Chính sách mới có hiệu lực; Phê duyệt Quy hoạch điện VIII; Chật vật xử lý BOT 'treo'; Thiếu cát san lấp, Vành đai 3 TP.HCM gặp khó

NHIỀU CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 04.2024

Sáng 1.4, Văn phòng Chính phủ đã có thông tin về một số chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 4.2024.

Điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ

Có hiệu lực từ ngày 10.4.2024, Nghị định số 18/2024/NĐ-CP ngày 21.2.2024 của Chính phủ quy định rõ điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.

Theo quy định, đối với tác giả: Trực tiếp sáng tạo, đóng góp vào giá trị khoa học và công nghệ của công trình; không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật Khoa học và công nghệ và đáp ứng điều kiện sau:

- Đối với người Việt Nam: Chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Đối với người nước ngoài: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, pháp luật và phong tục, tập quán tốt đẹp của Việt Nam.

Đối với công trình: Hồ sơ hợp lệ, được công bố theo quy định (trừ các công trình có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước), hoặc được ứng dụng tại Việt Nam.

Thời gian công trình được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn ít nhất là 03 năm hoặc công trình được ứng dụng đổi mới sáng tạo có hiệu quả ít nhất 1 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.

Sửa quy định cơ quan đăng ký phương tiện phục vụ vui chơi giải trí dưới nước

Có hiệu lực từ ngày 10.4.2024, Nghị định 19/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 5.6.2019 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước.

Trong đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 19 cơ quan đăng ký phương tiện.

Cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp huyện (quy định cũ UBND cấp tỉnh) tổ chức thực hiện, quản lý việc đăng ký, quản lý phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước thuộc diện phải đăng ký theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

UBND cấp xã thực hiện quản lý phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước được miễn đăng ký.

Sửa quy định về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương đối với người lao động

Có hiệu lực từ ngày 10.4.2024, Nghị định số 21/2024/NĐ-CP ngày 23.2.2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13.6.2016 quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13.6.2016 quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Nghị định số 21/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 4 Nghị định số 51/2016/NĐ-CP về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cụ thể, căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, nhưng phải bảo đảm quỹ tiền lương tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo quy định.

Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện.

Thủ tục xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”

Có hiệu lực từ ngày 20.4.2024, Nghị định 28/2024/NĐ-CP ngày 6.3.2024 quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” và việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến.

Nghị định nêu rõ, Thanh niên xung phong hoặc thân nhân của Thanh niên xung phong lập hồ sơ đề nghị theo quy định, nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 1 bộ hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi Thanh niên xung phong đăng ký cư trú (đối với trường hợp còn sống) hoặc nơi cư trú trước khi tham gia Thanh niên xung phong (đối với Thanh niên xung phong đã hy sinh, từ trần).

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"

Có hiệu lực từ ngày 15.4.2024, Nghị định số 25/2024/NĐ-CP ngày 27.2.2024 quy định về xét tặng danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"; trong đó quy định cụ thể đối tượng, nguyên tắc, tiêu chuẩn, hội đồng xét tặng, hồ sơ, trình tự, thủ tục xét tặng danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú".

Nghị định số 25/2024/NĐ-CP quy định danh hiệu "Thầy thuốc ưu tú" được xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 65 Luật Thi đua, khen thưởng, có tài năng xuất sắc trong nghiên cứu, phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ về y tế.

CHÍNH THỨC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH ĐIỆN VIII

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Một trong những nội dung đáng chú ý trong kế hoạch đó là dự kiến nhập khẩu điện khoảng 5.000 MW từ Lào, có thể tăng lên 8.000 MW khi có điều kiện thuận lợi với giá điện hợp lý để tận dụng tiềm năng nguồn điện xuất khẩu của Lào. Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương nhập khẩu và phương án lưới điện đấu nối đồng bộ đối với từng dự án cụ thể.

Về danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành tới năm 2030, trong đó, tổng công suất nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW; tổng công suất nhiệt điện LNG là 22.400 MW; tổng công suất nhiệt điện than là 30.127 MW; tổng công suất nguồn điện đồng phát, nguồn điện sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ là 2.700 MW; tổng công suất thủy điện là 29.346 MW; tổng công suất thủy điện tích năng là 2.400 MW.

Tới năm 2030, tổng công suất điện gió ngoài khơi là 6.000 MW; tổng công suất điện gió trên bờ (điện gió trên đất liền và gần bờ) là 21.880 MW; tổng công suất thủy điện là 29.346 MW; tổng công suất điện sinh khối là 1.088 MW; tổng công suất điện sản xuất từ rác là 1.182 MW; tổng công suất điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) tăng thêm là 2.600 MW; tổng công suất pin lưu trữ là 300 MW.

Quy hoạch phát triển điện lực cũng thông qua việc nghiên cứu xây dựng 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng.

Đó là trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo tại Bắc Bộ có vị trí tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình…Trong tương lai có thể xem xét mở rộng ra các khu vực lân cận. Quy mô của trung tâm này điện gió ngoài khơi khoảng 2.000 MW, điện gió trên bờ và ven bờ khoảng 500 MW.

Thứ hai là trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng Nam Trung Bộ - Nam Bộ có vị trí tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh…Trong tương lai có thể xem xét mở rộng ra các khu vực lân cận. Trung tâm này có quy mô đện gió ngoài khơi khoảng 2.000-2.500 MW, điện gió trên bờ và ven bờ khoảng 1.500 - 2.000 MW.

Mục tiêu của quy hoạch điện là chuyển dịch năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Việt Nam.

BÀI TOÁN KHÓ XỬ LÝ CÁC DỰ ÁN BOT 'TREO'

Tính từ năm 2018 đến nay, Bộ GTVT đã có hơn chục lần đề xuất tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến các dự án BOT 'treo'. Mới nhất là quyết tâm trình phương án bố trí ngân sách 10.600 tỉ ra Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới.

Với doanh thu thu phí chỉ đạt 80 - 90 triệu đồng/ngày, trạm BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đang lâm vào cảnh bi đát khi tiền thu phí không đủ để bù đắp chi phí vận hành và tiền lãi ngân hàng.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, chia sẻ "khó khăn muôn trùng" khi riêng tiền lãi ngân hàng của doanh nghiệp này đã hết khoảng 16 - 17 tỉ đồng/tháng. Đây cũng là một trong những trạm BOT khó khăn nhất về tài chính và đang phải cầm cự chờ xử lý.

“Dự án có nhiều năm không được thu phí do không đạt được đồng thuận với địa phương và người dân. Hiện chúng tôi cũng chỉ được thu phí 1 trạm trên tổng 2 trạm của dự án. Tuy nhiên, do đây là đường song hành nên khi 1 trạm thu phí thì phương tiện đi vào trạm còn lại để né phí, hoặc đi các đường ngang để tránh trạm thu phí”, ông Thanh cho biết.

Tương tự, theo báo cáo của Công ty CP BOT cầu Việt Trì - Ba Vì, lũy kế doanh thu từ thời điểm bắt đầu thu đến hết tháng 10.2023 chỉ đạt 33%. Thậm chí, những năm gần đây do nguyên nhân khách quan nên lũy kế doanh thu chỉ đạt 24 - 29%. Mức thu cũng không đủ bù đắp chi phí quản lý bảo trì, trả lãi vay.

Dự án BOT cải tạo, nâng cấp QL10 đoạn Tân Đệ - La Uyên (Thái Bình) và hạng mục bổ sung xây dựng tuyến tránh TT.Đông Hưng lũy kế doanh thu đạt 22% do phải dừng thu phí để di dời trạm về tuyến tránh TT.Đông Hưng.

Ngoài ra, dự án BOT cầu Thái Hà có doanh thu chỉ đạt khoảng 17% so với hợp đồng. Lý do, dù dự án hoàn thành từ tháng 4.2018 nhưng đến tháng 1.2019 mới được thu phí do ảnh hưởng bởi tiến độ hoàn thành tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình...

Bộ GTVT cho biết, trong 53 dự án BOT do bộ này quản lý, chỉ có 4 dự án doanh thu cao hơn so với hợp đồng và 26 dự án đạt 70 - 100% phương án thu phí; 19 dự án doanh thu chỉ đạt 30 - 70%, đặc biệt có 4 dự án mức thu dưới 30%.

Không xử lý BOT, khó thu hút PPP

Việc xử lý 8 dự án BOT bất cập, vướng mắc đã được đặt ra từ năm 2018, nhưng sau nhiều lần trình, tới nay vẫn chưa "chốt" được phương án xử lý. Bộ GTVT từng đề xuất nhiều phương án như bố trí 13.100 tỉ đồng từ ngân sách, phương án 11.700 tỉ đồng; 9.400 tỉ đồng rồi 10.300 tỉ đồng...

Mới nhất, trong tờ trình đầu tháng 3 gửi Chính phủ về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, Bộ GTVT đề xuất chia 8 dự án BOT có vướng mắc cần giải quyết thành 3 nhóm.

Trong đó, nhóm 1 với 2 dự án doanh thu sụt giảm không có khả năng phục hồi là BOT Thái Hà và BOT cầu Việt Trì, nhu cầu vốn nhà nước cần bố trí để hỗ trợ khoảng 1.557 tỉ đồng. Nhóm 2, điều chỉnh cơ chế hỗ trợ của nhà nước từ nguồn thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan sang hỗ trợ bằng vốn nhà nước đối với sự án BOT xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (hạng mục đầu tư mở rộng hầm Hải Vân), khoảng 2.280 tỉ đồng.

Nhóm 3, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với 5 dự án. Nhu cầu vốn nhà nước bố trí để thanh toán cho nhà đầu tư khoảng 6.813 tỉ đồng. Bộ GTVT dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua phương án sử dụng khoảng 10.650 tỉ đồng từ nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách T.Ư năm 2023 để triển khai thực hiện.

Theo Bộ GTVT, việc xử lý theo nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý khó khăn, vướng mắc do lỗi chủ quan của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, đảm bảo "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Trong trường hợp sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ, nhà đầu tư cần xem xét giảm 50% tỷ suất lợi nhuận so với tỷ suất lợi nhuận trong hợp đồng dự án.

8 dự án được đề xuất xử lý cũng là các dự án BOT vướng mắc nhất đã "treo" lại nhiều năm nay. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, nếu không có giải pháp xử lý dứt điểm các dự án BOT sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư PPP, đặc biệt là mục tiêu hoàn thành đột phá 5.000 km cao tốc đến năm 2030, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn rất hạn chế.

Những khó khăn, vướng mắc của các dự án BOT hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp dự án và tổ chức tín dụng, do chưa được thu phí hoặc mức thu quá thấp, không đủ bù đắp chi phí khai thác, bảo trì, thanh toán lãi vay. Hệ lụy là các khoản vay tín dụng đầu tư dự án của DN phải chuyển nhóm nợ, các ngân hàng phải trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro…

THIẾT CÁT SAN LẤP MẶT BẰNG, VÀNH ĐAI 3 TP.HCM NGUY CƠ CHẬM TIẾN ĐỘ

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa có văn bản kiến nghị lãnh đạo Chính phủ tháo gỡ khó khăn về cát san lấp phục vụ dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.

Theo đó, lãnh đạo UBND TP kiến nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì tổ chức buổi làm việc với Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương để điều phối nguồn cát đắp nền đường phục vụ dự án.

UBND TP cũng đề nghị UBND thuộc 6 tỉnh gồm Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang thống nhất chủ trương dành một phần trữ lượng cát đắp nền đường từ các mỏ cát của tỉnh để cung cấp cho dự án đường Vành đai 3.

Đồng thời, các tỉnh cũng hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục gia hạn, cấp phép khai thác, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản để kịp thời cung cấp cho dự án vào quý 2/2024.

Về phần vật liệu cát đắp nền đường đã được các địa phương cam kết cấp cho các dự án cao tốc khác (cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng,..), UBND TP đề nghị Bộ GTVT hỗ trợ, rà soát để cân đối chia sẻ một phần khối lượng cho dự án Vành đai 3 theo hướng dự án nào tiến độ cấp thiết và nhu cầu tới trước sẽ cung cấp vật liệu trước. Việc này để đảm bảo triển khai đồng bộ các dự án cao tốc theo từng giai đoạn cho phù hợp.

Vành đai 3 TP.HCM được khởi công vào tháng 6/2023 có chiều dài 76km đi qua địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Trong giai đoạn một, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn cao tốc cùng đường song hành, tổng mức gần 75.400 tỷ đồng.

Dự án chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện hai dự án, gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp.

Tính đến tháng 2 năm nay, khối lượng Vành đai 3 qua TP.HCM đạt hơn 11%, qua tỉnh Bình Dương đạt 18% và Long An đạt 25% khối lượng. Riêng dự án qua tỉnh Đồng Nai mới đạt 2% khối lượng.

Theo kế hoạch, dự án Vành đai 3 TP.HCM sẽ hoàn thành cơ bản, thông xe dự án cuối năm 2025, khai thác toàn tuyến năm 2026.

Nguồn: Lao Động; Soha; Thanh Niên; Môi trường & Đô thị

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang