Phê duyệt quy hoạch điện 8; Đầu tư công tăng tốc; 'Cuộc chơi' NƠXH; Tàu Việt Nam, TQ đối đầu ở biển Đông

Phê duyệt quy hoạch điện 8: Ưu tiên điện khí, xuất khẩu điện tái tạo

(Ảnh minh họa).

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) phục vụ sản xuất điện. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%. Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050.

Quy hoạch điện VIII hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 (với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất). Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn, hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Bên cạnh đó, phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000-10.000 MW.

Quy hoạch đưa ra định hướng sẽ không xây dựng thêm nhiệt điện than sau năm 2030, từng bước trộn và chuyển sang nhiên liệu sinh khối, hoặc amoniac; ưu tiên phát triển điện khí và cũng định hướng chuyển dần sang đốt trộn nhiên liệu, tiến tới đốt hoàn toàn hydro, amoniac trong dài hạn và sau năm 2035 không phát triển nguồn điện LNG mới.

Đặc biệt, Quy hoạch đã đưa ra các phương án phụ tải và phương án phát triển nguồn khác nhau (có cân nhắc đến nhiều khía cạnh, quan điểm phát triển), cân bằng các loại nguồn; giảm truyền tải xa; tăng quy mô các nguồn điện mặt trời, gió, sinh khối và ưu tiên điện mặt trời tự sản, tự tiêu (không nối lưới).

Đến năm 2030, tỷ trọng nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn giảm từ gần 29% năm 2020 xuống 20,5% năm 2030. Điện sản xuất từ nguồn điện than giảm nhanh tỷ trọng, năm 2020 từ 46,5% xuống còn 34,8% vào năm 2030.

Trong khi đó, tỷ trọng nguồn điện khí tăng từ 10,2% (7,08GW) năm 2020 lên 21,8% (32GW) năm 2030. Đây là nguồn ít phát thải khí nhà kính hơn, đồng thời linh hoạt hỗ trợ tốt hơn cho nguồn năng lượng tái tạo. Điện sản xuất từ nguồn điện khí tăng tỷ trọng, năm 2020 từ 12,5% lên tới 25,5% vào năm 2030.

Các nguồn điện NLTT (bao gồm thủy điện, điện mặt trời, gió, sinh khối) tăng từ 38,2GW năm 2020 lên đến 73,78GW, nhất là các nguồn điện gió, mặt trời, sinh khối... tăng từ 17,4GW năm 2020 lên đến hơn 44,4GW năm 2030.

Tỷ trọng tổng các nguồn NLTT trong cơ cấu công suất chiếm tới 50,3% vào năm 2030, mặc dù tỷ trọng thủy điện giảm mạnh do tiềm năng còn ít (từ 30% giảm còn 20%). Điện sản xuất từ nguồn điện NLTT chiếm 36% vào năm 2030.

Quy hoạch điện VIII cũng xác định các phương án phát triển nguồn điện, phương án phát triển lưới điện, liên kết lưới điện với các nước trong khu vực, định hướng phát triển điện nông thôn, định hướng phát triển sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, và nhu cầu vốn đầu tư. Theo đó, giai đoạn 2021-2030 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD.

Định hướng giai đoạn 2031-2050 ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2-523,1 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4-511,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8-38,6 tỷ USD, sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo.

(Nguồn: Vietnamnet)

Đầu tư công tăng tốc: Sâu sát đến từng địa phương

Giải ngân hết 95% tổng vốn đầu tư công kỷ lục khoảng 700.000 tỉ đồng được giao trong năm 2023 là mục tiêu Chính phủ đặt ra, với kỳ vọng tạo động lực cho nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Đã có những chuyển động tích cực

Tính đến hết tháng 4, cả nước đã giải ngân được 110.633 tỉ đồng, dư địa vốn còn phải giải ngân từ nay đến hết năm 2023 còn hơn 555.000 tỉ đồng (nếu tính mục tiêu 95%). Như vậy, mỗi tháng còn lại trung bình phải giải ngân ít nhất gần 70.000 tỉ đồng. Đây thực sự là bài toán khó cần rất nhiều nỗ lực để hoàn thành.

Sốt ruột với kết quả giải ngân chậm năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, giữa tháng 3.2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định thành lập 5 tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành cả nước. 3 phó thủ tướng và 2 Bộ trưởng KH-ĐT và Tài chính trực tiếp làm trưởng đoàn đã liên tục có các cuộc làm việc thực tế với địa phương, nhận diện những điểm yếu cũng như đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Cuối tháng 4, làm việc với 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp là TP.HCM, Trà Vinh, An Giang, Vĩnh Long và Sóc Trăng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 1, đã chỉ rõ: Tại sao cùng một môi trường pháp lý, Chính phủ chỉ đạo công khai, minh bạch, công bằng, "không ưu ái" địa phương nào mà nơi giải ngân đầu tư công tốt, nơi lại không? Theo Phó thủ tướng, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng, "ở đâu người đứng đầu quan tâm nắm bắt tình hình, sát sao chỉ đạo, ở đó công việc được triển khai hiệu quả". Lãnh đạo UBND tỉnh cần trực tiếp phụ trách, đôn đốc triển khai các nhóm dự án cụ thể, nhất là các dự án, công trình trọng điểm.

Trong báo cáo gửi Quốc hội đầu tháng 5, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân toàn bộ vốn ngân sách năm 2023, Chính phủ sẽ tập trung nhiều giải pháp, như đẩy mạnh hoạt động 5 tổ công tác; có chế tài xử lý nghiêm khắc với các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Thực tế, sau những chuyến làm việc liên tục của các tổ công tác Chính phủ, đã có những chuyển biến khá tích cực từ nhiều địa phương. Đơn cử như Bến Tre, 4 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân của tỉnh này thuộc nhóm cao. Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng đã ký quyết định thành lập tổ công tác kiểm tra tình hình, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Quảng Ninh đạt tỷ lệ giải ngân 15,2% - mức bình quân chung cả nước, song theo đánh giá của Sở KH-ĐT tỉnh, tỷ lệ này vẫn chưa đạt kỳ vọng đề ra, ảnh hưởng đến chất lượng, tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh. UBND tỉnh đã yêu cầu rà soát lại tiến độ giải ngân từng đơn vị, địa phương, tháo gỡ các khó khăn cụ thể về thủ tục, đất đai, yêu cầu người đứng đầu phải chịu trách nhiệm giải trình…

Xốc lại tăng trưởng TP.HCM

Với đầu tàu tăng trưởng kinh tế cả nước là TP.HCM, tỷ lệ tăng trưởng ở mức rất thấp cũng như kết quả giải ngân chỉ đạt 4% trong 3 tháng đầu năm mang tính báo động. Năm 2022 tỷ lệ giải ngân của TP cũng chỉ đạt 71,3%, trong khi mục tiêu của TP.HCM trong cả năm 2022 và 2023 là giải ngân 95% trở lên.

Để gỡ khó cho đầu tư công, Thường vụ Thành ủy TP.HCM thành lập 13 tổ kiểm tra, đôn đốc 38 công trình, dự án trọng điểm. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP sẽ giao ban hằng tuần về công tác giải phóng mặt bằng cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ từng đầu việc, từng dự án.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đã yêu cầu từng sở, ngành, địa phương, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải rà soát lại công việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện tốt nhất chức trách, nhiệm vụ, quyết liệt để đưa TP sớm thoát khỏi tình trạng khó khăn. Đặc biệt, đối với nhóm công việc cần sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, ông Mãi yêu cầu các đơn vị chấm dứt việc chờ đợi nhau khi xin ý kiến.

Giữa tuần trước, UBND TP.HCM đã công bố kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) của TP năm 2022, cũng như kế hoạch cải thiện Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số PAPI của TP năm 2023. Đây cũng là năm đầu tiên TP tổ chức đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các sở, ban, ngành, địa phương. Các chỉ số này cũng phản ánh ý kiến, mong muốn của doanh nghiệp, là cơ sở cho các cơ quan đơn vị soi vào để có giải pháp nâng cao hiệu quả, cải thiện chất lượng phục vụ, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP.

"Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, là mệnh lệnh hành động của TP trong giai đoạn hiện nay để làm sao tạo sự chuyển biến trên thực tế, cải thiện không chỉ bằng các chỉ số do các tổ chức đánh giá mà bằng sự hài lòng thật sự của cộng đồng doanh nghiệp, người dân", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền (Trường đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM) nhận xét dù chưa ghi nhận quá nhiều chuyển biến nhưng phải công nhận đang có một bầu không khí khẩn trương, quyết liệt được triển khai xuyên suốt từ T.Ư tới địa phương, đặc biệt là TP.HCM. Theo ông Điền, dù còn nhiều ý kiến khác nhau, song thực tế cho thấy TP đang rất tích cực đề xuất gỡ vướng các chính sách.

Ông Điền cũng cho rằng, có nhiều nguyên nhân cơ bản biến chậm giải ngân vốn đầu tư công thành căn bệnh trầm kha suốt nhiều năm nay. Trong đó, yếu tố mang tính quyết định nhất là tình trạng lãnh đạo các cấp có tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm.

"Ngoài ra còn khó khăn do quy định quá chồng chéo, luật này "đá" luật kia. Đơn cử như TP.HCM được nhiều cơ chế đặc thù nhưng đến khi chi tiền lại vướng đủ luật, đứng máy toàn bộ. Hiện không có quy định nào liên thông từ đầu tới cuối nên trong quá trình phối hợp, các dự án thường xuyên vướng mắc và chậm trễ, không đủ điều kiện để giải ngân. Chưa kể, đầu tư công không thể phát huy kết quả lập tức mà phải có độ trễ khoảng 3 - 4 tháng để thấy được sự chuyển biến rõ rệt. Quan trọng là các cấp lãnh đạo đã đứng dậy, bộ máy đã bắt tay vào việc thì từng đầu việc sẽ được giải quyết, tạo hiệu quả trong tương lai", ông Điền kỳ vọng.

(Nguồn: Thanh Niên)

“Cuộc chơi” nhà ở xã hội trong các khu đô thị lớn vùng ven?

(Ảnh minh họa).

Dù là “cuộc chơi” không dễ nhưng với bệ đỡ là chính sách và động thái của các chủ đầu tư, NOXH đang có những bước tiến mới, kì vọng sẽ dẫn dắt thị trường bất động sản trong năm nay.

Gần đây, phân khúc NOXH ghi nhận chuyển biến mạnh mẽ về khía cạnh chính sách và động thái của các nhà phát triển. Cụ thể, nhiều chủ đầu tư gần đây công bố trọng tâm xây dựng năm nay hướng vào phân khúc căn hộ bình dân và NOXH, như Lê Thành, Địa ốc Hoàng Quân, NHO hay Nam Long. Trước đó, nhiều tập đoàn lớn như Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh, Sungroup, Bitexco, Him Lam cũng cam kết tham gia đầu tư 1,2 triệu căn NOXH, nhà ở cho công nhân trong Hội nghị thúc đẩy phát triển NOXH vào tháng 8/2022.

Tuy vậy, việc phát triển NOXH đến nay vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, nhất là tại Tp.HCM. Mà một trong những nguyên nhân là do thiếu quỹ đất để xây dựng loại hình nhà ở này.

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers nhấn mạnh nhận định nhà ở xã hội sẽ là một xu hướng tất yếu.

Theo ông David, với tốc độ đô thị hóa 41% mỗi năm và dự báo 50% dân số Việt Nam sẽ sống ở khu vực thành thị vào năm 2030, quá trình mở rộng, sáp nhập địa giới hành chính hoặc hình thành các đô thị vệ tinh mới là xu hướng phát triển tất yếu.

Điều này có nghĩa là các địa phương giáp đô thị lớn sẽ trở thành điểm đến mới để đầu tư và phát triển bất động sản nhà ở, trong đó có nhà ở vừa túi tiền, NOXH do quỹ đất còn dồi dào, có nhiều cơ chế và chính sách ưu đãi đầu tư; hạ tầng giao thông ngày càng được kết nối tốt hơn.

“Hãy hình dung thế này, quỹ đất lớn mở ra cơ hội phát triển dự án nhà ở đa dạng hơn và chi phí đầu tư hiệu quả hơn. Cụ thể, giá đất thấp giúp chi phí cấu thành trên 1m2 thấp hơn, thúc đẩy nhà phát triển xây dựng với số lượng lớn và bán với mức giá “mềm” hơn. Từ đó, người lao động có nhiều cơ hội tiếp cận và sở hữu nhà ở hơn. Ngoài ra, các giao dịch thứ cấp cũng có sức hấp thụ và lợi nhuận tốt hơn”, ông David Jackson nhấn mạnh.

Ghi nhận cho thấy, thời gian qua, các dự án NOXH phát triển trong các khu đô thị tỉnh lân cận Tp.HCM hấp thụ khá tốt. Chẳng hạn, dự án Ehome Southgate thuộc KĐT tích hợp Waterpoint 355ha của Nam Long Group tại Bến Lức, Long An liên tục “cháy hàng” ở các giai đoạn chào bán. Với mức giá từ 1.1 tỉ đồng/căn, sức mua đến từ nhu cầu ở thực. Do nằm trong khu đô thị, tiện ích nội khu hiện hữu nên mức độ quan tâm tốt. Đây cũng là đơn vị định hướng phát triển bất động sản bền vững, cho nhu cầu ở thực. Hầu hết các khu đô thị của Tập đoàn này đều phát triển dòng sản phẩm NOXH và có tỉ lệ tiêu thụ cao.

Hay một dự án khu đô thị gần 14ha tại Phan Thiết (Bình Thuận) bên cạnh dòng sản phẩm nhà phố, biệt thự thì gần 900 căn nhà NOXH giá từ 800- 1 tỉ đồng/căn tiêu thụ nhanh chóng khi tung ra thị trường.

Trong khi đó, tại Tp.HCM, suốt thời gian qua, việc phát triển NOXH vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, gặp nhiều khó khăn. Mà một trong những nguyên nhân là do thiếu quỹ đất để xây dựng loại hình nhà ở này.

Có thể thấy, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng trong giai đoạn 2015-2020, Tp.HCM mới thực hiện được 15.000 căn hộ thuộc chương trình nhà ở xã hội.

Từ năm 2018 đến nay, tình trạng lệch pha cung - cầu trong thị trường bất động sản tại Tp.HCM ngày càng rõ nét. Đặc biệt, từ năm 2020, sự thiếu hụt căn hộ bình dân tiếp tục kéo dài khi chỉ chiếm 1% tổng số nhà ở đưa ra thị trường. Đến năm 2021, trong tổng số 14.443 căn hộ bán ra đã không còn căn hộ bình dân mà có đến 10.404 căn hộ cao cấp, hạng sang, siêu sang (chiếm khoảng 74%), còn lại là nhà ở trung cấp (chiếm 26%).

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nhu cầu nhà ở xã hội của người dân trên địa bàn Tp.HCM trong giai đoạn 2011-2020 là khoảng 134.000 căn nhưng đến năm 2022 chỉ mới hoàn thành 14 dự án với khoảng 15.000 căn. Nghĩa là nhà ở xã hội chỉ mới đáp ứng được hơn 11% nhu cầu thực tế.

Trong khi đó, quy định dành 20% quỹ đất trong dự án thương mại để làm nhà ở xã hội còn nhiều bất cập. Quỹ đất 20% ở các quận trung tâm khác rất xa với khu ngoại thành nên không thể đánh đồng về giá trị. Bên cạnh đó, nhu cầu sống của người dân trong khu nhà ở xã hội cũng khác với người mua nhà ở thương mại.

Tp.HCM đã liên tục kêu gọi, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội. Song, thực tế là không mấy doanh nghiệp mặn mà với phân khúc này.

Trong khi đó, các dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 kết nối Tp.CM với các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ sẽ thúc đẩy những dự án nhà ở xã hội phát triển bởi việc kết nối thuận tiện. Các tuyến đường này là cơ hội để hiện thực hóa sở hữu nhà ở xã hội của người dân và cũng là điều kiện để giảm bớt áp lực cho vấn đề nhà ở xã hội trong khu vực.

Dự án Vành đai 3, Vành đai 4 kết nối Tp.HCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh... sẽ giúp khoảng cách di chuyển giữa các địa phương được thu hẹp. Nhà ở xã hội xây dựng ở các tỉnh lân cận sẽ được bán giá thấp hơn so với Tp.HCM.

Ngoài ra, các phương tiện vận chuyển tốc độ cao, nhanh chóng sẽ giúp người dân sinh sống ở trong vùng có thể đến Tp.HCM làm việc một cách thuận lợi. Khi khoảng cách không còn là vấn đề phải cân nhắc trong việc lựa chọn nơi cư trú thì việc chuyển nhà ở từ Tp.HCM ra các tỉnh trong vùng là xu hướng tất yếu.

Tp.HCM nên định hướng phát triển nhà ở xã hội không chỉ dựa trên quy hoạch giao thông mà còn phải dựa trên quy hoạch xây dựng để hình thành nên các khu đô thị vệ tinh phù hợp với quy hoạch xây dựng. Cụ thể, khi tuyến đường Vành đai 3 hoàn thiện có thể giúp hình thành các khu đô thị vệ tinh đã được xác định trong quy hoạch xây dựng Tp.HCM và quy hoạch vùng, như: Nhơn Trạch (Đồng Nai), TP Thuận An (Bình Dương), Tây Bắc Củ Chi (TP HCM), khu đô thị Đức Hòa, Đức Huệ (Long An)…

Hiện nay quỹ đất của Tp.HCM ngày càng hạn hẹp, trong khi đất đai ở các tỉnh lân cận còn khá nhiều. Chính vì vậy, liên kết vùng khi đường Vành đai 3 hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho Tp.HCM giải quyết bài toán thiếu đất làm nhà ở xã hội. Việc này phải được tính toán sớm, ngay từ khi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 được triển khai.

Khi Tp.HCM phát triển nhà ở xã hội dọc theo các đường vành đai sẽ bảo đảm khả năng kết nối tốt với các khu đô thị cũng như các tỉnh lân cận, qua đó làm tăng tính hấp dẫn của nhà ở xã hội với khách hàng. Như vậy, theo các chuyên gia, để khai thác quỹ đất làm nhà ở xã hội hiệu quả, cần phải làm tốt giao thông kết nối.

Theo ông David Jackson, tiềm năng là rất lớn, tuy nhiên vẫn có một số điểm cần cân nhắc kỹ. Việc hình thành một đô thị hoàn chỉnh với môi trường sống tiện nghi đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan, không chỉ từ chính lượng cư dân mà còn từ các đơn vị phát triển và chính quyền địa phương. Ở góc độ quy hoạch đô thị, thứ nhất, cần có thời gian và nhiều yếu tố khác để thu hút đủ lượng cư dân. Thứ hai, cần phát triển đồng bộ về an sinh xã hội, sinh kế (việc làm và phương tiện lao động) cho người dân để giữ chân họ.

(Nguồn: CafeF)

Tàu Việt Nam, Trung Quốc đối đầu ở Biển Đông; Philippines thả phao đánh dấu lãnh thổ

Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn các nguồn tin trên mạng xã hội hôm 14/5 cho rằng cuộc đối đầu mới nhất giữa các tàu Việt Nam và Trung Quốc trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông là do Hà Nội cố gắng mở rộng hoạt động khoan dầu trong khu vực.

Ngược lại, Dự án Đại sự ký Biển Đông hôm 15/5 kêu gọi mọi người "hãy thận trọng đừng để sập bẫy chiến tranh thông tin của Trung Quốc”.

Nhà chức trách Việt Nam chưa đưa ra quan điểm chính thức về vấn đề nêu trên, theo quan sát của VOA.

Tài khoản mạng xã hội Trung Quốc South China Sea Wave, một tài khoản chuyên về các báo cáo quân sự và nghiên cứu về khu vực, trong một bài đăng trên WeChat hôm 14/5 nói có hơn chục tàu đã tham gia vào vụ chạm trán, được cho là bắt nguồn từ một thông báo nội bộ trong chính quyền Việt Nam rằng sẽ mở rộng chương trình khoan tại Lô 05-1A gần Bãi Tư Chính trong tháng này.

Tài khoản này nói rằng chương trình mở rộng (nếu có) sẽ vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Tuyên bố mà Trung Quốc và các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã ký năm 2002 khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp và kêu gọi các bên tự kiềm chế.

Cho tới nay, cả hai nước đều chưa xác nhận các cuộc chạm trán. Điều này cho thấy cả hai bên đang cố gắng tránh leo thang hơn nữa, theo nhận định của SCMP.

Tài khoản South China Sea Wave cho biết thông báo của Việt Nam đã khiến Bắc Kinh triển khai tàu nghiên cứu Xiang Yang Hong (Hướng Dương Hồng) 10 đến khu vực, được hộ tống bởi 2 tàu hải cảnh Trung Quốc và ít nhất 7 tàu đánh cá từ các tỉnh Quảng Đông và Hải Nam của nước này. Việt Nam phản ứng bằng cách triển khai 7 tàu.

Bãi Tư Chính do Hà Nội kiểm soát, thuộc quần đảo Trường Sa, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đây là nơi diễn ra cuộc đối đầu trước đó giữa hai bên vào năm 2019. Tuy nhiên, khu vực này cũng nằm trong “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Nhà báo tự do Đặng Sơn Duân chuyên đưa tin về các vấn đề Biển Đông viết trên Twitter dẫn nguồn tin từ các nhà chức trách Việt Nam cho biết chiến dịch khoan mở rộng tại Lô 05-1A bắt đầu vào tháng 5 này, và đội tàu Trung Quốc đã tiếp cận giếng dầu DGN-4X vào ngày 10/5 sau khi một giàn khoan được kéo tới đó.

“Hành động khiêu khích này dường như nhằm gây sức ép buộc Việt Nam dừng chiến dịch khoan mới ở Lô 05-1A”, nhà báo người Việt viết.

Trên internet xuất hiện các ảnh chụp màn hình của hệ thống nhận dạng tự động hàng hải, theo dõi các tàu thuyền, cho thấy các tàu nối đuôi nhau và cố gắng cắt nhau trong khi vẫn giữ khoảng cách an toàn. VOA không thể kiểm chứng các hình ảnh này.

Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu, một sáng kiến của Đại học Stanford nghiên cứu chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông, cho biết các tàu Trung Quốc đã di chuyển về phía đông qua mỏ dầu của Việt Nam, với một tàu cảnh sát biển cố gắng “hai lần đột ngột cắt ngang” một tàu cảnh sát biển Việt Nam.

Hôm 15/5, nhóm có tôn chỉ “cung cấp tư liệu và một bức tranh tổng thể về diễn tiến tranh chấp Biển Đông” mang tên Dự án Đại sự ký Biển Đông đăng thông điệp trên Facebook nói rằng kế hoạch thăm dò mở rộng lô 05-1A cũng như kế hoạch phát triển mỏ Đại Hùng “không phải là thông tin gì nội bộ mới gần đây” như tờ báo có trụ sở ở Hong Kong đưa tin và gây ấn tượng Việt Nam làm điều gì đó lén lút.

“Đây đã là thông tin được đăng tải công khai và được biết đến rộng rãi từ năm ngoái”, theo Dự án Đại sự ký Biển Đông.

Nhóm này cho rằng “hoạt động dầu khí bình thường của Việt Nam ở mỏ Đại Hùng, nếu có chút vai trò nào, thì chỉ đóng vai trò như một cái cớ cho Trung Quốc triển khai hoạt động khảo sát trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam”.

Vẫn Dự án Đại sự ký Biển Đông chỉ ra rằng đây cũng không phải lần đầu tiên những tờ báo dẫn nguồn từ Trung Quốc “đưa những thông tin có xu hướng làm nhẹ tính nghiêm trọng của việc tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác hay đổ lỗi cho phía Việt Nam là bên kích động”.

Giữa lúc Việt Nam và Trung Quốc có căng thẳng mới, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) đã đặt 5 chiếc phao mang quốc kỳ của họ trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này nhằm “nêu bật quyết tâm kiên định của Philippines trong việc bảo vệ biên giới và tài nguyên trên biển của mình, đồng thời góp phần đảm bảo an toàn cho thương mại hàng hải”, AFP dẫn lời Phó Đề đốc Jay Tarriela, phát ngôn viên của Lực lượng Tuần duyên và cố vấn về an ninh hàng hải Philippines, cho biết trên Twitter.

Các nhà chức trách Philippines đã cố định các phao này từ ngày 10-12/5 tại 5 địa điểm trong khu vực 200 dặm, bao gồm Đá Ba Đầu, nơi hàng trăm tàu hải cảnh Trung Quốc được phát hiện vào năm 2021.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin GMA News của Philippines, Phó Đô đốc Lực lượng Tuần duyên Philippines, Joseph Coyme, cho biết Philippines sẽ trình kháng thư nếu quốc gia nước ngoài nào cố gắng phá bỏ bất kỳ chiếc nào trong số những phao của họ.

Ông Coyme cho biết thêm họ sẽ lắp đặt 6 phao nữa trong năm nay để liên tục khẳng định chủ quyền của mình.

Philippines trước đó đã lắp đặt các phao tại 4 hòn đảo của họ ở Biển Đông vào năm ngoái, bao gồm: Lawak (Vĩnh Viễn), Likas (Bến Lạc), Parola (Song Tử Đông) và Pag-asa (Thị Tứ).

(Nguồn: VOA)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang