'Chốt' gói tín dụng 120.000 tỷ; Metro Nhổn – ga HN lại trễ hẹn; Chống ngập tiết kiệm; 35 năm sự kiện Gạc Ma

Chính phủ ‘chốt’ gói tín dụng 120 nghìn tỷ cho nhà ở xã hội

(Ảnh minh họa).

Để hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ "chốt" phương án đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất ưu đãi.

'Chốt" gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Đáng chú ý, tại Nghị quyết đưa ra nhiều giải pháp để phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới. Theo đó, trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ sẽ xây dựng, trình đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội" để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể nhằm tạo động lực phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Trong đó đặc biệt quan tâm đến những nội dung vướng mắc lớn trong thời gian qua, như: Về giao đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội; Về quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; Về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; Về quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư; Về xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; Về đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội...

Đồng thời, Chính phủ sẽ khẩn trương hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể trong phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu, khả năng của người có thu nhập thấp có nhu cầu cao về nhà ở có thể tiếp cận.

Cùng với đó, xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của các địa phương.

Đặc biệt, để hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030) để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường trong từng thời kỳ và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể.

Giãn nợ gốc và lãi vay cho doanh nghiệp bất động sản khó khăn

Về nguồn vốn tín dụng, Chính phủ yêu cầu điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.

Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (như giãn nợ gốc , lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…); tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn;

Ưu tiên các dự án bất động sản nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp, du lịch…

Ngoài ra, có biện pháp phù hợp, hiệu quả giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản...

(Nguồn: CafeF)

Metro Nhổn - ga Hà Nội lùi thời gian chạy đoạn trên cao

Hà Nội đề xuất vận hành đoạn trên cao metro Nhổn - ga Hà Nội vào tháng 8/2023 thay vì cuối năm 2022 như cam kết trước đó.

UBND TP Hà Nội vừa báo cáo Thủ tướng việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (metro Nhổn - ga Hà Nội).

Thành phố dự kiến hoàn thành gói thầu tại khu depot Nhổn vào tháng 5/2023; nghiệm thu bàn giao, chứng nhận an toàn hệ thống vào tháng 8/2023. 57 kịch bản vận hành, bảo trì thực hiện trong 8 tuần theo lịch chạy tàu 3 ca/ngày, 7 ngày/tuần, bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 6.

Lý giải việc chậm tiến độ khai thác đoạn trên cao, UBND TP Hà Nội cho biết năng lực của nhà thầu thực hiện gói thầu công trình depot Nhổn hạn chế; năng lực triển khai dự án của chủ đầu tư, tư vấn và sự phối hợp của các sở ngành chưa tốt. Ngoài ra, UBND thành phố chưa quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và có vướng mắc liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị.

Ngoài tiến độ đoạn trên cao, UBND TP Hà Nội cũng đề nghị điều chỉnh mốc khai thác vận hành toàn tuyến vào năm 2027, chưa tính 24 tháng bảo hành. Việc kéo dài thời gian thực hiện dự án kéo theo tăng chi phí thực hiện. Thành phố đề xuất điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư tăng thêm khoảng 1.900 tỷ đồng (lên hơn 34.820 tỷ đồng).

Trước đó năm 2014, dự án metro Nhổn - ga Hà Nội được điều chỉnh tổng mức đầu tư từ hơn 18.000 tỷ đồng lên gần 33.000 tỷ đồng (tăng khoảng 50%).

Hiện nay, tổng thể dự án đạt khoảng 75,6%, trong đó tiến độ đoạn trên cao 97,6%, đoạn ngầm 33%. Tuy nhiên, dự án tiếp tục gặp khó khăn về thi công, thanh toán khối lượng đã hoàn thành cho các nhà thầu do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư trước ngày 31/12/2022 như kế hoạch. 3/9 nhà thầu đã có văn bản tạm dừng thi công từ đầu tháng 2/2023.

Thành phố cho rằng việc nhà thầu tạm dừng thi công nếu không sớm được giải quyết có thể khiến tiến độ toàn dự án không đảm bảo, bao gồm chạy thử tháng 6/2023, vận hành thương mại tháng 8/2023, chạy toàn tuyến năm 2027.

Nhà thầu phần ngầm cũng dừng thi công hơn một năm, từ tháng 7/2021 đến cuối năm 2022. UBND thành phố và Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) không thông tin về chi phí bồi thường cho nhà thầu do chậm bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận của HĐND thành phố tại kỳ họp cuối năm 2022, Phó chủ tịch thành phố Dương Đức Tuấn cho biết số tiền bị phạt do chậm bàn giao mặt bằng khoảng 6.000 tỷ đồng.

Cũng trong văn bản báo cáo Thủ tướng, UBND TP Hà Nội phản hồi ý kiến của các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính đề nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các bên dẫn tới chậm tiến độ, tăng chi phí dự án. Thành phố nêu lại các nguyên nhân khách quan, chủ quan và cho biết "đã chỉ đạo các bên liên quan kiểm điểm sâu sắc và khắc phục những tồn đọng, vướng mắc".

Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4 km. Depot đặt tại Nhổn có diện tích 15 ha. Dự án được khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015 nhưng sau bốn lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới của dự án dự kiến là 2027.

(Nguồn: Vnexpress)

Chống ngập tiết kiệm

(Ảnh minh họa).

Để chống ngập, trong khoảng 20 năm qua, ngân sách TPHCM đã chi hàng trăm ngàn tỉ đồng nhưng đến nay, kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.

Không chỉ ở TPHCM hay Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, việc chống ngập trong bối cảnh biến đổi khí hậu luôn tiêu tốn rất nhiều tiền. Chỉ riêng dự án chống ngập do triều ở TPHCM đã có kinh phí dự toán 10.000 tỉ đồng.

Chống ngập thế nào để vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm kinh phí ngân sách là vấn đề cần được đặt ra. Nhất là trong bối cảnh, nền kinh tế của đất nước nói chung, TPHCM nói riêng đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và sự bất ổn về kinh tế, chính trị trên thế giới.

Ngay trước mùa mưa năm nay, Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung - chủ sở hữu máy bơm khổng lồ chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh - ra văn bản đề nghị Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM thanh toán hơn 10,5 tỉ đồng tiền dịch vụ chống ngập quý II, III, IV/2022. Việc này gây bất ngờ bởi từ ngày 31/3/2022, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TPHCM) đã có văn bản “tạm ngưng đặt hàng dịch vụ chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh áp dụng công nghệ chống ngập kiểu mới”.

Thuê máy bơm công suất lớn là một trong những giải pháp mà chính quyền TPHCM áp dụng để chống ngập trong những năm qua dù đã có nhiều ý kiến tranh cãi về giải pháp này. Cho đến nay, khi đường Nguyễn Hữu Cảnh đã được nâng cấp và có hệ thống thoát nước bài bản, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể đưa ra kết luận chính thức là có tiếp tục thuê máy bơm chống ngập cho con đường này hay không.

Nếu không giải quyết dứt điểm vấn đề này, ngân sách TPHCM vẫn tiêu tốn cho việc thuê máy bơm “khủng” dù nước đã không về trạm bơm mà theo đường cống mới ra kênh Nhiêu Lộc.

Gần đây, có ý kiến cho rằng, TPHCM cần tái thành lập một đơn vị tương đương cấp sở để chuyên trách việc chống ngập. Theo chúng tôi, việc này là không cần thiết bởi từng có thời gian dài, TPHCM duy trì mô hình trung tâm chống ngập nhưng trung tâm lại thiếu các chuyên gia về thoát nước đô thị. Cho đến nay, trung tâm chống ngập đã không còn.

Hiện nay, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật đảm nhận vai trò này. Trung tâm này nhất thiết phải xây dựng đội ngũ chuyên gia bởi việc chống ngập cần đội ngũ chuyên gia giỏi hơn là một cơ quan chỉ lo hành chính.

TPHCM đã có chính sách về thu phí thoát nước và xử lý nước thải áp dụng trên tỉ lệ sử dụng nước. Nhật Bản và một số nước châu Âu cũng áp dụng chính sách tương tự. Tuy nhiên, TPHCM nên để Công ty Thoát nước đô thị trực tiếp thu phí thay vì giao đơn vị cấp nước thu hộ như hiện nay. Đơn vị chuyên trách về thoát nước sẽ thu và sử dụng nguồn thu này vào việc vận hành, bảo trì hệ thống thoát nước. Nhà nước chỉ cần ban hành cơ chế để giám sát việc quản lý và sử dụng nguồn thu này một cách hiệu quả, đúng mục đích.

Các đơn vị tư nhân cũng có thể tham gia vào việc xây dựng và quản lý, vận hành nhà máy xử lý nước thải, và nên được đưa vào hệ thống quản lý và tuân thủ quy định về phí thoát nước chung. Theo đó, công ty tư nhân có thể thu phí thoát nước của khách hàng và trả phí nước thải cho Công ty Thoát nước đô thị TPHCM khi xả vào cống chung của thành phố.

Các khoản phí thu được nói trên sẽ được dùng vào việc tái đầu tư, mở rộng hệ thống cống và xây dựng nhà máy xử lý nước thải mới. Làm được điều này, sẽ giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.

Phân cấp trong vận hành, bảo trì hệ thống thoát nước cũng là một yếu tố giúp giảm chi phí chống ngập. Có thể giao Công ty Thoát nước đô thị TPHCM chịu trách nhiệm chung và quản lý, vận hành hệ thống cống lớn; giao các phòng, ban chuyên môn cấp quận chịu trách nhiệm bảo hành, bảo trì các hệ thống cống nhỏ (cấp 3, cấp 4). Các đơn vị này sẽ vừa là chủ đầu tư, vừa là đơn vị giám sát, quản lý hệ thống thoát nước.

Cuối cùng, các đơn vị chức năng của TPHCM nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia về các công nghệ chống ngập kiểu mới để việc chống ngập vừa tiết kiệm, vừa đạt hiệu quả tối ưu.

(Nguồn: Phụ Nữ Online)

35 năm sự kiện Gạc Ma: Tưởng nhớ những người nằm lại phía chân trời

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma đã đón hơn nửa triệu lượt khách đến thăm viếng.

Ngày 14/3 tròn 35 năm sự kiện Gạc Ma, 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc tại quần đảo Trường Sa.

Thời gian thấm thoắt trôi nhưng trận chiến Gạc Ma không bao giờ quên trong tâm khảm người Việt Nam. Ngày nay, truyền thống anh dũng, kiên cường tiếp tục được vun đắp, các thế hệ hôm nay và mai sau sẵn sàng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất, bãi biển của Tổ quốc.

Càng gần ngày 14/3, Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đón thêm nhiều đoàn từ khắp cả nước về thắp hương, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống 35 năm trước.

Bà Đỗ Thị Hà (phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) là người thường xuyên đến Khu tưởng niệm này. Bà là vợ của liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, hy sinh trong trận chiến 35 năm trước.

Chồng mất sớm, khi con gái mới 2 tuổi, bà Hà quyết định ở vậy, làm thuê, phụ hồ để nuôi con. Bây giờ, con gái đã lớn, chuyển vào TP.HCM sinh sống, mình bà sống trong căn nhà tình nghĩa. Bà Hà không thể quên, trước ngày lên đường ra đảo, vợ chồng cùng nhau đi chợ mua đồ cho con gái mới 14 tháng tuổi. Sau đó, anh Doanh lên tàu và ra đi mãi mãi. Cứ đến dịp 14/3, bà Đỗ Thị Hà lại ra Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma để thăm nom, thắp hương tưởng nhớ chồng và đồng đội.

“Mỗi lần gần giỗ chồng, tôi đến nơi đây thắp hương, tưởng nhớ anh ấy, cho linh hồn của anh ấy ấm áp, cho tôi vơi bớt nỗi trong lòng. Nơi đây rất ấm áp, thân nhân, khách du lịch tới đây thắp hương, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh tại đảo Gạc Ma", bà Đỗ Thị Hà chia sẻ.

Cũng tại phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh có gia đình chị Trần Thị Thủy, con gái của Anh hùng lực lượng vũ trang - liệt sĩ Trần Văn Phương. Hiện nay, chị Thủy là quân nhân chuyên nghiệp công tác tại Lữ đoàn 146 - Đoàn Trường Sa. Đây từng là nơi công tác của Thiếu úy Trần Văn Phương trước lúc hy sinh.

Chị Trần Thị Thủy cho biết, mộ bố chị ở quê nhà tỉnh Quảng Bình, vì đường sá xa xôi, công tác bận rộn nên không thường xuyên về viếng mộ. Vì thế, đến dịp 14/3, chị Thủy lại đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để thắp nhang và coi đó như phần mộ chung của bố mình và đồng đội.

Lật giở từng lá thư, cuốn sổ của bố mình để lại, chị Thủy không khỏi xúc động. Chị kể: “Hài cốt của bố chị được chuyển từ Trường Sa về an táng tại quê nhà khi chị còn nhỏ. Đến khi đi học, chị bắt đầu tìm hiểu về bố của mình và luôn tự hào, thôi thúc phải đi theo để nối nghiệp bố.

"Bây giờ kỷ vật của bố không còn nhiều, thỉnh thoảng mang ra cho các con xem, để các cháu tự hào về ông, lớn lên noi gương ông, phát huy theo truyền thống tốt đẹp của ông", chị Trần Thị Thủy cho biết.

Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động đồng bào trong và ngoài nước đóng góp xây dựng, khởi công từ tháng 3/2015, giai đoạn 1 được hoàn thành, đi vào hoạt động từ tháng 7/2017. Khu tưởng niệm rộng hơn 2,5 ha nằm trên đồi cao nhìn ra Biển Đông với 4 cụm công trình chính là cụm tượng đài, khu mộ gió, khu quảng trường và bảo tàng Gạc Ma…

Giữa Khu tưởng niệm, nổi bật là hình ảnh cụm tượng đài “Vòng tròn bất tử”, tái hiện hình ảnh ngày 14/3/1988, các chiến sĩ với cuốc xẻng trên tay đã anh dũng chống trả quyết liệt, đánh bật đối phương ra nhiều lần để bảo vệ đảo Gạc Ma. Địch sau đó dùng hỏa lực mạnh tấn công các chiến sĩ tay không làm 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.

Ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam cho biết, mỗi lần đi công tác tại quần đảo Trường Sa, thả những vòng hoa tưởng niệm sự kiện Gạc Ma, ông cứ đau đáu, thân xác các anh hùng liệt sĩ phải nằm lại biển cả, gia đình người thân vẫn mong muốn đưa con em về lại đất mẹ. Hình ảnh đó cứ day dứt để rồi ông đề xuất với Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ý tưởng xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma.

“100% thành viên Ban Chấp hành Công đoàn Việt Nam đều tán thành ủng hộ chủ trương đó, tổ chức cuộc vận động nhân dân cả nước đóng góp xây dựng Khu tưởng niệm Gạc Ma. Riêng cá nhân tôi, dịp vào Khánh Hòa và đặc biệt vào dịp 14/3 đều ra Khánh Hòa tổ chức lễ viếng các chiến sỹ. Mỗi lần ghé thăm cảm xúc đều bồi hồi, xúc động", ông Đặng Ngọc Tùng nhớ lại.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma đã đón hơn nửa triệu lượt khách đến thăm viếng. Ngoài đồng đội, thân nhân các liệt sĩ còn có đông đảo sinh viên, học sinh, người lao động, Việt kiều… Đông nhất là vào những ngày lễ lớn và dịp 14/3.

Từ đầu tháng 3 đến nay, mỗi ngày, Khu tưởng niệm này đón trên 10 đoàn khách là các đơn vị, trường học đến dâng hương. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị xây dựng Bảo tàng Trường Sa nằm bên cạnh Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma.

Ông Võ Duy Trúc, Trưởng Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa cho biết, tại đây sẽ hình thành một cụm công trình văn hóa đậm chất biển đảo, ghi nhớ công ơn những thế hệ người Việt đã anh dũng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

“Những đoàn khách, đoàn thanh niên, trường học, các thế hệ trẻ, các đoàn cá nhân khi biết địa điểm này họ đến viếng rất đông, việc dâng hương tưởng niệm được tổ chức rất trang trọng. Nơi đây thực sự trở thành địa chỉ đỏ cho các thế hệ người Việt Nam, thông qua việc tưởng niệm, các bài học lịch sử tại Khu tưởng niệm, hun đúc tinh thần, ý chí bảo vệ về chủ quyền biển, đảo của đất nước", ông Võ Duy Trúc cho biết./.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang