Tổng Bí Thư & Biden điện đàm; Chính sách mới; Khẩn cấp xây lại chung cư cũ TP.HCM; Dự án nhà máy 3.400 tỷ 'chết yểu'

TT Biden và TBT Nguyễn Phú Trọng điện đàm, bàn việc 'củng cố và mở rộng quan hệ song phương'

(Ảnh minh họa).

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vừa có cuộc điện đàm với Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào sáng 29/3, giờ Washington, là buổi tối cùng ngày, theo giờ Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo trao đổi về việc nâng cấp mối quan hệ hai nước lên thành đối tác chiến lược, một trong những nội dung đang được quan tâm nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và trên nền tảng đó, hai nhà lãnh đạo thảo luận một thoả thuận mới về hợp tác quốc phòng, theo nguồn tin am tường nói với VOA.

Cuộc điện đàm lần này diễn ra sau khi có những thông tin và bình luận cho rằng việc nâng cấp mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có thể có những trở ngại và đây không còn là ưu tiên của phía Mỹ nữa.

“Điều đó cho thấy bên ngoài người ta không biết được những nỗ lực của cả phía Việt Nam và Mỹ để tiến tới mối quan hệ bền vững hơn, tốt đẹp hơn”, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, nói với VOA.

Nội dung điện đàm

Trong thông cáo phát đi vào chiều 29/3 theo giờ Washington, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden “củng cố cam kết của Hoa Kỳ đối với một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng, kiên cường và độc lập”.

Thông cáo nói thêm rằng “hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tầm quan trọng của việc củng cố và mở rộng quan hệ song phương, đồng thời hợp tác giải quyết các thách thức khu vực như biến đổi khí hậu, đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như tình hình an ninh và môi trường đang xấu đi dọc sông Mekong”.

Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm của ASEAN, sự tôn trọng nhân quyền và hợp tác với Việt Nam trong các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng.

Trong khi đó, thông tin chính thức từ Việt Nam cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh những kết quả đạt được trong quan hệ giữa hai nước là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, được thúc đẩy trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và theo tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”. Phía Việt Nam nói thêm rằng Tổng thống Joe Biden cũng nhất trí với các ý kiến của ông Nguyễn Phú Trọng.

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đề nghị trong thời gian tới, hai bên tiếp tục mở rộng và đưa hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ là trọng tâm và động lực cho quan hệ, thực hiện các thỏa thuận hợp tác quốc phòng - an ninh, coi trọng việc thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững, hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực mới như logistics, kinh tế số, chuyển đổi xanh, y tế, đẩy mạnh hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh, gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trao đổi thông tin, phòng chống tội phạm và các lĩnh vực khác.

Tiến triển chậm nhưng tốt

Không giống như cuộc điện đàm từng dự tính vào tháng 11 năm ngoái, cuộc điện đàm lần này giữa hai lãnh đạo Mỹ-Việt không được thông tin chính thức cho đến sau khi nó chính thức diễn ra.

Theo nguồn tin của VOA, cuộc điện đàm còn đề cập đến hai nội dung chính là nâng cấp mối quan hệ Việt-Mỹ và ký thoả thuận hợp tác quốc phòng mới giữa hai bên.

Tiến triển trong mối quan hệ Việt-Mỹ thời gian qua có phần chậm lại, nhưng trong cái nhìn tổng quan, thực tế mối quan hệ này không hề xấu đi, theo quan sát của TS. Hà Hoàng Hợp.

“Nói đến chất lượng của mối quan hệ (Việt-Mỹ) thì từ năm 1994, khi hai nước bình thường hoá quan hệ, thì nó ngày càng tốt lên. Đấy là chất lượng. Còn về mặt nhịp độ, có lúc nó chậm lại, có lúc lại nhanh lên. Có những lúc nhanh lên nhưng dở đi một chút, có lúc nhanh và tốt lên. Bây giờ thì chậm lại nhưng kết hợp với chất lượng thì tôi thấy dù chậm lại nhưng tốt lên”, TS. Hà Hoàng Hợp giải thích thêm.

Theo ông, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến triển chậm hơn mong muốn trong việc phát triển mối quan hệ Việt-Mỹ, chẳng hạn như Hoa Kỳ thời gian qua tập trung vào việc xử lý cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Ngoài ra, nước Mỹ cũng đang tập trung giúp cho các đồng minh NATO vượt qua những khó khăn và thách thức từ hệ luỵ của cuộc chiến tại Ukraine và chiến lược đối phó với Trung Quốc giữa những căng thẳng trong quan hệ hai nước lớn.

Nhà nghiên cứu của Việt Nam cũng không loại trừ khả năng Hoa Kỳ có thể xem xét những đánh giá về nhân quyền, tôn giáo tại Việt Nam và điều này nếu có cũng sẽ góp phần làm chậm lại tiến độ.

Bình luận về khả năng việc nâng cấp mối quan hệ lên mức chiến lược giữa hai nước được thực hiện trong năm nay, là năm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013-2023), TS. Hà Hoàng Hợp nói “Có thể không chắc chắn nhưng khả năng là không thấp, bởi vì người ta đang cố đi đến đấy”.

Trong một bài viết trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) vào ngày 28/3, nhà nghiên cứu cấp cao Murray Hiebert đề xuất rằng Tổng thống Joe Biden nên viết tên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào thiệp mời ngoại giao năm 2023 của mình.

Một số ý kiến cho rằng nếu điều này xảy ra, đây có thể là dịp tốt để hai bên chính thức nâng cấp mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Hợp tác quốc phòng

Theo quan sát của VOA, thông tin về cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Nguyễn Phú Trọng tối 29/3 đã thu hút sự chú ý và đem lại hứng khởi cho nhiều người theo dõi thời sự, bao gồm cả giới quan sát lẫn công chúng Việt Nam, giữa bối cảnh những hoạt động của tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 4 ở Biển Đông đang gây bức xúc công luận.

“Một (thoả thuận) hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam bây giờ là vô cùng có ý nghĩa đối với Việt Nam bởi vì hàng ngày Trung Quốc quấy Việt Nam và các nước có biển trong Đông Nam Á này”, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói.

Bình luận về quan điểm cho rằng việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi những tác động từ phía Trung Quốc, TS. Hà Hoàng Hợp khẳng định “Trung Quốc không có năng lực và không có quyền gì can thiệp vào mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ cả. Nhưng thỉnh thoảng, họ vẫn nói câu này câu kia. Hầu hết những câu nói của họ mang tính chất can thiệp thì Việt Nam đều biết rất rõ”.

Nhà nghiên cứu sống tại Hà Nội cũng nhắc đến nguyên tắc của Việt Nam là “không quan hệ với nước này để xâm hại lợi ích của một nước khác”, và nỗ lực phát triển mối quan hệ với Hoa Kỳ, theo TS. Hà Hoàng Hợp, đơn thuần là “phục vụ cho lợi ích quốc gia của Việt Nam và của Mỹ”.

“Quan hệ quốc tế bây giờ không phải là quan hệ ý thức hệ, mà nó là quan hệ lợi ích quốc gia. Trên cơ sở lợi ích quốc gia của các nước thì phải làm thế nào để khi quan hệ, các nước trong mối quan hệ đó đều có lợi. Cho nên, nói như thế thì quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hoàn toàn không phải là mối quan hệ về ý thức hệ, mà lợi ích quốc gia chắc chắn phải đứng cao hơn, cao nhất và trên mối quan hệ ý thức hệ. Mối quan hệ ý thức hệ tồn tại là vì hai đảng cầm quyền của hai nước đều là Cộng sản. Nhưng nhìn kỹ thực chất thì không còn đảng nào là cộng sản nữa, mà cả hai đảng này đều đi theo một hình thái hoạt động mà người ta gọi là chủ nghĩa tư bản nhà nước”, TS. Hà Hoàng Hợp nói.

Trước đây, ông Biden và ông Nguyễn Phú Trọng đã từng gặp nhau vào năm 2015 trong chuyến thăm chính thức của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ, nhân dịp hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông Biden khi đó là Phó Tổng thống Hoa Kỳ.

(Nguồn: VOA)

Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2023

Trong tháng 4/2023, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: Bệnh COVID-19 được bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội; một năm kiểm định chất lượng đầu vào công chức 2 lần; quy định mới về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập; bảo lãnh ngân hàng theo phương thức điện tử…

Bổ sung bệnh COVID-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH

Thông tư số 02/2023/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, bệnh COVID-19 được bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm và hướng dẫn chuẩn đoán, giám định. Bệnh COVID-19 là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.

Như vậy, danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm từ 34 bệnh, tăng lên thành 35 bệnh.

Một năm kiểm định chất lượng đầu vào công chức 2 lần

Ngày 10/4, Nghị định số 06/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức có hiệu lực . Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được diễn ra định kỳ 2 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm, áp dụng đối với người đăng ký tuyển dụng vào công chức thông qua hình thức thi tuyển.

Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Hình thức kiểm định là thi trắc nghiệm trên máy vi tính với nội dung là những hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, quản lý hành chính Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ…

Người dự tuyển trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào. Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ.

Cho phép bảo lãnh ngân hàng theo phương thức điện tử

Thông tư 11/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/4, đã bổ sung quy định về hoạt động bảo lãnh điện tử. Do đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được lựa chọn thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng qua phương tiện điện tử.

Tuy nhiên, việc thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử phải đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu và bảo mật thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền, giao dịch điện tử, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử và các văn bản có liên quan.

Khách hàng cũng cần lưu ý, giá trị mỗi cam kết bảo lãnh bị giới hạn đối với khách hàng cá nhân thì không vượt quá 4 tỷ đồng, và tổ chức không vượt quá 45 tỷ đồng.

Hướng dẫn mới điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng

Thông tư 02/2023/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về hợp đồng xây dựng, áp dụng từ ngày 20/4. Việc điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng chỉ áp dụng đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh và hợp đồng theo thời gian khi có thỏa thuận.

Khối lượng công việc thực tế tăng hoặc giảm lớn hơn 20% trong hợp đồng, đồng thời làm thay đổi trên 0,25% giá trị hợp đồng và trên 1% đơn giá của công việc đó hoặc khối lượng phát sinh chưa có đơn giá trong hợp đồng sẽ xác định đơn giá mới theo nguyên tắc đã thỏa thuận.

Nếu khối lượng công việc thực tế tăng lớn hơn 20% trong hợp đồng thì đơn giá mới chỉ được áp dụng cho phần khối lượng thực tế thực hiện vượt quá. Còn đối với khối lượng thực tế thực hiện tăng hoặc giảm nhỏ hơn hoặc bằng 20% khối lượng công việc trong hợp đồng thì áp dụng đơn giá trong hợp đồng

Khi điều chỉnh giá hợp đồng dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung hợp đồng thì phải ký kết phụ lục hợp đồng.

Quy định mới về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập

Từ ngày 27/4, Thông tư 06/2023/TT-BYT của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập có hiệu lực.

Đáng chú ý, Thông tư sửa đổi khoản 2 Điều 8 về gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị có thể có một hoặc nhiều thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị với thuốc biệt dược gốc, hoặc sinh phẩm tham chiếu, mỗi thuốc là một phần của gói thầu.

Ngoài ra, khi lập kế hoạch chọn nhà thầu, đơn vị tham khảo các thông tin tài liệu về giá thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền trúng thầu, báo giá hoặc hóa đơn bán hàng... để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền.

(Nguồn: Soha)

Khẩn cấp xây lại chung cư cũ ở TP HCM

(Ảnh minh họa).

Việc xây dựng, cải tạo nhà chung cư tại TP HCM gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần được tháo gỡ cấp bách từ hệ thống luật pháp, cơ chế thực hiện

Ngày 29-3, đoàn giám sát thuộc Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã làm việc với UBND TP HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố.

Thấp thỏm lo sợ

Chung cư Vĩnh Hội (quận 4) được xây dựng trước năm 1975, quy mô 4 tầng, gồm các lô A, B, C. Năm 2016, Sở Xây dựng TP HCM kiểm định và xếp loại chung cư này cấp D, tức cấp độ nguy hiểm cao nhất cần di dời người dân để bảo đảm an toàn.

Sáng 29-3, bà Nguyễn Ngọc Khanh (65 tuổi) bước ra hành lang của chung cư Vĩnh Hội, vừa đi bà vừa nhìn lên trần đề phòng những mảng bê-tông bong tróc rơi trúng. Lối lên của chung cư là cầu thang bộ, nhiều đoạn xiêu vẹo, các mảng tường cũ kỹ theo thời gian, rêu bám thành từng mảng loang lổ, dây điện chằng chịt khắp nơi. Bà Khanh sống trong chung cư Vĩnh Hội đã gần 50 năm. Gia đình 5 người sống trong căn hộ rộng hơn 30 m2, với nhiều nguy hiểm rình rập. "Những ngày trời mưa, gia đình tôi không dám ra ngoài hành lang vì sợ trần nhà bong tróc rơi xuống. Thỉnh thoảng có cư dân bị những mảng bê-tông nhỏ rơi trúng người, mình cẩn thận vẫn hơn" - bà Khanh nói.

Theo bà Khanh, những năm qua, chính quyền địa phương nhiều lần mời cư dân bàn bạc phương án di dời cũng như chính sách đền bù. Tuy nhiên, đến nay chưa có phương án đền bù phù hợp, người dân chỉ còn cách bám trụ. "Nhiều lần gia đình tôi bỏ tiền ra để gia cố lại căn nhà nhưng theo thời gian, nước mưa thấm rồi lại ẩm mốc, xuống cấp ngày càng trầm trọng. Ở thì sợ, còn chuyển đi thì không biết đi đâu. Hầu hết người dân sống trong chung cư là lao động nghèo nên mong có phương án đền bù thỏa đáng" - bà Khanh nói.

Trong khi đó, chung cư Tôn Thất Thuyết (phường 4, quận 4) cũng đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Hơn một tháng trước, tại lô C chung cư này đã bị sập đà, sàn hành lang, tường lan can lối đi. UBND quận 4 đã chỉ đạo Công ty Dịch vụ Công ích quận phối hợp với Phòng Quản lý đô thị, UBND phường 4 gia cố khẩn cấp các vị trí xảy ra sự cố và các vị trí nguy hiểm khác trong thời gian chờ thực hiện di dời các hộ dân. Ngay sau đó, UBND TP HCM giao UBND quận 4 căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm, cấp bách theo từng thời điểm để quyết định việc di dời, bố trí tạm cư cho các hộ dân. Những hộ đang ở tại chung cư Tôn Thất Thuyết (lô C) sẽ được bố trí quỹ căn hộ chưa sử dụng tại chung cư số 4 đường Phan Chu Trinh (quận Bình Thạnh) nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản.

Bà Nguyễn Thanh Nhung (cư dân chung cư Tôn Thất Thuyết) mong muốn chính quyền có phương án xử lý hợp lý để người dân an tâm. "Chúng tôi cảm thấy tính mạng bị treo lơ lửng nhưng không biết làm thế nào? Kế hoạch di dời đã có từ lâu nhưng chưa biết phương án thế nào? Đa phần chúng tôi đều không muốn rời đi nhưng do di dời thì phải chấp nhận" - bà Nhung trải lòng.

Kiến nghị hoàn thiện chính sách

Báo cáo với đoàn giám sát thuộc Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho hay trên địa bàn thành phố có 1.635 chung cư. Trong đó có 474 chung cư cũ xây trước năm 1975, đã cải tạo, sửa chữa 199 chung cư với tổng kinh phí 275,5 tỉ đồng. Đến nay, thành phố có 16 chung cư cấp D (hư hỏng nặng, nguy hiểm). Ngoài ra, UBND TP HCM đang bố trí để thực hiện kiểm định và cải tạo, sửa chữa 246 chung cư cấp B, C còn lại của giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư dự kiến 500 tỉ đồng.

Đánh giá về công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, UBND TP HCM cho rằng việc triển khai đầu tư xây dựng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục chấp thuận đầu tư, thu hồi đất, giao đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư do việc áp dụng pháp luật về nhà ở, đất đai và đầu tư còn nhiều chồng chéo, chưa đồng bộ.

Vì vậy, UBND TP HCM kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật. Cụ thể, bổ sung quy định đối với các chung cư cũ có diện tích đất nhỏ, chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc không bảo đảm tính khả thi để đầu tư xây dựng lại nhà chung cư nhằm bố trí tái định cư các địa điểm khác; vị trí khu đất của chung cư cũ sẽ được chuyển đổi chức năng quy hoạch và chức năng sử dụng đất phù hợp để tổ chức đấu giá theo quy định.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Trưởng đoàn giám sát, cho rằng với hơn 1.600 chung cư, TP HCM là địa phương có nhiều đề xuất, kiến nghị về công tác quản lý, vận hành, cải tạo và xây dựng lại nhà chung cư. Bà Nguyễn Thị Mai Phương cho hay trước khi làm việc với UBND TP HCM, đoàn giám sát đã làm việc với nhiều doanh nghiệp tham gia vào công tác vận hành, sửa chữa, cải tạo nhà chung cư trên địa bàn thành phố và nhận nhiều phản ánh khó khăn, vướng mắc. Các doanh nghiệp cũng đề xuất một số nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật Nhà ở. Vì vậy, đoàn giám sát sẽ lắng nghe ý kiến của các sở, ban, ngành thành phố về những đề xuất hướng giải quyết trong thời gian tới.

TP HCM có 16 chung cư cấp D với gần 1.200 hộ dân, trong đó đã di dời toàn bộ 7 chung cư với hơn 350 hộ dân; di dời dở dang 5 chung cư với 316/566 hộ dân và chưa di dời 4 chung cư với hơn 250 hộ dân.

Ông BÙI XUÂN CƯỜNG, Phó Chủ tịch UBND TP HCM: Cần nghiên cứu sửa đổi pháp luật về nhà ở

Thời gian qua, TP HCM rất quan tâm đến công tác quản lý, vận hành, cải tạo, sửa chữa và xây dựng lại nhà chung cư. Trên cơ sở triển khai Luật Nhà ở, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi thì vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do những quy định của pháp luật về nhà ở còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ với quy định pháp luật khác như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản. Vì vậy, cần tiếp tục có sự nghiên cứu sửa đổi để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn khi áp dụng.

Thông qua buổi làm việc, UBND TP HCM mong muốn làm rõ những hạn chế, bất cập của chính sách pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Từ đó có những đề xuất, kiến nghị đến đoàn giám sát Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để tập trung sửa đổi những quy định của Luật Nhà ở và một số luật khác có liên quan.

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM: Nhà nước bỏ kinh phí đầu tư xây dựng lại chung cư

Chuyện di dời dân khỏi chung cư cấp D nhất định phải thực hiện, bởi vấn đề quan trọng đầu tiên là tính mạng của người dân. Thế nhưng, cũng có người nhận thức rằng chỗ ở vẫn bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, chung cư đó bền vững hay không còn nằm ở cấu trúc tổng thể chứ không phải riêng từng căn hộ. Người dân không thể chủ quan với những tình huống bất thường không lường trước được như động đất, giông bão, hậu quả sẽ rất lớn.

Điểm quan trọng nữa là phải giải quyết cho người dân đến nơi ở mới là tạm cư hay định cư. Những điều này phải rõ ràng thì người dân mới chịu di dời, bởi người dân không sợ chỗ ở không an toàn mà sợ việc xáo trộn cuộc sống. Ngoài ra, tâm lý phổ biến của người dân là di chuyển đến nơi tạm cư nhưng lo lắng không biết khi nào mới có dự án xây lại chung cư cũ. Vì vậy, khi đã di dời người dân thì tiến hành cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ càng sớm để nhanh chóng ổn định cuộc sống của họ. Còn nếu kéo dài việc di dời thì bất ổn càng lâu.

Bên cạnh đó, điểm nghẽn của việc này chính là nguồn vốn đầu tư cho các dự án xây mới chung cư cũ. Nếu chỉ dựa vào nhà đầu tư thì rất lâu và khó thực hiện bởi họ sẽ không làm nếu không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp. Trong khi đó, nhiều vị trí chung cư cũ bị hạn chế về chỉ tiêu quy hoạch nên không hấp dẫn nhà đầu tư. Vì vậy, lúc này phải phát huy vai trò của nhà nước trong đầu tư phát triển bền vững, bởi nếu dựa vào xã hội hóa và kêu gọi nhà đầu tư thì không thể nào có chuyển biến được.

Cần phải có đột phá trong xây dựng lại chung cư cũ. Nhà nước bỏ kinh phí đầu tư xây dựng lại chung cư và bán cho người dân với giá phù hợp. Ngoài ra, cần tuyên truyền cho người dân thấy lợi ích lâu dài trong việc sớm thay thế chung cư cũ.

(Nguồn: Người Lao Động)

Vì sao dự án nhà máy giấy hơn 3.400 tỷ tại Long An 'chết yểu'?

Nhà máy Bột giấy Phương Nam có tổng mức đầu tư 3.410 tỷ đồng tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đã được đầu tư cách nay 20 năm, dự án này vừa "sinh ra" thì phải "khai tử". Đây là dự án khó xử lý nhất trong 12 "đại dự án" kém hiệu quả của ngành Công Thương.

"Ông giao thông" đi sản xuất giấy

Dự án Bột giấy Phương Nam được UBND tỉnh Long An phê duyệt báo cáo khả thi vào tháng 10/2003, với tổng mức đầu tư là 1.487 tỷ đồng.

Dự án này được đầu tư ban đầu bởi Công ty TNHH một thành viên Phát triển Công nghiệp và Vận tải (TRACODI) - thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Bộ GTVT) - một đơn vị hoàn toàn xa lạ với lĩnh vực sản xuất giấy.

Dự án được xây dựng trên diện tích 45ha, quy mô sản xuất 100.000 tấn bột giấy/năm từ nguyên liệu đay. Đến tháng 11/2007, chủ đầu tư đã điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 2.287 tỷ đồng.

Do chủ đầu tư gặp khó khăn, tháng 6/2009, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển giao chủ đầu tư dự án từ TRACODI sang Tổng Công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO).

Theo báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập, tính tới ngày 30/6/2009 - thời điểm bàn giao chủ đầu tư sang VINAPACO, TRACODI đã thực hiện đầu tư vào dự án trên 2.000 tỷ đồng, bao gồm: 35% giá trị khối lượng xây lắp của nhà sản xuất chính; 40% khối lượng khu xử lý nước thải; nhà văn phòng và 30% khu nhà ở công nhân.

Mặc dù hạng mục xây dựng nhà xưởng chưa xong nhưng TRACODI đã cho mua toàn bộ máy móc thiết bị với giá trị trên 57 triệu euro và cũng cho nghiệm thu thanh toán 100% cho đơn vị cung cấp.

Sau khi tiếp quản dự án, VINAPACO đã điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 3.410 tỷ đồng, triển khai hoàn thành các hạng mục đầu tư dang dỡ. Tháng 6/2012, VINAPACO cơ bản hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị và chạy thử không tải. Tuy nhiên, quá trình chạy thử có tải không thành công, cả hệ thống luôn bị tắc nghẽn. Nguyên nhân là khâu chế biến nguyên liệu đầu vào cho chu trình sản xuất là chặt mảnh không đạt chất lượng theo yêu cầu.

Để khắc phục sự cố, VINAPACO đã mời các chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp giấy Việt Nam, chuyên gia của nhà thầu Andritz (Áo) nghiên cứu sự cố để khắc phục. Đồng thời, Viện Công nghệ giấy và xenluylo cũng tổ chức nghiên cứu thay thế nguyên liệu sản xuất từ đay sang gỗ cứng. Tuy nhiên, tất cả các kết quả nghiên cứu này đều khẳng định, không có khả năng khắc phục được sự cố, không thể chuyển đổi nguyên liệu.

Theo tính toán của Tư vấn độc lập được VINAPACO thuê, trong trường hợp nhà máy vận hành suôn sẻ thì nguyên liệu đay cũng chỉ đáp ứng cho 12 ngày nhà máy vận hành trong một năm. Trong khi đó, nếu nguyên liệu đủ đáp ứng cho hoạt động cả năm, thì khi sản xuất 1 tấn giấy bằng công nghệ này chủ đầu tư vẫn lỗ gần 5 triệu đồng, đó là chưa kể, hệ thống xử lý nước thải của dự án thiết kế chưa đạt yêu cầu xả thải theo quy chuẩn Việt Nam, phải đầu tư 60 tỷ đồng để nâng cấp.

Theo ông Vũ Ngọc Bảo, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, dây truyền sản xuất bột giấy từ cây đay tại nhà máy bột giấy Phương Nam chỉ duy nhất có tại Việt Nam. Công nghệ này từ phòng thí nghiệm đi thẳng ra thực tế, không phù hợp nên không hoạt động được.

"Nhà máy Bột giấy Phương Nam được xây dựng với mục tiêu sử dụng nguyên liệu đầu vào là cây đay, vì vậy thiết bị dây chuyền máy móc cũng được đầu tư trên cơ sở này. Nếu muốn chuyển sang sản xuất bột giấy từ gỗ và dăm mảnh thì phải thay đổi toàn bộ máy móc, thiết bị mới khác, chứ không thể tận dụng nâng cấp máy móc thiết bị hiện có được", ông Bảo phân tích.

Liên quan đến khó khăn, vướng mắc tại dự án này, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho biết, dự án đã có sai lầm ngay từ đầu khi lập dự án.

"Khi lập dự án, đơn vị chủ đầu tư không tính đến vùng nguyên liệu, không tính đến sản phẩm đầu ra, hiệu quả kinh tế trong đầu tư, công nghệ không phù hợp. Dự án này đã được Bộ Công Thương đề xuất và Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng thực hiện vào tháng 4/2014 (Văn bản số 195/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ).

Tính đến nay, dự án này đã nằm im bất động gần 10 năm, càng để kéo dài càng thêm thiệt hại, lãng phí nguồn lực đất đai rất lớn. Do đó, UBND tỉnh Long An kiến nghị Chính phủ quyết định chấm dứt dự án này để các bên xử lý tài sản trên đất, giao trả mặt bằng, để địa phương mời gọi đầu tư lĩnh vực khác", người đứng đầu chính quyền tỉnh Long An đề xuất.

Dự án khó xử lý nhất trong số 12 dự án kém hiệu quả

Trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Long An vào ngày 26/3 vừa qua, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương đã nhấn mạnh: Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam được khởi công xây dựng cách đây gần 20 năm. Đây là một trong số 12 dự án kém hiệu quả của ngành Công Thương trong thời gian qua. Việc xử lý chậm trễ dự án này gây ra lãng phí nguồn lực rất lớn.

Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phân tích, đánh giá, có các giải pháp cụ thể theo đúng thẩm quyền để đề xuất phương án cuối cùng trên tinh thần khả thi. Trên tinh thần chấm dứt dự án, Phó Thủ tướng lưu ý cần tiến hành xử lý tài sản và đất đai có liên quan, xử lý nợ,… theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp các bộ, ngành, đơn vị liên quan cũng như địa phương tổng hợp trước ngày 15/4/2023, đề xuất báo cáo Ban Chỉ đạo để trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Phó Thủ tướng cho biết, trong 12 dự án yếu kém, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã trình Bộ Chính trị phương án xử lý 8 dự án. Đối với 4 dự án còn lại (Bột Giấy Phương Nam; Thép Lào Cai; Thép Thái Nguyên, Đóng tàu Dung Quất) thì Dự án nhà máy giấy Phương Nam là khó khăn nhất.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, về thực tiễn các yếu tố bảo đảm cho dự án hoạt động đều không còn. Việc cơ quan có thẩm quyền đã chỉ đạo dừng dự án từ 2014 để tránh thiệt hại thêm là rất đúng đắn. Tuy nhiên, tiến độ xử lý chậm nên gây thiệt hại rất lớn.

Dự án không triển khai được thì phải xử lý theo quy định của pháp luật. Phương án đề xuất của Bộ Công Thương cần làm rõ các khoản nợ và giải pháp xử lý nợ; xử lý tài sản trên đất và các vấn đề liên quan tới đất đai, phải xây dựng phương án thanh lý tài sản, trong đó có các giải pháp cụ thể để xử lý các vấn đề liên quan.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định chấm dứt dự án. Về phía địa phương, cần điều chỉnh quy hoạch và điều chỉnh mục đích sử dụng đất,…

Tại cuộc họp, đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp cũng làm rõ một số vấn đề liên quan đến xử lý tín dụng; các vấn đề liên quan đến pháp lý để xử lý dự án. Đại diện các ngân hàng (chủ nợ), bày tỏ chia sẻ với khó khăn của VINAPACO và cho biết sẽ sẵn sàng hợp tác để xử lý các vướng mắc dự án theo quy định của pháp luật.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, từ thực tiễn tại địa phương, tỉnh Long An đề nghị sau khi chấm dứt dự án nhà máy giấy sẽ chuyển đổi mời gọi đầu tư dự án khu đô thị sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao tại khu đất này.

Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam được Thủ tướng cho phép Công ty Đầu tư phát triển Giao thông vận tải (TRACODI) làm chủ đầu tư vào tháng 10/2003 với số vốn hơn 1.487 tỷ đồng, quy mô 100.000 tấn bột giấy/năm. Tháng 11/2007, TRACODI điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 2.287 tỷ đồng.

Tháng 6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển giao chủ đầu tư dự án từ TRACODI sang VINAPACO, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh tăng lên mức 3.410 tỷ đồng.

Tháng 6/2012, VINAPACO cơ bản hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị và chạy thử không tải. Tuy nhiên, quá trình chạy thử có tải không thành công.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Công Thương về việc dừng đầu tư Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, đồng thời giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng phương án xử lý đối với dự án, như thanh lý, nhượng bán...

VINAPACO đã thực hiện 3 đợt chào bán đấu giá nhà máy: Lần đầu tiên là từ ngày 12 - 14/7/2017. Lần thứ hai, từ ngày 20/7 - 9/8/2017, gia hạn thêm 15 ngày; và lần thứ ba là từ ngày 23/8 - 22/9/2017 (gia hạn thêm 30 ngày). Tuy nhiên, các lần tổ chức bán đấu giá trên đã không thành công do không có nhà đầu tư tham gia đấu giá.

(Nguồn: CafeF)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang