Đại án làm Đà Nẵng đau đầu; NƠXH TP.HCM chậm tiến độ; Vụ chủ tịch An Giang 'bảo kê cát tặc'; Tái khởi động cảng biển 14.000 tỷ

NHỮNG ĐẠI ÁN LÀM 'ĐAU ĐẦU' CHÍNH QUYỀN ĐÀ NẴNG

Sân vận động (SVĐ) Chi Lăng liên quan đến bản án Phạm Công Danh trở thành hoang phế giữa trung tâm thành phố chờ định đoạt số phận sau khi bị xé nhỏ đem cầm cố ngân hàng. Hàng loạt bất động sản, dự án liên quan đến bản án của Phan Văn Anh Vũ (còn gọi Vũ “nhôm”) và các cựu quan chức, chính quyền lúng túng do vướng mắc dẫn đến khó khăn trong thi hành. Sau bao năm, tất cả đang chờ quyết định từ Trung ương để Đà Nẵng xử lý hậu kỳ.

Hơn 1.250 tỷ đồng vẫn không lấy lại được SVĐ Chi Lăng

Di tích lịch sử SVĐ Chi Lăng từng được đăng ký bảo vệ. Tại đây, ngày 28/8/1945 UBND cách mạng lâm thời TP Đà Nẵng ra mắt hàng vạn đồng bào. SVĐ này cũng là “chảo lửa” của Đội bóng đá Quảng Nam-Đà Nẵng (sau này là SHB Đà Nẵng) lừng lẫy một thời.

Từ năm 2011, toàn bộ diện tích hơn 55.000m2 của SVĐ Chi Lăng đã được Đà Nẵng phê duyệt ranh giới, chuyển mục đích sử dụng cho Tập đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh. Chính quyền TP Đà Nẵng sau đó cũng đã cho chia nhỏ và cấp 10 giấy chứng nhận sử dụng đất tại SVĐ Chi Lăng và Tập đoàn Thiên Thanh đã mang đi cầm cố thế chấp để vay vốn ngân hàng .

Năm 2018, Phạm Công Danh bị kết án, SVĐ Chi Lăng trở thành tài sản được kê biên để thi hành bản án và để hoang từ đó đến nay.

Liên quan đến SVĐ Chi Lăng, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết: Từ sau năm 2018, sau khi bản án có hiệu lực, TP Đà Nẵng đã rà soát, đánh giá các vấn đề liên quan đến pháp lý, nhu cầu thực tiễn và UBND TP Đà Nẵng chính thức đã có văn bản kiến nghị Chính phủ nêu rõ nguyện vọng, xin được giữ lại SVĐ Chi Lăng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019, Tổng cục Thi hành án đã tổ chức phiên làm việc giữa UBND TP và Ngân hàng Xây dựng. Tuy nhiên, các bên đã không gặp nhau trong quan điểm vì xung đột về lợi ích kinh tế. Việc thương lượng xin giữ lại SVĐ Chi Lăng cho đến thời điểm đó vẫn chưa thành.

Ông Chương cho biết: Quan điểm của Đà Nẵng là xin giữ lại SVĐ Chi Lăng và hoàn trả số tiền mà Tập đoàn Thiên Thanh đã nộp vào ngân sách là 1.251 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm thương lượng, Tập đoàn Thiên Thanh phải trả cho ngân hàng với số tiền 8.408 tỷ đồng. Trong đó, tiền gốc là 4.000 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh là 4.408 tỷ đồng.

“Mức yêu cầu của thành phố so với hiện trạng vay thực tế thể hiện trên hồ sơ vay ngân hàng của ông Phạm Công Danh thì không có điểm gặp nhau. Đây cũng là tài sản thi hành án nên chúng ta không thể sử dụng quyền của nhà nước để can thiệp, xử lý vấn đề có liên quan. Bởi, trong trường hợp này, thành phố cũng là một trong những đối tượng phải chấp hành bản án đã có hiệu lực”, ông Chương cho biết.

Theo Kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ, việc giảm 10% tiền sử dụng đất đối với SVĐ Chi Lăng là không đúng pháp luật nên cần phải thu hồi vào ngân sách nhà nước. Thời gian qua, cơ quan thuế và ngành TN-MT đã đôn đốc thu số tiền 139 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT đến nay các đối tượng có liên quan chưa khắc phục nên số tiền này vẫn đang “treo”. Do đó, trong quá trình xử lý thi hành án buộc phải trừ số tiền đó lại để nộp vào ngân sách.

Hiện, UBND TP đã có kiến nghị với Tổ Công tác 153 của Chính phủ về những vướng mắc của SVĐ Chi Lăng. Hồ sơ về SVĐ Chi Lăng cũng đã được trình Bộ Chính trị để xin ý kiến lần thứ nhất.

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Bộ Chính trị đã xem xét kiến nghị của Đà Nẵng liên quan đến SVĐ Chi Lăng và sẽ có văn bản trả lời sớm cho Chính phủ để hướng dẫn địa phương tháo gỡ.

Hàng loạt rắc rối khi thi hành bản án Vũ “nhôm”

Bản án số 158 ngày 15/5/2020 của TAND Cấp cao tại Hà Nội liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm đang gây khó khăn, vướng mắc, lúng túng cho chính quyền TP Đà Nẵng trong quá trình thi hành bản án . Mới đây, ngày 14/3, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục có văn bản kiến nghị gửi TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao kiến nghị đính chính một số nội dung và xem xét kháng nghị bản án nói trên.

UBND TP Đà Nẵng cho biết: sau khi bản án có hiệu lực, TP Đà Nẵng đã triển khai thi hành bản án và ban hành quyết định thu hồi tài sản là nhà, đất theo phán quyết của tòa. Tuy nhiên, quá trình thực hiện bản án có nhiều vướng mắc, UBND TP nhận được nhiều văn bản của các cá nhân, tập thể kiến nghị liên quan đến các tài sản thực hiện thu hồi.

Trong đó, đối với dự án khu du lịch biển Non Nước (3,77 ha) ở đường Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn), UBND TP Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và giao đất, cho thuê đất theo dự án đầu tư đã được UBND TP phê duyệt.

UBND TP Đà Nẵng cho biết: Theo quy định của pháp luật đất đai và Luật Đầu tư hiện hành không có khái niệm “thu hồi dự án” như bản án số 158 đã tuyên, dẫn đến UBND TP Đà Nẵng lúng túng trong thực hiện. Do vậy, UBND TP Đà Nẵng báo cáo TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét, đính chính bản án: “Giao UBND TP Đà Nẵng thu hồi đất, chấm dứt hoạt động của dự án…”.

Đối với nhóm tài sản thu hồi liên quan đến vợ, người thân bị cáo Phan Văn Anh Vũ và các công ty, UBND TP Đà Nẵng báo cáo TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét, kiến nghị Vụ Giám đốc kiểm tra I, tham mưu lãnh đạo TAND Tối cao có hướng dẫn để Đà Nẵng thực hiện theo bản án và giải quyết kiến nghị của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Riêng với thửa đất số B3-13-35 (diện tích 174 m2) và thửa đất số B3-13-51 (210m2) cùng tờ bản đồ KT01/01, khu đô thị Harbour Ville (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đều được chuyển nhượng trước khi Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) kê biên, không còn là tài sản của Phan Văn Anh Vũ và vợ. Do đó, UBND TP Đà Nẵng kiến nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét, kiến nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao xem xét kháng nghị bản án.

Ngoài ra, theo báo cáo, có 4 tài sản nằm trong nhóm có sự khác biệt giữa lệnh kê biên tài sản của Cơ quan CSĐT, bản án và thực tế. Bao gồm: Nhà, đất số 20 Bạch Đằng; nhà, đất số 7 Bạch Đằng; nhà, đất số 37 Pasteur; nhà đất số 39 Pasteur. Qua kiểm tra, rà soát các tài sản này đã được cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, UBND TP Đà Nẵng kiến nghị điều chỉnh một số nội dung bản án liên quan đến các tài sản này.

NHÀ Ở XÃ HỘI TP.HCM CHẬM TIẾN ĐỘ VÌ SAI ĐỐI TƯỢNG

Báo cáo với UBND TP.HCM, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết giai đoạn 2021 - 2025 theo kế hoạch sẽ triển khai 37 dự án, nhưng đến nay mới có 1 dự án hoàn thành.

Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết, theo kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 và đề án "đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021 - 2030" của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM dự kiến phát triển khoảng 26.200 - 35.000 căn nhà ở xã hội.

Cụ thể, TP.HCM sẽ đưa vào kế hoạch triển khai 37 dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ có 1 dự án được hoàn thành, trong khi 36 dự án còn lại có 6 dự án đang thi công và 30 dự án hoàn tất thủ tục pháp lý.

Ông Huỳnh Thanh Khiết lý giải, với tình hình pháp lý và những vấn đề khác liên quan, từ nay đến năm 2025 TPHCM dự kiến sẽ đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 13 dự án, với quy mô khoảng 12.000 căn nhà ở xã hội. Số dự án còn lại khó có thể hoàn thiện được mà chỉ dừng lại ở bước hoàn chỉnh pháp lý.

Qua rà soát của Sở trên địa bàn TP.HCM hiện có 88 dự án/khu đất dự kiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, trong đó 18/88 dự án đang làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

Sở dĩ chương trình nhà ở xã hội chậm trễ do việc thu hút nhà đầu tư vào xây dựng các dự án nhà ở xã hội cũng như khai thác 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại rất gian nan. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản khó khăn, các doanh nghiệp tập trung triển khai nhà ở thương mại trước. Trong khi đó, TP.HCM lại không có chế tài khi chủ đầu tư chậm triển khai dự án. Vì thế, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP.Thủ Đức khẩn trương thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 18/88 dự án đang làm thủ tục nêu trên. Sở Quy hoạch và Kiến trúc khẩn trương rà soát, cập nhật quy hoạch của các dự án trên vào trong đồ án quy hoạch chung của TP.HCM theo quy định của luật Nhà ở.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng thừa nhận chương trình nhà ở xã hội tiến độ triển khai quá chậm, không đáp ứng kế hoạch và nhu cầu của người lao động. Thực tế, có những dự án ban đầu xác định không đúng mục tiêu nên rất ít người đăng ký thuê, trong khi đó nhu cầu chung thì rất nhiều.

Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, chương trình ì ạch bởi ngay từ đầu dự án bị xác định sai mục tiêu. Nếu chỉ xác định cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp xung quanh thuê thì rất khó, bởi thu nhập của công nhân còn hạn chế nên công nhân không thuê nhà ở xã hội mà chọn thuê nhà trọ. Do vậy, có thể mở rộng đối tượng thuê là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2025 phải thực hiện ít nhất 26.200 căn và nhiều nhất là 35.000 căn theo kế hoạch. Để làm được điều này thành phố hoan nghênh, tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai dự án nhưng cũng kiên quyết xử lý nghiêm các nhà đầu tư không có thiện chí, cố tình không triển khai dự án đã được giao.

VỤ CHỦ TỊCH AN GIANG "BẢO KÊ CÁT TẶC": THU LỜI BẤT CHÍNH HƠN 250 TỈ ĐỒNG

Đại diện Bộ Công an xác định trong vụ án đường dây khai thác cát trái phép ở An Giang, các bị can đã lợi dụng việc cấp phép để khai thác vượt quy định 3,2 triệu m3, không đưa vào mua bán theo giấy phép mà tuồn ra bán ngoài thị trường, thu lời bất chính 253 tỉ đồng.

Tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức ngày 26-3, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), cho biết Cơ quan này đã khởi tố 19 bị can trong vụ án khai thác cát trái phép ở An Giang. Trong quá trình điều tra hành vi khai thác cát trái phép đã làm rõ hành vi lợi dụng việc cấp phép để khai thác vượt quy định 3,2 triệu m3, không đưa vào mua bán theo giấy phép mà tuồn ra bán ngoài thị trường, thu lời bất chính 253 tỉ đồng.

"Đặc biệt, trong vụ án có sự móc ngoặc của các đối tượng với các cán bộ Nhà nước, có sự dung túng, bảo kê, chúng tôi đã xử lý đến Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở"- Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành thông tin và cho biết sau khi xử lý các vụ án lớn thì thời gian qua, tình trạng khai thác cát trái phép mang tính quy mô, khối lượng lớn có giảm, hiện chỉ còn những vụ việc quy mô nhỏ lẻ.

Liên quan đến lĩnh vực này, Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) về môi trường, cho biết thời gian qua, tình trạng khai thác, vận chuyển, kinh doanh trái phép khoáng sản diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương (Cao Bằng, Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Gia Lai, Lâm Đồng, TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang...). Các đối tượng lợi dụng tình hình khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung vật liệu phục vụ xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia để khai thác trái phép khoáng sản (cát, sỏi, đất, đá...) làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp.

Cục Cảnh sát PCTP về môi trường thường xuyên nắm tình hình, báo cáo lãnh đạo Bộ và chỉ đạo các đơn vị, địa phương đấu tranh với vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp tại các dự án trọng điểm quốc gia; phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản.

Cùng với đó, trực tiếp, chỉ đạo, hướng dẫn Công an các địa phương tổ chức đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Tết Nguyên đán 2024. Trong đó, lĩnh vực khai thác khoáng sản đã áp dụng các biện pháp công tác Công an để xác định tập trung với các đối tượng nghi vấn "cầm đầu", "bảo kê" hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, cát, sỏi; hoạt động khai thác diễn biến phức tạp, các phương tiện tự chế, hoán cải vi phạm lòng sông và bến bãi vận chuyển cát, sỏi trên địa bàn, các tụ điểm có hoạt động vi phạm trong tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng...

Theo Trung tướng Trần Minh Lệ, kết quả trong Quý I/2024, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã phát hiện 2.083 vụ vi phạm (tương đương cùng kỳ năm 2023). Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đã trực tiếp khởi tố 8 vụ án về tội phạm vi phạm quy định về khai thác tài nguyên. Công an các cấp đã khởi tố 118 vụ, 159 đối tượng phạm tội trong lĩnh vực khoáng sản.

Mới đây nhất, ngày 10-3, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ bắt quả tang 16 phương tiện thuỷ và 23 đối tượng đang có hoạt động khai thác cát trái phép, vận chuyển không rõ nguồn gốc vật liệu xây dựng thông thường là cát trên sông Tiền đoạn chảy qua địa thuộc các xã Đông Hoà Hiệp, Hoà Khánh, Hoà Hưng thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, và xã Đồng Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long...

Trước đó, liên quan đến đường dây khai thác cát trái phép ở An Giang, cuối tháng 12-2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can với ông Nguyễn Thanh Bình, chủ tịch UBND tỉnh An Giang, về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định ông Nguyễn Thanh Bình đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, can thiệp, chỉ đạo giúp Công ty cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 được cấp phép thăm dò, khai thác, điều chỉnh trữ lượng, công suất và khai thác trái quy định của pháp luật tại mỏ cát xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Hành vi này thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại tài sản nhà nước.

Liên quan vụ án này, trước đó, cấp phó của ông Bình là ông Trần Anh Thư, phó chủ tịch tỉnh An Giang, bị C03 khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam để điều tra về tội nhận hối lộ. Cùng tội danh nhận hối lộ, ông Nguyễn Việt Trí, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, cũng bị khởi tố hồi giữa tháng 8.

TÁI KHỞI ĐỘNG DỰ ÁN CẢNG BIỂN HƠN 14.000 TỶ ĐỒNG CHẬM THI CÔNG NHIỀU NĂM

Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) khởi công xây dựng tháng từ tháng 2/2020, tuy nhiên sau lễ khởi công, dự án này "án binh bất động", đến nay mới tổ chức thi công trở lại.

Ngày 25/3, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Công ty cổ phần Liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) tổ chức thi công dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy (thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng) sau gần 4 năm chậm trễ, không thi công.

Dự án trên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 4/1/2019 với tổng vốn 14.234 tỷ đồng. Quy mô dự án rộng 685ha gồm 10 bến, được phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn, thời gian xây dựng từ 2018 đến 2036.

Trong giai đoạn 1 đến năm 2025, đầu tư 4 bến, tổng vốn đầu tư 4.946 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (2026-2031) đầu tư 3 bến, tổng vốn đầu tư 4.980 tỷ đồng. Giai đoạn 3 (2032-2036) đầu tư 3 bến, tổng vốn đầu tư 4.308 tỷ đồng.

Ông Dương Viết Roãn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy (chủ đầu tư), cho hay dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy được khởi công vào tháng 2/2020. Tuy nhiên do gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, các thủ tục về công tác giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng gặp nhiều vướng mắc về mặt pháp lý khiến dự án bị chậm trễ.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết Khu bến cảng Mỹ Thủy là dự án trọng điểm, khi hoàn thành có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút đầu tư, phát huy, khai thác tiềm năng, thế mạnh, động lực thúc đẩy xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị.

Đây là cảng biển nước sâu trong khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, với độ sâu luồng và vũng quay tàu trên 17m; có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng đến 100.000 tấn; nằm ở vị trí cửa ngõ thông ra biển Đông trên tuyến hành lang kinh tế đông - tây.

Mặt khác, Khu bến cảng Mỹ Thủy có vị trí kết nối thuận lợi với các hệ thống giao thông quốc gia và của tỉnh như quốc lộ 1, đường sắt thống nhất, đường bộ cao tốc bắc - nam, đường ven biển; kết nối với các cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay; các khu công nghiệp của tỉnh Quảng Trị.

Đây là lợi thế rất lớn để cảng Mỹ Thủy trở thành đầu mối trung chuyển, tạo sự tương hỗ, giao thương vận chuyển hàng hóa giữa các cảng biển trong khu vực miền Trung, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Khu bến cảng Mỹ Thủy sẽ là điểm sáng, tạo động lực bứt phá không chỉ đối với ngành vận tải mà ngành dịch vụ - du lịch Quảng Trị cũng được hưởng lợi; tạo thành mạng lưới thương mại quốc tế đa diện, phong phú, mở rộng không gian phát triển cho tỉnh Quảng Trị trong tương lai.

Các bên liên quan quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành và đưa vào hoạt động 2 bến cảng nhằm sớm phát huy hiệu quả đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Trị.

"Dự án sau khi hoàn thành sẽ giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, góp phần đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội. Thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng đời sống của người dân trong khu vực", ông Hưng nói.

Nguồn: Soha; Thanh Niên; CafeF; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang