Lừa đảo bủa vây, nhiều người sập bẫy; VNDirect bị tấn công; 'Vị đắng' hạt café; Đất nền chưa ấm, môi giới đã 'lướt' chênh

LỪA ĐẢO BỦA VÂY, NHIỀU NGƯỜI SẬP BẪY

Chưa lúc nào tình trạng lừa đảo trên mạng lại đáng báo động như hiện nay với đủ mọi chiêu trò, thủ đoạn khiến nhiều người, dù rất cảnh giác, vẫn sập bẫy.

Lừa từ giao hàng đến khóa tu online

Ở thời điểm hiện tại, môi trường mạng đang là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng lừa đảo hoạt động mạnh. Chị N.T.H, ngụ tại Đông Anh (Hà Nội), kể chị đã 2 lần bị hacker lấy quyền kiểm soát tài khoản Facebook để lừa tiền bạn bè, người thân của chị. Bản thân chị cũng bị đối tượng lừa đảo sử dụng Zalo của một người bạn để chiếm đoạt 8 triệu đồng. "Mình không giỏi về công nghệ nên ít khi cảnh giác những chiêu trò hacker giả mạo, khi có người bạn thân mượn tiền mình cũng không nghi ngờ mà chuyển khoản ngay, sau đó mới biết là kẻ gian chiếm quyền đăng nhập để lừa đảo".

Trò chuyện với PV Thanh Niên, chị T.H.H, ngụ tại P.Cát Lái, TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết cũng suýt trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo vay tiền tín dụng. "Mới hôm qua tôi nhận cuộc điện thoại tự nhận là nhân viên ngân hàng mà tôi đang mở thẻ, thông báo tôi đủ điều kiện để nâng hạn mức vay tín dụng lên 200 triệu đồng. Nhân viên này kết bạn qua ứng dụng Zalo và gửi cho tôi một đường link để đăng ký. Tôi nghi ngờ nên gọi lên tổng đài ngân hàng để kiểm tra thì được biết ngân hàng không hề có chương trình này".

Chị H.T.H, ngụ tại Q.12 (TP.HCM), thì bức xúc vì chuyển nhầm tiền cho người mạo danh shipper. "Bây giờ lừa đảo khắp nơi, không biết đâu mà lần. Tôi thường mua hàng online, hôm qua có người gọi giao hàng nhưng tôi đi vắng, họ yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản để giao hàng. Tôi nghĩ đây là shipper thường giao hàng nên đã chuyển 400.000 đồng nhưng khi về nhà thì không thấy gói hàng đâu, kiểm tra lại thì đơn hàng vẫn chưa được giao đến còn người liên lạc lúc sáng thì đã chặn số, không liên lạc được. Mặc dù số tiền không lớn nhưng thủ đoạn này khá mới, nếu không lên tiếng cảnh giác chắc sẽ có nhiều người bị lừa".

Chưa hết, mới đây, cơ quan chức năng và Giáo hội Phật Giáo VN phát đi cảnh báo về hình thức lừa đảo "khóa tu mùa hè". Cụ thể, khi nghiên cứu các khóa tu mùa hè cho con, chị H. (ngụ tại Hà Nội) có kết nối với tài khoản Facebook "Tu Sinh Mùa Hè" để đăng ký. Sau đó, một người xưng là "Trưởng ban Tu sinh" gọi cho chị H., giới thiệu, cung cấp số và ảnh căn cước công dân để tạo niềm tin. Đối tượng đưa chị H. vào nhóm trên Telegram và yêu cầu mua vật phẩm phong thủy nhằm tăng tương tác cho công ty vật phẩm phong thủy là nhà tài trợ chính cho khóa tu.

Khi mua vật phẩm, sau 3 - 5 phút công ty sẽ hoàn lại tiền cho phụ huynh. Sau nhiều lần mua và được hoàn lại tiền, chị H. được yêu cầu chuyển số tiền lớn hơn với lý do: sai thao tác, không chụp ảnh vật phẩm, phải hoàn thành thao tác, điểm tín nhiệm… Chỉ trong vòng 2 ngày, chị đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 2,8 tỉ đồng.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, khi tìm kiếm với từ khóa "Khóa tu mùa hè", kết quả trên mạng xã hội xuất hiện đến hàng chục trang Facebook và không biết đâu là trang chính chủ. Khi chúng tôi nhắn tin liên hệ thì lập tức có nhân viên yêu cầu kết bạn qua Zalo và cấp mã số tu sinh, sau đó nhân viên này dẫn dụ đăng nhập vào ứng dụng Telegram để trao đổi thông tin về chương trình tu tập và kêu gọi mua vật phẩm để ủng hộ. Bằng hình thức này, nhiều nạn nhân bị lừa thông qua các thông tin giả mạo trên mạng và chuyển khoản số tiền khá lớn để ủng hộ khóa tu.

Thượng tọa Thích Phước Nguyên, đại diện Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN, khẳng định: "Vừa qua trên mạng xã hội lan truyền thông tin kêu gọi tham gia khóa tu mùa hè đăng ký qua các nền tảng Facebook, Zalo…, đăng tải thông tin tài khoản để kêu gọi chuyển tiền bằng nhiều hình thức. Đây là hình thức lừa đảo, hành vi vi phạm pháp luật có tổ chức và đã có nhiều người là nạn nhân của các đối tượng này. Giáo hội đề nghị các tự viện, cộng đồng cần cảnh giác và nên xác minh kỹ thông tin".

Bẫy đầu tư sinh lợi

Chị K.A, ngụ tại Long An, thì bị sập bẫy lừa trên 2 tỉ đồng vì chiêu trò mua hàng trên mạng. Chị K.A tường trình: "Cuối năm 2023, tôi nhận được điện thoại từ một người đàn ông, giới thiệu vào trang Amazon để tạo tài khoản mua hàng trên mạng. Theo hướng dẫn, tôi chỉ cần lựa chọn sản phẩm, chuyển tiền theo số tài khoản do người này đưa. Sau khi chuyển tiền, công ty sẽ giúp bán sản phẩm và tôi được quyền rút toàn bộ tiền, không cần lấy sản phẩm mà vẫn nhận được hoa hồng.

Sau vài lần giao dịch đầu, tôi nhận được tiền qua tài khoản cá nhân như đã thỏa thuận trước đó. Tuy nhiên, người đàn ông tiếp tục hướng dẫn tôi mua sản phẩm có giá trị cao hơn sẽ được lợi nhuận nhiều hơn. Tin lời, tôi tiếp tục chuyển số tiền lớn thì đối tượng đưa ra lý do không trùng khớp thông tin, buộc chuyển tiền thêm để xác thực số tài khoản, nộp thuế thu nhập cá nhân và một số lý do khác… mới nhận lại được số tiền đã chuyển và tiền hoa hồng. Vì nóng lòng lấy lại tiền nên tôi đã tiếp tục chuyển 28 lần, tổng số tiền trên 2 tỉ đồng. Sau đó, đối tượng đã chiếm đoạt và cắt liên lạc".

Chị B., ngụ tại Long An, cũng bị lừa hơn 1 tỉ đồng vì bị dẫn dụ tham gia đầu tư tiền ảo. Theo chị B., vào cuối năm 2023, qua mạng xã hội Facebook, chị kết bạn với một người đàn ông tự xưng là nhân viên của một công ty chứng khoán ở TP.HCM. Sau thời gian nhắn tin trao đổi, người đàn ông nói trên nhờ chị đăng nhập vào một tài khoản để đặt mua giùm tiền ảo Bitcoin do người này đang đi công tác ở Singapore nên không đăng nhập được.

Sau đó, người này hướng dẫn chị mở tài khoản để đầu tư. Thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng, chị đã chuyển tiền đầu tư mua tiền ảo. Ban đầu, chị chuyển 18 triệu đồng đến một tài khoản do người đàn ông đưa và nhận lại được tiền vốn và lời là 18,3 triệu đồng. Sau đó chị đã tiếp tục chuyển 8 lần, với tổng số tiền 1.060.000.000 đồng. Chị đã nhận lại được số tiền 41.900.000 đồng và bị chiếm đoạt 1.018.100.000 đồng.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật của Công ty Công nghệ an ninh mạng VN (NCS), nhận định: "Các dạng lừa đảo không mới nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng lừa đảo liên tục thay đổi, biến tướng các hình thức lừa đảo, dựa theo những sự kiện thực tế. Vì vậy nội dung của chúng thường khớp đến 70 - 80% so với những gì mà nạn nhân đã được biết. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của các công nghệ mới như deepfake khiến các nội dung lừa đảo càng khó nhận biết. Rồi việc số điện thoại rác, số tài khoản rác vẫn đâu đó được lưu hành, thông tin cá nhân bị lộ lọt, tài khoản bị hack, bị giả mạo dẫn tới môi trường, công cụ của các đối tượng lừa đảo vẫn còn nhiều".

CHỨNG KHOÁN VNDIRECT BỊ TẤN CÔNG: KHÔNG THỂ 'CẮT LỖ', NHÀ ĐẦU TƯ DỌA KIỆN

Chứng khoán VNDirect bị một tổ chức tấn công, hết phiên giao dịch đầu tuần mới vẫn chưa hoạt động lại. Sàn Hà Nội, TP.HCM cũng đã cắt kết nối với VNDirect. Giới đầu tư lo lắng về tài sản của mình, nhất là khi thị trường giảm mạnh.

Các sàn chứng khoán ngắt kết nối

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc tạm thời ngắt kết nối giao dịch từ xa và giao dịch trực tuyến trên các thị trường giao dịch chứng khoán niêm yết, giao dịch chứng khoán đăng ký giao dịch, giao dịch chứng khoán phái sinh, giao dịch công cụ nợ và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của CTCP Chứng khoán VNDirect (VND) tới HNX từ ngày 25/3 cho đến khi VNDirect khắc phục được hoàn toàn sự cố.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cũng cho hay đã tạm thời ngắt kết nối giao dịch của VNDirect với HOSE kể từ ngày 25/3 cho đến khi công ty này khắc phục được hoàn toàn sự cố.

Sự việc xảy ra khi toàn bộ hệ thống của Chứng khoán VNDirect sáng 24/3 bị tấn công bởi một tổ chức quốc tế, dẫn đến nền tảng giao dịch của VNDirect bị tạm thời không truy cập được.

VNDirect đang làm việc với các đối tác là các tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam cũng như đã phối hợp xử lý cùng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) để đảm bảo ngăn chặn sự cố tương tự như VNDirect cho an toàn của thị trường.

Mặc dù Chứng khoán VNDirect khẳng định toàn bộ thông tin và tài sản của khách hàng đều được đảm bảo trạng thái an toàn, không ảnh hưởng bởi sự cố tấn công song giới đầu tư vẫn lo lắng về sự cố.

Ông Tuấn Đức, một nhà đầu tư tại Hà Nội có mở tài khoản tại VNDirect, chia sẻ, ông được thông báo về sự cố vào đầu giờ sáng. Vì không đầu tư lướt sóng nên ban đầu ông không quá lo lắng khi công ty này khẳng định tài sản của khách hàng được đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, ông thấy không yên tâm nếu thị trường chứng khoán giảm điểm.

Đại diện một công ty chứng khoán (CTCK) cho hay, theo luật thì tiền và cổ phiếu của nhà đầu tư tại công ty chứng khoán là tách bạch. Tài khoản về chứng khoán của khách hàng được Trung tâm VSD lưu ký. Tiền của khách hàng ở tài khoản ngân hàng mà bên VND liên kết. Còn CTCK có chiếm dụng tiền của nhà đầu tư hay không thì chỉ có nội bộ mới biết.

Giới đầu tư lo lắng

Ông Tuấn Đức bày tỏ quan ngại nếu thị trường chứng khoán lao dốc, vì một lý do nào đó mà VNDirect vẫn chưa kết nối được để các nhà đầu tư có thể giao dịch thì nảy sinh vấn đề. “Một phiên có thể không sao nhưng nếu tình trạng này kéo dài và thị trường bất ngờ lao dốc, khi đó muốn cắt lỗ thì sao”, ông đặt câu hỏi.

Theo nhà đầu tư này, khi đó VNDirect sẽ giải quyết thế nào?

Đây cũng là điều mà nhiều nhà đầu tư lo lắng. Sự cố kiểu thế này có thể xảy ra ở các CTCK khác. Khi đó, thiệt hại của các nhà đầu tư liệu có được các CTCK đền bù? Làm sao có thể chứng minh được thiệt hại?

Ông Nguyễn Hưng, một nhà đầu tư có gần 20 năm kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán, cho rằng, VNDirect đã có phản ứng chậm về thông tin sự cố tới khách hàng. Sáng 25/3, khi sắp tới giờ giao dịch, nhiều nhà đầu tư mới nhận được thông tin về vụ việc hệ thống bị tấn công.

Còn về thiệt hại, theo ông Hưng, tạm thời nếu giá cổ phiếu giảm và nhà đầu tư chưa bán được thì giá trị tài sản ròng (NAV) sẽ giảm. Nếu danh mục cổ phiếu có giá tăng trở lại thì sẽ không còn thiệt hại, còn nếu NAV danh mục đầu tư vẫn lỗ thì khi đó có thể dẫn tới kiện tụng.

Trên các diễn đàn, nhiều nhà đầu tư cảm thấy bực mình vì không bán được cổ phiếu trong bối cảnh thị trường giảm điểm trong phiên 25/3. Nhiều cổ phiếu giảm giá, bao gồm cả nhóm trụ cột, nhóm ngân hàng, bán lẻ và cả bất động sản...

“Không chỉ mất tiền do bán chậm khi cổ phiếu mất giá mà còn là cơ hội và cảm giác mất điều khiển với tài sản của mình”, chị Hiền, một nhà đầu tư ở Thanh Xuân, Hà Nội, lo ngại.

“VNDirect mà đứt một tuần và thị trường bay 100 điểm là sẽ có nhiều người vác đơn đi kiện”, một nhà đầu tư khác cho hay.

Trong khi đó, có ý kiến bình luận, tình hình này nếu kéo dài nhiều người sẽ không dám mở tài khoản, thậm chí rời khỏi VNDirect.

Trên các diễn đàn, nhiều tài khoản - có thể của môi giới các CTCK khác - chèo kéo khách khi Chứng khoán VNDirect bị tấn công. Theo đó, các tài khoản này kêu gọi kiện VNDirect và khuyến nghị sang các CTCK khác “dùng cho khỏe”.

Còn với Chứng khoán VNDirect, đơn vị có thị phần top 3 tại Việt Nam, không chỉ phải căng mình khôi phục lại kết nối khi hạ tầng dữ liệu rất lớn mà còn phải làm việc với nhiều bên để kiểm soát tình hình.

VNDirect cũng thừa nhận về việc có rất nhiều cá nhân hoặc đội nhóm lợi dụng thời điểm này để tung các tin đồn bất lợi ảnh hưởng thị trường và công ty.

Gần đây, mức độ cạnh tranh giữa các CTCK trên thị trường rất khốc liệt. Một chuyên gia tài chính cho biết, mỗi một sai sót đều phải trả giá, nhất là khi liên quan tới tài sản của khách hàng.

'VỊ ĐẮNG' HẠT CÀ PHÊ VIỆT NAM: GIÁ BÁN VỌT LÊN MỨC CAO NHẤT THẾ GIỚI NHƯNG DN THUA LỖ KỶ LỤC, 'CƠN ÁC MỘNG' XẢY RA NHƯ THẾ NÀO?

Một doanh nghiệp cho biết không dám ký mới với những đơn hàng giá thấp. Công ty đang cố gánh lỗ đến tháng 6/2024.

Quý đầu năm 2024, giá cà phê liên tục tăng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Nếu tháng 11/2023, cà phê có giá từ 59.000 - 60.000 đồng/kg thì tháng 12/2023 là 62.000 - 69.000 đồng/kg. Sang tháng 1/2024, giá liên tục đẩy lên mức 82.000 đồng/kg; đến đầu tháng 3 là 86.000 đồng/kg và hiện nay đã lên 94.500 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta của Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới, cao hơn cả Ấn Độ. Trong chia sẻ mới nhất từ ông Phan Minh Thông – Chủ tịch Phúc Sinh Group – thì các khách hàng lớn của Việt Nam đã chuyển sang mua hàng Ấn Độ.

Những tưởng giá tăng cao thì những nhà buôn cà phê Việt đang hưởng lợi lớn, tuy nhiên theo ông Thông, nhu cầu thu mua cà phê tăng cao nhưng lượng bán ra nhỏ giọt. Vì giá cao nên người trồng găm hàng không bán, thương lái không đủ hàng giao cho các nhà chế biến, còn doanh nghiệp lỗ vì mua cao bán thấp.

Hiện, các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam đang khó khăn chưa từng có, thậm chí thua lỗ kỷ lục.

Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More (huyện Hóc Môn, Tp.HCM) cho biết hiện Công ty đang liên tục họp với các đơn vị cung ứng để thương thảo điều chỉnh đơn giá. Theo ông, giá cà phê tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đẩy nhiều doanh nghiệp chế biến vào thế khó.

Đầu vào lên 85.000-95.000 đồng/kg, nhưng doanh nghiệp không thể tăng giá bán do hợp đồng đã ký đều theo giá nguyên liệu quanh 50.000-60.000 đồng/kg.

Ông Luận cho rằng chưa bao giờ doanh nghiệp lại khó "trở tay" như năm nay. Hàng năm, cà phê không biến động mạnh như vậy nên việc thu mua nguyên liệu dễ dàng. Năm nay, các doanh nghiệp không thể mua dự trữ do giá leo thang. Trường hợp nhập được, họ chỉ dám mua số lượng rất ít để giao nốt đơn hàng cũ. Meet More cho biết không dám ký mới với những đơn hàng giá thấp. Công ty đang cố gánh lỗ đến tháng 6/2024.

Tương tự, ông Nguyễn Đức Hưng, CEO Napoli Coffee (hệ thống nhượng quyền với hơn 2.000 cửa hàng trên cả nước) cũng cho biết Công ty đang phải "gồng lỗ" khi giá nguyên liệu leo thang. Theo ông Hưng, hàng trong kho chỉ đáp ứng được 70% đơn hàng xuất khẩu đã ký. 30% đơn còn lại, công ty phải chịu phạt để hủy khi đối tác nhập không chịu điều chỉnh thêm 5-10%. Nếu càng xuất khẩu, doanh nghiệp càng lỗ.

Phân tích “cuộc chơi” trong ngành cà phê, ông Thông cho biết có một thói quen là trong 3 tháng đầu vụ, các công ty xuất khẩu, traders nước ngoài, nhà đầu tư FDI thường bán trước đến 50% sản lượng. Sau đó, vào trong vụ thì mua. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá liên tục tăng thì c ác công ty bán trước đã bán giá rẻ , và khi vào trong vụ thì buộc phải mua giá cao.

Mặc khác, nhu cầu thì cao nhưng lượng bán nhỏ giọt. Bởi, bản thân người nông dân khi thấy giá cao cũng nấn ná thời gian giao hàng, thậm chí không giao hàng khiến các thương lái lỗ lớn.

Ở phía các công ty xuất khẩu và các công ty nước ngoài, hợp đồng xuất khẩu đã ký nên vẫn phải mua để giao hàng. Ước tính, các công ty mua hàng đang “gánh” lỗ hàng chục triệu đồng/tấn. Với dung lượng mua hàng rất lớn (từ đơn vị tấn đến chục ngàn tấn), con số thua lỗ các bên đang vào khoảng vài trăm tỷ đến hàng ngàn tỷ.

Cũng theo đại diện Phúc Sinh, thị trường có thêm nghịch cảnh khác. Cụ thể, khi giá cà phê Robusta Việt Nam tăng giá dữ dội từ đầu vụ thì các nhà rang xay lớn trên thế giới cũng chưa kịp mua hàng. Do đó, họ có xu hướng đợi chờ giá xuống.

ĐẤT NỀN CHƯA KỊP ẤM….MÔI GIỚI ĐÃ MUỐN “LƯỚT” CHÊNH!

Thị trường đất nền phía Nam gần đây xuất hiện hiện tượng môi giới “ôm” đất giá ngộp rồi tìm cách lướt cọc. Thế nhưng, nhiều trường hợp phải bán tháo sản phẩm để lấy tiền trả ngân hàng.

Vừa qua, khi đất nền có dấu hiệu giao dịch trở lại, môi giới kiêm nhà đầu tư đã tìm cách kiếm tiền. Các nhóm môi giới vào

“ôm hàng” giá mềm với mục đích lướt sóng. Khi chủ đất rao bán giảm giá từ 300-500 triệu đồng/lô, môi giới vào cọc và vay ngân hàng (phòng trường hợp không thể lướt cọc). Có trường hợp môi giới vay ngân hàng số tiền 100%- tức bằng giá lô đất để ôm hàng. Môi giới kì vọng sẽ lướt chênh vài trăm triệu nếu tìm được khách mua sau hoặc đợi thêm một vài tháng để bán chênh.

Thế nhưng theo ghi nhận không ít trường hợp phải rao bán gấp bằng giá mua vào hoặc thấp hơn vì không thể tìm được khách mua lại sau đó. Trong khi lãi ngân hàng vẫn phải trả. Thậm chí, ngay cả khi rao bán giá giảm sâu hơn giá chủ đất ban đầu vẫn khó thanh khoản.

Như vậy, nguồn hàng giá tốt cộng với lãi suất ngân hàng thấp đang kích thích tâm lý của môi giới bất động sản. Họ vốn từng tham gia đầu tư lướt sóng nhiều lần trên thị trường bất động sản, kì vọng sẽ hưởng chênh giá tốt ở các sản phẩm chủ nhà/chủ đất rao bán ngộp. Thế nhưng, “người tính không bằng trời tính”, do thị trường nhà đất chưa phục hồi rõ nét khiến các môi giới gặp khó đầu ra, trong khi áp lực lãi vay ngân hàng đè nặng. Mới đây, một số lô đất tại quận 9 (Tp.HCM) được mua vào môi giới vẫn chưa thể bán ra do thị trường còn chưa ấm hẳn.

“Phần lớn khi lướt sóng môi giới sẽ cân đo được đối tượng khách hàng đã quan tâm đến sản phẩm đó. Lúc thị trường nóng sốt, các lô giá tốt môi giới có thể lướt cọc nhanh chóng nhưng hiện tại phải chờ thị trường. Sau khoảng 3 tháng không bán được, môi giới phải tìm mọi cách để đẩy hàng do vay ngân hàng. Tuy vậy, không phải trường hợp nào cũng bán được thành công. Khá nhiều môi giới ôm đất và trả lãi ngân hàng suốt thời gian dài”, anh T, một nhà đầu tư lâu năm khu Đông Tp.HCM cho hay.

Vừa qua, thị trường đất nền đang có tín hiệu tích cực trong những tháng đầu năm 2024. Nhiều giao dịch đất nền đầy đủ pháp lý, giá dưới 2 tỷ đồng chốt thành công trở lại. Chia sẻ về tình hình giao dịch 2 tháng đầu năm, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho biết từ đầu tháng 12 năm ngoái khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được tích cực thảo luận, giới đầu tư đất nền đã bắt đầu rục rịch trở lại thị trường.

Theo ông Tuấn, những người mua bán đất nền giai đoạn này đều là những người vừa mới đáo hạn tiền gửi tiền kiệm và có số vốn khoảng 1-2 tỷ đồng. Với số tiền này nếu đầu tư chỉ có vàng và đất nền, mà vàng lại đang tăng cao, nên họ chuyển sang mua đất nền để tích sản.

Báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản của Batdongsan.com.vn cũng chỉ ra, 61% người tham gia khảo sát có dự định mua bất động sản trong một năm tới. Trong số đó, 59% có nhu cầu mua để đầu tư và đất nền là loại hình được người mua tiềm năng hướng đến nhiều nhất (40%), sau đó mới đến chung cư (28%) và nhà riêng (21%).

Điều này đã chứng tỏ "đất nền" vẫn là một trong những phân khúc ưa chuộng của người dân Việt Nam về khả năng đầu tư, đem lại khoản tiền lớn. Lượng giao dịch đất nền bắt đầu có xu hướng tăng nhanh trở lại, dù giá bán toàn thị trường bất động sản chưa có sự chuyển biến rõ rệt.

Theo các chuyên gia, năm 2024, về tổng thể thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn và mức phục hồi không đồng đều trên các phân khúc. Tuy nhiên, thị trường đã vượt qua giai đoạn "bĩ cực" nhất, đang và sẽ ghi nhận những động thái tích cực nhiều hơn tiêu cực cả về tổng cung và tổng cầu, cả đầu vào và đầu ra.

Xét về dài hạn, giá đất có thể tiếp tục tăng lên và giao dịch sẽ quay trở lại. Lý do bởi giá bất động sản còn phụ thuộc vào yếu tố khác như việc triển khai hạ tầng, tăng trưởng kinh tế, thu nhập người dân. "Do gắn với tư duy “tấc đất tấc vàng” nên nhu cầu sở hữu nhà đất, nhu cầu tích sản của người Việt rất lớn. Bởi vậy cũng không khó hiểu khi đất nền nhận được sự quan tâm nhiều nhất của người tiêu dùng năm 2024.

Với câu chuyện có nên đầu tư đất nền trong năm nay, các chuyên gia cho rằng, phải đến quý 2-3/2024 thị trường mới thực sự có chuyển biến rõ nét. Hiện tại vẫn đang là giai đoạn thăm dò và chờ đợi. Với nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính chưa nên tham gia phân khúc đất nền ở thời điểm này. Còn đối với những nhà đầu tư lớn, có dòng tiền khỏe thì thời gian này là lúc thích hợp để tìm kiếm cơ hội.

Khi các Luật sửa đổi cùng được áp dụng từ ngày 1/1/2025, nguồn cung đất nền sẽ ít hơn bởi các chủ đầu tư bị hạn chế phân lô bán nền. Lúc này, giá đất nền có thể sẽ sang một chu kỳ tăng giá mới. Trong các lần điều chỉnh luật trước đây, đất chỉ tăng chứ không giảm. Năm 2024-2025 có thể là cơ hội cho người dùng cuối cùng, đặc biệt là những người có nhu cầu thực nhưng vẫn là giai đoạn khó khăn cho chủ đầu tư. Do vậy nhà đầu tư nên suy xét cẩn trọng trước khi xuống tiền.

Nguồn: Thanh Niên; Vietnamnet; Soha; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang