Dẹp loạn đòi sổ hộ khẩu; Khi Việt kiều được thừa kế nhà ở VN; Quy định định giá đất; Điện tái tạo bao giờ hết 'ế'

Dẹp loạn đòi sổ hộ khẩu, xác nhận cư trú

(Ảnh minh họa).

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TPHCM và nhiều địa phương đã đồng loạt triển khai thực hiện các quy định liên quan đến thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, không còn đòi giấy xác nhận cư trú, tạo thuận lợi cho người dân đến làm thủ tục hành chính.

Tại tỉnh Bình Dương, ngày 15/3, ông Võ Anh Tuấn - Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết, chính quyền tỉnh vừa chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương không được yêu cầu người dân xuất trình giấy xác nhận hoặc nộp sổ khẩu, sổ tạm trú giấy trong thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự khi đã có dữ liệu về dân cư được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. “Sử dụng tài khoản định danh điện tử ứng dụng “VNeID” trên điện thoại di động thông minh có kết nối mạng internet và các phương thức sử dụng thông tin công dân thay cho việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú”, ông Tuấn cho hay.

Để tìm hiểu thực tế, PV đã đến ghi nhận tại trụ sở công an, Văn phòng một cửa trên địa bàn tỉnh Bình Dương về công tác giải quyết các thủ tục hành chính. Có mặt tại trụ sở Công an phường Định Hòa (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) vào sáng 15/3, chị Nguyễn Thị Thanh Vân (quê Hà Tĩnh) cho hay: “Tôi đến đây làm thủ tục nhập khẩu vào nhà người thân, chỉ cần xuất trình căn cước công dân, ghi vào tờ khai là được, không cần xác nhận tạm trú hoặc sổ hộ khẩu”.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng có văn bản chỉ đạo triển khai Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 28/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. UBND tỉnh đề nghị các cơ quan chức năng không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, các đơn vị kiểm tra và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm; nâng cấp các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, đảm bảo việc kết nối tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ việc tra cứu thông tin về cư trú trong thực hiện thủ tục hành chính.

Theo ghi nhận, sau khi có chỉ đạo từ UBND tỉnh Đồng Nai, các cơ quan đơn vị không còn yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính. Tình hình thực hiện giải quyết thủ tục hành chính liên quan diễn ra thuận lợi hơn.

Hết thời hành... là chính

Sau khi UBND TPHCM có chỉ đạo khẩn, UBND các phường không còn đòi người dân nộp sổ hộ khẩu giấy hoặc giấy xác nhận cư trú khi đến thực hiện các thủ tục hành chính. Tại UBND phường An Lạc (quận Bình Tân) và một số địa phương PV có mặt trong ngày 15/3, nhiều người dân đến phường làm thủ tục hành chính không phải mang theo sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cùng giấy xác nhận cư trú. Anh Lê Văn Giàu (ngụ quận Bình Tân) cho biết, anh đến UBND phường làm khai sinh cho con. Cán bộ phường hướng dẫn anh điền thông tin vào tờ khai và xuất trình căn cước công dân mà không cần sổ hộ khẩu.

Khi PV hỏi về thủ tục đăng ký kết hôn với người đang có đăng ký tạm trú tại phường Phú Mỹ (quận 7), vị cán bộ phụ trách cho biết trong trường hợp này người dân vẫn phải về đúng nơi đã đăng ký thường trú để đăng ký kết hôn theo quy định.

(Nguồn: Soha)

Trường hợp nào Việt kiều được thừa kế nhà ở tại Việt Nam?

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở thông qua hình thức như mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế... nhưng phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Tôi năm nay 68 tuổi, là người gốc Việt Nam. Hiện tôi đang sống tại Đức và đã có quốc tịch tại nước này. Dù không còn quốc tịch Việt Nam nhưng tôi được cấp thị thực nhập cảnh về nước nhiều lần.

Năm 1996, tôi có gởi tiền về Việt Nam để mẹ mua một căn nhà do mẹ đứng tên. Bố tôi mất cách đây 5 năm, nay mẹ cũng qua đời không để lại di chúc, gia đình tôi chỉ còn tôi và người em gái.

Do tôi không có tài sản nào, mong muốn được về Việt Nam ở tại căn nhà này để thờ phụng nhang khói cho ông bà tổ tiên. Tuy nhiên, hiện tại tôi đang rất lo lắng, có nguy cơ căn nhà sẽ bị chia cho em gái.

Em tôi đã có nhà riêng, nếu tôi đưa tiền tương đương với một nửa giá trị căn nhà, thì tôi có được đứng tên không? Pháp luật quy định sao về quyền sở hữu nhà ở đối với người Việt kiều như tôi?

Bạn đọc Đạt Nguyễn gửi câu hỏi đến Thanh Niên.

Luật sư tư vấn

Luật sư - TS Nguyễn Thị Kim Vinh (Giám đốc Công ty luật TNJ) tư vấn, theo Điều 3 luật Quốc tịch Việt Nam 2008, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Như vậy, trường hợp của bạn được xem là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Căn cứ Điều 7 luật Nhà ở 2014, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc một trong những đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Theo đó, điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở là có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức như mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở… và phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam (Điều 8 luật Nhà ở 2014).

Bạn được phép nhập cảnh vào Việt Nam và được hưởng thừa kế nên được quyền sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, theo luật sư Kim Vinh, bạn và em gái nên thương lượng với nhau xem ai nhận nhà, ai nhận tiền.

"Nếu trường hợp các bên không thương lượng được, thì phải khởi kiện ra tòa án. Khi ấy, tòa án sẽ xem xét đánh giá, hoàn cảnh của 2 bên như ai chưa có nhà ở, công sức đóng góp… để quyết định cho người đó được nhận căn nhà. Người được nhận nhà phải thanh toán lại một nửa giá trị căn nhà cho người còn lại", luật sư Kim Vinh chia sẻ.

(Nguồn: Thanh Niên)

Quy định về định giá đất: Có gỡ vướng được cả nghìn dự án?

(Ảnh minh họa).

Theo ông Ngô Gia Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam, điều 153 của dự thảo Luật Đất đai đưa ra nguyên tắc, phương pháp định giá đất còn quá nhiều cụm từ khó hiểu, định tính, khó thực hiện.

Khó thực hiện

Ông Cường cho rằng, việc định hướng mức độ chính xác của Bảng giá đất như trong dự thảo Luật sẽ tạo áp lực rất lớn lên đội ngũ xây dựng Bảng giá đất với khối lượng công việc cực lớn khi phải lựa chọn, phân loại mức độ tin cậy, bóc tách yếu tố hình thành giá để chiết trừ ra giá đất từ số liệu giao dịch thành công. “Đấy là chưa kể phải có thời gian để thị trường không còn tình trạng giao dịch 2 giá (giá trên hợp đồng khác với giá chuyển nhượng thực tế)”, ông Cường nêu.

Từ kỳ vọng quá lớn này, Ban soạn thảo đang sử dụng Bảng giá đất để xác định giá khởi điểm bán đấu giá đất đối với cả đất ở riêng lẻ và giá đất dự án có sử dụng đất ở, đất thương mại dịch vụ, đất hỗn hợp. Điều này sẽ tạo gánh nặng trách nhiệm rất lớn lên bộ phận được giao trách nhiệm xây dựng bảng giá đất hàng năm.

4 lô đất ở Thủ Thiêm vẫn chờ đấu giá

Ngày 15/3, đại diện Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TPHCM cho biết, sau khi các doanh nghiệp bỏ cọc thì 4 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm được giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM quản lý. Thời gian tổ chức đấu giá lại các lô đất này vẫn chưa chốt và chờ quyết định của UBND TPHCM. DUY QUANG

Ông Cường đề xuất, cơ quan chủ trì cần nghiên cứu quy định cụ thể, khả thi hơn để giúp bộ phận thực hiện trực tiếp không vướng phải lỗi không thể loại trừ, chứng minh đã làm hết trách nhiệm nhưng không thể sàng lọc theo quá nhiều yêu cầu phức tạp như vậy. “Đây là quy định rất nhạy cảm, đề nghị được thảo luận kỹ giữa tổ soạn thảo với bộ phận trực tiếp xác định giá đất tại các địa phương để có đồng thuận, thống nhất cao”, ông Cường kiến nghị.

Theo PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, công tác tổ chức thực hiện việc xây dựng bảng giá đất và giá đất cụ thể theo quy định của dự thảo Luật sẽ tạo ra một khối lượng công việc rất lớn. Đặc biệt, giá đất cụ thể sẽ phải được xây dựng, thẩm định, phê duyệt liên tục mỗi khi có giao dịch. “Chúng tôi chưa thể hình dung được là các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh cũng như cấp huyện phải tổ chức công việc như thế nào để có thể xây dựng hai loại giá này. Đây cũng là một dấu hỏi liên quan đến tính khả thi của việc xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất cũng như giá đất cụ thể”, ông Sỹ nêu.

Ông Sỹ cũng cho rằng, quy định về các trường hợp áp dụng Bảng giá đất và Giá đất cụ thể trong dự thảo Luật còn quá phức tạp, gây khó khăn trong thực thi một cách không cần thiết. Ông đề xuất nên thiết kế đơn giản hơn theo hướng, Bảng giá đất chỉ áp dụng trong trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện các nghĩa vụ tài chính về đất đối với Nhà nước (như nộp tiền sử dụng đất, các loại thuế).

Sẽ không còn giá ảo như Thủ Thiêm?

Hậu đấu giá đất Thủ Thiêm, thị trường đất nền khu Đông TPHCM tiếp tục rơi vào ảm đạm do giá tăng ảo, khó khăn vì bị siết tín dụng.

Đầu năm 2022, khi vụ đấu giá đất Thủ Thiêm vừa xong, mấy lô đất của chị Nguyễn Thị Hoàng ở phường Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức, TPHCM) từ 6,3 tỷ đồng/100 m2 được đẩy lên gần 7 tỷ đồng. Thấy được giá, chị Hoàng bán 2 lô và giữ lại 4 lô với kỳ vọng chờ tăng giá. Hiện chị cần tiền nên rao bán tiếp 2 lô đất nói trên nhưng giá chỉ nằm ở mức 6 tỷ đồng/lô. “Tuy nhiên, họ chỉ hỏi cho vui chứ có ai mua đâu. Tôi gửi thông tin cho nhiều cò đất từ tháng Chạp năm ngoái nhưng tới nay vẫn chưa bán được”, chị Hoàng nói.

Tương tự, tại khu Đông Thủ Thiêm, Nam Rạch Chiếc, Cát Lái, Đảo Kim Cương trước kia được giao dịch với giá 200 - 250 triệu đồng/m2 thì nay chỉ còn 170 - 180 triệu đồng/m2. Đất dọc tuyến đường Trương Văn Bang (kế bên Khu đô thị mới Thủ Thiêm) ở mức 500 triệu đồng/m2 trước đây thì nay chỉ còn 350 - 400 triệu đồng/m2. Khảo sát của PV Tiền Phong cho thấy, nhà chung cư ở vị trí giáp sông tại khu vực Thủ Thiêm ghi nhận mức cao nhất khoảng 210 triệu đồng/m2, giảm hơn 10% so với thời điểm đầu năm 2022.

Báo cáo của DKRA Group chỉ ra, mặt bằng giá thứ cấp trong 2 tháng đầu năm giảm 10 - 23% so với thời điểm cuối năm 2022, mức giảm phổ biến 100 - 690 triệu đồng/nền hoặc lên đến 1 tỷ đồng/nền và tập trung chủ yếu ở nhóm các nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy tài chính, nhất là khách hàng có sử dụng chương trình ưu đãi lãi suất, ân hạn nợ gốc của các chủ đầu tư.

(Nguồn: CafeF)

Điện tái tạo tại Việt Nam bao giờ hết 'ế'?

Mới đây, 36 nhà đầu tư điện tái tạo đã cùng ký văn bản kiến nghị thủ tướng về những bất cập trong cơ chế giá phát điện khiến 34 nhà máy điện đã đầu tư xong nhưng không thể bán điện cho EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam).

Vì là mặt hàng không có tồn kho do khả năng lưu trữ điện năng ở các hệ thống lưu trữ năng lượng rất hạn chế, nên điện năng được sản xuất ra khi có nhu cầu tiêu thụ. Do đó, quá trình sản xuất và tiêu thụ điện năng phải được diễn ra đồng thời và về mặt kỹ thuật, phải luôn luôn cân bằng. Tuy vậy, ở Việt Nam hiện nay đang có 34 nhà máy điện tái tạo, bao gồm 28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời, đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy, vượt qua giai đoạn thử nghiệm, đủ điều kiện phát điện lên lưới, nhưng vẫn chưa thể bán điện cho EVN.

Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả nói với RFA:

“Năng lượng tái tạo thì có một thời kỳ người ta đổ xô đầu tư xây dựng rất nhiều. Nhưng khi xây dựng xong thì không đủ đường tải điện, cho nên cuối cùng thì EVN chỉ mua điện từ một số nhà máy thôi. Và hiện nay họ đang tính toán lại xem giá mua là bao nhiêu. Cho nên năng lượng tái tạo hiện nay vẫn chiếm một tỷ lệ nhỏ thôi dù tiềm năng rất lớn.

Giá cả cũng cao hơn giá điện than và giá thủy điện. EVN cũng mua có mức độ, đồng thời họ vẫn chờ chính phủ thông qua giá để quyết định vì giá nhà nước công bố cho mua rất thấp. Cái chính là đường tải điện không đủ năng lực để đáp ứng cái cung của nguồn điện gió.”

Tháng 12 năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới khảo sát các dự án điện gió ven biển tại tỉnh Bạc Liêu. Ông Chính yêu cầu phải xem xét lại về giá điện, đàm phán lại về các dự án điện gió đã triển khai để người dân không phải chịu giá điện cao như hiện nay.

Trong văn bản kêu cứu gửi tới thủ tướng mới đây, các nhà đầu tư dự án điện tái tạo cho biết, tính đến thời điểm hiện tại có 6 nhà máy điện mặt trời đã nằm chờ cơ chế hơn 26 tháng, và 28 nhà máy điện gió đã phải nằm chờ 16 tháng.

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng nêu nhận định của ông với RFA sáng 14 tháng 3:

“Thực tế thì trong tương lai, điện mặt trời dùng cũng sẽ có mức thôi và họ sẽ sử dụng điện gió vì điện mặt trời tốn đất lắm. Phần lớn đất đó là đất dùng cho nông nghiệp. Bây giờ nếu dùng để xây dựng thì sẽ không có đất cho nông nghiệp. Điện gió thì ít chiếm đất hơn vì người ta có thể xây dựng ở gần biển mới nhiều gió. Nhưng mà điện gió cũng cần phải có lưới điện tức là phải truyền điện đến trục chính Nam Bắc. Hiện giờ chưa đủ nên người ta phải tính toán lại.

Xây dựng những nhà máy điện gió thì nhanh nhưng xây đường dây điện để đưa điện từ nhà máy điện gió đến lưới điện quốc gia là vẫn chưa đồng bộ. Làm đường dây đến đâu thì phải giải phóng mặt bằng đến đó, tức là phải lấy đất của dân hoặc đi qua vườn tược của người ta. Mà làm như thế là phải bồi thường cho người ta. Mà hiện nay vấn đề đền bù là vấn đề khó khăn nhất. Đang chờ sửa đổi Luật đất đai. Sửa làm sao để giá đền bù mà người ta chấp nhận được. Xây dựng nhà máy không khó nhưng xây dựng đường dây điện mới khó.”

Thị trường là một cơ chế mà người mua và người bán tương tác với nhau để xác định giá cả và sản lượng của hàng hóa hay dịch vụ. Nhưng với ngành điện Việt Nam, EVN là một đơn vị thuộc Nhà nước độc quyền truyền tải, phân phối và mua bán điện năng cũng như phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia.

Để giải quyết tình trạng độc quyền đó, ngày 11 tháng 2 năm 2020 Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 55 về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ngoài khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng, Bộ Chính trị nêu rõ cần loại bỏ bao cấp, độc quyền, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng mà cụ thể là ngành điện.

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, điện mặt trời và điện gió của Việt Nam hiện nay có tiềm năng, nhưng vấn đề là sự kết nối và chi phí của việc kết nối hiện chỉ do EVN quản lý. Theo ông, đây là điểm nghẽn cần giải quyết để có thể khai thác đầy đủ. Ông nói thêm:

“Hiện nay đã có nguồn phát điện của tư nhân, nhưng mạng lưới phân phối điện vẫn do EVN độc quyền. Vì vậy tình trạng độc quyền vẫn đang tiếp diễn, chúng ta cần phải bước thêm bước nữa, là có cạnh tranh về việc phân phối lưới điện. Nhưng đó là vấn đề khó khăn, vì lưới điện phải được quản lý thống nhất và liên tiếp với nhau.”

Các nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió mới đây cũng kiến nghị thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành sớm hoàn thiện và ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp để chủ đầu tư các nhà máy điện tái tạo có thể bán điện trực tiếp cho các bên có nhu cầu sử dụng điện lớn đã sẵn sàng mua điện từ các nhà máy.

Hôm 27 tháng 10 năm 2022, trang tin PV Magazine chuyên về năng lượng cho biết, Bộ Công thương Việt Nam đang có kế hoạch thử nghiệm bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo đến người dùng bắt đầu từ đầu năm 2023 đến năm 2024 và sẽ mở chính thức vào năm 2025.

PV Magazine trích lời ông Mortiz Sticher, chuyên gia cấp cao của hãng tư vấn Apricum có trụ sở tại Berlin rằng, hiện chưa có ngày cụ thể khi nào Việt Nam bắt đầu chương trình này nhưng chương trình lúc đầu được dự kiến là từ 2022 đến 2024. Bây giờ chương trình dự kiến bắt đầu từ quý một năm 2023.

(Nguồn: RFA)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang