Tìm cát cho dự án; Ai chịu trách nhiệm bỏ hoang 'đất vàng'; Quy hoạch đô thị vệ tinh HN; Kỷ luật nguyên PCT tỉnh Cà Mau

"Chạy đua" tìm cát cho các dự án giao thông trọng điểm

(Ảnh minh họa).

Đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh - dự án mang tính động lực phát triển của vùng Đông Nam Bộ đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt 30% lượng cát san lấp.

Nhiều dự án cao tốc đang thiếu hàng triệu m3 cát

Thời điểm này nhiều dự án giao thông trọng điểm, có tính liên kết vùng đang được các tỉnh, thành tích cực triển khai, nhằm sớm tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Tuy nhiên tiến độ của các dự án đang chịu áp lực rất lớn vì tình trạng thiếu vật liệu xây dựng, đặc biệt là nguồn cát san lấp.

Như dự án đường Vành đai 3 kết nối TP Hồ Chí Minh với Bình Dương - Đồng Nai - Long An dù sớm nhất phải đến tháng 6 mới khởi công các gói thầu đầu tiên, nhưng ngày từ thời điểm này, chính quyền TP Hồ Chí Minh và chủ đầu tư đã phải đau đầu trước nguy cơ thiếu cát.

Các khu vực tái định cư đang được chính quyền TP Hồ Chí Minh gấp rút hoàn tất, để có thể bố trí nơi ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Vành đai 3. Từ đó có thể kịp bàn giao mặt bằng cho dự án trước ngày 30/6 sắp tới. Tuy nhiên bên cạnh đó có bài toán khác cũng rất cấp thiết: giải quyết nguồn cát cho dự án. Dự án Vành đai 3 cần đến hơn 7,2 triệu m3 cát đắp. Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh tính toán, hiện có nguy cơ thiếu hụt đến hơn 30% số lượng này.

Chủ đầu tư dự án Vành đai 3 là Ban Giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm này, 3 loại vật liệu xây dựng là đất đắp, đá xây dựng, cát xây dựng đã được chuẩn bị đủ. Riêng với lượng cát đắp, tổ công tác chuyên trách đã thống kê được khoảng 100 mỏ vật liệu đang khai thác và được quy hoạch chờ khai thác. Tuy nhiên hiện tại chỉ một nửa trong số này đảm bảo được về trữ lượng và chất lượng.

"Công tác chuẩn bị vật liệu cho dự án Vành đai 3 là một thách thức trong bối cảnh nhiều dự án cao tốc đang được triển khai trong cùng khu vực, cùng thời điểm giai đoạn 2025 - 2027. Đặc biệt cát san lấp là thách thức lớn nhất, nhu cầu sẽ tăng cao nhất vào năm 2024, chiếm đến 50% khối lượng này", ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết.

Để tránh tình trạng không đủ cát thi công, chính quyền TP Hồ Chí Minh đang tìm cách đàm phán để được hỗ trợ từ các các tỉnh vùng Tây Nam Bộ có trữ lượng cát lớn như Vĩnh Long, Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp... với mong muốn "năng nhặt chặt bị".

"Chủ động bằng 2 việc một là mở rộng tìm kiếm tại các tỉnh mà không chịu áp lực bởi các dự án trọng điểm. Thứ hai là rà soát lại các mỏ quy hoạch, mở rộng để lấy nguồn này để cung cấp cho các nguyên vật liệu đang thiếu", ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết.

Các ngành chức năng cũng đang đề xuất, tính toán đến phương án tìm loại vật liệu khác có thể thay thế được cho lượng cát đắp đang thiếu hụt. Tuy nhiên theo các chuyên gia, phương án này cần được nghiên cứu kĩ lưỡng để vật liệu thay thế này đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, tránh ảnh hưởng đến chất lượng của dự án.

Không khai thác cát tuỳ tiện, phải có sự điều tiết

Cách đây ít ngày, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cũng đã có chuyến khảo sát thực tế tại khu vực này để đánh giá tình hình. Theo đó tại Đồng bằng Sông Cửu Long, công suất khai thác cát hiện chỉ đạt khoảng 15,6 triệu m3/năm. Tuy nhiên, nhiều mỏ chất lượng kém, không đáp ứng yêu cầu.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo và có đề xuất cụ thể về tình trạng thiếu cát, vật liệu san lấp. Phó Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu khai thác các mỏ mới phải tránh gây hệ lụy cho môi trường.

"Đối với các mỏ mới, riêng khai thác cát phải có khảo sát có đánh giá và phải giám sát về vấn đề môi trường. Bởi vì chúng ta không thể khai thác tùy tiện mà phải có sự điều tiết. Cũng có một yêu cầu là cấp cho đường giao thông, cho các tuyến cao tốc, khi kết thúc thì phải chấm dứt khai thác", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu.

Các địa phương san sẻ nguồn cát xây dựng

Trước các thách thức nói trên, một số địa phương tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long cũng đang lên các phương án cân đối, san sẻ nguồn cát để vừa đảm bảo cho dự án trên địa bàn, vừa hỗ trợ được các dự án trọng điểm của địa phương khác.

An Giang là một trong những địa phương có trữ lượng cát sỏi lòng sông lớn nhất tại khu vực Tây Nam Bộ, đạt khoảng 20 triệu m3. Chính quyền tỉnh này cho biết hiện đã đáp ứng đủ nhu cầu cho các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn. Với lượng cát dôi dư, tỉnh sẽ cân nhắc hỗ trợ các địa phương có liên quan đến tuyến đường cao tốc chung, và hồ sơ thiết kế buộc phải dùng cát nước ngọt.

"Để triển khai các công trình giao thông trọng điểm, tỉnh An Giang cũng như các tỉnh khác cũng sẽ tính toán cân nhắc, trong phạm vi để cân đối nguồn vật liệu xây dựng. Tôi nghĩ là An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang là có điều kiện để phát triển nguồn vật liệu cát sỏi lòng sông để hỗ trợ", ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh An Giang cho biết.

Còn khả năng khai thác tại tỉnh Đồng Tháp mỗi năm đạt khoảng 7 triệu m3 cát, bằng phân nửa so với nhu cầu hiện nay. Lãnh đạo địa phương cho biết sẽ đánh giá lại trữ lượng để có phương án tăng mức khai thác để đáp ứng yêu cầu phát triển.

"Chúng tôi sẽ đánh giá lại tất cả trữ lượng. Đối với các cồn mới nổi, có lượng cát đủ điều kiện đáp ứng công trình thì sẽ xin phép Thủ tướng cho phép nạo vét trữ lượng này", ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp thông tin.

Trước nhu cầu cát san lấp tăng cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về thủ tục rút gọn để cấp phép đối với các mỏ khai thác mới. Còn đối với các mỏ đang hoạt động thì cho phép có thể khai thác tối đa đến 50%. Theo đại diện Cục Khoáng sản, trách nhiệm san sẻ nguồn vật liệu giữa các địa phương cũng đóng vai trò quan trọng để hoàn tất cả dự án trọng điểm.

"Đề nghị các tỉnh còn dư tiềm năng về vật liệu san lấp, thì sẽ chịu trách nhiệm chia sẻ cho các tỉnh còn thiếu. Hiện tại Cục Khoáng sản đang phối hợp với các địa phương để tổng hợp các tiềm năng về vật liệu san lấp, trên cơ sở đó có kế hoạch đảm bảo nhu cầu theo tiến độ", ông Trần Phương, Phó Cục Trưởng Cục Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Giới chuyên gia kiến nghị cần sớm có được một danh mục chi tiết về các mỏ vật liệu, cũng như biểu đồ nhu cầu cát cho từng dự án ứng với từng giai đoạn cụ thể. Tạo cơ sở để Chính phủ và các bộ ngành điều tiết, phân bổ hợp lý.

Bộ Giao thông vận tải cũng thông tin qua khảo sát của đơn vị tư vấn và làm việc với các địa phương, trữ lượng vật liệu để làm đường cao tốc không thiếu. Do đó theo các chuyên gia, yếu tố then chốt là sự quyết liệt trong triển khai các giải pháp và sự phối hợp, san sẻ giữa các địa phương.

Cuộc "chạy đua" tìm cát hiện nay không chỉ là "chạy đua' cho kịp tiến độ, mà còn là cuộc "chạy tiếp sức" giữa các bên liên quan, để cùng đạt mục tiêu chung là tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

(Nguồn: CafeF)

Ai chịu trách nhiệm bỏ hoang 'đất vàng'?

Những khu đất vàng, đất kim cương bỏ hoang hàng thập kỷ đếm không hết ở TP.HCM. Và không thể tính toán được nguồn lực xã hội khổng lồ đang bị lãng phí kéo dài. Vậy ai chịu trách nhiệm cho sự lãng phí này?

Luật vênh nhau

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, khẳng định câu chuyện các dự án "treo" hàng thập kỷ không bị thu hồi là vấn nạn đã diễn ra từ nhiều chục năm trước, bắt nguồn từ những bất cập trong hệ thống luật, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Cụ thể, theo quy định thì một dự án đầu tư được gọi là "treo" nếu sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc sau 24 tháng sử dụng đất không đúng tiến độ triển khai đã đề ra.

Luật Đất đai 2003 quy định, những dự án như thế sẽ bị thu hồi đất và trả lại phần tài sản đã đầu tư trên đất, trừ trường hợp các dự án được UBND cấp tỉnh gia hạn. Đến luật Đất đai 2013, sửa thành các dự án chậm triển khai được gia hạn thêm 24 tháng, nếu vẫn không triển khai thì bị thu hồi đất. Thế nhưng, luật Đầu tư thì quy định, sau 12 tháng dự án không có hoạt động đầu tư thì rút phép đầu tư. "Chưa nói đến mỗi luật đưa ra một mốc thời gian khác nhau làm khó cho việc xử lý các dự án chậm triển khai, còn thêm quy định về gia hạn, số lần được gia hạn nên nếu tính tổng ra, các dự án có thể được "treo" tới 5 - 6 năm", ông Đức nhận xét.

Cần có chế tài và chỉ rõ người chịu trách nhiệm

Bất cập đầu tiên là từ luật, song luật sư Trương Thanh Đức đánh giá, danh sách các dự án lớn "treo" tại TP.HCM hay Hà Nội hiện nay đều đã quá những mốc thời gian cho phép rất nhiều. Hầu hết đều là những dự án quy mô rất lớn, chậm trễ hàng thập kỷ. Nghĩa là, vấn đề không còn chỉ nằm ở luật mà có trách nhiệm rất lớn từ những người triển khai. Dù vậy, ông Đức thừa nhận công tác thu hồi cũng không dễ dàng.

Với những dự án do nhà nước triển khai thì có thể dễ dàng tuyên bố dừng ngay được, nhưng các dự án đã có chủ đầu tư cắm cọc thì sẽ rất khó khăn. Dù doanh nghiệp bỏ ra 1 đồng cũng là tài sản hợp pháp của họ. Trong khi một dự án có nhiều lý do dẫn đến vướng mắc, không thể triển khai. Nếu trường hợp không đàm phán được với chủ đầu tư thì kể cả với doanh nghiệp vi phạm, nhà nước cũng không thể thu hồi tài sản hợp pháp của họ. Với trường hợp các dự án đã có công trình xây dựng dang dở thì còn phức tạp hơn.

"Nhưng vì bất cứ lý do gì, các dự án chậm trễ nhiều năm để lại ảnh hưởng rất nặng nề cho người dân, cho nền kinh tế và sự phát triển của đô thị. Vì thế, cần có chế tài và chỉ rõ người chịu trách nhiệm. Có một điều bất công hiện nay là nếu người dân vi phạm thì sẽ lập tức phải gánh hậu quả, chịu trách nhiệm trước pháp luật; nhưng khi chính quyền vi phạm, gây thiệt hại nặng nề cho người dân thì không ai chịu trách nhiệm", ông Đức nói. Vì thế, luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị cần sửa từ gốc của vấn đề, đó là luật. Đầu tiên, cần thống nhất thời gian dự án được cấp phép, sau bao lâu không triển khai thì bị thu hồi. Sau đó, Quốc hội cần ban hành luật với chế tài cụ thể đối với các dự án treo quá hạn. Trong đó, phân loại cụ thể: Nếu dự án chậm lỗi do phía chính quyền thì phải đền bù thỏa đáng thiệt hại của cả người dân và chi phí cơ hội cho chủ đầu tư. Đồng thời, chỉ rõ người chịu trách nhiệm cá nhân là người phê duyệt hay có trách nhiệm dỡ bỏ dự án, không quy trách nhiệm về phía nhà nước một cách chung chung như hiện nay. Nếu lỗi thuộc về chủ đầu tư năng lực tài chính yếu kém, cố tình chây ỳ thì xử phạt thật nặng, đền bù cho người dân, thậm chí yêu cầu khởi tố. "Quan trọng nhất, cần quy định nếu dự án quá thời hạn triển khai mà vẫn không bị thu hồi thì người dân được quyền quay về ở, được xây nhà, trồng lúa, được toàn quyền hợp pháp như trước khi có quy hoạch. Đây là cách để tạo sức ép cho cả phía nhà nước và chủ đầu tư", luật sư Trương Thanh Đức đề xuất.

Không thể để "treo" vô tận

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhấn mạnh nhà nước phải có quy định thời gian cụ thể, không thể để "treo" vô tận như hiện nay, rất tội cho người dân vì không được làm gì và giá đất tại các dự án "treo" theo đó cũng không thể tăng.

"Trong văn bản chấp thuận đầu tư, nhà nước nên kèm theo quy định trong 5 năm dự án phải được triển khai. Nếu sau 5 năm không làm thì dự án sẽ bị thu hồi. Luật hiện nay quy định sau 2 năm nếu dự án không triển khai sẽ bị thu hồi, nhưng quy định này không khả thi vì trong 2 năm một dự án không thể xong thủ tục pháp lý, không thể xây dựng được. Một dự án để xong các thủ tục pháp lý thường kéo dài 3 - 5 năm", ông Nghĩa phân tích và cho rằng, bản chất quy hoạch là phải "treo" để tốt cho con cháu sau này, tốt cho TP. Nhưng hiện nay nhiều dự án "treo" vô thời hạn, làm khổ dân. Do đó, nhà nước phải tính toán làm sao để không gây thiệt hại cho người dân. Trong thời gian 5 năm đó, nên cho người dân được xây dựng tạm. Sau 5 năm nếu dự án không làm, đương nhiên nhà của người dân sẽ được công nhận và được cập nhật vào sổ hồng. Khi làm dự án, chủ đầu tư phải bồi thường cả đất và nhà cho người dân thỏa đáng, ông Lê Hữu Nghĩa kiến nghị.

(Nguồn: Thanh Niên)

Quy hoạch đô thị vệ tinh Hà Nội: Nhiều công trình bỏ hoang, lãng phí

(Ảnh minh họa).

“Hà Nội tắc đường, ô nhiễm, Hà Nội cứ mưa là lụt lội”… đó là những vấn đề nổi cộm của Thủ đô kỳ vọng sẽ được giải quyết triệt để bằng dự án quy hoạch đô thị vệ tinh, quyết tâm giãn dân ra bên ngoài nội đô. Thế nhưng sau hơn 10 năm triển khai, nhiều vùng lõi trong các khu đô thị vệ tinh đang rơi vào tình trạng đắp chiếu, bị bỏ hoang một cách lãng phí.

Đô thị lõi hoang tàn, thiếu sức hút

Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ TTg ngày 26.7.2011 đã xác định cấu trúc phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh Hà Nội là Sóc Sơn, Thạch Thất, Sơn Tây, Phú Xuyên, Xuân Mai.

Trong đó đô thị vệ tinh Hòa Lạc (huyện Thạch Thất) được đánh giá là đô thị vệ tinh lớn, hình thành sớm nhất trong số 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội. Dự kiến nơi đây sẽ hình thành 7 khu vực chức năng, trong đó có hai phân khu quan trọng là phần lõi của đô thị Hòa Lạc gồm Khu Đại học Quốc gia Hà Nội và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Trải qua hơn 10 năm triển khai, hiện đô thị vệ tinh Hoà Lạc mới chỉ thu hút được một vài doanh nghiệp tiên phong như Viettel, VNPT, FPT... trong khi công trình xây dựng trọng điểm trường Đại học Quốc gia Hà Nội còn dở dang, chưa hoàn tất GPMB, khiến người dân tại đây phải sống trong cảnh thấp thỏm bởi nhà cửa xuống cấp, xập xệ nhưng không được phép sửa chữa, cải tạo.

Ông Cấn Văn Tân (sinh sống tại thôn 5, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất) than thở, việc triển khai chậm trễ dự án trường Đại học Quốc gia Hà Nội đang gây ra sự lãng phí lớn. Nhiều năm nay công trình xây dựng này vẫn chưa thể đưa vào khai thác, tận dụng hết. Thậm chí có thời điểm chỉ thấy lác đác các đoàn sinh viên lên học quân sự, 1 - 2 giảng đường mở cửa dạy học nên việc giãn dân, di dời các trường đại học trong nội đô không biết khi nào trở thành hiện thực.

Đề cập đến vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Văn Cường (trưởng thôn 5, xã Thạch Hoà) cho biết, trong thôn có khoảng 400 hộ dân, nhưng có đến 317 hộ nằm trong vùng lõi quy hoạch trường Đại học Quốc gia Hà Nội phải di dời. Hơn 10 năm qua dự án xây dựng trường Đại học Quốc gia Hà Nội chưa hoàn tất do còn nhiều vướng mắc về quy hoạch, công tác đền bù, tái định cư, diện tích chồng lấn không rõ ràng khiến vùng lõi của dự án hoang vắng, nhiều công trình xây xong nhưng chưa sử dụng, bỏ hoang lãng phí.

Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư

Nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, quy hoạch đô thị vệ tinh được định hướng phát triển hoàn chỉnh đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội một cách độc lập và hỗ trợ, giảm tải một số chức năng cho đô thị trung tâm như công nghiệp, giáo dục, công nghệ cao, đào tạo, y tế, du lịch, đầu mối hạ tầng kỹ thuật diện rộng... góp phần vào việc giãn dân tại khu vực nội đô Hà Nội.

Tại hội nghị trước đó, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất - ông Nguyễn Mạnh Hồng - cũng đã chỉ đạo, trong thời gian tới đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý dự án, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo đề xuất của Đại học Quốc gia Hà Nội như đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt ưu tiên những hạng mục Đại học Quốc gia Hà Nội đang cần triển khai đầu tư xây dựng dở dang, các công trình khởi công năm 2022 - 2023 trước, đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật. Đẩy nhanh đền bù giải phóng mặt bằng khu tái định cư, tiến độ kiểm đếm, bồi thường cho các phần diện tích đất còn lại theo kế hoạch, ưu tiên xử lý dứt điểm các vị trí đầu tư xây dựng năm 2022.

KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho biết, từ một đô thị nhỏ nằm phía Nam sông Hồng, qua gần 7 thập kỷ, không gian đô thị Hà Nội đã mở rộng ra ngoài phạm vi của nội đô lịch sử, vượt sông phát triển sang phía Bắc sông Hồng. Đặc biệt với lần mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008, Hà Nội đã trở thành đô thị lớn nhất cả nước với hơn 3.300km2, nhưng cũng là thách thức lớn đặt ra cho quá trình phát triển.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã đạt được yêu cầu về phát triển không gian đô thị, tạo điều kiện để phân bổ lại sức sản xuất, phân bổ lại dân cư, cũng như các khu chức năng phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên và phù hợp với các yêu cầu phát triển hiện nay. Đặc biệt, Hà Nội đã và đang đi theo xu hướng chung của các nước trên thế giới là quy hoạch các đô thị vệ tinh, tạo nên các vành đai xanh, kéo giãn dân ra khỏi khu vực nội đô chật chội.

(Nguồn: Lao Động)

Thanh tra Chính phủ đề nghị kỷ luật một nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

Người nhà nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã sở hữu cổ phần của Công ty Cổ phần Dịch vụ - Thương mại Cà Mau trong thời điểm vị này có thẩm quyền trong việc cổ phần hóa.

Tối 16-3, theo nguồn tin của phóng viên Báo Người Lao Động, trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ về việc kiểm tra, xác minh và đề xuất hướng xử lý nội dung phản ánh, kiến nghị của tập thể cán bộ hưu trí tỉnh Cà Mau đề nghị việc cổ phần hoá, chuyển nhượng cổ phần cho người nhà một nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh không đúng quy định của pháp luật tại Công ty Cổ phần Dịch vụ - Thương mại Cà Mau.

Theo Thanh tra Chính phủ, qua kiểm tra, xác minh cho thấy nội dung phản ánh, kiến nghị trên là đúng.

Cụ thể, việc cổ phần hóa Công ty Dịch vụ - Thương mại Cà Mau được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định 109/2007/NĐ-CP và Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Sau đó, ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (thời điểm đó) phê duyệt phương án xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp chuyển Công ty Dịch vụ - Thương mại Cà Mau thành công ty cổ phần. Theo đó, vốn điều lệ là 25 tỉ đồng, số lượng cổ phần phát hành lần đầu là 2,5 triệu cổ phần (mệnh giá cổ phần là 10.000 đồng loại cổ phần phổ thông); nhà đầu tư chiến lược là Công ty CP Tập đoàn Intimex, với phương thức bán cổ phần bằng thỏa thuận góp vốn.

Cụ thể: Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, với 1.848.000 cổ phần, tương đương 73,92% tỷ lệ vốn góp (chuyển nợ thành vốn góp theo tỷ lệ 1:1); Công ty CP Tập đoàn Intimex, với 625.000 cổ phần, tương đương 25% tỷ lệ vốn góp (góp bằng tiền mặt); cán bộ, công nhân viên của công ty, với 27.000 cổ phần, tương đương 1,08% tỷ lệ vốn góp (góp bằng tiền mặt).

Công ty Dịch vụ - Thương mại Cà Mau được chuyển thành Công ty Cổ phần Dịch vụ - Thương mại Cà Mau và bắt đầu đi vào hoạt động vào ngày 1-1-2013.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra việc UBND tỉnh Cà Mau không ràng buộc trách nhiệm nhà đầu tư chiến lược theo quy định của pháp luật đã vi phạm về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, dẫn đến sau hơn một năm Công ty CP dịch vụ - thương mại Cà Mau đi vào hoạt động, Công ty CP Tập đoàn Intimex đã chuyến nhượng toàn bộ 625.000 cổ phần cho ông Trần Văn Đàm (em rể ông Dương Tiến Dũng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau).

Ông Dũng thời điểm này là người phê duyệt phương án xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp chuyển Công ty dịch vụ - thương mại Cà Mau thành công ty cổ phần.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng xác định có người nhà ông Dương Tiến Dũng gồm 2 người con ruột (Dương Anh Đào, Dương Dũng Trí) , em vợ (Trần Hồng Nga) và em rể (Trần Văn Đàm) sở hữu cổ phần của Công ty Cổ phần dịch vụ - thương mại Cà Mau từ tháng 7-2014 đến tháng 1-2018.

Việc sở hữu cổ phần này xuất phát từ việc nhận chuyển nhượng cổ phần của tổ chức, cá nhân khác, không phải được quyền sở hữu từ phương án xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp chuyển Công ty Dịch vụ - Thương mại Cà Mau thành công ty cổ phần mà Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt. Người ký trực tiếp là ông Dương Tiến Dũng.

Như vậy, việc cổ phần hóa Công ty Dịch vụ - Thương mại Cà Mau chưa được thực hiện đúng theo quy định trong việc ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư chiến lược, dẫn đến việc nhà đầu tư chiến lược chuyển nhượng cổ phần trước thời hạn (tối thiểu là 5 năm) cho ông Trần Văn Đàm.

Cũng theo báo báo của Thanh tra Chính phủ, người nhà của ông Dương Tiến Dũng sở hữu cổ phần của Công ty Cổ phần dịch vụ - thương mại Cà Mau trong thời điểm vừa kết thúc quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp mà ông Dương Tiến Dũng là người có thẩm quyền trong việc cổ phần hoá. Do đó, cần tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Dương Tiến Dũng về những vi phạm như đã nêu.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang