Shopee 'ôm' vốn của người bán; Vụ 'bốc hơi' 58 tỷ tại MSB; 'Bùng nổ' quét mã QR; 'Siêu' dự án nghìn tỷ 'bán lúa non'

KÉO DÀI THỜI GIAN ĐỔI TRẢ HÀNG, SHOPEE BỊ NGHI "ÔM" VỐN CỦA NGƯỜI BÁN

Chính sách mới của Shopee cho phép người mua đổi, trả sản phẩm trong 15 ngày, đồng thời tiền hàng của người bán bị giữ lâu hơn, điều này gây nhiều ý kiến trái chiều.

Những ngày qua, "làn sóng" phản đối chính sách mới của sàn thương mại điện tử Shopee được dấy lên mạnh mẽ bởi các nhà bán hàng trên sàn này.

Bức xúc vì vốn bị 'chôn'

Anh N.T.Tùng (Hà Nội), chủ cơ sở kinh doanh sản phẩm thời trang trên sàn thương mại điện tử Shopee cho biết, kể từ đầu tháng đến nay tổng doanh thu bán hàng trên sàn này của anh đã đạt hơn 47 triệu đồng. Nhưng hơn 20 ngày trôi qua, số tiền anh nhận về mới chỉ có 700.000 đồng, việc này khiến hoạt động kinh doanh của anh Tùng bị gián đoạn, đứng trước nguy cơ thiệt hại nặng.

“Hàng đã bán hết, muốn nhập hàng mới thì tôi lại không có tiền. Trong khi tiền bán hàng vẫn đang bị Shopee giữ chưa chuyển. Hoạt động kinh doanh mà gián đoạn như thế này thì thiệt hại không hề nhỏ đối với người bán hàng như chúng tô i”, anh Tùng nói.

Theo anh Tùng, nguyên nhân xuất phát từ chính sách mới của Shopee. Cụ thể, kể từ 26/2, Shopee cho phép người mua trả hàng/hoàn tiền trong vòng 15 ngày kể từ khi giao hàng thành công, bất kể loại cửa hàng.

Chính sách này cho phép người mua hàng trên Shopee có thể trả lại các sản phẩm đã mua có gắn nhãn "đổi ý miễn phí 15 ngày" kể từ ngày giao hàng, kéo dài hơn ba ngày so với trước đây và miễn 100% phí vận chuyển hoàn về.

Thậm chí, người mua có thể yêu cầu trả hàng hoặc hoàn tiền với lý do "không còn nhu cầu hoặc hàng có vấn đề".

“Như vậy, mặc dù đã giao hàng thành công cho khách, shop vẫn phải đợi 15 ngày để xem khách có ý định hoàn trả hàng hay không. Sau 15 ngày, nếu khách không có ý định trả hàng thì mới tiếp tục được Shopee chuyển tiền hàng. Tuy nhiên thực tế, nhiều người đã hơn 20 ngày vẫn chưa nhận được tiền bán hàng” , anh Tùng nói thêm.

Không chỉ riêng anh Tùng, trên các hội nhóm mạng xã hội chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh trên sàn Shopee, rất nhiều người cũng đăng tải, bình luận các bài viết phản ánh bức xúc của người bán hàng với Shopee.

“Làm gì có khách hàng nào có ý định mua hàng để sử dụng thật sự lại giữ hàng của shop tới 15 ngày mới trả lại. Như vậy là làm khó người bán hàng, giúp nhiều khách lợi dụng để trải nghiệm chán chê các sản phẩm rồi mới trả hàng” , tài khoản Thùy Trang viết.

Một người bán hàng trên Shopee bức xúc kể chuyện chị phải ấm ức nhận lại sản phẩm quần áo bị trả về sau khi khách đã mặc, trong khi đồ thời trang mà đã bị sử dụng thường rất khó bán.

" Đơn trả với lý do rất vô lý, quần áo mặc rồi Shopee vẫn cho trả và bắt người bán phải chứng minh mùi cơ thể là không thể chấp nhận được. Như thế này thì sản phẩm đã dùng rồi và bị trả lại, chúng tôi làm sao có thể tiêu thụ được? Chưa kể đó là hàng đặt về theo đơn đặt hàng của khách ", chị đặt câu hỏi.

Một tài khoản ẩn danh nêu quan điểm: “Khủng hoảng kinh tế đã phải cố gắng cầm cự để kinh doanh. Giờ Shopee lại giữ tiền hàng tới 15-20 ngày thì đúng là cú kết liễu cuối cùng của shop”.

“Tức quá mà không làm gì được. Kinh doanh ai cũng cần tiền để xoay vòng, vậy mà Shopee giữ tiền tới 15-16 ngày thì tiền đâu để nhập hàng. Chắc phải đăng ký tạm nghỉ bán, có đơn cũng sợ không dám giao hàng vì không có tiền để duy trì, lại gặp khách sử dụng sản phẩm chán chê rồi gửi trả thì chỉ có chết”, tài khoản Thu Hà bình luận.

Hầu hết nhiều người bán hàng đều cho là Shopee đang bỏ rơi người bán, không coi họ là đối tác và chỉ bảo vệ, đứng về phía người mua. Đây cũng là lý do khiến nhà bán hàng không còn mặn mà trong việc đưa ra nhiều ưu đãi riêng cho khách hàng như trước.

" Tôi nghĩ Shopee cần coi nhà bán hàng như những đối tác sòng phẳng và cũng phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Điều này sẽ khiến các nhà bán hàng chăm sóc, hỗ trợ khách hàng nhiều hơn, góp phần tạo uy tín trở lại cho Shopee. Không nhất thiết phải áp dụng chính sách "làm khó" người bán như thế mới bảo vệ được người mua", chị Minh Hằng nêu quan điểm.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đồng tình với Shopee vì cho rằng chính sách mới đang giúp phần bảo vệ người mua, tăng sự tin tưởng của người mua và kích thích nhu cầu mua sắm của khách.

“Chính sách giúp người mua tăng thời gian trải nghiệm sản phẩm, giúp đưa ra quyết định mua hàng sáng suốt hơn. Từ đó, giảm thiểu rủi ro mua hàng online, đặc biệt với sản phẩm cần kiểm tra kỹ. Bên cạnh đó, khi người mua an tâm hơn, dẫn đến tăng khả năng mua hàng. tăng doanh thu cho Shopee và các nhà bán hàng ”, tài khoản Phương Nga nhận định.

Tài khoản Anh Đức viết: “ Sự thật là mình ủng hộ Shopee, chính sách càng khắc nghiệt cho người bán hàng càng giúp loại bỏ được những người bán phá giá thị trường. Những kẻ mạnh, vốn dày, am hiểu thị trường và sản phẩm còn trụ lại sẽ là những người thắng.

Còn về vụ trả hàng miễn phí sau 15 ngày mình cũng ủng hộ luôn. Thử tưởng tượng bạn là người đi mua bạn có muốn mình bỏ tiền ra mua được một sản phẩm kém không? Chính sách này sẽ khiến sản phẩm của nhà bán hàng phải tốt lên, như thế càng dễ đáp ứng được yêu cầu khắt khe của người mua”.

Phân tích kỹ hơn về chính sách mới của Shopee, chị Nguyễn Thu Hà (Hà Nội), cho biết, thực tế để chính sách này hoạt động và phát huy lợi ích cần sự phối hợp giữa người mua và người bán.

Nếu người bán khi nhận hàng, chấp nhận mua hàng thì có thể ấn vào nút “Đã thanh toán”. Khi đó, người bán hàng sẽ không phải đợi hết thời hạn 15 ngày mới có thể nhận lại tiền.

“Thực tế, những ngày qua, shop mình may mắn khi tiền vẫn được về đều. Chỉ một số ít cửa hàng mà người mua không xác nhận sẽ mua thì sẽ phải chờ đợi. Vậy nên, trước khi mua người mua nên đọc kỹ mô tả sản phẩm, tránh làm mất thời gian và gây thiệt hại cho cả hai bên.

Nhà bán cũng nên tự thích nghi, bảo vệ bản thân đối với chính sách mới bằng cách đóng gói sản phẩm cẩn thận và cung cấp thông tin rõ ràng, có thể quay video để đảm bảo tính xác thực khi cần”, chị Hà Nói.

Shopee cho nhà bán hàng vay lại tiền của chính mình?

Bên cạnh việc bị giữ tiền bán hàng tới hàng chục ngày, nhiều người bán hàng đặt câu hỏi về chính sách cho người bán hàng vay tiền với lãi suất hơn 20%/năm của Shopee.

Nhiều người băn khoăn, liệu, Shopee có dùng chính số tiền giữ của người bán hàng để xoay vòng cho vay lấy lãi?

Cụ thể, thông tin trên website Shopee.vn cho biết từ ngày 26/2, sàn này đã có thông báo về dịch vụ SEasy cho vay người bán. Theo đó, người bán có thể vay tối đa 200 triệu đồng, tối thiểu 10 triệu đồng cho hai khoảng thời gian 3 tháng và 6 tháng. Thẩm định hồ sơ nhanh, lãi suất chỉ từ 1,74%, tính ra khoảng hơn 20%/năm.

“Liệu đây có phải là cách mà Shopee kiếm tiền của người bán hàng từ chính những đồng tiền của họ chưa được chi trả. Tất cả các chính sách của Shopee đều hướng mũi tấn công vào người bán hàng. Nếu đúng như thế, tôi cho rằng Shoppe đang tự ý sử dụng vốn của người bán hàng để chuộc lợi”, tài khoản Đỗ Huyền đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, dịch vụ này được cung cấp bởi đối tác của sàn là các tổ chức tín dụng được cấp phép, thông qua sàn thương mại điện tử Shopee. Do đó, Shopee không phải là đơn vị đứng ra cho vay. Các khoản cấp tín dụng sẽ được thực hiện bởi tổ chức tín dụng nhằm giúp người bán đảm bảo dòng vốn không bị đứt đoạn.

Trước đó, giới thiệu về chính sách kéo dài thời gian đổi/trả hàng tròng vòng 15 ngày, thay vì 3 ngày như trước, đại diện Shopee Việt Nam chia sẻ, người tiêu dùng trực tuyến là động lực phát triển chính, yếu tố quan trọng nhất tạo ra tăng trưởng cho thương mại điện tử. Để đạt được sự tăng trưởng thì niềm tin của người tiêu dùng vô cùng quan trọng. Vì thế cần nhiều biện pháp bảo vệ quyền lợi, vì lợi ích của người mua theo tiêu chí tiêu dùng hài lòng, an toàn.

Mặc dù vậy, chính sách này chỉ áp dụng với những sản phẩm vẫn giữ được sự nguyên vẹn, nguyên tem, nguyên hộp sản xuất, đầy đủ phụ kiện, giấy tờ để người bán có thể tiếp tục sử dụng cho những đơn hàng tiếp theo.

VỤ 'BỐC HƠI' 58 TỶ ĐỒNG TẠI MSB: THANH TRA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VÀO CUỘC

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 27/3, một lãnh đạo thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ cho kiểm tra xác minh lại thông tin liên quan đến việc khách hàng mất hơn 58 tỷ đồng khi gửi tiền trong tài khoản của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB).

Trước đó, ngày 26/3, MSB có thông cáo gửi báo chí liên quan đến vụ việc và cho rằng, ngân hàng đã phát hiện có dấu hiệu bất thường liên quan đến một số cán bộ nhân viên với một nhóm khách hàng có quan hệ mật thiết với nhau (trước khi tham gia MSB).

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 27/3, bà Nguyễn Thị Lân - khách hàng mất tiền tại ngân hàng - khẳng định: "Tôi và nhân viên ngân hàng không hề thân thiết. Việc mở tài khoản gửi tiền tại MSB được 3 nhân viên đến chào mời. Thậm chí những nhân viên này còn mời tôi đến trụ sở ngân hàng tại 54A, phố Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống đa, TP Hà Nội để tạo sự tin tưởng gửi tiền. Ngày 24/3/2021, tôi ký hợp đồng mở tài khoản tại MSB, số TK: 03488019349999, chủ tài khoản tên Nguyễn Thị Lân".

Theo bà Lân, cán bộ MSB hướng dẫn “tài khoản này do MSB quản lý để báo cáo số dư cuối ngày và cuối tháng phục vụ cho việc tính chỉ số giá chứng khoán (của MSB), tài khoản này không mở được APP (ứng dụng) trên điện thoại, tiền gửi theo kỳ hạn tham gia 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần, 4 tuần. Đến hết kỳ hạn gửi, bà Lân có nhu cầu rút gốc và lãi hoặc muốn gia hạn kỳ gửi phải thông báo cho MSB trước 1 ngày.

Ngày 30/3/2021 khi chuyển tiền lần đầu tiên, bà Lân thấy tài khoản được mở đúng tên mình tại Hội sở chính MSB. Bà Lân có tổng cộng 12 lần chuyển tiền với số tiền hơn 58 tỷ đồng . Mỗi lần chuyển tiền, bà Lân đều nhận được giấy xác nhận thông tin tài khoản/số dư tài khoản, trên giấy xác nhận đều có chữ ký của những người có thẩm quyền là các Giám đốc Trung tâm khách hàng cá nhân hoặc Giám đốc chi nhánh ký và đóng dấu đỏ của Ngân hàng MSB (cụ thể gồm: ông Nguyễn Minh Hưng và ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm khách hàng cá nhân, bà Bùi Thị Hoài Anh - Giám đốc Trung tâm khách hàng cá nhân, giám đốc chi nhánh Thanh Xuân) nên bà Lân rất yên tâm và tiếp tục chuyển tiền.

Số dư tiền gửi cho bà Lân theo giấy xác nhận Thông tin tài khoản/Số dư tài khoản số 432/CV/MSB chi nhánh Thanh Xuân đến thời điểm 10 giờ 8 phút ngày 7/10/2023 là 58,65 tỷ đồng. Từ sau ngày này, bà Lân không thực hiện giao dịch nào khác với MSB.

Ngày 12/10/2023, bà Lân đến MSB yêu cầu được sao kê tài khoản từ khi mở tài khoản đến nay, bỗng phát hiện ra trên tài khoản của mình chỉ còn 93.640 đồng (trên bảng sao kê tài khoản thể hiện rất nhiều các giao dịch chuyển rút tiền không phải do bà Lân yêu cầu/thực hiện). Ngoài ra, số dư trên sao kê không đúng với số dư MSB thông báo trên các giấy xác nhận Thông tin tài khoản/số dư tài khoản (do MSB cung cấp cho bà Lân tại thời điểm tương ứng).

"Thời điểm phát hiện, tôi vô cùng bàng hoàng và bất ngờ vì bản thân không có bất cứ một hành động nào liên quan đến các giao dịch chuyển rút tiền và không ký bất kỳ một lệnh chuyển rút tiền nào tại MSB mà tại sao tiền trong tài khoản của mình lại mất toàn bộ", bà Lân nói.

Theo khách hàng, do rất tin tưởng vào hoạt động của MSB nên đã dồn toàn bộ tiền tiết kiệm của nhiều người trong gia đình, tiền vay mượn của bạn bè gửi vào.

Trước sự việc nêu trên, bà Lân đã có đơn khiếu nại đề nghị MSB trả lại số tiền đã gửi để bảo đảm quyền về tài sản dân sự cũng như quyền của người gửi tiền, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, nhưng MSB trả lời vụ việc đã được chuyển sang cơ quan An ninh điều tra, Công an TP Hà Nội và phải chờ kết quả.

Bà Lân cho rằng, việc làm giữa MSB và cơ quan an ninh điều tra không liên quan tới bà Lân, tiền của bà Lân gửi tại MSB, ngân hàng phải có trách nhiệm trả lại chỗ mình. Đến thời điểm hiện tại, bà Lân vẫn chưa được hoàn trả số tiền.

Cùng ngày, trao đổi với PV Tiền Phong , một lãnh đạo thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ cho kiểm tra xác minh lại thông tin liên quan đến việc khách hàng mất hơn 58 tỷ đồng khi gửi tiền trong tài khoản của Ngân hàng MSB.

‘BÙNG NỔ’ QUÉT MÃ QR: TIỂU THƯƠNG KHỎI LO RỦI RO LỪA ĐẢO THANH TOÁN

Không chỉ các cửa tiệm lớn mà nhiều hàng rau củ, tiệm tạp hóa, quán trà đá... dán mã QR giúp khách thanh toán bằng tài khoản ngân hàng thay cho tiền mặt. Tuy nhiên điều này vẫn ẩn chứa các rủi ro…

Theo ghi nhận tại khu vực chợ Đồng Xuân, Hà Nội, các tiểu thương bán hàng tại đây chia sẻ thời gian gần đây, họ nhiều lần bị thất thoát doanh thu do phát sinh nhiều hình thức lừa đảo thanh toán thông qua mã QR như: dán đè mã, làm giả giao dịch chuyển khoản...

Đối với những hộ kinh doanh có nhiều hơn một cửa hàng, việc theo dõi doanh thu riêng lẻ của từng cửa hàng thường gặp khó khăn vì giữa các địa điểm chỉ dùng chung một mã QR code nhận tiền, nên sẽ tốn thêm thời gian đối soát theo từng giao dịch. Nhân viên phải chụp ảnh màn hình chuyển khoản của khách hàng gửi cho chủ vì không có ứng dụng riêng để theo dõi tình trạng thanh toán. Không chỉ người mua mất thời gian chờ đợi mà trong nhiều trường hợp thu ngân không kịp đối chiếu cùng lúc có thể dẫn đến thất thoát doanh thu do những giao dịch gian lận.

Thấu hiểu những vấn đề trên, VNPAY đã cung cấp giải pháp thanh toán QR với hệ sinh thái dịch vụ có nhiều tính năng tiện lợi, quyền lợi tối ưu, cam kết bảo mật; không chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp lớn mà còn thích hợp cho các chủ hộ kinh doanh và các tiểu thương bán lẻ.

Thông báo kịp thời, nguồn thu tách bạch

Khi người mua thanh toán qua mã VNPAY-QR tại cửa hàng, giao dịch thành công sẽ được thông báo đồng thời cho chủ cửa hàng và nhân viên tại quầy. Nhân viên được “phân quyền” quản lý sẽ nhận thông báo và theo dõi tiền về qua ứng dụng riêng biệt VNPAY Merchant.

Tính năng ưu việt này của giải pháp thanh toán VNPAY-QR nhằm tách biệt thông báo giao dịch, giúp chủ cửa hàng thuận tiện quản lý nguồn thu từ xa, tránh thất thoát, đảm bảo bảo mật số dư tài khoản. Bên cạnh đó, nhân viên cửa hàng cũng dễ dàng kiểm soát tình trạng giao dịch mà không cần hỏi lại chủ cửa hàng, hạn chế tình trạng kẻ gian làm giả giao dịch.

Nâng cao trải nghiệm khách hàng

Giải pháp thanh toán VNPAY-QR cung cấp hệ thống thông báo giao dịch tức thì. Ngay khi khách hàng thanh toán thành công, thu ngân cũng nhận được thông báo nên có thể trực tiếp kiểm tra, không cần chụp lại ảnh màn hình giao dịch để đối chiếu. Điều này giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng khi mua sắm. Vì người mua không còn mất thời gian chờ xác nhận giao dịch, hay lo lắng về vấn đề lộ thông tin cá nhân khi nhân viên yêu cầu chụp lại màn hình chuyển khoản thành công như trước đó.

Ngoài ra, VNPAY-QR còn có thêm giải pháp thông báo bằng âm thanh, giúp người bán dễ dàng kiểm soát giao dịch thanh toán trong những lúc bận rộn mà không cần mở điện thoại để kiểm tra tiền về.

VNPAY cũng có nhiều chính sách hỗ trợ đối tác thúc đẩy doanh thu, kích cầu bằng cách triển khai đa dạng chương trình ưu đãi đặc biệt dành cho khách hàng khi thanh toán qua VNPAY-QR. Nhờ vậy, chủ cửa hàng có thể mở rộng tệp khách hàng mới nhờ trải nghiệm thanh toán, mua sắm hiện đại.

“Theo số liệu tính đến đầu năm 2024, chúng tôi đã đạt dấu mốc hơn 350.000 điểm chấp nhận thanh toán, liên tục nhận về nhiều phản hồi tích cực từ các hộ kinh doanh và doanh nghiệp bán lẻ. Những tín hiệu đó sẽ là động lực để VNPAY tiếp tục phát triển thêm các giải pháp với tính năng mới phù hợp hơn với nhu cầu của người bán và thị hiếu của người tiêu dùng”, ông Ngô Anh Tuấn - Giám đốc Khối Phát triển thị trường VNPAY chia sẻ.

Quản lý giao dịch dễ dàng, tinh gọn qua hệ thống quản trị thông minh

Với hệ thống quản trị giao dịch thanh toán độc lập của VNPAY-QR, “bài toán” tối ưu quy trình quản lý và vận hành cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp bán lẻ sẽ trở nên đơn giản.

Theo đó, chủ cửa hàng đăng ký giải pháp thanh toán VNPAY-QR hoàn toàn có thể tạo thêm nhiều mã QR cho các cửa hàng khác nhau. Toàn bộ giao dịch nhận thanh toán qua mã QR tại cửa hàng sẽ được báo cáo riêng theo từng điểm bán, giúp chủ cửa hàng thuận tiện bóc tách dòng tiền của từng cửa hàng, hạn chế sự gian lận của nhân viên về doanh số bán hàng, kịp thời đưa ra những điều chỉnh kinh doanh phù hợp.

Không chỉ vậy, các chủ hộ kinh doanh dễ dàng tích hợp giải pháp thanh toán VNPAY-QR với các phần mềm quản lý kinh doanh khác hiện có trên thị trường, giúp thuận tiện cho việc quản lý kho hàng và dòng tiền theo một hệ thống đồng bộ.

Đội ngũ nhân viên VNPAY luôn sẵn sàng hỗ trợ

VNPAY-QR cung cấp rất nhiều kênh hỗ trợ, giúp các chủ cửa hàng dù ở bất kỳ đâu cũng có thể được hỏi đáp trực tiếp với các tư vấn viên. Qua dịch vụ này, các tư vấn viên sẽ liên tục cung cấp các thông tin mới nhất có thể về dịch vụ, sản phẩm phù hợp với mô hình kinh doanh của chủ cửa hàng...

Với những lợi ích vượt trội mà giải pháp thanh toán VNPAY-QR mang lại, các chủ cửa hàng có thể an tâm và sử dụng để tối ưu quy trình quản lý và tăng trưởng doanh thu.

'SIÊU' DỰ ÁN NGHÌN TỶ RẦM RỘ 'BÁN LÚA NON'

Mới đang làm móng, chưa đủ điều kiện huy động vốn theo quy định nhưng dự án khu nhà ở nghìn tỷ tại TP Thủ Đức (TP.HCM) đã rầm rộ chào bán và thu tiền đặt cọc giữ chỗ của khách hàng.

Rầm rộ huy động vốn

Dự án khu nhà ở T.L được giới thiệu là một khu phức hợp bất động sản có quy mô lớn tọa lạc tại mặt tiền Đại lộ Mai Chí Thọ, phường An Phú, TP Thủ Đức (TP.HCM) với diện tích gần 3,7ha do Công ty Cổ phần Bất động sản T.L làm chủ đầu tư.

Theo quảng cáo, dự án gồm 6 toà tháp với tổng khoảng 2000 căn hộ, dự kiến bàn giao cho khách hàng vào năm 2027.

Hiện trạng dự án đang được quay tôn bên ngoài, bên trong đang thi công phần móng.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV dù chưa được cơ quan chức năng cho phép huy động vốn nhưng dự án đã “bán lúa non” , nhận tiền cọc của khách hàng.

Trong vai người có nhu cầu mua nhà, PV được nhân viên bán hàng giới thiệu về 2 tháp A5 và A6 với khoảng 700 căn hộ đang được công ty chào bán và thu tiền đặt cọc giữ chỗ với mỗi suất là 100 triệu đồng được chuyển thẳng vào tài khoản Chủ đầu tư. Sau khi nhận tiền Chủ đầu tư sẽ giao cho người đặt cọc Phiếu đăng ký xác nhận về việc đã nhận 100 triệu đồng.

Để đẩy độ “hot” cho dự án, PV được nhân viên thúc giục, để chắc chắn mua được căn hộ theo ý đã chọn thì phải đóng ít nhất 2 suất tiền cọc để tăng tỉ lệ cạnh tranh trong ngày mở bán.

Nhận định về góc độ pháp lý, Luật sư Đổng Mây Hồng Trúng, Giám đốc hãng luật Hồng Trúng, Đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ, bản chất của việc thu tiền đặt cọc là hình thức huy động vốn trái phép khi chưa đủ điều kiện.

Cụ thể, dự án đủ điều kiện mở bán phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.

Theo Luật sư, cần phải có những chế tài nghiêm minh hơn nữa dành cho chủ đầu tư vi phạm. Bởi, mức phạt hiện tại là quá thấp so với số tiền mà chủ đầu tư huy động được từ việc rao bán căn hộ. Có tình trạng doanh nghiệp sẵn sàng “nhờn luật” nhằm đạt được mục đích, đẩy mọi rủi ro cho khách hàng gánh chịu.

Dính loạt lùm xùm

Được biết, chủ đầu tư dự án này trước đó vướng loạt lùm xùm. Có thể kể đến như tại dự án tổ hợp Tân Thắng, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) đến nay hàng trăm cư dân còn “sợ hãi” khi trót mua căn hộ tại đây.

Cụ thể, năm 2023 chủ đầu tư dự án đã bị nhiều khách hàng phản ánh liên quan đến việc không thực hiện các điều khoản, quyền lợi ký kết trong hợp đồng mua bán. Nhiều khách hàng mua nhà tại dự án cho biết chủ đầu tư đã chậm bàn giao căn hộ theo thời hạn ghi rõ trong hợp đồng mua bán. Tuy nhiên khi khách hàng đòi quyền lợi, yêu cầu chủ đầu tư phải trả tiền phạt chậm bàn giao và tiền phạt hủy hợp đồng theo đúng các điều khoản hai bên đã ký kết thì không được chủ đầu tư đáp ứng.

Đến tháng 4/2023, do phát hiện chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán tại Khu chung cư A5 trước khi có giấy phép xây dựng và chưa đủ điều kiện mở bán nhà ở hình thành trong tương lai, UBND TP HCM đã ra quyết định xử phạt chủ đầu tư này 900 triệu đồng vì vi phạm huy động vốn không đúng quy định. Nhà đầu tư buộc phải khắc phục hậu quả bằng việc hoàn trả phần tiền đã huy động không đúng quy định, thực hiện trong vòng 10 ngày kể từ khi quyết định xử phạt có hiệu lực.

Tuy nhiên qua tìm hiểu, sau khi bị xử phạt và được Sở Xây dựng công bố danh sách căn hộ đủ điều kiện mở bán vào ngày 8/5/2023, chủ đầu tư vẫn tiếp tục gửi thông báo đóng tiền và bàn giao các căn hộ không nằm trong danh sách căn hộ đủ điều kiện mở bán cho khách hàng. Mặc dù phải tới ngày 29/6/2023, các căn hộ thuộc Khu chung cư A5 mới được cơ quan chức năng chấp thuận kết quả nghiệm thu.

Tương tự, tại dự án khu E., gần 6 năm kể từ khi ký Hợp đồng mua bán căn hộ , và 3 năm kể từ khi nhận bàn giao căn hộ, đến nay hàng trăm cư dân vẫn chưa nhận được Giấy chứng nhận sở hữu căn hộ.

Tại dự án này ,ngày 17/11/2023, Đội Thanh tra địa bàn TP. Thủ Đức, Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp với UBND phường Trường Thạnh, TP. Thủ Đức lập Biên bản vi phạm hành chính về trật tự xây dựng đối với chủ đầu tư dự án do đã thực hiện hành vi: “Tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng”.

Nguồn: Kenh14; Soha; Vietnamnet; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang