Ôtô gây tai nạn liên hoàn; Khỉ xổng chuồng 'đại náo' khu dân cư; Hỏa hoạn, 3 người chết; Những phim tệ nhất 2022

XE Ô TÔ GÂY TAI NẠN LIÊN HOÀN TRONG ĐÊM KHIẾN NHIỀU NGƯỜI BỊ THƯƠNG

Đêm ngày 8/12, một vụ tai nạn giao thông liên hoàn đã xảy ra trên tuyến đường hướng từ Ngã Tư Sở đến Lê Văn Lương khiến 4 người bị thương. Lực lượng chức năng đang khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

Trước đó, theo người dân chứng kiến cho biết, đêm ngày 8/12, tại tuyến đường hướng đi Ngã Tư Sở - Lê Văn Lương, một xe ô tô nhãn hiệu Peugeot mang BKS 30G-766.xx đã đâm vào 4 người đi bộ qua đường, khiến 2 người bất tỉnh và 2 người bị thương nhẹ.

Chỉ huy đội CSGT số 7 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết vụ tai nạn xảy ra khoảng 23 giờ đêm ngày 8/12, đơn vị đã nắm được thông tin và đang tiến hành làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn giao thông.

(Nguồn: Kenh14)

KHỈ XỔNG CHUỒNG 'ĐẠI NÁO' KHU DÂN CƯ, TẤN CÔNG TRẺ NHỎ Ở THÁI BÌNH

(Ảnh minh hoạ).

Ngày 8/12, Chủ tịch UBND xã Tự Tân, huyện Vũ Thư (Thái Bình) xác nhận, chính quyền địa phương nhận được tin báo của người dân có tình trạng khỉ xuất hiện trên địa bàn xã thời gian gần đây.

"Theo như người dân trình báo thì khỉ xổng chuồng vào khu dân cư cắn chết chó, tấn công cả trẻ em... Người dân đã tổ chức vây bắt, nhưng không bắt được ...", ông Tạo nói.

Trên một số trang mạng xã hội những ngày vừa qua đăng tải thông tin tại các thôn Đông An và Nam Long, xã Tự Tân xuất hiện một con khỉ hoang khoảng 10kg rất hung dữ. Con khỉ này xuất hiện ở khu dân cư, vào nhà dân tấn công trẻ em gây xôn xao dư luận.

Anh Vũ Ngọc Tân (trú thôn Nam Long) cho biết: "Mấy ngày gần đây, khỉ thường xuyên xuất hiện tại các nhà trong thôn quấy phá. Có hôm nó vào nhà bố mẹ vợ tôi bắt gà, còn đánh chết một con chó của gia đình".

Theo một số người dân, con khỉ này rất khôn, liên tục phá phách nhưng khó bẫy, bắt. Có người dân còn nhét thuốc vào nải chuối để bẫy nhưng nó không ăn mà bẻ vứt đi. Khi có người phát hiện, con khỉ leo trèo lên nóc nhà để tẩu thoát.

Người dân cho biết, có trẻ nhỏ cũng đã bị con khỉ tấn công làm xây xước vùng da đầu, chảy máu...

Được biết, chính quyền xã Tự Tân đã báo cáo cơ quan chức năng và kiểm lâm, nhưng đến nay chưa có cách nào để bắt nhốt được con khỉ này.

(Nguồn: Vietnamnet)

ĐIỀU TRA VỤ HỎA HOẠN Ở HẢI PHÒNG KHIẾN 3 NGƯỜI TỬ VONG

Các đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hải Phòng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn nhà dân tại phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) khiến 3 người tử vong.

Tối 8/12, đại diện lãnh đạo UBND phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) cho biết, lực lượng chức năng đang tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn khiến 3 người tử vong, xảy ra tại căn nhà tạm trong ngõ 98 Khúc Thừa Dụ.

Trước đó, buổi trưa cùng ngày, người dân khu phố Khúc Thừa Dụ, thuộc phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) phát hiện ngọn lửa kèm theo cột khói đen bùng lên từ ngôi nhà tạm giữa cánh đồng.

Nhiều người dân địa phương tới hiện trường phát hiện cổng ngôi nhà tạm bị khóa, bên trong có người kêu cứu. Ngay sau đó, họ báo chính quyền địa phương và tìm cách phá cửa cứu người.

Tiếp nhận thông tin, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tới hiện trường, khống chế ngọn lửa, cứu được một người đàn ông ra khỏi đám cháy và đưa tới viện cấp cứu.

Tiếp tục kiểm tra hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có 3 người tử vong (gồm 2 nữ, 1 nam). Các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TP Hải Phòng đang phối hợp với Công an quận Lê Chân điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn.

(Nguồn: Kenh14)

NHỮNG PHIM VIỆT TỆ NHẤT NĂM 2022

(Ảnh minh hoạ).

Năm 2022 chứng kiến sự thất bát của thị trường điện ảnh Việt khi thiếu vắng bom tấn. Trong khi đó, hàng loạt dự án chất lượng thấp đua nhau ra rạp khiến khán giả ngao ngán.

1. Người lắng nghe (4/3) của đạo diễn Khoa Nguyễn ra mắt với lời quảng cáo hấp dẫn là phim Việt đầu tiên khai thác đề tài trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, suốt thời lượng 2 tiếng, tác phẩm khiến người xem đi từ cảm giác chán nản đến mệt mỏi vì kịch bản rối rắm cùng cách xử lý câu chuyện còn non tay. Chuyện phim theo chân một nhà văn liên tục bị ám ảnh bởi một ma nữ, trùng hợp là nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết của mình. Cô được chị gái đưa đến gặp bác sĩ tâm lý nổi tiếng, người đặc biệt hứng thú và quyết tâm trị liệu cho cô theo hướng điều tra như một thám tử. Cách kể chuyện tỏ ra lan man, rối rắm dù nhịp phim khá chậm. Những tình tiết lạc lõng, thiếu kết nối, xúc tác khiến khán giả cảm thấy chán nản xuyên suốt thời lượng diễn ra. Không những vậy, chuyển biến tâm lý nhiều khi hết sức phi logic, thể hiện sự non kém trong khâu phát triển nhân vật. Đa số nút thắt đều được giải quyết bằng lời thoại đậm chất “truyền hình”. Người lắng nghe thể hiện sự chới với giữa lằn ranh phim thương mại và phim art-house của vị đạo diễn trẻ. Phim thu về 2,2 tỷ đồng so với hơn 10 tỷ đồng kinh phí sản xuất.

2. Ê Ông Già, yêu ha! (15/4) xoay quanh nhân vật Minh Hà, hiện là một chuyên viên tâm lý và bác sĩ Kha, một bác sĩ tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần. Qua những lần tiếp xúc, cả hai dần nảy sinh tình cảm dành cho nhau. Kịch bản phim có thể nói là một sự “sao chép” từ Me Before You, một tác phẩm tình cảm đình đám từng lấy đi nước mắt của rất nhiều khán giả. Tuy nhiên, dự án của đạo diễn Trần Thoại Chương lại tỏ ra nhàm chán hơn rất nhiều. Nội dung phim là một chuỗi tình tiết đơn giản, được kết nối bằng lối kể vụng về.

Tính cách nhân vật trong phim cũng hời hợt, chẳng gây được dấu ấn. Chưa kể, lối diễn “giả trân” thiếu chuyên nghiệp cũng tạo nhiều ức chế cho người xem. Nhiều ý kiến cho rằng, Ê Ông Già, yêu ha! giống những phim truyền hình hoặc sitcom xuất hiện tràn lan trên mạng. Chuyện phim tẻ nhạt, nhiều lỗ hổng, lại không mấy ý nghĩa khiến người xem đồng loạt quay lưng. Tác phẩm rút rạp với doanh thu phòng vé ít ỏi 190 triệu đồng.

3. Kẻ thứ ba (13/5) dù có sự góp mặt của tài tử Han Jae Suk cũng không thể trở nên hấp dẫn hơn. Phim bắt đầu bằng vụ tai nạn thảm khốc của nữ bác sĩ Thiên Di (Lý Nhã Kỳ). Một năm sau cái chết của Di, chồng cô - họa sĩ Quang Kha (Han Jae Suk) vẫn không nguôi nhung nhớ. Tình cờ, anh phát hiện có thể trò chuyện với Kelly Đào, một cô gái sống ở quá khứ. Anh nhờ Kelly giúp ngăn chặn vụ tai nạn cướp đi người vợ và được cô nhận lời.

Điểm trừ lớn nhất của Kẻ thứ ba đến từ diễn xuất. Màn thể hiện của Lý Nhã Kỳ được ví như “con tàu Titanic” kéo cả bộ phim chìm sâu. Chưa kể, kịch bản phim còn bị tố đạo nhái Demain, tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Pháp Guillaume Musso. Tác phẩm này từ khi công chiếu đã không được lòng khán giả. Doanh thu phòng vé của phim chỉ đạt 962 triệu dù kinh phí sản xuất lên tới 33 tỷ đồng, là một trong số những dự án thua lỗ nhất 2022.

4. 578: Phát đạn của kẻ điên (20/5) là một bộ phim hành động do Lương Đình Dũng đạo diễn và chấp bút kịch bản. Dự án có sự tham gia của Alexandre Nguyễn, Thanh Thảo, H'Hen Niê, Ngọc Tình, Jessica Minh Anh... Chuyện phim xoay quanh hành trình đi tìm con gái và báo thù của một ông bố đơn thân, khiến khán giả không khỏi liên tưởng tới bom tấn Hai Phượng của Ngô Thanh Vân. Tuy nhiên, 578 còn kém xa vì kịch bản yếu và gặp nhiều vấn đề trong cách kể chuyện.

Cách xây dựng nhân vật của 578 khá cũ kỹ. Tuyến phản diện vẫn đi theo motif quen thuộc của dòng phim xã hội đen. Trong khi đó, nam chính lại được đề cao đến mức bất thường. Sự xuất hiện thừa thãi của nhiều tuyến nhân vật không gây ấn tượng, thay vào đó làm loãng mạch tự sự của tác phẩm. Chú trọng vào các thước phim hành động, nhưng bộ phim do Lương Đình Dũng đạo diễn cũng chưa “đã mắt” như kỳ vọng. Vì lẽ đó, khán giả cho rằng, 578: Phát đạn của kẻ điên không phải một tác phẩm đáng xem. Phim thu về 3,5 tỷ đồng so với kinh phí đầu tư khủng lên tới 60 tỷ.

5. Cù lao xác sống (1/9) là bộ phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam khai thác chủ đề zombie (xác sống). Chuyện phim kể về đại dịch zombie lan rộng tại vùng cù lao trên sông Mekong. Người dân nơi đây phải tìm cách thoát khỏi lũ thây ma tấn công, đổ xô chạy trốn tới bến phà để nhận được sự trợ giúp từ quân đội chính phủ. Dù có một vài ý tưởng không tệ, kịch bản Cù lao xác sống lại dàn trải và lạm dụng các mảng miếng hài. Kết quả, nội dung phim không tạo được cảm giác kinh dị cần có mà trở nên sáo rỗng, phi logic.

Sở hữu dàn diễn viên nổi tiếng như Huỳnh Đông, Ốc Thanh Vân, Hoàng Mèo..., dự án của đạo diễn Nguyễn Thành Nam cũng không được đánh giá cao về mặt diễn xuất. Tính cách nhân vật trong phim cũng hời hợt, không chạm đến cảm xúc người xem. Đặc biệt, tạo hình zombie của Cù lao xác sống rất ngớ ngẩn, lỗi thời. Bất ngờ thay, doanh thu của tác phẩm này lại chạm tới con số 12,86 tỷ đồng. Không thể phủ nhận, chính “làn sóng chê bai” của đại chúng đã vô tình kích thích sự tò mò và kéo khán giả ra rạp xem phim nhiều hơn.

6. Virus cuồng loạn (4/11) là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Nguyễn Ngọc Nhất Duy, kể về một đoàn phim đang quay dự án chủ đề xác sống tại một khu nghỉ dưỡng thuộc vùng núi. Bất ngờ thay, cả ê-kíp đụng độ zombie thật. Nguồn cơn của việc này là do thực phẩm độc hại, mất vệ sinh được bày bán rộng rãi. Bộ phim vấp phải nhiều phản ứng gay gắt ngay từ khi vừa được tung ra. Kịch bản ngô nghê, tạo hình nhân vật cẩu thả cùng ngôn ngữ điện ảnh hạn chế là những điểm trừ rất lớn trong mắt khán giả.

Nhận xét về Virus cuồng loạn, chuyên gia Nguyễn Phong Việt cho rằng: "Sự lỏng lẻo, dễ dãi của đạo diễn lẫn nhà phát hành tạo điều kiện cho những dự án tệ "quấy rầy" người xem. Vì lẽ đó, khán giả "bội thực" trước những bộ phim chất lượng trung bình yếu và quay lưng với điện ảnh nội địa cũng là điều dễ hiểu". Phim vỏn vẹn thu về 157 triệu đồng trước khi lặng lẽ rút rạp, gây lỗ nặng so với kinh phí đầu tư lên tới 8 tỷ đồng.

7. Huyền sử vua Đinh (18/11) là bộ phim khai thác đề tài lịch sử, kể lại câu chuyện Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Tác phẩm dài 78 phút, quy tụ dàn diễn viên không mấy tên tuổi như Anh Tài, Sala Uyên Trinh, Ngô Tiến Thành, Ngô Phước Thiện, Đỗ Thành... Trái với dự tính ban đầu, tác phẩm gây nhiều thất vọng và bị khán giả gọi bằng cái tên “thảm họa” của nền điện ảnh Việt Nam. Kịch bản Huyền sử vua Đinh quá sơ sài và nhiều lỗ hổng. Phần hóa trang của các diễn viên cũng bị nhận xét là giả, thiếu tự nhiên.

Cá biệt, một vài diễn viên quần chúng vào vai binh sĩ vẫn để tóc nhuộm, tạo kiểu theo hướng hiện đại không phù hợp bối cảnh lịch sử. Trang phục và đạo cụ trong phim không có sự đầu tư nghiên cứu, binh khí được thiết kế sơ sài, khó mang lại cảm giác tôn trọng người xem. Ngoài ra, bối cảnh phim và kỹ xảo cũng để lộ nhiều khuyết điểm. Huyền sử vua Đinh của đạo diễn Anthony Võ rút lui sau 10 ngày công chiếu với doanh thu 43 triệu đồng. Đây là một trong những thất bại phòng vé nặng nề nhất lịch sử rạp Việt.

(Nguồn: Zing News)

(Xem thêm:

=> Nhạc Việt 2022; 2 ca sĩ bị tố bỏ bê con ruột; Lừa đảo tại các show âm nhạc; Học sinh nhập viện vì hít khí độc ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang