Thông qua Quy hoạch thủ đô; Khốn khổ vì dự án treo 20 năm; Chia tiền vụ 'đại án đăng kiểm'; Khởi tố nhiều lãnh đạo tỉnh

THÔNG QUA QUY HOẠCH THỦ ĐÔ, QUYẾT LIỆT CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

Thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường không khí khu vực đô thị. Chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ khu vực nông thôn, kiểm soát, giảm ô nhiễm từ khí thải, bụi do giao thông, ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng...

Ngày 27/3, tại Hội nghị chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XVII), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã thống nhất thông qua Quy hoạch Thủ đô để các cơ quan khẩn trương triển khai các bước tiếp theo, trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới.

Thành phố Hà Nội sẽ tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch theo giai đoạn 5 năm và hàng năm; cụ thể hóa Quy hoạch bằng những đề án, dự án, chuyên đề, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên gắn với việc cân đối, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực nhằm sớm đưa Quy hoạch Thủ đô vào cuộc sống.

Trước đó trong ngày 23/02, Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực) đã tổ chức Hội nghị thẩm định Quy hoạch Thủ đô theo quy định của Luật Quy hoạch; nhất trí thông qua với kết quả 31/31 phiếu đồng ý (đạt 100%).

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 có mục tiêu tổng quát: Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và kinh tế chia sẻ; thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu, hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế...

"Công tác tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được chỉ đạo triển khai với tinh thần khẩn trương, khoa học, nghiêm túc; huy động được sự tham gia của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước…", Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết.

Quy hoạch Thủ đô cũng đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển. Trong đó, nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, Đáy, Lừ, Sét... để bảo đảm nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị. Khai thác lợi thế không gian mặt nước của hệ thống sông, hồ, rừng để tạo môi trường đô thị xanh, hấp dẫn, phát triển bền vững.

Thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường không khí khu vực đô thị. Chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ khu vực nông thôn, kiểm soát, giảm ô nhiễm từ khí thải, bụi do giao thông, ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng, ô nhiễm từ khí thải các cơ sở công nghiệp, phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe máy.

Về giao thông, phát triển đô thị, nông thôn, Hà Nội tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt hệ thống đường sắt đô thị, đường vành đai, các cầu vượt sông Hồng để tăng cường kết nối các địa phương và giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc tại các cửa ngõ của Thủ đô và khu vực nội đô...

DÂN KHỐN KHỔ VÌ NẰM TRONG DỰ ÁN TREO HƠN 20 NĂM Ở QUẬN CẦU GIẤY

Người dân nằm trong Dự án xây dựng khu đô thị mới Dịch Vọng (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) sống trong khổ cực đã hơn 20 năm qua vì dự án treo.

Người dân khốn khổ nằm trong dự án treo hơn 20 năm ở Cầu Giấy

Dự án xây dựng khu đô thị mới Dịch Vọng (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) treo hơn 20 năm qua khiến rất nhiều hộ dân nằm trong quy hoạch sống trong khốn khổ. Cũng vì vướng quy hoạch nên hơn 20 năm qua người dân tại ngách 184/41/18, phố Hoa Bằng, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội không thể cải tạo, sửa chữa nhà cửa, công trình xuống cấp. Môi trường khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng…

Bà Đào Thị Minh Hương (phố Hoa Bằng, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Chúng tôi sống tạm bợ qua ngày đã hơn 20 năm qua, cứ mưa là ngập, có thời điểm ngập tới nửa nhà. Người già và trẻ nhỏ thường xuyên bị ốm, mắc các bệnh về hô hấp, sốt xuất huyết,…do môi trường ở khu vực ô nhiễm rất xấu. Nhà xuống cấp, xập xệ, muốn sửa cho đỡ lo thì không được cho vì nằm trong vùng quy hoạch. Khốn khổ vì dự án không biết bao giờ được thực hiện, trong khi muốn đi thì không được, ở lại thì không xong”.

Trong khi đó, bà Trần Thị Bích Hà (số 1, ngách 184/41/18, phố Hoa Bằng, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), do không còn nơi ở nào khác, bà mong muốn được xây căn nhà cấp 4 trên phần diện tích đất hợp pháp của mình nhưng cũng vì quy định treo hơn 20 năm nên không được thực hiện.

Theo bà Trần Thị Bích Hà, người dân tại khu vực đã nhiều lần kiến nghị về tiến độ xây dựng dự án và các nhu cầu cấp thiết nhưng không được hồi âm.

“Mảnh đất nhà tôi đều có sổ đỏ hợp pháp từ rất lâu. Hơn 20 năm trước chúng tôi nhận được thông báo đất nằm trong dự án quy hoạch. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn dậm chân tại chỗ, trong khi cuộc sống của nhiều hộ dân rất khổ cực. Trong khi miếng đất ở đây không thể làm được gì cả. Nếu như tình trạng kéo dài mãi, chúng tôi không còn chỗ ở”, bà Trần Thị Bích Hà chia sẻ.

Quận Cầu Giấy cấp rồi lại nhanh chóng thu hồi giấy phép xây dựng

Gia đình bà Trần Thị Bích Hà (số 1, ngách 184/41/18, phố Hoa Bằng, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) do có nhu cầu xây dựng tạm ngôi nhà trên đất sổ đỏ của mình (nằm trong dự án treo hơn 20 năm trên) đã xin và được UBND quận Cầu Giấy cấp Giấy phép xây dựng số 145, cấp ngày 15/3/2024 do ông Trần Đình Cường – Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy ký.

Tuy nhiên, sau khi gia đình bà Hà tiến hành xây dựng được một phần nhỏ thì bị một số đối tượng lạ mặt đến chửi bới, đe dọa, ngăn cản. Đến ngày 25/3/2024, UBND quận Cầu Giấy thông báo cho gia đình bà Trần Thị Bích Hà tiến hành thu hồi giấy phép xây dựng trên.

Việc này buộc gia đình bà Trần Thị Bích Hà buộc phải dừng mọi hoạt động thi công, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Đặc biệt khiến bà Trần Thị Bích Hà hoang mang với các đối tượng lạ mặt và cảm thấy vô cùng khó hiểu với quyết định của UBND quận Cầu Giấy.

Luật sư Nguyễn Văn Đại – Công ty luật TNHH Thuận Phong cho rằng: “Việc tồn tại các dự án treo chưa biết ngày về đích đang gây ra nhiều hệ lụy xấu và làm hạn chế đi quyền công dân khi cải tạo nhà ở đều rất khó thực hiện. Việc mua bán chuyển nhượng trên mặt đất nằm trong dự án bị hạn chế. Việc cấp phép xây dựng đối với các công trình xây dựng trên đất nằm trong dự án treo cũng bị hạn chế quyền của người sử dụng.

Lý do vì sao UBND quận Cầu Giấy nhanh chóng thu hồi giấy phép xây dựng trên, phóng viên Báo Điện tử VOV sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến quý độc giả…

CÁCH THỨC ĂN CHIA TIỀN HỐI LỘ CỦA NHÓM BỊ CAN CÓ CHỨC VỤ TRONG 'ĐẠI ÁN ĐĂNG KIỂM'

Mỗi hồ sơ thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo, đăng kiểm viên của Phòng Kiểm định xe cơ giới (Phòng VAR) sẽ nhận hối lộ từ 1,5 - 3 triệu đồng. Hằng tháng, ông Trần Anh Quân (nguyên quyền trưởng phòng) sẽ tổng kết số tiền nhận hối lộ và chia cho một số lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam và tất cả nhân viên của đơn vị này.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND TPHCM đề nghị truy tố 254 bị can liên quan vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam , các Chi cục đăng kiểm, Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Quy ước và đường đi của tiền hối lộ

Theo kết luận điều tra, Phòng Kiểm định xe cơ giới ( Phòng VAR ) thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam có chức năng tham mưu giúp Cục trưởng quản lý công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại xe cơ giới, kiểm tra xe máy chuyên dùng đang lưu hành trong phạm vi cả nước.

Từ 1/3/2019 đến 30/9/2022, cơ cấu tổ chức Phòng VAR gồm ông Trần Anh Quân -quyền Trưởng phòng và 3 Phó phòng là ông Trịnh Bình Dương, Đặng Trần Khanh, Nguyễn Đức Toàn và 12 đăng kiểm viên, 2 chuyên viên, 4 nhân viên văn phòng.

Trong quá trình thực hiện thẩm định hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo, các lãnh đạo, đăng kiểm viên Phòng VAR đã lợi dụng vị trí công tác không thực hiện đúng quy trình thẩm định, kiểm tra; bỏ qua lỗi trên hồ sơ thiết kế, cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế trái quy định để nhận tiền hối lộ của các công ty từ 1,5 - 3 triệu đồng/hồ sơ.

Tháng 3/2019, ông Quân được bổ nhiệm quyền Trưởng Phòng VAR. Lúc này, 12 đăng kiểm viên được phân công thẩm định hồ sơ thiết kế gặp ông Quân báo cáo về việc có nhận tiền hối lộ của các công ty thiết kế.

Sau đó, ông Quân và các đăng kiểm viên thống nhất hằng tháng sẽ chia tiền theo tỷ lệ, chia cho ông Quân 700 nghìn đồng/hồ sơ. Số tiền này bao gồm phần của Quân được hưởng, phần ngoại giao tiếp khách và phần để chia cho ông Trần Kỳ Hình (nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) và ông Đặng Việt Hà (nguyên Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam); chia cho các Phó phòng VAR mỗi người 100 nghìn đồng/hồ sơ; cho nhân viên văn phòng mỗi người 50 nghìn đồng/hồ sơ.

Hằng tháng, sau khi nhận được tiền hối lộ của các công ty thiết kế, các đăng kiểm viên sẽ tính toán, kiểm đếm số lượng hồ sơ được phân công thẩm định nhân với số tiền đã quy ước/hồ sơ rồi phân chia tiền cho ông Quân, 3 Phó phòng và 4 nhân viên văn phòng.

Nhận được tiền từ các đăng kiểm viên, ông Quân tiếp tục chia cho ông Hình số tiền 60 triệu đồng/tháng và ông Hà số tiền 20 triệu đồng/tháng, một phần Quân sử dụng để ngoại giao, tiếp khách; phần còn lại Quân hưởng lợi.

Tháng 8/2021, ông Hình nghỉ hưu và ông Hà được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng. Trong cuộc họp với ông Quân, ông Khanh và ông Dương (không có ông Nguyễn Đức Toàn), ông Hà đã yêu cầu Phòng VAR hằng tháng phải báo cáo chính xác số liệu hồ sơ đã thẩm định thiết kế, phải bảo đảm lợi ích của ông là cao nhất.

Sau cuộc họp trên, ông Quân gặp và hội ý với 3 Phó phòng về yêu cầu của ông Hà và thống nhất mảng thẩm định thiết kế do Quân phụ trách. Ông Quân sẽ triệu tập các đăng kiểm viên để bàn bạc, thống nhất lại cách thức chia tiền thực hiện theo yêu cầu của ông Hà.

Cụ thể, chia cho ông Hà 400 nghìn đồng/hồ sơ, Quân 300 nghìn đồng/hồ sơ, các Phó phòng VAR mỗi người 100 nghìn đồng/hồ sơ, đưa vào quỹ ngoại giao 140 nghìn đồng/hồ sơ, các nhân viên văn phòng mỗi người 40 nghìn đồng/hồ sơ, số tiền còn lại đăng kiểm viên được hưởng. Tất cả các đăng kiểm viên đều thống nhất chủ trương, quy ước chia tiền nêu trên.

Theo chủ trương trên, hàng tháng (từ ngày 1 đến ngày 10) các đăng kiểm viên sau khi tính toán số lượng hồ sơ đã thẩm định và số tiền tương ứng theo quy ước thì gặp và đưa tiền mặt cho Quân, 3 Phó phòng, cho 4 nhân viên văn phòng. Về tiền quỹ, các đăng kiểm viên thống nhất đưa Nguyễn Tuấn Châu và Vũ Hồng Quang giữ để sử dụng ngoại giao, tiếp khách…

Sau khi nhận được tiền, Quân tiếp tục kiểm tra số hồ sơ Phòng VAR đã thẩm định đạt trong tháng nhân với số tiền 400 nghìn đồng/hồ sơ, bỏ tiền vào phong bì (trên phong bì Quân có ghi số hồ sơ đã thẩm định và số tiền) và đưa cho ông Hà tại phòng làm việc của ông này.

Cựu Cục trưởng tố bị lừa 100.000 USD tiền 'chạy án'

Tháng 10/2022, Cơ quan Công an phát hiện xử lý các sai phạm của các đơn vị đăng kiểm nên các đối tượng trên không nhận tiền hối lộ trong hoạt động thẩm định hồ sơ thiết kế nữa.

Khoảng tháng 12/2022, ông Hà lo sợ bị Cơ quan Công an phát hiện hành vi sai phạm, nên đã trả lại 5 tỷ đồng (tiền do các đăng kiểm viên nhận hối lộ của các công ty thiết kế chia cho Hà) cho Trần Anh Quân. Số tiền này, Trần Anh Quân giao cho Nghiêm Văn Cường cất giữ.

Sau đó, Cơ quan điều tra phát hiện, xử lý nhiều sai phạm của nhiều trung tâm đăng kiểm trên cả nước nên ông Hà nói với Lại Thái Phong (Phó Chánh văn phòng Cục đăng kiểm Việt Nam) về việc bản thân không nắm được thông tin các sai phạm bị xử lý.

Lúc này, Phong nói với ông Hà về việc mình có quen biết Nguyễn Văn Chung - người có nhiều mối quan hệ với các cơ quan công an. Nghe vậy, Hà nói với Phong nhờ Chung tìm hiểu thông tin xem công an xử lý như thế nào thì Phong đồng ý.

Đồng thời, ông Hà nói với Trần Anh Quân đổi 100.000 USD (2 tỷ 425 triệu đồng) từ số tiền 5 tỷ đồng. Nhận được tiền từ ông Quân, Hà gọi Lại Thái Phong lên phòng làm việc và đưa 100.000 USD cho Phong.

Sau đó, Phong tiếp tục gặp đưa tiền cho Nguyễn Văn Chung để nhờ tìm người thu thập thông tin vụ án đăng kiểm cho ông Hà, nhưng Chung không có khả năng thực hiện và đã chiếm đoạt số tiền trên.

Ngày 29/8/2023, ông Hà có đơn tố cáo gửi Nhà tạm giữ Công an quận 12 về việc Nguyễn Văn Chung lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã điều tra làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Nguyễn Văn Chung và hành vi “Môi giới hối lộ” của Lại Thái Phong.

Theo lời khai của ông Quân, từ 1/3/2019 đến 30/9/2022, Phòng VAR đã thẩm định và cấp 29.676 Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế và nhận tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng.

Số tiền hối lộ nhận được, Quân chia cho ông Hình 1 tỷ 680 triệu đồng; chia cho ông Hà gần 6 tỷ đồng, chi ngoại giao, tiếp khách, hội nghị hơn 1,6 tỷ đồng và cá nhân hưởng lợi hơn 11,5 tỷ đồng.

Sau khi bị bắt giữ, ông Quân và 3 Phó phòng VAR đã nộp một phần tiền để khắc phục hậu quả; 2 đăng kiểm viên nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ; 2 đăng kiểm viên chưa nộp tiền khắc phục; những người còn lại đã nộp lại một phần hoặc nộp gần hết số tiền hối lộ đã nhận.

KHỞI TỐ NGUYÊN BÍ THƯ QUẢNG NGÃI VÀ PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC VĨNH PHÚC

Ông Lê Viết Chữ - Nguyên Chủ tịch UBND, Bí thư Tỉnh ủy Quãng Ngãi và ông Phạm Hoàng Anh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc vừa bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ngày 27/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Lê Viết Chữ - Nguyên Phó Chủ tịch UBND, nguyên Chủ tịch UBND, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị can Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu gói thầu “Thi công tuyến chính dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi”.

Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Phạm Hoàng Anh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, với cáo buộc nhận hối lộ liên quan vụ án xảy ra tại tập đoàn Phúc Sơn.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an nghi vấn ông Anh đã nhận tiền của Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu (Hậu “Pháo") để tạo điều kiện cho tập đoàn này thực hiện dự án chợ đầu mối Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đây là lãnh đạo thứ 3 của Vĩnh Phúc bị bắt trong tháng 3 do liên quan Hậu “Pháo”. Trước đó, bà Hoàng Thị Thúy Lan - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cũng bị khởi tố, bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ.

Đây là kết quả mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị, địa phương liên quan.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Tập đoàn Phúc Sơn tại các địa phương và các đơn vị có liên quan, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước

Nguồn: Môi trường & Đô thị; CafeF; Soha; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang