Shark Thủy bị bắt; DN BĐS khát vốn đang xoay xở thế nào; Ngành nuôi biển tỷ USD; Thời 'sốt' chung cư, chốt lời gấp đôi

TRƯỚC KHI BỊ BẮT VÌ LỪA ĐẢO, SHARK THỦY KINH DOANH RA SAO?

Trước khi bị bắt, ông Nguyễn Ngọc Thủy được biết đến là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Tập đoàn Egroup, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Anh ngữ Apax.

Tập đoàn Egroup có 12 công ty hoạt động trong các lĩnh vực đào tạo tiếng Anh, giáo dục mầm non, giáo dục trực tuyến, phát triển tư duy sáng tạo cho trẻ em thông qua robot thông minh và tính nhẩm, giáo dục kỹ năng nghề và du học.

Trên website, Egroup giới thiệu công ty đặt mục tiêu trở thành tập đoàn số một Việt Nam về giáo dục trực tuyến, năng động, cạnh tranh mạnh mẽ, luôn hướng đến chinh phục các mục tiêu cao hơn và là sự lựa chọn hàng đầu của mọi đối tác, khách hàng trong nước và quốc tế

Công ty con nổi bật của Egroup là Apax Holdings (mã: IBC) - đứng sau chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders, hệ thống mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia...

Quý IV/2022, Apax Holdings ghi nhận thua lỗ kỷ lục. Doanh thu thuần của Apax Holdings âm 45,5 tỷ đồng và lỗ sau thuế 93 tỷ đồng. Lũy kế năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần 1.336 tỷ đồng và lỗ sau thuế 81,4 tỷ đồng.

Tính cả năm 2022, Apax Holdings đạt doanh thu thuần 1.336 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả trên, doanh nghiệp chỉ hoàn thành được 61% chỉ tiêu doanh thu đề ra cho cả năm, đồng thời không đạt được kế hoạch về lợi nhuận.

Tính đến ngày cuối năm 2022, khối tài sản của Apax Holdings đạt hơn 4.590 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh nghiệp này còn gần 737 tỷ đồng tiền mặt và tương đương tiền (bao gồm gần 697 tỷ đồng tiền mặt - cao nhất từ trước đến nay và 40 tỷ đồng là khoản tương đương tiền).

Dù vậy, doanh nghiệp của Shark Thủy cũng đang gánh khoản nợ phải trả hơn 3.070 tỷ đồng, nhiều gấp đôi so với vốn chủ sở hữu.

Trong các công ty con của Apax Holdings thì Apax English đang là công ty con hoạt động hiệu quả nhất.

Apax English thành lập ngày 22/10/2012 với tên ban đầu là Công ty CP Trò chơi Evui. Ngành nghề chính khi này là lập trình máy vi tính.

Vốn điều lệ ban đầu là 1 tỷ đồng gồm các cổ đông sáng lập: Phạm Thanh Tùng góp 500 triệu đồng (50%), Nguyễn Hoàng Dương góp 250 triệu đồng (25%) và Đặng Ngọc Nam góp 250 triệu đồng (25%).

Đến ngày 31/12/2021, công ty tăng vốn từ 612 tỷ đồng tăng lên hơn 887 tỷ đồng, trong đó công ty Hàn Quốc Chungdahm Learning vẫn góp 61,86 tỷ đồng (chiếm 6,9%), không rõ các cổ đông khác.

Theo giới thiệu, hệ thống này đang có hơn 120 trung tâm trên toàn quốc với thương hiệu Apax Leaders, trải rộng tại hơn 30 tỉnh thành với khoảng hơn 120.000 học viên đang theo học. Tính đến cuối tháng 6/2022, Apax Holdings đang sở hữu 66,36% cổ phần Apax English.

Năm 2021, kết quả kinh doanh của Apax English sụt giảm về cả doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu năm 2021 của Apax English là 1.534 tỷ đồng, giảm 11% còn lợi nhuận sau thuế chỉ còn 22 tỷ đồng, giảm 65% so với năm 2020.

Phía trung tâm Anh ngữ giải thích do hệ thống các trung tâm phải đóng cửa 8 tháng trong năm 2021 theo quy định phòng chống dịch, các trung tâm đã phải chuyển hướng sang đào tạo online nên doanh thu giảm. Bên cạnh đó, do phần lớn các chi phí là định phí nên sự sụt giảm doanh thu dẫn đến lợi nhuận giảm.

Hồi đầu năm 2022, Apax English đã bị CTCP Thương mại Dịch vụ Tổng hợp Hai Bà Trưng - chủ đầu tư và trực tiếp quản lý vận hành tòa nhà thương mại và văn phòng cho thuê - CDC Building tại số 25-27 Lê Đại Hành (Hà Nội) trình báo Công an về việc Apax English chậm nghĩa vụ thanh toán tiền thuê mặt bằng với số tiền tạm tính hơn 2 tỷ đồng.

Ngày 26/3, thông tin tại họp báo Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô (Người phát ngôn Bộ Công an) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Thủy (Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup, Công ty CP đầu tư và phân phối Egame), Đặng Văn Hiển (Trưởng Ban quan hệ cổ đông Công ty CP đầu tư và phân phối Egame).

Hai người trên bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN ‘KHÁT’ VỐN ĐANG XOAY XỞ THẾ NÀO?

Bằng nhiều cách khác nhau như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chào bán cổ phiếu… để giải tỏa áp lực dòng vốn, duy trì hoạt động và đầu tư phát triển.

Tìm cách huy động vốn

Công ty CP Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) vừa lên kế hoạch huy động vốn tổng cộng 10.000 tỷ đồng, thông qua các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới. Đây là trái phiếu thuộc loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm. Thời gian phát hành muộn nhất là vào quý III năm nay.

Kỳ hạn trái phiếu tối đa từ 2-3 năm tính từ ngày phát hành của đợt chào bán. Tuy nhiên, Vinhomes không công bố thông tin chi tiết về mức lãi suất, hình thức phát hành hay mục đích phát hành của các lô trái phiếu sắp tới.

Tại 31/12/2023, Vinhomes có số dư trái phiếu là 15.365 tỷ đồng, tăng 57% so với cuối năm 2022. Tất cả trái phiếu này đều do Chứng khoán Kỹ thương - công ty con của Techcombank - tư vấn phát hành. Trong đó có hơn 4.400 tỷ đồng tới hạn phải trả trong năm nay.

Hơn 70% trái phiếu của Vinhomes tính đến cuối năm ngoái có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất tại các dự án của công ty. Chỉ các khoản trái phiếu đến hạn trong năm nay là không có tài sản đảm bảo.

Vừa đưa nợ trái phiếu về 0 đồng, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) dự kiến chào bán tối đa 134 triệu cổ phiếu với tỷ lệ chào bán là 1:5,5 - có nghĩa cổ đông nắm giữ 5,5 cổ phiếu được mua 1 cổ phiếu mới. Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn đáng kể so với thị giá hiện tại là 31.450 đồng/cổ phiếu.

Số tiền dự kiến thu được là 1.343 tỷ đồng sẽ được sử dụng để triển khai loạt dự án như Khu đô thị sinh thái Nhơn Hội, Khu dân cư Bắc Hà Thanh, Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1, 2…

Tương tự, Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) sẽ chào bán riêng lẻ tối đa 200 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho tối đa 5 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Novaland cũng phát hành thêm tối đa 1,17 tỷ cổ phiếu với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ phát hành 60%. Với phương án phát hành ESOP năm 2022 và 2023, Novaland phát hành tối đa 1,5% số cổ phần đang lưu hành.

Số tiền thu được, Novaland sẽ góp thêm vốn vào các công ty thành viên để tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn, đồng thời ưu tiên thanh toán lương cho cán bộ công nhân viên. Nếu thực hiện thành công, Novaland dự kiến thu về khoảng 500 triệu USD.

Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) hoàn tất việc chào bán hơn 101 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị vốn huy động được là hơn 1.220 tỷ đồng, qua đó tăng vốn điều lệ từ hơn 6.207 tỷ đồng lên hơn 7.224 tỷ đồng.

Số tiền huy động được, Đất Xanh dùng 210,5 tỷ đồng bổ sung vốn cho Công ty CP Hội An Invest để thanh toán nợ trái phiếu, 688 tỷ đồng bổ sung vốn cho Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Hà Thuận Hùng để thanh toán nợ vay tổ chức tín dụng, 220 tỷ đồng thanh toán thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của Công ty Bất động sản Hà An. Với gần 102 tỷ đồng còn lại, Đất Xanh dùng để thanh toán thuế và các khoản phải nộp Nhà nước cũng như chi phí hoạt động của tập đoàn.

Đôi bên cùng có lợi

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tổng giá trị đáo hạn trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024 là 121.100 tỷ đồng - cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Báo cáo của VIS Rating cũng cho thấy, giá trị trái phiếu có rủi ro cao chậm trả gốc, lãi trong năm 2024 là 40.000 tỷ đồng, chiếm 19% tổng lượng trái phiếu đáo hạn trong năm và thấp hơn nhiều so với con số 147.000 tỷ đồng của năm 2023.

Về phía doanh nghiệp, ông Bùi Quang Anh Vũ - Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt - cho rằng, thị trường trái phiếu thời gian qua cho thấy là một kênh huy động vốn trung và dài hạn rất tốt cho doanh nghiệp song song với kênh huy động tín dụng ngân hàng . Tuy nhiên, cần điều tiết sao cho phát triển lành mạnh và đôi bên cùng có lợi.

“Với các yêu cầu mới từ khung pháp lý, các nhà phát triển dự án sẽ cần có chiến lược phát triển dài hơi hơn, năng lực tài chính vững hơn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung phát triển các dự án bất động sản phù hợp với túi tiền và nhu cầu ở thực của khách hàng, quản lý dòng tiền và thực hiện tái đầu tư để kiểm soát tài chính tốt nhất”, ông Vũ nói.

NGÀNH NUÔI BIỂN TỶ USD: QUY HOẠCH 'TÔ ĐẬM QUÁ', KHÔNG AI DÁM VƯỢT RANH GIỚI

Nuôi biển được kỳ vọng sẽ là ngành đem về hàng tỷ USD mỗi năm. Thế nhưng, khi làm quy hoạch cho nuôi biển, không gian bị bó hẹp bởi những “đường kẻ đã tô quá đậm” nên không ai dám vượt ranh giới.

Đừng chỉ nghĩ đến sản lượng mà quên vấn đề môi trường

Tại họp báo Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh với chủ đề “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh thế hệ mai sau” chiều 25/3, ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh khẳng định, mục tiêu cao nhất của tỉnh là phát triển bền vững ngành nuôi biển.

Ông Sơn nhấn mạnh, Quảng Ninh đã xác định lợi thế của địa phương trong phát triển ngành nuôi biển, với chủ trương tránh mâu thuẫn với ngành du lịch mà thay vào đó tạo ra giá trị gia tăng.

Về phân vùng nuôi biển, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã thực hiện và giao vùng biển trong thời hạn 30 năm. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp quản lý, năm qua, Quảng Ninh tập trung lực lượng xử lý môi trường biển.

Khu vực nuôi biển hiện nay được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường và áp dụng quy chuẩn cao hơn. Ngoài ra, tỉnh cũng tiến hành nghiên cứu cơ chế và chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương.

Theo ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), nước ta có rất nhiều tiềm năng để nuôi biển. Vấn đề là các địa phương có quyết tâm làm hay không.

“Còn trong quá trình làm mà thấy khó quá có thể về Quảng Ninh học tập”, ông nói và chỉ rõ, Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nuôi biển nhờ quyết tâm điều chỉnh, quy hoạch nghề nuôi biển theo hướng mang lại đời sống tốt hơn cho nông dân và bảo vệ vùng biển xanh, phát triển nghề cá.

Ông Luân nêu thực trạng, khi quy hoạch không gian phát triển nuôi biển, “đường kẻ nào cũng được tô quá đậm” nên không ai dám vượt ranh giới. Theo ông, không gian phát triển nuôi trồng thủy sản không nên bị bó hẹp bởi những quy hoạch “đã tô đậm” mà cần vượt ra ranh giới, tích hợp cùng với các ngành kinh tế khác như du lịch.

“Ngày xưa đi câu cá thấy con nào cắn câu thì sướng vô cùng. Nhìn xuống nước có con cá nhỏ ở mặt trên, dưới sâu hơn con cá to lững lờ bơi rất thích... Vậy tại sao nuôi biển không gắn với du lịch, giải trí”, ông đặt vấn đề.

Song, ông cũng nhấn mạnh, dù phát triển theo hướng nào thì nghề nuôi biển cũng hướng tới các hoạt động giảm phát thải, tăng trưởng xanh theo cam kết của Việt Nam trên trường quốc tế. Không thể chỉ quan tâm tới sản lượng đầu tạ hay đầu tấn mà quên đi vấn đề môi trường.

Giao mặt nước nuôi biển, tỉnh có quyền quyết định

Đề cập tới vấn đề nuôi biển, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, thừa nhận còn tiềm năng lớn, song doanh nghiệp nuôi biển đối mặt với rất khó khăn.

Theo ông Dũng, đến thời điểm này chưa có địa phương nào giao được vùng biển cho doanh nghiệp và ngư dân quản lý. Đây là rào cản lớn, khiến doanh nghiệp khó có thể đầu tư vào lĩnh vực này vì liên quan đến giấy phép và pháp lý.

Hiệp hội đã tiếp nhận hàng chục khuyến nghị, đề xuất từ doanh nghiệp với mong muốn giải quyết những trở ngại này. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự kết nối hiệu quả giữa các bộ, ngành về chính sách nuôi biển.

Việc thu hút đầu tư cho ngành nuôi biển còn đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành cũng như giải pháp chính sách linh hoạt và hiệu quả từ các cấp quản lý địa phương.

Trước vướng mắc về giao mặt nước biển cho người dân, doanh nghiệp đầu tư cho phát triển nuôi biển khi chưa có quy hoạch không gian biển, ông Trần Đình Luân cho hay vùng biển trong phạm vi 3 hải lý là thuộc thẩm quyền của huyện, từ 3-6 hải lý là tỉnh. Do đó, chính quyền địa phương hoàn toàn có đủ thẩm quyền phát triển nuôi biển trong phạm vi cho phép.

THỜI “SỐT” CHUNG CƯ, CHỦ NHÀ CHỐT LỜI GẤP ĐÔI: "MUA CHUNG CƯ CÓ LỢI LÀ VỪA ĐƯỢC Ở THOẢI MÁI MÀ GIÁ VẪN TĂNG, TỘI GÌ PHẢI Ở NHÀ TRONG NGÕ"

Thời gian qua, nhiều chủ sở hữu căn hộ chung cư đã kiếm khoản lời lớn từ việc bán chung cư nhờ "cơn tăng giá" chóng mặt.

Chốt lời gấp đôi sau 3 năm sở hữu chung cư

Tuần trước, chị Nga (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa ra văn phòng công chứng ký chuyển nhượng căn hộ chung cư 2 phòng ngủ, 61m2. Căn hộ này vợ chồng chị Nga mua cách đây 3 năm với mức giá 1,8 tỷ đồng. Đến hiện tại, vợ chồng chị chuyển nhượng với mức giá 3,6 tỷ đồng. Phía người mua chịu toàn bộ phía sang nhượng và làm sổ hồng.

Chị Nga cho biết, căn hộ này vợ chồng chị rao bán hồi cuối tháng 12/2023 với mức giá 3,2 tỷ đồng. Đến đầu tháng 2/2024, một cặp vợ chồng trẻ chốt mua với mức giá rao bán và đặt cọc 300 triệu đồng. Tuy nhiên, do một số vấn đề về giấy tờ phía người mua, khách của chị Nga không thể kịp thời gian giao dịch như đã hẹn. Do đó, vị khách này đã chấp nhận bỏ cọc.

Chị Nga tiếp tục rao bán. Lúc này, thị trường chung cư đã qua sử dụng khá nhộn nhịp. Ngay lập tức, có một vị khách trả giá 3,6 tỷ đồng và chuyển cọc luôn 100 triệu đồng mà chưa cả xem nhà.

Chị Nga hồ hởi chia sẻ: "Tôi không nghĩ bán nhanh và được giá cao như vậy. Tính ra, sau 3 năm, chúng tôi lãi 1,8 tỷ đồng, tức lãi gấp đôi so với lúc mua. Đó là chưa kể chúng tôi còn được thêm 300 triệu tiền cọc của vị khách trước đó bỏ. Như vậy, tổng chúng tôi lãi được 2,1 tỷ đồng".

“Trước đây, mua chung cư ai cũng cản tôi bảo mua chung cư ở là tiêu sản. Mọi người khuyên vợ chồng tôi nên mua nhà đất vừa để ở, vừa để tích sản. Nhưng hiện nay thì tôi thấy chung cư cũng là một kênh tích sản tốt, đã thế lại còn rất dễ bán”, chị Nga nói.

Không chỉ trường hợp của chị Nga mà anh Trung (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng vừa tranh thủ chuyển nhượng căn hộ chung cư rộng 71m2 vào đầu tháng 3. Thấy giá chung cư tăng mạnh, anh Trung quyết định bán căn hộ chung cư để chuyển xuống ở nhà đất.

Căn hộ này anh mua vào năm 2019 với giá 2,1 tỷ đồng. Sau gần 5 năm, vợ chồng anh bán giá 3,4 tỷ đồng, lãi 1,3 tỷ đồng.

Anh Tùng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết mua căn hộ chung cư 95m2, giá 2,3 tỷ đồng vào năm 2019. Đến nay, giá tăng gấp đôi, lên tới gần 5 tỷ.

“Cùng tầm tiền, mua chung cư có lợi là vừa được ở thoải mái mà giá vẫn tăng, tội gì phải ở nhà trong ngõ. Hay, mua nhà ở ngoại thành thì đi lại vào nội thành quá khổ vì tắc đường”, anh Tùng chia sẻ.

Chung cư chưa "ngáo" giá

Khảo sát thực tế cho thấy, giá chung cư đã qua sử dụng tại Hà Nội đang tăng mạnh. Theo môi giới tên Hà ở khu vực Thanh Xuân, nhiều căn chung cư rao bán giá đang tăng theo tuần. Môi giới này lấy ví dụ, chủ rao bán căn 2 ngủ với giá 2,7 tỷ đồng. Một tuần sau, khi báo với chủ nhà có khách đến xem, chủ báo lại giá tăng lên 2,9 tỷ đồng.

“Trước đây, nhiều người cho rằng nhà đất mới sinh lời tốt, chung cư là tiêu sản. Nhưng mấy năm gần đây cho thấy quan điểm này không còn đúng khi chung cư tăng giá mạnh, lại còn dễ bán. Trong khi đó, tốc độ tăng giá nhà đất trong ngõ chậm hơn và khó bán hơn”, môi giới này cho hay.

Trong 2 tháng đầu năm, giá rao bán trung bình của chung cư Hà Nội tăng đến 17% so với cùng kỳ 2023. Không ít dự án có mức tăng giá trên dưới 30% chỉ sau 1 năm. Đơn cử, giá rao bán căn hộ chung cư tại dự án Royal City tăng 33%, The Pride 33%, Khu đô thị Mỹ Đình Sông Đà – Sudico tăng 32%, Vinhomes West Point tăng 28%, Chung cư Đại Thanh tăng 27%, theo dữ liệu từ Batdongsan.com.vn.

Theo dự báo của giới chuyên gia, thị trường căn hộ chung cư còn có thể tiếp tục tăng giá. Nguyên nhân là bởi tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường thời gian qua. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào gia tăng khiến cho giá chung cư mới tăng theo. Điều này tác động vào thị trường chung cư thứ cấp. Diễn biến này sẽ còn gia tăng kéo dài.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị GP-Invest cho hay, giá căn hộ chung cư tại nhiều dự án đã tăng gần 80% trong 4 năm qua. Khó tiếp cận tín dụng ngân hàng, thủ tục pháp lý phức tạp, các vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời… là những nguyên nhân chính khiến các dự án nhà ở chậm triển khai, dẫn đến ách tắc nguồn cung.

“Nếu tình trạng này còn kéo dài thì giá căn hộ chung cư sẽ còn tăng trong năm 2024. Muốn chữa “căn bệnh” tăng giá nhà thì phải nhanh chóng gia tăng nguồn cung cho thị trường, tức là phải nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc pháp lý dự án”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, chung cư Hà Nội chưa "ngáo giá", sự tăng giá này đang phần nào phản ánh quan hệ cung cầu. Nguồn cung ở Hà Nội chưa đủ đáp ứng nhu cầu, dẫn đến hiện tượng giá vẫn đi lên.

Ông Quốc Anh dự báo, giá chung cư vẫn có thể tiếp tục tăng nếu nhu cầu vượt đỉnh cũ. Vị chuyên gia này khuyến nghị, nhà đầu tư và người mua, bán bất động sản cần dành thêm thời gian quan sát diễn biến thị trường giai đoạn sắp tới, khi lượng cầu đang sắp chạm "điểm kháng cự".

Nguồn: Kenh14; Soha; Vietnamnet; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang