Cán bộ sợ sai, 'tiêu tiền' chậm; Thúc đẩy chuyển đổi xanh; 'Băm nát' quy hoạch đường Lê Văn Lương; HN cho tách thửa trở lại

Cán bộ sợ sai khiến việc ‘tiêu tiền’ chậm trễ

(Ảnh minh họa).

Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội quy mô 347.000 tỷ đồng triển khai trong 2 năm 2022 – 2023, nhưng tới nay quá nửa thời gian thực hiện, mới giải ngân được 27,5% tổng nguồn lực. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, một bộ phận cán bộ có tâm lý e ngại, sợ mắc sai phạm trong triển khai chính sách.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa lấy ý kiến các bộ, ngành với dự thảo tờ trình Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43.

Tại dự thảo tờ trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến hết tháng 3/2023, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mới giải ngân hơn 83.000 tỷ đồng, chiếm 27,5% tổng nguồn lực được bố trí.

Hai chính sách đã hết thời gian thực hiện nhưng không giải ngân hết vốn là miễn giảm thuế, và hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Trong đó, tổng số thuế đã miễn, giảm thực hiện theo các chính sách thuộc chương trình là 54.129 tỷ đồng, bằng 84,6% kế hoạch (64.000 tỷ đồng).

Các địa phương mới giải ngân được khoảng 3.757 tỷ đồng của chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, chiếm 57,2% nguồn lực bố trí.

Gói hỗ trợ 2% lãi suất "đội sổ" về tỷ lệ thực hiện, chỉ giải ngân được khoảng 330 tỷ đồng, tương đương 0,83% kế hoạch (40.000 tỷ đồng). Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, chính sách có kết quả triển khai rất thấp, dự kiến đến hết năm 2023 chỉ giải ngân được khoảng 2.570 tỷ đồng, còn khoảng 37.430 tỷ đồng không sử dụng hết.

Về chính sách cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, khoảng 332 nghìn lượt khách hàng đã được hỗ trợ, với dư nợ 16.400 tỷ đồng, đạt 42,7% tổng quy mô chính sách được Quốc hội giao (38.400 tỷ đồng).

Về việc phân bổ vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình, đến ngày 18/4, số vốn được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết là 146.522 tỷ đồng. Số vốn các bộ, cơ quan, địa phương chưa giao chi tiết là 15.326 tỷ đồng.

Về vướng mắc khi thực hiện chương trình, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra, các cấp, ngành ở một số nơi chưa quan tâm đúng mức, quán triệt đầy đủ về tầm quan trọng của chương trình; chưa tích cực đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ thuộc phạm vi quản lý; chưa làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu đúng về chính sách.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Một bộ phận cán bộ có tâm lý e ngại, sợ mắc sai phạm của trong triển khai thực thi chính sách. Trình tự, thủ tục thực hiện, giải ngân của một số chính sách còn phức tạp, trải nhiều bước. Chính quyền địa phương còn phát sinh thêm thủ tục dẫn đến tâm lý chán nản, không còn nhu cầu của đối tượng thụ hưởng. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa sát sao, quyết liệt trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc chương trình, dẫn đến kéo dài thời gian, chậm tiến độ".

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có tình trạng, một số đối tượng thuộc diện được hỗ trợ không đăng ký thụ hưởng chính sách, do tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra. Một số chính sách hỗ trợ đã hết thời hạn thực hiện, có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện hạn chế, chưa đạt yêu cầu, gây ảnh hưởng đến hiệu quả chương trình. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nghiên cứu, có cơ chế, chính sách điều chỉnh linh hoạt các nguồn lực.

(Nguồn: CafeF)

Thúc đẩy chuyển đổi xanh: Càng sớm càng nhiều cơ hội

Hàng trăm tỷ USD từ các nhà đầu tư quốc tế đang chờ những cơ hội đầu tư khả thi, phù hợp, thông minh cho chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. Việc Việt Nam có cam kết mạnh mẽ giảm phát thải các bon, xác định con đường tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã và đang tạo sức hút mới với nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn cần những hành động kịp thời, cụ thể, những cơ chế chính sách rõ ràng hiện thực hóa cam kết để đón đầu dòng vốn này.

Hàng trăm tỷ USD sẵn sàng đầu tư cho tăng trưởng xanh

Ông Preben Elnef - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc LEGO Manufacturing Việt Nam chia sẻ, Tập đoàn LEGO đang trong quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh hơn và sạch hơn. Sự chuyển đổi này sẽ bắt đầu từ nhà máy tại Việt Nam và tiến tới tất cả các nhà máy của Tập đoàn LEGO, nơi sẽ trở thành nhà máy trung hòa các bon trong tương lai.

Deep C cũng đang thực hiện chương trình chuyển đổi năng lượng, được gọi là Dự án 2030. Chương trình có mục tiêu tạo ra một khu công nghiệp sinh thái được cung cấp bởi ít nhất 30% nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030. Trong trường hợp lưu trữ pin có thể được tích hợp, mục tiêu là đạt 50% nguồn điện năng là năng lượng tái tạo và nếu có cơ hội kết nối với một dự án điện gió ngoài khơi, máy phát điện sinh khối hoặc nhà máy LNG, mục tiêu sẽ là 100% năng lượng tái tạo. DEEP C quyết tâm tiếp tục đi theo con đường này hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 và sẽ đảm bảo thu hút khách thuê đồng hành.

Với xu thế chung của thế giới, nhà đầu tư nước ngoài đang chủ động chuyển đổi xanh để kinh doanh có trách nhiệm và sản xuất các sản phẩm có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ở các quốc gia phát triển, ngày càng đòi hỏi cao về các tiêu chuẩn môi trường, giảm thiểu dấu vết các bon trong sản phẩm. Việc Việt Nam có cam kết mạnh mẽ tại COP26 (đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050) được nhà đầu tư đánh giá rất cao, nhưng vẫn cần có thêm nhiều hành động cụ thể và kịp thời.

Ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, năng lượng sạch và tái tạo là chất xúc tác cho đầu tư và tăng trưởng, các doanh nghiệp châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng này. Trong thời gian qua, việc chưa đáp ứng được nhu cầu này khiến một số dự án đầu tư phải tạm ngưng mở rộng.

Việc hành động kịp thời, có cơ chế chính sách để đạt được cam kết tại COP26 không chỉ giúp Việt Nam giữ chân nhà đầu tư từ các quốc gia phát triển, mà còn chớp cơ hội đón dòng vốn rất lớn vào lĩnh vực này.

Tại Lễ công bố báo cáo kinh tế Việt Nam của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ngày 26/4/2023, ông Vincent Koen - Phó Vụ trưởng của OECD chia sẻ, chi phí đầu tư cho chuyển đổi xanh là không nhỏ, nhưng chi phí của không đầu tư, không hành động còn cao hơn rất nhiều, dù khó để lượng hóa. Nếu không hành động sẽ làm tăng thảm họa thiên tai, lũ lụt… và tốn kém chi phí để khắc phục. Sớm muộn cũng phải chuyển đổi xanh, thực hiện càng sớm càng mang lại nhiều lợi ích.

Ông Vincent Koen cho biết, nhiều quốc gia châu Âu cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế phù hợp với Thỏa thuận xanh châu Âu. Châu Âu có hàng trăm tỷ euro để phân bổ cho chuyển đổi xanh và các nước châu Âu đang cần giải ngân theo đúng kế hoạch. Việc đi trước đón đầu có thể giúp thu hút nhà đầu tư châu Âu với những khoản đầu tư rất lớn cho lĩnh vực này.

Tại Hội nghị Thủ tướng gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho biết, các doanh nghiệp thành viên Amcham luôn đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường và đi đầu ủng hộ nỗ lực của Chính phủ trong xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn. Việc phê duyệt sớm Chương trình thí điểm hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) sẽ mở ra hàng tỷ USD đầu tư, đặc biệt từ các ngành công nghiệp mà các công ty đã cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo, giảm các bon và phát triển bền vững.

Gỡ rào cản để hấp thụ dòng vốn

Nguồn lực sẵn sàng đầu tư cho chuyển đổi xanh rất lớn, nhưng theo ông Vincent Koen, Việt Nam cần chuẩn bị các điều kiện pháp lý thuận lợi cho các khoản đầu tư này. Đồng thời, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ cần duy trì mức đầu tư cao cho năng lượng tái tạo và theo đuổi hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn. Có thể đạt được điều này thông qua cách tiếp cận chính sách toàn diện, và Chính phủ không thể đơn phương hành động mà phải có sự tham gia của tư nhân.

OECD khuyến nghị, Chính phủ cần có một chính sách toàn diện để chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp. Áp dụng một chiến lược khí hậu rõ ràng và có thể dự báo, với các mục tiêu dài hạn nhất quán, đặc biệt liên quan tới phát thải khí nhà kính và cải cách lĩnh vực năng lượng. Ngừng đầu tư các nhà máy nhiệt điện than mới theo kế hoạch và tăng cường ưu đãi khuyến khích đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió trên bờ và ngoài khơi.

Theo ông Gabor Fluit, để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai Quy hoạch phát triển điện VIII. Các hợp đồng mua bán điện trực tiếp nên được thực hiện để khuyến khích nhà sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nhà máy trong khu công nghiệp nên được phép tham gia hợp đồng mua bán điện trực tiếp. Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng các yêu cầu tuân thủ từ EU.

Lãnh đạo LEGO Manufacturing Việt Nam đề xuất, đối với các nhà đầu tư nước ngoài cam kết giảm lượng khí thải các bon và muốn đầu tư phát triển bền vững, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ, đơn giản hóa thủ tục hành chính từ các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, Chính phủ nên hỗ trợ các công ty sẵn sàng đầu tư vào năng lượng xanh phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.

Nhiều nhà đầu tư cũng kiến nghị xây dựng các quy định bắt buộc và khuyến khích phát triển công trình xanh, khắc phuc những rào cản như thiếu hỗ trợ đầy đủ về chính sách, thiếu chuyên gia về công trình xanh và chi phí đầu tư ban đầu cao.

(Nguồn: Báo Đấu Thầu)

'Băm nát' quy hoạch đường Lê Văn Lương: Kiểm điểm nhiều cơ quan

(Ảnh minh họa).

Hà Nội đã tổ chức kiểm điểm, khắc phục sai phạm ở các “điểm nóng” về quy hoạch tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu,...

Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, về cơ bản, đã có sự phối hợp của TP Hà Nội và các cơ quan trực thuộc thành phố trong việc thực hiện kết luận thanh tra.

Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, từ Thường trực Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy, UNND Thành phố Hà Nội đều có chỉ đạo việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, báo cáo theo định kỳ.

Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra; tổ chức kiểm điểm đối với 4 tập thể; khắc phục các nội dung kiến nghị tại kết luận thanh tra; rà soát, tiếp tục thực hiện những nội dung chưa khắc phục xong.

Với vi phạm xảy ra tại từng địa bàn, UBND quận Thanh Xuân đã kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến các nội dung được kiến nghị tại kết luận thanh tra như: UBND quận, Phòng Quản lý đô thị quận, UBND phường Nhân Chính, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, Phòng Giáo dục và đào tạo quận cùng 13 cá nhân. Việc khắc phục vẫn tiếp tục đối với các nội dung chưa thực hiện xong.

UBND quận Nam Từ Liêm đã thực hiện kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân thuộc Phòng Quản lý đô thị quận, UBND phường Trung Văn, UBND phường Đại Mỗ và Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận; có văn bản hướng dẫn chủ đầu tư, UBND các phường khắc phục. Hiện các nội dung kiến nghị đang trong quá trình thực hiện.

UBND quận Hà Đông cũng đã yêu cầu các đơn vị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với lãnh đạo, cán bộ, công chức qua các thời kỳ để xảy ra tồn tại, thiếu sót nêu trong kết luận thanh tra. Hiện tại, quận Hà Đông và các phòng, ban, đơn vị có liên quan đang triển khai kiểm điểm theo quy định.

Đối với tồn tại liên quan đến quản lý trật tự xây dựng, UBND quận Hà Đông đã chỉ đạo Đội Quản lý Trật tự xây dựng chủ trì phối hợp UBND các phường liên quan tổ chức làm việc, đôn đốc, thiết lập hồ sơ yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương có biện pháp khắc phục tồn tại về xây dựng tại dự án.

Chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Him Lam Vạn Phúc (Công ty CP Thương mại và Đầu tư Toàn cầu GTC) đã khắc phục xong hạng mục công trình vi phạm tại ô đất P (A-P).

Tại quận Cầu Giấy, đã có 3 chủ đầu tư tự phá dỡ phần công trình có vi phạm trật tự xây dựng. UBND quận đã giao các cơ quan chuyên môn của quận và UBND phường Trung Hòa tiếp tục tuyên truyền, vận động chủ đầu tư tự phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện 3 quyết định cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với những công trình còn tồn tại vi phạm.

Tại dự án trung tâm dịch vụ số 2 thuộc ô NN2 - Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, phường Trung Hòa và chủ đầu tư đã tự giác phá dỡ phần mái bê tông cốt thép có diện tích 100m2. UBND quận đã có buổi làm việc với Công ty cổ phần Bể bơi thông minh và các tổ chức cá nhân có liên quan về việc phá dỡ phần công trình có vi phạm trật tự xây dựng. Hiện nay, UBND quận Cầu Giấy vẫn tiếp tục thực hiện, chỉ đạo thực hiện một số nội dung chưa thực hiện xong.

Công ty CP Dịch vụ và kinh doanh bất động sản Hà Nội, Công ty cổ phần tập đoàn Nam Cường đã có văn bản báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra.

NÂNG TỪ 6 LÊN 39 TẦNG, “XẺ THỊT” ĐẤT CÂY XANH

Trước đó, nêu tại kết luận, Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu đã cơ bản nghiên cứu tính toán sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Song khi thực hiện triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư, đã nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án theo xu hướng: Chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn có dự án điều chỉnh 5 lần, nhiều dự án chuyển chức năng từ văn phòng, từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán, có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng, từ 6 tầng lên 39 tầng…

"Việc điều chỉnh sai quy định dẫn đến tình trạng tăng dân số, chỉ tiêu quy hoạch không đảm bảo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (QCXDVN) đối với từng dự án, từng ô quy hoạch, từng khu quy hoạch và đô thị, thiếu đất giáo dục, trường học, thiếu diện tích cây xanh, các công trình phục vụ không đảm bảo bán kính phục vụ", Thanh tra Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Cũng theo Thanh tra Bộ Xây dựng, việc lập, thẩm định, phê duyệt đồ án đã vi phạm khi chỉ tiêu quy hoạch tại đồ án phê duyệt sau không phù hợp đồ án đã phê duyệt trước, đồ án có tỷ lệ nhỏ hơn không phù hợp với đồ án tỷ lệ lớn hơn mà không thuyết minh về sự sai khác, không tính toán sự đáp ứng về kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Như tại tuyến đường Lê Văn Lương, nơi được nhiều người dân Thủ đô biết đến là "con đường đau khổ" với chỉ khoảng hơn 2km nhưng có đến 40 tòa chung cư "đu bám" dọc tuyến đường gây nên tình trạng quá tải về hạ tầng, xã hội. Theo kết luận thanh tra, quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 hai bên đường Lê Văn Lương phê duyệt năm 2016 không tuân thủ quy định tại Điều 3 Quyết định số 130 ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó có nhiều nội dung về chỉ tiêu hạ tầng xã hội, cây xanh vi phạm quy chuẩn xây dựng. Trong số 13 dự án nhà chung cư được thanh tra có 12 dự án không bố trí cây xanh, một dự án thiếu diện tích cây xanh, chỉ đạt 10%...

Tháng 5/2022, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr về việc Thanh tra Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, chủ đầu tư dự án, công trình, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

(Nguồn: Vietnamnet)

Hà Nội “bất ngờ” cho phép tách thửa trở lại

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội bãi bỏ quy định trái luật, yêu cầu các địa phương tiếp nhận, giải quyết thủ tục tách, hợp thửa theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội vừa có văn bản 2869/STNMT-ĐKTKĐĐ về việc bãi bỏ văn bản 1685 có nội dung đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.

Theo Sở tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội, việc bãi bỏ này thực hiện theo văn bản Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) và một số văn bản chỉ đạo của TP. Hà Nội.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội đề nghị UBND các quận huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chỉnh tách thửa đất, hợp thửa đất cho người sử dụng đất theo quy định.

Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội ban hành Công văn số 1685, về việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa.

Tại văn bản đó, cơ quan này đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.

Theo Bộ Tư pháp, tách thửa là quyền của người sử dụng đất khi áp dụng đầy đủ các điều kiện và được thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Do đó, yêu cầu trên của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội không đảm bảo cơ sở pháp lý về nội dung và không thuộc thẩm quyền. Đồng thời, có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

Bộ Tư Pháp cũng nêu rõ, công văn 1685 của Sở Tài nguyên và Môi trường là văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật, nên việc ban hành văn bản này là hành vi bị nghiêm cấm (quy định tại khoản 2, Điều 14, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Từ những nội dung trên, để đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, Bộ Tư pháp đề UBND TP. Hà Nội chỉ đạo việc tự kiểm tra, xử lý văn bản 1685 theo quy định.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang