Bờ sông Đà ở Phú Thọ sạt lở; 'Bỗng nhiên mất vợ'; Tiêm vaccine 6 trong 1 hết hạn, 4 trẻ nhập viện

Bờ sông Đà ở Phú Thọ tiếp tục sạt lở, 'ngoạm' sâu vào đất liền tới 70m

(Ảnh minh họa).

Tình trạng sạt lở bờ sông Đà đoạn chảy qua xã Dân Quyền (huyện Tam Nông, Phú Thọ) đang đe dọa đến hàng trăm mét đê bối và tính mạng, tài sản của 150 hộ dân.

Trong những ngày qua, tại khu 13, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, tình trạng sạt lở bờ sông Đà diễn ra ngày càng nghiêm trọng, khiến hàng chục ha đất bãi, rau màu của người dân bị nước cuốn trôi.

Sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm mét đê bối và uy hiếp tính mạng, tài sản của 150 hộ dân sinh sống ven bờ sông Đà.

Bà Nguyễn Thị Phát (khu 13, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì tình trạng sạt lở bờ sông Đà diễn ra nhanh, ăn sâu vào đất liền. Theo bà Phát, chỉ vài trận mưa to vào mùa mưa lũ sắp tới, nguy cơ sạt lở bờ sông Đà vào sâu đất nông nghiệp, nhà ở của người dân là rất lớn.

"Ngày trước, từ nhà tôi nhìn ra phía sông còn khoảng gần 100m đất bãi, người dân trồng hoa màu để có thu nhập thêm. Nhưng sạt lở những ngày qua diễn ra nhanh, hiện chỉ cách nhà tôi chừng 13m và cách đê bối khoảng 10m. Chúng tôi mong muốn chính quyền sớm có biện pháp xử lý để bà con trong khu không phải hoang mang lo lắng và yên tâm sinh sống, sản xuất nông nghiệp", bà Phát kiến nghị.

Bà Lê Hương Ly - Trưởng khu 13 (xã Dân Quyền, huyện Tam Nông) cho rằng: "So với trước đây, sạt lở đã ăn sâu vào đất liền khoảng 70m. Thậm chí, có nhà ở cách điểm sạt lở chỉ còn 14m, rất nguy hiểm. Chúng tôi kiến nghị các cấp chính quyền, cơ quan chức năng sớm xây dựng tuyến kè cho người dân nhằm giải quyết tình trạng sạt lở nghiêm trọng này".

Theo các hộ dân thuộc xã Dân Quyền sinh sống dọc sông Đà, bao đời nay, bà con canh tác trên đất bãi bồi ven sông ổn định. Chỉ một vài năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ sông, kéo theo đất bãi bồi xuống sông Đà mới diễn ra. Nguyên nhân dẫn đến sạt lở nghiêm trọng do hoạt động khai thác cát, sỏi tuyến sông Đà diễn ra rầm rộ, làm biến đổi lòng sông, dòng chảy.

Ông Đào Tiến Lực, Chủ tịch UBND xã Dân Quyền cho hay, trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng diễn ra trên địa bàn, từ đầu năm nay, xã đã kiểm tra tình hình thực tế và đã có văn bản báo cáo với các cơ quan cấp trên từ tỉnh đến huyện.

"Xã đã chỉ đạo khu dân cư, Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai cắm biển cảnh giới về sạt lở nguy hiểm và có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền sớm có phương án xử lý", ông Lực thông tin.

Ông Trần Quốc Bình - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ cho biết, phía bờ sông Ba Vì (Hà Nội) hình thành bãi bồi, làm biến đổi dòng chảy của sông sang phía địa phận tỉnh Phú Thọ. Bên cạnh đó, việc xả nước của hồ thủy điện Hòa Bình đã khiến mực nước sông lên xuống thất thường, ảnh hưởng địa chất của khu vực lòng sông, dẫn đến hiện tượng sạt lở.

"Đối với đoạn bờ sông bị sạt lở tiếp giáp với đoạn kè đang được xây dựng, Sở vẫn đang tiếp tục theo dõi, lên kế hoạch xử lý cụ thể, kể cả trong tình huống xấu nhất. Đồng thời, Sở phối hợp các đơn vị liên quan đánh giá hiện trạng sạt lở, sẽ có báo cáo tham mưu lên UBND tỉnh về giải pháp xử lý khẩn cấp đoạn sạt lở nguy hiểm đe dọa đến tuyến đê bối, cũng như an toàn cho người dân", ông Bình nhấn mạnh.

Trước đó, vào tháng 2/2023, tỉnh Phú Thọ đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, bao gồm: Phương án xử lý và lệnh xây dựng công trình khẩn cấp.

Theo đó, tỉnh Phú Thọ giao Sở NNPTNT quản lý, triển khai dự án "Xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông đoạn tương ứng từ km31+200 - km31+650 đê tả sông Đà, thuộc địa bàn xã Dân Quyền, huyện Tam Nông". Kinh phí dự kiến khoảng 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, thi công dự án hoàn thành trước ngày 30/4/2023.

Tuy nhiên, theo người dân, trong khi đoạn kè khẩn cấp vẫn chưa hoàn thiện, hơn 1 tuần nay, tình trạng sạt lở lại tiếp tục diễn ra ở ngay đoạn tiếp giáp, kéo dài đến khu 13, 14, chân cầu Trung Hà và chưa có dấu hiệu dừng lại.

(Nguồn: Vietnamnet)

Bỗng nhiên mất vợ vì chính quyền bút phê 'chưa kết hôn'

Dù chưa ly hôn, chị N.T.H. (Hà Tĩnh) vẫn được xã xác nhận chưa kết hôn để cưới chồng mới. Việc làm này khiến người chồng mất vợ, 2 con mất mẹ.

Theo đơn tố cáo của anh N.V.H. (SN 1985, trú tại xã Hương Xuân, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), ngày 9/2/2006, anh làm thủ tục đăng ký kết hôn cùng chị N.T.H. (SN 1984) tại quê vợ xã Hương Thủy của huyện này, theo giấy đăng ký kết hôn số 02, quyển 1/2006, do ông Nguyễn Ngọc Chí, Phó chủ tịch UBND xã ký.

Đến nay, vợ chồng anh Hiếu đã sống với nhau được 17 năm và có 2 người con trai chung (17 tuổi và 10 tuổi).

Do điều kiện kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nên năm 2016 chị H. vào Bình Dương làm ăn để kiếm thêm thu nhập. Anh H. ở nhà tần tảo mưu sinh nuôi 2 con ăn học, khôn lớn.

Quá trình làm việc ở Bình Dương, chị H. có về nhà với cha con anh H. 3 lần. Thỉnh thoảng anh H. vào thăm vợ và có một khoảng thời gian dài vào sống cùng chị H.

Thời gian vào thăm vợ, anh H. có biết sơ qua về mối quan hệ ngoài luồng của chị H. và khuyên vợ mình nên vì các con mà quay về. Không ngờ rằng, gần tết Quý Mão vừa rồi, chị H. không về nhà mà lẳng lặng về quê ở Hương Thủy để tổ chức đám cưới cùng anh L.H.N (SN 1986, trú cùng xã).

Từ ngày chị H. đi lấy chồng, ngôi nhà của cha con anh H. trở nên trống trải, cuộc sống vì thế mà thêm nặng nề. Hai đứa con trai như gà con mất mẹ, ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Trao đổi với VietNamNet, anh N.V.H cho biết: “Hôm công việc xong, H. có ảnh và quà cưới qua điện thoại cho tôi. Tôi có hỏi, vợ chồng chưa ly hôn sao em làm thế? H. trả lời rằng muốn biết thì lên xã mà hỏi...”.

Quá bức xúc về việc chưa ly hôn mà vợ mình lại có thể đi lấy chồng khác, anh N.V.H đã đến UBND xã Hương Thủy (nơi anh từng đăng ký kết hôn vào năm 2006) để hỏi thì được biết: Ngày 16/1, ông Trịnh Xuân Thắng, Chủ tịch UBND xã Hương Xuân (huyện Hương Khê) đã ký vào giấy xác nhận tình trạng hôn nhân số 04/UBND-XNTTHN cho chị N.T.H với nội dung: “Hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai”.

Vì thế ngày 18/1, chị H. cùng anh L.H.N đã được xã Hương Thủy xác lập quan hệ hôn nhân.

Chính quyền không biết chị H. đã có chồng?

Lý giải về việc công dân đang có chồng và 2 con vẫn được xác nhận là chưa kết hôn, ông Phan Ngọc Thiên (SN 1965, Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Hương Xuân) cho biết: “Theo quy trình, sau khi xuất trình căn cước công dân, người xin xác nhận tình trạng hôn nhân phải khai theo mẫu và cam đoan đúng sự thật. Từ thông tin đó, cán bộ tư pháp ghi vào sổ, nhập vào hệ thống quốc gia rồi mới in giấy ra được”.

Khi hỏi, quá trình xác nhận tình trạng hôn nhân cho chị H., có nắm được thân nhân của trường hợp này không? Ông Thiên khẳng định: “Về cá nhân anh H. thì tôi biết rất rõ, vì nhà cách nhau không xa. Sau khi kết hôn, 2 vợ chồng ra ở riêng trên địa bàn xã Hương Trà. Gần đây chị H. đi miền Nam làm ăn nên không biết người phụ nữ này là vợ của H.”.

“Do tin tưởng và thiếu xác minh, kiểm tra nên mới để xảy ra sự việc. Hiện chúng tôi đang phối hợp với xã Hương Thủy, phòng Tư pháp, Tòa án nhân dân huyện Hương Khê để trả lại công bằng cho họ. Mình làm sai, xâm hại đến quyền lợi chính đáng của họ thì phải có trách nhiệm”, ông Thiên trần tình.

Còn ông Trịnh Xuân Thắng, Chủ tịch UBND xã Hương Xuân thông tin, chị H. lấy chồng về thôn Tân Phú nhưng thời điểm đó khu vực này thuộc địa bàn xã Hương Trà, đến năm 2013 mới nhập về xã Hương Xuân.

Cũng theo ông Thắng, qua sự việc này cho thấy cán bộ tư pháp đã chủ quan, không rà soát đến nơi đến chốn, không tham mưu đầy đủ, cụ thể. Hiện tại tòa án đang thụ lý hồ sơ, trước mắt phải giải quyết để hủy kết hôn trái luật, nhằm bảo vệ quyền lợi cho công dân.

“Tôi nhận thức đầy đủ việc làm của mình là sai. Quan điểm là sai đến đâu thì chúng tôi xin chịu trách nhiệm đến đó, không đổ lỗi cho ai, không bao biện gì hết. Kể cả không ký thì tôi vẫn phải chịu trách nhiệm vì là người đứng đầu”, lời ông Thắng.

(Nguồn: Tiền Phong)

Sau tiêm vắc-xin 6 trong 1 hết hạn, 4 trẻ em ở Thanh Hóa nhập viện

(Ảnh minh họa).

Bệnh viện Nhi tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận và đang theo dõi sức khỏe một số trẻ nhỏ sau khi tiêm vắc-xin, trong đó có 4 trẻ được tiêm vắc-xin 6 trong 1 đã hết hạn sử dụng từ tháng 3-2023.

Tối ngày 10-5, tin từ Bệnh viện Nhi tỉnh Thanh Hóa cho biết đã tiếp nhận và đang theo dõi sức khỏe cho 4 trẻ nhỏ ở xã Thăng Bình, huyện Nông Cống, nhập viện do tiêm vắc-xin quá hạn.

Trước đó, vào sáng ngày 9-5, Trạm Y tế xã Thăng Bình (huyện Nông Cống) tổ chức tiêm dịch vụ các mũi vắc-xin 5 trong 1 và 6 trong 1 cho 15 trẻ. Trong đó, 6 bé được tiêm vắc-xin Hexaxim (vắc-xin 6 trong 1).

Khi về nhà, người thân của trẻ nhỏ kiểm tra lại vỏ thuốc thì phát hiện vắc-xin 6 trong 1 đã hết hạn sử dụng từ tháng 3-2023.

Ông Phan Văn Chương, Trưởng trạm Y tế xã Thăng Bình, cho biết ngay sau khi phát hiện sự việc, đơn vị này đã kiểm tra và phát hiện có 4 lọ vắc-xin đã hết hạn.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, Trạm Y tế xã Thăng Bình đã đưa các cháu lên trạm y tế thăm khám, đồng thời nhanh chóng thuê xe đưa các cháu ra Bệnh viện Nhi Thanh Hóa điều trị, theo dõi.

Ông Trần Anh Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nông Cống cho biết, đơn vị đã báo cáo sự việc 4 trẻ nhỏ ở xã Thăng Bình tiêm phải vắc-xin đã hết hạn sử dụng lên Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) và UBND huyện Nông Cống.

Cũng theo ông Nam, ngày 23-5-2022, trung tâm có nhập về tổng số 165 liều Hexaxim của Công ty thiết bị y tế Hà Nội và cấp cho Trạm y tế Thăng Bình ngày 7-6-2022.

"Trước mắt chúng tôi cùng chính quyền địa phương tập trung chăm lo sức khỏe cho các cháu cũng như động viên, ổn định tinh thần cho gia đình. Còn sai sót đến đâu sẽ xử lý đến đó. Ngay sau khi xảy ra sự việc, trung tâm cũng đã rà soát lại số thuốc Hexaxim đã cung ứng cho các đơn vị liên quan" - ông Nam thông tin.

Ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, cho biết trong số các trẻ nhập viện, có 2 cháu sốt nhẹ và 2 cháu có men gan tăng. Hiện sức khỏe các cháu đang ổn định, bệnh viện đang tiếp tục theo dõi sức khỏe, diễn biến của các cháu.

(Nguồn: Kenh14)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang