Dân khóc ròng vì khoai lang rớt giá; XK hạt điều tăng vọt; Cuộc đua tăng lãi suất; Thực hư sốt đất phía Nam

KHOAI LANG RỚT GIÁ THẢM, NÔNG DÂN KHÓC RÒNG

Do năm trước trúng đậm nhờ khoai lang giống Nhật, vụ Đông Xuân 2023-2024 nhiều địa phương Tây Nguyên ồ ạt trồng, diện tích tăng đột biến. Tuy vậy, vụ mùa này giá rẻ như cho, năng suất thấp.

Năm nay, các địa phương khu vực phía Đông Nam có diện tích khoai lang lớn nhất của tỉnh Gia Lai . Trong đó, lớn nhất là huyện Phú Thiện với hơn 3.400 ha, huyện Ia Pa 324ha, thị xã Ayun Pa 32ha. Thay vì tâm lý phấn khởi như mọi năm, người trồng khoai lang vụ này ai cũng nhăn mặt, lo lắng vì mất mùa , mất giá .

Cái nắng chói chang khiến khuôn mặt anh Mã Văn Tới (thôn Thắng Lợi 1, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) đã buồn lại càng thêm khắc khổ . Anh kể năm ngoái, gia đình trồng 5 ha, sau khi trừ chi phí, thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng/ha.

Phấn khởi, năm nay, anh Tới thuê thêm 3 ha nữa để trồng khoai lang với hy vọng đổi đời. Anh Tới nhẩm tính, tiền thuê đất 30-40 triệu đồng/ha cùng tiền đầu tư giống, phân bón, nhân công 80 triệu đồng/ha, nếu mức giá và năng suất như hiện tại 4.000 đồng/kg sẽ không có lãi, thậm chí lỗ nặng.

“Thời tiết năm nay bất lợi, đất bạc màu nên năng suất chỉ đạt tầm 17 tấn/ha, giảm hơn rất nhiều so với năm ngoái. Đã thế, giá khoai lang còn khoảng 4.000 đồng/kg, trong khi giá vụ trước dao động từ 11.000-13.000 đồng/kg. Giờ còn lo cả đầu ra nữa”, anh Tới ngậm ngùi.

Anh Phạm Văn Hoàn - một thương lái ở tỉnh Đắk Lắk - có nhiều năm qua Gia Lai thu mua khoai lang đánh giá, so với những năm trước, củ khoai năm nay bị sùng nhiều nên anh phải nhờ người thu gom chọn lọc kỹ lưỡng. Mỗi ngày, anh Hoàn huy động 3 xe trọng tải 27 tấn/chiếc thu mua khoai lang tại khu vực phía Đông Nam tỉnh. Đối với củ loại 1, anh Hoàn mua với giá khoảng 6.000 đồng/kg, còn củ loại 2 (củ quá to) chỉ được khoảng 4.000 đồng/kg. Anh Hoàn cho rằng hiện thị trường tiêu thụ khoai lang trong cả nước vẫn ổn định, tuy nhiên do diện tích tăng cao, thu hoạch ồ ạt, cung vượt cầu nên giá giảm sâu.

Ông Mai Ngọc Quý - Phó phòng NN&PTNT huyện Phú Thiện - cho biết, 2 năm qua, việc Trung Quốc chấp nhận cho khoai lang của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch đã khiến giá mặt hàng này tăng cao, lợi nhuận cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Đây là nguyên nhân chính khiến người dân trong huyện đổ xô trồng khoai lang trong vụ Đông Xuân 2023-2024. Đầu ra không ổn định, trong khi diện tích tăng nhiều nên thương lái ép giá.

Về năng suất khoai lang giảm, ông Quý giải thích: “Nhiều người dân chưa có kinh nghiệm chăm sóc, không xử lý đất kỹ, không bón vôi, ngâm ruộng diệt côn trùng gây hại nên khoai bị sùng. Đặc biệt có một số hộ thấy giá xuống thấp nên không chú trọng đầu tư chăm sóc nữa”.

UBND huyện Phú Thiện cho biết ước tính tổng sản lượng khoai lang vụ Đông Xuân 2023-2024 khoảng 68.800 tấn. Đến hiện tại, diện tích khoai lang đã thu hoạch 2.064 ha (khoảng 60%), diện tích còn lại dự kiến đến 30/4 sẽ thu hoạch xong.

Theo UBND huyện, thương lái thu mua cầm chừng và có chiều hướng giảm số lượng, gây khó khăn trong việc tìm đầu ra cho khoai lang, trong khi đó diện tích còn lại đang đến kỳ thu hoạch rất lớn. Bởi vậy, UBND huyện đã đề xuất UBND tỉnh quan tâm kêu gọi các doanh nghiệp tiêu thụ cho bà con, kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm khoai lang trên địa bàn tỉnh gắn với việc đưa các giống có chất lượng, sạch bệnh, cho năng suất cao để người dân an tâm sản xuất.

Cũng tình trạng tương tự ở Phú Thiện, năm nay, theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, địa phương đưa ra kế hoạch sản xuất 5.141 ha khoai lang, sản lượng ước 76.578 tấn, tăng 3.167 tấn so với năm 2023. Năng suất khoai của người dân tỉnh Đắk Nông đa phần ở mức cao, tuy nhiên, hiện thương lái cũng chỉ mua với mức giá 7.000 đồng/kg loại 1 và 3.000 đồng/kg loại 2.

Vụ đông xuân năm nay, huyện Lắk (Đắk Lắk) trồng 730 ha khoai lang, tập trung chủ yếu tại các xã Đắk Liêng, Đắk Nuê, Buôn Triết và Ea R’bin. Trong thời gian chờ thị trường Trung Quốc “thông quan”, chính quyền địa phương cũng đã đưa ra một số khuyến cáo, cũng như đề xuất để người dân hạn chế thiệt hại".

NHU CẦU TĂNG, XUẤT KHẨU HẠT ĐIỀU VƯỢT KỲ VỌNG

Tháng 3, Việt Nam xuất khẩu 55.000 tấn hạt điều, trị giá 289 triệu USD, gấp đôi so với tháng trước.

Số liệu trên vừa được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trích dẫn từ Hải quan. Lũy kế quý I, xuất khẩu hạt điều đạt 147.000 tấn, trị giá 782 triệu USD, lần lượt tăng 32% và 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết nhu cầu tiêu thụ hạt điều trên thế giới tăng cao. Đặc biệt, hạt này ngày càng trở thành món ăn bổ dưỡng tốt cho sức khỏe được nhiều người sử dụng hằng ngày.

Việt Nam xuất khẩu chủ yếu hạt điều W320 (điều trắng loại 320 hạt) và W240 (loại 240 hạt), tỷ trọng chiếm 56,71% tổng lượng hạt điều xuất khẩu. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu hạt điều W320 và W240 tác động tích cực lên hoạt động của ngành.

Về thị trường, Mỹ là thị trường nhập khẩu hạt điều của Việt Nam lớn nhất, còn Trung Quốc nổi lên là một người mua tích cực.

Theo Hiệp hội điều Việt Nam, với sự phát triển công nghệ, hạt điều Việt đang bị cạnh tranh với các quốc gia khác, nhất là những quốc gia có thế mạnh về nguyên liệu điều thô như Bờ Biển Ngà. Do đó, ngành điều cần chú trọng chất lượng chế biến và đa dạng sản phẩm chế biến để tăng lợi thế cạnh tranh.

Năm ngoái xuất khẩu điều đạt kỷ lục 3,64 tỷ USD, vượt 18% kế hoạch. Dự báo năm nay, ngành điều còn nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu và có thể cán đích 4 tỷ USD.

CÁC NGÂN HÀNG CHUẨN BỊ BƯỚC VÀO CUỘC ĐUA TĂNG LÃI SUẤT

Xu hướng tăng lãi suất huy động dần trở nên rõ ràng hơn khi có thêm ngân hàng điều chỉnh tăng trong những ngày đầu tháng 4. Đến nay, có 6 ngân hàng tăng lãi suất trở lại, không còn hiện tượng ồ ạt giảm như trước.

Lãi suất huy động rục rịch tăng

Lãi suất huy động tại các ngân hàng đang tăng trở lại sau đúng 1 năm chỉ giảm mà gần như không tăng. Hay ít nhất, cũng không còn hiện tượng hàng loạt ngân hàng ồ ạt giảm lãi suất huy động như những tháng trước đó.

Mới đây nhất, ngày 5/4, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) bất ngờ điều chỉnh tăng lãi suất huy động sau hơn hai tháng không có bất kỳ động thái nào đối với lãi suất.

Theo Biểu lãi suất huy động trực tuyến được MSB công bố, ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1-5 tháng ở mức 3,5%/năm.

Tuy nhiên, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6-11 tháng đồng loạt tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lên mức 4,1%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 12-36 tháng cũng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lên 4,5%/năm. Đây cũng là mức lãi suất huy động cao nhất tại MSB theo cách gửi tiết kiệm trực tuyến thông thường.

MSB là ngân hàng thứ 6 tăng lãi suất chỉ trong vòng nửa tháng qua.

Trước đó chỉ một hôm, (4/4), Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) cũng tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 12-18 với mức tăng 0,2 điểm phần trăm.

Cụ thể, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 12 tháng tăng lên 5%/năm, kỳ hạn 13 tháng tăng lên 5,2%/năm, kỳ hạn 15 tháng tăng lên 5,8%/năm, kỳ hạn 18 tháng áp sát mốc 6% khi đang được niêm yết mức 5,9%/năm.

Đây cũng là lần đầu tiên HDBank điều chỉnh lãi suất sau hơn một tháng “án binh bất động”.

Xu hướng tăng lãi suất đã manh nha từ nửa sau tháng 3, khi chứng kiến 4 ngân hàng thương mại lần lượt tăng lãi suất huy động trở lại. Trong đó, đáng chú ý là "ông lớn" Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng lãi suất với tất cả các kỳ hạn tiền gửi với mức tăng từ 0,1-0,2 điểm phần trăm.

Hiện lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 1 tháng (áp dụng với tiền gửi dưới 10 tỷ đồng) tại VPBank tăng lên 2,4%/năm. Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 2-5 tháng là 2,7%/năm, 6-11 tháng là 4,2%/năm, 12-18 tháng là 4,5%/năm và 24-36 tháng là 4,9%/năm.

Đối với tài khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và tài khoản tiền gửi từ 50 tỷ đồng trở lên, lãi suất lần lượt cộng thêm 0,1 và 0,2 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó là sự điều chỉnh tăng lãi suất của các ngân hàng: Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank), và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank).

SHB điều chỉnh tăng lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng lên 2,8%/năm, sau khi lần lượt tăng thêm 0,2 và 0,1 điểm phần trăm với từng kỳ hạn.

Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại SHB tăng 0,1 điểm phần trăm, lên 4,9%/năm; kỳ hạn 13-15 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm, lên 5%/năm; kỳ hạn 18 tháng tăng 0,1 điểm phần trăm, lên 5,2%/năm.

Tại Eximbank, lãi suất huy động các kỳ hạn 1-3 tháng được điều chỉnh tăng thêm 0,3 điểm phần trăm. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng tăng lên 3,1%/năm, lãi suất kỳ hạn 2 tháng là 3,3%/năm và lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng là 3,4%/năm.

Còn tại Saigonbank, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 18 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm, lên 5,4%/năm; kỳ hạn 24 tháng tăng 0,3 điểm phần trăm, lên 5,7%/năm và lãi suất kỳ hạn 36 tháng tăng thêm 0,4 điểm phần trăm, lên mức 5,8%/năm.

“Lãi suất đặc biệt” giảm dần

Trái ngược với việc tăng lãi suất huy động thông thường, một số ít nhà băng vẫn duy trì chính sách “lãi suất đặc biệt” và đang có dấu hiệu giảm mạnh.

Điển hình như tại MSB, bên cạnh việc tăng lãi suất huy động đối với tiền gửi thông thường, ngân hàng giảm mạnh “lãi suất đặc biệt” từ 8,5% xuống còn 7%/năm từ hôm nay. Mức lãi suất này chỉ áp dụng cho kỳ hạn 12 và 13 tháng với tài khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên.

So với thời điểm cuối năm 2023, lãi suất đặc biệt của MSB đã giảm mạnh 2 điểm phần trăm.

Ngoài MSB, một số ngân hàng khác cũng duy trì “lãi suất đặc biệt” nhưng cũng đang có dấu hiệu giảm dần.

Tại PVCombank, “lãi suất đặc biệt” áp dụng cho kỳ hạn 12 -13 tháng với số tiền gửi từ 2.000 tỷ đồng là 9,5%/năm, giảm 0,5 điểm phần trăm so với mức 10%/năm công bố tháng trước. Thậm chí, giảm tới 1,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2023 và giảm 2,5 điểm phần trăm so với tháng 8 năm ngoái.

Còn tại HDBank, “lãi suất đặc biệt” áp dụng cho tiền gửi tại quầy kỳ hạn 12 và 13 tháng dành cho tài khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng lần lượt là 7,7% và 8,1%/năm. Mức lãi suất này đã giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với tháng 2/2024 nhưng giảm mạnh 0,3 điểm phần trăm so với thời điểm tháng 1/2024.

Trong khi đó, Dong A Bank vẫn duy trì “lãi suất đặc biệt” 7,5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên với số tiền gửi từ 200 tỷ đồng. Mức lãi suất này được duy trì trong nhiều tháng nay.

Tương tự, ACB từ nhiều tháng nay vẫn duy trì “lãi suất đặc biệt” áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng là 5,6% với tài khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên (trong khi lãi suất thông thường kỳ hạn này là 4,4%/năm).

Mới đây, thêm một nhà băng công bố “lãi suất đặc biệt” trong Biểu lãi suất huy động tại quầy là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank). Ngân hàng này đang dẫn đầu với mức lãi suất lên đến 9,65%/năm, áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng, số tiền từ 1.500 tỷ đồng trở lên.

Theo thống kê của VietNamNet, kể từ đầu tháng 4/2024 đã có 6 ngân hàng giảm lãi suất huy động là: Vietcombank, PGBank, SCB, Techcombank, ABBank, Dong A Bank.

Trong khi đó, có 2 ngân hàng tăng lãi suất là HDBank và MSB. Tháng 3, có 4 ngân hàng tăng lãi suất là SHB, Saigonbank, Eximbank và VPBank.

THỰC HƯ CHUYỆN NHỘN NHỊP GIAO DỊCH NHÀ ĐẤT THỊ TRƯỜNG PHÍA NAM

Những căn nhà giá trị hàng chục tỉ đồng vẫn được môi giới bán ra với số lượng hàng chục căn trong vòng vài tháng. Các nền đất giá mềm tại khu ven Tp.HCM rao bán vài ngày đến một tuần là có người vào mua. Thực hư chuyện nhộn nhịp giao dịch nhà đất tại thị trường phía Nam là như thế nào?

Một môi giới lâu năm trong lĩnh vực nhà đất Tp.HCM mới đây chia sẻ, hiện giao dịch nhà đất có cải thiện so với năm 2023 nhưng chưa diễn ra tình trạng nóng sốt. Các giao dịch được thực hiện ở giai đoạn này phần lớn là những căn nhà riêng lẻ giá giảm từ 500 triệu đến 2 tỉ đồng so với đỉnh sốt (2019). Các nền đất phần lớn cũng là hàng “ngộp” đã từng được rao bán trước đó nhưng đến nay mới bán được do lượng người đi tìm mua tăng lên.

Đáng nói, thị trường nhà đất phía Nam đang diễn ra 2 trạng thái đối lập ở giai đoạn này: Một nhóm nhà đầu tư “quay xe” không bán chờ giá lên; nhóm khác lại tranh thủ lúc thị trường có tín hiệu về sức cầu để ra hàng. Nhóm thứ hai thường là nhà đầu tư thực sự khó khăn về tài chính, gồng lãi vay, đã nhiều lần rao bán nhưng không bán được. Đến nay khi thị trường có tín hiệu về sức cầu đã tranh thủ bán bằng giá rao thời điểm trước.

Nam môi giới này cũng cho hay, ở một số khu vực đã xuất hiện tình trạng môi giới “chốt” giao dịch liên tục (bao gồm cả giao dịch riêng và chung). Đây là những môi giới lâu năm với nghề, bám trụ được với thị trường ngay cả giai đoạn khó khăn nhất. Họ có sẵn tệp khách hàng. Khi có nguồn hàng tốt, môi giới thường chào các nhà đầu tư quen. Bản thân môi giới này 2 tháng qua đã có 5 giao dịch đất nền và nhà phố. Con số này tuy chưa bằng giai đoạn thị trường 2020-2021 nhưng là kết quả “vượt trội” so với suốt năm 2023.

Không chỉ đất nền, nhà riêng lẻ mà nhà phố, biệt thự trong một số khu đô thị hay nhà xưởng cho thuê gần đây cũng có giao dịch trở lại. Tại khu đô thị ĐTL (Quận 9, Tp.HCM) hiện có khá nhiều môi giới ngồi trực tại dự án để bán hàng sơ cấp lẫn thứ cấp. Trong đó, có một số môi giới lâu năm “chốt” hàng chục căn trong vòng vài tháng. Mỗi căn trị giá từ 7-15 tỉ đồng/căn. Khảo sát cho thấy, đối tượng khách mua phần lớn là nhà đầu tư phía bắc hoặc những người dân được đền bù đất làm dự án vành đai 3 Tp.HCM và mở rộng các tuyến đường tại khu Đông Tp.HCM. Họ tìm nhà đất thay thế tại khu vực lân cận gần nơi sinh sống. Vì thế, gần đây các môi giới phía Nam có được lượng giao dịch khá tốt từ tệp khách hàng này.

Tuy vậy, theo tìm hiểu, ở một số khu vực hiện nhiều nhóm môi giới “bắt tay” nhau làm thị trường nhằm tạo “sóng” để bán hàng. Các giao dịch được đăng tải liên tục trên trang cá nhân hay ở các group đều là giao dịch ảo. Một số nền đất chưa bán được nhưng cùng lúc một số môi giới đều vào đăng tải “đã bán”.

Thời gian vừa qua, thị trường nhà đất phía Nam đã có tín hiệu về giao dịch song chưa ở mức độ bùng nổ. Nguồn hàng đất nền, nhà riêng lẻ do khan hiếm nguồn cung sơ cấp nên môi giới chủ yếu bán hàng thứ cấp. Nguồn hàng thứ cấp cũng không nhiều, chỉ các nhà đầu tư thực sự ngộp tài chính mới bán ra. Tuy vậy, giao dịch chỉ diễn ra ở các sản phẩm giảm giá. Các sản phẩm bán ngang giá thị trường (so với giá đầu năm 2022) vẫn khó bán.

Nguồn: Soha; Vnexpress; Vietnamnet; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang