EU: Thị trường vốn chung; Đề phòng thảm họa hạt nhân; Chia rẽ vì LNG Nga; Hỗ trợ phòng không cho Ukraine; Buồn của nước Anh

CHÂU ÂU NỖ LỰC HỒI SINH THAM VỌNG XÂY DỰNG THỊ TRƯỜNG VỐN CHUNG

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu EU đang nỗ lực hồi sinh tham vọng xây dựng thị trường vốn chung cho khu vực, nhằm tăng sức cạnh tranh với các nền kinh tế lớn khác.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu EU đang nỗ lực hồi sinh tham vọng xây dựng thị trường vốn chung cho khu vực, nhằm tăng sức cạnh tranh với các nền kinh tế lớn khác như Mỹ và Trung Quốc. Đây cũng là nội dung trọng tâm trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày vừa kết thúc đêm qua theo giờ Việt Nam tại Brussel, Bỉ.

Kế hoạch thị trường vốn chung, được thúc đẩy bởi Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan và có sự hậu thuẫn của các cơ quan như Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu. Pháp là nước thúc đẩy mạnh mẽ nhất cho ý tưởng này, với lập luận rằng chỉ có thị trường vốn chung mới có thể giúp châu Âu huy động hàng trăm đến hàng nghìn tỷ Euro cho quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang là trọng tâm của nền kinh tế châu Âu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định: "Tài chính là một trong các lĩnh vực hiếm hoi đã bị loại khỏi thị trường chung châu Âu hiện nay. Tuy nhiên, thị trường vốn chung là cần thiết để châu Âu có một cơ chế thống nhất về tiết kiệm và đầu tư, qua đó dễ dàng hơn trong việc huy động nguồn tài chính cho các kế hoạch ưu tiên của chúng ta".

Để thống nhất các thị trường đơn lẻ thành một thị trường lớn, liên thông, các nhà lãnh đạo EU đề xuất ba giải pháp. Đó là một cơ chế giám sát thống nhất với quyền lực nằm trong tay cơ quan quản lý tài chính châu Âu Esma, hài hòa luật phá sản và hệ thống thuế để thúc đẩy đầu tư xuyên biên giới trong nội bộ EU cũng như từ bên ngoài vào EU.

Ba đề xuất này của EU, đặc biệt là thuế, đã vấp phải sự phản đối của các nền kinh tế nhỏ hơn, do các nước này vẫn dựa vào việc đánh thuế thấp để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết thêm: "Chúng tôi hiểu được quan ngại của 14 nước thành viên EU. Mô hình phát triển của các nước này phụ thuộc lớn vào sức hấp dẫn của hệ thống tài chính. Chúng tôi sẽ dành thêm thời gian để trao đổi về bộ ba cơ chế giám sát thống nhất, luật phá sản và hệ thống thuế".

Các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng lợi ích của thị trường vốn chung là hết sức rõ ràng, tuy nhiên cần có quyết tâm chính trị để thực hiện mục tiêu này.

Ông Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu đưa ra ý kiến: "Chúng tôi đã làm việc cật lực trong nhiều tháng để đưa ra các đề xuất này và chúng tôi dự định sẽ đạt được thỏa thuận vào cuối tháng 6 tới, để định hướng triển khai trong các năm tiếp theo".

Bằng việc xây dựng thị trường vốn chung, châu Âu hy vọng sẽ đảo ngược dòng chảy vốn từ châu Âu sang Mỹ, huy động thêm 470 tỷ Euro mỗi năm và tận dụng khoản tiền tiết kiệm lên đến 9000 tỷ Euro đang nằm trong ngân hàng của người dân châu Âu.

CHÂU ÂU CHUẨN BỊ CHO KỊCH BẢN THẢM HỌA HẠT NHÂN

Vụ một máy bay không người lái tấn công Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia ở Đông Nam Ukraine hồi đầu tháng 4 đang làm dấy lên mối lo ngại về một thảm họa hạt nhân trong khu vực.

Cho dù Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận vụ tấn công không gây bất kỳ thiệt hại nào, song sẽ rất nguy hiểm nếu các cuộc tấn công dẫn đến mất điện, khiến hệ thống làm mát các lò phản ứng trong nhà máy ngừng hoạt động, gây nguy cơ phát nổ.

Euronews cho hay, hiện có hơn 150 lò phản ứng đang hoạt động trên khắp 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Mỗi quốc gia đều có một cơ quan sẵn sàng ứng phó với sự cố hạt nhân, kể cả những quốc gia không sở hữu lò phản ứng nào.

Theo chuyên gia ứng phó khẩn cấp tại Cơ quan an toàn bức xạ Thụy Điển Jan Johansson, sự phối hợp hành động giữa các bên liên quan đã tăng lên đáng kể sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) năm 2011.

Theo đó, trong trường hợp xảy ra một vụ nổ lò phản ứng hạt nhân, toàn bộ dân cư trong khu vực bán kính 5km xung quanh nơi xảy ra sự cố sẽ được sơ tán lập tức. Nếu phát hiện rò rỉ phóng xạ, khu vực trong bán kính 25km sẽ được báo động và người dân nhận tin nhắn thông báo sự cố. Tất cả phải ở yên trong nhà, hạn chế ra ngoài trời mà không nhất thiết phải vào hầm trú ẩn.

Tại các địa phương có nguy cơ, hằng năm, chính quyền đều phân phát cho các hộ gia đình viên iod nhằm ngăn chặn hấp thụ bức xạ, ngăn ngừa nguy cơ ung thư tuyến giáp trong trường hợp bị nhiễm phóng xạ rò rỉ. Sau khi đã vào nơi trú ẩn, người dân được hướng dẫn bật ti vi, nghe đài hoặc theo dõi qua mạng xã hội các thông báo chính thức từ chính quyền địa phương.

Tất nhiên, những hành động tiếp theo phụ thuộc vào mức độ phóng xạ bị rò rỉ cũng như các yếu tố khí tượng. Chuyên gia Johansson cho hay: “Chúng tôi diễn tập nhiều lần trong năm và tin tưởng rằng EU có một hệ thống ứng phó hiệu quả cũng như các chính quyền biết phải làm gì trong trường hợp xảy ra sự cố rò rỉ phóng xạ”.

EU CHIA RẺ TRONG BÀI TOÁN NHẬP KHẨU LNG NGA

Thụy Điển, Phần Lan và các nước vùng Baltic đang thúc đẩy EU áp đặt lệnh cấm hoàn toàn ngay lập tức đối với LNG của Nga.

Cơ quan quản lý năng lượng của EU đã cảnh báo khối vẫn cần nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga để tránh cú sốc năng lượng, ngay cả khi một nhóm quốc gia thành viên hướng đến việc ngừng nhập nhiên liệu từ Moscow.

Acer, cơ quan giám sát năng lượng của khối, hôm 19/4 cho biết những nỗ lực nhằm hạn chế lượng nhập khẩu LNG từ Nga kỷ lục của châu Âu “cần được tiếp cận thận trọng” vì nguồn cung khí đốt qua đường ống từ nước này sẽ giảm vào cuối năm nay.

“Việc giảm nhập khẩu LNG của Nga nên được xem xét từng bước,” Acer cho biết trong một báo cáo, nhấn mạnh khó khăn của EU trong việc cân bằng an ninh năng lượng với nỗ lực tác động đến tài chính của Nga thông qua việc cắt giảm mua khí đốt.

Dù EU thành công trong việc thay thế khí đốt qua đường ống của Nga bằng LNG kể từ khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine năm 2022, thị trường khí đốt toàn cầu vẫn thắt chặt.

Thị trường năng lượng đã biến động mạnh trong năm nay, trong bối cảnh lo ngại về khả năng leo thang giữa Israel với Hamas và đối đầu với Iran, dù cho đến nay việc tăng giá dầu và khí đốt vẫn tương đối được kiềm chế.

Phần lớn các quốc gia EU đã giảm bớt sự chuyển hướng khỏi khí đốt qua đường ống của Nga bằng cách tăng cường mua LNG từ Moscow cũng như các nhà cung cấp khác.

Nga hiện là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai cho khối sau Mỹ, chiếm 16% tổng lượng nhập khẩu vào năm ngoái. Theo nhà cung cấp dữ liệu Kpler, 15,5 triệu tấn LNG của Nga được các quốc gia EU mua vào năm ngoái cao hơn gần 40% so với tổng lượng vào năm 2021.

Các nhà ngoại giao EU cho biết các quốc gia bao gồm Thụy Điển, Phần Lan và các nước vùng Baltic đang thúc đẩy EU áp đặt lệnh cấm hoàn toàn ngay lập tức đối với LNG của Nga, một bước đi đòi hỏi sự nhất trí của các tất cả các quốc gia thành viên.

Mặt khác, Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ nhập khẩu nhiên liệu này, và một phần được bán cho Đức và các nước láng giềng Trung Âu, những nước lo ngại về việc giảm chi phí năng lượng cho ngành công nghiệp.

Cơ quan giám sát EU cũng bày tỏ lo ngại về việc các quốc gia thành viên riêng lẻ sử dụng quyền lực mới “để tạm thời hạn chế nguồn cung khí đốt, bao gồm LNG, từ Nga và Belarus”, lưu ý rằng những động thái như vậy có thể ảnh hưởng đến các hợp đồng cung cấp dài hạn đã thỏa thuận với Moscow trước xung đột Nga-Ukraine.

Việc phá vỡ các hợp đồng như vậy có thể buộc các công ty châu Âu phải trả những khoản phạt nặng.

Cơ quan quản lý nhấn mạnh rằng việc chấm dứt vận chuyển qua đường ống từ Nga qua Ukraine tới EU trong năm nay sẽ làm giảm nguồn cung cấp khí đốt của khối này khoảng 13,6 tỷ mét khối, tương đương khoảng 4% tổng lượng tiêu thụ của năm ngoái.

Nhìn chung, nhập khẩu khí đốt của châu Âu từ Nga đã giảm khoảng 2/3 so với mức trước cuộc xung đột, ngay cả khi nguồn cung đã chuyển từ đường ống sang LNG.

Các quan chức EU đã kêu gọi các công ty châu Âu tránh mua LNG của Nga khi dự trữ khí đốt đang đạt kỷ lục và giá đã giảm so với mức đỉnh sau cuộc xung đột.

EU đã cấm nhập khẩu dầu và than của Nga, đồng thời đề xuất chấm dứt tất cả việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2027.

Trong một dấu hiệu khác cho thấy căng thẳng tiềm tàng trong nội bộ EU về an ninh năng lượng, Áo, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia đã cảnh báo rằng việc Đức đánh thuế vận chuyển khí đốt từ nước này có thể buộc họ phải tăng nhập khẩu từ Nga.

Ủy ban châu Âu cho biết “các biện pháp đơn phương dưới hình thức hạn chế xuất khẩu hoặc đánh thuế tại các điểm xuất cảnh xuyên biên giới sẽ gây nguy hiểm cho tinh thần đoàn kết năng lượng của toàn khối”.

CHÂU ÂU TÁI KHẲNG ĐỊNH ƯU TIÊN HỖ TRỢ PHÒNG THỦ CHO UKRAINE

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu hôm qua (18/4) đã ra tuyên bố tái khẳng định ưu tiên hỗ trợ quân sự, cải thiện năng lực phòng không cho Ukraine và thúc đẩy việc thành lập liên minh thị trường vốn chung châu Âu.

Trong thông cáo đưa ra sau Hội nghị, lãnh đạo 27 nước thành viên EU tiếp tục nhấn mạnh sự ủng hộ tuyệt đối về quân sự dành cho Ukraine. EU sẽ thúc đẩy hợp tác nội khối và với Ukraine trong các lĩnh vực phòng thủ mạng, an ninh biên giới cũng như cung cấp đạn dược, vũ khí phòng thủ và nhất là tăng cường liên minh phòng không do Pháp và Đức dẫn đầu.

Phát biểu tại phiên họp báo, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo phương Tây sẽ cung cấp thêm cho Ukraine 7 tổ hợp phòng không Patriot.

“Chúng tôi dự kiến sẽ chuyển thêm cho Ukraine 7 tổ hợp phòng không Patriot. Một trong số này sẽ là do Đức cung cấp và số còn lại sẽ đến từ các nước thành viên NATO khác”.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng cho biết ngoài tổ hợp phòng không Patriot, Đức cũng sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không IRIS-T et Skynex cùng đạn dược tương thích đi kèm.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố EU sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối Nga, ủng hộ đề xuất sử dụng các nguồn thu từ tài sản bị phong toả của Nga để chuyển cho Ukraine. Ngoài ra, EU sẽ thiết lập một cơ chế trừng phạt mới đối với những thực thể có ý đồ thao túng thông tin và tạo ra các hình thức gây bất ổn hoặc can thiệp chính trị tại châu Âu trong bối cảnh cuộc bầu cử châu Âu chuẩn bị diễn ra trong 2 tháng nữa.

Các nhà lãnh đạo châu Âu thống nhất cần thúc đẩy một “Hiệp ước cạnh tranh mới” để thu hẹp khoảng cách về kinh tế trước các đối thủ lớn là Mỹ và Trung Quốc. Số liệu thống kê cho thấy, hàng năm có khoảng 300 tỷ euro tiền đầu tư châu Âu chảy ra nước ngoài và phần nhiều là hướng đến Mỹ.

Theo đó, EU sẽ hướng tới thành lập một liên minh thị trường vốn hay một thị trường tài chính chung với mục tiêu giữ chân các nhà đầu tư tại châu Âu cũng như huy động được một phần trong tổng số ước tính lên đến 33 nghìn tỷ euro tiền tiết kiệm của người dân châu Âu để chuyển đổi thành các khoản đầu tư cần thiết cho các doanh nghiệp phục vụ các mục tiêu chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

Tuy nhiên, một số thành viên nhỏ như Ireland và Luxembourg bày tỏ lo ngại rằng liên minh thị trường vốn chung sẽ tập trung quyền lực điều tiết vào các nước lớn như Đức và Pháp.

Ngoài ra, Hội nghị thượng đỉnh cũng bộc lộ bất đồng trong nội bộ EU xung quanh biện pháp vay nợ chung từng được áp dụng để phục hồi kinh tế hậu Covid-19 để thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng chung châu Âu và hỗ trợ Ukraine giữa bên ủng hộ gồm các thành viên Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ với bên phản đối do Đức đứng đầu cùng Hà Lan và các nước Bắc Âu.

Liên quan đến tình hình Trung Đông, các nước EU nhất trí mở rộng các biện pháp trừng phạt Iran với mục tiêu ngăn chặn việc sản xuất và chuyển giao tên lửa và máy bay không người lái của Iran cho Nga và các lực lượng uỷ nhiệm tại Trung Đông. EU cũng kêu gọi một lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas, tái khẳng định cam kết ủng hộ một nền hòa bình lâu dài và bền vững dựa trên giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại.

KỶ LỤC BUỒN CỦA NƯỚC ANH: TỤT HẬU HƠN 4 LẦN SO VỚI TRUNG QUỐC VỀ TỶ LỆ DÙNG ROBOT

Tỷ lệ ứng dụng robot trong sản xuất của Anh hiện thấp hơn gấp 10 lần so với Hàn Quốc, kém 4 lần so với Trung Quốc, Nhật Bản.

Tờ The Economist cho hay phần lớn người dân các nước thường không hối hận về những gì họ bỏ phiếu sau các cuộc thăm dò. Những minh chứng từ các cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến người dân ở Canada, Scotland cho tới Na Uy, Thụy ĐIển đều cho thấy cử tri sẽ kiên trì với quyết định của mình nếu không muốn nói là thuyết phục thêm được người khác nghe theo.

Tuy nhiên việc Anh rời bỏ Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi Brexit có lẽ là một ngoại lệ.

Vào tháng 6/2026, cử tri Anh đã đồng ý Brexit với tỷ lệ 52% ủng hộ trên 48% phản đối. Thế nhưng chỉ 2 năm sau, ngày càng nhiều người dân xứ sở sương mù hối hận về quyết định này.

Từ kẻ dẫn đầu thành ‘đồ cổ’

Năm 1760, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bùng nổ ở Anh với sự ra đời của cơ giới hóa sản xuất. Đặc biệt việc động cơ hơi nước ra đời năm 1784 đã biến nước Anh trở thành quê hương của một trong những sự kiện vĩ đại nhất nền kinh tế thế giới thế kỷ 18.

Từng dẫn đầu thế giới về công nghiệp và kỹ thuật là vậy, nhưng hiện nay tốc độ tăng trưởng năng suất của Anh lại đang yếu nhất 15 năm qua.

Tờ Economist cho hay kể từ khi Brexit bùng nổ, nền kinh tế Anh không chỉ gặp khủng hoảng về nhân lực mà ngay cả vấn đề công nghệ cũng đang đối mặt nhiều thách thức. Nền kinh tế này đứng cuối bảng trong nhóm G7 về tỷ lệ ứng dụng robot trong nền kinh tế.

Số liệu của Liên đoàn Robot quốc tế (IFR) cho thấy tỷ lệ triển khai robot tại Anh chỉ vào khoảng 98 con cho mỗi 10.000 lao động trong ngành sản xuất. Con số này thấp hơn 10 lần so với Hàn Quốc, kém 4 lần so với Đức, Nhật Bản và Trung Quốc.

Bạn không nghe nhầm đâu, tỷ lệ ứng dụng robot trong ngành sản xuất của Anh hiện nay thậm chí còn chẳng bằng Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới mới vươn lên trong những thập niên gần đây.

Một nghiên cứu của Trường kinh doanh Copenhagen (CBS) cho thấy nếu Anh đạt mức độ tự động hóa như Nhật Bản thì năng suất toàn nền kinh tế sẽ tăng hơn 1/5.

Tất nhiên một số người sẽ lập luận rằng Anh đang hướng đến nền kinh tế dịch vụ nên sự phụ thuộc vào công nghệ và robot trong mảng sản xuất sẽ thấp hơn. Ngành sản xuất hiện chỉ chiếm 8% nền kinh tế Anh, thấp hơn nhiều so với 27% năm 1970. Trái lại tại Hàn Quốc và Nhật Bản, ngành sản xuất chiếm tương ứng 26% và 19% GDP.

Tuy nhiên nếu so sánh cả với các nền kinh tế định hướng dịch vụ tương đương khác, nước Anh vẫn tụt hậu khá xa trong mảng công nghệ và áp dụng robot cho sản xuất. Tại Mỹ, tỷ lệ áp dụng robot cho sản xuất lên đến 285 con trên mỗi 10.000 lao động, còn tại Pháp là 180.

Đồng quan điểm, hãng tư vấn London Economics ước tính rằng đến năm 2035, robot sẽ chỉ thực hiện được 1% nhiệm vụ trong mảng xây dựng và nông nghiệp tại Anh dù có tới tương ứng 38% và 30% chức năng trong 2 ngành này phù hợp dùng máy móc.

Vậy vì sao từ một cường quốc dẫn đầu công nghệ và công nghiệp, Anh lại tụt hậu nhanh như vậy trong những năm gần đây?

Cái giá của sự bảo thủ

Nhiều chuyên gia nhận định Brexit chỉ là giọt nước làm tràn ly chứ không phải nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.

Tờ Economist cho rằng sự bất ổn địa chính trị, đặc biệt là từ sau Brexit đã khiến chính sách của Anh biến động liên tục, gây ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư cũng như các chế độ trợ cấp của chính phủ cho công nghệ.

Trong 40 năm qua, chế độ hỗ trợ vốn của Anh đã trải qua 24 lần thay đổi dù bất cứ Đảng chính trị nào lên cũng cam kết sẽ giữ vững chính sách, nhưng cuối cùng chúng cũng bị người lãnh đạo kế nhiệm thay đổi.

Bên cạnh đó, sự phụ thuộc của nền kinh tế Anh vào dòng lao động nhập cư nước ngoài giá rẻ cũng làm giảm động lực đầu tư vào robot. Tại sao ngành xây dựng, nông nghiệp hay sản xuất lại phải cố gắng phát triển công nghệ, tự động hóa khi có nguồn lao động giá rẻ dồi dào từ nước ngoài?

Thế rồi khi Brexit bùng nổ và dân số lão hóa nhanh chóng, người Anh bất chợt nhận ra họ cần lao động giá rẻ như thế nào khi đã thụt lùi quá sâu trong mảng robot và tự động hóa sản xuất.

Số liệu của ECITB cho thấy 1/5 số kỹ sư Anh sẽ nghỉ hưu vào năm 2026, tạo nên khoảng trống nhân lực lẫn công nghệ cực kỳ lớn cho nền kinh tế.

Dù xứ sở sương mù đã bắt đầu tăng cường đầu tư cho công nghệ và tự động hóa nhưng trở ngại vẫn còn rất lớn.

Đầu tiên, Anh thiếu công nhân có trình độ để lắp đặt, vận hành những thiết bị máy móc hiện đại. Trong khi một nửa số sinh viên tốt nghiệp ở Đức từng tham gia đào tạo nghề và thậm chí là khoảng 1/3 chọn học nghề để lao động thì tỷ lệ này chỉ là 7% ở Anh.

Tiếp đó, nền kinh tế Anh có quá nhiều doanh nghiệp nhỏ lâu đời bị quản lý kém, bảo thủ và không hứng thú với máy móc công nghệ hiện đại. Những chi phí cố định cao của các thiết bị khiến nhiều chủ doanh nghiệp Anh coi đây là thứ xa xỉ tốn tiền.

Xét trên quy mô doanh nghiệp có dưới 10 lao động, những công ty dạng này ở Anh tuyển dụng đến 1/3 tổng lao động toàn quốc, trong khi tỷ lệ này chỉ là 1/5 ở Đức và 1/10 ở Mỹ.

Trên thực tế chính quyền London đã từng cố gắng đầu tư hỗ trợ phát triển công nghệ, nhưng sự bảo thủ của các doanh nghiệp là quá lớn.

Một cuộc thăm dò năm 2023 của hãng tài chính Charles & Dean cho thấy chưa đến 50% doanh nghiệp Anh tham gia chương trình miễn giảm thuế khi đầu tư vào máy móc mới (Super Deduction), khiến dự án này bị hủy bỏ vì thiếu hiệu quả.

Thậm chí ngay cả khi đã được giảm thuế thì 1/5 doanh nghiệp vẫn than phiền rằng họ không đủ nguồn lực để đầu tư phát triển công nghệ, robot và tự động hóa.

Ví dụ một trang trại bò sữa ở Anh trung bình kiếm được khoảng 50.000 Bảng lợi nhuận nhưng với một đàn bò 200 con thì một robot vắt sữa tự động có giá lên đến 400.000 Bảng. Vậy là dù có lợi ích về lâu dài, nhưng người dân Anh thì vẫn chẳng muốn tốn tiền cho những thứ xa xỉ như robot hay tự động hóa.

Nguồn: VTV; Quân Đội Nhân Dân; Kinh tế & Đô thị; VOV; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang