Người Việt hải ngoại: Ủy viên Caroline D. Phạm; Dạy AI ở TQ; Trả lại ví nhặt được ở Nhật; Cô gái sang HQ làm cảnh sát

ỦY VIÊN CAROLINE D. PHẠM: ‘CHÌA KHÓA’ THÀNH CÔNG TỪ VĂN HÓA VIỆT

(Ảnh minh họa).

Với bà Caroline D. Phạm, các giá trị xuất phát từ gia đình, văn hóa Việt Nam đã góp phần không nhỏ giúp Ủy viên người Mỹ gốc Việt có ngày hôm nay.

Cuộc gặp giữa bà Caroline D. Pham, Ủy viên Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Hoa Kỳ (CFTC, cơ quan chính phủ điều tiết các hoạt động thị trường phái sinh) với báo chí Việt Nam vào chiều ngày 13/11 thật đặc biệt. Người được phỏng vấn là người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên được đầu tiên được Tổng thống đề cử vào vị trí thuộc nhánh hành pháp của Hoa Kỳ và được Thượng viện phê chuẩn.

Chuyến thăm được mong chờ

Chào bà, bà có thể chia sẻ một chút về chuyến thăm Việt Nam lần này?

Đây là lần đầu tiên tôi tới Việt Nam, đất nước tôi đã muốn thăm từ lâu. Tôi rất vui khi có thể phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội để củng cố, tăng cường và phát triển quan hệ đối tác, bạn bè với Việt Nam.

Hai nước đang tích cực duy trì, tiếp tục động lực từ chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Tổng thống Joe Biden, đặc biệt là từ Tuyên bố chung về Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững hồi tháng 9 vừa qua. Chính vì thế, tôi rất vui vì đã tới đây với tư cách là phụ nữ người Mỹ gốc Việt đầu tiên được Tổng thống Hoa Kỳ đề cử vào nhánh hành pháp và được Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn.

Đồng thời, là quan chức Hoa Kỳ, việc có mặt tại đây để củng cố quan hệ song phương là một nhiệm vụ quan trọng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tiếp đón tôi nồng hậu. Tại các cuộc gặp, chúng tôi đã trao đổi, học hỏi ý tưởng, cách làm của nhau. Điều này sẽ giúp tôi thực hiện nhiệm vụ của CFTC về phát triển các sáng kiến có trách nhiệm, thúc đẩy cạnh tranh công bằng cũng như các giá trị mà tôi, một ủy viên của CFTC, luôn đề cao: tăng trưởng, tiến bộ và khả năng tiếp cận thị trường.

Hiện có nhiều công ty Việt Nam kỳ vọng phát hành công khai lần đầu (IPO) trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. Bà đánh giá thế nào về xu hướng này?

Một trong những điều thu hút các công ty đến thị trường vốn Hoa Kỳ là thị trường vốn sâu nhất và thanh khoản tốt nhất trên thế giới. Đây là nơi mọi người, từ khắp nơi trên thế giới, đến để tiếp cận nguồn tài trợ, thúc đẩy tăng trưởng. Điều này cũng giúp ích cho trao đổi song phương và thúc đẩy sự thịnh vượng chung.

Đặc biệt, khi các công ty nước ngoài đến Hoa Kỳ để niêm yết, nó sẽ thể hiện sức mạnh của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, cũng như thúc đẩy giá trị về quản trị doanh nghiệp và tính minh bạch qua thông tin đại chúng. Ngược lại, điều này sẽ giúp nâng cao vị thế của công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.

Hiện Hoa Kỳ có chính sách nào khuyến khích các doanh nghiệp từ Việt Nam đi theo xu hướng này?

Như mọi nước khác, Hoa Kỳ mong muốn thúc đẩy đầu tư và thu hút các công ty tới Hoa Kỳ làm ăn. Đặc biệt, Hoa Kỳ đang tích cực thúc đẩy giao thương và đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng của Việt Nam như sản xuất hay công nghệ. Hoa Kỳ cũng hỗ trợ Việt Nam đào tạo lực lượng lao động có kỹ năng tay nghề cao.

Hoa Kỳ tự hào là chủ nhà APEC

Gần đây, ông Matt Murray, quan chức cấp cao của Hoa Kỳ về APEC, nhấn mạnh rằng “cam kết của các nền kinh tế về sức chống chịu thể hiện rõ nét trong việc thúc đẩy các quy định tài chính hiệu quả”. Bà có đồng ý với nhận định này? Bà đánh giá ra sao về nỗ lực của Hoa Kỳ trong tổ chức APEC 2023?

Một hệ thống quy định tài chính mạnh mẽ sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của các nền kinh tế. Tôi tin tưởng rằng bất cứ một thị trường nào, nếu có thể, cũng nên có một bộ quy định tài chính rõ ràng.

Về APEC, Hoa Kỳ rất tự hào đăng cai diễn đàn năm nay với chủ đề “Kiến tạo một tương lai tự cường, bền vững cho tất cả”. Điều này phản ánh cam kết không thể lay chuyển của chúng tôi đối với thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế bền vững ở khu vực. Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ đã nêu một số cam kết quan trọng với APEC.

Chúng tôi đã thúc đẩy một số ưu tiên về mặt chính sách nhằm hướng tới một châu Á-Thái Bình Dương kết nối, sáng tạo và bao trùm. Một số nội dung được quan tâm của Diễn đàn APEC như thương mại và đầu tư, nền kinh tế số, y tế, bình đẳng và công bằng giới, tiêu chuẩn lao động cao, năng lượng sạch, biến đổi khí hậu, chống tham nhũng và an ninh lương thực. Với tư cách chủ nhà, chính phủ Hoa Kỳ cũng phối hợp với các đối tác cùng chí hướng để củng cố hệ thống kinh tế toàn cầu, cho tất cả thấy rõ tác động của APEC với doanh nghiệp, người lao động và hộ gia đình tại Hoa Kỳ và châu Á-Thái Bình Dương.

Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh rằng APEC có sự tham dự của hàng nghìn đơn vị liên quan gồm doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; các doanh nghiệp do phụ nữ sở hữu và điều hành; các nghiệp đoàn; cộng đồng sinh viên; tổ chức phi chính phủ và lãnh đạo cộng đồng địa phương. Có thể thấy, lĩnh vực tư nhân đóng vai then chốt trong nhận diện cơ hội, chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn, để thúc đẩy các mục tiêu chung của khu vực.

Bên cạnh APEC, Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Hoa Kỳ khởi xướng cũng quan trọng không kém khi thể hiện rõ cam kết của chúng tôi với hợp tác khu vực, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế, an ninh và thịnh vượng.

Văn hóa Việt “dẫn lối” thành công

Trong những ngày qua, liệu Việt Nam có giống những gì bà suy nghĩ và cảm nhận khi còn ở Hoa Kỳ?

Với tôi, một người Mỹ gốc Việt sinh ra và lớn lên tại California, văn hóa là yếu tố quan trọng kết nối tôi với Việt Nam. Đó là nền ẩm thực, ngôn ngữ, cũng như nhiều giá trị quan trọng khác, đã góp phần không nhỏ để tôi có ngày hôm nay. Nói thật với bạn là trước khi tới đây, tôi không biết phải kỳ vọng như thế nào. Có lẽ, tôi chỉ mong muốn có thể nhìn thấy quê hương của gia đình tôi, cũng như cảm nhận mối liên kết với đất nước này.

Chính vì thế, đối với tôi, những ngày vừa qua tại Việt Nam thật tuyệt. Tại đây, tôi nhìn thấy những người có ngoại hình giống mình, sử dụng ngôn ngữ trong gia đình và trải nghiệm lại món ăn Việt ưa thích. Những món ăn ấy như đưa tôi trở về thời niên thiếu, khi Mẹ tôi từng tự nấu phở, chả giò ở nhà. Đó luôn là các món ăn ưa thích của tôi. Tại Việt Nam, một lần nữa tôi có cơ hội thưởng thức lại những hương sắc, mùi vị tuyệt vời ấy.

Gia đình nhỏ của tôi cũng vậy. Con gái tôi rất phấn khích khi đến Việt Nam, nơi cháu có thể tìm hiểu thêm về di sản, văn hóa của đất nước. Tôi còn đó danh sách dài những địa điểm muốn ghé thăm như TP. Hồ Chí Minh, thành phố với tốc độ tăng trưởng nhanh, trung tâm tài chính sôi động. Ngoài ra, tôi mong được ghé thăm các danh lam thắng cảnh như Vịnh Hạ Long, hoặc những nơi gia đình tôi đi nghỉ khi bố mẹ tôi còn trẻ. Tôi hy vọng có thể cùng gia đình sớm trở lại Việt Nam.

Ngày hôm qua, chúng tôi đã đến Hoàng thành Thăng Long, Di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận. Tôi cảm nhận được sự hùng vĩ, xuyên suốt của các triều đại khác nhau của Việt Nam trong 1.000 năm qua, hiểu rõ hơn về lịch sử đã kết nối tôi với nơi này. Điều đó càng giúp chúng tôi thêm phần tự hào vì văn hóa, nguồn gốc Việt Nam của chính mình.

Là người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên được Tổng thống bổ nhiệm vào vị trí nhánh hành pháp và được Thượng viện phê chuẩn, câu chuyện sự nghiệp của bà là gì? Bà nghĩ gì tiềm năng phát triển của người Mỹ gốc Việt trẻ khác?

Tôi lớn lên ở vùng Central Valley, California. Khi ấy, chúng tôi là gia đình người Việt duy nhất ở đó. Trong thời gian dài, khi xung quanh không có cộng đồng người Mỹ gốc Á nào khác, chúng tôi phải lái xe một tiếng rưỡi để đến nơi có cộng đồng người Việt, như San Jose, để có thể tham gia trải nghiệm lễ, Tết cổ truyền.

Trải nghiệm ấy giúp tôi hiểu một số giá trị văn hóa quan trọng từ còn bé, bao gồm sự kiên trì. Mẹ tôi từng nói: “Nếu con thực sự muốn làm gì đó, con sẽ tìm cách”. Câu nói ấy đã phần nào “dẫn lối” cho tôi sau này. Bởi lẽ, dù đối mặt với thử thách nào, ngay cả khi bị bủa vây bởi hoài nghi, tôi vẫn còn đó sự tin tưởng của gia đình, cũng như từ chính bản thân mình. Vì thế, tôi sẽ tiếp tục, cố gắng hết sức để làm việc chăm chỉ nhất có thể.

Về thế hệ trẻ gốc Việt, tôi cho rằng họ có tiềm năng không giới hạn. Với tư cách Ủy viên, tôi đã cố gắng hỗ trợ và thúc đẩy sự đa dạng, công bằng và hòa nhập cho tất cả mọi người, bao gồm thế hệ trẻ. Tôi cho rằng một mặt, người trẻ cần có tư duy phát triển, luôn tìm kiếm, cởi mở, tiếp thu và phát huy những ý tưởng mới. Mặt khác, các bạn trẻ cần trân trọng các giá trị truyền thống. Với tôi, đó là sự chăm chỉ và giáo dục, giá trị của văn hóa Việt Nam tôi may mắn thừa hưởng. Tôi tin rằng điều đó sẽ giúp các bạn trẻ khai mở tiềm năng của mình.

Nữ phó giáo sư người Việt dạy AI ở đại học top đầu Trung Quốc

Đam mê Toán học và nghiên cứu đã đưa Nguyễn Cẩm Tú tới con đường giảng dạy tại một trong những trường đào tạo AI (trí tuệ nhân tạo) đầu tiên của Trung Quốc.

Nguyễn Cẩm Tú, 40 tuổi, là Phó giáo sư (Associate professor) tại trường AI, Đại học Nam Kinh. Đây là ngôi trường thuộc nhóm C9 - chín đại học tốt nhất nước, được ví như Ivy League của Trung Quốc. Theo bảng xếp hạng đại học 2024 của THE, Đại học Nam Kinh nằm trong top 20 tốt nhất châu Á và hạng 73 thế giới.

Hướng nghiên cứu của Tú là lĩnh vực trí tuệ thông minh hội thoại (conversational AI). Cô giảng dạy, hướng dẫn học viên nghiên cứu, xây dựng hệ thống AI có thể mô phỏng các cuộc trò chuyện của con người. Tú cũng là tác giả của hơn 50 bài báo công bố tại các hội nghị và tạp chí khoa học chuyên ngành hàng đầu thế giới như EMNLP, IJCAI, TKDE...

"Tôi không đặt ra mục tiêu phải trở thành giáo sư. Tôi chỉ cố gắng làm việc của mình tốt hơn hôm qua và mọi thứ đến rất tự nhiên", Tú chia sẻ.

Tú từng là học sinh chuyên Toán, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên. Tốt nghiệp phổ thông, cô chọn theo đuổi ngành Công nghệ thông tin tại trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo Tú, ngành này vừa yêu cầu kỹ năng tính toán, vừa có ứng dụng gần gũi trong thực tế.

Học trong môi trường có nhiều "cao thủ" về khoa học tự nhiên ở miền Bắc và miền Trung nhưng Tú xuất sắc trở thành thủ khoa lớp K46 ngành Công nghệ thông tin. Cô sau đó phụ trách sản xuất sản phẩm công nghệ ở một doanh nghiệp. Nhưng chỉ khoảng một năm đi làm, Tú quay lại con đường nghiên cứu và hoàn thành chương trình thạc sĩ, tại trường cũ.

"Tôi thích làm nghiên cứu hơn vì được khám phá những cái mới, mặc dù thách thức nhưng tôi rất muốn theo đuổi", Tú nói.

Lúc này, Tú có nhiều dịp trò chuyện và cộng tác với các giảng viên nước ngoài. Nhận thấy hướng đi của các giáo sư tại Đại học Tohoku, Nhật Bản, tương đồng với định hướng phát triển, năm 2008, Tú làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Khoa học máy tính tại đây. Cô còn làm việc tại Google Japan, tham gia một số dự án phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Tú cũng theo dõi hoạt động nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc, đặc biệt là của Giáo sư Zhou Zhi-hua - ngôi sao đang lên về AI thời điểm đó. Sự hứng thú dành cho nền văn hóa tương đồng với Việt Nam cùng nhận định về một môi trường nghiên cứu năng động thôi thúc cô chọn Trung Quốc làm bến đỗ tiếp theo, sau khi hoàn thành chương trình tại Nhật vào năm 2011.

Năm 2012, Tú tới Đại học Nam Kinh để làm nghiên cứu sau tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Zhou Zhi-hua. Sau đó 4 năm, cô bắt đầu giảng dạy ở Viện phần mềm của ngôi trường này.

Ban đầu, Tú gặp rào cản ngôn ngữ. Cô dạy bằng tiếng Anh nhưng một số sinh viên trao đổi riêng với cô bằng tiếng Trung sau giờ học. Để hỗ trợ, Tú học giao tiếp tiếng Trung, nâng dần kỹ năng nghe nói qua các cuộc trò chuyện khi đi dạy. Tuy vậy, vẫn có những tình huống "dở khóc dở cười" khi sinh viên không hiểu tin nhắn mà Tú gửi. Nhiều lần, Tú gọi điện cho sinh viên để nói chuyện trực tiếp thay vì nhắn tin.

"Cái hay nhất của việc dạy học tại Nam Kinh là sinh viên đều rất chăm chỉ và xuất sắc. Tôi học được rất nhiều từ họ", Tú nói.

Sau ba năm, Tú chuyển sang trường AI - thành viên mới của Đại học Nam Kinh, một trong những cơ sở đào tạo AI đầu tiên của Trung Quốc. Tú nói đây là khoảng thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp của mình. Cô vừa phải thiết lập và định hướng cho nhóm nghiên cứu mới, vừa tham gia xây dựng khung chương trình cho một số môn học.

Môn học mà Tú tâm đắc nhất, thấy thú vị nhưng cũng rất băn khoăn là Đạo đức Trí tuệ nhân tạo. Không chỉ Tú mà các giảng viên trong trường đều không rõ sẽ dạy gì, vì trên thế giới chưa có nhiều môn học tương tự. Tú phải đọc rất nhiều tài liệu, không chỉ về AI mà còn về triết học, xã hội, pháp luật. Cô từ đó tự đưa ra các đề mục chính cho môn học, ví dụ ảnh hưởng của AI đến xã hội hay vấn đề về quyền riêng tư và bình đẳng khi sử dụng AI.

"Mặc dù môn này không trực tiếp liên quan tới kỹ thuật nhưng nó đã mở tầm nhìn của tôi rất nhiều", Tú cho biết.

Theo Tú, Đại học Nam Kinh mạnh nhất trong nghiên cứu cơ bản về lý luận học máy và học tăng cường. Giảng viên phải vừa phát huy được những điểm mạnh của trường, vừa phải nắm bắt được những xu hướng mới mà thế giới đang quan tâm. Tú nhận thấy các hệ thống AI được trang bị khả năng ngôn ngữ có tiềm năng ứng dụng rất lớn, gắn liền với nhiều thách thức và các bài toán hay. Cô quyết định đi theo lĩnh vực trí tuệ thông minh hội thoại, vừa làm nghiên cứu vừa hợp tác xây chatbot (robot trò chuyện trực tuyến) với các tập đoàn như Oppo hay Alibaba.

PGS.TS. Phan Xuân Hiếu, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, là người đã đồng hành, hướng dẫn Tú nghiên cứu từ thời đại học và làm việc cùng cô cho đến nay, nói khâm phục trước khả năng chuyên môn và năng lượng tích cực của cô trong công việc.

"Cẩm Tú có nền tảng Toán học vững chắc, có đam mê nghiên cứu và có sự từ tốn, điềm tĩnh. Không vội vàng đi nhanh, Cẩm Tú luôn tiến về phía trước, đạt được những thành quả ý nghĩa bằng sự thông minh, bền bỉ và cả sự can đảm của người phụ nữ Việt Nam trên đất người", anh chia sẻ.

Trong tương lai, Tú dự định tiếp tục thúc đẩy nhóm nghiên cứu mình đang phụ trách tại Đại học Nam Kinh. Cô cũng hy vọng có thể kết nối với các trường ở Việt Nam để hỗ trợ sinh viên làm nghiên cứu.

Để theo học và nghiên cứu về khoa học máy tính tại các đại học hàng đầu thế giới, Tú tin rằng sinh viên cần có định hướng rõ ràng và kiến thức nền như học máy vững chắc. Tú khuyên sinh viên tham gia nghiên cứu từ bậc đại học, thể hiện niềm đam mê, động lực tự phát triển của bản thân - một yếu tố được các giáo sư rất quan tâm.

Cô chia sẻ về ba giai đoạn phát triển trong nghiên cứu được các giáo sư Nam Kinh hướng dẫn cho sinh viên. Bước đầu là phải điều tra (tổng hợp, đọc thông tin để biết tình hình nghiên cứu về bài toán mà mình quan tâm), sau đó đến bắt chước (nắm được công nghệ và làm theo) rồi đến bước sáng tạo.

Ngoài ra, Tú nhận định sinh viên Việt Nam có nhiều cơ hội theo học ngành AI tại Trung Quốc bởi nền tảng về toán và khoa học tự nhiên rất tốt. Trong khi đó, để hiện thực hóa tham vọng vươn lên dẫn đầu về công nghệ, chính phủ Trung Quốc cũng có nhiều chính sách ưu tiên phát triển AI, hứa hẹn môi trường học tập và nghiên cứu đầy năng động.

Nhìn lại hành trình của mình, Tú nói được làm nghiên cứu và giảng dạy chính là động lực phát triển của cô chứ không phải việc đạt được vị trí cao về học thuật. Cô không hay nghĩ tới việc mình phải thành công mà chỉ đơn thuần theo đuổi đam mê mỗi ngày. Học viên của cô hiện làm việc ở nhiều công ty công nghệ lớn như Microsoft, Huawei hay ByteDance...

"Điều tôi tự hào nhất là chứng kiến sinh viên thành công", Tú chia sẻ.

Nhặt được ví người Nhật đánh rơi, hai công nhân Việt đạp xe đến trả tận nhà

(Ảnh minh họa).

Nhặt được chiếc ví có tiền và giấy tờ mà người đàn ông Nhật Bản đánh rơi, hai công nhân Việt sống tại Osaka đạp xe đến trả tận nhà.

Khoảng 4h ngày 12/11, trên đường về nhà, anh Nguyễn Văn Tấn (29 tuổi) cùng hai người bạn Nguyễn Phúc Huy (26 tuổi) và Nguyễn Văn Ly (32 tuổi) nhặt được một chiếc ví gần công viên Daimon, đoạn giao khu tổ hợp Kamishin Plaza (Osaka, Nhật Bản).

Nhìn thoáng qua, Huy phát hiện bên trong chiếc ví ngoài tiền mặt còn có giấy tờ tùy thân, trong đó một chiếc thẻ ghi địa chỉ của người chủ.

"Sau khi tra địa chỉ trên bản đồ, chúng tôi nhận ra vị trí gần nhà mình, chỉ mất 5 phút đạp xe", anh nói.

8h cùng ngày, anh Tấn cùng anh Ly đạp xe đến tận nơi trả ví cho người đánh rơi. Do nhiều nhà cùng chung địa chỉ, nên lần đầu bấm chuông, một người phụ nữ bước ra bảo nhầm nhà. Người này sau đó hướng dẫn họ sang căn nhà bên cạnh hỏi thăm.

Lúc này, một người đàn ông ngoài 30 tuổi bước ra, bất ngờ khi nhận lại chiếc ví. Anh nói khi được hai người Việt Nam mang đến trả mới biết bản thân đánh rơi tài sản, muốn gửi một khoản tiền cảm ơn nhưng anh Ly từ chối.

"Anh ấy nói rằng tối 11/11 về nhà muộn chưa kịp kiểm tra đồ đạc, nên không biết bị mất ví", anh Tấn giải thích.

Vợ của người đàn ông đưa giấy bút, muốn xin địa chỉ nhà để gửi quà hậu tạ, song anh Tấn và anh Ly một lần nữa từ chối.

Hành động của nhóm người Việt thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Đoạn video nhận về hàng nghìn lượt yêu thích và bình luận khen ngợi, nhưng một số ý kiến cho rằng nên đưa chiếc ví cho cảnh sát thay vì tự ý mang trả cho người Nhật.

"Chúng tôi mang đi trả ngay vì nghĩ nếu bản thân rơi vào hoàn cảnh đó, thì việc tìm lại chiếc ví rất vất vả", anh Ly chia sẻ.

Nhóm ba người Việt quê ở Huế và Nghệ An, sang Nhật Bản từ năm 2016 - 2018. Họ sống chung nhà với những công nhân người Việt khác, làm lắp đặt giàn giáo xây dựng tại Osaka.

Đây không phải lần đầu anh Tấn nhặt được ví đánh rơi tại Nhật Bản. Mỗi lần như vậy, anh đều tìm cách trả lại hoặc mang đến đồn cảnh sát gần nhất.

"Chúng tôi muốn lan tỏa thông điệp tích cực, đặc biệt hình ảnh đẹp về người Việt Nam ở nước ngoài", anh nói.

Cô gái Nghệ An sang Hàn Quốc làm cảnh sát, mang quân hàm Thượng úy

Học ngành kinh tế, lấy chồng rồi sinh liền 3 con, cân nặng vọt lên 100kg, chị Hồng Minh đã trải qua những gì để trở thành một nữ cảnh sát ở xứ kim chi?

Nung nấu ước mơ làm cảnh sát

Xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật hình sự, giao thông, phổ biến luật cho chị em phụ nữ trong các gia đình đa văn hóa, tuyên truyền luật cho các em học sinh, làm phiên dịch,... Đó là những công việc hàng ngày của Minh tại sở cảnh sát JangSeong, tỉnh Jeollanam, Hàn Quốc.

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam vừa xinh đẹp, vừa mạnh mẽ, khỏe khoắn, thông minh, nhiệt huyết trong lúc làm việc khiến không ít người cảm thấy tự hào. Để có thể trở thành một nữ cảnh sát ở xứ kim chi, chị Minh đã trải qua hành trình đầy khó khăn, khắc nghiệt nhưng ý nghĩa và hạnh phúc.

Chị Hong Minh Hee (tên tiếng Việt là Nguyễn Hồng Minh, hiện 38 tuổi, quê ở TP Vinh, Nghệ An) sang Hàn Quốc du học ngành kinh tế tại Đại học Chosun, Gwangju, Hàn Quốc vào năm 2005.

Khi còn là sinh viên, chị Minh có cơ hội làm phiên dịch cho sở cảnh sát và sở cư trú. Trong quá trình làm việc, chị thấy rằng chỉ vì không hiểu biết pháp luật nước sở tại mà nhiều người Việt Nam đã phạm sai lầm đáng tiếc. Từ đó, ước mơ làm cảnh sát để giúp đỡ mọi người của chị trỗi dậy.

Học xong, chị Minh làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu trong vòng 6 năm. Trong khoảng thời gian đó, ước mơ làm cảnh sát của chị Minh chưa bao giờ nguôi.

Kết hôn với ông xã người Hàn Quốc và sinh lần lượt 3 người con, nhưng rào cản của người phụ nữ đã có gia đình không thể ngăn chị Minh quyết tâm hiện thực hóa ước mơ của mình.

Đó là năm 2017, người phụ nữ gốc Nghệ An thi vào ngành cảnh sát tại Hàn Quốc. “Khó khăn và khắc nghiệt” là hai từ mà chị Minh miêu tả về hành trình trở thành cảnh sát của mình.

“Thi thể lực là vòng thi khắc nghiệt nhất đối với tôi. Sau khi thi đỗ vào trường cảnh sát Trung ương, tôi còn phải trải qua 6 tháng tập huấn, qua các vòng thi: Luật, thể lực, bắn súng, lái xe. Thông qua 2 tháng thực tập nữa thì tôi mới được bổ nhiệm làm cảnh sát”, chị Minh kể. Trước đó, chị Minh còn phải giảm từ 100kg xuống còn 60kg để có thể vượt qua các vòng thi thể lực. Mất 10 tháng trời, chị Minh vừa ở nhà chăm sóc con cái, vừa tranh thủ tập luyện, áp dụng chế độ ăn uống khắt khe để đạt được cân nặng như mong muốn.

Hiện tại, chị Minh đã làm việc trong ngành được 6 năm, mang quân hàm Thượng úy. Nữ cảnh sát gốc Nghệ An đang phụ trách bên bộ phận đối ngoại của sở cảnh sát JangSeong, tỉnh Jeollanam, Hàn Quốc.

Hạnh phúc khi giúp đỡ được nhiều người

Chị Minh là người lập ra Fanpage Korea Police “Cảnh sát Hàn Quốc Hồng đồng hành cùng các bạn” với gần 100 nghìn lượt theo dõi. Fanpage được chị lập ra với mục đích phổ biến điều luật của Hàn Quốc đến với người Việt Nam đang sinh sống tại đây, giúp phòng tránh việc phạm tội vì thiếu thông tin. Mỗi tháng 2 lần, chị lại livestream trò chuyện với mọi người.

Bất kỳ ai gặp khó khăn đều có thể liên lạc với chị Minh để được giúp đỡ. “Tôi nhớ có lần, một người phụ nữ Việt bị chồng bạo hành nhiều năm đã nhắn tin đến Fanpage. Tôi khuyên chị ấy hãy bình tĩnh, đồng thời hướng dẫn các bước để trình báo với cơ quan chức năng. Điều đáng mừng là chị ấy đã tự dám đứng lên để bảo vệ bản thân mình.

Hiện tại, chị ấy đã có cuộc sống ổn định, hạnh phúc hơn. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc, ý nghĩa khi bản thân trở thành cảnh sát và có thể giúp đỡ được nhiều người”.

Nhận xét về chị Minh, lãnh đạo, đồng nghiệp nhận xét chị là một nữ cảnh sát có kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc để tiếp cận và xử lý những sự vụ liên quan đến người Việt Nam nói riêng và người nước ngoài nói chung.

“Cô ấy còn có khả năng thông dịch cho các vị lãnh đạo cấp cao ngành an ninh Việt Nam - Hàn Quốc. Thông minh, thẳng thắn, hoạt bát, dũng cảm, là những gì tôi cảm nhận về cô ấy”, thiếu tá Kim Gicheol, trưởng phòng An ninh thông tin, sở cảnh sát JangSeong, tỉnh Jeollanam, Hàn Quốc nhận xét về chị Minh.

May mắn có người bạn đời yêu thương, thấu hiểu, cảm thông cho công việc của vợ, đó là điểm tựa vững chãi giúp chị Minh có điều kiện, động lực, thời gian để hoàn thành xuất sắc công việc của mình.

Nguồn: Quê Hương Online; Vnexpress; Dân Trí; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang