Gà, vịt 'đi bar', lợn nghe nhạc; Ít hãng bay nhưng cạnh tranh khốc liệt; Nhiều giám đốc bị hoãn xuất cảnh; Chung cư cũ 'lên ngôi'

GÀ, VỊT 'ĐI BAR', LỢN NGHE NHẠC SÀN: THỊT THƠM NGON, CHỦ THU TIỀN TỶ

Nhiều nông dân ở nước ta đã áp dụng bí quyết chăn nuôi hết sức độc đáo là cho vật nuôi nghe nhạc. Nghe tưởng đùa nhưng những mô hình chăn nuôi lạ lùng này đã đem lại hiệu quả cao, giúp họ lãi lớn.

Cho vịt nghe nhạc sàn, thu tiền tỷ

Anh Lê Xuân Nam (47 tuổi, phường Tự Lạn, Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đang sở hữu một trang trại nuôi vịt lớn. Điểm đặc biệt của trang trại này là chăn nuôi vịt kết hợp với âm nhạc.

Theo chia sẻ của anh Nam trên Báo Tuổi Trẻ, ý tưởng cho vịt nghe nhạc hình thành từ năm 2000, khi anh vẫn còn đang nuôi heo.

Hồi đó, do nuôi heo gần nhà nên thường mở đài thật to để đỡ buồn, nhiều lúc quên tắt. Dần dần, anh thấy đàn heo không bị xô lệch, không chạy loạn, thịt cũng ngon hơn đàn khác.

Sau đó, anh Nam cũng thử cho gà nghe nhạc. Bình thường, gà hễ thấy người là bay tứ tung. Nhưng khi được nghe nhạc chúng lại thuần tính.

Năm 2020, anh chuyển hướng nuôi vịt vì tiềm năng lớn. "Vịt từ lúc bắt về đến lúc xuất bán được nghe các loại từ chèo, cải lương, quan họ đến nhạc sàn, chỉ giảm âm lượng vào buổi tối. Con nào con nấy khỏe mạnh, ăn tốt", anh Nam kể.

Anh Nam thường xuyên đổi nhạc trong các chuồng vịt để thay đổi không khí nhưng không tắt nhạc cho tới khi xuất chuồng.

Đến nay, anh Nam có trong tay trang trại hàng nghìn mét vuông, xuất chuồng hơn 30.000 con vịt/lứa. Mỗi năm xuất khoảng 3-5 lứa, tính ra 500-600 tấn vịt/năm. Nhờ chất lượng tốt, có đơn vị hợp đồng bao tiêu, thu mua vịt nghe nhạc của anh với giá cao, chủ yếu xuất đến nhà hàng, quán ăn đêm. Trung bình giá vịt chừng 40.000 đồng/kg, lúc cao điểm lên tới 56.000-58.000 đồng/kg, thấp điểm chừng 33.000 đồng/kg. Nhờ đó, anh Nam thu về hàng tỷ đồng mỗi lứa.

Năm 2023, mô hình nuôi vịt nghe nhạc của anh Nam nhận giải khuyến khích hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ 10, rất nhiều bà con trong tỉnh đã đến học tập cách làm của anh.

Cho gà “đi bar”, lợn nhẩn nha nghe nhạc

Trang trại nuôi gà, lợn của gia đình chị Lương Thị Toan, Công ty TNHH Huy Toan ở huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, luôn vang lên những bản tình ca lãng mạn.

Chị Toan chia sẻ trên VOV, xuất phát từ ý tưởng là trong chuồng gà rất kín, yên tĩnh, khi công nhân vào cho ăn, lấy trứng hay dọn chuồng gà hoảng sợ chạy xô khắp chuồng, con thì kẹp cánh, con kẹp đầu, trứng vỡ... thế nên chị nảy ra ý nghĩ cho gà nghe nhạc hàng ngày để quen dần tiếng động, không bị hoảng loạn.

Gà không stress nên khỏe hơn, ăn uống tốt hơn, thời gian đẻ cũng kéo dài nhiều ngày hơn. 15.000 con gà cho 12.000-13.000 quả mỗi ngày nên lợi nhuận cũng cao hơn. Chất lượng trứng cũng thơm ngon hơn nên bán được giá. Gia đình chị thu về hơn 10 triệu mỗi ngày riêng tiền trứng.

Cũng trong khuôn viên trang trại của chị Toan là trại lợn thịt và lợn nái vài nghìn con. Con nào con nấy béo tốt, lông trơn mượt, da đỏ hồng, nằm thảnh thơi nghe nhạc. Nhạc có tác dụng làm chúng vui vẻ, thoải mái nên ăn nhiều hơn, lợn nái thì mắn đẻ, còn lợn thịt thì tăng cân nhanh, thịt chắc khỏe. Mỗi tháng trang trại chị xuất chuồng khoảng 1.000 con, thu về 5 tỷ đồng.

Nuôi gà cho nghe nhạc, thu lãi lớn

Báo Dân Việt thông tin, năm 2010, gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn (ngụ khu phố 2, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) chuyển sang nuôi gà thịt Tam Hoàng nhưng sau 3 năm chăm sóc, do thiếu kinh nghiệm nên năng suất không cao, thậm chí bị thua lỗ do gà bị nhiễm bệnh.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu, anh Tuấn đầu tư nuôi gà hữu cơ, an toàn sinh học, với giống gà Dabaco.

Đến năm 2022, gia đình anh duy trì và mở rộng đàn gà 2.000 con, xây dựng trang trại trên diện tích gần 2.000m2 thoáng mát, xa khu dân cư.

Đặc biệt, khi đến thăm trang trại gà của anh Tuấn, nhiều người bất ngờ vì tiếng nhạc du dương được phát ra từ chuồng gà. Đây là một trong những nguyên nhân giúp đàn gà tăng trưởng nhanh và không sợ hãi khi nghe tiếng động.

Anh Tuấn chia sẻ, để thuần tính cho gà, gia đình anh sử dụng thêm biện pháp cho gà nghe nhạc và nhạc được anh mở 24/24 giờ. Để gà thích nghi, anh phải chọn các loại nhạc nhẹ như nhạc thính phòng, trữ tình...

Và những bản nhạc du dương được phát ra từ chuồng gà đã khiến cho đàn gà không bị hoảng loạn khi có người vào cho ăn, dọn vệ sinh, nhất là khi thời tiết quá nóng hay mưa, giông, sấm chớp. Gà không chen lấn, cắn phá nhau, giảm tỷ lệ hao hụt từ 5-7%.

Mỗi năm, anh Tuấn nuôi 2 lứa gà, trừ hết chi phí, anh thu lời hơn 60 triệu đồng/lứa. Mỗi năm, anh lãi hơn 100 triệu đồng.

Cho vịt nằm điều hòa

Nuôi vịt bằng cách ứng dụng nhiều công nghệ cao, anh Thái Hòa Nam (42 tuổi, ở TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) có trang trại vịt lớn nhất tỉnh Quảng Bình với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Theo Báo Thanh Niên, trước khi trở thành một nông dân nuôi vịt, anh Nam từng làm cho Tập đoàn Viettel, được cử đi nước ngoài làm việc. Trong thời gian này, anh có cơ hội tiếp cận với nền nông nghiệp công nghệ cao tại các nước phát triển, từ đó ấp ủ ước mơ sẽ thực hiện tại Việt Nam.

Năm 2018, anh Nam trở về quê rồi cùng một số người thành lập công ty chăn nuôi. Anh phối hợp với những người trong công ty tự sáng tạo, thiết kế chuồng trại, lắp đặt các thiết bị hiện đại và phù hợp nhu cầu để ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi vịt khép kín.

Nhưng mô hình chăn nuôi khép kín khiến vịt không có nhiều không gian sinh hoạt, vận động như nuôi truyền thống. Do đó, anh Nam đã tìm hiểu, nghiên cứu để tạo ra một môi trường sống cho vịt tốt nhất.

"Trang trại của chúng tôi được đầu tư hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống, điều hòa tự động, định lượng thức ăn, nước uống, nhiệt độ sẽ tự điều chỉnh tùy theo số lượng, thời gian tăng trưởng của vịt. Bên cạnh đó, còn có các phương pháp cho vịt thư giãn bằng cách nghe nhạc, tăng cường vận động cho đàn vịt bằng hệ thống quạt", anh Nam chia sẻ.

Nghe qua có vẻ khó tin nhưng theo anh Nam, cách nuôi như vậy tác động vào quá trình sinh trưởng của vịt, sản phẩm sẽ tốt hơn.

ÍT HÃNG BAY NHƯNG LẠI CẠNH TRANH KHỐC LIỆT!

Trong khi hành khách ngày càng phải trả chi phí cao hơn để đi máy bay, các hãng hàng không vẫn tiếp tục thua lỗ mà gần nhất là câu chuyện Pacific Airlines.

Hãng Hàng không Pacific Airlines vừa trả toàn bộ đội máy bay từ ngày 18-3 do khó khăn về tài chính, dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán. Hãng này đang tạm dừng hoạt động để tái cơ cấu, tiếp tục đàm phán với các chủ máy bay để xử lý nợ.

Thị trường khốc liệt

Không chỉ Pacific Airlines, các hãng hàng không Việt Nam cũng đang đối mặt rất nhiều khó khăn trầm trọng sau dịch COVID-19. Bamboo Airways đóng hết các đường bay quốc tế và nhiều đường bay nội địa, ngừng khai thác Boeing B787-9, trả sớm các máy bay Embraer E190 để khai thác đơn dòng máy bay thân hẹp Airbus A320/A321. Lượng máy bay của Bamboo giảm từ 30 chiếc thời kỳ đỉnh cao còn 8 chiếc.

2023 là năm thứ 4 liên tiếp Vietnam Airlines bị lỗ. Giải trình báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2023 của Vietnam Airlines cho thấy dù đã giảm lỗ hơn 51% so với năm trước nhưng năm 2023 lợi nhuận sau thuế hợp nhất của hãng hàng không quốc gia này vẫn bị âm hơn 5.500 tỉ đồng.

Riêng Vietjet là cái tên hiếm hoi báo lãi hợp nhất sau thuế 152 tỉ đồng, so với mức lỗ hơn 2.400 tỉ đồng của năm 2022, phần lớn nhờ vào sự tăng trưởng mạnh của các mảng phụ trợ, chuyển quyền sở hữu và thương mại máy bay.

Theo các chuyên gia, thị trường hàng không Việt Nam tuy không có nhiều hãng bay nhưng lại cạnh tranh rất khốc liệt. Trong quá khứ, giai đoạn 2006 - 2007 từng đánh dấu sự sôi động của hàng không Việt Nam khi có hàng loạt hãng hàng không tư nhân được cấp phép, gia nhập thị trường từ Vietjet Air, Indochina Airlines, Trai Thien Air Cargo, Air Mekong, Blue Sky… Tuy nhiên, những cái tên này đến nay đều không còn hoạt động hoặc chưa từng cất cánh.

Indochina Airlines được thành lập vào tháng 5-2008, với nhiều kỳ vọng nhưng chỉ sau gần 1 năm đã gặp khó khăn và phải thu hẹp dần mạng lưới. Khó khăn về tài chính khiến hãng rơi vào cảnh nợ nần. Đến cuối năm 2011, hãng bay xin ngừng cất cánh và cuối năm này, Bộ Giao thông Vận tải chính thức rút giấy phép của Indochina Airlines.

Một cái tên khác cũng từng bay trên thị trường nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn là Air Mekong. Đây là hãng hàng không tư nhân thứ 3 được cấp phép tại Việt Nam, sau Indochina Airlines và Vietjet Air. Hãng có chuyến bay đầu tiên vào tháng 10-2010 với đặc điểm khác biệt là khai thác dòng máy bay thân hẹp Bombardier CRJ900 dưới 90 chỗ ngồi. Có điều chưa đầy 3 năm sau, hãng ngừng bay do nhiều yếu tố như khó khăn về tài chính, chi phí khai thác tăng cao và nợ nần. Đến tháng 3-2013, Air Mekong ngừng bay và tới đầu năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải quyết định hủy bỏ giấy phép kinh doanh của hãng này.

"Đau đầu" vì thiếu máy bay

Không chỉ gặp khó khăn về tài chính, một số hãng thua lỗ sau nhiều năm hoặc những cái tên từng xuất hiện trên thị trường rồi đóng cửa, các hãng ở thời điểm hiện tại còn đối mặt với khó khăn do tình trạng thiếu máy bay trầm trọng.

So với đỉnh điểm năm 2023, các hãng hàng không cả nước có 223 máy bay, nay đã giảm 25% và số liệu tới quý I/2024 chỉ còn 173 máy bay. Ngoài lý do phải thu hồi máy bay để sửa chữa, một số hãng gặp khó khăn do chủ nợ xiết nợ, đưa máy bay về nước ngoài.

Tháng 9-2023, nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney đã thông báo về việc Pratt & Whitney phải thực hiện việc triệu hồi động cơ PW1100 để thực hiện việc kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Tại Việt Nam, các động cơ này đang được sử dụng trên một số máy bay A321NEO do Vietnam Airlines và Vietjet… khai thác. Ước tính khoảng 40 máy bay của các hãng hàng không trong nước có thể phải triệu hồi để sửa chữa, bảo dưỡng và phải dừng khai thác trong năm 2024 - 2025.

Theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, việc thiếu hụt máy bay do phải kiểm tra động cơ, bảo dưỡng gây thách thức rất lớn cho các hãng trong năm nay. Đặc biệt, trước đây, thời gian để bảo dưỡng một động cơ bình quân là 100 - 120 ngày nhưng hiện nay, do đứt gãy chuỗi cung ứng, để bảo dưỡng xong phải cần tới 250 ngày, thậm chí là 300 ngày.

"Hiện chúng tôi có khoảng 60 máy bay A321 thì có tới 12 chiếc phải tạm dừng khai thác để đưa vào kiểm tra. Còn rất nhiều thiết bị khác của máy bay phải đưa vào bảo dưỡng, cả động cơ của máy bay A350" - ông Hà thông tin.

Khó khăn dường như chưa hết và vẫn bủa vây các hãng hàng không trong nước, khi mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã phải tổ chức cuộc họp để xử lý kiến nghị của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đối với tình hình nợ và trả nợ của các hãng.

Lãnh đạo ACV cho biết đến cuối năm 2023 đã phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi gần 3.600 tỉ đồng từ các hãng hàng không trong nước, chiếm 40% các khoản phải thu khách hàng. ACV đã đẩy mạnh công tác thu hồi nợ nhưng kết quả chưa đáp ứng yêu cầu, cần áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn.

Cần chính sách hỗ trợ

Câu hỏi đặt ra là vì sao các hãng vẫn than lỗ dù khách bay đông và giá trần tăng? Theo TS Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), nguyên nhân là trải qua 3 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hãng hàng không vẫn đang "gồng mình" đương đầu với những khó khăn về sản lượng và doanh thu chưa phục hồi như trước dịch (thời điểm năm 2019). Năm 2023, dù doanh thu có khởi sắc nhưng lợi nhuận chưa tương xứng và những khoản lỗ vẫn còn nặng nề do hậu quả từ đại dịch.

Đại diện Vietnam Airlines cũng cho hay thị trường vận chuyển quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn; yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột giữa Nga - Ukraine, Israel - Plastine tại Dải Gaza; rủi ro tài chính như tỉ giá, lãi suất gia tăng nên hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong quý IV và cả năm 2023. Đại diện Vietnam Airlines khẳng định trong năm nay, thực hiện Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2022 - 2025, tổng công ty này sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.

Để hỗ trợ các hãng hàng không tiếp tục phục hồi, VABA kiến nghị nhà nước tiếp tục xem xét các chính sách hỗ trợ ngành hàng không, du lịch trong năm 2024, nhất là các hãng như điều chỉnh phí, lệ phí, áp dụng thuế môi trường đối với nhiên liệu bay với mức thấp nhất của khung thuế hiện hành là 1.000 đồng/lít...

Trong khi đó, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Chính phủ giảm một số loại thuế, phí cho đến hết năm 2024, chính sách hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp trong ngành hàng không. Cục Hàng không Việt Nam cũng sẽ tiếp tục làm việc với nhà chức trách hàng không của các quốc gia để tăng tải cung ứng, hỗ trợ hoạt động khai thác ở các sân bay mà các hãng bay đến…

NHIỀU GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP BỊ TẠM HOÃN XUẤT CẢNH

Thời gian gần đây, Chi cục thuế các khu vực trên địa bàn Thanh Hóa liên tục có thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với giám đốc nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Chi cục thuế Thọ Xuân - Thường Xuân vừa thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Đào Văn Trung - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Tổng Hợp Trung Kiên; ông Lê Xuân Hoạch - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thịnh Phát JFC; ông Hoàng Mạnh Cường - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Mạnh Phúc 686; ông Lưu Hữu Bốn - Giám đốc Công ty TNHH Lưu Duy Đạt.

Cũng trong tháng 3, Chi cục Thuế Thọ Xuân - Thường Xuân thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Nguyễn Thị Hằng - Giám đốc Công ty TNHH TM & DV Phát Tùng; ông Nguyễn Danh Thọ - Giám đốc Công ty TNHH Núi Lam Sơn; ông Lê Duy Hùng - Giám đốc Công ty TNHH cơ khí xây dựng Duy Hùng.

Trước đó, Chi cục Thuế khu vực Ngọc Lặc - Lang Chánh thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Lý Thị Nguyệt - Giám đốc Công Ty TNHH May Đăng Dương NH có trụ sở phố Hưng Sơn, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa; bà Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc Công ty CP Sagota miền tây Thanh Hóa có địa chỉ tại thôn Phống Bàn, Thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa.

Lý do tạm hoãn xuất cảnh do các ông bà trên là đại diện theo pháp luật các doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Theo cơ quan chức năng, thời gian tạm hoãn xuất cảnh kể từ ngày ký thông báo đến ngày người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước.

Liên quan đến hoạt động thuế, tại cuộc họp Ban chỉ đạo thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa vừa qua , ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá - yêu cầu Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa tập trung mọi nguồn lực, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, thu hồi nợ thuế, chống thất thu ngân sách, đặc biệt là trong một số lĩnh vực nhạy cảm, có rủi ro cao về thuế như: khai thác khoáng sản; đất đai , kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; môi trường; vận tải; thương mại điện tử; hộ kinh doanh cá thể; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh...

Năm nay, Bộ Tài chính và HĐND tỉnh Thanh Hóa giao Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa chỉ tiêu thu nội địa là 21.417 tỷ đồng. Theo thông tin từ Cục thuế Thanh Hóa, ước thực hiện thu nội địa tháng 3 đạt 2.245 tỷ đồng; lũy kế Quý I năm 2024 đạt 8.656 tỷ đồng, bằng 39,3% so với dự toán và tăng 46% so với cùng kỳ.

CHUNG CƯ CŨ 'LÊN NGÔI': DÂN ĐỔ XÔ SĂN TÌM, GIÁ BỖNG VỌT TĂNG CAO

Các căn hộ chung cư cũ ở TP.HCM "lên ngôi" trước thực trạng nguồn cung nhà ở mới khan hiếm và giá bán không ngừng tăng cao. Một số khu chung cư cũ gần trung tâm, có sổ hổng giá còn vọt tăng.

Chung cư cũ có sổ hồng vẫn "hot"

Sau chục năm ở trọ tại một dãy nhà cho thuê xập xệ thuộc Q. Gò Vấp, TP.HCM, anh L. (quê Thanh Hoá) vừa lập gia đình và quyết định sẽ mua một căn hộ để an cư. Chỉ dành dụm được khoảng 1,5 tỷ đồng nên vợ chồng anh L. tính toán sẽ phải vay thêm ngân hàng.

Nhưng khi bắt tay vào tìm mua căn hộ chung cư, vợ chồng anh L. thấy vô vàn khó khăn. Bởi những năm gần đây, TP.HCM có rất ít dự án chung cư mới. Hiếm hoi tìm được dự án mới bàn giao thì giá bán lại quá cao, vượt khỏi khả năng chi trả.

Theo anh L, một số dự án đang mở bán, giá cả phù hợp với khả năng tài chính của anh thì lại nằm ngoài TP.HCM. Suy đi tính lại, cuối cùng vợ chồng anh L. quyết định tìm mua căn hộ tại chung cư cũ.

Anh L. cho biết, chung cư cũ tại TP.HCM rất nhiều và giá bán cũng rất đa dạng. Để tiện cho việc đi làm của hai vợ chồng, anh L. tham khảo một số chung cư nằm trên trục đường Phạm Văn Đồng, TP. Thủ Đức. Tuỳ vị trí và chất lượng, giá một căn hộ chung cư 10 năm tuổi trên trục đường này dao động từ 2-3 tỷ đồng.

Sau khi đi xem căn hộ 70m2 có giá bán 2 tỷ đồng tại một chung cư đã giao nhà cách đây 8 năm, vợ chồng anh L. dù thấy phù hợp túi tiền nhưng ngại vì chất lượng xây dựng lại quá tệ. Cách đó chưa đầy 1km là một chung cư đã giao nhà được 10 năm, giá căn hộ 72m2 khoảng 2,7 tỷ đồng.

“Dù chung cư đã giao nhà cách đây chục năm nhưng chất lượng xây dựng khá tốt, chưa xuống cấp nhiều. Đặc biệt, chung cư này đã có sổ hồng. Sau khi suy tính thiệt hơn, vợ chồng tôi quyết định "xuống tiền" cho căn hộ 72m2 với giá 2,7 tỷ đồng”, anh L. nói về căn hộ vừa dọn về ở.

Chia sẻ với PV. VietNamNet, chị M. (quê Đồng Nai) cho biết chị và chồng đang làm việc cho một công ty tại Q. Bình Thạnh. Nhiều năm tích góp, vợ chồng chị M. có trong tay hơn 2 tỷ đồng và đang tìm mua căn hộ chung cư cũ.

Theo chị M., sau khi đi xem 3 chung cư, vợ chồng chị quyết định mua căn hộ 72m2 tại chung cư trên trục đường Phạm Văn Đồng, TP. Thủ Đức với giá 2,4 tỷ đồng. Đây là chung cư tái định cư, đã bàn giao nhà hơn chục năm và đã có sổ hồng.

“Ngoài thuận tiện đi lại, sổ hồng là lý do vợ chồng tôi quyết định mua căn hộ này. Chất lượng chung cư không còn tốt nhưng gần trung tâm TP.HCM và có trung tâm thương mại kế bên. Với 2 tỷ đồng, vợ chồng tôi không tìm đâu được căn hộ mới đáp ứng tiêu chí trên”, chị M. bày tỏ.

Theo một cư dân sống tại chung cư chị M. vừa mua, chung cư này có hai đợt tăng giá đáng kể. Cụ thể, các hộ dân đầu tiên sở hữu căn hộ tại đây với giá chỉ từ 700-800 triệu đồng/căn.

Sau khi đường Phạm Văn Đồng thông xe vào năm 2013, giá bán căn hộ tại đây tăng gấp đôi. Đến đầu năm 2019, khi trung tâm thương mại cách đó không xa đi vào hoạt động, giá bán căn hộ tại chung cư cũ này lại vọt tăng.

Giá nhà mới liên tục tăng, khan hiếm dự án mới

Trong 3 năm lại đây, tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở thương mại tại TP.HCM là câu chuyện không mới. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại ở đây là hầu như không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân. Nguồn cung đang nghiêng hẳn về phân khúc cao cấp và trung cấp.

Thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, quý IV/2023, toàn thành phố chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với tổng nguồn cung 3.722 căn. Tất cả nguồn cung nhà ở này đều thuộc phân khúc cao cấp.

Cả năm qua, TP.HCM có 19 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện bán, cung ứng ra thị trường 17.753 căn. Trong đó, có 11.334 căn thuộc phân khúc cao cấp và 5.051 căn thuộc phân khúc trung cấp. Thị trường tiếp tục “vắng bóng” nhà ở thuộc phân khúc bình dân.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong số dự án đủ điều kiện mở bán nói trên có nhiều dự án được triển khai đầu tư xây dựng từ những năm trước, đến nay mới hoàn tất thủ tục huy động vốn.

Khảo sát của một đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm giá bán căn hộ tại TP.HCM tăng khoảng 12%.

Trên thị trường thứ cấp, hiện giá bán căn hộ trung bình ở mức 45 triệu đồng/m2, tăng 3% so với quý trước. Dù năm qua, thị trường bất động sản TP.HCM gặp khó khăn về thanh khoản nhưng giá bán trung bình căn hộ sơ cấp vẫn neo cao, ở mức 61 triệu đồng/m2.

Theo ông Dương Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Asia New Time, trước thực trạng khan hiếm nguồn cung căn hộ mới và và giá liên tục tăng, nhiều người mua nhà có xu hướng tìm đến căn hộ chung cư cũ. Dù mua ở thực hay đầu tư cho thuê, các chung cư cũ có vị trí tốt và giá bán mềm vẫn rất hút khách.

Dẫn chứng về chung cư trên đường Nguyễn Duy Trinh, TP. Thủ Đức, ông Tiến cho hay chung cư này đã bàn giao cách đây 4 năm, hơn 70% cư dân đang sinh sống. Mới đây, hàng chục căn giá từ 40-42 triệu đồng/m2 tại đây đã được bán hết. Mức giá này ngang ngửa với các dự án chung cư mới tại Bình Dương.

Nguồn: StockBiz; Kenh14; Soha; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang