Sầu riêng gặp khó vì TQ tự trồng; DN kiệt quệ vì bị giam tiền thuế GTGT; Hội chợ đa ngành tỷ USD; Dở khóc dở cười BĐS

Trung Quốc sắp tự trồng sầu riêng, Việt Nam sẽ gặp khó?

(Ảnh minh họa).

Nỗ lực tự trồng sầu riêng ở Trung Quốc cùng với kết nối đường sắt Thái Lan-Lào-Trung Quốc đang đe dọa xuất khẩu của sầu riêng Việt Nam vào Trung Quốc trong bối cảnh nông dân Việt Nam đang đổ xô đi trồng loại cây ăn trái này, theo tìm hiểu của VOA.

Sầu riêng trồng ở Trung Quốc

Tờ South China Morning Post hôm 22/5 dẫn nguồn từ Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV cho biết những trái sầu riêng đầu tiên được thu hoạch ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, sắp sửa được đưa ra thị trường vào tháng Sáu tới với sản lượng 2.450 tấn.

Tuy nhiên, theo lời ông Sam Sin, giám đốc phát triển của tập đoàn nông sản S&F Produce Group có trụ sở ở Hong Kong, được South China Morning Post dẫn lại thì vào lúc này các nước xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chưa phải lo vì đảo Hải Nam có khí hậu cận nhiệt đới nên chất lượng sầu riêng ở đây không thể nào sánh được sầu riêng Thái Lan hay Việt Nam.

Một chuyên gia khác cũng có nhận định tương tự là ông Aaron Rabena, chuyên gia nghiên cứu thuộc Quỹ Con đường đi đến Tiến bộ châu Á-Thái Bình Dương ở Manila. Ông nhận định với South China Morning Post rằng trồng cây ăn trái ở đảo Hải Nam là ‘không ổn định’ và ‘không đủ đáp ứng’.

Tuy nhiên, nếu các nông dân Trung Quốc có tham vọng, biết áp dụng tự động hóa và cho ra sản phẩm với chi phí thấp thì các nước xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc sẽ mất đi sự tự tin, chuyên gia này cảnh báo.

Ông Đậu Bách Trung, tổng giám đốc công ty nông nghiệp Hải Nam Ưu Kỳ có trụ sở ở Tam Á, Hải Nam, được South China Morning Post dẫn lời nói ông hy vọng năm nay công ty ông sẽ thu hoạch được 50 tấn sầu riêng sau khi gửi công nhân đi học tập kỹ thuật canh tác ở các nước đông nam Á. Công ty ông cũng đang làm việc với Viện Khoa học Nông nghiệp Nhiệt đới Trung Quốc để đẩy nhanh vòng sinh trưởng của sầu riêng từ 10 năm xuống còn 3 năm.

Công ty Hải Nam Ưu Kỳ đã nghĩ ra cách tự động hóa trong phân phối nước tưới, quản lý phân bón và giám sát thời tiết. Tuy nhiên, ông Đậu thừa nhận rằng trồng sầu riêng trên đảo Hải Nam cần sự chăm sóc của con người nhiều hơn và quan tâm chặt chẽ hơn.

Cạnh tranh khắp nơi

Trong khi đó, Philippines là quốc gia mới nhất vừa được Bắc Kinh cho phép xuất khẩu trái sầu riêng sang nước họ theo đường chính ngạch, sau Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Nước này đặt mục tiêu xuất khẩu 54.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc trong năm nay, cũng theo VnExpress.

Mặt khác, Trung Quốc cũng đã được Lào cho phép trồng sầu riêng trên đất Lào để tiêu thụ ở Trung Quốc. Diện tích trồng sầu riêng của Trung Quốc ở Lào bằng 27% diện tích sầu riêng của Việt Nam, trang mạng này cho biết.

Việt Nam lâu nay vẫn có lợi thế so với Thái Lan là có cửa khẩu và đường biên giới với Trung Quốc nên nông sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có sầu riêng, xuất vào Trung Quốc dễ dàng và tiện lợi hơn.

Tuy nhiên, lợi thế này đang mất dần sau khi Lào đưa vào sử dụng tuyến đường sắt cao tốc nối từ thủ đô Vientiane của họ đến Côn Minh – thủ phủ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc – do phía Trung Quốc xây dựng hồi cuối năm 2021, giúp hàng nông sản Thái Lan đến Trung Quốc nhanh chóng hơn.

Trang mạng của VTV hôm 21/4 đưa tin Thái Lan đã tăng cường xuất khẩu trái cây tươi, trong đó có sầu riêng, sang Trung Quốc qua tuyến đường sắt cao tốc đi qua Lào, và chỉ trong một tuần, đã có 2 chuyến tàu vận chuyển gần 50 container trái cây tươi từ Thái Lan đi Côn Minh và Quảng Châu.

Do đó, trái cây tươi Thái Lan chỉ mất từ 3 - 4 ngày để đi từ Thái Lan đến Côn Minh. Nhờ đó mà trái cây Thái Lan vẫn giữ được độ tươi ngon khi sang đến Trung Quốc.

Thái Lan hiện nắm giữ thế thượng phong trong xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc. Chỉ riêng trái sầu riêng, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2022 là hơn 3 tỷ đô la Mỹ mà trong đó Thái Lan chiếm hơn 96%, theo số liệu của Bộ Thương mại Thái Lan được VTV dẫn lại.

Rớt giá mạnh

Đến cuối tháng Tư và đầu tháng Năm, giá sầu riêng Ri6 của Việt Nam thu mua tại vườn ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ chỉ còn từ 50 đến 55 ngàn đồng một ký, theo khảo sát của VnExpress. So với mức giá đỉnh điểm hồi đầu tháng Hai khi xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc hút hàng, thì mức giá này chỉ còn 1/4.

Trang mạng này dẫn lời các nông dân cho biết nguyên nhân khiến sầu riêng rớt giá mạnh là do hiện giờ sầu riêng Việt Nam đang vào vụ thu hoạch – cùng lúc với sầu riêng Thái Lan và Philippines, hai nước cũng đã được cho xuất chính ngạch loại trái cây này sang Trung Quốc – nên sầu riêng Việt Nam không còn được các đối tác Trung Quốc thu mua ồ ạt như trước.

Trang mạng này cho biết trên khắp các vùng chuyên canh sầu riêng ở Việt Nam như các tỉnh miền Tây, miền Đông, sầu riêng đang được thu hoạch rộ nên nguồn cung rất dồi dào. Đài Truyền hình nhà nước VTV hôm 12/5 cho biết ‘sầu riêng Việt Nam năm nay trúng mùa với chất lượng khá tốt’ và ‘sầu riêng tiếp tục thu hoạch rộ, đáp ứng cả nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa’.

Tờ Tuổi Trẻ hôm 10/5 dẫn lời ông Huỳnh Tấn Lộc - giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp, Tiền Giang – cho biết: “Không chỉ Tiền Giang mà hiện nay sầu riêng đang vào vụ và các tỉnh thành như Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ… đều có. Thậm chí một số nước cũng đã vào vụ sầu riêng và đang cạnh tranh với sầu riêng Việt Nam.”

Mặc dù sầu riêng rớt giá mạnh nhưng các nông dân vẫn còn lời tương đối, cũng theo VnExpress, nên hiện giờ trong nước chưa có chiến dịch ‘giải cứu sầu riêng’ như đã từng xảy ra đối với các loại trái cây khác trước đây khi gặp trở ngại từ thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nông dân trồng sầu riêng ở huyện Cai Lậy, Tiền Giang, được Tuổi Trẻ dẫn lời nói rằng với mức giá giảm sâu như hiện nay, nhà vườn vẫn có lời từ 5.000 đến 10.000 đồng mỗi ký sầu riêng.

Thị trường ‘nhiều rủi ro’

Trao đổi với VOA từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển (IDS), nhận định rằng Việt Nam có lợi thế địa lý ‘sát nách với Trung Quốc’ để có thể tận dụng thị trường khổng lồ này đối với trái sầu riêng.

“Tuy nhiên thị trường Trung Quốc rất dễ biến động. Những quy định của Trung Quốc thay đổi xoành xoạch tùy thuộc vào tình hình chính trị của Trung Quốc với Việt Nam,” ông nói. “Đó là yếu tố rất đáng cân nhắc và đáng lo cho các nhà sản xuất Việt Nam, không chỉ là sầu riêng.”

Ông chỉ ra những vụ việc trong giao thương với Trung Quốc đã từng xảy ra rất nhiều lần là giá cả một loại nông sản nào đó lên khiến bà con rất mừng, đổ xô đi trồng loại trái cây đó nhưng đùng một cái lại rớt giá vì xuất khẩu sang Trung Quốc bị tắc lại.

“Nông dân trở tay không kịp nên không thể bỏ tất cả trứng vào một giỏ,” ông A nói với ngụ ý không thể dựa vào một thị trường dù lớn đến mấy như Trung Quốc cho nông sản Việt Nam, trong đó có sầu riêng.

Do đó, ông lưu ý bên cạnh việc tìm cách tận dụng thị trường rộng lớn của Trung Quốc thì các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng cần có sẵn kế hoạch ứng phó rủi ro.

Thị trường Trung Quốc chiếm đến 83% kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam, theo trang mạng VnExpress.

“Cần có sẵn những kịch bản như nếu chuyện này xảy ra thì phải phản ứng như thế nào để phản ứng kịp thời,” ông A khuyến nghị và cho rằng Việt Nam nên tận dụng thị trường nội địa với 100 triệu dân phòng trường hợp thị trường Trung Quốc gặp vấn đề.

Ông cũng thừa nhận Việt Nam khó xuất khẩu trái cây nhiệt đới sang Mỹ và châu Âu do không hợp thị hiếu. Trong khi đó, người dân Trung Quốc rất ưa chuộng các loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam, đặc biệt là sầu riêng.

“Tại sao chỉ bán sầu riêng hay trái cây tươi? Nếu nền công nghiệp chế biến phát triển thì nó giải quyết được vấn đề được mùa, cung tăng đột ngột. Khi đó hàng hóa không những không mất giá mà còn tăng được giá trị lên,” ông lập luận.

Ông cho rằng nông dân chỉ chạy theo lợi ích trước mắt nên ‘rất cần vai trò điều tíết của Nhà nước’.

Hiện tại diện tích vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc cấp mã số để được xuất khẩu chính ngạch chỉ chiếm khoảng 15-20% sản lượng sầu riêng của Việt Nam, theo Tuổi Trẻ. Số còn lại chủ yếu tiêu thụ trên thị trường nội địa.

Bất chấp khuyến cáo liên tục của giới chức nông nghiệp Việt Nam là không nên trồng quá nhiều sầu riêng khiến cung vượt cầu nhưng nông dân Việt Nam vẫn tiếp tục ồ ạt chuyển sang trồng loại cây này. Vào lúc đỉnh điểm thương lái Trung Quốc gom hàng sầu riêng, các nhà vườn có lời từ 1 đến 2 tỷ đồng một hectare, gấp nhiều lần các loại cây ăn trái khác, theo Tuổi Trẻ.

Còn ở Philippines, quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc vốn cũng vừa được Bắc Kinh cho phép xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, Thượng nghị sỹ Imee Marcos được South China Morning Post dẫn lời nói việc trông chờ Trung Quốc ‘mua hết số sầu riêng mà Philippines trồng trong nước có thực tế hay không’ khi mà Bắc Kinh đã bất mãn thấy rõ trước việc Manila tăng cường huấn luyện quân sự với Mỹ.

Cũng theo tờ báo này, trong năm 2022, Trung Quốc đã nhập khẩu 824.000 tấn sầu riêng với giá trị hơn 4 tỷ đô la Mỹ, tăng gấp 4 lần so với năm 2017.

(Nguồn: VOA)

Doanh nghiệp kiệt quệ vì bị 'giam' tiền thuế GTGT

Hàng trăm tỉ đồng thuế giá trị gia tăng lẽ ra phải hoàn lại cho doanh nghiệp nhưng cơ quan thuế lại "giam" hàng năm trời khiến họ kiệt quệ. Đặc biệt trong bối cảnh đói vốn hiện nay, việc không được hoàn sớm khoảng thuế giá trị gia tăng (GTGT) không chỉ gây bức xúc mà còn đẩy không ít công ty đứng trước bờ vực phá sản.

2 năm bị "giam" tiền thuế, công ty phải ngừng hoạt động

Công ty TNHH Thương mại Hòa Thuận (Q.1, TP.HCM) chuyên xuất khẩu cao su tươi đi các thị trường lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… hơn 20 năm qua. Thế nhưng tháng 3 vừa qua, công ty phải tạm ngưng hoạt động, cho nhân viên nghỉ và trả lương hỗ trợ 50%. Nhưng đại diện công ty vẫn chưa hết lo lắng, không biết vài tháng tới có còn tiền để trả lương không nữa, đồng nghĩa sẽ có nhiều người bị thất nghiệp. Bà Trần Lệ Thu, kế toán trưởng công ty, bức xúc, nguyên nhân chính là đơn hàng sụt giảm mạnh trong khi công ty không còn vốn lưu động. Đây là hậu quả từ việc bị "giam" tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) mà công ty đã nộp trước đó. Tổng cộng từ cuối năm 2021 đến nay số tiền thuế GTGT công ty chưa được hoàn lại lên đến 55 tỉ đồng.

Cụ thể, từ cuối năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp (DN) ngành cao su phải chờ được cơ quan thuế kiểm tra trước mới hoàn thuế sau. Quá trình kiểm tra xác minh kéo dài và có nhiều thủ tục, yêu cầu gây khó khăn cho DN. Chẳng hạn, ngành thuế yêu cầu xác minh của các ngân hàng mà công ty có giao dịch ngoại tệ, phải có thể hiện trên chứng từ báo có tên tài khoản ngân hàng nước ngoài. Khi đó công ty đã gửi 3 công văn của các ngân hàng có giao dịch đều trả lời thông lệ quốc tế không có quy định nào về yêu cầu các điện báo có thanh toán bằng thư tín dụng "L/C" và nhờ thu "D/P" phải thể hiện đầy đủ tên và thông tin số tài khoản của người chuyển tiền/người mua. Giấy báo có của ngân hàng thực hiện theo định dạng tiêu chuẩn của Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT)… Thế nhưng phía cơ quan thuế vẫn không đồng ý. Sau đó, công ty lại phải gửi công văn đến Ngân hàng Nhà nước và cũng nhận được phản hồi từ Ngân hàng Nhà nước là thực hiện theo quy định về quản lý ngoại hối và điều ước quốc tế.

Trong công văn giữa tháng 2.2023 gửi đến Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP.HCM cùng UBND TP.HCM, Công ty Hòa Thuận khẩn thiết kiến nghị các bộ ngành, thành phố giúp đỡ tháo gỡ khó khăn cho công ty được hoàn thuế GTGT theo luật định để công ty có tiền hoạt động kinh doanh xuất khẩu trở lại vì quá khó khăn. Cơ quan thuế TP.HCM phản hồi công văn này cho biết đang chờ ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Thuế để thực hiện. Công ty Hòa Thuận lại tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến Tổng cục Thuế và mới nhất đến ngày 7.4, công ty nhận được thông báo từ Cục Thuế TP.HCM cho biết thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế là 40 ngày kể từ ngày cơ quan thuế có thông báo chấp nhận hồ sơ hoàn thuế. Đáng nói, trong khi bị ngâm số tiền lớn như vậy thì đầu năm nay, công ty đã bị tính tiền chậm nộp thuế thu nhập DN và phải đi vay để nộp. Bà Trần Lệ Thu đặt vấn đề: Vậy số tiền DN bị ngâm lâu vậy có ai tính lãi cho chúng tôi không? Chưa bao giờ công ty bị tình trạng như thế này, khốn khổ để xin hoàn lại tiền của mình. Trong năm vừa qua, ngoài việc gửi đơn, công văn đi khắp nơi, bản thân bà cũng liên tục đi đến các cuộc đối thoại giữa DN với ngành thuế, gặp gỡ với lãnh đạo TP.HCM hay cuộc gặp về ngành của Bộ NN-PTNT để phản ánh những khó khăn này nhưng vẫn chưa được giải quyết. Ngoài việc thiếu vốn, công ty thời gian qua cũng phải trả lãi vay ngân hàng hơn 4 tỉ đồng cho số tiền đi vay để duy trì hoạt động.

"Tôi đã liên tục gọi điện, lên tận Cục Thuế TP.HCM để hỏi xem khi nào cán bộ thuế xuống công ty để kiểm tra hồ sơ hoàn thuế vì đến nay đã hơn 40 ngày theo thông báo nhưng chưa thấy ai trả lời chính xác. Chúng tôi giờ chỉ mong được cơ quan thuế nhanh xuống kiểm tra xong rồi hoàn thuế sau. Nếu kéo dài như vậy không biết đến bao giờ mới được hoàn trả lại số tiền mà DN đã ứng trước nộp vào ngân sách nhà nước. Công ty thì ngừng hoạt động, công nhân thất nghiệp. Vậy chúng tôi cần được biết bao giờ mới được hoàn thuế theo luật?", bà Trần Lệ Thu bức xúc.

Không thực hiện theo luật mà theo công văn?

Nhắc đến việc hoàn thuế GTGT, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hoàng Dũng, ngán ngẩm cho rằng: "Kêu la gần 2 năm nay mà có ai giải quyết gì đâu. Giờ quá chán vì việc hoàn thuế GTGT không thực hiện theo luật, nghị định, thông tư mà lại theo công văn. Cùng một vấn đề nhưng Cục Thuế TP.HCM chỉ làm theo công văn hướng dẫn nên bất lợi cho DN". Cụ thể, cách đây 1 năm, Công ty Hoàng Dũng nộp hồ sơ xin hoàn thuế số tiền 23 tỉ đồng. Đoàn kiểm tra xuống và sau đó biên bản kết luận không vi phạm gì. Thế nhưng đến nay DN vẫn chưa nhận lại được số tiền thuế này. DN liên tục gửi công văn hỏi. Hồ sơ hoàn thuế trước chưa được giải quyết thì những hồ sơ sau cũng tắc. Kéo dài đến nay, số tiền xin hoàn thuế của DN này đã lên 36 tỉ đồng. Trong khi đó, để có vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty phải vay ngân hàng 120 tỉ đồng và riêng tiền lãi mỗi tháng khoảng 1 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Quang Vinh bức xúc, quy định của luật Thuế GTGT hay Thông tư 129/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn rất rõ về điều kiện hoàn thuế như phải có hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài, tờ khai hải quan, chứng từ xuất khẩu… Đồng thời quy định rõ thời gian hoàn trước kiểm sau là 6 ngày, còn kiểm trước hoàn sau là 40 ngày. Thế nhưng các hồ sơ xin hoàn thuế của DN bị "treo" lại do các công văn hướng dẫn của Tổng cục Thuế. Đó là xác minh nguồn gốc hàng hóa trước khi hoàn thuế; xác minh người mua hàng hóa ở nước ngoài; chứng từ thanh toán phải thể hiện số hiệu tài khoản của người mua. Những hướng dẫn trong các công văn này không hề nằm trong các văn bản quy phạm pháp luật. Đó là chưa kể "trời sinh 1 cặp", cùng 1 vấn đề mà có 2 công văn hướng dẫn khác nhau. Năm 2018, Vụ Kê khai kế toán (Tổng cục Thuế) ban hành công văn hướng dẫn phải có số hiệu tài khoản thanh toán của người trả tiền mới được hoàn thuế. Đến năm 2019, Vụ Chính sách cũng của Tổng cục Thuế lại hướng dẫn không cần số hiệu tài khoản thanh toán khi làm hồ sơ hoàn thuế. Thế nhưng cơ quan thuế lại vận dụng công văn cũ, gây bất lợi cho phía DN. Một dẫn chứng khác, năm 2013, Bộ Tài chính chỉ yêu cầu kiểm tra xác minh nguồn gốc cao su đối với người bán hàng trực tiếp cho DN xuất khẩu (tức là chỉ kiểm tra tới F1). Thế nhưng năm 2021, Tổng cục Thuế lại yêu cầu xác minh hóa đơn của cả F1, F2, F3… Fn. Khi có kết quả xác minh cuối cùng mới thực hiện hoàn thuế cho DN xuất khẩu.

Ông Nguyễn Quang Vinh nhận xét: "Thời gian hơn 1 năm, DN thì nóng ruột. Thay vì gửi công văn hỏi cơ quan thuế sao chưa hoàn tiền qua đường bưu điện, mỗi tháng chúng tôi phải cử người trực tiếp đến cơ quan thuế chuyển công văn hỏi nhưng cơ quan thuế không có một phản hồi nào. Luật Quản lý thuế đã quy định rất rõ DN nộp thuế chậm, nợ thuế thì bị phạt 0,03%/ngày, tức 9%/năm. Nhưng cơ quan thuế chậm hoàn cho DN sẽ phải thực hiện trả cho DN số tiền 0,03%/ngày. Vậy cũng cần phải sòng phẳng vấn đề này".

Trần ai hoàn thuế đủ kiểu hành DN khiến ai cũng mệt mỏi, kiệt quệ...

(Nguồn: Thanh Niên)

Hội chợ đa ngành tỷ USD, 70 nước tới Việt Nam xem hàng

(Ảnh minh họa).

Hội chợ xuất khẩu đa ngành lần đầu diễn ra tại TP.HCM đã thu hút lượng lớn doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế.

Sáng 25/5, Diễn đàn và Hội chợ Xuất khẩu TP.HCM (HCM City Export 2023) đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn – SECC, kéo dài đến ngày 28/5.

Thông tin tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch TP.HCM, ông Võ Văn Hoan, cho biết, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng 0,4% so với kim ngạch xuất khẩu của thế giới, xếp hạng ngoài nhóm 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tới năm 2021, xuất khẩu của nước ta đã xếp hạng thứ 20 trên các quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm tỷ trọng 1,49% toàn cầu.

Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ hai sau Singapore. Trong đó, TP.HCM là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển xuất khẩu.

Tuy nhiên, thời gian qua, bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn khó lường, thương mại toàn cầu giảm sút… tất cả đã tác động rất lớn tới tình hình kinh tế thế giới cũng như hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Ước tính, 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa ở nước ta chỉ đạt 211 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu giảm 11,8%; nhập khẩu giảm 15,4%.

Riêng tại TP.HCM, hoạt động xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 cũng giảm tới 21% so với cùng kỳ, đã tác động trực tiếp và toàn diện vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các thị trường xuất khẩu cơ bản đã mở cửa thông thương nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động khó lường từ những bất ổn chính trị, chiến tranh thương mại gay gắt, suy thoái kinh tế, lạm phát cao khiến sức mua, niềm tin tiêu dùng giảm sút.

“Do vậy, HCM City Export 2023 sẽ là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm bạn hàng tiềm năng, nhằm thúc đẩy kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu”, ông Hải nói.

Về phía doanh nghiệp tham dự sự kiện, bà Đinh Hồng Vân, Giám đốc Marketing cấp cao Masan Consumer, cho hay, để một sản phẩm có thể xuất khẩu và tiêu thụ tốt ở các nước bạn là không dễ. Dẫn chứng, tại thị trường Nhật Bản khó tính, công ty mất gần 4 năm kể từ lúc ra mắt một sản phẩm đầu tiên tới khi gia nhập thành công bộ gia vị Chin-su.

Để phù hợp với khẩu vị người dân đất nước mặt trời mọc, nhóm nghiên cứu, phát triển sản phẩm đã nhiều lần thử nghiệm, tìm công thức phối trộn nguyên liệu ớt cay Việt Nam và wasabi nồng Nhật Bản để tạo nên tương ớt đặc trưng phù hợp. Tín hiệu khá tích cực khi các sản phẩm lên kệ song song cả hai thị trường Việt Nam, Nhật Bản. Đây sẽ là đòn bẩy, tạo tiền đề cho sản phẩm của doanh nghiệp thâm nhập nhiều thị trường phát triển khác trên thế giới như Hàn Quốc, Australia, châu Âu và Bắc Mỹ…

Tương tự, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Lương thực thực phẩm Colusa-Miliket, thông tin, thị trường xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… không chỉ xuất khẩu mì tôm, công ty còn xuất các sản phẩm dòng gạo sang thị trường châu Âu. 5 tháng đầu năm, doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp tới 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ.

Nói về bí quyết để các sản phẩm xuất khẩu được người tiêu dùng quốc tế lựa chọn, ông Tuấn cho hay, việc nâng cấp sản phẩm rất cần thiết. Ví dụ, giấy bọc gói mì tôm Miliket là loại giấy chất lượng, được công ty nhập khẩu toàn bộ từ Nhật Bản. Tới đây, doanh nghiệp đưa công nghệ plasma trong y tế, áp dụng vào đảm bảo vệ sinh an toàn, ứng dụng công nghệ để thanh trùng sản phẩm tốt hơn nữa. “Ngay tại xứ sở mì là Hàn Quốc, khách hàng vẫn tìm kiếm đích danh mỳ Miliket Việt Nam. Chúng tôi cạnh tranh với sản phẩm nội địa ngay trên nước bạn”, ông Tuấn chia sẻ.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định, năm 2023, ngành công thương thành phố thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu để tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo. Trong đó, HCM City Export 2023 là một hoạt động thúc đẩy xuất khẩu quan trọng. Hội chợ đa ngành này có nhiều mặt hàng kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như: gỗ và sản phẩm gỗ; lương thực thực phẩm; cao su; nhựa; điện tử, cơ khí; dệt may, da giày…

Đến ngày khai mạc, đã có gần 3.000 lượt khách đăng ký tham gia vào chuỗi hoạt động sự kiện. Hơn 270 đoàn khách và doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức tới từ 70 quốc gia, vùng lãnh thổ như Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Singapore và các nước EU…

Dự kiến, sau lần đầu tổ chức năm nay, HCM City Export sẽ là sự kiện lớn thường niên tại TP.HCM.

(Nguồn: Vietnamnet)

Chuyện dở khóc, dở cười trên thị trường bất động sản: “Thấy nhà đất giá hời nhưng tôi hết tiền!”

Nhiều nhà đầu tư trước đó đã “tất tay” vào bất động sản, đến nay gặp những sản phẩm vị trí tốt, giá hời thì “hết tiền” mua.

Nhà đầu tư “hết tiền”

Thị trường bất động sản đã rơi vào trầm lắng hơn 1 năm nay. Theo đó, thanh khoản và giá bán ở một số phân khúc như đất nền, nhà liền kề, biệt thự,... liên tục sụt giảm. Không ít nhà đầu tư trước đó tham gia vào thị trường đến nay vẫn bị mắc kẹt lại. Bên cạnh đó, một số người còn lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” vì gặp được đất “ngon” nhưng hết tiền, vì vẫn găm ở trong bất động sản chưa bán được.

Vốn là dân kinh doanh đồ nội thất nhưng tay ngang đầu tư bất động sản, anh Trần Thái (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, từ năm 2016 anh bắt đầu tìm hiểu về thị trường và bước chân vào.

Ở thời điểm này, thị trường bất động sản diễn biến khá tích cực nên anh Thái đã trúng mánh không ít các thương vụ đầu tư đất nền. Đầu năm ngoái, thị trường bất động sản vẫn “nóng”, do đó anh Thái đã mạnh tay dồn hết số tiền đang có để mua 10 mảnh đất tại vùng ven Hà Nội, Hải Dương, Hòa Bình, Hưng Yên, Phú Thọ,...

“10 lô đất có giá trị hàng chục tỷ đồng, tất cả đều mua bằng tiền thật. Tuy nhiên, điều éo le là có rất nhiều bất động sản ngon chào mời nhưng tôi hết tiền, vay thì lãi suất rất cao. Nếu bán bớt đất nền đang nắm giữ bây giờ cũng khó tìm khách”, anh Thái nói.

Theo anh Thái, căn nhà có diện tích 150m2 gần khu công nghiệp tại Bắc Giang trước đó anh quan tâm mới đây được môi giới chào mời lại với mức giá hơn 4 tỷ đồng, giảm khoảng 35% so với đầu năm ngoái.

“Căn nhà này đầu năm ngoái tôi đã đến xem 2 lần và tìm hiểu rất kỹ, vị trí kinh doanh rất sầm uất nền cho thuê dễ. Mới đây môi giới chào mời lại và cho biết chủ nhà cần bán nhanh trong vài ngày để trả nợ gấp. Biết là hời nhưng tôi cũng hết tiền mua. Căn nhà này cũng nhanh chóng được sang tay cho chủ mới”, anh Thái cho biết thêm.

Tương tự, anh Hà Tuấn (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, thời điểm năm 2021 thị trường bất động sản sốt nóng, anh đã dồn hết tiền khoảng 10 tỷ đồng để đầu tư vào 5 mảnh đất nền. Tuy nhiên, hiện nay dù muốn bán nhưng anh khó tìm người mua.

“Có bao nhiêu tiền tôi đều dồn mua đất, bây giờ đúng là chỉ có đất nhưng hết tiền. Các mảnh đất tôi đang sở hữu nằm ở ven Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa bình. Tuy nhiên, bây giờ bán ở chỗ nào cũng không thấy có người mua”, anh Tuấn nói.

Anh Tuấn cho biết, dù không chịu áp lực tài chính, bởi đều được mua bằng tiền của mình. Tuy nhiên, hiện nay nay có rất nhiều bất động sản tốt, giá hời nhưng anh Tuấn cũng không còn tiền mua.

“Tôi vẫn đi xem nhà đất ở nhiều nơi, hiện nay mức giá đã rất tốt, hơn nữa vị trí đẹp dù rất muốn mua thêm nhưng không còn tài chính. Còn nếu vay mua ở thời điểm này là không hợp lý, vì lãi suất cao. Trong khi bất động sản của tôi vẫn chưa bán được”, anh Tuấn nói.

Thực tế, hiện nay có rất nhiều bất động sản vị trí tốt, tiềm năng khai thác dòng tiền được rao bán với mức giá hời từ các chủ sở hữu ngộp tài chính. Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư đều khó khăn, không thể gom thêm dù rất muốn.

Nhà đầu tư đang rất “thèm” mua bất động sản

Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia tài chính - bất động sản cho rằng, thực chất, các nhà đầu tư hiện đang rất "thèm" mua bất động sản. Nguyên nhân vì nhiều sản phẩm đang giảm giá 10 - 30%, cùng đó các chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách thanh toán kéo dài, đồng thời hỗ trợ về tài chính, lãi suất vay.

“Có những dự án tôi thấy chỉ cần thanh toán 15%, còn lại được hỗ trợ về lãi suất, ba năm sau mới nhận nhà. Mặc dù vậy, nhà đầu tư vẫn đang cân nhắc vì chưa biết thị trường bất động sản đã chạm đáy hay chưa?”, vị này nói.

Đặc biệt, nhà đầu tư băn khoăn về vấn đề lãi suất vay. Hiện nay, ngoại trừ 4 ngân hàng thương mại lớn có lãi suất vay áp dụng với khách hàng cá nhân ở mức khoảng 10 - 10,5% thì hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đang cho vay với lãi suất cao hơn.

“Do đó, rõ ràng nhà đầu tư mặc dù rất thèm mua bất động sản cũng phải cân nhắc. Vì các nhà đầu tư, cũng như các doanh nghiệp thôi, cũng đang phải bán cắt lỗ để tồn tại. Mặc gì đang thèm nhưng mọi người vẫn đang chờ nhau, chỉ cần có cái gì đó tích cực thị trường sẽ trở lại”, chuyên gia nhận định.

Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư bất động sản cá nhân, ông Quang cho rằng, nhà đầu tư nên mạnh dạn cắt lỗ những sản phẩm cần thiết cắt lỗ vì tiền mặt là quan trọng. Đồng thời, những nhà đầu tư có tiền mặt ở thời điểm này nếu tìm được sản phẩm ưng ý cũng nên xuống tiền.

(Nguồn: CafeF)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang