'Nóng' giá vé tàu hỏa; Quay cuồng cơn sốt vàng nhẫn; Gian hàng bán giá 'ảo' trên sàn TMĐT; DN BĐS & cuộc chiến thị trường

GIÁ VÉ TÀU HỎA DỊP LỄ 30.4 BẮT ĐẦU “NÓNG”

Do giá vé máy bay tăng cao, nhiều người dân đang tìm mua vé tàu hỏa làm phương tiện di chuyển dịp lễ 30.4 và 1.5 sắp tới. Song nhiều chặng "hot" đã gần kín chỗ, giá vé tàu dịp lễ cũng tăng nhẹ.

Theo đại diện Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội, các tàu chặng ngắn như Hà Nội - Thanh Hóa, Hà Nội - Vinh hiện vé vẫn còn, song hành khách có nhu cầu nên mua sớm vé tàu trong một vài ngày tới vì số lượng không còn nhiều.

Chặng Hà Nội - Thanh Hóa ngày 30.4 hiện vẫn còn một số toa dư chỗ, trong đó vé giường nằm khoang 6 có mức giá từ 220.000 - 286.000 đồng/khách.

Song nhiều chặng du lịch "hot" vé giường nằm đã gần hết. Chị Nguyễn Hiền (Q.Hà Đông, Hà Nội) tìm vé cho gia đình đi nghỉ lễ tại Quảng Bình dịp 30.4 cho biết, may mắn mới tìm được vé giường nằm khoang 6 cho cả gia đình. Theo đó, giá vé giường nằm khoang 6 điều hòa cũng có mức khá cao, từ 728.000 - 892.000 đồng/khách ngày 30.4. Giá vé giường nằm khoang 4 điều hòa cao hơn, trên 1 triệu đồng/người.

Muốn đi sớm hơn một chút để có kỳ nghỉ lễ dài hơn, song chị Hiền cho biết, trên trang bán vé dsvn.vn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tàu xuất phát từ ga Hà Nội đi các tỉnh phía Nam ngày 26 - 27.4 như SE1, SE5, SE11, SE19, QB1 đều hết chỗ. Chiều quay lại Hà Nội ngày 30.4 - 1.5, các tàu SE20, SE2, SE6, SE12, QB2 hầu như hết vé.

Tương tự, các tàu chạy cao điểm lễ 30.4 từ Hà Nội đi TP.HCM gần như kín chỗ. Trên trang web bán vé, các tàu nhanh như SE3, SE4 số lượng vé chỉ còn khoảng 45 - 50 chỗ mỗi chuyến, chủ yếu là vé ngồi mềm và một số ít chỗ khoang 6 giường nằm.

Trước đó, Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội đã tăng cường 60.000 vé gồm cả tàu tăng cường và tàu chạy thường ngày. Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng đưa ra số vé tương đương. So với dịp nghỉ lễ 30.4 năm ngoái, lượng vé giảm một chút, nhưng tốc độ bán nhanh hơn. Theo lý giải, do giá vé máy bay cao nên hành khách có xu hướng chuyển sang đi tàu nhiều hơn, các chuyến tàu thường xuyên kín chỗ.

Do giá nhiên liệu tăng 6% so với cùng kỳ năm trước nên doanh nghiệp tăng giá vé 2 - 6% với tàu Bắc Nam như SE1, SE2, SE5, SE6 và tàu SE19/20 tuyến Hà Nội - Đà Nẵng.

Giá vé giường nằm Hà Nội - TP.HCM với khoang 6 giường là từ 1,3 đến gần 1,7 triệu đồng, khoang 4 giường từ 1,5 triệu đến cao nhất khoảng 2,7 triệu đồng mỗi lượt.

Ngành đường sắt đã tăng cường chạy hàng loạt các mác tàu trên nhiều cung chặng để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5.

Ngoài các đôi tàu chạy thường xuyên trên các tuyến Hà Nội - Sài Gòn, Hà Nội - Đà Nẵng, Huế - Đà Nẵng, Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Công ty vận tải Đường sắt Hà Nội tổ chức chạy tăng cường thêm các đoàn tàu khách trên nhiều tuyến khác nhau.

Trong đó, tuyến Hà Nội - Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) chạy thêm tàu QB1 các ngày 26 - 27.4, tàu QB2 các ngày 30.4 - 1.5. Tuyến Hà Nội - Vinh (tỉnh Nghệ An), chạy thêm NA3, NA7 các ngày 26 - 27.4; tàu NA4, NA14 các ngày 30.4 - 1.5; tàu SE35, SE36 từ ngày 25.4 - 1.5...

QUAY CUỒNG TRONG CƠN SỐT GIÁ VÀNG NHẪN

Sau “cơn lên đồng” của vàng miếng SJC và chững lại khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ bỏ độc quyền, đến lượt vàng nhẫn vào cơn “sốt”, giá tăng mạnh, phá vỡ các kỷ lục đã lập trước đó.

Sóng vàng nhẫn liên tục tăng

Khi giá vàng nhẫn ngày 8/4 lên hơn 75 triệu đồng/lượng, trên các con phố vàng ở Hà Nội lại tái diễn cảnh người dân xếp hàng mua bán. Từ đầu năm nay, cảnh người dân mua bán liên tục xảy ra mỗi khi giá vàng biến động, tăng cao.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ bỏ độc quyền vàng miếng SJC, nhiều người chuyển từ mua bán vàng miếng sang vàng nhẫn. Điều này khiến nhu cầu vàng nhẫn tăng mạnh và giá liên tục lập đỉnh.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, tại các cửa hàng vàng bạc trên Phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lượng người đi mua bán đông. Thậm chí, người dân phải chen chúc, xếp hàng xuyên trưa và đợi cả tiếng mới đến lượt.

Chị Minh Châu (ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Từ hôm qua, tôi thấy vàng nhẫn lên 74 triệu đồng/lượng rất sốt ruột. Do buổi sáng tôi bận nên trưa mới ra cửa hàng mua. Khi đó giá vàng đã tăng thêm gần 1 triệu đồng/lượng. Giá vàng tăng nhanh quá tôi cũng rất ngỡ ngàng”.

Theo đại diện 1 cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông, do lượng người mua vàng tăng đột biến nên cửa hàng chưa chuẩn bị nguồn cung vàng kịp. Theo đó, người mua từ 1 cây vàng trở lên sau 1 tuần mới lấy được vàng.

Giải mã “cơn sốt” giá vàng kéo dài

Cách đây gần 2 tháng vào ngày vía Thần Tài (ngày 19/2 dương lịch tức mùng 10 tháng Giêng), giá bán vàng nhẫn trong nước quanh mốc 65 triệu đồng/lượng.Tính từ mốc giá này, đến nay, giá vàng nhẫn trong nước đã tăng tới hơn 10 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng hơn 14%.

Bất chấp chênh lệch giá mua - bán mặt hàng này được các doanh nghiệp đưa ra ở mức gần 1,5 triệu đồng/lượng, đà tăng của giá vàng nhẫn vẫn giúp người mua lãi hơn 8 triệu đồng/lượng, tương đương lợi suất 12% sau chưa đầy 2 tháng.

Còn nếu tính từ đầu năm tới nay, mỗi lượng vàng nhẫn trơn tăng hơn 12 triệu đồng, tương đương mức tăng gần 19%. Trong khi đó, vàng miếng SJC từ đầu năm đến nay chỉ tăng hơn 4 triệu đồng/lượng.

Ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia Hội đồng vàng Thế giới lý giải, giá vàng nhẫn tăng vọt do nhu cầu vàng nhẫn trong dân cao và nguồn cung hiện nay vẫn thiếu do doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng.

Bên cạnh đó, việc cơ quan chức năng đẩy mạnh triệt phá các đường dây mua bán vàng lậu dẫn đến nguồn cung vàng nguyên liệu trên thị trường trở nên khan hơn.

Theo các chuyên gia, hiện, người dân đang có xu hướng bán vàng miếng SJC để chuyển qua vàng nhẫn vì lo ngại Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp bất kỳ lúc nào. Hiện tại, giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới hơn 11 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn cao hơn khoảng 4 triệu đồng/lượng.

Nửa cuối năm ngoái, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép 3 doanh nghiệp hàng đầu là SJC, DOJI, PNJ , mỗi đơn vị nhập khẩu 500 kg vàng để chế tác nữ trang. Nhưng tới nay, kiến nghị này vẫn chưa được chấp thuận.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa chính thức công bố đề xuất xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng , phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững. Trước đó, Chính phủ liên tục có những công văn, cũng như các cuộc họp liên quan đến nghị định này.

Thực tế, những bất cập trên thị trường vàng không phải đến nay mới được đặt ra. Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước được Chính phủ giao nhiệm vụ “quản lý hiệu quả thị trường vàng, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án chống vàng hóa, trong đó các giải pháp cần có lộ trình triển khai phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, nghiên cứu có lộ trình, giải pháp huy động và sử dụng vào sản xuất kinh doanh nguồn lực vàng”.

Tại tờ trình sửa đổi Nghị định 24 lúc bấy giờ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng: “Việc quản lý thị trường vàng trong nước thời gian tới sẽ tập trung vào mục tiêu ổn định bền vững thị trường vàng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, thoát ly tác động của giá vàng đến tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô”.

MỤC ĐÍCH THỰC SỰ CỦA GIAN HÀNG BÁN GIÁ "ẢO" TRÊN SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Nhiều gian hàng trên sàn thương mại điện tử lấy mô tả và hình ảnh của sản phẩm thật để đăng bán với giá chỉ 1.000 đồng, rẻ hơn gấp trăm lần so với giá bán thực tế trên thị trường.

Ông Thanh Phương (ngụ tại TP Thủ Đức, TP HCM) là người chuyên săn hàng công nghệ giảm giá trên sàn thương mại điện tử. Khi tìm kiếm thiết bị sạc dự phòng dành cho chiếc điện thoại của mình, ông thấy nhiều cửa hàng bán thiết bị này chỉ với 1.000 đồng.

Ông Phương dẫn chứng một cửa hàng có tên "Shopdunn" đang đăng bán sạc dự phòng trong suốt 20.000mAh thương hiệu TZ07 với hình ảnh, mô tả giống như sản phẩm thật nhưng giá chỉ 1.000 đồng. Trong khi đó, giá bán thực tế trên thị trường dao động từ 199.000 - 229.000 đồng/sản phẩm.

"Rất nhiều cửa hàng khác trên một số sàn thương mại điện tử cũng bán loại sạc dự phòng tương tự, tai nghe bluetooth cao cấp với mô tả sản phẩm và hình ảnh như hàng thật nhưng chỉ với giá 1.000 đồng. Dưới phần bình luận, một số người mua phản hồi tích cực như giá rẻ, pin sử dụng được khá lâu, chất lượng tốt... Song, với kinh nghiệm mua hàng online nhiều năm, tôi khẳng định những bình luận đó chỉ để mồi chài khách. Nếu khách đặt mua, họ có thể chỉ nhận mỗi hộp giấy đóng hàng không chừng" - ông Phương nói.

Ông Hữu Thắng (ngụ tại quận Bình Thạnh, TP HCM) phản ánh hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều shop "mượn" hình của các sản phẩm chính hãng, sao chép lại mô tả và đăng bán giá 1.000 đồng, như đồng hồ thương hiệu DW, Dizizid (giá thị trường từ 700.000 - 800.000 đồng trở lên), loa bluetooth Bombox 100W loại cực đại thương hiệu JBL (giá thị trường khoảng 10 triệu đồng trở lên)...

Theo ông Phương và ông Thắng, mục đích của những cửa hàng trên các sàn thương mại điện tử khi lấy hình ảnh và mô tả của sản phẩm chính hãng bán với giá tượng trưng 1.000 đồng không phải để kinh doanh mà là để thu hút lượng người truy cập vào gian hàng.

Nếu có người tò mò đặt mua, đồng nghĩa là họ sẽ có lượt bán. Sau đó, họ sẽ xây dựng gian hàng này để bán các sản phẩm khác. Nhưng chung quy, đó là hành vi lừa dối người mua và họ có thể gặp rủi ro khi nhận đơn hàng từ gian hàng bán giá "ảo".

Trước sự xuất hiện của gian hàng 1.000 đồng nêu trên, đại diện Shopee Việt Nam cho biết đã tiến hành gỡ bỏ đăng bán và xóa tài khoản người bán ra khỏi sàn.

Để bảo vệ người dùng mua sắm an toàn trên nền tảng, Shopee thường xuyên rà soát và áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với các nhà bán hàng đang kinh doanh trên nền tảng. Ngoài ra, sàn sẽ tiến hành xử lý (khóa tài khoản, ngừng hợp tác) ngay khi phát hiện nhà bán hàng có các dấu hiệu vi phạm.

Bên cạnh đó, Shopee cũng triển khai loạt chính sách, tính năng và chương trình bảo vệ người tiêu dùng như: Shopee Mall, Shop Yêu Thích/ Shop Yêu Thích+, Shopee Đảm Bảo...

"Khi phát hiện các trường hợp vi phạm, người dùng có thể liên hệ với chúng tôi thông qua hệ thống "Tố cáo sản phẩm" hoặc "Tố cáo người dùng" tại mục "Menu" ở góc phải của bất kỳ danh sách sản phẩm. Shopee sẽ tiếp nhận các báo cáo và kiểm tra kỹ lưỡng các dấu hiệu vi phạm" - đại diện Shopee nhấn mạnh.

Tương tự, đại diện Lazada cho hay ngay khi nhận thấy các dấu hiệu vi phạm, sàn sẽ lập tức rà soát và gỡ bỏ những sản phẩm vi phạm theo chính sách bảo đảm giá trên nền tảng trong thời gian sớm nhất.

"Để bảo vệ quyền lợi tối ưu, người dùng và các đối tác cần lưu ý kỹ về nguồn gốc, xuất xứ của nhà bán hàng và sản phẩm; giá cả sản phẩm, xem nhận xét/đánh giá từ những người mua hàng trước; liên hệ trực tiếp với nhà bán hàng để hỏi đáp các vấn đề liên quan, theo dõi tình trạng đơn hàng trên ứng dụng, email và SMS."- đại diện Lazada khuyến nghị

Trong trường hợp phát hiện các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm trên nền tảng hoặc cần được trợ giúp, người dùng có thể liên hệ với Lazada thông qua mục Chat với Lazada hoặc gọi vào số hotline 1900 6509.

DOAN NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN TRỞ LẠI CUỘC CHIẾN THỊ TRƯỜNG

Quý 1/2024 được xem là thời điểm mà các chủ đầu tư, doanh nghiệp môi giới và cả khách hàng đều sẵn sàng cho đường đua mới, đón đầu chu kỳ mới.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản quý 1/2024 của Đất Xanh Servives, trong cuộc đua mới thị trường bất động sản ghi nhận có đối tượng tham gia chính, bao gồm các chủ đầu tư, các doanh nghiệp môi giới và khách hàng. Trong cuộc đua này, nhóm các chủ đầu tư giữ vai trò tiên phong, là đội xuất phát đầu tiên, phất cờ dẫn dắt cuộc chơi, tiếp theo là các doanh nghiệp, cá nhân môi giới và khách hàng là nhóm xuất phát sau cùng…

Cuộc đua ra hàng

Đất Xanh Servives cho biết, cuộc đua ra hàng diễn ra sôi động khi hàng loạt sự kiện khởi động cho các dự án mới được thực hiện liên tục từ tháng 1/2024.

Sự minh bạch về pháp lý và năng lực của chủ đầu tư là mấu chốt để triển khai thành công các dự án trong bối cảnh mới. Trong cuộc đua ra hàng, từ trước Tết đã có nhiều dự án khởi công, sau Tết các dự án này bắt đầu vào giai đoạn hoàn thiện pháp lý và một số đã mở bán. Điều này cho thấy sự khác biệt so với giai đoạn trước, khi pháp lý trở thành điểm mạnh mà hầu hết các nhà đầu tư tận dụng để truyền thông về tính minh bạch và sự an toàn của dự án.

Như vậy, trong giai đoạn "khởi động" này, các nhà đầu tư đang phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng rất nhiều cơ hội. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết định đúng đắn sẽ giúp họ vượt qua những khó khăn này và đạt được thành công trong cuộc đua giữa các chủ đầu tư trên thị trường bất động sản.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang có những chuyển biến tích cực hơn, cuộc đua ra hàng của các chủ đầu tư đang diễn ra sôi nổi. Một loạt các dự án có tiến độ hoàn thiện pháp lý và triển khai xây dựng tốt đã chính thức được giới thiệu ra thị trường, dù chưa phát sinh giao dịch đột biến nhưng đã đem lại kỳ vọng mới cho cả các doanh nghiệp môi giới và khách hàng.

Cùng với việc đưa các dự án này ra thị trường, hầu hết các chủ đầu tư đang hướng đến xây dựng uy tín từ việc thực hiện các cam kết về chất lượng và tiến độ bàn giao sản phẩm, đặc biệt là tiến độ cấp giấy chứng nhận cho khách hàng. Điều này cũng giúp khách hàng an toàn hơn khi tham gia vào thị trường bất động sản, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành này.

Chia sẻ trong một talkshow mới đây, ông Nguyễn Anh Khôi, Viện trưởng viện nghiên cứu Đất Xanh Services kỳ vọng các sản phẩm của chủ đầu tư đáp ứng về mặt pháp lý bởi khách hàng đang rất quan tâm đến vấn đề này và phải chuẩn chỉnh, đủ quy trình thì môi giới mới dám đưa đến cho khách hàng. Đồng thời giá bán phải hợp lý và chủ đầu tư không được “ngáo giá”.

“Nếu chủ đầu tư đưa mức giá sai ngay từ đầu có thể làm cả dự án đó đứng trong vòng vài năm. Nhưng nếu đưa mức giá đúng thì có thể bán rất nhanh chóng”, vị chuyên gia khẳng định.

Cuộc đua về chính sách bán hàng

Cuộc đua về chính sách bán hàng cũng sôi nổi không kém khi các chủ đầu tư duy trì chính sách tốt tại các dự án đã triển khai nhiều giai đoạn. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư vẫn duy trì các chính sách tốt để tranh thủ đẩy hàng tồn kho thông qua các chính sách nhằm giảm bớt áp lực tài chính cho khách hàng: Chiết khấu trực tiếp để giảm giá bán; tặng nội thất, vàng…, kéo giãn tiến độ thanh toán; cho nhận nhà sớm & tiếp tục thanh toán chậm sau nhận nhà; hỗ trợ vay, hỗ trợ lãi suất, cam kết lãi suất cố định thời gian dài, ân hạn nợ gốc…, cam kết thuê lại với giá cao hơn giá thị trường…

Tuy nhiên, đối với rổ hàng mới của các dự án mới, chủ đầu tư đã xây dựng chính sách theo hướng Giảm dần các ưu đãi

Từ đầu năm, với sự thay đổi về chính sách thượng tầng, chi phí đầu vào tại doanh nghiệp để phát triển dự án tăng cao đáng kể. Để bán được hàng, bắt buộc các chủ đầu tư phải đưa ra giá chào bán mới tiệm cận giá vốn, cắt giảm lợi nhuận và giảm dần chính sách ưu đãi "khủng".

"Quý 1/2024, các chủ đầu tư vẫn tung ra nhiều ưu đãi nhưng đã giảm chính sách so với các chính sách đã được áp dụng trong năm 2023. Giá bán các dự án mới được cân nhắc tối đa để dễ dàng tiếp cận với nhu cầu và khả năng chi trả của khách hàng và dần dần tiến về đúng với giá trị thực của dự án", báo cáo của Đất Xanh Servives nhận định.

Cuộc đua săn quỹ đất, M&A

Theo báo cáo của đơn vị này, cuộc đua săn quỹ đất, M&A ngày càng đa dạng.

Cụ thể, đa dạng về địa bàn: xuất hiện nhiều địa phương tiềm năng mới nổi như Vinhomes đầu tư KĐT tại Long An, Cần Giờ, Cam Lâm…; PV Invest "Nam tiến" với dự án tại đảo Đại Phước; Các chủ đầu tư phía Nam đẩy mạnh "Bắc tiến": CapitaLand, Keppel Land, Phú Mỹ Hưng…; Hà Đô nghiên cứu làm KĐT tại Kiên Giang, Hưng Yên, Nam Định…,

Đa dạng về loại hình: Bất động sản công nghiệp đang là thu hút nhiều nhà đầu tư như Vin Group, Hà Đô nghiên cứu làm bất động sản công nghiệp tại Vũng Áng, Ninh Thuận…; Novaland, Ecopark tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại Bình Thuận, Phú Thọ.

Đa dạng về quy mô: xu hướng gom quỹ đất lớn để thực hiện các dự án Khu đô thị tích hợp như Vinhomes đầu tư KĐT hơn 1.000 ha tại Long An; Phát Đạt, An Gia, Đất Xanh, Ecopark, Hoàng Huy, TNG Holdings, Eurowindow... đang tích cực "săn" các quỹ đất lớn quy mô từ 50-150 ha tại nhiều tỉnh thành.

Đa dạng về nhà đầu tư: nhiều "tay chơi" mới gia nhập thị trường như Tập đoàn Central Pattana (Thái Lan) gia nhập thị trường bán lẻ tại Việt Nam; Tập đoàn TH vừa đề xuất tỉnh Lâm Đồng đầu tư dự án Khu du lịch Quốc gia Đankia - Suối Vàng; Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng gây bất ngờ khi tuyên bố lấn sân sang mảng bất động sản với dự án NƠXH tại Cà Mau.

Nguồn: Thanh Niên; Kenh14; Người Lao Động; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang