Nghị quyết 33 tháo gỡ vấn đề BĐS; Quy hoạch tuần qua; 5 dự án khởi công quý 2; Tìm mọi cách cấp nước sạch cho dân

Chính phủ ban hành Nghị quyết 33 tháo gỡ hàng loạt vấn đề “nóng” cho thị trường bất động sản

(Ảnh minh họa).

Ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Thứ nhất, tiến hành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường bất động sản, trong đó: Tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự, thủ tục cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án bất động sản, nhất là liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, đấu giá…

Đồng thời, tập trung cao độ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai để sớm hoàn thành, tạo nguồn cung cho thị trường.

Bên cạnh đó, tiến hành tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư… khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường.

Thứ hai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, tăng nguồn cung, đồng thời điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản hợp lý hơn, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân trong đó: Đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư và kịp thời giải quyết các thủ tục về đất đai, xây dựng của các dự án bất động sản để tăng nguồn cung cho thị trường.

Nghị quyết cũng nêu rõ, thúc đẩy thị trường bất động sản thông qua chính sách hỗ trợ nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án khả thi, hiệu quả; Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành ít nhất khoảng 01 triệu căn nhà ở xã hội.

Thứ ba, thường xuyên theo dõi, giám sát có hiệu quả tình hình thị trường để kịp thời có biện pháp, giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn tình trạng thị trường "phát triển nóng" hoặc "đóng băng", tình trạng tung tin đồn thổi, đầu cơ thổi giá bất động sản lên cao để trục lợi, mất cân đối cung - cầu và đảm bảo vận hành lành mạnh theo cơ chế thị trường.

Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ đưa ra 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Một là hoàn thiện thể chế. Hai là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Ba là nguồn vốn tín dụng. Bốn là nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp. Năm là tổ chức thực hiện của các địa phương như nâng cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Sáu là thông tin, truyền thông khôi phục niềm tin, hỗ trợ trị trường và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cơ quan trung ương, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tiếp tục khẩn trương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; các Công điện (số 1156/CĐ-TTg; số 1163/CĐ-TTg; số 1164/CĐ-TTg;…) và Thông báo Kết luận số 242/TB-VPCP ngày 10/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.

(Nguồn: CafeF)

Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (6/3 - 12/3): Hà Nội duyệt đầu tư 2 dự án hạ tầng lớn

Ngành giao thông sẽ đầu tư 27 dự án trong năm nay, Hà Nội duyệt đầu tư cầu Thượng Cát gần 8.300 tỷ đồng và vành đai 2,5 đoạn Nguyễn Trãi - Đầm Hồng... là những thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông nổi bật trong tuần.

Ngành giao thông sẽ đầu tư 27 dự án trong năm nay

Vừa qua, Lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, dự kiến, ngành giao thông vận tải sẽ khởi công 27 dự án trong năm nay; trong đó, có 5 dự án quan trọng quốc gia, 1 dự án nhóm A là cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 và 21 dự án nhóm B, C.

Riêng quý I, theo kế hoạch khởi công 8 dự án và tính đến nay đã có 4 dự án đã hoàn chỉnh thủ tục. Các dự án gồm cải tạo, nâng cấp đường sắt đoạn Hà Nội - Vinh; nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải; cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn (Thanh Hóa); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E đoạn qua tỉnh Quảng Nam.

Trong quý II, dự kiến sẽ có 8 dự án được khởi công. Trong đó, có 5 dự án quan trọng quốc gia khởi công trước ngày 30/6 gồm cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đường vành đai 3 TP HCM.

Trong quý III sẽ có 6 dự án được khởi công gồm cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60, cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ - Giai đoạn 1 (khu vực phía nam); cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, Nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ qua tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ; quốc lộ 14B qua TP Đà Nẵng.

Trong quý IV sẽ khởi công 5 dự án gồm nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi trên địa phận TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang; cải tạo, mở rộng quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì (tỉnh Vĩnh Phúc); đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng; đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn.

Hà Nội duyệt đầu tư cầu Thượng Cát gần 8.300 tỷ đồng

Ngày 10/3, HĐND TP đã đã thông qua Nghị quyết về việc phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công của TP Hà Nội. Cầu Thượng Cát và đường dẫn hai đầu cầu là một trong các dự án này.

Tổng chiều dài cầu và đường dẫn hai đầu cầu khoảng 5,2 km. Trong đó, tổng chiều dài của cầu khoảng 4 km; chiều dài cầu chính là 820 m, bề rộng cầu khoảng 33 m, thiết kế 8 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án này khoảng 8.298 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Ban Quản Lý Dự án ĐTXD Công trình Giao thông thành phố.

Duyệt làm vành đai 2,5 đoạn Nguyễn Trãi - Đầm Hồng

Ngày 10/3, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công của TP Hà Nội. Đường vành đai 2,5 đoạn Nguyễn Trãi (Quốc lộ 6) - Đầm Hồng là một trong các dự án này.

Quy mô đầu tư đường vành đai 2,5 đoạn Nguyễn Trãi - Đầm Hồng dự kiến dài khoảng 1,6 km. Đây là dự án nhóm A, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.570 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2027.

Cũng theo tờ trình của UBND TP, dự kiến nhu cầu kế hoạch vốn giai đoạn 2026 - 2030 cho dự án đường vành đai 2 đoạn Nguyễn Trãi - Đầm Hồng khoảng 870 tỷ đồng.

Đề xuất chi hơn 10.400 tỷ đồng cho dự án thành phần 2 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Ban Quản lý Dự án 6 vừa qua đã trình Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 2 thuộc cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1.

Tổng mức đầu tư dự án dự kiến hơn 10.436 tỷ đồng. Dự án được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 10.313 tỷ đồng, ngân sách hai địa phương tham gia 50% chi phí giải phóng mặt bằng hơn 123 tỷ đồng.

Ban Quản lý Dự án 6 đề xuất chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Quảng Ninh sẽ đưa Vân Đồn và nhiều huyện lên thành phố

Theo Quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, Quảng Ninh sẽ đưa nhiều huyện lên cấp thành phố, sáp nhập huyện Hải Hà vào Móng Cái và tái lập TX Tiên Yên.

Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị. Trong đó, 12 đô thị vẫn giữ nguyên phân loại như hiện tại, riêng Vân Đồn sẽ được đưa từ đô thị loại IV lên loại III. Tỷ lệ đô thị hóa của Quảng Ninh giai đoạn này dự kiến đạt 70 - 75%.

Đến năm 2030, tỉnh sẽ còn 12 đơn vị hành chính với 13 đô thị, Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập TX Tiên Yên.

Như vậy, giai đoạn đến năm 2030, huyện Hải Hà sẽ sáp nhập với TP Móng Cái, ba huyện khác sẽ lên thành phố là Đông Triều, Quảng Yên và Vân Đồn.

Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đã GPMB khoảng 84%

Ngày 7/3, Đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về tình hình thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng và ngồn cung vật liệu xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Công tác thực hiện giải phóng mặt bằng Dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cos tổng chiều dài tuyến là 60 km; tổng diện tích thu hồi 495 ha; 5.498 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng, trong đó, 1.705 hộ phải tái định cư; di chuyển trên 6.000 ngôi mộ; thực hiện di dời khoảng 7,07 km đường dây cao thế (110 kV và 220 kV), 25 km đường dây trung áp và 23 km đường dây hạ áp.

Đến nay, đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng khoảng 51/60 km, đạt 84%, trong đó các đoạn tuyến liên tục đã bàn giao thực địa là 50 km.

Đề xuất mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình

Vừa qua, Bộ GTVT đã có văn bản gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Hà Nam gửi tới trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam về việc kiến nghị có chủ trương mở rộng làn đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình để tránh tình trạng ùn tắc.

Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, hiện nay, đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã được mở rộng với quy mô 6 làn xe, đang khai thác, thu phí theo hình thức hợp đồng BOT. Đoạn cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có quy mô 4 làn xe.

Hiện nay, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam hoàn thiện đề xuất chủ trương mở rộng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong năm nay.

(Nguồn: Vietnammoi)

5 dự án giao thông quan trọng khởi công trong quý 2

(Ảnh minh họa).

Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, theo kế hoạch, trong quý 2/2023 sẽ có 8 dự án giao thông được khởi công. Trong đó, có 5 dự án trọng điểm quốc gia.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 117,5 km, chia làm 3 dự án thành phần với tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng.

Hiện tại, công tác thẩm định 3/3 dự án thành phần đã hoàn thành. Chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án thành phần 1 và 3.

Đối với dự án 2, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đang trình Bộ GTVT phê duyệt, bảo đảm hoàn thành các thủ tục theo quy định để khởi công các dự án thành phần trước ngày 30/6/2023.

Tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 53,7 km, chia thành 3 dự án thành phần. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 17.837 tỷ đồng.

Tính đến nay, 3/3 dự án thành phần đã được phê duyệt.

Trong đó, dự án thành phần 1 do Ban QLDA thuộc tỉnh Đồng Nai đang lựa chọn nhà thầu thiết kế kỹ thuật dự toán. Dự kiến, cuối tháng 5/2023 thiết kế kỹ thuật, dự toán sẽ được phê duyệt, tiến tới lựa chọn nhà thầu xây lắp khởi công trước 30/6.

Dự án thành phần 2 do Ban QLDA 85 làm chủ đầu tư, đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thiết kế kỹ thuật, dự toán. Dự kiến, thiết kế kỹ thuật được phê duyệt trước 30/4, phê duyệt dự toán 25/5 làm cơ sở lựa chọn nhà thầu xây lắp để khởi công trước ngày 30/6.

Dự án thành phần 3 do Ban QLDA giao thông khu vực Cái Mép-Thị Vải đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thiết kế kỹ thuật, dự toán. Dự kiến, thiết kế kỹ thuật, dự toán được phê duyệt trước ngày 17/5; khởi công ngày 18/6.

Tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 188,2 km, được chia làm 4 dự án thành phần. Sơ bộ tổng mức đầu tư là 44.691 tỷ đồng.

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, hiện tại, 4/4 dự án thành phần đã được duyệt.

Trong đó, dự án thành phần 1 do Ban QLDA thuộc tỉnh An Giang là chủ đầu tư, dự kiến hoàn thiện lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng và thực hiện hoàn thiện công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật, dự toán chậm nhất đến ngày 30/4 để trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, đảm bảo khởi công trước ngày 30/6.

Dự án thành phần 2 do Ban QLDA thuộc TP Cần Thơ làm chủ đầu tư, dự kiến phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán cuối tháng 5/2023, lựa chọn nhà thầu thi công trước 20/6.

Dự án thành phần 3 do Sở GTVT tỉnh Hậu Giang làm chủ đầu tư, dự kiến phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán trong tháng 5, tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công và khởi công trước 30/6.

Dự án thành phần 4 do Ban QLDA thuộc tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư, dự kiến phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán trước 30/5, lựa chọn nhà thầu thi công trước 15/6, khởi công vào 30/6.

Tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM

Dự án có chiều dài 76km, gồm 8 dự án thành phần (4 dự án thành phần xây lắp và 4 dự án thành phần GPMB). Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 75.300 tỷ đồng.

Hiện tại, 4/4 dự án thành phần xây lắp đã được phê duyệt, đang tập trung triển khai công tác khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán.

Riêng dự án thành phần 3, Bộ GTVT đang đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật, dự toán trước ngày 15/3, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo, đảm bảo tiến độ khởi công trước ngày 30/6.

Dự án dự kiến hoàn thành sau 3 năm kể từ ngày khởi công.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội

Dự án được đầu tư với tổng chiều dài khoảng 112,8km, gồm: hơn 103km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 85.813 tỷ đồng.

Dự án gồm 7 dự án thành phần (4 dự án thành phần xây lắp, 3 dự án thành phần GPMB).

Đến nay, 1/4 dự án thành phần xây lắp (DATP2.1 - TP Hà Nội) đã được duyệt, đang tổ chức lựa chọn tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán, dự kiến hoàn thành trong tháng 3.

Tiến độ dự án cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

(Nguồn: Vietnamnet)

Hà Nội: Tìm mọi cách để cấp nước sạch cho người dân

Để hoàn thành mục tiêu 100% người dân được tiếp cận nước sạch như Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố đã đề ra, hiện các cấp, các ngành của Hà Nội đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp trong sản xuất, cung cấp, bảo đảm cho người dân không ai bị thiếu nước sạch.

Tiến gần hơn mục tiêu 100% người dân nông thôn có nước sạch

Những năm qua, hệ thống sản xuất, phân phối nước sạch trên địa bàn Thành phố được đầu tư bằng nhiều nguồn, từ ngân sách, của doanh nghiệp nhà nước và nguồn ngoài ngân sách. Qua đó đã đáp ứng được nhu cầu nước sạch trên địa bàn Thành phố, khắc phục được tình trạng thiếu nước sạch.

Nguồn nước cũng chuyển đổi từ nước ngầm sang nước mặt để từng bước đảm bảo nguồn cung và chất lượng nước. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết năm 2022, tổng nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho thành phố đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày đêm.

Con số này đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và hoàn thành phủ mạng cấp nước khu vực nông thôn cho khoảng 27 xã (tăng thêm khoảng 5% với quy mô khoảng 60.000 hộ dân với khoảng 240.000 người so với năm 2021), tại các khu vực: 7 xã huyện Đông Anh, 5 xã huyện Phú Xuyên, 7 xã huyện Chương Mỹ, 3 xã huyện Sóc Sơn, 4 xã huyện Ứng Hòa, 1 xã huyện Ba Vì, nâng tổng số người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch lên khoảng 85%.

Tuy nhiên, hiện thành phố còn 149 xã chưa có nước sạch, trong đó 121 xã đã giao nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện, 28 xã chưa có nhà đầu tư đề xuất dự án. Việc triển khai các dự án tại những khu vực nông thôn còn gặp khó khăn do chi phí đầu tư lớn, song người dân đấu nối, sử dụng ít nên không bảo đảm cân đối thu - chi.

Chẳng hạn, nếu ở khu vực đô thị, khi có nhiều hộ dùng chung một nguồn nước, lại có nhiều nhà hàng, khách sạn, đơn vị sản xuất nên công suất sử dụng cao, từ đó dẫn đến mức lũy kế cao đẩy giá lên cao.

Còn tại khu vực nông thôn dân cư thưa thớt, có những đoạn đường ống phải thi công cả 100m mới vào được một nhà. Do đó, nhiều nhà đầu tư tính toán nếu nhu cầu sử dụng trên 10m3/tháng thì mới có lãi, trong khi đó, người dân còn có nước mưa, nước giếng khoan nên nhu cầu sử dụng rất ít. Thực tế đã có những hộ sau khi lắp đặt nhưng không sử dụng dẫn đến lãng phí chi phí đầu tư.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc giá nước sạch được Thành phố áp dụng theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19-9-2013 của UBND thành phố, 10 năm nay vẫn chưa được điều chỉnh, do đó đây cũng chính là vướng mắc khiến nhiều nhà đầu tư "bỏ cuộc", chậm triển khai tiếp dự án...

Trên thực tế, từ năm 2019, thành phố Hà Nội đã xây dựng lộ trình điều chỉnh giá nước sạch nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và Chính phủ chỉ đạo chưa điều chỉnh giá một số mặt hàng đầu vào của các ngành sản xuất nên đến nay kế hoạch điều chỉnh giá nước sạch vẫn trì hoãn.

Được biết, thời gian tới, giá nước sạch trên địa bàn Thành phố sẽ được điều chỉnh tăng phù hợp. Đồng thời, để bảo đảm quyền lợi cho người dân ở cả đô thị và nông thôn, Thành phố sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư gia tăng tiến độ, sớm hoàn thành các dự án nước sạch nông thôn, giúp tiến gần hơn đến mục tiêu 100% tỉ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nước sạch.

Liên quan vấn đề tăng giá nước sạch, ông Nguyễn Xuân Sáng, Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, hiện nay, các chi phí cấu thành giá nước sạch, như tiền lương, chi phí điện năng, nguyên vật liệu và chi phí đầu tư đều tăng, dẫn đến việc cần phải điều chỉnh giá nước sạch nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, khuyến khích các chủ thể sử dụng nước tiết kiệm, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, phân phối nước sạch giảm chi phí, giảm thất thoát; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, phân phối nước sạch.

Căn cứ vào các quy định cụ thể về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch tại Thông tư số 44 năm 2021 của Bộ Tài chính, Sở Tài chính đã chủ trì cùng các sở, ngành và doanh nghiệp xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn Thành phố, dự kiến lộ trình trước mắt thực hiện trong 2 năm 2023 và 2024.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Sáng, mức giá sẽ áp dụng cho các đối tượng khách hàng cụ thể, như hộ gia đình, đơn vị cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp, trong đó phương án giá dự kiến 1 hộ gia đình tiêu thụ thực tế đến 10m3 trong 1 tháng sẽ tăng 15.270 đồng/tháng. Các nhóm khách hàng khác có hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ thì tăng khoảng 20%. Mức tăng này chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng chi phí của các doanh nghiệp, các đơn vị.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án nước sạch

Để tăng tốc phủ sóng nguồn nước sạch, cũng như hoàn thành các mục tiêu đã đề ra theo Kế hoạch phát triển nguồn và mạng cấp nước trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, Hà Nội sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án nước sạch.

Với các xã đã giao nhà đầu tư, thành phố sẽ chỉ đạo các đơn vị cấp nước tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án đã giao bao gồm (11 dự án nguồn, 29 dự án phát triển mạng). Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối hướng dẫn thực hiện điều chỉnh, thu hồi các dự án chậm hoặc không triển khai để kêu gọi nhà đầu tư khác.

Đối với 29 xã chưa có nhà đầu tư sẽ giao các đơn vị đang triển khai dịch vụ cấp nước trong khu vực mở rộng phát triển mạng cấp nước. Với những khu vực không có nhà đầu tư, thành phố giao UBND huyện triển khai dự án bằng nguồn vốn ngân sách, trong đó đề xuất quản lý vận hành sau đầu tư.

Thành phố yêu cầu có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân một số xã đấu nối sử dụng nước sạch, tuyên truyền người dân đấu nối sử dụng nước sạch vì lợi ích cộng đồng. Đồng thời, rà soát đóng các giếng nước ngầm tự khai thác không bảo đảm yêu cầu; thực hiện hỗ trợ người dân những vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Mới đây, nhằm đẩy nhanh đầu tư phát triển hệ thống mạng cấp nước khu vực nông thôn, Hà Nội đã chấp thuận phân vùng cấp nước tại các khu vực chưa được đầu tư mạng cấp nước cho 8 đơn vị đang cấp nước trên địa bàn thành phố thực hiện 10 dự án mở rộng mạng cấp nước trong giai đoạn 2022-2025 và một dự án do UBND huyện Ba Vì triển khai cấp nước cho những khu vực dân cư miền núi tại huyện Ba Vì (xã Khánh Thượng và Minh Quang) không thể tiếp cận hệ thống cấp nước tập trung.

Trong đó, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội mở rộng cấp nước cho 21 xã của huyện Thường Tín, 8 xã của huyện Thạch Thất. Công ty cấp nước Sơn Tây mở rộng cấp nước cho xã Cẩm Yên, huyện Thạch Thất. Công ty Đồng Tiến Thành Thủ đô mở rộng cấp nước cho 2 xã (Lại Thượng, Phú Kim) huyện Thạch Thất. Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai mở rộng cấp nước cho 11 xã còn lại và hoàn thiện 4 xã đã giao tại huyện Chương Mỹ, 2 xã tại huyện Quốc Oai.

Công ty cổ phần nước mặt sông Hồng nghiên cứu cấp nước cho 9 xã còn lại của huyện Phúc Thọ. Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội mở rộng cấp nước cho 3 xã (Cổ Loa, Bắc Hồng, Thụy Lâm) của huyện Đông Anh; 18 xã của huyện Sóc Sơn. Công ty cổ phần Cấp nước Hà Nam mở rộng cấp nước cho khu vực 21 xã còn lại của huyện Ứng Hòa, 26 xã của huyện Mỹ Đức. Công ty cổ phần Viwaco mở rộng cấp nước cho khu vực 10 xã còn lại của huyện Thanh Oai.

Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị cấp nước đầu tư mạng cấp nước cho khoảng 45 xã tại các huyện: Ba Vì (1 xã), Chương Mỹ (5 xã), Đan Phượng (5 xã), Đông Anh (2 xã), Mỹ Đức (7 xã), Ứng Hòa (7 xã), Quốc Oai (2 xã), Sóc Sơn (2 xã), Thạch Thất (6 xã), Thanh Oai (3 xã), Thường Tín (5 xã). Đến lúc đó, tỉ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch nâng lên đạt khoảng 90%.

Với nhiều nỗ lực, thành phố Hà Nội đang tiếp tục các giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% người dân nông thôn được tiếp cận nước sạch. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đã đề ra, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao ý thức trong việc sử dụng nước sạch, tránh lãng phí.

(Nguồn: Quân Đội Nhân Dân)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang