Chống tiêu cực quản lý suất bay; TP.HCM & 'cơn lốc' đô thị hóa; Sai phạm ở KDL Tam Chúc; Siêu dự án 5.300 tỷ về tay ai?

VIỆT NAM YÊU CẦU CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TRONG QUẢN LÝ SUẤT BAY

(Ảnh minh hoạ).

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Việt Nam vừa ra văn bản yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, quản lý chặt chẽ công tác điều phối giờ cất hạ cánh (suất bay, slot bay), sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính than phiền về tình trạng tiêu cực trong việc cấp slot bay tại các sân bay.

Trước đó, tại một hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Bộ GTVT, ông Phạm Minh Chính đặt câu hỏi vì sao có hãng hàng không được ưu tiên có nhiều giờ bay tốt, trong khi các hãng khác không được và đề nghị Bộ này phải phân chia bình đẳng.

Suất bay (slot bay) là khoảng thời gian mà Cục Hàng không Việt Nam phân bổ cho các hãng hàng không cất, hạ cánh các chuyến bay tại sân bay. Với số lượng slot bay vào khung giờ đẹp chỉ có hạn, đây luôn là mục tiêu cạnh tranh gay gắt giữa các hãng hàng không ở các sân bay có tần suất hoạt động cao như Nội Bài, Tân Sơn Nhất.

Việc sử dụng các slot bay tại Việt Nam hiện nay không đồng đều giữa các hãng hàng không nội địa. Trong giai đoạn từ ngày 5 - 11/1, có hãng chỉ sử dụng gần 85% số slot bay được cấp vào các khung giờ đẹp, hơn 15% số slot còn lại không được khai thác, theo VOV.

Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không phải điều phối slot chặt chẽ, và chấn chỉnh tình trạng chậm, hủy chuyến, thực hiện không đúng slot và xử lý nghiêm vi phạm.

Bộ này cũng yêu cầu Thanh tra Bộ tổ chức đoàn kiểm tra việc điều phối slot tại Cục Hàng không và cơ quan có liên quan rồi báo cáo kết quả.

(Nguồn: VOA)

TP HCM GIỮA "CƠN LỐC" ĐÔ THỊ HÓA

Đặc trưng văn hóa quan trọng của 325 năm lịch sử đô thị Sài Gòn - TP HCM là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa, một tổng thể “cơ cấu kiến trúc” Việt - Hoa - châu Âu mà vùng đất này đã sở hữu và lưu giữ được.

1.Khởi đầu và phát triển với 4 đặc trưng là một đô thị sông nước, một trung tâm kinh tế, một thành phố đa dạng tộc người và văn hóa, một đô thị sớm được quy hoạch hoàn chỉnh theo kiểu phương Tây, trải qua quá trình lịch sử, Sài Gòn - TP HCM luôn dung nạp và tiếp nhận tất cả yếu tố văn hóa có giá trị. Điều này thể hiện rõ ở các công trình kiến trúc xây dựng dưới những thể chế chính trị khác nhau. Chính vì vậy, mặc dù từ cuối thế kỷ XX, TP HCM bị cuốn vào cơn lốc đô thị hóa mạnh mẽ nhưng chúng ta vẫn có thể bắt gặp những nét cổ kính và truyền thống ngay trên những con đường rộng lớn, trong vô vàn hẻm phố, ven theo những con kinh rạch, từ trung tâm, khu vực nội thành ra vùng ngoại thành.

Hệ thống sông rạch làm nên cảnh quan "trên bến dưới thuyền" của Sài Gòn - TP HCM, một thời sôi động tấp nập ngược xuôi Sài Gòn - Chợ Lớn. Trên tuyến bến Vân Đồn - Bình Đông vẫn còn vài dãy nhà xưa một trệt một lầu là dấu ấn của phố chợ ven sông Bến Nghé. Mỗi năm, từ ngày rằm tháng chạp, đoạn bến Bình Đông trở thành chợ Tết "trên bến dưới thuyền".

Những khu nhà xưởng, nhà kho lớn kéo dài cả cây số là chứng tích của hệ thống bến cảng của nền kinh tế giao thương một thời sầm uất. Nhưng khi đi vào đến đường Bến Mễ Cốc (quận 8), ta lại ngỡ ngàng khi gặp một làng quê yên bình đến thế. Ven bờ, đám dừa nước rậm rạp, trên chiếc ghe nhỏ là bếp cà ràng đỏ lửa chiều, khói quẩn trên ngọn dừa cao cao in bóng xuống dòng kinh... Cây Cầu Mống hơn 100 tuổi ở ngay quận 1 gợi nhớ hệ thống cầu sắt rất độc đáo trên các kinh rạch của đô thị Sài Gòn xưa.

Khu vực trung tâm thành phố dày đặc các công trình kiến trúc kiểu châu Âu như công sở, thương mại dịch vụ, công trình văn hóa, gần đó là khu vực hàng trăm biệt thự. Cảnh quan trung tâm thành phố còn tương đối nguyên vẹn tạo nên "dấu ấn Sài Gòn" như: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, Nhà hát Thành phố, Ủy ban Nhân dân, chợ Bến Thành, Tòa án Nhân dân Thành phố... Ở bến Bạch Đằng là Cột cờ Thủ Ngữ, tòa nhà Bến Nhà Rồng, dấu tích vài cầu tàu còn lại của thương cảng Sài Gòn xưa. Có thể coi khu vực các con đường Lê Duẩn - Tôn Đức Thắng - Đồng Khởi - Nguyễn Huệ - Lê Lợi là nơi "lắng hồn" đô thị Sài Gòn - TP HCM.

Từ bùng binh chợ Bến Thành đi theo đường Trần Hưng Đạo sẽ thấy ngôi biệt thự Nguyễn Văn Hảo với 4 mặt tiền theo phong cách Art Deco thịnh hành hồi đầu thế kỷ XX, biểu tượng một thời vàng son của chủ nhân rạp hát Nguyễn Văn Hảo tọa lạc gần đó, một chứng tích của nghệ thuật sân khấu cải lương Sài Gòn thời kỳ thịnh đạt nhất. Biệt thự này đã xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn nổi bật bởi thiết kế hiện đại và vô cùng thanh lịch. May mắn hơn biệt thự Nguyễn Văn Hảo, nhiều biệt thự ở quận 1 và quận 3 đã được gìn giữ khá tốt, thậm chí được trùng tu với quy mô lớn.

Rải rác khắp thành phố là những "tháp nước" sừng sững nhưng duyên dáng dù bằng sắt thép hay bê-tông. Tháp nước cổ ở đường Võ Văn Tần được xây dựng đầu tiên vào năm 1878 có hình oval gồm 3 tầng, chiều cao khoảng 25 m. Kiến trúc mang đậm phong cách châu Âu, với các hàng cửa và lỗ thông gió thiết kế tinh xảo. Trải qua hơn 140 năm tuổi, tháp nước này và nhiều tháp khác đã được giữ lại, là bảo chứng cho lịch sử của ngành cấp nước.

2.

Sài Gòn - TP HCM là đô thị của sự đa dạng văn hóa. Sự hình thành đô thị này là quá trình tụ cư và hội nhập văn hóa nhanh chóng của nhiều tộc người, trong đó người Việt là chủ đạo. Minh chứng cho quá trình hòa nhập này chính là hệ thống di tích tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống, những công trình dân dụng của người Việt, người Hoa, người Chăm, người Khmer...

Công trình kiến trúc của người Việt có mặt khắp thành phố, tuy ở các quận ven và ngoại thành được bảo tồn bền vững hơn. Hầu hết được trùng tu vào khoảng cuối thế kỷ XIX hay trong thế kỷ XX nhưng nét kiến trúc Việt vẫn còn khá nguyên vẹn. Đó là hệ thống đình làng tồn tại giữa những khu dân cư vốn là những làng cổ, như đình Thông Tây Hội (quận Gò Vấp), đình Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), đình Chí Hòa (quận 10), đình Phong Phú (TP Thủ Đức)... Hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ với những danh lam nổi tiếng như chùa Tứ Ân, chùa Gò (Phụng Sơn Tự), chùa Giác Viên (quận 11), chùa Giác Lâm (quận Tân Bình), chùa Phước Tường, chùa Hội Sơn (TP Thủ Đức)...

Dấu ấn lịch sử còn là gần 500 ngôi mộ cổ khắp vùng đất Sài Gòn - Gia Định, là các ngôi đền thờ Đức Thánh Trần, lăng mộ Đức tả quân Lê Văn Duyệt, lăng mộ nhà bác học Trương Vĩnh Ký, mộ các danh thần Võ Tánh, Trương Minh Ký, Trương Tấn Bửu, khu mộ Bá hộ Xường, khu mộ cổ họ Lâm ở vườn Tao Đàn, khu mộ cổ Gò Quéo (TP Thủ Đức)... vẫn được nhiều người biết đến và viếng thăm.

Ở khắp TP HCM còn có hàng chục ngôi nhà cổ, nhiều nhất ở TP Thủ Đức và các quận, huyện như Bình Chánh, Nhà Bè, Bình Thạnh, Hóc Môn... Trong đó, phải kể đến ngôi nhà hơn 200 năm tuổi trong khuôn viên Tòa Tổng Giám mục Thành phố, được coi là ngôi nhà kiến trúc truyền thống bằng gỗ cổ xưa nhất. Hơn một thế kỷ trôi qua, những ngôi nhà cổ là nơi lưu giữ dấu ấn truyền thống của cộng đồng dân cư một cách bền vững, bên cạnh khu vực trung tâm được coi là đại diện cho cảnh quan kiến trúc đô thị phương Tây.

Quần thể di tích của người Hoa ở Chợ Lớn là không gian của một cộng đồng có lịch sử văn hóa và kiến trúc đặc trưng rất dễ nhận diện. Những kiến trúc cổ của người Hoa nổi tiếng là các hội quán hay chùa, như chùa Bà Thiên Hậu - Thiên Hậu miếu, bên cạnh là Tuệ Thành hội quán, miếu Nhị Phủ hay chùa Ông Bổn, hội quán Ôn Lăng còn được gọi là chùa Quan Âm, hội quán Phước An hay chùa Minh Hương, rồi đình Minh Hương Gia Thạnh... Đó là dấu ấn của người Hoa trên đất Đề Ngạn từ xưa tạo thành khu vực Chợ Lớn nhiều màu sắc, nhiều nét văn hóa đặc sắc và bền vững.

3.

TP HCM cũng như Hà Nội và nhiều đô thị khác, do áp lực của quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa nên việc cân bằng giữa yếu tố bảo tồn và phát triển đã, đang và sẽ là vấn đề nan giải cho các nhà quản lý đô thị, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tồn di sản kiến trúc. Sài Gòn - TP HCM với hơn 300 năm lịch sử chứa đựng một quỹ di sản kiến trúc khổng lồ và quý giá, phản ánh giai đoạn hình thành và phát triển đô thị trong không gian văn hóa Nam Bộ. Quá trình "hiện đại hóa" mạnh mẽ từ đầu những năm 2000 đến nay đã làm thay đổi diện mạo quy hoạch và kiến trúc ở khu vực trung tâm, đồng thời làm suy giảm và biến mất nhiều di sản văn hóa đô thị ở các quận, huyện của thành phố.

Bản sắc văn hóa đô thị phản ánh qua hệ thống di sản đô thị. Cộng đồng dân cư đã làm nên và duy trì bản sắc ấy dù phải trải qua nhiều biến cố suốt quá trình lịch sử. Nhờ vậy, Sài Gòn - TP HCM lưu giữ được những vẻ đẹp từ quá khứ, đó là cảnh quan và những công trình kiến trúc đã trở thành dấu ấn đặc biệt mỗi khi nhắc đến Sài Gòn - TP HCM, là những hoài niệm về Sài Gòn xưa của bao nhiêu thế hệ người Sài Gòn - TP HCM cũng như du khách có dịp đến đây.

Nhìn chung, đặc trưng văn hóa quan trọng của 325 năm lịch sử đô thị Sài Gòn - TP HCM là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa, một tổng thể "cơ cấu kiến trúc" Việt - Hoa - châu Âu mà vùng đất này đã sở hữu và lưu giữ được.

Sự ra đời và phát triển phong phú của sách, báo, trường học, của đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ, của các hoạt động và giao lưu văn hóa, văn học, nghệ thuật... đã tạo cho Sài Gòn - TP HCM một vị thế quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa đặc biệt của thành phố nói riêng và vùng đất Nam Bộ nói chung.

(Nguồn: Người Lao Động)

THANH TRA CHỈ RA HÀNG LOẠT VI PHẠM Ở KHU DU LỊCH TAM CHÚC

(Ảnh minh hoạ).

Theo kết luận vừa được Thanh tra Chính phủ ban hành, khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) vướng hàng loạt vi phạm liên quan đến quy hoạch, tư vấn khảo sát, lập dự án điều chỉnh bổ sung...

Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh Hà Nam (giai đoạn 2012 - 2018).

Nội dung kết luận trên nêu ra nhiều vi phạm liên quan đến Dự án khu du lịch Tam Chúc, đồng thời nêu rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Khu du lịch Tam Chúc thuộc thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Nam, dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2015. Đến thời điểm thanh tra, tỉnh Hà Nam chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng để xác định cơ cấu sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính là không đúng quy định tại khoản 3 Điều 108 Luật Đất đai năm 2013. UBND tỉnh Hà Nam đã giao một phần diện tích cho chủ đầu tư thực hiện dự án.

Theo cơ quan thanh tra, tồn tại trên thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh Hà Nam, Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan và chủ đầu tư dự án.

Cơ quan thanh tra còn kết luận, tại dự án hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc chưa có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018.

Bên cạnh đó, dự án hạ tầng kỹ thuật khu du lịch Tam Chúc (khi điều chỉnh năm 2012) không có ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nguồn và mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

Ngoài ra, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nam đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu gói tư vấn khảo sát, lập dự án điều chỉnh bổ sung không đúng thẩm quyền tại dự án hạ tầng kỹ thuật khu du lịch Tam Chúc.

Cũng tại dự án trên, UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt điều chỉnh hình thức hợp đồng từ trọn gói sang đơn giá điều chỉnh không đúng Nghị định 48/2010 của Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu cơ quan chức năng phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của khu du lịch Tam Chúc theo Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Tam Chúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018. Rà soát thiết kế các hạng mục công trình của dự án, đảm bảo theo đúng quy định.

Đối với hạng mục chỉnh trang lòng hồ Tam Chúc phải thực hiện rà soát, thanh toán, quyết toán theo đúng quy định của pháp luật phần đã thực hiện; đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa đối với phần chưa thực hiện (không thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước).

(Nguồn: Vietnamnet)

SIÊU DỰ ÁN KHU ĐÔ THỊ GẦN 5.300 TỶ ĐỒNG TẠI BÌNH ĐỊNH VỀ TAY AI?

Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung, Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Đông Đô (thuộc Bộ Quốc Phòng), Công ty TNHH Thương mại và Phát triển công nghệ Hoàng Thành được công nhận là nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án khu đô thị gần 5.300 tỷ đồng tại Bình Định.

UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư tham gia đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị và du lịch An Quang, huyện Phù Cát. Theo kết quả này, Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung, Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Đông Đô (thuộc Bộ Quốc Phòng), Công ty TNHH Thương mại và Phát triển công nghệ Hoàng Thành là nhà đầu tư thực hiện dự án.

UBND tỉnh Bình Định giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung, Công ty CP Đầu tư Bất động sản Đông Đô - BQP, Công ty TNHH Thương mại và Phát Triển Công nghệ Hoàng Thành lập hồ sơ trình quyết định chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan.

Vào hồi đầu tháng 12/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định đã có thông báo mời các nhà đầu tư có năng lực đầu tư dự án Khu đô thị và du lịch An Quang.

Khu đô thị và du lịch An Quang được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 2551 ngày 12/8/2022; khu vực quy hoạch tại xã Cát Khánh, huyện Phù Cát với phía Bắc giáp Khu tái định cư An Quang; phía Nam giáp đường quy hoạch rộng 16m; phía Đông giáp Biển Đông; phía Tây giáp khu dân cư hiện trạng.

Khu đô thị và du lịch An Quang, huyện Phù Cát có diện tích 89,2 ha, gồm 2 tiểu khu. Trong đó, tiểu khu đô thị có diện tích 48,5ha và tiểu khu dich vụ du lịch có diện tích 40,69ha.

Theo quy hoạch được duyệt, Khu đô thị và du lịch An Quang có nhà ở liền kề gồm 1055 căn, nhà ở biệt thự 308 căn, nhà ở liền kề kết hợp thương mại dịch vụ 10 căn…

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.228 tỷ đồng, với tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án không quá 6 năm kể từ ngày hợp đồng thực hiện dự án có hiệu lực hoặc được công nhận làm Chủ đầu tư dự án.

(Nguồn: CafeF)

(Xem thêm:

=> Bệ phóng từ đại lộ; Những dự án thi công xuyên Tết; Thách thức chờ giao thông HN; Kỷ luật chủ tịch tỉnh Đồng Tháp ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang