Dân 'gồng mình' bù tiền điện cho DN; Quy hoạch tuần qua; Tuyến đê nghìn tỷ 10 năm dang dở; 1 bãi đỗ xe bị 'khai tử'

BAO GIỜ HẾT CẢNH NGƯỜI DÂN "GỒNG MÌNH" BÙ CHÉO TIỀN ĐIỆN CHO DOANH NGHIỆP?

Với đề xuất giá điện bán lẻ sinh hoạt được điều chỉnh 3 tháng/lần, tương đương 4 lần/năm; trong khi giá điện sản xuất rẻ hơn nhiều so với giá điện bình quân…, người dân dùng điện sinh hoạt vẫn phải gồng mình trả tiền thay cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ cấu giá bán lẻ điện được Bộ Công Thương gửi Bộ Tư pháp thẩm định cho ý kiến trước khi trình Thủ tướng xem xét quyết định, Bộ Công Thương rút ngắn bậc điện từ 6 bậc xuống 5 bậc.

Giá điện sản xuất vẫn thấp hơn nhiều giá điện bình quân

Các bậc thang 1-5 được tính theo lũy tiến, bằng 90-180% giá bán lẻ điện bình quân 2.006,79 đồng một kWh. Giá điện bậc 1 (thấp nhất) giá duy trì 1.806 đồng một kWh cho 100 kWh đầu tiên và bậc điện 5 (cao nhất nhất) là 3.612 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).

Theo lý giải của Bộ Công Thương, giá điện cho 100 kWh đầu tiên được giữ nguyên để hỗ trợ người nghèo, hộ gia đình chính sách (gần 33,5% tổng số hộ dùng điện). Chênh lệch giảm doanh thu tiền điện của số hộ này sẽ được bù từ hộ dùng 401-700 kWh và trên 700 kWh. Tức là, giá điện các bậc cao (từ 400 kWh trở lên) được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp, theo Bộ Công Thương.

Các chính sách hỗ trợ tiền điện với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội vẫn được duy trì, với mức hỗ trợ tiền điện tương đương mức sử dụng là 30 kWh.

Cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Quyết định cho biết phương án biểu giá điện 5 bậc thang được 92,2% ý kiến góp ý đồng tình, chỉ có 7,8% đồng ý phương án rút ngắn còn 4 bậc thang. Cùng đó, cách tính giá lũy tiến nhằm khuyến khích tiết kiệm điện, hạn chế một phần tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa, chênh lệch giữa bậc 1-5 là 2 lần phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Tuy nhiên, vấn đề đang dấy lên lo ngại cho dư luận, và giới chuyên gia là hiện tượng bù chéo giá điện sinh hoạt cho điện sản xuất ngày càng gia tăng. Lo ngại này diễn ra trong bối cảnh giá điện bán lẻ sinh hoạt thay đổi nhanh chóng (năm 2023 có 2 lần điện bán lẻ được điều chỉnh); bên cạnh đó tại dự thảo Bộ Công Thương cũng đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần (tương đương năm 4 lần điều chỉnh tăng giảm giá điện).

Trong khi đó, giá điện điện phục vụ sản xuất, kinh doanh ít biến động, thay đổi giá. Nhiều lo ngại tình trạng bù chéo ngày càng gia tăng, không khuyến khích được doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nhằm hạn chế tình trạng thâm dụng điện nặng nề; đi ngược lại chủ trương thu hút tiền tài, công nghệ sản xuất điện rẻ.

Cụ thể, tại dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất gộp và bổ sung cấp điện áp cho nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh. Việc tính giá điện cho nhóm này sẽ không bao gồm chi phí của khâu phân phối, bán lẻ điện. Vì vậy, giá điện giờ bình thường sẽ bằng 78-90% giá bán lẻ điện bình quân; giờ thấp điểm sẽ bằng 52-67% giá bán lẻ điện bình quân và giờ cao điểm sẽ bằng 139-165% giá bán lẻ điện bình quân.

Ngoài ra, nhóm cơ sở lưu trú du lịch được đề xuất áp giá điện của sản xuất, mức thấp hơn hiện tại. Thay đổi này nhằm khuyến khích cho ngành du lịch phát triển, tăng thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, phần doanh thu bị thiếu hụt này sẽ phải được bù đắp, nên cơ quan soạn thảo đang xem xét đề xuất bù từ giá bán điện cho giờ thấp điểm của nhóm khách hàng sản xuất.

Góp ý vào vấn đề bù chéo giá điện, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: Cơ chế giá điện hiện chưa hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn giá điện sản xuất của doanh nghiệp.

Cơ quan này dẫn chứng điện cho sản xuất có thời điểm bằng 52% giá bình quân trong khi giá đối với hộ nghèo chính sách, ưu đãi lớn nhất cũng bằng 90% giá bình quân. Tương tự, vẫn còn tình trạng bù chéo giữa hộ dùng nhiều bù và sử dụng ít và giữa các vùng miền.

Khi nào hết cảnh giá điện sinh hoạt bù chéo cho giá sản xuất?

Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), việc giá điện sản xuất thấp hơn giá điện sinh hoạt vẫn tồn tại, người tiêu dùng vẫn đang trả tiền điện bù cho sản xuất theo biểu giá mới. Trong khi đó, Việt Nam đang kêu gọi thu hút đầu tư xanh, công nghệ tiên tiến, ít tiêu hao năng lượng…

Ông Long cho rằng, cần xem xét hiện tượng cơ cấu biểu giá điện còn duy trì bù chéo giữa khách hàng sản xuất với khách hàng sinh hoạt, thương mại. Tránh tình trạng người dân sử dụng điện phải bù chéo cho sản xuất nhưng lại sử dụng công nghệ lạc hậu.

Cũng về vấn đề này, góp ý của Tổng Công ty Điện lực miền Trung nêu ra: Giá bán điện áp dụng cho sản xuất đang ở mức thấp so với giá bình quân chung, do đó chưa khuyến khích được các doanh nghiệp quan tâm đổi mới công nghệ, sử dụng điện hiệu quả. Đồng thời để giảm dần bù chéo giữa các hộ tiêu thụ điện, đề nghị nghiên cứu, điều chỉnh tăng tỷ lệ phù hợp đối với nhóm này.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho rằng, một trong những mục tiêu của điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện là giảm dần hiện tượng bù chéo giữa các hộ tiêu thụ.

"Chúng tôi nhận thấy rằng, việc ghép các hộ tiêu thụ điện bậc 1 dưới 50kWh/tháng) và bậc 2 dưới 100 kWh/tháng thành 1 hộ tiêu thụ điện bậc 1 (100 kWh/tháng) trong cơ cấu biểu giá điện 5 bậc mới là cần thiết. Tuy nhiên, việc xây dựng mức giá cho bậc 1 lại đúng bằng với hộ tiêu thụ dưới 50kWh là không hợp lý, điều này càng làm cho việc bù chéo giữa các hộ tiêu thụ điện tăng lên, chứ không phải giảm đi theo mục tiêu đề ra.

Cùng ý kiến, Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cần phải đảm bảo giá điện sinh hoạt không cao hơn giá điện cho sản xuất và dịch vụ du lịch, tức không lấy giá điện sinh hoạt để bù cho giá điện sản xuất và dịch vụ du lịch.

Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần mạnh dạn đưa "chi phí sử dụng" (thực chất là chi phí sử dụng công suất) vào các bậc thang của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc như Hàn Quốc đang áp dụng.

Trả lời vấn đề này, Bộ Công Thương cho rằng, trong giai đoạn này, khi nền kinh tế đang được hồi phục sau đại dịch Covid-19, Bộ Công Thương đề xuất các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện ở mức tối thiểu, một mặt vẫn bảo đảm giải quyết những vẫn đề cấp bách đặt ra, vừa không gây tác động quá lớn đối với người dân, doanh nghiệp.

Bộ Công Thương nêu: Cơ cấu biểu giá điện bán lẻ cải tiến đang được thực hiện theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1, sửa đổi giá bán điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt ở mức tối thiểu, đảm bảo tránh gây biến động quá lớn trong việc thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nhưng vẫn giải quyết được những vấn đề cấp thiết mà dư luận và người dân đặt ra trong thời gian qua.

Giai đoạn 2 là trong các năm tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với EVN theo dõi, cập nhật số liệu, đánh giá ảnh hưởng của phương án đề xuất tại Đề án (theo nguyên tắc giá phản ánh chi phí) tới tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân, xây dựng lộ trình áp dụng theo từng giai đoạn phù hợp với sự phục hồi của nền kinh tế để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Bộ Công Thương có xem xét việc áp dụng giá bán điện phản ánh đúng, đủ chi phí sản xuất kinh doanh điện của nhóm khách hàng sử dụng điện. Tương tự cũng thử nghiệm đề xuất giá bán điện 2 thành phần theo công suất và điện năng. Bộ Công Thương cho rằng điều này là để áp dụng cho khách hàng sử dụng điện cho sản xuất tại cấp 110 kV trở lên để có đánh giá kỹ lưỡng trước khi áp dụng chính thức.

THÔNG TIN QUY HOẠCH NỔI BẬT TUẦN QUA (16/3 - 22/3): DUYỆT QUY HOẠCH LẠNG SƠN, BÌNH DƯƠNG VÀ TIỀN GIANG CÓ THÊM THÀNH PHỐ

Phê duyệt quy hoạch tỉnh Lạng Sơn; Bến Cát (Bình Dương) và Gò Công (Tiền Giang) lên thành phố; Metro Nhổn - ga Hà Nội chạy thương mại vào tháng 7; Quảng Trị sắp làm 7 km đường ven biển cuối cùng... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Metro Nhổn - ga Hà Nội chạy thương mại vào tháng 7

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đang bước vào tuần 2 của giai đoạn vận hành thử.

Theo Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, kế hoạch chạy thử sẽ kết thúc vào ngày 26/4. Sau đó thời gian còn lại còn lại để cơ quan chức năng đưa ra chứng nhận an toàn hệ thống. Cục Đường sắt Việt Nam có vai trò thẩm định, báo cáo lên Hội đồng kiểm tra Nhà nước chấp thuận. Dự kiến, tuyến sẽ được vận hành khai thác thương mại vào đầu tháng 7.

Bến Cát (Bình Dương) và Gò Công (Tiền Giang) lên thành phố

Ngày 19/3, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua hai Nghị quyết về việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc TX Bến Cát và thành lập TP Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc TX Gò Công và thành lập TP Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Việc thành lập TP Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của TX Bến Cát. Thành lập TP Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của TX Gò Công.

Quảng Trị sắp làm 7 km đường ven biển cuối cùng

Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Quảng Trị đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với tuyến đường ven biển đoạn tuyến qua khu cầu Cửa Tùng và cầu Cửa Việt.

Tuyến đường ven biển đoạn tuyến qua khu cầu Cửa Tùng và cầu Cửa Việt đi qua địa phận thị trấn Cửa Tùng và xã Vĩnh Giang huyện Vĩnh Linh; xã Trung Giang, huyện Gio Linh và xã Triệu An, huyện Triệu Phong. Tổng chiều dài của hai đoạn tuyến này khoảng 7 km, với tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án này nhằm tạo ra trục giao thông kết nối liên vùng, cùng với hệ thống QL1, đường cao tốc Bắc Nam, đường ven biển sẽ là hệ thông giao thông liên tỉnh để phát triển kinh tế, tạo ra liên kết vùng về phát triển kinh tể biển.

Kiến nghị mở rộng cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh 4 làn xe

Theo VnExpress, Liên danh nhà đầu tư CTCP Tập đoàn Đèo Cả cùng ba doanh nghiệp khác vừa qua đã đề xuất đầu tư đồng bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đi qua tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng 4 làn xe hoàn chỉnh theo phương thức đối tác công tư PPP.

Giai đoạn hai dự kiến gồm hai dự án thành phần. Dự án một là mở rộng 93 km từ nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, đến nút giao quốc lộ 3 xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, nền đường từ 13,5 m lên 17 m với bốn làn xe cao tốc và bố trí làn dừng xe khẩn cấp không liên tục.

Dự án thành phần hai xây dựng mới 27 km từ huyện Quảng Hòa đến cửa khẩu Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng theo phương thức PPP, nền đường 17 m với bốn làn xe cao tốc, có làn dừng khẩn cấp không liên tục.

Hợp long cầu dài nhất cao tốc Bắc - Nam

Theo VnExpress, ngày 16/3, cầu Hưng Đức bắc qua sông Lam , La Giang nối tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có tổng kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng đã được hợp long.

Vị trí hợp long nằm giữa cầu với đốt dầm dài 2 m, rộng 17,5 m, sử dụng hơn 24 m3 bêtông, nối liền bờ bắc ở xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An và bờ nam xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Nghệ An quy hoạch khu đô thị nghỉ dưỡng hơn 686 ha tại Diễn Châu

UBND tỉnh Nghệ An vừa có quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng và thể thao phía Nam đường N2 tại huyện Diễn Châu thuộc Khu kinh tế Đông Nam.

Theo Quy hoạch, khu đô thị có diện tích hơn 686 ha; niên độ quy hoạch từ năm 2023 đến năm 2040. Phía bắc giáp đường Quy hoạch N2 thuộc Khu Kinh tế Đông Nam, phía nam giáp Đền Cuông và núi Mộ Dạ; phía đông giáp Biển Đông; phía tây giáp đường sắt Bắc Nam, được chia làm 4 phân khu.

Duyệt quy hoạch tỉnh Lạng Sơn

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa qua đã ký phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Lạng Sơn, quy mô 831.018 ha. Quy hoạch xây dựng tỉnh Lạng Sơn thành trung tâm dịch vụ cấp vùng, trung tâm giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc, trung tâm dịch vụ logistics cửa khẩu của cả nước.

Tập trung ưu tiên phát triển 6 ngành dịch vụ gồm thương mại và dịch vụ kinh tế cửa khẩu; du lịch; dịch vụ vận tải, kho bãi; dịch vụ tài chính ngân hàng; dịch vụ giáo dục, y tế và các dịch vụ khác như viễn thông, dịch vụ hỗ trợ khoa học công nghệ

TUYẾN ĐÊ NGHÌN TỶ HƠN 10 NĂM VẪN DANG DỞ CỦA TẬP ĐOÀN PHÚC SƠN

Dự án đầu tư và nâng cấp đê tả sông Hồng, với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng mà Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn là nhà thầu chính, đã triển khai hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn dang dở.

Tuyến đê tả sông Hồng đoạn từ xã Bồ Sao (huyện Vĩnh Tường) đến xã Nguyệt Đức (huyện Yên Lạc) là tuyến đê cấp I, có chiều dài 28,77km. Đây là tuyến đê bảo vệ toàn bộ vùng đồng bằng phía nam của tỉnh Vĩnh Phúc.

Hệ thống đê tả sông Hồng và các công trình phụ trợ được khai thác đã nhiều năm, qua nhiều thời kỳ nên xuống cấp. Ngày 20/6/2011, UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: cải tạo, nâng cấp đê tả sông Hồng kết hợp làm đường giao thông đoạn từ Km0-Km17+950 thuộc địa phận huyện Vĩnh Tường.

Dự án do UBND huyện Vĩnh Tường làm chủ đầu tư. Tổng dự toán được duyệt là 1.492 tỷ đồng, trong đó bồi thường giải phóng mặt bằng 110 tỷ đồng, xây lắp 1.052 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác.

Theo thiết kế được duyệt, dự án đầu tư xây dựng cải tạo và nâng cấp trên nền đê hiện có, sẽ được đắp đất mở rộng mặt cắt và nắn chỉnh; xử lý một số vị trí nền đê yếu bằng cọc đất; mặt đê với hai làn đường rộng 23,5m đổ bê tông xi măng.

Dự án này được triển khai làm 3 gói thầu xây lắp. Trong đó, gói thầu số 1 và 3 do Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn thi công. Gói thầu số 2 do liên danh Công ty Quảng Lợi và Công ty TNHH TM Hải Hưng thi công.

Dù được triển khai từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2013 nhưng đến nay công trình vẫn dang dở.

Ghi nhận của VietNamNet vào giữa tuần qua cho thấy, nhiều khu vực trên tuyến đê còn ngổn ngang vật liệu xây dựng, rác thải. Công trình chậm tiến độ gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, ngày nắng thì bụi mù, ngày mưa thì lầy lội tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trong khu vực.

Lãnh đạo UBND xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường, cho biết: "Dù đã kiến nghị lên HĐND tỉnh nhiều năm nay nhưng phía đơn vị thi công vẫn bỏ giữa chừng do hết kinh phí. Việc dừng thi công khiến đê và mặt đường bị ảnh hưởng rất nhiều do ngấm nước”.

Về phần đê vẫn đang còn dở dang ở địa phận xã Phú Đa, ông Lê Nguyễn Thành Trung, chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cho biết: "Phần đê đã được hoàn thành và đã được nghiệm thu hiện tại đang được bàn giao để đưa vào sử dụng. Phần đê được bớt lại đoạn Phúc Đa nguyên do là thực hiện kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh về việc cắt giảm khối lượng công trình đảm bảo việc tiết kiệm. Khi nào mật độ giao thông cao sẽ tiến hành đổ nốt phần đê ấy. Hiện nay công trình đã hoàn thành theo hồ sơ thiết kế".

HÀ NỘI CHẤM DỨT DỰ ÁN BÃI ĐỖ XE TẢI PHÍA NAM SAU HƠN CHỤC NĂM 'ĐẮP CHIẾU'

Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đầu tư bãi đỗ xe tải phía Nam Hà Nội, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư mới.

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản số 752/UBND-KH&ĐT về việc chấm dứt hoạt động đầu tư dự án bãi đỗ xe tải phía Nam Hà Nội tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì.

Theo đó, Hà Nội chấp thuận chủ trương chấm dứt hoạt động đầu tư bãi đỗ xe nói trên theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 825/KH&ĐT-HT ngày 01/3/2024 và đề nghị của Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội tại Thông báo số 93/TB-CPBX ngày 22/02/2024 về việc chấm dứt hoạt động đầu tư dự án bãi đỗ xe tải phía Nam Hà Nội tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì.

UBND TP Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đầu tư theo quy định, hướng dẫn các đơn vị liên quan lập đề xuất dự án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư mới theo đúng quy định hiện hành.

Được biết, năm 2011, UBND TP Hà Nội có văn bản chấp thuận về nguyên tắc giao Công ty Quản lý bến xe Hà Nội tiếp tục triển khai lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe tải phía Nam Hà Nội bằng nguồn vốn tự có và huy động hợp pháp của doanh nghiệp. Theo đó, bãi đỗ xe nói trên nằm trong phân khu S5 tại huyện Thanh Trì.

Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã chấm dứt hoạt động dự án xây dựng bãi đỗ xe tại khu đất C2-3/P2 phường Gia Thụy, quận Long Biên do Công ty cổ phần Đầu tư NCX Hà Nội làm chủ đầu tư. Lý do chấm dứt hoạt động, nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.

Dự án được UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 27/6/2011, đến năm 2015 dự án được điều chỉnh lần 1. Tuy nhiên, sau gần 13 năm triển khai, hàng nghìn m2 dự án vẫn nằm im bất động.

Nguồn: Dân Việt; Vietnammoi; Vietnamnet; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang