XK sang Mỹ giảm mạnh; Triệu hộ chăn nuôi nhận tin vui; NĐT tay ngang 'chạy ăn từng bữa'; Đầu cơ đất nông nghiệp Lý Sơn

Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ giảm mạnh

(Ảnh minh họa).

Tạp chí Hải quan hôm thứ Ba 23/5 đưa tin rằng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm mạnh trong những tháng đầu năm nay, nhưng nền kinh tế số 1 thế giới vẫn duy trì vị thế thị trường lớn nhất của Việt Nam.

Cơ quan báo chí của Tổng cục Hải quan dẫn số liệu của tổng cục này cho biết rằng trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 28,6 tỷ USD, giảm 21,6%.

Tin cho hay, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 5,33 tỷ USD, dẫn đầu trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ, nhưng kết quả này giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo tạp chí Hải quan, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện đứng thứ hai với 4,73 tỷ USD, tăng 5,3%, và đây cũng là nhóm hàng chủ lực hiếm hoi có tăng trưởng dương.

Tạp chí này đưa tin rằng các nhóm hàng chủ lực khác như dệt may, điện thoại và giày dép… đều có kim ngạch sụt giảm.

Trong khi đó, tin cho hay, nhập khẩu từ Hoa Kỳ trong 4 tháng đạt 4,3 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 4,3% kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Cũng liên quan tới vấn đề xuất khẩu của Việt Nam, trong bản cập nhật về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (World Bank) thứ Năm tuần trước, 18/5, nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam “đang phải đối mặt với những cơn gió ngược bên ngoài khi nhu cầu bên ngoài suy yếu tiếp tục tạo áp lực giảm xuất khẩu, dẫn đến sản xuất công nghiệp suy yếu”.

Theo World Bank, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm lần lượt 17,1% và 20,5% vào tháng 4 năm nay.

Tổ chức tài chính này nhận định trong bản cập nhật: “Điều này phản ánh sức cầu toàn cầu suy yếu, đặc biệt là ở Mỹ và EU, khi xuất khẩu sang hai thị trường này tương ứng giảm 22,1% và 14,1% trong 4 tháng đầu năm 2023”.

(Nguồn: VOA)

Hơn 2 năm quay cuồng, triệu hộ chăn nuôi bất ngờ nhận tin vui

Hàng triệu hộ chăn nuôi trên khắp cả nước bất ngờ nhận tin vui sau hơn 2 năm quay cuồng trong “bão giá” thức ăn chăn nuôi.

Ngày đầu tuần, ông Phan Văn Tuấn, chủ trang trại nuôi lợn quy mô 5.000 con ở Mai Sơn (Sơn La) bất ngờ khoe: “Giá cám đã giảm 400 đồng/kg".

Dù giá thức ăn chăn nuôi mới giảm 400 đồng/kg, song đây là tin vui với ông Tuấn và hàng triệu hộ chăn nuôi khác. Bởi, từ cuối năm 2020 đến nay, người chăn nuôi quay cuồng trong cơn “bão giá” khi giá cám tăng 17 lần liên tiếp và neo ở mức cao kỷ lục lịch sử, còn giá bán lợn bấp bênh, chịu lỗ nặng.

Trang trại của ông Tuấn kể từ đầu năm đã lỗ khoảng 3 tỷ đồng. Cũng may, giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt giúp giá thành sản xuất giảm.

Ông nhẩm tính, khi giá thức ăn chăn nuôi giảm, mỗi ngày ông có thể tiết kiệm được vài triệu đồng, bớt đi phần nào khó khăn trong bối cảnh này.

“Dịp này giá lợn hơi xuất chuồng cũng dần phục hồi, nếu đà này, tôi không phải bán lợn dưới giá thành nữa”, ông Tuấn phấn khởi nói.

Ông Trần Văn Mạnh, chủ trang trại hơn 3 vạn gà đẻ trứng ở Kim Môn (Hải Dương), cũng thông báo mới nhận tin từ doanh nghiệp giảm giá 200 đồng/kg thức ăn chăn nuôi cho gà đẻ trứng.

“Lần đầu tiên kể từ cuối năm 2020 đến nay, tôi nhận được tin giá thức ăn chăn nuôi giảm. Trước đó, chỉ thấy doanh nghiệp thông báo liên tục tăng giá”, ông chia sẻ.

Hiện tại, trứng gà công nghiệp (trứng gà đỏ) chỉ 1.600 đồng/quả. Một ngày, ông Mạnh bán 3 vạn quả trứng, lỗ khoảng 3 triệu đồng. Vậy nên, mỗi ngày tiết kiệm được 600.000 đồng nhờ giá cám giảm với ông đã là một khoản đáng kể.

Sức tiêu thụ trên thị trường sụt giảm mạnh, giá trứng cũng giảm theo và chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Thế nên, giá cám được điều chỉnh giảm lúc này cũng bớt áp lực với người chăn nuôi như ông Mạnh.

Ghi nhận của PV. VietNamNet, giá lợn hơi đã tăng lên mức 54.000-60.000 đồng/kg tuỳ địa phương. Giá gà công nghiệp lông trắng tại miền Bắc cao nhất 27.000 đồng/kg; ở Đồng Nai, Bình Phước... dao động trên dưới 20.000 đồng/kg. Giá gà lông màu tại các tỉnh Đông Nam Bộ ở mức thấp, có nơi dưới 35.000 đồng/kg.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, khoảng hai tuần lại đây, giá gà đã nhích dần lên. Riêng giá lợn hơi tăng liên tục. Đến nay, giá lợn hơi đã tăng lên mốc 58.000-60.000 đồng/kg (mức cao nhất). Dù vậy, với giá này, nếu bị dịch hoặc tỷ lệ hao hụt cao thì vẫn thua lỗ.

Một số địa phương giá lợn hơi nằm ở vùng 54.000-56.000 đồng, nếu hộ nuôi phải mua con giống thì vẫn lỗ.

“Nhưng tin vui là giá thức ăn chăn nuôi đã giảm khoảng 400 đồng/kg”, ông chia sẻ.

Theo ông Đoán, đầu tháng 4 vừa qua, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi chạy chương trình khuyến mãi giảm giá cám. Song, hết thời gian chạy khuyến mãi giá về mức cũ.

Còn đến sáng 22/5, các doanh nghiệp thông báo chính thức giảm giá thức ăn chăn nuôi. Đây là tin vui với các hộ dân chăn nuôi trên cả nước.

Ông Đoán, cho biết, tính từ tháng 10/2020 đến ngày 21/5, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 40% và chưa một lần điều chỉnh giảm. Người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn bởi giá thành sản xuất tăng cao trong khi giá bán sản phẩm lại giảm và neo ở mức thấp.

Nay giá thức ăn chăn nuôi giảm 400 đồng/kg (khoảng 3%), tuy không nhiều so với mức tăng trước đó. Nhưng, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới đang hạ nhiệt, giá cước vận chuyển về Việt Nam cũng giảm gần về mức cũ trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19. Thế nên, thời gian tới, có thể giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo chiều hướng giảm dần. Điều này có lợi cho người chăn nuôi vì giá thành sản xuất sẽ giảm.

"Nhưng còn về giá thịt gà, giá lợn hơi hiện rất khó dự báo xu hướng sắp tới", ông Đoán cho hay.

(Nguồn: Vietnamnet)

Ôm mộng làm giàu, nhà đầu tư tay ngang vỡ lẽ khi phải “chạy ăn từng bữa”, mỗi lần buồn lại nghĩ oán hờn môi giới vì những lời hứa giá tăng gấp đôi, gấp ba

(Ảnh minh họa).

Không ít nhà đầu tư nhìn giá đất liên tục đi xuống đã tự trách bản thân và những người bán đất cho mình trước đó.

Làm nghề giáo viên, rẽ ngang sang đầu tư bất động sản vào cuối năm 2021, anh B (giấu tên) hiện ôm hai mảnh đất thổ cư tại Q.9, Tp.HCM nhưng khổ sở vì “chạy ăn từng bữa”. Từ thời điểm nghỉ nghề giáo, theo chân anh em đi đầu tư bất động sản đến nay đã hơn một năm, anh B cho hay, giá như không quá vội vàng trong quyết định thì cuộc sống đã đỡ phần nào.

Vào cuối năm 2021, anh B cùng nhóm bạn thân (là nhà đầu tư bất động sản lâu năm) gom vốn liếng, có vay thêm ngân hàng để đầu tư đất. Anh quyết định nghỉ công việc giáo viên cấp một để tập trung cho công việc mới là đầu tư kiêm môi giới bất động sản. Cũng thời điểm này, anh cùng nhóm bạn xuống tiền một số lô đất tại Q.9 và Đồng Nai. Trong đó, có một nền đất của riêng anh, một nền khác chung vốn với bạn bè.

Từ một nhà đầu tư tay ngang, ban đầu vào thị trường khá lạ lẫm nhưng được bạn bè thân hỗ trợ, anh B “lướt cọc” thành công một số lô đất tại Q.9. Cho rằng đã chọn đúng đường đi, thế nhưng “người tính không bằng trời tính”, giữa năm 2022 khi thị trường bất động sản có dấu hiệu trầm lắng cũng là lúc anh mắc kẹt trên tài sản của mình.

“Thời điểm mua nhẩm tính giá bất động sản sẽ tăng gấp lần vào năm 2023 thế nhưng cũng do mình tính sai. Hiện cuộc sống khó khăn hơn khi tiền để vào đất, nợ ngân hàng vẫn phải trả hàng tháng”, anh B chia sẻ.

Không tự trách mình như anh B, một số nhà đầu tư mới tham gia thị trường, thậm chí nhà đầu tư lâu năm lại liên tục trách móc môi giới. Cũng vì tin lời môi giới rằng giá bất động sản sẽ tăng gấp đôi, gấp ba mà mua vào, hiện nhiều người lo lắng nhìn giá đất lao dốc.

“Có một số khách hàng liên tục nhắn tin tỏ kiểu trách móc vì giá đất xuống liên tục. Nhưng khi đó, giá bán theo giá thị trường, hiện giá xuống do tình hình chung, môi giới cũng không thể kiểm soát được”, một môi giới tự do khu Đông Tp.HCM phân trần.

Mua mảnh đất diện tích gần 60m2 tại khu Đông Tp.HCM vào giữa năm 2021 với giá 2.3 tỉ đồng. Chị Hoà (ngụ Q.12) gánh ngân hàng 1 tỉ đồng. Hiện mảnh đất đang hạ giá xuống 1.9 tỉ đồng nhưng rao bán chưa có người mua. Theo chị Hoà, thời điểm mua phần lớn cũng tin lời môi giới là giá khu đất này sẽ tăng gấp đôi sau một năm đầu tư. Quả thật đến đầu năm 2022, mảnh đất tăng giá lên 2.6 tỉ đồng nhưng hiện tại sụt mạnh và không có thanh khoản. Ban đầu cũng xác định đầu tư trung hạn nhưng do gánh ngân hàng và lãi suất lên nên dần đuối sức muốn bán ra trả nợ.

Thực tế, có không ít nhà đầu tư tay ngang ôm mộng làm giàu với bất động sản. Họ thường là những người ít kinh nghiệm và dễ xuống tiền. Một số người phụ thuộc phần lớn vào tư vấn của môi giới mà không tìm hiểu kỹ tài sản muốn mua. Khi thị trường biến động, giá giảm khiến những người này hoang mang và có phần trách ngược người bán.

Theo một nhà đầu tư bất động sản lâu năm, thực ra việc kẹt tài sản là đến từ những nhà đầu tư gánh ngân hàng và vào thị trường trong tâm thế lướt sóng. Với những người mua tích trữ hoặc xác định đầu tư trung – dài hạn thì việc biến động thị trường hiện tại không ảnh hưởng, giá chắc chắn sẽ tăng trong tương lai.

Vị này cũng lưu ý những điểm nhà đầu tư mua bất động sản lúc này cần biết. Thứ nhất, không nên vay ngân hàng vào thời điểm này. Thứ hai, nên lựa chọn loại hình cả lãi vốn và dòng tiền sẽ an toàn. Thứ ba, mua bất động sản xác định rõ nên để trên 2 năm đừng kỳ vọng quá nhiều. Thứ tư, chọn khu vực lịch sử giá tăng giá giai đoạn cũ dưới hai lần.

Thứ năm, mua khu vực có lịch sử tăng giá 3 năm gần nhất không quá hai lần so với sự tăng trưởng GDP. Thứ sáu, không nên mua khu vực dự án có quá nhiều lô và nhu cầu ở thấp. Thứ bảy, chọn khu vực có động lực thật trung hạn 2-3 năm đừng mua quy hoạch tương lai. Thứ tám, mua nên định giá kỹ và s sánh vài thị trường có điểm tương đồng để có thể so sánh. Cuối cùng, người này lưu ý nên đầu tư theo công nghiệp nhưng hiện hữu rồi thì tốt hoặc phải giai đoạn pháp lý 1/500.

(Nguồn: CafeF)

Rộ dấu hiệu đầu cơ đất nông nghiệp trên đảo Lý Sơn

Huyện Lý Sơn đã chỉ đạo tạm dừng chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người ngoài địa phương. Thế nhưng không ít cá nhân từ các tỉnh, thành khác vẫn được giải quyết thủ tục mua đất nông nghiệp.

Đất nông nghiệp bị "thổi giá"

Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) có hơn 22.000 dân, khoảng 55% dân số tham gia sản xuất nông nghiệp. Huyện có trên 300ha đất nông nghiệp, chủ yếu là đất trồng hành, tỏi.

Từ năm 2018, nhiều người đến huyện đảo mua gom đất nông nghiệp, đẩy giá đất lên cao ngất ngưởng. Giá đất nông nghiệp ở Lý Sơn được "thổi" lên gấp 20-30 lần so với giá quy định của nhà nước. Tùy vị trí mà đất được mua với giá 1-1,5 triệu đồng/m2. Những thửa đất có mặt tiền hướng biển, gần trung tâm huyện có thể được mua với giá cao hơn.

Ông T.H. có gần 3 sào đất trồng hành, tỏi. Thời điểm 2019, mảnh đất của ông được định giá hơn 2 triệu đồng/m2. Giá đất quá cao nên ông H. quyết định bán 900m2 đất, thu về gần 2 tỷ đồng. Theo ông H., thu nhập từ trồng hành, tỏi khá bấp bênh. Do đó, ông quyết định bán bớt một phần đất lấy tiền đầu tư vào việc khác.

"Cơn sốt" đất nông nghiệp tại Lý Sơn kéo dài suốt nhiều năm. Đặc biệt là từ khi Thủ tướng Chính phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất. Theo quy hoạch này, huyện đảo Lý Sơn được định hướng phát triển thành thành phố, có sân bay và nhiều dự án lớn khác.

Trước thông tin trên, tình trạng chuyển nhượng đất nông nghiệp tại Lý Sơn lại diễn biến phức tạp. Hoạt động mua gom đất trồng hành, tỏi tiếp tục "nóng", giá đất nông nghiệp lại tăng cao.

Để ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp, chính quyền huyện đảo đã chỉ đạo tăng cường quản lý đất đai. Đặc biệt là kiểm soát việc chuyển nhượng đất nông nghiệp cho những cá nhân ngoài huyện đảo.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - cho biết huyện đã chỉ đạo tạm dừng chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người dân ngoài địa phương. Điều này nhằm ngăn chặn việc đầu cơ đất nông nghiệp, gây tác động xấu đến huyện đảo.

Tuy nhiên, các giao dịch đất đai trong thời gian qua đều được người dân thực hiện thông qua các văn phòng công chứng tư, không thông qua chính quyền địa phương nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Chính quyền nói một đằng, thực tế lại một nẻo?

Theo bà Phạm Thị Hương, đến thời điểm này, huyện Lý Sơn vẫn tạm dừng chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người dân ngoài địa phương. Tuy nhiên, những thông tin phóng viên có được cho thấy thực tế lại khác.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh huyện Lý Sơn tiếp nhận 24 hồ sơ chuyển nhượng đất nông nghiệp. Trong đó có 18 hồ sơ đã được giải quyết.

Đáng lưu ý, các cá nhân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp không phải là người dân Lý Sơn. Những người này đến từ nhiều tỉnh, thành; trong đó có nhiều trường hợp mua gom nhiều thửa đất nông nghiệp cùng lúc.

Chẳng hạn như, ông L.M.D. (TP Hà Nội) đã được giải quyết thủ tục nhận chuyển nhượng cùng lúc 6 thửa đất nông nghiệp. Tổng diện tích đất ông D. mua lên đến 2.3000m2. Bà B.T.H. (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cũng mua 3 thửa đất nông nghiệp với tổng diện tích gần 1.400m2.

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương thừa nhận, có tình trạng giải quyết hồ sơ nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người ngoài huyện. Tuy nhiên những trường hợp này không nhiều.

"Huyện đã yêu cầu không chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người ngoài địa phương, đây là quan điểm xuyên suốt. Vì thế, sau khi nắm bắt thông tin này, chúng tôi đã họp và phê bình Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Lý Sơn. Huyện đã yêu cầu đơn vị này dừng giải quyết các hồ sơ nhận chuyển nhượng mới", bà Hương nói.

Bà Hương cho rằng, những trường hợp nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp như phóng viên phản ánh chỉ đăng ký biến động. Việc này do Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh huyện Lý Sơn thực hiện nên chính quyền địa phương chậm nắm thông tin.

Thế nhưng trên thực tế có một số trường hợp xin cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với những trường hợp này buộc phải có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn huyện Lý Sơn.

"Cái này tôi sẽ cho kiểm tra", bà Hương nói.

Phản hồi thông tin trên, ông Vũ Thanh Hà, Phó giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Lý Sơn, cho rằng hiện chỉ có quy định tạm dừng chuyển nhượng đất nông nghiệp tại đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn). Riêng ở đảo Lớn, không có bất cứ văn bản nào quy định nội dung này.

Thời gian qua, đơn vị chỉ tiếp nhận, giải quyết thủ tục chuyển nhượng đất nông nghiệp tại đảo Lớn. Việc này là phù hợp với chỉ đạo của tỉnh và các quy định của pháp luật.

"Huyện Lý Sơn có nhiều văn bản chỉ đạo kiểm soát việc chuyển nhượng đất nông nghiệp, nhưng nội dung rất chung chung. Huyện chỉ yêu cầu tiếp nhận, xử lý đúng quy định của pháp luật, không có nội dung nào yêu cầu tạm dừng chuyển nhượng cho người không có hộ khẩu tại huyện đảo. Do đó chúng tôi đã thực hiện đúng quy định, những người ngoài đảo nhưng đủ điều kiện vẫn được giải quyết nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp", ông Hà nhấn mạnh.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang