Thuế thu nhập cá nhân lạc hậu; Cầu cửa ngõ TP.HCM đình trệ; 2 dự án BT dang dở; 9 năm chưa xong dự án khu dân cư

THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN ĐÃ QUÁ LẠC HẬU

Thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu lại có nguy cơ càng lạc hậu hơn khi từ ngày 1.7, lương cơ bản chính thức tăng. Thế nhưng, mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Tài chính vẫn cho biết tới năm 2025 mới điều chỉnh ngưỡng thuế này.

Chưa mừng tăng lương, lại lo tăng thuế

Từ ngày 1.7, thu nhập của người lao động sẽ được tăng lên khi một loạt quyết định về lương sẽ chính thức có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa thu nhập tính thuế của người lao động cũng sẽ tăng. Theo dự thảo của Bộ LĐ-TB-XH, mức lương tối thiểu đối với người lao động tăng 6% so với mức hiện hành, tương ứng tăng từ 200.000 - 280.000 đồng tùy vùng.

Bên cạnh đó, tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Dự kiến, kể từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hằng năm khoảng 7%. Lương tăng sẽ là niềm vui nhưng niềm vui này lại không trọn vẹn khi quy định về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) lại đứng yên, đồng nghĩa với việc một số người khi được tăng lương lại phải đóng thuế cao hơn.

Chị K.T (Q.3, TP.HCM) kể lại kỳ tăng lương tháng 7.2023 của chị được thêm hơn 700.000 đồng do lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, chưa kịp mừng thì nhận thông tin bị trừ thuế TNCN hơn 36.000 đồng do mức lương đã tăng lên gần 11,8 triệu đồng/tháng, thuộc ngưỡng phải chịu thuế.

"Nghe lương tăng cũng vui nhưng không nhiều mà bỗng dưng trở thành người phải nộp thuế TNCN. Đợt này thì tăng lương tối thiểu, lương của công chức và trong đó chồng mình thuộc đối tượng điều chỉnh. Do chưa biết mức tăng nên cũng không biết thế nào, có thể bị rơi vào trường hợp giống mình vì đã gần ngưỡng mức đóng thuế. Phải chi ngưỡng giảm trừ gia cảnh (GTGC) được nâng theo lương thì đỡ hơn, vì mức lương tăng cũng không cao và vẫn chưa đủ chi tiêu khi giá hàng hóa còn tăng cao hơn nhiều", chị K.T chia sẻ.

Kế toán trưởng một doanh nghiệp tại TP.HCM nói với cách tính lương thay đổi vào đầu tháng 7, người lao động sẽ có mức tăng thu nhập từ vài trăm lên vài triệu đồng mỗi tháng. Điều này đồng nghĩa số thuế TNCN phải nộp cũng tăng theo.

Thời gian qua, lương cơ sở, lương tối thiểu đã được Chính phủ tăng nhiều lần nhằm đảm bảo đời sống của người dân. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, lương tối thiểu vùng đã trải qua 8 lần điều chỉnh với mức tăng từ 5,5 - 15% mỗi năm. Đồng thời mức đề xuất mới tăng khoảng 11% so với năm 2013 và tăng 12,2% so với năm 2020. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người của người lao động tăng qua các năm.

Theo công bố của Bộ Tài chính trước đây thì vào năm 2021, thu nhập bình quân đầu người là 4,2 triệu đồng/tháng, đến 2023 ước đạt 4,95 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 280.000 đồng/người/tháng, tương ứng với tăng 5,9% so với thu nhập bình quân năm 2022. Như vậy, 3 năm trước, mức GTGC trong tính thuế TNCN là 11 triệu đồng/tháng, bằng hơn 2,6 lần so với thu nhập bình quân đầu người thì đến nay khi thu nhập bình quân tăng mà mức GTGC giữ nguyên nên chỉ còn 2,3 lần.

Thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội đã kiến nghị cần phải sửa đổi thuế TNCN khi nhiều quy định đã lạc hậu. Mới nhất, trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18.3 vừa qua, nhiều đại biểu phản ánh mức GTGT cho người nộp thuế TNCN hiện nay không còn phù hợp với các chỉ số lạm phát tăng và tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận vừa qua đã có nhiều cơ quan báo chí nêu mức GTGC của thuế TNCN không còn phù hợp với điều kiện hiện nay khi thời giá ngày một cao. Với những người phụ thuộc, nuôi con nhỏ thì thu nhập thành thị không đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, theo kế hoạch, sắp tới trong năm 2025 Bộ Tài chính mới bắt đầu sửa luật Thuế TNCN. Lúc đó mới xây dựng lại yếu tố về GTGC trình Chính phủ, Chính phủ trình với Thường vụ Quốc hội. Dự kiến sau khi Quốc hội ban hành quy định sửa đổi thì đến năm 2026, các quy định hiện tại mới được thay đổi.

Mọi thứ đều tăng, chi phí 4,4 triệu/người làm sao đủ ?

Luật Thuế TNCN được ban hành vào năm 2007 và áp dụng từ đầu năm 2009. Lần sửa luật gần nhất là vào cuối năm 2012, đến nay đã 12 năm. Trong đó, vào đầu tháng 7.2020, do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật này có hiệu lực nên Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức GTGC lên 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc.

Thế nhưng, sau gần 4 năm, giá cả thực tế đã tăng cao trong khi thu nhập lại giảm nên nhiều người làm công ăn lương tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM dù đang đóng thuế TNCN nhưng lại càng phải thắt lưng buộc bụng. Hay nói cách khác, những người lao động đang phải đóng thuế ở bậc 1, bậc 2 hiện nay chỉ ở mức đủ sống mà thôi. Để dễ hình dung hãy so sánh, giá mỗi lít xăng RON 95 vào giữa tháng 7.2020 chỉ 15.370 đồng/lít thì nay là 24.284 đồng/lít, tăng gần 9.000 đồng/lít, tương đương gần 60%. Xăng tăng thì hàng hóa thiết yếu cũng tăng theo dù ít hay nhiều.

Điều này khiến nhiều gia đình phải chắt bóp chi tiêu dù họ vẫn đang thuộc nhóm phải đóng thuế TNCN. Chị Ngọc Ánh (Q.Tân Bình, TP.HCM) lấy ví dụ một tô phở ở TP.HCM trước năm 2020 chỉ khoảng 30.000 - 35.000 đồng thì nay đã lên 55.000 - 60.000 đồng; tiền gửi xe máy khoảng 2.000 - 5.000 đồng/chiếc hiện nay hầu hết lên 5.000 - 10.000 đồng. Hay con gái lớn của chị vào Trường ĐH Ngoại thương năm 2017 đóng học phí 18 triệu đồng/năm thì đến nay con thứ hai đang học năm nhất đã đóng 25 triệu đồng/năm. Hai vợ chồng chị làm ở một doanh nghiệp tư nhân, sau khi khấu trừ GTGC cho hai con vẫn thuộc diện đóng thuế TNCN ở bậc 2. Từ sau đại dịch Covid-19 đến nay công ty cũng khó khăn, đã 3 lần phải giảm lương nên thuế TNCN cũng giảm xuống chỉ còn đóng ở bậc 1.

"Tất cả mọi chi phí đều tăng, từ bó rau, chai dầu ăn, nước mắm… hay chỉ là ổ bánh mì ăn sáng. Vậy mức GTGC cho một người phụ thuộc hiện 4,4 triệu đồng/tháng làm sao đủ? Ngay cả một em bé đang học tiểu học dù đã được miễn học phí nhưng tiền bán trú, mua đồng phục, học thêm ngoại ngữ, các môn ngoại khóa tối thiểu cũng lên đến 6 - 7 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể chi phí khám chữa bệnh, giải trí tối thiểu cho gia đình. Mang tiếng có thu nhập đóng thuế nhưng có khi hết tháng không còn tiền, không thể tích lũy được gì nữa", chị Ngọc Ánh nói.

Ngoài mức GTGC, hàng loạt quy định khác cũng đã quá lạc hậu. Chẳng hạn, người có thu nhập 1 triệu đồng/tháng vẫn không được tính là người phụ thuộc; thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng phải đóng thuế... trong khi mức này là thấp hơn cả hộ nghèo mà Chính phủ quy định.

TS Châu Huy Quang, luật sư điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT, nhận định việc mới chỉ điều chỉnh tăng lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng mà chưa điều chỉnh đồng thời quy định thuế TNCN là chưa có sự đồng bộ và làm giảm ý nghĩa của chính sách tăng lương. Bởi lẽ, thu nhập thực tế của người làm công ăn lương có thể sẽ không tăng hoặc tăng không đáng kể, khi mà họ có thể "đột nhiên" trở thành đối tượng chịu thuế TNCN và bị khấu trừ một khoản ngay sau điều chỉnh tăng lương.

Trong khi đó, thực tế hiện nay là cứ mỗi khi nhà nước tăng lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng thì giá cả hàng hóa và chi phí sinh hoạt lại tăng thêm một mức mới. Điều này khiến đời sống thực tế của nhiều người có thể khó khăn hơn so với trước khi tăng lương. Rõ ràng, càng kéo dài thời điểm sửa luật thuế TNCN thì sẽ càng kéo dài bất cập này. Do đó, ông cho rằng Chính phủ có thể xem xét áp dụng sớm các chính sách kèm theo, như miễn giảm thuế TNCN khi tăng lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng để bảo đảm thu nhập thực tế của người làm công ăn lương không bị suy giảm.

Cấp bách sửa luật

Chuyên gia về thuế, luật sư Trần Xoa (Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang) cảm thán người lao động nghe lương tăng chưa kịp mừng thì đã phải đóng thuế tăng theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Tăng 10 đồng, đóng thuế đến mấy đồng thì còn gì mà vui? Đó là chưa kể, tiền lương tăng lên, giá hàng hóa tiêu dùng cũng tăng, dẫn đến phần chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày cũng gia tăng qua các năm. Ông Trần Xoa cho rằng quy định mức GTGC hiện nay đã lạc hậu mà chờ đến năm 2025 mới sửa và qua năm 2026 mới áp dụng thì thật sự quá lâu. Việc sửa luật Thuế TNCN là sửa tổng thể, liên quan đến nhiều quy định khác nhau còn riêng mức GTGC đã lạc hậu, tồn tại từ nhiều năm và các cơ quan bộ ngành ai cũng thấy thì nên sửa ngay chứ không nên chờ.

"Ngay từ đầu năm, trong Nghị quyết 20 sau phiên họp thường kỳ tháng 1, Chính phủ cũng đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức GTGC trong tính thuế TNCN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân. Nếu lấn cấn về quy định tại luật Thuế TNCN là lạm phát (CPI) tăng 20% mới điều chỉnh mức GTGC thì đừng dựa vào sự bất hợp lý này. Bởi chỉ số CPI tính tổng thể trên 752 mặt hàng hóa, dịch vụ khác nhau, phục vụ cho quản lý vĩ mô. Trong khi đó, người lao động chỉ chịu tác động biến động giá ở vài chục mặt hàng hóa, dịch vụ, biến động mạnh hơn chỉ số CPI", ông Trần Xoa nói.

Chuyên gia này dẫn chứng thêm năm 2020, chỉ số CPI tăng hơn 20% nên mức GTGC mặc nhiên được điều chỉnh theo quy định còn trong bối cảnh hiện nay, để kích cầu tiêu dùng, cũng nên điều chỉnh lại mức GTGC. Người dân có tiền thì mới có thể chi tiêu được.

"Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người của lao động VN tăng qua các năm nên cơ sở đề xuất mức GTGC sắp tới là 18 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế (2,5 lần thu nhập bình quân đầu người). Tuy nhiên, mức này tăng cao hơn hiện nay 7 triệu đồng/tháng nên khả năng tác động số thu ngân sách. Do đó, có thể điều chỉnh tăng lên 15 - 16 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế, còn người phụ thuộc chiếm 40%, tương ứng khoảng 6 triệu đồng/tháng. Mức này được duy trì cho đến thời điểm sửa luật Thuế TNCN. Năm nào số thu thuế TNCN cũng góp phần tăng thu cho ngân sách.

Trong đó có đến 70% là thu nhập từ người làm công ăn lương. Do đó, mức GTGC cần được nghiên cứu điều chỉnh sớm để có thể trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới đây và áp dụng từ ngày 1.7 cùng với chính sách tiền lương nhằm chia sẻ với người lao động làm công ăn lương", luật sư Trần Xoa kiến nghị.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Tú, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cho rằng với biểu thuế lũy tiến từng phần của sắc thuế TNCN thì "thuyền lên, nước lên", thu nhập càng tăng thì số thuế phải đóng cũng lên theo. Mức GTGC không thay đổi thì việc tăng lương cũng không như kỳ vọng.

Ông phân tích bất cập lớn nhất của thuế TNCN hiện nay là quy định mức GTGC bằng một số tiền cụ thể, được áp dụng trong nhiều năm liên tục. Trong khi đó, giá cả hàng hóa, dịch vụ thay đổi hằng ngày. Giá một tô phở hiện nay đã tăng lên so với cách đây 4 năm; những mặt hàng trong rổ tính CPI như ăn uống, học hành, y tế tăng lên rất nhiều; Chính sách lương cũng được thay đổi liên tục hằng năm để bù đắp cho người lao động phần nào mà GTGC lại bất động, đứng yên là quá vô lý.

Chưa kể, nếu so sánh với thuế thu nhập doanh nghiệp mới thấy người làm công ăn lương đang chịu thiệt thòi. Từ khi luật Thuế thu nhập ra đời, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32%, thuế TNCN cao nhất là 35%. Từ đó đến nay, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đã được giảm xuống 20% nhưng biểu thuế suất TNCN vẫn còn giữ mức 35%. Chính vậy không nên máy móc chờ CPI tăng lên 20% mới thay đổi mức GTGC mà Chính phủ cần sớm tăng mức này lên nhằm tránh gánh nặng thuế cho người dân.

Đây cũng là vấn đề cấp bách mà nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập mấy năm qua. Không nên trì hoãn đến năm 2025 mới đưa ra sửa đổi quy định này cùng với luật Thuế TNCN. Để làm nhanh trong năm 2024, ông Nguyễn Ngọc Tú kiến nghị Bộ Tài chính có thể đưa ra mức tăng GTGC sớm để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

CẦU CỬA NGÕ TP.HCM ĐÌNH TRỆ SUỐT 6 NĂM, DÂN NGÓNG TÁI KHỞI ĐỘNG TỪNG NGÀY

Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân, TP.HCM) đình trệ suốt 6 năm đã trở thành điểm nghẽn ùn tắc, gây mất mỹ quan đô thị khiến người dân bức xúc.

Nằm ở cửa ngõ phía Tây của TP.HCM, công trình xây dựng cầu Tân Kỳ - Tân Quý bắc qua kênh Tham Lương (quận Bình Tân) được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại trên các tuyến đường Mã Lò, Tân Kỳ - Tân Quý ra quốc lộ 1.

Dự án còn góp phần kéo giảm ùn tắc, đồng bộ với tuyến đường cùng tên nhằm tạo thành đường kết nối giao thông quan trọng cho khu vực với sân bay Tân Sơn Nhất.

Thế nhưng, sau 6 năm triển khai, dự án vẫn đang dang dở. Hằng ngày người dân ở khu vực phải sử dụng cầu thép tạm hai bên dự án cầu mới để di chuyển theo hướng kết nối quốc lộ 1 với đường Tân Kỳ- Tân Quý, Mã Lò.

Theo ghi nhận, hiện bên trong công trình xây dựng cầu Tân Kỳ- Tân Quý không có công nhân, cỏ cây mọc um tùm, vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang. Phần dẫn lên cầu vẫn chưa được hoàn thiện, còn trơ các phần khung thép. Nhiều hạng mục bỏ không lâu ngày đã có dấu hiệu xuống cấp.

Bà Trần Thị Giang, người dân sống trên đường Tân Kỳ - Tân Quý, bức xúc cho biết, công trường ngổn ngang, trở thành "nút thắt cổ chai" gây tắc nghẽn giao thông vào mỗi buổi sáng sớm và chiều.

“Hằng ngày phải chạy qua cầu tạm, chịu cảnh tắc nghẽn giao thông khiến chúng tôi rất bức xúc. Nhìn cây cầu đang xây dở đã lộ hình hài nhưng đình trệ suốt 6 năm qua thật lãng phí”, bà Giang nói.

Còn bà Hải Yến (chủ quán ăn gần đoạn giao với quốc lộ 1) cho biết, việc thi công cầu ngưng trệ kéo dài, khiến lượng xe các tỉnh lân cận vào trung tâm TP.HCM và ngược lại gặp khó khăn.

"Vào giờ tan sở, các xe chen chúc nhau đoạn đường dẫn lên cầu tạm, mệt mỏi vô cùng. Mỗi lần xe cộ chạy qua là cầu lại rung lên bần bật, khiến người đi đường nơm nớp lo sợ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn", bà Yến nói.

Theo bà Yến, người dân đang mong ngóng cơ quan chức năng sớm triển khai hoàn thành dự án để việc đi lại thuận tiện hơn.

Theo tìm hiểu, hiện khu vực thi công cầu có hai dự án hạ tầng lớn đang triển khai gồm: Mở rộng đường Tân Kỳ- Tân Quý (quy mô tổng mức đầu tư hơn 237 tỷ đồng, mở rộng mặt đường từ 8m lên thành 30m) và xây dựng cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát rạch Nước Lên với kinh phí hơn 8.200 tỷ đồng.

Hai dự án trên đang gấp rút thi công nên việc tái khởi động lại dự án cầu Tân Kỳ- Tân Quý là việc làm cần thiết, cấp bách để đồng bộ hạ tầng khu vực, góp phần giải quyết tình trạng kẹt xe và đồng thời kết nối giao thông khu vực với sân bay Tân Sơn Nhất.

Tái khởi động vào tháng 5, hoàn thành trước 31/12/2024

Hồi tháng 8/2016, cầu Tân Kỳ - Tân Quý bị sự cố, không thể tiếp tục khai thác. Trong bối cảnh ngân sách TP.HCM hạn hẹp, dự án xây mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý được bổ sung vào dự án BOT cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc vào năm 2018. Dự án có tổng mức đầu tư 312 tỷ đồng. Hợp đồng, nhà đầu tư sẽ hoàn thành cuối năm 2018, sau đó dự kiến hoàn vốn sau 111 tháng thu phí thông qua trạm BOT An Sương - An Lạc trên quốc lộ 1, cách đó khoảng 500m.

Đến cuối năm 2018 dự án đã thực hiện khoảng 70% khối lượng, nhưng đình trệ do vướng mặt bằng. Sau đó, quận Bình Tân đã hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng dự án vẫn chưa thể tiếp tục do vướng mắc liên quan hợp đồng BOT đã ký bởi dự án không phù hợp Nghị quyết 437 của Quốc hội (không được làm trên đường hiện hữu).

Để sớm hoàn thành công trình dang dở, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, cuối năm 2022, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết chấp thuận chi 491 tỷ đồng để hoàn thành cầu, chuyển từ hợp đồng BOT sang đầu tư công.

Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) làm chủ đầu tư.

Theo Ban Giao thông, hiện việc chấm dứt hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với nhà đầu tư cũ là Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO) đã hoàn thành.

Dự kiến, tháng 5/2024, UBND quận Bình Tân sẽ bàn giao mặt bằng để Ban Giao thông tổ chức thi công dự án trở lại. Theo kế hoạch, thời gian thi công hoàn thành dự án kéo dài 8 tháng. Đến ngày 31/12, sẽ hoàn thành cầu và thông xe.

NGUYÊN NHÂN NÀO KHIẾN HAI DỰ ÁN BT Ở HÀ NỘI DANG DỞ?

Nhiều năm nay, Hà Nội liên tục triển khai các dự án giao thông để giảm thiểu ùn tắc. Song, do thiếu mặt bằng 2 dự án BT là cầu vượt đường 70 và đường trục phía Nam TP Hà Nội vẫn "đắp chiếu".

"Đắp chiếu" vì thiếu mặt bằng

Dự án đại lộ Chu Văn An hay còn được gọi là tuyến đường Nguyễn Xiển - Xa La nối từ vành đai 3 đến quốc lộ 1A được UBND TP Hà Nội phê duyệt theo hình thức BT (đổi đất lấy cơ sở hạ tầng) vào tháng 4/2011.

Dự án được giao cho Công ty Cổ phần Bitexco làm chủ đầu tư và bắt đầu triển khai năm 2014 có chiều dài 2,5km với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.

Đại lộ Chu Văn An thông xe vào cuối tháng 1/2020 sau 6 năm thi công. Song, sau gần 4 năm thông xe, hạng mục cầu vượt nút giao với đường 70 tới đường Phúc La "đắp chiếu" nhiều năm qua.

Do đó, nút giao từ đường 70 tới đường Xa La - đoạn cuối của đại lộ Chu Văn An (trước cổng Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều) là điểm đen ùn tắc khiến cơ quan chức năng Hà Nội bất lực.

Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, do dự án thiếu mặt bằng thi công, nhiều hạng mục trên công trường dở dang, ngổn ngang vật liệu, sắt thép hoen gỉ, cây cối mọc um tùm.

Anh Nguyễn Hoài Nam trú tại xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) cho hay, ngày nào anh cũng phải di chuyển qua hai nút giao đường 70 - đại lộ Chu Văn An và đường 70 - Phúc La, vào giờ cao điểm đọan đường thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc. Nhất là ngày mưa gió, tình trạng ùn tắc càng diễn ra căng thẳng hơn. Các phương tiện chen chúc nhau di chuyển. "Để tránh ùn tắc tôi thường phải đi làm rất sớm", anh Nam chia sẻ.

Ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay dự án dang dở do địa phương chưa hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư chưa thể thi công.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, dự án hiện còn vướng cả các quy định của pháp luật hiện hành, liên quan đến giao đất đối ứng dự án BT, Luật Đầu tư công, Nghị định của Chính phủ, kết luận của thanh tra kiểm toán...

"Để giải quyết được ùn tắc khu vực tuyến đường cần đôn đốc địa phương giải phóng mặt bằng bàn giao nhà đầu tư thi công thì mới giải tỏa được. Còn hiện nay tổ chức giao thông ở đó đã đủ cách rồi. Nếu giờ chúng tôi đổ tiền vào đó cải tạo thì sai luật ngân sách", ông Bảo nói.

Đại diện chỉ huy công trường dự án cầu vượt nút giao với đường 70 tới đường Phúc La cho biết: “Đơn vị đã rút toàn bộ máy móc, nhân lực khỏi công trường từ lâu để thi công dự án khác. Trên công trường hiện còn mình tôi trông nom, chờ ngày có mặt bằng để tiếp tục thi công”.

Theo vị đại diện này, lý do dự án phải tạm dừng do vướng mặt bằng của 98 hộ dân với diện tích đất 0,83ha. Tuy nhiên các hộ không phối hợp với tổ công tác ký xác nhận diện tích đất, phối hợp điều tra kê khai làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ giải phóng mặt bằng. Những hộ thuộc diện giải toả mong muốn được tái định cư ở xã Tân Triều nhưng quỹ đất ở đây hiện không có.

Chưa thông tuyến người dân đi phải đi vòng 14km

Tuyến đường trục phía Nam Hà Nội có tổng chiều dài 41,5 km, mặt cắt ngang 40 m, dải phân cách 17 m. Tuyến nối từ Hà Đông đi xuyên qua các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên và kết nối với Quốc lộ 1A đoạn dưới Cầu Giẽ tại xã Châu Can, huyện Phú Xuyên. Dự án này hiện còn 19 km thuộc giai đoạn 2 và đang triển khai xây dựng.

Ông Đinh Bá Quý, Giám đốc ban quản lý dự án đường trục phía Nam cho biết: "Dự án đường trục phía Nam đã hoàn thành 18,4km, bàn giao lại cho UBND TP Hà Nội đưa vào khai thác. Hiện nay, đoạn Km18+700 đang vướng mặt bằng từ năm 2018 thuộc Xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên với 53 hộ dân khiến cho việc thi công bị đứt đoạn".

Theo ông Quý, về phía nhà đầu tư, các đơn vị thi công luôn chuẩn bị sẵn sàng. Trên công trường đang duy trì 7 nhà thầu thi công và đang tổ chức đấu thầu những đoạn còn lại.

"Sắp tới, chúng tôi sẽ huy động khoảng 10 nhà thầu nữa vào để tiếp tục triển khai toàn tuyến ở những phạm vi đã có mặt bằng, theo đúng kế hoạch chỉ đạo của UBND TP Hà Nội", ông Quý chia sẻ.

Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, hơn 18km đường trục phía Nam Hà Nội đã được bàn giao khai thác, song, chỉ cách tỉnh lộ 429 chừng 300m, người dân đang phải đi đường vòng khoảng 14km mới có thể đi từ huyện Thanh Oai sang huyện Phú Xuyên theo tuyến đường này.

Anh Hoàn, người dân xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên cho biết, đoạn cầu Cienco 5 đã dang dở từ lâu, người dân từ bên này đi sang được đầu bên kia phải đi xa gấp vài chục lần.

"Thay vì hơn 100m qua cầu, người dân phải đi vòng rất xa. Đường khó đi, xe ôtô phải di chuyển rất chật hẹp", anh Hoàn cho hay.

“Hiện nay, nếu không có mặt bằng công tác xây dựng sẽ không thể thực hiện được. Ngoài 53 hộ ở xã Hồng Minh, trên đoạn qua huyện Phú Xuyên và huyện Ứng Hòa cũng vẫn còn vướng một số hộ dân chưa thể giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án”, ông Quý khẳng định.

Theo ông Đinh Bá Quý, hiện nay, đơn vị thực hiện được khoảng 70% công việc của dự án. Theo kế hoạch, hết quý II/2025, dự án sẽ hoàn thành đưa vào bàn giao sử dụng. Tuy nhiên, tiến độ của dự án đang phụ thuộc rất lớn vào công tác giải phóng mặt bằng.

9 Năm Chưa Xong Dự Án Khu Dân Cư

Dự án được kỳ vọng là khu dân cư kiểu mẫu, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nhưng sau 9 năm triển khai vẫn chưa hoàn thành; nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng

Dự án khu dân cư trục đường Mỹ Trà - Mỹ Khê (giai đoạn 1) được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2015. Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng và Kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi (QISC) được giao làm chủ đầu tư dự án này.

Vướng giải phóng mặt bằng

Dự án có quy mô 19,4 ha, nằm tại phường Trương Quang Trọng và xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi với tổng mức đầu tư gần 400 tỉ đồng. Dự án này được đánh giá sẽ đem lại nguồn thu ngân sách lớn cho tỉnh Quảng Ngãi bởi vị trí đắc địa bậc nhất trong số các khu dân cư được đầu tư cùng thời điểm.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc đầu tư xây dựng dự án khu dân cư trục đường Mỹ Trà - Mỹ Khê nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất, bảo đảm sự phát triển lâu dài, bền vững cho khu vực. Dự án còn nhằm phát triển đô thị hai bên bờ sông Trà Khúc và đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ được đưa vào khai thác từ quý IV/2018. Thế nhưng, sau nhiều lần điều chỉnh, đến nay, dự án chỉ giải phóng mặt bằng được gần 15 ha, lại không liền mạch; phần diện tích còn lại vướng nhiều đất ở và nhà dân.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy hiện khu vực xung quanh dự án cỏ cây mọc um tùm. Tại đây, người dân còn đổ rác thải khắp nơi, cây xanh chết khô, tủ điện bị hư hỏng, đường giao thông trong khu dân cư do xe tải chạy vào nên bị lún, xuất hiện nhiều ổ voi… Toàn bộ dự án bị bỏ hoang trong thời gian dài.

Bà Võ Thị Mỹ Duyên, nhà gần dự án, cho biết khi thấy công trình triển khai xây dựng, người dân xung quanh rất vui mừng vì nghĩ rằng sắp có một khu dân cư sầm uất. "Bây giờ toàn bộ khu vực dự án cỏ cây mọc um tùm, trở thành nơi tụ tập hút chích của các đối tượng nghiện ngập" - bà lo ngại.

Thay đổi chủ đầu tư

Một trong những nguyên nhân khiến dự án dang dở là do chủ đầu tư gặp vướng mắc trong việc xác định vốn góp thực hiện trước khi thoái vốn nhà nước khỏi QISC.

Cụ thể, trong kế hoạch thu tiền sử dụng đất của tỉnh Quảng Ngãi, khu dân cư trục đường Mỹ Trà - Mỹ Khê đóng góp 285 lô đất, dự kiến bán đấu giá thu về số tiền 350 tỉ đồng. Thế nhưng, vì liên tục chậm trễ trong khâu đầu tư, triển khai, chủ đầu tư không thể bán đấu giá các lô đất theo kế hoạch.

Đến ngày 16-2-2022, QISC đã bất ngờ thông báo về việc chấm dứt hoạt động đầu tư dự án khu dân cư trục đường Mỹ Trà - Mỹ Khê. QISC cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của hồ sơ và các văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đến đầu tháng 3-2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực pháp lý chủ trương đầu tư dự án này (giai đoạn 1); giao các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục liên quan việc nhà đầu tư tự chấm dứt hoạt động dự án theo quy định. Dự án sau đó được UBND tỉnh bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Ngãi để đơn vị này xây dựng phương án đầu tư, khai thác.

Ông Phạm Xuân Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đơn vị được giao tiếp nhận, khai thác dự án từ năm 2022. Đến thời điểm này, dự án đã được đầu tư hơn 95 tỉ đồng từ ngân sách và vốn vay ngân hàng. Trung tâm chỉ mới tiếp nhận hồ sơ, chưa nhận bàn giao thực địa dự án. Do đó, phần hạ tầng hư hỏng, xuống cấp do lâu ngày không sử dụng sẽ được trung tâm yêu cầu sửa chữa, khắc phục trước khi bàn giao.

"Đơn vị chúng tôi đang hoàn tất thủ tục đưa ra đấu giá các lô đất trên phần diện tích đã đầu tư hạ tầng. Phần còn lại 3,8 ha chưa xây dựng hạ tầng và 4,3 ha chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng sẽ được thực hiện đầu tư trong thời gian tới. Chúng tôi tập trung tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện hồ sơ, sau đó trình các sở, ngành liên quan xem xét, cho ý kiến mới có thể tiếp tục triển khai dự án" - ông Khánh thông tin.

Nguồn: Thanh Niên; Vietnamnet; Đại Đoàn Kết; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang