phần giải quyết vấn đề thoát nước trước mùa mưa năm nay”

Giám đốc điều hành Dự án xây dựng Hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân cũng kiến nghị, TP sớm thông qua các chủ trương và triển khai thực hiện đồng bộ các dự án, đặc biệt khu vực chợ Thủ Đức và cải tạo hạ lưu rạch Cầu Ngang để khơi thoáng dòng chảy, tăng khả năng thoát nước; bởi dự án này chỉ giải quyết được khoảng 50-60% khả năng thoát nước của khu vực chợ Thủ Đức.

Mùa mưa luôn là nỗi kinh hoàng của người dân khi “dòng sông trên phố” nước chảy xiết, nguy hiểm đến tính mạng. Bởi vậy, họ mong mỏi từng ngày, từng giờ dự án được hoàn thành:

“Mong muốn công trình làm càng nhanh càng tốt, để người dân ở đây cải thiện tình hình buôn bán, cho có khách chút chứ giờ đâu có làm được gì”.

“Nếu mà hoàn thành trước mùa mưa thì tiểu thương chợ Thủ Đức chúng tôi mừng lắm đó”.

HƠN 20 DỰ ÁN BOT LỖ NẶNG, 'NGẤP NGHÉ' PHÁ SẢN

Trong số 53 dự án BOT thuộc Bộ GTVT đang thu phí, chỉ có 4 dự án có lãi, 26 dự án đạt doanh thu 70 - 100%. Đáng chú ý, có tới 19 dự án doanh thu chỉ đạt 30 - 70% và 4 dự án đạt dưới 30%.

Bộ GTVT cho biết, tính lũy kế doanh thu đến tháng 10.2023, trong 53 dự án BOT đang thu phí, có 4 dự án doanh thu cao hơn so với hợp đồng và 26 dự án đạt 70 - 100% phương án thu phí.

Đáng chú ý, 19 dự án chỉ đạt 30 - 70% phương án tài chính theo hợp đồng, trong đó có 12 dự án đạt 60 - 70%, 2 dự án đạt 52 - 56% và 5 dự án đạt doanh thu 34 - 45%.

Với 19 dự án doanh thu chỉ đạt 30 - 70%, nguyên nhân theo Bộ GTVT do tăng trưởng kinh tế không đạt như dự báo, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; các dự án chưa được cơ quan nhà nước cho phép tăng phí theo hợp đồng. Ngoài ra, một số dự án bị sụt giảm doanh thu do phương tiện lựa chọn tuyến đường khác tránh trạm thu phí...

Đặc biệt, 4 dự án mức thu dưới 30%, gồm BOT QL1 đoạn tránh Cai Lậy tỉnh Tiền Giang (do phải dừng thu phí 5 năm để điều chỉnh phương án thu phí; bắt đầu thu phí trở lại từ tháng 10.2022). Dự án BOT nâng cấp QL3 và xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới do không được thu phí trạm QL3, hầu hết phương tiện lựa chọn QL3 để tránh mất phí.

Dự án BOT cầu Thái Hà (Thái Bình) do phân lưu cầu Hưng Hà và thay đổi kế hoạch triển khai tuyến Vành đai 5 Hà Nội. Dự án BOT QL10 đoạn tránh TT.Đông Hưng, do dừng thu phí để di dời trạm về tuyến tránh TT.Đông Hưng (Thái Bình); cơ quan chức năng chưa thực hiện giải pháp cắm biển phân lưu như đã cam kết nên các phương tiện vẫn tránh trạm.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Công ty CP BOT cầu Việt Trì - Ba Vì, lũy kế doanh thu từ thời điểm bắt đầu thu đến hết tháng 10.2303 chỉ đạt 33%. Thậm chí, những năm gần đây do nguyên nhân khách quan nên lũy kế doanh thu chỉ đạt 24 - 29%.

Tới cuối tháng 12.2023, sau khi Bộ GTVT cho phép điều chỉnh tăng phí BOT kết hợp với lưu lượng gia tăng dịp cận tết Nguyên đán, doanh thu tháng 1.2024 mặc dù đã tăng 37% so với doanh thu bình quân 12 tháng năm 2023 nhưng vẫn không cải thiện đáng kể do mức sụt giảm quá lớn. Mức thu cũng không đủ bù đắp chi phí quản lý bảo trì, trả lãi vay.

Tương tự, dự án BOT QL91 đoạn Km14 - Km50+889 doanh thu ban đầu ổn định, tuy nhiên đến nay chỉ đạt 35% so với hợp đồng. Lý do, tình hình an ninh trật tự phức tạp, nhà đầu tư không được thu phí tại Trạm T2 trong phạm vi dự án.

Cạnh đó, địa phương đầu tư xây dựng mới một số tuyến đường trong khu vực dẫn đến phân chia lưu lượng. Dự kiến năm 2025 sau khi các tuyến này hoàn thành đưa vào khai thác thì dự án BOT sẽ tiếp tục bị phân lưu, phá vỡ phương án tài chính.

Với BOT QL1 đoạn tránh Cai Lậy tỉnh Tiền Giang, lũy kế doanh thu thấp do phải dừng thu phí 5 năm để điều chỉnh phương án thu phí. Dù được cho phép bắt đầu thu phí trở lại từ tháng 10.2022, nhưng doanh thu 10 tháng năm 2023 cũng chỉ đạt 72% so với hợp đồng.

Dự án BOT cải tạo, nâng cấp QL10 đoạn Tân Đệ - La Uyên (Thái Bình) và hạng mục bổ sung xây dựng tuyến tránh TT.Đông Hưng lũy kế doanh thu đạt 22% do phải dừng thu phí để di dời trạm về tuyến tránh TT.Đông Hưng.

Dự án BOT cầu Thái Hà có doanh thu chỉ đạt khoảng 17% so với hợp đồng. Lý do, dù dự án hoàn thành từ tháng 4.2018 nhưng đến tháng 1.2019 mới được thu phí do ảnh hưởng bởi tiến độ hoàn thành tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Cạnh đó, tuyến Vành đai vùng thủ đô kết nối trực tiếp với cầu Thái Hà chậm triển khai so với quy hoạch hoàn thành trước năm 2020.

Theo nhà đầu tư BOT cầu Thái Hà, công tác dự báo phân chia lưu lượng qua cầu Hưng Hà song hành (không thu phí) chưa chính xác, phần lớn phương tiện lựa chọn lưu thông qua cầu Hưng Hà song hành để không mất phí, càng tăng phí BOT thì tỷ lệ phân lưu càng lớn nên nhà đầu tư đề nghị không tăng phí.

Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp QL3 đoạn Km75 - Km100 doanh thu chỉ đạt 17% so với hợp đồng. Tới nay, theo lãnh đạo Công ty BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, tình hình an ninh trật tự phức tạp, nhà đầu tư không thu phí tại Trạm QL3, hầu hết các phương tiện lựa chọn QL3 để không mất phí.

Bộ GTVT cũng đánh giá dự án BOT cầu Thái Hà và BOT Thái Nguyên - Chợ Mới không có khả năng cải thiện doanh thu, vỡ phương án tài chính theo hợp đồng ban đầu, khiến doanh nghiệp dự án ngấp nghé phá sản.

‘ĐƯỜNG CONG MỀM MẠI’ LÁCH GIỮA 2 CHUNG CƯ TẠI HÀ NỘI: CÓ SAI LỆCH CHỈ GIỚI

Kết quả đo đạc của công ty đo đạc độc lập cho thấy, chỉ giới đường đỏ theo bản vẽ quy hoạch tỷ lệ 1/500 phê duyệt năm 2004 và chỉ giới đường đỏ theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội năm 2005 lệch nhau gần 50cm.

Liên quan đến dự án tuyến đường lách giữa 2 tòa chung cư đông đúc ở phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), mới đây Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng có văn bản trả lời thắc mắc về chỉ giới đường đỏ giữa các dự án không trùng nhau.

Theo đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng đã chuyển hồ sơ đến Công ty CP khảo sát đo đạc HCGC Hà Nội - đơn vị thực hiện cắm mốc giới cho dự án trên để kiểm tra, rà soát.

Văn bản trả lời của Công ty CP khảo sát đo đạc HCGC Hà Nội cho thấy, chỉ giới đường đỏ theo bản vẽ quy hoạch tỷ lệ 1/500 phê duyệt năm 2004 và chỉ giới đường đỏ theo quyết định của UBND TP Hà Nội năm 2005 lệch nhau gần 50cm.

Chỉ giới đường đỏ dự án được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp chỉ lệnh mốc cắm năm 2022 và chỉ giới đường đỏ theo quyết định năm 2005 của UBND TP Hà Nội cũng lệch nhau khoảng 0,2m. Công ty đo đạc cho rằng sai số này "có thể do sai số tính chuyển hệ tọa độ".

Ngay sau khi có thông tin về việc lệch tọa độ chỉ giới đường đỏ, Ban Quản trị chung cư 25 Lạc Trung đã gửi văn bản gửi Công ty CP Thương mại dịch vụ thời trang Hà Nội (chủ đầu tư chung cư 25 Lạc Trung) Ban quản trị chung cư 25 Lạc Trung đề nghị làm rõ những vấn đề này. Trong khi chưa xác định được mốc giới, Ban quản trị cho rằng không thể thực hiện việc thực hiện bàn giao đất để thực hiện dự án.

Như thông tin báo Tiền Phong đã đưa trước đây, dự án này có tên đầy đủ là dự án kết nối đường qua công ty xe bus với dự án 423 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy. Tuyến đường có chiều dài khoảng 435m, điểm bắt đầu tuyến đường giao với phố Lạc Trung và điểm cuối giao với dự án 423 Minh Khai.

Tổng mức đầu tư của dự án gần 84 tỷ đồng; tuyến đường có mặt cắt ngang 13,5m (nền) và 7,5m (mặt đường). Dự kiến dự án được khởi công và hoàn thành trong năm 2023.

Cùng với dự án đường nối từ công ty xe bus đến dự án 423 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng cũng đang thực hiện đồng bộ tuyến đường nối ngõ 61 Lạc Trung - Mạc Thị Bưởi - dốc Minh Khai theo đồ án quy hoạch phân khu H1-4 tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt.

Sau khi hoàn thành sẽ tạo ra 2 tuyến đường song song, từ Lạc Trung đến đường Vành đai 2, vị trí bên phải và bên trái dự án 423 Minh Khai, giúp giải tỏa áp lực giao thông vốn rất lớn tại khu vực này.

Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng quận Hai Bà Trưng (chủ đầu tư) cho biết, hiện người dân không đồng tình với dự án một phần nguyên nhân bởi tuyến đường sắp mở sẽ đi vào phần sân chơi, bãi đỗ xe hiện nay của cư dân 2 tòa N02, N03 . Tuy nhiên, trong quyết định giao đất của UBND thành phố Hà Nội năm 2005 đã nêu rõ phần đất này chỉ giao tạm, thu hồi khi làm đường. "Đây có thể là do việc chủ đầu tư không rõ ràng thông tin với cư dân ngay từ đầu", đại diện chủ đầu tư chia sẻ.

Được biết, đến thời điểm này chủ đầu tư mới hoàn thành 2 toàn N02, N03, trong khi đó diện tích đất để xây dựng văn phòng dịch vụ vẫn chưa triển khai. Theo quy hoạch tổng mặt bằng 1/500 do Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội duyệt khu đất xây văn phòng dịch vụ có quy hoạch hầm đỗ xe.

Nguồn: Vietnamnet; VOV Giao Thông; Thanh Niên; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang