Sạt lở bờ kè, 3 mẹ con tử vong; Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ phân dơi; Trận quyết đấu phòng vé

3 mẹ con tử vong trong vụ sạt lở bờ kè, 1 người bị thương

3 mẹ con được phát hiện tử vong trong vụ sạt lở bờ kè đá đặc biệt nghiêm trọng lúc rạng sáng 30-4.

Rạng sáng 30-4, bờ kè đá của một hộ dân ở phường Duyệt Trung (TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) bất ngờ sạt lở trúng một nhà, khiến 3 người tử vong, 1 người bị thương.

Vụ việc xảy ra lúc 2 giờ sáng 30-4. 3 mẹ con trong gia đình bị đất đá vùi lấp, tử vong, gồm: Trương Thị Ng. (SN 1994), Dương Yên Nh. (SN 2018), Dương Anh Đ. (SN 2019). Ngoài ra còn 1 nạn nhân bị thương là bà Trương Thị H. (SN 1958; chủ hộ).

Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã phong tỏa hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

Được biết, bờ kè nói trên là của một gia đình trú tại tổ 15, phường Tân Giang xây dựng. Công trình mới hoàn thành chưa lâu thì xảy ra tai nạn.

(Nguồn: Kenh14)

WCS nói về nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các virus trong phân dơi tại Việt Nam

Nghiên cứu mới do Wildlife Conservation Society (WCS) thực hiện đã xác định khu vực dơi trú ngụ và các điểm thu nhặt phân dơi đều ở rất gần với các trang trại chăn nuôi lợn là điểm nóng có nguy cơ làm lây truyền virus ở Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu được chia sẻ trên số mới nhất của tạp chí Viruses được coi là mang ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng và công tác bảo tồn động vật hoang dã.

Nghiên cứu được thực hiện tại năm địa phương ở Việt Nam gồm Quảng Ninh, Đồng Tháp, Đồng Nai, Sóc Trăng, và Lạng Sơn.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt về kết quả nghiên cứu, ông Stephen Sautner thuộc WCS cho biết:

"Nghiên cứu tại Việt Nam và các nghiên cứu tương tự trên thế giới khẳng định khả năng phát hiện virus ở dơi cao hơn so với các loài động vật có vú khác.

"Có khả năng là những loại virus này đã tiến hóa cùng với dơi nên chúng là một phần của hệ vi sinh vật tự nhiên của dơi.

"Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã xác nhận sự hiện diện của các loại virus corona và paramyxovirus khác nhau ở dơi tại Việt Nam, tại các địa điểm có sự tiếp xúc gần giữa dơi với người và gia súc.

"Bất kỳ nơi nào trên thế giới có sự tiếp xúc giữa dơi, con người và gia súc cũng như vật nuôi trong nhà, chúng ta phải hành động với sự hiểu biết rằng nguy cơ một trong những loại virus đó lây lan từ dơi sang người hoặc gia súc của họ là thực tế.

"Điều đó không có nghĩa là nó xảy ra mỗi khi tiếp xúc với dơi nhưng nguy cơ virus có thể truyền từ dơi sang người hoặc gia súc thông qua tiếp xúc gần là rất cao hoặc nghiêm trọng."

Ông Stephen cho biết rằng trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đặc biệt tìm kiếm virus từ các họ virus được biết đến với khả năng gây bệnh và dịch bệnh ở người - về cơ bản là virus có thể gây ra đại dịch nếu chúng lây sang người và thích nghi với khả năng lây truyền từ người sang người.

"Chúng tôi đã tìm kiếm virus cúm, paramyxovirus (như virus sởi), virus corona, filovirus (như virus Ebola) và flavivirus là họ virus gây sốt xuất huyết.

"Chúng tôi đã phát hiện RNA của virus corona và paramyxovirus trong phân dơi. Chúng tôi đã sử dụng các kỹ thuật phòng thí nghiệm PCR để phát hiện vật liệu di truyền từ virus corona và paramyxovirus.

"Sau đó, chúng tôi phải giải trình tự các sản phẩm PCR mà chúng tôi đã phát hiện để xác định loại virus đó là gì bằng cách sử dụng mã di truyền của nó".

Có virus Covid-19 trong phân dơi hay không?

Trước câu hỏi này, ông Stephen Sautner cho biết các nhà nghiên cứu đã tìm thấy virus thuộc nhóm virus corona bao gồm SARS-CoV2 (COVID-19) trong phân dơi.

Trong nghiên cứu ở Việt Nam, các nhà khoa học cũng tìm thấy beta coronavirus (một trong bốn chi của virus corona) trong phân dơi và chúng cũng đã được xác định trong phân dơi ở các khu vực khác của Châu Á.

Tuy vậy, ông Sautner cho biết thêm rằng loại virus SARS-COV2 chính xác gây ra COVID-19 ở người chưa được tìm thấy trong phân dơi nhưng họ hàng gần của virus đó đã được phát hiện ở loài dơi.

Làm gì để tránh lây nhiễm

Theo ông Stephen Sautner, mặc dù nông dân có thể không có đủ nguồn lực để mua và mặc các loại đồ bảo hộ mà chúng ta thường thấy trong bệnh viện nhưng họ có thể sử dụng khẩu trang vải để che mũi và miệng, rửa tay sau khi tiếp xúc với phân chim và cố gắng tránh tiếp xúc trực tiếp với dơi.

"Đó là tất cả những cách mà mọi người có thể tự bảo vệ mình trong những môi trường này.

"Nếu họ bị ốm và bị sốt, họ nên liên hệ với trung tâm y tế địa phương.

"Họ nên nói cho nhân viên trung tâm y tế biết rằng họ đã tiếp xúc với dơi để bác sĩ của họ biết rằng họ có thể có nguy cơ cao tiếp xúc với virus lưu hành ở dơi."

Vì sao nghiên cứu này quan trọng?

Theo WCS, nhóm nghiên cứu bao gồm các chuyên gia thuộc lĩnh vực thú y, sức khỏe cộng đồng và môi trường đã thu thập hơn 1,600 mẫu sinh phẩm từ động vật và từ người tại khu vực thu nhặt phân dơi, điểm trú ngụ tự nhiên của dơi và trang trại chăn nuôi lợn để tiến hành xét nghiệm sàng lọc với nhiều loại virus khác nhau, bao gồm virus corona, virus cúm, virus filo và một số họ virus khác.

Nghiên cứu đã tìm thấy nhiều chủng virus có trên dơi tại các khu vực có sự tiếp xúc giữa người và động vật, trong đó có virus corona. Loại virus này có mối liên hệ mật thiết về mặt di truyền với nguồn gốc của mầm bệnh gây bệnh trên lợn, có khả năng lây truyền virus giữa các trang trại chăn nuôi lợn.

Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn chưa xác định được chính xác khả năng lây lan dịch bệnh giữa các loài động vật bởi vẫn chưa đánh giá được đầy đủ các đặc tính và khả năng "vượt rào" của các loại virus này để có thể lây truyền giữa các loài khác nhau.

Các mẫu sinh phẩm thu thập trên người cũng được tiến hành xét nghiệm để tìm kháng thể với 8 nhóm virus. Với số lượng mẫu nhỏ nên các xét nghiệm chưa phát hiện được bất cứ virus nào từ dơi đang lưu hành trong cộng đồng người dân sống gần hang dơi và nơi thu nhặt phân dơi.

Nhưng khi tiến hành một số các xét nghiệm khác, kết quả xét nghiệm lại cho thấy có thể một số người dân sống tại các khu vực kể trên đã từng tiếp xúc với virus Marburg, virus sốt xuất huyết Crimean-Congo và một số virus khác.

Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia, Tổ chức WCS - Chương trình Việt Nam, đồng tác giả của bài nghiên cứu cho biết:

"Nghiên cứu này cho thấy những nguy cơ của hoạt động thu nhặt phân dơi tới sức khỏe cộng đồng, và nguy cơ lây lan virus từ động vật hoang dã sang động vật nuôi thông thường và cuối cùng là sang con người.

"Việc tiến hành giám sát và phát hiện sớm các điểm nóng lây truyền virus là chìa khóa để ngăn chặn các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai."

Nghiên cứu này là một trong những nỗ lực đầu tiên nhằm triển khai giám sát Một Sức Khỏe tại Việt Nam - quốc gia nằm trong khu vực được coi là một trong những điểm nóng toàn cầu về các bệnh truyền nhiễm mới nổi.

(Nguồn: BBC)

Thu Trang - Thái Hòa trong trận quyết đấu phòng vé với Lý Hải

"Con Nhót mót chồng" có điểm mạnh về diễn xuất nhưng gặp hạn chế về kịch bản và chất điện ảnh. Phim cũng phải đụng độ với đối thủ mạnh ngoài phòng vé là "Lật mặt 6" của Lý Hải.

Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung bộ phim

Lấy cảm hứng từ web-drama Chuyện xóm tui, Con Nhót mót chồng là bản điện ảnh được phát triển bởi đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Với khán giả Việt, anh không còn là một cái tên xa lạ khi từng làm nên thành công của loạt dự án như Nụ hôn thần chết, Hot boy nổi loạn, Bố già hay gần đây nhất là Chị chị em em 2,... Lần này, nam đạo diễn chọn cách an toàn khi khai thác câu chuyện tình cảm gia đình.

Mâu thuẫn hai thế hệ trong một gia đình

Đúng như tựa đề, Con Nhót mót chồng kể lại câu chuyện giản đơn về cô gái dù 39 tuổi nhưng chưa kết hôn.

Chuyện phim xoay quanh nhân vật Nhót (Thu Trang thủ vai), là con gái của ông Xỉn (Thái Hòa). Hai cha con chung sống trong căn nhà lụp xụp thuộc khu xóm nhỏ, vắng bóng người mẹ qua đời vì tai nạn đã lâu. Vì không có công ăn việc làm ổn định, Nhót hành nghề móc túi, ăn cắp vặt. Còn ông Xỉn đắm chìm trong men rượu ngày này qua tháng khác.

Rồi một hôm, người cha trong cơn say chợt nhận ra con gái đã quá tuổi lấy chồng. Ông Xỉn chạy vạy tìm mối cho con. Nhưng khốn nỗi, tiếng xấu đồn xa, chẳng ai dám kết hôn với Nhót chỉ vì thói trộm cắp.

Dựa trên web-drama khá có tiếng, Con Nhót mót chồng đứng trước nhiều thế khó, đặc biệt là việc loại bỏ các yếu tố dư thừa. Bởi, phiên bản điện ảnh cần có tính chắt lọc, hay chính xác hơn là một kịch bản xuyên suốt, cô đọng.

Vũ Ngọc Đãng lựa chọn thuật lại câu chuyện đơn giản bằng lối kể mộc mạc. Mô-típ tình cảm gia đình quen thuộc trên màn ảnh Việt thời gian gần đây lại một lần nữa được đạo diễn sử dụng. Vậy nên, không ngạc nhiên khi Con Nhót mót chồng mang lại trải nghiệm hao hao Bố già, hay kể cả là Nhà bà Nữ.

Nội dung tác phẩm xoay quanh mối liên kết giữa hai thế hệ trong một gia đình. Xuất phát điểm là hiểu lầm, là những giận hờn, cãi vã diễn ra ngày một căng thẳng. Sau mỗi lần như vậy, tình cảm giữa hai cha con lại có thêm một khoảng lặng.

Mỗi người đều giấu trong mình một nỗi niềm khó nói. Để rồi, cả hai không tìm được tiếng nói chung suốt ngần ấy năm. Ấy thế mà họ không thể sống thiếu nhau, ngoài mặt giận nhưng bên trong luôn lo lắng cho người còn lại.

Khi câu yêu thương trở nên khó nói

Tính nhân văn trong Con Nhót mót chồng được thể hiện ở việc không chĩa mũi dùi công kích vào bất cứ ai. Dù là người cha hay con gái đều có lúc “sống sai”, nhưng cả hai cũng có những điểm khiến mọi người cảm thấy thương hại.

Vào vai ông Xỉn, Thái Hòa hoàn toàn chinh phục được khán giả. Nhân vật của anh là một người cha đầy trăn trở trong mối quan hệ bất hòa với con gái. Ám ảnh với nỗi đau mất vợ, ông Xỉn mượn rượu giải sầu.

Với ông, cơn say là liều thuốc giải thoát khỏi nỗi đau, khỏi thực tại bế tắc không ai san sẻ.

Người cha ấy chỉ nhận ra con gái mình gần 40 tuổi nhưng chưa chồng trong cơn say. Suốt ngần ấy năm, ông Xỉn trong trí nhớ của Nhót chỉ biết đốt tiền vào những cuộc nhậu.

Cũng người cha ấy chạy vạy đủ đường tìm mối cho con gái, hay thậm chí “vứt bỏ sĩ diện” đi hiến tinh trùng cho bệnh viện để đổi mẫu thụ tinh. Dưới diễn xuất của Thái Hòa, người ta thấy những góc khuất khó nói đằng sau một người cha nhiều tâm sự.

Về phía Thu Trang, cô vừa vặn hóa thân thành “con Nhót” với nhiều xúc cảm phức tạp trộn lẫn cả hài và bi. Dù thường xuyên cãi vã, nhưng Nhót chưa từng có ý định rời xa cha. Kể cả khi giận dữ bỏ nhà ra đi, cô ngay trong đêm đó vẫn quyết định về nhà vì lo cho sức khỏe ông Xỉn.

Màn giao kèo “con lấy chồng, cha bỏ rượu” là một chi tiết khá thú vị trong tác phẩm. Nó vừa tạo ra liên kết, vừa thách thức sự đấu tranh để phát triển về mặt bản ngã của nhân vật.

Ở hồi sau câu chuyện, người xem được chứng kiến một một ông Xỉn không còn xỉn. Một con Nhót không móc túi mà chịu làm nghề cửu vạn.

Hay trên chiếc bàn thờ trong căn nhà lụp xụp của hai cha con không còn chai rượu uống dở, mà là một bình hoa cúc vàng.

Để rồi, mấy tiếng "tui thương ba" cất lên muộn màng sau ngần ấy thời gian gây được xúc động.

Tuy vậy, với khán giả theo dõi nhiều phim Việt, đặc biệt là phim truyền hình, cách xây dựng nội dung như phim của Vũ Ngọc Đãng đã cũ, rất phổ biến và không có nhiều bất ngờ với khán giả. Thực tế, đề tài gia đình đang phủ ngập màn ảnh truyền hình với nhiều câu chuyện đa dạng, thậm chí lấy nước mắt hơn.

Chất điện ảnh còn hạn chế

Dù kể câu chuyện không mới, song, Con Nhót mót chồng vẫn không tránh khỏi một vài những trừ đáng tiếc.

Đầu tiên là việc tiết tấu chưa thực sự ổn định xuyên suốt các hồi. Làm một bộ phim tâm lý gia đình, đạo diễn chọn cách dẫn dắt dông dài cũng không sai, nhưng lại chưa thực sự thành công trong việc khai thác các nút thắt cao trào.

Chẳng hạn, màn mưa đầu tiên trong phim được sử dụng làm bối cảnh cho sự đấu tranh bằng hành động của nhân vật. Tuy nhiên, nó lại bị cắt lửng khá đáng tiếc mà chưa được tận dụng triệt để.

Nếu cao trào được phát triển ngay từ sự kiện biến cố với Nhót trong đêm mưa, hành trình trưởng thành về suy nghĩ của nhân vật có lẽ sẽ thuyết phục hơn.

Sau khi "lên gân" ở giai đoạn đầu với những tranh cãi ồn ã đan cài những miếng hài, hồi ba của phim dịu lại khi phát triển câu chuyện mang tính chữa lành theo motif "sau cơn mưa trời lại sáng". Nó vẫn tạo được cảm xúc, nhưng chưa trọn vẹn vì cao trào hồi hai kém hiệu quả.

Ngoài ra, phim dễ chọc cười khán giả bằng những lời thoại tạo trend trên mạng xã hội khoảng thời gian gần đây như “chốt đơn”, “amazing good job” hay “phái phái, chảy nước miếng”,... Song, đặt trong bối cảnh được nói ra từ một con người tối ngày say xỉn, quanh quẩn bên bàn nhậu có vẻ như chưa thực sự hợp lý.

Cuối cùng, câu chuyện Con Nhót mót chồng dành gần hết thời lượng cho câu chuyện cha con và tình yêu của Nhót. Chính vì vậy, việc sử dụng nhiều archetype điển hình vô hình trung tạo ra cảm giác rập khuôn, sáo mòn.

Điển hình là tuyến nhân vật phụ gồm bộ ba Bồi - Đầm - Già không có quá nhiều tác dụng trong câu chuyện, chỉ đóng vai trò "quăng" miếng hài. Hồng Vân trong vai "quân sư tình yêu" có sự duyên dáng, nhưng không mấy đặc biệt vì có thể bắt gặp trong nhiều phim cùng thể loại khác.

Cá biệt, vai diễn Mạnh (Tiến Luật) - người yêu của Nhót - dù đóng vai trò quan trọng nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Câu chuyện của anh chưa chạm tới người xem, trong khi hành trình về một nhà với Nhót vẫn chưa thuyết phục, có chút sắp đặt.

Dẫu còn hạn chế về tính điện ảnh, Con Nhót mót chồng nhìn chung vẫn là một phim dễ xem, có cảm xúc. Đặc biệt, những màn tung hứng nhịp nhàng của Thái Hòa cùng Thu Trang trở thành điểm sáng trong câu chuyện về tình cảm gia đình.

(Nguồn: Zing News)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang