Những vụ đánh ghen dậy sóng; Quấy rối tình dục nơi công sở; 7 kẻ thay nhau cưỡng hiếp 2 cô gái; Mở lại phiên xử mẹ nữ sinh giao gà

NHỮNG VỤ ĐÁNH GHEN DẬY SÓNG & RANH GIỚI TỪ NẠN NHÂN THÀNH NGƯỜI PHẠM TỘI

Đập phá ô tô, kéo người thân đi đánh "tình địch" là chuyện từng xảy ra trong một số vụ đánh ghen. Đã có vụ việc người vợ từ nạn nhân trở thành người phạm tội khi đánh ghen.

Những vụ đánh ghen ầm ĩ nơi công cộng

Vào khoảng 22h ngày 14/4, một phụ nữ đã dùng gạch đập liên tiếp vào ô tô lưu thông trên phố Trần Phú - Chu Văn An (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) do nghi ngờ chồng chở theo nhân tình.

Sự việc thu hút hàng trăm người hiếu kỳ đứng xem và phát sóng trực tiếp lên mạng xã hội. Các đoạn đường quanh con phố này cũng vì thế mà ùn tắc kéo dài.

Sau đó, cơ quan công an đã mời 3 người về trụ sở làm việc. Tại đây, người đàn ông cầm lái ô tô thừa nhận người phụ nữ có hành vi gây rối là vợ mình. Công an lập hồ sơ xử lý người vợ do có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng.

Gần đây, do nghi ngờ anh P.N.H. (38 tuổi; ngụ thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên; hiệu phó một trường tiểu học) và chị L.T.T.Q. (38 tuổi, ngụ thị xã Đông Hòa) có quan hệ bất chính nên chị Nguyễn Thị Lệ T. (35 tuổi, trú thị xã Đông Hòa) đã lên kế hoạch đánh ghen.

Cụ thể, chị T. phát hiện chồng đi ra từ phòng nghỉ, nên lấy dao thủ sẵn đến kề vào cổ, yêu cầu chồng trở lại phòng để chụp hình làm chứng cứ về mối quan hệ bất chính giữa chồng với người phụ nữ khác.

Khi anh H. từ chối, gạt tay bỏ đi, chị T. cầm dao đâm phía sau lưng chồng gây thương tích. Sau đó, người này đập cửa phòng yêu cầu chị Q. mở cửa, rồi cầm dao khống chế, tra hỏi, đâm chị Q. làm người này bị thương ở vùng mặt, đầu, tay.

Công an TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với chị T. để làm rõ hành vi cố ý gây thương tích.

Vào cuối năm 2023, sau nhiều ngày theo dõi, người vợ phát hiện chồng và tình nhân đi vào một nhà nghỉ bên quốc lộ 7B, đoạn qua xóm 4, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An). Người vợ và một số người thân đã đến trước nhà nghỉ, gây nên sự việc ồn ào.

Người chồng nhanh chân thoát khỏi nhà nghỉ, còn người phụ nữ đi cùng anh ta khóa cửa ngồi trong phòng. Sau đó, cơ quan Công an đến giải tán đám đông, không để xảy ra tình trạng tụ tập mất an toàn giao thông.

Từ bảo vệ hạnh phúc gia đình trở thành người phạm tội

Luật sư Phàn A Thương - Công ty Luật TNHH Tâm Anh (Hà Nội) cho biết: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm".

Do đó, việc đánh ghen dùng bạo lực, chửi bới, đánh đập... đều là các hành vi xâm phạm trực tiếp và trái pháp luật đến danh dự, nhân phẩm và sức khỏe của người khác. Chẳng hạn như bà Nguyễn Thị Lệ T. trong trường hợp kể trên đã từ nạn nhân thành phạm tội.

Ngoài ra còn nhiều vụ việc tương tự khác, tùy thuộc vào nội dung, tính chất và mức độ vi phạm có thể xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh (Hà Nội) cho rằng, tình trạng vợ, chồng ngoại tình đang diễn ra phổ biến với hình thức và mức độ khác nhau.

Pháp luật nghiêm cấm hành vi dùng vũ lực để giải quyết bất kỳ mâu thuẫn nào phát sinh, không chỉ trong quan hệ hôn nhân gia đình.

Nếu người vợ phát hiện chồng mình có hành vi ngoại tình, vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình hoàn toàn có thể làm đơn trình báo chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an giải quyết.

Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016 đã có những quy định cụ thể hơn về việc xử lý "Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng".

Đồng quan điểm với các luật sư nêu trên, chuyên gia tâm lý, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Công ty Luật TAT Law Firm) nhận định, nếu phát hiện chồng ngoại tình, người phụ nữ cần nhìn nhận vào lỗi của hai bên để cùng nhau xử lý. Đánh ghen chỉ làm tổn thương thêm cho bản thân họ, nếu hành vi quá đà ngoài bị xử phạt hành chính có thể còn bị xử lý hình sự.

"TRÒ LỐ" QUẤY RỐI TÌNH DỤC NƠI CÔNG SỞ

Có bao nhiêu nữ nhân viên, sinh viên thực tập... dám đứng lên tố cáo hành vi quấy rối tình dục nơi công sở?

Những câu chuyện "vào phòng anh một tí" tại chốn công sở

M. là sinh viên năm cuối một trường ĐH ở TP.HCM. M. có thời gian thực tập 2 tháng tại một công ty tư vấn du học, quản lý cấp cao là một anh sếp đã có gia đình. Câu chuyện thực tập của M. vẫn diễn ra bình thường ngoài trừ nhiều lần người quản lý gọi M "vào phòng anh một tí, có việc". Nhưng việc mà người này nhờ vả lại là "đấm lưng cho anh", "anh mỏi vai, mỏi cổ"... Người này nhiều lần cầm tay của M. để khen vòng tay, đồng hồ, rồi xoa tay khen "tay em mịn đấy".

Cảm giác bị đi quá giới hạn, M. kể câu chuyện này với chị quản lý cấp trung (quản lý trực tiếp mình) thì chị này lại cho rằng M. nghĩ nhiều, rằng "sếp quan tâm nhân viên nên mới thế", "không phải ai cũng được anh ấy trực tiếp nhờ vả". M. cố gắng kết thúc 2 tháng thực tập rồi nghỉ, mang sự ấm ức đó về nhà và chôn giấu đến tận nhiều năm sau, mà không biết rằng đó cũng là một trong những hành vi được xem là có dấu hiệu của quấy rối tình dục nơi công sở.

Năm 2020, ông Đào Duy Anh (nguyên Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Thái Nguyên) bị nữ nhân viên cấp dưới tố có hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự.

Theo nội dung tố cáo, chiều 3/8, ông Đào Duy Anh đã gọi điện và nhắn tin cho chị N.T.T sang phòng làm việc của mình. Khi nữ nhân viên này đến phòng, ông Anh đã khóa cửa phòng lại, sau đó có những hành vi không đúng chuẩn mực. Nữ nhân viên đã cố gắng chống cự, chạy thoát được ra ngoài, thông báo cho đồng nghiệp và lãnh đạo sở.

Tối cùng ngày, chị T trình báo cơ quan công an về sự việc trên và đề nghị Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Đào Duy Anh. 10 ngày sau, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 2642, cách chức đối với chức vụ Phó Giám đốc KH&ĐT của ông Đào Duy Anh.

Trên thực tế, có rất nhiều nạn nhân bị quấy rối tình dục chốn công sở như chị T., nhưng không phải ai cũng dám đứng lên tố cáo hành vi này. Họ phải đối diện với nhiều nỗi sợ khác nhau: sợ mất việc, sếp ghét, đồng nghiệp đánh giá, gia đình xấu hổ. Một số người còn có tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân: Ăn mặc thế nào mới bị "gạ tình".

Một số nhân viên nam thì có những lời lẽ trêu ghẹo, mang bộ phận nhạy cảm của đồng nghiệp nữ ra đám đông làm trò cười và cho rằng đó là chuyện "trêu vui thôi mà", nhưng ít ai nghĩ đến những ảnh huởng tâm lý của các nạn nhân.

Vì thế, hành vì quấy rối tình dục nơi công cộng và trong môi trường làm việc vẫn âm thầm diễn biến phức tạp.

Hiểu thế nào về "quấy rối tình dục?"

Theo Tiến sỹ - Luật sư Đặng Văn Cường, hiện khái niệm thế nào là "quấy rối tình dục" trong hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn chưa đầy đủ, chưa rõ ràng. Các văn bản pháp luật ở Việt Nam hiện chưa thống nhất khái niệm thế nào là "quấy rối tình dục". Chỉ có hai lĩnh vực là lĩnh vực lao động và xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự là có nhắc đến khái niệm này.

Luật sư cho rằng, theo cách hiểu thông thường và theo thông lệ quốc tế thì “quấy rối tình dục” có thể hiểu là hành vi có tính chất tình dục của bất kì người nào mà chưa được sự chấp thuận, làm ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, được thể hiện thông qua nhiều hình thức như hành động, lời nói, hình ảnh,... Có thể xảy ra ở bất cứ đâu như nơi công cộng, nơi làm việc hoặc thậm chí là trên các phương tiện xã hội.

Như vậy, có thể thấy, đặc điểm của hành vi quấy rối tình dục là hành vi phải có tính chất tình dục. Hành vi này phải là hành vi mà người tiếp nhận nó không mong muốn nên tạo ra những cảm giác phiền hà, khó chịu, xấu hổ, bất an và có thể tạo ra sự nguy hiểm cho những người xung quanh.

Hành vi quấy rối tình dục có thể ở mức độ lời nói, hành vi, cử chỉ không có tiếp xúc nhưng cũng có tác động đến tâm lý, suy nghĩ, lo lắng, xấu hổ, bất an, sợ hãi cho nạn nhân, liên quan đến các yếu tố tình dục.

Hành vi quấy rối tình dục nghiêm trọng hơn có thể ở dạng tiếp xúc cơ thể, tấn công tình dục, xâm hại tình dục, như dâm ô, cưỡng dâm, hiếp dâm...

Bởi vậy, khái niệm quấy rối tình dục cần được hiểu một cách đầy đủ thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế, các chuẩn mực xã hội chung, làm cơ sở để bảo vệ danh dự nhân phẩm, bảo vệ quyền con người.

Khi có cách hiểu thống nhất, đầy đủ về quấy rối tình dục và nghiêm túc chấp hành thì quyền tự do tình dục của mỗi người sẽ được pháp luật bảo vệ, được đảm bảo an toàn và là cơ sở để áp dụng các chế tài của pháp luật.

Tiến sỹ Đặng Văn Cường chia sẻ: “Những hành vi bằng lời nói, ánh mắt có tính chất trêu ghẹo, khiêu khích như: nhìn chằm chằm vào ngực, vào mông... hay những hành vi nheo mắt, đá lưỡi... có tính chất tình dục, khiến người khác cảm thấy xấu hổ bất an, cảm thấy nguy cơ bị xâm hại tình dục thì đây cũng là hành vi quấy rối tình dục...”

Quấy rối tình dục nơi công sở sẽ bị xử lý thế nào?

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, hành vi quấy rối tình dục tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng sẽ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là bằng chứng với hành vi quấy rối bằng lời nói, cử chỉ mà không có điểm tiếp xúc trực tiếp.

"Nếu không có chứng cứ ghi hình, không chứng minh được hành vi hoặc hậu quả của hành vi thì việc xử lý là rất khó. Ngoài ra, trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý nhiều khi không kịp thời, dẫn đến nhiều vụ việc không được giải quyết triệt để, nạn nhân cảm thấy ấm ức, thậm chí có trường hợp nạn nhân bị đổ lỗi", Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì hành vi quấy rối tình dục bị xử lý như sau: Phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác… Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với một trong những hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục; Khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng; Ngoài ra, đối với hành vi quấy rối tình dục còn chịu biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu. việc.

Như vậy, hành vi quấy rối tình dục chưa được pháp luật đưa ra bằng khái niệm cụ thể nhưng đã có quy định về chế tài xử phạt hành chính.

Đối với lĩnh vực lao động thì hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc được quy định tại khoản 9, Điều 3 Bộ luật Lao động 2019: "Là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động".

Hành vi quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.

Mức phạt cụ thể đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc:

Hành vi quấy rối tình dục có thể bằng lời nói hoặc bằng hành động tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp. Hành vi có thể ở dạng dâm ô hoặc là hành vi cưỡng dâm, hiếp dâm. Bởi vậy tùy vào từng hành vi cụ thể, người vi phạm sẽ bị xử lý bằng chế tài hành chính hoặc hình sự.

Trong môi trường lao động nếu quấy rối tình dục sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ của hành vi và hậu quả cụ thể. Tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 15 đến 30 triệu đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 trong quá trình làm việc, người lao động bị "quấy rối tình dục" thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước.

7 TÊN BIẾN THÁI THAY NHAU CƯỠNG BỨC 2 CÔ GÁI

Ngay khi vừa đến rẫy cà phê, nhóm đối tượng đã dùng vũ lực khống chế, thay nhau cưỡng bức 2 cô gái mặc cho nạn nhân vùng vẫy, la hét.

Chiều 16/4, Công an huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 7 đối tượng để điều tra về các hành vi hiếp dâm và không tố giác tội phạm.

Các đối tượng trên gồm: Ai Khăn, Ai Khắp, Ai Hỡ, Ai Công, Ai Chiến, Ai Mác Đô Chê và Ai Rô Bin. Các đối tượng này mới chỉ từ 16 đến 24 tuổi (cùng trú tại xã Ea Hiu, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk).

Trong đó, Ai Khăn (SN 2001), Ai Khắp (SN 2002), Ai Hỡ (SN 2000) bị điều tra về hành vi hiếp dâm; 4 đối tượng còn lại bị điều tra về hành vi không tố giác tội phạm.

Theo kết quả điều tra ban đầu, khoảng 12h ngày 8/4, cả nhóm đến nhà Ai Khăn tổ chức ăn nhậu. Quá trình ăn nhậu, nhóm này đã nảy sinh ý định quan hệ tình dục với 1 cô gái ở xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắk có quen biết với Ai Công trước đó.

Theo đó, cả nhóm bàn bạc, nhắn tin rủ cô gái đến xã Ea Hiu chơi. Mục đích của nhóm này là sẽ dẫn dụ cô gái đến một khu vực rẫy cà phê tại địa bàn buôn La Ru, xã Ea Hiu để thực hiện hành vi đồi bại.

Vì quá tin tưởng nên cô gái đã nhận lời và rủ thêm 1 người bạn nữ đi cùng. Tuy nhiên, khi vừa đến khu rẫy cà phê thuộc địa bàn buôn La Ru thì Ai Khăn, Ai Khắp và Ai Hỡ lập tức dùng vũ lực khống chế, thay nhau hãm hiếp 2 cô gái trên mặc cho nạn nhân liên tục vùng vẫy, chống cự, la hét.

Gây án xong, nhóm đối tượng nói trên bỏ mặc 2 cô gái lại hiện trường, rồi đi về nhà. Lúc này, 2 cô gái đã gọi điện thoại nhờ bạn đến chở về và đến cơ quan công an tố cáo hành vi thú tính của các đối tượng.

Sau khi nhận được tin báo, cơ quan công an đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, truy tìm các đối tượng.

Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

ĐỒNG Ý MỞ LẠI PHIÊN PHÚC THẨM MẸ NỮ SINH GIAO GÀ

Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội thông tin, ngày 22/4 tới đây sẽ mở lại phiên phúc thẩm để xem xét kháng cáo của bị cáo Trần Thị Hiền (SN 1975, quê Thái Bình).

Theo thông tin từ Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, ngày 22/4 tới đây sẽ mở lại phiên xét xử phúc thẩm với bị cáo Trần Thị Hiền (SN 1975, quê quán Thái Bình, mẹ nữ sinh giao gà ở Điện Biên trong vụ án từng gây rúng động dư luận) về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra tại TAND tỉnh Điện Biên.

Ở phiên sơ thẩm diễn ra vào tháng 11/2019, TAND tỉnh Điện Biên đã tuyên phạt bị cáo Trần Thị Hiền 20 năm tù; Vì Thị Thu tù Chung thân cùng về tội "Mua bán trái phép chất ma túy". Sau đó hai bị cáo này có đơn kháng cáo kêu oan.

Phiên phúc thẩm diễn ra tháng 5/2022 ở TAND Cấp cao tại Hà Nội, HĐXX nhận định có nhiều tình tiết chưa được sáng tỏ. Do đó quyết định hủy một phần bản án sơ thẩm, hủy toàn bộ những nội dung liên quan đến Trần Thị Hiền để điều tra, xét xử lại. Đối với bị cáo Vì Thị Thu thì tòa phúc thẩm bác kháng cáo, giữ nguyên án Chung thân.

Tuy nhiên đến tháng 9/2023, Hội đồng phẩm phán TAND Tối cao ra quyết định Giám đốc thẩm vụ án và tuyên hủy bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội. Đồng thời yêu cầu xét xử phúc thẩm lại vụ án.

Gần đây nhất vào ngày 19/3/2024, phiên phúc thẩm được mở lại tại TAND tỉnh Điện Biên. Nhưng Trần Thị Hiền tiếp tục kêu oan, đề nghị hoãn phiên tòa vì vắng tất cả các luật sư bào chữa cho mình (đều đã có đơn xin vắng mặt và đề nghị hoãn phiên tòa) và lý do sức khỏe không đảm bảo. Sau đó, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa.

Theo bản án sơ thẩm, do Trần Thị Hiền mua ma túy còn thiếu nợ của Bùi Văn Công, Lường Văn Hùng. Đòi nhiều lần không được nên các đối tượng đã nghĩ ra cách bắt cóc con gái của Trần Thị Hiền để tạo sức ép. Quá trình giam giữ, bắt cóc, các đối tượng đã nhiều lần hãm hiếp nạn nhân và sau đó là sát hại. Vụ án từng gây rúng động dư luận trong dịp Tết 2019.

Nguồn: Vietnamnet; Kenh14; Người Đưa Tin; VOV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang