'Thả' giá bán lẻ xăng dầu; Ngành cấp thoát nước gặp khó; Dự án 'khủng' bế tắc; Bãi xe ngầm dưới sân golf Đà Lạt

'Thả' giá bán lẻ xăng dầu được không?

(Ảnh minh họa).

Bán lẻ xăng dầu có thể lấy hàng từ nhiều nguồn, rút ngắn thời gian điều hành giá, quy định cụ thể về dự trữ bắt buộc, thay đổi công thức tính giá… là những điểm mới trong dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu. Thế nhưng những thay đổi này vẫn không làm vừa lòng các bên.

Chiết khấu tăng, bán lẻ vẫn kêu trời

Trong dự thảo nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu mới nhất, Bộ Công thương đã đưa một số nội dung sửa đổi. Trong đó, chi tiết doanh nghiệp (DN) bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn thay vì chỉ 1 nguồn, là "thành công" của cộng đồng DN bán lẻ. Trước đó, trong các bản góp ý, kiến nghị sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, các DN bán lẻ đều đề xuất cho phía bán lẻ lấy hàng từ 2 - 3 nguồn thay vì chỉ 1 nguồn như hiện nay. Cùng với đó, các DN, cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng được yêu cầu thực hiện hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế...

Tuy nhiên, nhiều DN bán lẻ cho rằng nếu chỉ sửa đổi như vậy vẫn chưa xử lý được căn cơ của thị trường. Vấn đề thị trường là sự bất bình đẳng trong chi phí, đó là có sự "chiếm dụng" chi phí kinh doanh của bán lẻ từ các khâu đầu mối, phân phối. Bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Chiến Thắng, nói thẳng: "Chi phí và hao hụt trong kinh doanh xăng dầu chưa được tính trong giá bán lẻ. Chiết khấu bán lẻ xăng dầu đang đi theo thị trường, tăng mạnh khi chuẩn bị điều chỉnh tăng và giảm mạnh khi giá giảm. Vấn đề là các khoản chi phí định mức, lợi nhuận định mức trong giá bán được nhà nước áp, đầu mối "giữ" hết, bán lẻ không có nên vấn đề khó khăn của DN bán lẻ còn dai dẳng cho dù có lấy được nguồn hàng nhiều hay không. Chúng tôi nghĩ thị trường cần sự sòng phẳng và công bằng trong phân chia chi phí chứ không phải lấy được bao nhiêu hàng. Bởi hiện tại xăng dầu không khan nhưng vẫn lấy theo định mức, theo số lô đã ký hợp đồng từ trước".

"Vậy tại sao khi chiết khấu tăng, DN bán lẻ lại không mua hàng nhiều hơn để hưởng chênh lệch bù lúc chiết khấu thấp?". Trả lời câu hỏi của PV, bà Sinh cho hay bán lẻ rất khó "trở tay" với việc điều chỉnh giá hiện nay, cho nên nếu ôm hàng thì dự báo lỗ nhiều hơn lãi. Ví dụ 1 ngày trước kỳ điều chỉnh giá gần nhất, Petrolimex tăng chiết khấu lên 700 đồng/lít cho đại lý. Hàng chở từ cảng Hải Phòng lên Hà Nội, rồi từ Hà Nội chở lên Yên Bái mất cả ngày trời. Đến nơi, giá cũng được điều chỉnh giảm 610 đồng/lít, như vậy lô hàng có chiết khấu cao 700 đồng đó, cửa hàng bán theo giá mới chỉ còn lãi 90 đồng/lít, không phải 700 đồng. Cùng với đó, chiết khấu cho đại lý từ 700 đồng giảm xuống 600 đồng/lít sau điều chỉnh giá giảm. Như vậy, lấy hàng tiếp ngày sau thì bán lẻ đã lỗ ít nhất 110 đồng/lít. "Ôm hàng cũng chết, không ôm hàng cũng chết vì giá phải theo giá điều chỉnh của thị trường. Vấn đề là chi phí bán hàng phải được phân chia đều cho các khâu thì bán lẻ mới không thiệt thòi, chứ không phải chuyện lỗ lãi", bà Sinh nhấn mạnh.

Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, bổ sung: DN bán lẻ xăng dầu có 2 nguồn là chiết khấu và khoản chênh lệch khi giá tăng. Thế nhưng khoản chênh lệch giá từ hơn 1 năm qua DN bán lẻ không có, vì khi chuẩn bị tăng giá, các công ty đầu mối giữ hàng lại, hạn chế bán ra bằng mọi cách. Ngoài ra, chiết khấu lại giảm thấp, ngày tăng chiết khấu rất ngắn, hàng bán chưa hết, nên không lấy kịp. Hơn nữa, giá biến động nhiều nên nguồn hàng trong bồn khó dồi dào như trước nên khi thể tích trong bồn trống lớn, hao hụt tăng rất nhanh. Trong kinh doanh xăng dầu, phí hao hụt bồn bể khi bồn trống là lớn nhất trong mọi chi phí nhưng chưa ai tính cho bán lẻ cả.

Nhà nước không nên quản lý giá

Một lãnh đạo thương nhân phân phối tại TP.HCM phân tích, nếu giá cơ sở đã tính đúng, tính đủ cho đầu mối thì khi nhập về, chuyện lỗ lãi đầu mối không được kêu ca. Còn lại, giá bán lẻ sẽ phải phụ thuộc vào thị trường. Lẽ tất nhiên khi lượng hàng nhiều phải chiết khấu tốt, không ai có thể bắt tay nhau để điều tiết giá được. "Còn các đơn vị bán lẻ kêu về giá là không đúng hoàn toàn. Ví dụ như mấy hôm chiết khấu lên 2.000 đồng/lít, bán lẻ có thể tăng mua vào để bán nhưng họ không dám. Khi giá chuẩn bị giảm, cả thị trường cùng xả hàng, bán lẻ cũng chỉ nhập hàng cầm chừng do không lường trước diễn biến thị trường, tiêu thụ chậm và trong giới hạn tài chính cho phép. Cái này lỗi một phần do chính bản thân họ", vị này nói.

Theo chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú, các cơ quan soạn thảo chính sách nên đặt mình vào vị trí người tiêu dùng, khâu bán lẻ để làm chính sách sát sườn hơn. Đừng tiếp tục sửa đổi nghị định theo tư duy bao cấp, nên đưa ra mức giá sàn, còn giá bán lẻ hãy để thị trường quyết định, người bán lẻ định giá bán của họ sau khi đã cộng các chi phí vận hành. "Chính Thủ tướng Chính phủ mới đây đã nói quản lý thị trường xăng dầu theo lối hành chính là không ổn. Giá không nên được điều hành theo kiểu cộng thêm mấy trăm đồng lợi nhuận định mức rất vô lý. Bỏ phần lợi nhuận định mức đi, giữa bán buôn và bán lẻ thỏa thuận giá như các nước đã và đang làm. DN bán lẻ tự chịu trách nhiệm với giá và báo cáo thuế lên hệ thống minh bạch. Chính phủ hoàn toàn có thể điều hành giá xăng dầu thông qua thuế, phí; chống gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả; thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng… chứ không nên can thiệp vào giá nữa. Bình ổn xăng dầu bằng tiền của người tiêu dùng thì hãy lấy tiền đó mua dự trữ hàng, khi giá thế giới biến động tăng, nhà nước có thể bán ra can thiệp...", ông Phú nói thẳng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận xét dự thảo sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu có sửa đổi, thêm bớt vài chi tiết nhưng vẫn nặng tính can thiệp của nhà nước vào giá, chưa giải được bài toán xung đột lợi ích lâu nay. Kinh doanh xăng dầu cần cuộc kiến thiết để lập một thị trường đúng nghĩa và không để xảy ra tình trạng đối đầu; chứ không phải là sửa đi sửa lại từng chút một nghị định thế này. Theo đó, việc lập một thị trường kinh doanh xăng dầu cạnh tranh, bình đẳng và minh bạch thì không cần quỹ bình ổn giá, không cần lợi nhuận định mức hay những điều tương tự. "Vấn đề hiện nay là giá chứ không phải chiết khấu, nhưng chúng ta đang có sự lầm tưởng giữa giá và chiết khấu. Trong thực tế, các quy định tại nghị định kinh doanh xăng dầu (dù dự thảo có nhiều sửa đổi) đang làm cho khái niệm kinh doanh tự do bị thu hẹp lại, điển hình như giá trần. Chính giá trần trong xăng dầu tạo vị thế độc quyền, khiến bên yếu thế bị ảnh hưởng. Giá trần lại giao cho đầu mối định giá thì rõ ràng thị trường khó ổn và làm gì có thị trường tự do ở đó", ông Ánh nhấn mạnh.

(Nguồn: Thanh Niên)

Những tồn tại, khó khăn ngành Cấp, thoát nước chờ Luật giải quyết

Dự kiến Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước vào tháng 10/2023

Trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật tháng 5/2024, trình Quốc hội cho ý kiến Dự thảo lần 1 vào tháng 10/2024 và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025.

Được Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ xây dựng Dự thảo Luật Cấp, thoát nước, Cục Hạ tầng kỹ thuật đã tổ chức Hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý về Dự thảo Đề cương và chính sách cơ bản Luật Cấp, thoát nước tại Đà Nẵng ngày 21/4 và nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp. Trong đó, chủ yếu các ý kiến đều nêu ra những bất cập, khó khăn hiện nay của ngành Cấp, thoát nước do quy định pháp luật vừa thiếu, vừa yếu, chồng chéo vì chưa có luật chuyên ngành điều chỉnh nên việc đầu tư, xây dựng, quản lý gặp nhiều vướng mắc, doanh nghiệp không mặn mà.

Theo ông Lê Thế Chủ (Công ty Cổ phần Cấp, thoát nước Bình Định): Hiện nay, Điều 45 Nghị định 117/2007 quy định về thời hạn ngừng dịch vụ cấp nước nếu phát hiện khách hàng sử dụng nước không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền nước, vi phạm các quy định của Hợp đồng dịch vụ cấp nước là sau 5 tuần kể từ khi có thông báo đến khách hàng sử dụng nước về việc ngừng dịch vụ cấp nước; thời hạn này là 10 tuần đối khách hàng sử dụng nước không thực hiện nghĩa vụ thanh toán do có lý do khách quan đã được thông báo trước cho đơn vị cấp nước.

Nhiều khách hàng lợi dụng kẽ hở này tiếp tục sử dụng số lượng nước rất lớn với số tiền nước có thể lên đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng sau khi công ty thông báo về việc ngừng cung cấp nước do phát hiện hành vi vi phạm của khách hàng nhưng công ty không thể ngừng cung cấp dịch vụ ngay mà phải chờ hết thời hạn kể trên. Mặt khác, thế nào là vi phạm do “lý do khách quan”, thế nào là lý do hợp lý cần phải được làm rõ nếu không thì rất khó áp dụng trong thực tế, khó khăn trong quản lý và thất thoát cho ngân sách.

Hoặc khi xảy ra cháy, kinh phí sử dụng nước phục vụ công tác PCCC lấy từ hệ thống cấp nước sạch, bể nước PCCC tập trung phục vụ công tác PCCC được chi trả từ ngân sách địa phương trên cơ sở xác nhận của cơ quan Cảnh sát PCCC và đơn vị cấp nước.

Trên thực tế, mặc dù có xác nhận khối lượng sử dụng nước vào mục đích PCCC của đơn vị PCCC nhưng khi yêu cầu địa phương thanh toán thì họ kêu không có tiền, thủ tục rất phức tạp và thực tế thường không thu hồi được số tiền nước này.

Theo ông Lê Thế Chủ, những vấn đề bất cập này cần phải được tính toán kỹ và thay đổi, quy định cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng trong Luật Cấp, thoát nước khi xây dựng.

Ông Hồ Minh Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng góp ý cho Dự thảo Luật Cấp, thoát nước: Ông thống nhất với 5 chính sách Cục Hạ tầng kỹ thuật đề ra trong Dự thảo Đề cương. Tuy nhiên, ông Hồ Minh Nam cho rằng, để phù hợp điều kiện ngành cấp, thoát nước chúng ta phải có quy hoạch chuyên ngành về cấp, thoát nước cho tất cả các đô thị, việc này cần phải được cụ thể hóa vào trong luật. Vì khi có quy hoạch chuyên ngành thì mới xác định được vị trí nhà máy, vị trí nguồn nước và vị trí tuyến ống. Từ quy hoạch chuyên ngành tiến tới phân vùng quản lý cho từng đơn vị cấp, thoát nước, từ đó tránh được việc 1 vùng, 1 khu vực có tới 2 đơn vị cấp, thoát nước sẽ dẫn tới chồng chéo.

Đối với đơn vị được giao cấp, thoát nước tại vùng nào thì phải xây dựng được kế hoạch đầu tư, phát triển hệ thống, hạ tầng cấp, thoát nước theo quy hoạch vùng và phải xây dựng kế hoạch cấp, thoát nước an toàn và trình chính quyền địa phương rồi sau đó mới được thực hiện hoạt động đầu tư, xây dựng dự án cấp, thoát nước, việc này cũng phải được cụ thể hóa trong luật.

Vấn đề thứ 2 ông Hồ Minh Nam chia sẻ, việc xã hội hóa hoạt động cấp, thoát nước là rất cần thiết nhưng riêng đối với việc cấp nước thì Nhà nước cần nắm quyền chi phối vì nước hiện nay đã được coi là tài nguyên quốc gia.

Ngoài ra, theo ông Hồ Minh Nam cần phải miễn tiền thuê đất cho đơn vị hoạt động cấp thoát nước, cho phép điều chỉnh giá nước 3 năm 1 lần thì mới thu hút được doanh nghiệp.

Thực tế vẫn đang tồn tại khái niệm nước sạch nông thôn và nước sạch đô thị, ông Hồ Minh Nam cho rằng trong Luật tới đây cần bỏ sự phân biệt này mà thống nhất chung là nước sạch áp dụng cho cả thành thị, nông thôn.

Đồng quan điểm với ông Hồ Minh Nam, ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho rằng, nên lập quy hoạch chuyên ngành về cấp, thoát nước. Theo ông Võ Tấn Hà, thực tế chỉ ra rằng, đối với các đô thị nhỏ, chỉ có 1 nhà máy cấp nước thì dễ quản lý, nhưng nếu có tới 2 nhà máy thì sẽ rất nan giải vì nếu không có quy hoạch chuyên ngành thì không kiểm soát được, không phân vùng được cho nhà máy nào, hoạt động ở khu vực nào, dẫn đến chồng chéo, hoạt động đầu tư không hiệu quả từ đó rất khó để xã hội hóa, thu hút đầu tư.

Làm rõ hơn bất cập nếu tách khái niệm nước sạch nông thôn và nước sạch đô thị, ông Võ Tấn Hà chia sẻ câu chuyện thực tế tại Đà Nẵng đang diễn ra, khi công ty nước sạch đặt tại đô thị nhưng cung cấp cho vùng nông thôn thì không thể thu tiền giá nước sạch đô thị hoặc ngược lại, công ty nước sạch đặt tại vùng nông thôn nhưng cung cấp cho đô thị thì được thu tiền theo giá nước sạch đô thị.

Ông Võ Tấn Hà cho rằng, việc thiếu quy hoạch chuyên ngành cấp, thoát nước hiện nay có thể chưa gặp phải nhiều vấn đề nhưng tương lai chắc chắn sẽ gặp, cần phải tính trước, dự liệu và đưa vào Luật.

Ông Hà Văn Thành, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho rằng, theo quy định hộ gia đình cần phải xử lý nước thải sơ bộ trước khi thải vào hệ thống thu gom nhưng thế nào là xử lý sơ bộ thì chưa có quy định rõ ràng; việc quản lý hạ tầng thoát nước như thế nào; việc cổ phần hóa công ty cấp, thoát nước cũng cần phải nghiên cứu, định hướng rõ trong Luật bởi vì việc cấp, thoát nước có đặc thù riêng liên quan đến an ninh tài nguyên nước.

Việc quản lý thoát nước của các cơ sở sản xuất, hộ gia đình thì vị trí đấu nối, phương án đấu nối, chất lượng nước đầu vào rất quan trọng phải quy định rõ ràng, việc thoát nước thải và nước mưa phải tách biệt riêng, nước thải thì thu gom vào hệ thống để xử lý còn nước mưa thì thải ra sông hồ để công tác quản lý được hiệu quả.

Hay như việc tính chi phí khi xử lý nước thải mà người dân sử dụng nước ngầm được tính như thế nào cũng là vấn đề khó khăn bởi không kiểm soát được lượng nước đầu vào thì không có cơ sở tính được lượng nước đầu ra nên không thể tính được chi phí xử lý nước thải; hoặc việc quản lý hạ tầng thoát nước chưa được quy định rõ ràng; việc cổ phần hóa ngành Thoát nước hiện rất khó khăn, có tính đặc thù, còn nhiều bất cập nên cũng nên xem xét quy định vào Luật cụ thể.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cấp, thoát nước Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật: Cần đưa vấn đề đầu tư xây dựng vào luật là 1 trong những nhóm vấn đề chính. Vấn đề đầu tư trong lĩnh vực cấp nước được điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, từ đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, kinh doanh thu lời điều chỉnh theo cơ chế thị trường hoặc theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Còn đầu tư trong lĩnh vực thoát nước lại khác, thoát nước thì đầu tư 100% từ nguồn ngân sách, áp dụng cơ chế đấu thầu hoặc chỉ định, khi hỏng hóc, bảo trì thì lại là trách nhiệm Nhà nước. Phân tích như vậy để thấy rằng, riêng vấn đề về đầu tư, xây dựng về cấp, thoát nước phải được trú trọng, quan tâm khi xây dựng Luật Cấp, thoát nước.

Về quy hoạch chuyên ngành cấp, thoát nước, theo ông Trần Anh Tuấn đối với cấp nước thì nên có quy hoạch chuyên ngành cấp tỉnh, còn thoát nước thì dùng quy hoạch thủy lợi tưới tiêu vì vấn đề thoát nước không thuần túy là xử nước thải mà còn phải xử lý thoát nước mưa. Đối với đô thị loại III trở lên phải lập quy hoạch chuyên ngành về cấp, thoát nước vì đô thị loại III là thành phố trực thuộc tỉnh, có quy mô dân số tương đối lớn.

Về vấn đề kinh phí để lập quy hoạch chuyên ngành, ông Tuấn cho rằng nên chăng giao trách nhiệm lập quy hoạch cho các đơn vị được giao vùng, phạm vi của vùng cấp nước trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt bởi vì chưa chắc các địa phương đã có ngân sách để thực hiện quy hoạch chuyên ngành cho cấp nước.

Một số vấn đề khác như chất lượng nguồn nước; vấn đề di dời đường ống cấp nước khi đã được đầu tư, xây dựng đúng quy hoạch thì nhà nước phải hỗ trợ để gỡ khó cho doanh nghiệp và cũng là để tránh tăng giá thành khi bán tới tay người dân… cũng phải được dự liệu trước và đưa vào Luật.

Ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật đặt vấn đề, hiện nay nhiều ngành, lĩnh vực đã có luật như xăng dầu, điện lực và đã giải quyết rất tốt nhiều vấn đề của ngành. Khi Luật Cấp, thoát nước ra đời sẽ điều tiết những vấn đề đang tồn tại, khó khăn của ngành. Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia ngành này.

Việc sớm xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Cấp, thoát nước cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của cử tri cả nước, Quốc hội và Chính phủ. Tới đây, Cục sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, xin ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân trên cả nước nhằm xây dựng Dự thảo Luật Cấp, thoát nước đúng tiến độ, hiệu quả cao và giải quyết tốt nhất những vấn đề đang tồn tại của ngành này.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Dự án ‘khủng’ bế tắc hàng chục năm vì bồi thường

(Ảnh minh họa).

TP.HCM có nhiều dự án đầu tư công trọng điểm với kinh phí hơn 10.000 tỉ đồng đang chờ giải phóng mặt bằng.

Theo quy định hiện hành, khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án, việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để thu hồi thì được bồi thường bằng tiền.

Thực tế tại TP.HCM, khi thu hồi đất nông nghiệp chủ yếu được bồi thường bằng tiền do quỹ đất nông nghiệp không có nhiều để giao. Trong khi giá bồi thường đất nông nghiệp thường rất thấp, người dân rất khó để tạo lập nhà ở và sinh kế sau khi di dời. Đây cũng là lý do chưa tạo được sự đồng thuận cao đối với người dân và khiến dự án kéo dài.

Dự án “khủng” hơn hai thập niên dang dở

Dự án khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM có tổng quy mô hơn 643 ha, nằm trên địa bàn tỉnh Bình Dương và TP.HCM. Riêng tại địa bàn TP Thủ Đức bắt đầu được thực hiện từ năm 2001 với quy mô thu hồi đất gần 120 ha. Từ đó đến nay đã hơn 20 năm nhưng vẫn đang còn khoảng 800 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng.

Nguyên nhân một phần vì hồ sơ pháp lý quá phức tạp của một dự án giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và TP.HCM, phần lớn vì chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) chưa thỏa đáng và còn nhiều bất cập.

Dự án kéo dài, đơn giá phê duyệt kèm theo phương án bồi thường từ năm 2006, mặc dù UBND TP đã nhiều lần điều chỉnh nhưng đã không còn phù hợp. Theo một báo cáo của quận Thủ Đức trước đây, đơn giá vẫn còn chênh lệch rất lớn so với các dự án liền kề nên người dân so bì và khiếu nại gay gắt.

Những năm qua, ĐH Quốc gia TP.HCM nhiều lần kiến nghị, “cầu cứu” về vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) với lãnh đạo các cấp nhưng vẫn chưa giải quyết được. Vấn đề càng khó khăn hơn khi dự án triển khai hàng chục năm nhưng chưa có đủ chỗ TĐC cho người dân bị thu hồi đất.

Hiện nay, dự án này đang chuẩn bị điều chỉnh quy hoạch theo hướng buộc phải cắt bớt khoảng 10 ha từ các hạng mục thành phần trong dự án để làm TĐC tại chỗ, chuyển đổi từ đất có chức năng giáo dục thành đất ở. UBND TP.HCM cũng kiến nghị cần xem xét tách 10 ha này ra khỏi ranh giới dự án ĐH Quốc gia, dành để bố trí TĐC cho các hộ dân bị di dời của dự án. Hiện nay, dự án vẫn chưa tiếp tục thực hiện bồi thường do phải chờ Thủ tướng duyệt điều chỉnh quy hoạch bổ sung khu TĐC.

Ngoài ra, để tháo gỡ nút thắt về bồi thường kéo dài hàng chục năm, TP Thủ Đức đã kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho TP Thủ Đức làm chủ đầu tư triển khai thực hiện công tác bồi thường, GPMB thí điểm theo phương thức hoán đổi đất TĐC tại chỗ. Tuy nhiên, đề xuất này không được chấp thuận do chưa có cơ sở. Vì vậy, dự án hiện nay vẫn đang nằm im sau hơn 20 năm triển khai.

Điểm đáng lưu ý, trong gần 120 ha trên địa bàn TP Thủ Đức, đa phần diện tích thu hồi là đất nông nghiệp. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2013 không có quy định phương thức bồi thường đất ở đã có hạ tầng kỹ thuật trong công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất. Nghĩa là không có phương thức hoán đổi đất nông nghiệp lấy đất ở để người dân tạo lập nhà ở mà chỉ bồi thường, hỗ trợ bằng tiền khi thu hồi đất nông nghiệp.

Gần 30 năm, dự án hàng chục ngàn tỉ vẫn bế tắc

Cũng trên địa bàn TP Thủ Đức, một dự án khác là Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc tại phường An Phú đã kéo dài gần 30 năm chưa thực hiện được.

Năm 1994, Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô khoảng 466 ha. Sau đó, dự án được điều chỉnh giảm xuống còn hơn 186 ha với nhiều dự án thành phần. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 18.888 tỉ đồng.

Năm 2012, dự án này được UBND TP chấp thuận địa điểm thực hiện dự án bồi thường, GPMB nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Riêng dự án thành phần là khu liên hợp thể dục thể thao có tổng quy mô gần 170 ha với 867 hộ dân bị ảnh hưởng.

Trong đó, riêng diện tích đất nông nghiệp tính bồi thường đã chiếm tới hơn 142 ha. Trải qua hàng chục năm, dự án vẫn chưa thể triển khai vì vướng bồi thường, GPMB. Hiện nay, TP Thủ Đức đã ban hành thông báo thu hồi đất đến 833/867 trường hợp. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng đã tổ chức đo vẽ, khảo sát gần 800 trường hợp.

UBND TP Thủ Đức, Sở VH&TT nhiều lần báo cáo về khó khăn, vướng mắc của dự án. Trong đó, nan giải nhất vẫn là vấn đề bồi thường, hỗ trợ, TĐC. Sở VH&TT từng cho biết năm 2018, kinh phí bồi thường dự án khoảng 8.000 tỉ đồng, đến nay ước tính lên đến hơn 20.000 tỉ đồng nhưng cũng không biết khi nào mới có thể thực hiện.

(Nguồn: Pháp Luật)

Bãi xe ngầm dưới sân golf Đà Lạt: Mới chỉ là ý tưởng

Tỉnh Lâm Đồng xem xét cẩn trọng với đề xuất của doanh nghiệp khi xây công trình ở Đồi Cù (TP.Đà Lạt) và không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.

Tại cuộc họp cung cấp thông tin báo chí ngày 25/4, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết, dự án sân golf Đồi Cù được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 1993. CTCP Hoàng Gia Đà Lạt làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 làm sân golf. Còn giai đoạn 2, tòa nhà câu lạc bộ golf đang xây dựng.

Tháng 2/2023, chủ đầu tư đề xuất với UBND Lâm Đồng chấp thuận chủ trương cho phép tách dự án đầu tư mới và thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích hơn 15,6 ha của sân golf để triển khai 2 dự án.

Trong đó, dự án mở rộng đường Trần Quốc Toản (đoạn từ đường Trần Nhân Tông đến Đinh Tiên Hoàng), doanh nghiệp này xin chuyển mục đích sử dụng đất gần 3,5 ha thuộc sân golf Đồi Cù. Sau khi hoàn thành và được nghiệm thu, công ty sẽ bàn giao lại cho TP Đà Lạt quản lý, khai thác.

Dự án khác là khu vui chơi giải trí nghỉ dưỡng phức hợp, 2 khu hầm để xe với quy mô 7 tầng hầm kết hợp trung tâm thương mại phục vụ kinh tế đêm. Diện tích đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất là 12,2 ha, thuộc đoạn tiếp giáp với danh thắng quốc gia hồ Xuân Hương, gần Trần Quốc Toản với Đinh Tiên Hoàng.

Sau khi đề xuất của doanh nghiệp đưa ra, dư luận lo ngại việc bố trí quá nhiều công trình lớn như 2 hầm giữ xe, tòa nhà câu lạc bộ… sẽ phá nát Đồi Cù, chặt hạ nhiều cây thông hàng chục năm tuổi.

Về vấn đề trên, Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định, các sở ngành của tỉnh Lâm Đồng đã xem xét rất cẩn trọng khi xây các công trình tại sân golf Đồi Cù. Tỉnh không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Sau thời gian dài xem xét cẩn trọng, Sở Xây dựng mới cấp giấy phép xây dựng cho dự án.

Ông Trung cũng nêu, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân khi đầu tư xây dựng thì khai thác thêm công trình ngầm để phục vụ hạ tầng, song địa phương cẩn trọng với đề xuất của doanh nghiệp.

Ngoài ra, UBND Lâm Đồng tiếp thu ý tưởng xây 2 hầm đậu xe của doanh nghiệp đề xuất trình bày làm ý tưởng công trình ngầm. Hiện, đề xuất này chỉ mới dừng lại ở ý tưởng của doanh nghiệp.

Mặt khác, UBND tỉnh có yêu cầu với doanh nghiệp không được làm ở khu vực hướng ra hồ Xuân Hương, không có công trình nổi, không được chặt cây.

“Làm gì thì làm nhưng phải giữ Đồi Cù làm công viên chuyên đề”, ông Trung nói.

(Nguồn: Vietnamnet)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang