Tai nạn liên hoàn, 2 người chết; Chìm tàu cá giữa biển; Vụ 'Tràng An thất thủ'; Ngập rác ngày Tết & gánh nặng vệ sinh

XE MÁY VA CHẠM LIÊN HOÀN VỚI Ô TÔ, 2 NGƯỜI TỬ VONG

(Ảnh minh hoạ).

Xe máy lưu thông hướng Sơn La - Hà Nội va chạm liên hoàn với 2 xe ô tô khiến 2 người tử vong.

Theo cơ quan chức năng, vụ việc xảy ra khoảng 15h ngày 25/1, trên Quốc lộ 6, thuộc địa phận xã Tây Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình), xảy ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn giữa xe mô tô BKS: 28-H1-348.43 lưu thông hướng Sơn La-Hà Nội va chạm với xe ô tô BKS: 28A.064.01 lưu thông hướng Hà Nội-Sơn La.

Không dừng lại ở đó, chiếc xe mô tô tiếp tục đâm vào xe ô tô BKS: 30G-997.48 lưu thông hướng Hà Nội-Sơn La.

Hậu quả khiến 2 người đi xe mô tô tử vong tại chỗ. Xe mô tô hư hỏng nặng, 2 xe ô tô hư hỏng nhẹ (chưa xác định danh tính nạn nhân và lái xe ô tô).

Vụ tai nạn xảy ra gây tắc đường cục bộ gần 1 giờ, sau đó Công an huyện Cao Phong đã bố trí lực lượng điều tiết, phân luồng giao thông trở lại.

Hiện nguyên nhân vụ tai nạn đang được cơ quan công an đang điều tra làm rõ.

(Nguồn: Kenh14)

CHÌM TÀU CÁ GIỮA BIỂN, CỨU 11 NGƯ DÂN, 1 NGƯỜI "MẤT TÍCH"

Đến trưa 26/1, có 11 ngư dân trong vụ chìm tàu cá đã được cứu vớt, công tác tìm kiếm ngư dân còn lại đang được lực lượng chức năng tích cực triển khai.

Trước đó, Tàu cá BTh 83165 Ts do ông Phạm Văn Tiến (SN 1990, ngụ phường Bình Tân, thị xã La Gi) làm thuyền trưởng, xuất bến tại cảng La Gi lúc 5h ngày 25/1.

Đến khoảng 7h50 cùng ngày, tàu cá hoạt động tại khu vực cách cửa biển La Gi khoảng 11 hải lý về hướng Nam. Thời điểm này sóng to, gió lớn đánh vào tàu cá làm tàu chìm, 12 thuyền viên rơi xuống biển.

Phát hiện vụ việc, các tàu cá gần đó đã cứu vớt được 8 thuyền viên, 4 người còn lại trôi dạt ra xa, mất liên lạc, gồm: Nguyễn Văn Phương (SN 1994), Trần Văn Phương (SN 1993), Võ Phi La (SN 1975) và Phạm Văn Hòa (SN 1983, cùng ngụ tỉnh Bình Thuận).

Nhận tin báo, lực lượng chức năng hỗ trợ tìm kiếm và nắm tình hình từ người thân, gia đình nạn nhân của tàu cá BTh 83165 Ts để xử lý thông tin; đồng thời thông báo các tàu cá đang hoạt động trên biển gần khu vực xảy ra tai nạn, chú ý quan sát, thông tin kịp thời và tham gia tìm kiếm 4 thuyền viên.

Đến khoảng 12h ngày 26/1, tàu cá của ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cứu vớt được 3 thuyền viên (Nguyễn Văn Phương, Trần Văn Phương, Phạm Văn Hòa) và đưa về nhà ở thị xã La Gi theo dõi sức khỏe. Hiện các tàu cá và lực lượng chức năng tích cực tìm kiếm thuyền viên Võ Phi La.

(Nguồn: Vietnamnet)

NINH BÌNH NÓI GÌ VỀ THÔNG TIN "TRÀNG AN THẤT THỦ" KHIẾN DU KHÁCH MẮC KẸT TỚI 12 GIỜ ĐÊM?

(Ảnh minh hoạ).

Đại diện Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình khẳng định thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc Tràng An thất thủ, khách du Xuân mắc kẹt đến 12 giờ đêm là sai sự thật và đang phối hợp với công an xử lý người tung tin.

Ngày 27-1, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, cho biết ngay sau khi nhận được thông tin lan truyền về việc nhiều người mắc kẹt tại bến thuyền Tràng An đến 12 giờ đêm, sở đã cho kiểm tra và khẳng định đó là thông tin sai sự thật.

Theo ông Mạnh, qua xác minh thì đến 19 giờ tối ngày 26-1, còn 3 thuyền cuối cùng chở du khách tham quan Tràng An đã trở về bến. "Không có chuyện tắc thuyền, khách bị kẹt cả đêm. Tại Tràng An, luồng tuyến được phân chia khoa học ra vào khác nhau, vì thế nếu khách đông, thuyền có thể di chuyển chậm chứ không thể tắc được" - ông Mạnh chia sẻ.

Còn theo đại diện Khu du lịch sinh thái Tràng An, đơn vị chỉ bán vé cho khách về muộn nhất là khoảng 20 giờ, nếu đông quá cũng sẽ dừng bán vé, còn hôm qua (26-1) thuyền về bến muộn nhất là 19 giờ 45 chứ không có chuyện mắc kẹt tới nửa đêm.

Được biết, Sở du lịch Ninh Bình đang làm việc với cơ quan công an để điều tra, xử lý người tung thông tin sai sự thật trên.

Trước đó, tối ngày 26-1 trên mạng xã hội lan truyền thông tin "Tràng An thất thủ" và được chia sẻ rộng rãi tới tận sáng 27-1.

Tràng An nằm trong quần thể Di sản thế giới Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới kép từ năm 2014. Khu du lịch này hàng năm đón rất đông du khách tới vãn cảnh, đặc biệt là vào những ngày đầu năm mới.

Ninh Bình đón được hơn 397 ngàn lượt khách

Theo báo cáo nhanh của Sở Du lịch Ninh Bình, trong 7 ngày nghỉ Tết Quý Mão 2023 (từ ngày 29 đến mùng 5 Tết), trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ước đón hơn 397 ngàn lượt khách, gấp 2,2 lần so với dịp Tết Nhâm dần 2022, trong đó có 29.500 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch Tết ước đạt 550 tỉ đồng.

(Nguồn: Soha)

NGẬP NGỤA RÁC NGÀY TẾT VÀ GÁNH NẶNG CỦA CÔNG NHÂN VỆ SINH

“Đến hẹn lại lên”, dịp Tết Nguyên đán là lúc nghỉ ngơi của mọi nhà mọi người thì công nhân môi trường lại căng mình dọn dẹp rác thải.

Bởi việc một bộ phận người dân không giữ gìn ý thức vệ sinh công cộng, vứt rác không đúng thời gian, địa điểm, lượng rác thải tăng chóng mặt khiến công việc của công nhân vệ sinh những ngày Tết càng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết…

Vứt rác bất chấp địa điểm, thời gian

Trong 6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2021, từ ngày 9.2 – 14.2 (tức từ 28 tháng Chạp năm Canh Tý đến hết mùng 3 tháng Giêng năm Tân Sửu) các khu xử lý rác thải tập trung của thành phố Hà Nội đã tiếp nhận, xử lý tổng cộng hơn 35.000 tấn rác thải, với khối lượng trung bình 5.934,52 tấn/ngày đêm. Lượng rác thải thu gom trên địa bàn thành phố bắt đầu gia tăng từ ngày 4.2.

Còn trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022, từ ngày 24.1 – 6.1 (tức ngày 22 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng), trên địa bàn Hà Nội phát sinh gần 90.000 tấn rác.

Với Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng có thể thấy, lượng rác thải dịp Tết luôn luôn nhiều đến mức các công nhân vệ sinh môi trường phải căng mình thu dọn.

Sáng ngày mùng 4 Tết Âm lịch, ngồi một góc chờ vào ca, chị Trần Thị Thu Hương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - nữ công nhân vệ sinh môi trường chia sẻ, ngay từ những ngày 23 tháng Chạp (Tết ông Công ông Táo) trở đi, lượng rác thải sinh hoạt đổ ra môi trường tăng đột biến.

Với tâm lý và thói quen dọn nhà đón năm mới, nên người bỏ bớt đồ đạc không dùng. Trong Tết, các gia đình cũng liên hoan, ăn uống hay sắm sửa đồ đạc, cây cảnh như quất, lê, đào… để trưng trong nhà.

“Những ngày Tết, người dân thường vứt rác không đúng nơi, đúng giờ quy định nên việc dọn dẹp cũng khó khăn hơn ngày thường. Đêm 30 Tết, điểm tôi trực bắn pháo hoa, xác pháo hoa rơi khắp nơi trên đường. Chúng tôi thường phải tăng ca đến 2h sáng hôm sau”, chị Hương tâm sự.

“Chúc nhau ít rác”

“Trong Tết thì bạt ngàn rác” là câu trả lời của nữ công nhân vệ sinh môi trường Trần Thị Nguyệt (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) khi được hỏi về việc dọn dẹp rác thải dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Theo chị Nguyệt, ngày mùng 1 Tết Âm lịch sẽ có khoảng 50-70% công nhân đi làm. Với những công nhân đi làm mùng 1 sẽ được nghỉ mùng 2, công nhân đi làm mùng 2 sẽ được nghỉ mùng 1. Đến ngày mùng 3 Tết Âm lịch, 100% công nhân trở lại công việc thường ngày, khu vực của ai người đó thực hiện dọn dẹp.

"Riêng ngày 30 Tết chúng tôi phải đi liên tục, không để cho rác tồn đọng nhiều. Kể cả hết ca mà chưa hết rác thì công nhân vẫn phải tiếp tục làm. Đường làng, ngõ xóm thì thu dọn rác, còn ở các con đường chính là phải quét sạch. Những ngày này chúng tôi sẽ vất vả hơn, bình thường đi 2 lượt là hết rác, ngày Tết phải đi 3-4 lượt là ít", chị Nguyệt cho hay.

Vì công việc, nữ công nhân vệ sinh môi trường phải "giao" nhiệm vụ chúc Tết nhà ngoại cho chồng. Được nghỉ làm mùng 2, chị và gia đình mới có thời gian sang nhà nội chúc Tết.

Ngày 30 Tết, 21h hết ca trực, chị Nguyệt quay trở về về nhà và bắt đầu luộc gà, thổi xôi để cúng giao thừa. Sau khi xong xuôi hết công việc, hơn 1h sáng chị mới chìm vào giấc ngủ. Ngày hôm sau, chị lại bắt đầu công việc lúc 9h sáng.

Cũng có thâm niên 8 năm làm công nhân vệ sinh môi trường, năm nào, chị Nguyệt và các đồng nghiệp cũng sẵn sàng tinh thần "chiến đấu" với rác và tếu táo chúc nhau "ít rác - nhiều ống bơ".

"Xã hội phân công mỗi người một công việc, nghề này cũng giống như nhiều nghề khác phải thực hiện nhiệm vụ xuyên Tết. Ai cũng muốn chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ dành phần ai?", chị Nguyệt tâm sự.

Theo ghi nhận của PV, ở khu vực ngoại thành Hà Nội như thị xã Sơn Tây, công nhân vệ sinh môi trường cũng phải làm hết công suất để dọn dẹp tại các điểm tập kết rác thải. Điều này đặt ra báo động về ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng của người dân mỗi độ Tết đến, xuân về.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

(Xem thêm:

=> Chết tại chỗ vì đốt pháo; Cứu người phụ nữ leo cột điện; Những đứa trẻ lạc lối trong showbiz; Xuân Bắc, anh sai rồi! ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang