Sát Tết, xăng dầu lại nóng; Năng lượng tái tạo VN; Siết dịch vụ môi giới BĐS; Chỉ đạo 'không vùng cấm, không ngoại lệ'

SÁT TẾT, XĂNG DẦU LẠI 'NÓNG': BỘ TRƯỞNG CÔNG THƯƠNG RA CÔNG ĐIỆN KHẨN

(Ảnh minh hoạ).

Ngày 20/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành công điện khẩn gửi Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trưởng các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Công điện trích bản tin của báo chí nêu: 'Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở An Giang đóng cửa vì hết xăng', trong đó phản ánh việc nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn huyện An Phú, tỉnh An Giang đóng cửa vì hết xăng, người dân phải lấy can nhựa đi mua xăng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu; thực hiện trực 100% quân số lực lượng Quản lý thị trường (QLTT), tăng cường giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với hệ thống kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, cửa hàng bán lẻ; thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

'Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép thu hồi Giấy phép/Giấy xác nhận đủ điều kiện thuộc các trường hợp theo quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ', Công điện nêu rõ.

Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố thực hiện phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố kiểm tra việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, không để xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt xăng dầu cục bộ cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc và hệ thống phân phối của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; lập biên bản và tiến hành xử lý ngay khi có dấu hiệu vi phạm, gian lận thương mại trong kinh doanh.

Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT và Thủ trưởng Cục QLTT các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật trong việc chỉ đạo, tổ chức giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; thực hiện xử lý nghiêm các cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay hoặc bỏ qua cho các đối tượng, hành vi vi phạm.

4 ngày trước, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã có công văn về việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và bảo vệ người tiêu dùng trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu cục QLTT các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Cùng với đó, cục QLTT các tỉnh, thành phố cần tập trung phối hợp với sở công thương các tỉnh, thành phố kiểm tra việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc và hệ thống phân phối của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu; tăng cường việc giám sát, kiểm tra toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu ở tất cả loại hình; kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

(Nguồn: Tiin)

NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO VN: THỪA ĐIỆN GIÓ VÀ MẶT TRỜI, CHỈ CÒN 'CHỜ QUYẾT TÂM CỦA CHÍNH PHỦ' - BÀI 2

Các nhà máy điện mặt trời và các tua bin điện gió dọc bờ biển Ninh Thuận hứa hẹn sự bùng nổ năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Tiềm năng thì ngút ngàn, nhưng rào cản cũng vô số, khiến Việt Nam dù được đánh giá là dồi dào điện gió và mặt trời nhất khu vực châu Á vẫn chật vật chuyển mình sang năng lượng sạch.

Năm 2021, Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group) gửi thư cho Bộ Công thương Việt Nam đề nghị tiếp tục sử dụng toàn bộ công suất điện mà nhà máy sản xuất để giúp họ trang trải chi phí đầu tư và "tránh phá sản", theo Reuters. Do EVN chỉ mua 50% điện cho tập đoàn này sản xuất.

Tình trạng này không chỉ xảy ra với Trung Nam, mà được cho là với tất cả các nhà máy điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam hiện nay.

"Vấn đề lớn ở đây là không có đầu tư đầy đủ, toàn diện để nâng cấp lưới điện quốc gia. Và do đó tại nhiều địa phương, lưới điện quốc gia đơn giản là không thể tải được điện từ các nguồn năng lượng tái tạo mới vốn luôn biến đổi," bà Courtney Weatherby, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Stimson trụ sở tại Mỹ, nói với BBC News Tiếng Việt.

"Hệ thống điện lưới quốc gia được thiết kế để tải điện từ các nhà máy điện truyền thống và hiện không có sự linh hoạt để sử dụng tốt nhất nguồn năng lượng tái tạo được sản xuất," bà nói.

Chật vật làm điện tái tạo

Để tìm hiểu chi tiết hơn những khó khăn, thách thức mà các công ty điện gió và mặt trời tại Việt Nam đang đối mặt, BBC News Tiếng Việt đã liên hệ với một số doanh nghiệp tại Ninh Thuận nhưng không nhận được câu trả lời.

Khi chúng tôi gọi tới số điện thoại đăng trên website giới thiệu nhà máy điện mặt trời Sinenergy Ninh Thuận, một người đàn ông nghe máy nhưng cho hay đã nghỉ làm tại đó và nói không còn biết ai ở nhà máy nữa.

Liên hệ với nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn, câu hỏi của chúng tôi được phản hồi là 'hay', 'đúng trọng tâm', sau đó được chuyển cho bộ phận hành chính để 'chuyển cho lãnh đạo'. Nhưng sau đó không thấy hồi âm.

Một số doanh nghiệp khác khi gọi điện thoại đổ chuông nhưng không có người nhấc máy.

Trong khi đó, một bài viết trên Chinadialogue mới đây đăng phần trả lời ngắn của một số người làm việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, cho thấy phần nào khó khăn mà họ đang gặp phải.

Một người tên Tai Em nói: "Hệ thống lưới điện quốc gia đang quá tải."

"Đôi khi, nếu họ sản xuất 100 [megawatt] trong một ngày, họ chỉ có thể bán 50. Phần còn lại sẽ bị vứt bỏ."

"Đó là một sự lãng phí. Họ cần nâng cấp lưới điện quốc gia."

Tại trang trại gió Chính Thắng 50 MW ở miền nam Ninh Thuận, giám đốc nhà máy Phạm Minh Đức cho biết đôi khi họ cắt giảm tới 80% sản lượng.

"Điều đó phụ thuộc vào người điều phối từ EVN. Chúng tôi không có quy trình tính toán… Chúng tôi chỉ làm theo quy định."

"Quy định thay đổi đổi mỗi ngày."

Tại trang trại điện gió Adani Phước Minh, giám đốc nhà máy điện Đinh Văn Thắng cho hay nhà máy phải cắt giảm khoảng 20% sản lượng năng lượng mặt trời và 50% năng lượng gió mỗi tháng.

Làm ra thừa điện mà không bán được là nghịch lý của ngành năng lượng tái tạo non trẻ ở Việt Nam hiện nay.

Quyết tâm của chính phủ tới đâu?

Lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi tham nhũng," ông Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên của ISEAS tại Singapore được dẫn lời trên Chinadialogue nhận định.

Đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ John Kerry năm ngoái khi thăm Hà Nội đã phát biểu rằng tỷ lệ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo đã lắp đặt của Việt Nam quá thấp.

Theo số liệu của Global Energy Monitoring cung cấp cho BBC News Tiếng Việt, cho tới tháng 1/2023, Việt Nam được xếp vào danh sách 20 nước có tiềm năng điện gió và mặt trời lớn nhất, có có khả năng đóng góp lần lượt 2,37% và 1,2% điện gió vào tổng công suất điện gió và mặt trời toàn cầu.

Tuy nhiên tính đến hết năm 2022, điện gió và mặt trời mới chỉ chiếm gần 13% tổng công suất phát điện của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam dự kiến tăng công suất điện mặt trời và điện gió lên hơn 6 lần vào năm 2030 tăng thêm 30% vào 2050.

Vấn đề là Việt Nam sẽ làm thế nào để đạt được mục tiêu này.

Ông Hiệp nói rằng các nhà đầu tư ban đầu coi cơ chế giá điện tái tạo hào phóng của chính phủ Việt Nam là một cơ hội tốt để kiếm tiền, nên nhạy vào chạy giấy phép gấp rút để đáp ứng thời hạn.

Kết quả là công suất điện tái tạo tăng vọt và bị 'thừa', và giờ đây chính phủ Việt Nam không muốn phát triển các dự án mới nữa.

"Quy hoạch năng lượng tái tạo rất lộn xộn," ông Hiệp nói.

Trên Diễn đàn Năng lượng Tái tạo Việt Nam, ý kiến từ những doanh nghiệp và cá nhân bàn bạc rất sôi nổi về các khó khăn, vướng mắc và cơ hội cho ngành này tại Việt Nam.

Một ý kiến cho rằng với tiềm năng hiện tại, mọi vướng mắc đều có thể giải quyết, vấn đề là quyết tâm của chính phủ tới đâu.

Giải pháp?

Nâng cấp lưới điện quốc gia là ý kiến của ông Shradhey Prasad, Giám đốc Dự án Global Wind Power Tracker của Global Energy Mornitoring khi trao đổi với BBC:

"Với 12 GW năng lượng mặt trời quy mô lớn và 82 GW điện công suất gió đã công bố hoặc đang trong các giai đoạn phát triển khác nhau, Việt Nam nên ưu tiên bổ sung khả năng truyền tải và lưu trữ để phù hợp với cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo sắp tới của mình, đồng thời duy trì sự độc lập về năng lượng và giảm thiểu biến động giá quốc tế của nhiên liệu hóa thạch,"

Trong khi để đối phó với tình trạng quá tải lưới điện và sự thất thường của điện tái tạo, bà Courtney Weatherby từ Trung tâm Stimson nêu giải pháp với BBC:

"Có một số thay đổi mà lưới điện quốc gia có thể thực hiện để tải được nguồn điện tái tạo.

"Ví dụ, tìm cách tăng độ linh hoạt của hệ thống điện lưới quốc gia và có sự phối hợp để giảm lượng điện từ nguồn truyền thống như than hay gas khi có dồi dào điện từ mặt trời, sau đó lại tăng điện từ nguồn truyền thống khi nguồn điện từ mặt trời và gió giảm.

"Theo dõi các thông số hoạt động và thời tiết - và áp dụng các kiến thức này vào kế hoạch truyền tải lưới điện - có thể giúp giải quyết vấn đề."

Về cơ chế chính sách, đã có nhiều ý kiến tư vấn từ các chuyên gia năng lượng về việc Việt Nam cần:

Xây dựng một Ủy ban liên bộ, ngành để hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc trong các quy trình cấp phép đầu tư, khảo sát thăm dò và xây dựng dự án.

Xây dựng quy hoạch phát triển lưới điện quốc gia và các quy định về giá mua, bán điện, đấu thầu... hợp lý

Xây dựng quy hoạch phát triển điện quốc gia và quy hoạch không gian biển

Xây dựng các văn bản pháp luật hướng dẫn phát triển điện gió ngoài khơi, điện mặt trời...

Có cơ chế cấp phép đơn giản, cơ chế giá mang tính khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư...

Năng lượng tái tạo Việt Nam qua các con số

Theo số liệu mới nhất của Global Energy Mornitoring cung cấp cho BBC News Tiếng Việt, hiện Việt Nam có:

147 nhà máy điện mặt trời đang vận hành. công suất 12300 MW

19 nhà máy điện đang xây dựng

79 trang trại điện gió đang vận hành,, công suất 4.646 MW

39 trang trại điện gió đang xây dựng

Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.200 km, chưa kể quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các tiểu hải đảo. được đánh giá là một lợi thế về nguồn tài nguyên năng lượng.

Theo số liệu đánh giá tiềm năng (về lý thuyết - kỹ thuật) của Ngân hàng Thế giới, công suất điện gió ngoài khơi của Việt Nam khoảng 475 GW. Trong một số nghiên cứu của tổ chức khác, tiềm năng gió ngoài khơi Việt Nam có thể đạt đến hơn 900 GW, tập trung chủ yếu vùng Trung bộ, Nam Trung bộ và một phần duyên hải Bắc bộ.

(Nguồn: BBC)

“SIẾT CHẶT” DỊCH VỤ MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN

(Ảnh minh hoạ).

Dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi trên cả nước. Tại dự thảo Luật lần này, nhiều chính sách mới được đề xuất để kiểm soát, “siết chặt” hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, sẽ không còn hiện tượng “thổi giá”, “sốt ảo” làm nhiễu loạn thị trường như trước.

Thừa về số lượng, thiếu về chất lượng

Hiện nay, tại nhiều nước trên thế giới và Việt Nam, các giao dịch BĐS đều thông qua dịch vụ môi giới. Đây là loại hình dịch vụ có vai trò rất quan trọng đối với thị trường, góp phần thúc đẩy sản phẩm nhà ở đến tay người dân. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định rằng, nguồn nhân lực cho hoạt động này đang thừa về số lượng nhưng thiếu về chất lượng.

Thống kê cho thấy, số người hoạt động môi giới BĐS có chứng chỉ hành nghề chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Riêng đội ngũ môi giới ở Hà Nội chỉ khoảng 50% là hoạt động chuyên nghiệp, hoạt động thường xuyên tại các sàn giao dịch, còn lại là nghiệp dư "tay ngang" chuyển nghề khi thị trường BĐS tăng nóng.

Hằng năm, trung bình cả thị trường sơ cấp và thứ cấp có trên 100 nghìn giao dịch. Tại một số địa phương, có tháng tới vài ngàn giao dịch và đội ngũ môi giới đóng vai trò quan trọng giúp giao dịch BĐS diễn ra.

Rà soát tại các địa phương cho thấy, hiện tượng khá phổ biến mà nhiều người dân khi mua nhà, đất gặp phải là chiêu trò "treo đầu dê, bán thịt chó". Nếu không môi giới thành công thì các đối tượng “chụp giật” này sẽ lấy thông tin của khách hàng (tên, số điện thoại, địa chỉ,...) để thêm vào tệp danh sách khách hàng, sau đó mua đi bán lại hoặc liên tục quảng cáo, gọi điện, nhắn tin gây phiền toái. Một bộ phận môi giới BĐS còn có hành vi găm đất, "thổi giá" tạo "sốt ảo", gây lũng đoạn thị trường, nhiều môi giới còn trực tiếp hoặc tiếp tay cho chủ đầu tư, lừa đảo khách hàng.

Bộ Xây dựng trong quá trình tổng kết, đánh giá đã chỉ ra một số quy định pháp luật về quản lý hoạt động này còn khá lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS có cơ hội “lách luật”.

Chính sách hiện hành tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh BĐS không lành mạnh, thiếu minh bạch. Không nâng cao, phát huy hết vai trò, chức năng của đội ngũ môi giới. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân môi giới làm lũng đoạn thị trường, tạo cơn “sốt ảo” để kiếm lợi, gây mất ổn định kinh tế - xã hội. Đồng thời, các chủ thể trên có cơ hội trốn thuế, gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Luật Kinh doanh BĐS hiện hành đưa ra các quy định, điều kiện để được hoạt động, được thi sát hạch trình độ, cũng như về kỹ năng môi giới BĐS quá dễ dàng. Chính điều này góp phần tạo ra đội ngũ môi giới yếu về chuyên môn, thiếu hiểu biết pháp luật, chưa có tính chuyên nghiệp cao.

Các cá nhân chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện có chứng chỉ hành nghề và đăng ký nộp thuế là có thể thực hiện dịch vụ môi giới BĐS. Pháp luật hiện hành chưa bắt buộc các cá nhân này phải báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về các hoạt động. Đội ngũ này tự do hành nghề kinh doanh ở bất kỳ đâu; hoặc là ăn theo các sàn giao dịch BĐS để lấy thông tin, làm cộng tác viên, môi giới thứ cấp; hoặc tự khai thác nguồn thông tin sản phẩm có nhu cầu bán và chủ yếu là nhà, đất ở có sẵn để môi giới cho khách hàng có nhu cầu mua.

Bộ Xây dựng cho rằng, với chính sách như hiện nay sẽ tiếp tục tạo ra một đội ngũ môi giới thiếu kiến thức căn bản về nghề, kém về đạo đức, yếu về chuyên môn, nặng tính “chụp giật”, không có trách nhiệm khi tư vấn cho khách hàng, chỉ vì mục đích kiếm lời, do vậy dễ gây thiệt hại cho người dân, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài. Mặt khác, chế tài xử phạt hiện nay chưa tương xứng với hậu quả có thể xảy ra, do vậy không hạn chế được các hành vi vi phạm, dẫn đến gây mất niềm tin trong Nhân dân.

Cần lành mạnh hoạt động môi giới BĐS

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho rằng, Nhà nước hiện nay chưa có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà môi giới BĐS tham gia sâu hơn vào giao dịch BĐS, hoặc ràng buộc bằng, cơ chế pháp lý buộc giao dịch phải có sự tham gia của nhà môi giới; đồng thời, công tác đào tạo, kiểm tra, khung chương trình đào tạo chứng chỉ môi giới BĐS còn lạc hậu.

Theo Bộ Xây dựng, quá trình dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), nhiều nội dung mới được đề xuất, nhằm khắc phục triệt để những bất cập, hạn chế như trên. Đó là sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh dịch vụ BĐS để tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động môi giới, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân và hạn chế phát sinh các thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết: Dự thảo Luật lần này đã sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS. Việc các cá nhân hành nghề môi giới BĐS sẽ phải đăng ký, tham gia hoạt động để có tổ chức quản lý (hoạt động theo doanh nghiệp, văn phòng, hội...).

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung quy định việc các tổ chức, cá nhân trong nước hay nước ngoài hành nghề môi giới BĐS tại Việt Nam buộc phải cung cấp, đăng tải thông tin công khai để phục vụ công tác theo dõi, quản lý.

Điểm mới của dự thảo Luật cho thấy, việc bổ sung quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể, chi tiết đối với các đối tượng kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS. Các tổ chức, cá nhân này sẽ có chế độ báo cáo, cung cấp thông tin định kỳ, thường xuyên.

Ngoài ra, sẽ quy định chặt chẽ về hồ sơ, trình tự thủ tục, thẩm quyền thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, siết chặt quản lý đầu vào của dịch vụ kinh doanh đặc biệt này.

Theo Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật hiện hành về kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS sẽ tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, tính minh bạch cao. Phát huy được hết vai trò, chức năng của đội ngũ môi giới, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của các môi giới viên.

Cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm soát tốt được thị trường, khắc phục được hiện tượng “sốt ảo”, “bóng bóng” BĐS do các môi giới yếu kém gây ra. Đặc biệt, tránh thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

Đồng thời, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ môi giới BĐS. Nâng cao trách nhiệm của đội ngũ môi giới, đảm bảo quyền lợi của người dân khi tham gia thị trường, hạn chế tình trạng khiếu kiện gây mất trật tự an ninh xã hội.

Nhiều chuyên gia nhận định, chính sách đề xuất trong dự thảo Luật lần này đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hoạt động của lĩnh vực kinh doanh dịch vụ BĐS.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đến lúc cần quy hoạch lại hoạt đông môi giới BĐS một cách bài bản, nghiêm túc. Việc loại hình kinh doanh dịch vụ này phải đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Hệ thống pháp luật liên quan cũng cần được quy định rõ ràng, cụ thể, minh bạch, đặc biệt trong việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới và đăng ký kinh doanh.

Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) với nhiều quy định mới sẽ tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thực hiện môi giới BĐS được chuyên nghiệp, chất lượng tư vấn được nâng cao. Đồng thời, xây dựng cơ chế thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và DN.

Xu hướng các hoạt động giao dịch BĐS dần được số hóa, đòi hỏi cá nhân môi giới phải được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản, để tiếp cận thông tin tốt hơn, sử dụng công nghệ mới, đưa ra những tư vấn chính xác hơn.

Trong thời gian tới đây, khi Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) được thông qua sẽ là pháp lý quan trọng để hướng đến kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS chuyên nghiệp hơn, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững.

(Nguồn: Báo Xây Dựng)

CHỈ ĐẠO 'KHÔNG VÙNG CẤM, KHÔNG NGOẠI LỆ' NHÌN TỪ NHỮNG PHIÊN XỬ ÁN LỚN NĂM 2022

Năm 2022, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế và các cựu Bí thư, Chủ tịch tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… đã phải nhận án tù, thể hiện việc xử lý nghiêm những vụ án lớn theo chỉ đạo của Tổng Bí thư là không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Trong năm 2022, TAND TP Hà Nội, đã giải quyết được 34.807 vụ việc các loại, tăng 7.294 vụ việc so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi đã được TAND TP Hà Nội phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng khẩn trương nghiên cứu hồ sơ và đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.

1. Vụ án đầu tiên phải kể đến là vụ AIC. Trong vụ án này, Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 35 bị cáo khác, trong đó có ông Trần Đình Thành (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), Đinh Quốc Thái (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) bị đưa ra xét xử các tội Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa hối lộ và Nhận hối lộ.

Theo đại diện VKS, vụ án này là một minh họa điển hình cho lợi ích nhóm, sự cấu kết của doanh nghiệp với người có thẩm quyền, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, xâm hại đến tính đúng đắn của cơ quan Nhà nước, làm suy giảm lòng tin của nhân dân.

Bản án sơ thẩm cho rằng, trong vụ án này, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn có vai trò chủ mưu cầm đầu, chịu trách nhiệm chính về các sai phạm xảy ra tại Công ty AIC. Chủ tịch AIC dù đang bỏ trốn đã phải nhận án 30 năm tù cho cả hai tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.

Các ông Trần Đình Thành và Đinh Quốc Thái lần lượt nhận án 11 và 9 năm tù vì cùng nhận hối lộ hơn 14 tỷ đồng từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và thuộc cấp.

2. Năm 2022, cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải ra hầu tòa phúc thẩm ở vụ án thứ 3 vì liên quan đến sai phạm trong mua bán chế phẩm Redoxy-3C.

Theo bản án sơ thẩm, năm 2016, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác xử lý, cải tạo, khắc phục ô nhiễm nước các sông, hồ trên địa bàn thành phố bằng cách tìm kiếm các công nghệ tiên tiến phù hợp.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung đã lựa chọn công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Công ty Watch Water (Đức), tổ chức đoàn tham quan, thử nghiệm, đặt hàng sản xuất ra chế phẩm Redoxy-3C.

Sau đó, ông Chung chỉ đạo việc mua chế phẩm Redoxy-3C thông qua Công ty Arktic (công ty trung gian) là công ty gia đình, với động cơ vụ lợi, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước với tổng giá trị thiệt hại hơn 36 tỷ đồng.

Chiều 22/6/2022, TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định giảm án tù cho cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Theo đó, ông Nguyễn Đức Chung nhận 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trước đó, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Chung mức án 8 năm tù.

3. Liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long, tháng 11/2022 TAND TP Hà Nội tuyên phạt cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang 30 tháng tù treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Cáo trạng cho rằng, ông Cao Minh Quang được giao nhiệm vụ chỉ đạo, định kỳ kiểm tra, đánh giá, tổng hợp tình hình mua, bảo quản, sử dụng thuốc Tamiflu, nguyên liệu Oseltamivir và sản xuất thuốc dự trữ.

Nhưng cựu Thứ trưởng Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, không chỉ đạo kiểm tra để làm rõ số tiền hơn 3,8 triệu USD Công ty CPDP Cửu Long chưa thanh toán cho nhà cung cấp nguyên liệu nên không phát hiện được Công ty CPDP Cửu Long đã giữ lại số tiền này, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

4. Cũng trong năm 2022, một Thứ trưởng khác của Bộ Y tế là ông Trương Quốc Cường cũng bị đưa ra xét xử vì liên quan đến vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada.

Theo nhận định của HĐXX, bị cáo Trương Quốc Cường đã thực hiện không đúng, không đầy đủ nhiệm vụ được giao, đã đồng ý cấp phép thuốc trong khi số thuốc này chưa đủ điều kiện được cấp phép. Sau đó, dù nhận được thông tin về số thuốc không đủ điều kiện được cấp phép nhưng bị cáo không chỉ đạo thu hồi, dẫn đến hậu quả số thuốc không rõ nguồn gốc được dùng cho người bệnh.

Chiều 19/5/2022, TAND TP Hà Nội tuyên phạt cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường mức án 4 năm tù vì tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cuối tháng 9/2022, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ tội của ông Trương Quốc Cường, giảm cho bị cáo 1 năm tù.

5. Ngày 30/8/2022, TAND TP Hà Nội tuyên án vụ sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai xảy ra tại tỉnh Bình Dương. Theo đó, ông Trần Văn Nam (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương) và Trần Thanh Liêm (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) đều nhận 7 năm tù vì cùng tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Đến cuối tháng 12/2022, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định chấp nhận kháng cáo của ông Trần Thanh Liêm, giảm cho bị cáo 1 năm tù.

Theo cáo buộc, Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, do Tỉnh ủy Bình Dương là chủ sở hữu. Tất cả tài sản của Tổng Công ty được giao quản lý, sử dụng đều thuộc sở hữu Nhà nước.

Ông Trần Văn Nam và ông Trần Thanh Liêm cùng các bị cáo chịu trách nhiệm chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý vốn, tài sản của Nhà nước tại Tổng công ty này nhưng đã chỉ đạo, cố ý làm trái các quy định của pháp luật về quản lý vốn, tài sản, gây thất thoát đặc biệt lớn cho Nhà nước.

Theo đại diện tỉnh Bình Dương, vụ án này là bài học lớn, đắt giá và rất đau xót cho chính bản thân các bị cáo và sẽ có ý nghĩa răn đe, cảnh tỉnh cho các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên tỉnh nhà.

6. Cuối tháng 1/2022, TAND TP Hà Nội tuyên phạt cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh mức án 5 năm tù vì tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Quá trình triển khai thực hiện đề án, ký hợp đồng liên danh, liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai, ông Quốc Anh cùng các bị cáo khác đã lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để thực hiện không đúng các quy định của pháp luật. Việc này nhằm mang lại lợi nhuận cho tập thể và cá nhân ông Quốc Anh hơn 331 triệu đồng.

Trong năm 2022, từ cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, đến cựu Bí thư, Chủ tịch tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… đều đã phải nhận án tù vì những sai phạm đã gây ra. Điều này thể hiện việc xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, cố ý làm trái theo chỉ đạo của Tổng Bí thư là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.

(Nguồn: Vietnamnet)

(Xem thêm:

=> Chống tiêu cực quản lý suất bay; TP.HCM & 'cơn lốc' đô thị hóa; Sai phạm ở KDL Tam Chúc; Siêu dự án 5.300 tỷ về tay ai? ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang