Người Việt hải ngoại: Giữ tiếng nói, chữ viết; Hội FAVIJA ở Nhật; Những căn bếp diệu kỳ; Đường về nhà của cô gái Pháp

Người Việt ở nước ngoài cùng nhau gìn giữ tiếng nói, chữ viết quê hương

Đối với hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tiếng Việt là hồn cốt, là niềm tự hào dân tộc, là mối liên kết thiêng liêng với quê hương, đất nước và là phương tiện để giao tiếp, gắn kết với nhau. Bởi vậy dù trong hoàn cảnh nào, người Việt năm châu cũng đều đoàn kết gìn giữ chữ viết, tiếng nói quê hương.

5 nghìn cơ sở dạy tiếng Việt tại Mỹ

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng cho biết: Với 2,2 triệu người Việt ở Mỹ, tiếng Việt là phương tiện gắn kết cộng đồng người gốc Việt và mỗi thành viên trong gia đình. Mỹ đề cao và coi trọng sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ của người nhập cư, nên ở mức độ nhất định, tiếng Việt đã được tạo điều kiện để dạy và học như một ngoại ngữ chính thức, được cấp tín chỉ trong chương trình giáo dục phổ thông cũng như đại học ở Mỹ. Đây là thuận lợi cơ bản để tiếng Việt tồn tại và phát triển ở nước sở tại. Cộng đồng người gốc Việt ở Mỹ đã có nhiều cách thức duy trì và dạy tiếng Việt. Hiện có khoảng 5 nghìn cơ sở dạy tiếng Việt tại Mỹ, riêng tại bang California có hơn 1.000 cơ sở dạy tiếng Việt thu hút khoảng 15.000-17.000 người ở mọi lứa tuổi.

Tuy nhiên, việc học và dạy tiếng Việt còn mang tính tự phát, giáo trình chủ yếu tự biên soạn, nội dung và hình thức chưa được quy chuẩn, do đó đại bộ phận cộng đồng người Việt ở Mỹ đều mong muốn có bộ giáo trình tiếng Việt chuẩn về nội dung và phương thức truyền tải. Đảm bảo tính phổ cập, dễ hiểu, khoa học về mặt ngôn ngữ và đầy đủ khách quan về mặt lịch sử phù hợp với đặc thù và nhu cầu của cộng đồng người Việt và gốc Việt tại Mỹ.

Mở rộng không gian sách Việt tại Bỉ

Bà Nguyễn Chung Thủy, Trưởng ban Văn hóa xã hội, Tổng hội người Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, cho biết, cuối năm 2022, trong chuyến thăm EU, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tặng cho bà con kiều bào Bỉ một món quà ý nghĩa đó là bộ sách Chào tiếng Việt của nhà xuất bản Giáo dục.

Theo bà Thủy, với người Việt định cư tại nước ngoài, tiếng Việt là sợi dây kết nối với Việt Nam, với gia đình, bạn bè cho các thế hệ sau này. Nhiều người có mong muốn chồng, con mình học tiếng Việt.

Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ trong 10 năm qua với sự đồng hành của Đại sứ quán đã có hoạt động nhằm lan tỏa văn hóa cũng như giữ gìn tiếng Việt. Để bộ sách Chào tiếng Việt đến được gần hơn với nhiều trẻ em, gia đình người Việt Nam tại Bỉ, Tổng hội tiến hành gửi sách tới các thư viện của các vùng, địa phương trên toàn Bỉ để bà con có thể tới mượn và sử dụng linh hoạt theo nhu cầu của mình. Trong thời gian tới, Tổng hội có kế hoạch thực hiện các hoạt động giảng dạy tiếng Việt, tổ chức chương trình ngoại khóa cho các thanh thiếu niên nói tiếng Việt.

Bà Thủy cho rằng, việc ra mắt Chương trình truyền hình "Chào tiếng Việt" làm cho việc giữ gìn văn hóa và tiếng Việt cùng việc dậy và học tiếng Việt dễ dàng hơn. “Chúng tôi mong muốn Nhà nước và Chính phủ có những chính sách, chương trình hỗ trợ bà con dạy và học tiếng Việt phù hợp với bối cảnh và đặc thù của cộng đồng người Việt ở từng nước sở tại”, bà nói.

Giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt trẻ

Đại sứ Việt Nam tại Nhà nước Qatar Trần Đức Hùng cho biết, có khoảng 500 người Việt tại Qatar. Đây là cộng đồng trẻ, con em hầu hết học các trường quốc tế, sử dụng tiếng Anh và tiếng Ả Rập, ít có cơ hội giao tiếp tiếng Việt.

Đại sứ quán phối hợp với Ban liên lạc cộng đồng người Việt tại Qatar mở lớp dạy tiếng Việt cho con em cộng đồng. Mô hình lớp học là giảng dạy trực tiếp, một giáo viên đứng lớp, một trợ giảng.

“Việc tìm kiếm giáo viên chuyên dạy tiếng Việt rất khó khăn. Đại sứ quán phải tìm những giáo viên đứng lớp có khả năng ngôn ngữ và kỹ năng sư phạm trong số du học sinh Việt tại Qatar nhằm đảm bảo truyền tải hiệu quả cho học sinh. Địa điểm học là phòng truyền thống của Đại sứ quán, bố trí phù hợp với việc dạy tiếng Việt. Giáo trình Chào tiếng Việt do Ủy ban nhà nước người Việt Nam ở nước ngoài”, Đại sứ cho biết.

Theo Đại sứ Trần Đức Hùng, việc mở lớp học tiếng Việt nhằm nâng cao ý thức của người Việt tại Qatar giữ gìn giá trị thiêng liêng của tiếng Việt. Đại sứ quán đã có nhiều hình thức động viên học sinh tham gia lớp học. Sau 2 tháng, các em đều phấn khởi, yêu thích việc học tiếng Việt, yêu thích đến lớp. Các cháu đã thuộc chữ cái, đánh vần, đọc, viết những từ đơn giản.

(Nguồn: Thời Đại)

Hiệp hội giao lưu văn hóa thể thao Việt Nam-Nhật Bản: Sợi dây gắn kết người Việt trên đất Nhật

Hiệp hội giao lưu văn hóa thể thao Việt Nam-Nhật Bản (FAVIJA) là nơi kết nối những người Việt xa quê, giúp họ có cơ hội gặp gỡ giao lưu với nhau, trao đổi kinh nghiệm học tập, làm việc và hợp tác nghề nghiệp.

Ông Đỗ Quang Ba, Chủ tịch FAVIJA chia sẻ với Báo TG&VN về những hoạt động cũng như hướng đi sắp tới của Hiệp hội, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (21/9/1973-21/9/2023)

Xích lại gần nhau

Các phong trào văn hóa, thể thao có ý nghĩa gì với cộng đồng người Việt tại đây, thưa ông?

Với số lượng gần 500 nghìn người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản, ngoài thời gian học tập và làm việc, mọi người thực sự rất cần một sân chơi lành mạnh và bổ ích.

Việc tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa thể thao, nghệ thuật… vừa để phát triển một cách toàn diện cả về thể lực và trí lực, phục vụ tốt cho công việc và học tập, vừa là cơ hội để người Việt sống xa quê hương có cơ hội giao lưu trao đổi kinh nghiệm, đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau những lúc khó khăn.

Tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa còn để chúng tôi hiểu rõ hơn về những giá trị văn hóa truyền thống, có những ứng xử phù hợp và tôn trọng lẫn nhau, để lại ấn tượng tốt đẹp về người Việt Nam trong mắt người dân Nhật Bản.

Không những thế, việc này giúp bồi đắp tình cảm, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng. Tình cảm giữa thầy và trò, đồng nghiệp và đồng nghiệp, nhân viên và lãnh đạo thêm gần gũi, giúp hiểu biết và yêu thương nhau hơn. Đây cũng là sợi dây gắn kết tình cảm và tạo nên yếu tố đoàn kết để các tổ chức, doanh nghiệp… phát triển bền vững.

Những sự kiện giao lưu văn hóa thể thao của là cơ hội để giới thiệu và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam tới người dân Nhật Bản.

Ngược lại, cộng đồng người Việt tại Nhật có thêm cơ hội hiểu sâu hơn về văn hóa, đất nước và con người Nhật Bản, giúp kiều bào và người dân sở tại thêm gần gũi và quý mến nhau, thắt chặt quan hệ thân thiết giữa nhân dân và chính phủ hai nước.

Ông có thể thông tin về những hoạt động nổi bật của FAVIJA thời gian qua?

FAVIJA ra đời vào năm 2018, đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản. Sau năm năm hoạt động, chúng tôi tự hào vì đã có thể trở thành sợi dây gắn kết, giúp thắt chặt hơn nữa tình cảm thân thiết giữa chính phủ và nhân dân hai nước.

FAVIJA hiện có gần 300 đội bóng người Việt, hoạt động khắp nước Nhật. Ngoài ra, các giải bóng đá giao hữu giữa các đội bóng của người Việt Nam tại Nhật và các đội bóng của người Nhật tạo nên bầu không khí sôi nổi gắn kết tình cảm đồng bào, đồng thời tăng cường sự giao hữu thân thiết giữa kiều bào ta với người dân Nhật Bản.

FAVIJA đã thành lập riêng một Hội cầu lông người Việt tại Nhật (viết tắt là BAVIJA). Cũng giống như bóng đá, các giải thi đấu cầu lông được tổ chức định kỳ hàng năm tại các khu vực và mỗi năm đều có một giải tranh cup vô địch toàn nước Nhật. Các CLB cầu lông trực thuộc lần lượt được thành lập ở hầu hết các tỉnh thành của Nhật Bản.

Hiện nay, có tổng năm hội karate khu vực và gần 20 câu lạc bộ tại các vùng. Hội karate thường xuyên tham gia biểu diễn trong các sự kiện giao lưu văn hóa thể thao của FAVIJA cũng như của các hội khác của người Việt, cử VĐV tham gia các giải thi đấu chuyên nghiệp tại Nhật và có những thành tích đáng kể.

FAVIJA chuẩn bị thành lập thêm hội bóng bàn (PIVIJA) vào giữa năm 2023 nhằm tăng thêm nội dung thi đấu thể thao trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Không dừng lại ở các hoạt động giao lưu văn hoá thể thao, FAVIJA dần phát triển và lớn mạnh cả về quy mô và hình thức, đồng thời là chỗ dựa, địa điểm tin cậy để người Việt liên hệ mỗi khi cần sự giúp đỡ.

Chúng tôi giải đáp các thắc mắc liên quan đến quy định, pháp luật Nhật Bản; giải đáp và hướng dẫn các vấn đề liên quan đến sức khỏe, quy trình thủ tục đặt lịch hẹn, nhập viện khám và điều trị bệnh; kết hợp với các nghiệp đoàn, xí nghiệp của Nhật Bản giới thiệu việc làm miễn phí, kể cả công việc chính thức và việc làm thêm cho cộng đồng người Việt tại Nhật; đồng hành với các chương trình tư vấn khởi nghiệp cho các bạn trẻ người Việt tại Nhật.

Thông qua các sự kiện thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ, kêu gọi cộng đồng quyên góp giúp đỡ những trường hợp người Việt tại Nhật không may bị thất nghiệp vì dịch bệnh, các trường hợp gặp hoàn cảnh khó khăn như mắc bệnh hiểm nghèo, tại nạn lao động, tử nạn…

Ngoài chức năng phổ cập thông tin về pháp luật, Hội thực hiện công việc biên phiên dịch các hồ sơ tài liệu phổ biến kiến thức về pháp luật. Hỗ trợ biên phiên dịch cho các vụ án liên quan tới người Việt Nam tại sở cảnh sát, viện kiểm sát, tòa án…

Thêm vào đó, FAVIJA tổ chức thường niên cuộc thi hùng biện tiếng Nhật dành cho người Việt Nam; giới thiệu miễn phí cho các trường đại học, các trung tâm giảng dạy tiếng Nhật trong nước tiếp nhận giáo viên người Nhật sang giảng dạy theo hình thức tình nguyện viên..

Trong thời gian tới, Hiệp hội mở rộng các hoạt động thể thao khác để đáp ứng được sở trường khác nhau của đông đảo kiều bào ta tại Nhật.

Chúng tôi dự kiến thành lập CLB võ thuật truyền thống Vovinam, để giới thiệu rộng rãi hơn nữa môn thể thao này tới người dân Nhật Bản, với mong muốn môn thể thao truyền thống của Việt Nam sẽ được tổ chức ở các đấu trường quốc tế; tăng cường hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, trung tâm đào tạo thể dục thể thao trong nước nhanh tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật của Nhật Bản trong lĩnh vực y học thể thao, kinh tế thể thao…

Những việc cần chú trọng

Người Nhật thấy gì qua các hoạt động văn hóa, thể thao của cộng đồng người Việt?

Thông qua những hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa Việt tại Nhật, những người Nhật chưa từng đặt chân tới Việt Nam cũng có cái nhìn thiện chí và yêu mến Việt Nam hơn.

Họ nhận thấy người Việt Nam một cách thực tế với bản tính cần cù, thông minh, thân thiện, đoàn kết, thật thà. Đó là những nét tốt đẹp chung và có nhiều điểm tương đồng với người dân Nhật Bản, không phải cách nhìn phiến diện qua một số cá nhân “con sâu làm rầu nồi canh”.

Ông hãy điểm thêm những hoạt động mà FAVIJA sẽ triển khai để tăng cường tình hữu nghị hai ngước nhân kỷ niệm dấu mốc 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản?

Một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước là Giải bóng đá FAVIJA KANTO CUP 2023 với sự tham dự của 87 đội bóng. Bên cạnh đó, Hiệp hội tổ chức Lễ hội Việt Nam “Vietnam Festival” vào tháng 6/2023 tại công viên Yoyogi (Tokyo).

Thời gian tới, FAVIJA cùng khoa văn hoá và ngôn ngữ Nhật Bản - Đại học Đông Á phối hợp triển khai dự án phát triển văn hoá truyện tranh của Nhật Bản tại Việt Nam, xây dựng CLB chuyện tranh, môn truyện tranh và tiến tới thành lập khoa truyện tranh tại Đại học Đông Á.

Theo ông, phải làm gì để quan hệ Việt-Nhật phát triển hơn nữa trong tương lai?

Theo tôi, giáo dục là vấn đề then chốt quyết định thành công trong mọi lĩnh vực. Rất mong chính phủ hai nước tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực giáo dục, để nhân lực Việt Nam khi làm việc với người Nhật không bị rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, đạo đức nghề nghiệp. Cụ thể hơn là cần chú trọng yếu tố này tại các trung tâm giảng dạy tiếng Nhật, các công ty môi giới du học và xuất khẩu lao động đi Nhật.

Các cơ quan liên quan hai chính phủ cần có những chính sách phù hợp tạo môi trường thuận lợi cho người Việt Nam sinh sống tại Nhật và ngược lại tạo điều kiện cho người Nhật, doanh nghiệp Nhật đầu tư tại Việt Nam.

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

Những căn bếp diệu kỳ

Nhiều nữ đầu bếp gốc Việt lan tỏa đặc trưng của món ăn Việt Nam, giới thiệu văn hóa và con người Việt Nam đến thế giới

Lena’s Asian Kitchen không chỉ cung cấp bữa ăn tốt cho sức khỏe ở TP Houston, bang Texas - Mỹ với thực đơn phong phú các món châu Á mà còn là nơi nhiều người bắt đầu cuộc sống mới, theo đài ABC 13.

Sứ mệnh tươi đẹp

"Tôi tạo việc làm cho những người thoát khỏi nạn bạo hành gia đình, mà tôi là một trong số họ. Tôi đồng cảm với những người cùng hoàn cảnh - cảm thấy như chỉ có một mình - và đó là lý do tại sao tôi thực sự muốn nâng cao nhận thức về nạn bạo hành gia đình" - đầu bếp Lena Le, tức Lê Quỳnh Trang, chia sẻ với kênh ABC News.

Cô Tracey Diehl, người làm công việc sơ chế tại Lena’s Asian Kitchen, nói: "Cô ấy đã giúp tôi hiểu rằng tôi cần phải tin vào chính mình. Tôi đang lấy lại cuộc sống của mình và chuyển đến căn hộ của riêng mình". Trong khi đó, cô Jewel Miller, thợ làm bánh, cho biết: "Lena luôn ủng hộ người khác và cô ấy luôn cố gắng khuyến khích tôi làm mọi việc".

Trong chuỗi bài viết tôn vinh "Di sản của người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương" ở Houston vào năm ngoái, kênh FOX 26 cũng nhắc đến Lena Le. Nữ đầu bếp 37 tuổi trải lòng với kênh này rằng rất nhiều thành viên trong gia đình Lena’s Asian Kitchen đã trải qua quá khứ đầy nhọc nhằn, có thể là từ quê nhà của họ, trước khi đến Mỹ.

"Một số bị bạo hành thể chất, một số bị lạm dụng tình cảm, thậm chí một số còn bị tấn công tình dục. Chứng kiến họ đau khổ khiến tôi như bị tổn thương và tôi thực sự muốn thay đổi. Họ cần một công việc để bắt đầu tiết kiệm cho một cuộc sống mới, mua một chiếc xe mới và có được căn hộ của riêng họ" - cô bộc bạch.

Lena Le bắt đầu học về quản lý ẩm thực tại Học viện Nghệ thuật Houston sau khi rời Việt Nam sang Mỹ định cư năm 2015. Cô có nhiều năm làm việc tại các nhà hàng danh tiếng ở Houston như Bludorn và thậm chí còn giành được giải thưởng ẩm thực James Beard của Mỹ.

Từ đầu năm 2022, cô quyết định mở công ty ẩm thực của riêng mình, tập trung vào các món ăn lấy cảm hứng từ châu Á. Ý tưởng này đến từ việc sau những ngày làm việc vất vả trong thời gian đầu đến Mỹ, cô luôn muốn ăn một món mang hương vị quê nhà nhưng nhanh chóng nhận ra rằng những món ăn châu Á mà cô khao khát không có sẵn.

Món ăn Việt Nam chắc chắn hiện diện trong căn bếp ấm cúng của Lena, song không chỉ có vậy, họ còn phục vụ món ăn Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ… Tiêu chí hàng đầu là cung cấp các khẩu phần ngon nhưng vẫn phù hợp cả với những người có hạn chế về sức khỏe, cần một chế độ ăn uống đặc biệt.

Ý tưởng của Lena Le nhanh chóng được người Mỹ đáp lại với 400 đơn đặt hàng/tuần sau tháng đầu tiên "căn bếp kỳ diệu" mở cửa.

Tinh túy món Việt

Cũng như Lena Le, nhiều nữ đầu bếp gốc Việt được biết đến vì lan tỏa đặc trưng của món ăn Việt Nam, giới thiệu văn hóa và con người Việt Nam đến thế giới.

Đầu bếp Thi Le, quản lý nhà hàng Jeow và tiệm bánh mì Ca Com ở TP Melbourne - Úc, nằm trong số đó. Cô được tạp chí Gourmet Traveller bình chọn là "Đầu bếp của năm" vào tháng 9-2022, trước đó từng đạt cùng danh hiệu từ chuyên trang ẩm thực Foodservice (năm 2019).

Thổ lộ với đài phát thanh SBS (Úc), Thi Le nói cô quen với hương sắc những món ăn miền Nam của quê nhà: Không quá đậm vị và nhiều rau sống. Cô kể mẹ mình trồng đủ loại rau ở sân sau nên bữa ăn nào cũng có rổ rau tươi ngon.

"Chúng tôi đi lại nhiều, vì vậy vào cuối tuần, cả nhà cố gắng ăn nhiều rau. Khi thì chúng tôi làm món khổ qua xào trứng, khi thì nấu canh rau củ" - Thi Le kể lại.

Cô cho rằng rau thơm, cây gia vị là bí quyết làm dậy hương vị của món ăn Việt Nam. Đó cũng là lý do các nhà hàng của người Việt thường có đĩa rau thơm đi kèm. Rau thơm vốn được xem là "dược phẩm xanh", chẳng hạn mỗi khi bụng dạ cồn cào vì thức uống có cồn, Thi Le thường hay ăn phở, thay vì dằn bụng với thịt xông khói và trứng như một số người. Thi Le giải thích: "Phở là món ăn bổ dưỡng giúp làm ấm người".

Ngoài Thi Le, có một cô gái gốc Việt quảng bá ẩm thực quê hương nổi đình đám trên các nền tảng mạng xã hội và thu hút hàng triệu người theo dõi, đó là Tue (Tway) Nguyen. Cô sinh năm 1988, sống ở TP Los Angeles, bang California - Mỹ, học ngành nấu ăn tại Trường California Institute of the Arts.

Khi Mỹ bắt đầu trải qua làn sóng COVID-19 đầu tiên, Tue Nguyen chia sẻ clip nấu món cơm chiên trứng với xúc xích, hành lá, tỏi băm và nêm thêm chút nước mắm. Dù clip chỉ dài 30 giây nhưng truyền cảm hứng về món ăn Việt Nam với cả người Việt lẫn người nước ngoài, bước đệm đưa cô theo đuổi ngành ẩm thực.

Trả lời trang The Knockturnal, Tue Nguyen khẳng định: "Mục tiêu của tôi luôn là kết nối mọi người thông qua ẩm thực. Thành thật mà nói, tôi rành nhất là món ăn Việt Nam. Điều khó khăn với tôi chính là đơn giản hóa công thức nhưng vẫn không làm mất đi sự tinh túy của món ăn Việt".

Người đã truyền cảm hứng cho cô nấu nướng chính là đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain. Ông Bourdain cùng với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thưởng thức món bún chả tại Hà Nội năm 2016.

Mới đây, vào ngày 29-3, khi chia sẻ với truyền thông về việc mở nhà hàng món Việt tên ĐI ĐI ở khu Tây Hollywood vào tháng 6 tới, Tue Nguyen nói: "Món ăn của tôi luôn kể về trải nghiệm của bản thân. Việt Nam không ngừng phát triển và đã đến lúc đưa Việt Nam hiện đại đến với Hollywood. (…) Tôi muốn ẩm thực Việt Nam nhận được tình yêu và sự chú ý xứng đáng".

(Nguồn: Người Lao Động)

'Đường về nhà' của cô gái Pháp gốc Việt: Tìm mẹ ruột ở TP.HCM chỉ với một cái tên

Chỉ với manh mối ít ỏi là cái tên mà mẹ ruột để lại, chị Colomba Thanh (25 tuổi) vẫn hy vọng có thể tìm lại mẹ ruột. Đó là hành trình cô gái Pháp gốc Việt "tìm đường về nhà", về nguồn cội của mình.

Theo đó, câu chuyện về cô gái Pháp gốc Việt tìm lại mẹ với hy vọng mong manh khiến nhiều người xúc động. Ai cũng mong chị Colomba có thể hoàn thành tâm nguyện lớn trong cuộc đời của mình.

Giấu ba mẹ nuôi tìm mẹ ruột

Một ngày yên bình ở TP.Toulouse miền Nam nước Pháp, qua một cuộc gọi cách nửa vòng trái đất, chị Colomba chia sẻ với PV Thanh Niên khát khao tìm lại người mẹ đã bỏ rơi mình 25 năm về trước.

Gửi cho tôi những giấy tờ nhận nuôi nhuốm màu thời gian, nhưng còn được giữ gìn chu đáo, cô gái Pháp cho biết tên khai sinh của mình là Trần Thị Thanh, cất tiếng khóc chào đời lúc 12 giờ 45 phút ngày 13.7.1998 tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM). Mẹ ruột của Thanh, khai tên Trần Thị Hoa, vừa sinh con ra đã để con lại bệnh viện rồi bỏ đi không một lời nhắn nhủ.

Thanh được đưa đến Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình. Sau đó không lâu, một cặp vợ chồng người Pháp đến TP.HCM và nhận cô bé làm con nuôi. Kể từ đó, cuộc đời của Thanh sang một trang mới đầy tươi đẹp ở Bitschwiller-les-Thann, trong tình yêu thương bao la của ba mẹ nuôi. Cái tên tiếng Pháp Colomba cũng gắn bó với cô bé từ đây.

“Tại sao bạn muốn tìm lại mẹ ruột của mình lúc này?”, nghe tôi hỏi, cô gái Pháp đáp rằng từ những năm tháng ấu thơ, chị đã sống trong những thắc mắc về ngoại hình khác biệt của mình so với những xung quanh. Chị cũng không ngừng thắc mắc về nguồn cội và mong muốn được giải đáp.

“Nói thật, tôi đã ấp ủ tìm lại gia đình ruột từ ngày còn rất nhỏ, và mong muốn đó như giọt nước tràn ly cứ ngày một lớn dần theo tuổi đời của tôi. Khi trưởng thành, tôi đã làm nhiều cách khác nhau để tìm lại mẹ ruột, thông qua mạng xã hội cũng như nhờ những người tốt bụng ở Việt Nam, nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả nào. Điều duy nhất tôi biết về mẹ, chính là cái tên Trần Thị Hoa, mà tôi còn không biết có chính xác hay không”, cô gái nghẹn ngào.

Bắt đầu hành trình tìm lại cội nguồn, chị Colomba “bật mí” mình đã giấu ba mẹ nuôi. Bởi chị sợ rằng, họ sẽ buồn và tổn thương khi biết điều đó. Tuy nhiên, chị nói rằng việc làm này chỉ để giải đáp hết những thắc mắc của chị về nguồn cội, và ba mẹ nuôi là những người đã sinh ra chị lần thứ 2 mà chị mãi không bao giờ quên ơn nghĩa.

Sẽ khám phá hết Việt Nam

Từ trước tới nay, Colomba chưa bao giờ oán trách mẹ ruột đã bỏ rơi mình. Cô gái biết rằng bà đã không còn sự lựa chọn nào khác cho quyết định đó. Ngược lại, chị một lòng biết ơn mẹ đã sinh ra mình, để chị có được cuộc sống như hôm nay.

“Nếu được gặp lại mẹ, tôi sẽ hỏi bà tất cả những thắc mắc mà bấy lâu nay tôi đang mang trong tim, rằng vì sao bà bỏ lại tôi, rằng cuộc sống của bà như thế nào, rằng tôi còn có người thân nào khác không... Tôi cũng sẽ nói với bà rằng tôi sống rất tốt, rất hạnh phúc và mong bà hãy yên tâm về mình", chị chia sẻ.

Chưa một lần đến Việt Nam, nhưng trong trí tưởng tượng của cô gái Pháp, quê hương của mình thật xinh đẹp và yên bình. Chị cho biết vào tháng 6 tới chị sẽ bắt đầu hành trình trở lại nơi đã chào đời, khám phá hết cả 3 miền Bắc - Trung - Nam và hy vọng có thể được đoàn tụ cùng mẹ.

Chị Phan Thị Quỳnh Liên (28 tuổi, đang sống và làm việc tại Pháp) là bạn thân chị Colomba cũng là người đã hỗ trợ cô gái Pháp đi tìm ba mẹ ruột suốt thời gian qua. Quen nhau trong một lần tham gia hoạt động của hội sinh viên Việt Nam tại Pháp, chị Liên vô tình biết được câu chuyện của Colomba và rất xúc động trước mong mỏi lớn của người bạn Pháp.

“Tôi nghĩ mình phải làm gì đó để hỗ trợ cho Colomba. Với cái tên của mẹ ruột, dù hy vọng có nhỏ nhoi nhưng chúng tôi vẫn tin phép màu sẽ xảy ra với Colomba. Mong mọi người lan tỏa câu chuyện này. Nếu có thông tin gì, hãy liên lạc với anh Đỗ Hồng Phúc qua số điện thoại: 0569305323. Chúng tôi vô cùng biết ơn!”, chị Liên bày tỏ.

(Nguồn: Thanh Niên)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang