- Thời sự
Bếp Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình và trở thành một nếp sống quen thuộc với người dân Nga.
Thành công đáng kể này có đóng góp không nhỏ của một khu chợ ẩm thực của người Việt ngay tại thủ đô Moskva của nước Nga. Nhân dịp năm mới, mời các bạn ghé thăm địa chỉ ẩm thực thú vị này.
Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Moskva (Incentra) nay đã nổi tiếng là nơi lan tỏa những tinh thần, giá trị của người Việt Nam đến với người dân xứ sở Bạch Dương. Điểm nhấn đáng đáng chú ý nhất của Incentra là khu Trung tâm thương mại với khu vực các quán ăn Việt Nam qui tụ 16 nhà hàng Việt. Ngoài ra, khách đến với khu tổ hợp này cũng có thể mua các mặt hàng thực phẩm (bún, miến, phở khô), hoa quả tươi nhiệt đới đa dạng của Việt Nam tại tầng ngầm Trung tâm thương mại.
Khởi đầu từ 3, 4 nhà hàng, sau một thời gian kiên trì theo đuổi, tổ chức các festival ẩm thực, và quảng bá, người dân Moskva nay đã biết đến và thường lui tới thưởng thức các món ăn Việt tại Incentra. Anh Nguyễn Đức Phiên chủ quán ăn Việt Bếp, một trong những người đầu tiên mở nhà hàng kinh doanh tại khu ẩm thực này, cho biết thời gian đầu không ai biết đến ẩm thực Việt Nam, nên hầu như không có khách. Các chủ nhà hàng phải chịu lỗ có khi cả 6 tháng trời vì mỗi ngày chỉ bán được 2.000 - 3.000 ruble không đủ để trả tiền cho nhân viên. Tuy nhiên với lòng kiên trì, từng bước ngoài dân Moskva đã biết đến khu ẩm thực Việt Nam này và sau đó là một sự phát triển nhanh chóng, các quán ăn liên tiếp được mở cho tới hiện nay. Anh Phiên kể lại: “Khách đầu tiên họ đến ăn xong khi ra về họ nói spasibo (cảm ơn), và ochen vkusno (rất là ngon) làm mình cũng phấn chấn”. Ngồi nói chuyện với chúng tôi, gia đình anh Phiên – chị Ngọc cũng ôn lại giai đoạn khó khăn trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Chị Ngọc nhớ lại rằng thời điểm đó hàng ngày quán ăn nhà anh chị nấu khoảng 500 xuất ăn để cung cấp miễn phí cho các bác sĩ và y tá Nga trong các bệnh viện, các trạm cấp cứu.
Hiện nay khu ẩm thực ở Incentra có tổng cộng 16 nhà hàng với nhiều món ăn Việt Nam đặc sắc. Người dân thủ đô nước Nga đến đây được tiếp đón bằng những thực đơn đa dạng mang đậm bản sắc Việt Nam. Nhìn chung, có thể nói người dân Nga đã “phải lòng” các món ăn như bún chả, phở bò, nem rán, hay món Tom Yum chua cay của người Thái nhưng được Việt hóa và đã được sự tín nhiệm. Anh Dmitry, một thực khách Nga cho biết đã 2 năm qua anh thường xuyên ghé khu ẩm thực này 2 lần mỗi tuần bởi vợ anh làm ở gần đây và thường ăn trưa ở đây. Với anh Dmitry món bún chả của quán Xích Lô là ngon nhất. Anh cho biết khu ẩm thực định kỳ còn tổ chức các chương trình ca nhạc đặc sắc của người Việt.
Với những người Việt Nam, Trung tâm thương mại của Incentra là điểm đến để có thể thưởng thức một tô bún ốc, bún cá, một đĩa lòng giòn và hấp dẫn, hay nhâm nhi cốc café trứng hay bạc sỉu theo đúng phong cách Việt Nam. Chị Phan Thị Thu Hà, Chủ cửa hàng giải khát SH Tea cho biết quán nhỏ của chỉ mới đi vào hoạt động được 5 tháng, tuy nhiên đồ uống của quán đã được khách hàng Nga ưa thích đặc biệt là các loại trà sữa, nước trái cây… Chị cho biết: “những cái lúc mình làm ra sản phẩm cho họ uống họ nói ochen vkusno (rất là ngon) thì lòng sung sướng lắm… nói chung thì quán của tôi khách hàng đã uống một lần quay lại rất nhiều”.
Trong khi đó chị Vũ Thị Thanh Nhàn, quản lý Dân Tộc Quán cho biết thực khách Nga đến đây vì các món ăn ngon, vì những nét đặc sắc của ẩm thực Việt Nam. Nhị Nhàn giảng giải: “Bản sắc của Dân Tộc Quán là điểm nhấn đầu tiên vì chúng em đã kinh doanh ở nước Nga 20 năm rồi. Cho nên là nghe tên Dân Tộc Quán thôi họ cũng hiểu là đây là một nơi uy tín để đến”. Theo chị Nhàn, Dân Tộc Quán có sự đa dạng, phong phú nhiều lựa chọn về món ăn cho nên thực khách cũng có thể dễ dàng đổi sang các món mới trong mỗi lần đến.
Có thể thấy cơ hội phát triển trong lĩnh vực ẩm thực của người Việt tại xứ xử Bạch Dương là không hề nhỏ khi mà đồ ăn Việt đã được chọn là một phong cách sống của người Nga. Năm mới Giáp Thìn đã tới, chúc cho người Việt Nam sẽ có thêm những thành công mới trên con đường chinh phục thực khách Nga ngay tại chính quê hương của họ.
Hòa chung không khí với hàng trăm triệu người trên khắp thế giới mừng đón năm con rồng, người Việt đang sinh sống tại Đài Loan cũng tưng bừng ăn Tết Nguyên đán.
Đây là là dịp nghỉ lễ lớn nhất tại Đài Loan, khi hầu hết các công ty cho nhân viên nghỉ sáu ngày, các lao động Việt cùng nhau tụ họp và cầu cho một năm mới bình an, suôn sẻ.
Theo số liệu thống kê từ chính quyền Đài Loan, có khoảng 260.000 lao động Việt Nam tại Đài Loan (năm 2022), chưa kể người Việt sinh sống lâu dài ở hòn đảo này.
Họ đang chuẩn bị như thế nào và cách họ làm vơi đi nỗi nhớ nhà ra sao?
Ba năm mới được về một lần
Từ thành phố Gia Nghĩa ở miền nam Đài Loan, anh Trần Tuấn Rôn (người Quảng Trị, 32 tuổi), công nhân của công ty chuyên sản xuất pallet gỗ, nói với BBC đây là lần thứ sáu anh đón Tết xa nhà.
“Mình đã qua Đài Loan được sáu năm và theo hợp đồng thì ba năm mình mới được phép về quê một lần. Vì vừa về thăm gia đình vào cuối tháng 5/2023 nên Tết này mình ở lại đón Tết với rất nhiều anh chị em lao động khác tại căn nhà nhỏ ấm áp tại khuôn viên văn hóa Việt Nam này,” anh Tuấn Rôn chia sẻ.
Trung tâm mà Tuấn Rôn nhắc đến là không gian do đạo diễn gốc Việt Nguyễn Kim Hồng cùng người chồng Đài Loan Thái Sùng Long, một nhà làm phim tài liệu, sáng lập vào năm 2017.
Theo thời gian, địa điểm với tên gọi Người Việt tại Gia Nghĩa này trở thành nơi giao lưu tương tác của lao động Việt Nam, người nhập cư và cả cộng đồng địa phương.
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Marie Claire, bà Hồng nói rằng Người Việt tại Gia Nghĩa là một không gian mà bà luôn mong ước tạo ra từ khi còn trẻ.
Ban đầu, kế hoạch đơn giản chỉ là có một nơi người Việt Nam tụ họp hoặc giao lưu với cộng đồng địa phương, "để cho nhiều người Đài Loan thực sự hiểu được văn hóa Việt Nam và từ đó tôn trọng chúng tôi," bà nói.
Trong dịp Tết Nguyên đán, các lao động Việt sẽ phân công nhóm trang trí khuôn viên, nhóm tổ chức đi chợ chuẩn bị thực phẩm nấu nướng cúng ông bà tổ tiên sau đó ăn uống và cùng nhau đón giao thừa.
Đồng thời, nhiều hoạt động khác cũng được tổ chức tại đây giúp giới thiệu văn hóa Việt Nam và mô tả điều kiện làm việc của lao động nhập cư với người dân địa phương và cả du khách quốc tế.
Anh Lê Anh Ngọc, người Quảng Bình, 26 tuổi, cũng là một người thường xuyên tới trung tâm Người Việt tại Gia Nghĩa.
Nói đến Tết, anh không giấu nỗi nhớ quê: “Tôi cảm thấy hạnh phúc khi có một nơi như thế này, để tôi có thể đón Tết cùng bạn bè. Nhưng tôi cũng cảm thấy buồn mỗi dịp Tết vì nhớ gia đình ở Việt Nam."
Anh Ngọc cho biết không khí Tết ở Đài Loan không sôi động như ở Việt Nam nên với anh, nỗi nhớ nhà, gia đình và bạn bè càng trở nên da diết.
Nhân dịp năm mới, mong muốn của anh là có mức lương tốt hơn.
Làm việc trong một nhà máy đến nay đã sáu năm, anh tâm sự rằng làm việc ở Đài Loan thực sự vất vả, giờ làm việc kéo dài và rất mệt mỏi, thế nhưng mức lương nhận được theo anh là chưa tương xứng.
Đồng quan điểm, anh Tuấn Rôn hy vọng rằng chính phủ Đài Loan có thể hỗ trợ mức lương xứng đáng hơn cho lao động người Việt.
Ngoài ra, theo anh, mức lương thấp cũng như thời gian làm việc kéo dài, anh và các đồng hương còn gặp khó khăn về rào cản ngôn ngữ.
Tụ họp để vơi nỗi nhớ nhà
Giống như những lao động ở Gia Nghĩa, thành phố được mệnh danh là vựa lúa của Đài Loan, nỗi nhớ gia đình cũng luôn thường trực trong lòng bà Nga Nguyễn, người đang sinh sống tại Cao Hùng.
Bà Nga năm nay đã hơn 50 tuổi, quê ở vùng nông thôn miền Trung Việt Nam và đến xứ Đài từ hơn 20 năm trước.
Do hoàn cảnh khó khăn và chồng mất sớm, bà một thân một mình đến thành phố Cao Hùng kiếm sống và gửi tiền về nuôi cha mẹ già và hai con gái nhỏ nơi quê nhà.
Ban đầu, bà Nga làm công nhân trong một nhà máy điện tử, sau đó chuyển sang chăm sóc bệnh nhân tại một bệnh viện.
Sau 20 năm sống tiết kiệm, cuối cùng bà đã mua được một căn hộ nhỏ gần một bệnh viện lớn ở Cao Hùng và ổn định cuộc sống tại đây.
Khi nói về Tết Nguyên đán, bà Nga kể rằng bà hiếm khi về quê thăm gia đình trong nhiều năm qua do giá vé máy bay đắt đỏ trong dịp lễ tết.
Mẹ của bà cũng chỉ mới sang Đài Loan được một lần. Sau đó, mẹ của bà đã qua đời vì bệnh tật, bà không còn cơ hội cùng mẹ đón Tết.
Hiện tại, đôi khi bà Nga vẫn phải làm việc trong dịp Tết.
Nếu có thời gian nghỉ phép, bà Nga sẽ tụ họp cùng các chị em người Việt và bạn bè Đài Loan để nấu các món ăn Việt Nam, sửa soạn đầu tóc và tặng quà cho nhau. Họ cũng đến chùa để cầu nguyện một năm mới suôn sẻ.
Trao đổi với BBC, bà Nga nói bà biết ơn vì bạn bè và cộng đồng ở Đài Loan là những người thấu hiểu hoàn cảnh và giúp bà bớt cô đơn mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Bà cũng chia sẻ rằng công nghệ, chẳng hạn như gọi video, đã giúp bà kết nối với gia đình ở Việt Nam dễ dàng hơn.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn cùng nỗi nhớ nhà, bà Nga vẫn quyết tâm tiếp tục làm việc ở Đài Loan, mong mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho con em mình.
Năm nay, nhiều lao động Việt Nam tại Đài Loan đón Tết Nguyên đán bằng cách tụ họp, chuẩn bị các món ăn truyền thống và tham gia những hoạt động do các trung tâm văn hóa như Người Việt tại Gia Nghĩa tổ chức.
Những không gian như vậy phần nào giúp không khí ngày xuân trở nên vui vẻ, nhưng trong lòng họ vẫn khắc khoải nỗi nhớ Tết quê nhà và nỗi lo về những khó khăn trong công việc mà họ phải đối mặt hằng ngày.
Không hối hả, sôi động như ở Việt Nam, không khí đón Tết của những gia đình người Việt ở Mỹ khá giản dị nhưng ấm cúng. Tết đến, Xuân về là lúc mọi người con xa xứ lại trào dâng cảm xúc nhớ nhà, nhớ không khí đón Tết.
Năm nào cũng vậy, nhà chị Vũ Thu Thủy ở bang Virginia luôn là địa điểm để bạn bè, đồng nghiệp của các thành viên trong gia đình tụ họp gói bánh chưng chuẩn bị cho Tết. Mỗi người một việc, người thì lau, cắt lá chuối vì không có lá dong, người thì chuẩn bị nguyên liệu, người có kinh nghiệm hơn thì được giao gói bánh và hướng dẫn những người còn lại.
Bánh chưng hay những thứ đồ Tết khác ở Mỹ cũng khá dễ mua nhưng tụ họp gói bánh chưng chính là dịp để mọi người cùng nhau ôn lại chuyện cũ và nhớ lại những kỷ niệm xưa mỗi khi Tết đến.
“Hàng năm chúng tôi tụ tập với nhau rất đông vui, không chỉ người lớn mà cả các cháu nhỏ. Chúng tôi muốn truyền cảm hứng cho các cháu, để các cháu thấy rằng là truyền thống gói bánh chưng của dân tộc rất là đẹp. Khi được truyền cảm hứng, các cháu sẽ tiếp tục những truyền thống của chúng ta. Mặc dù cũng cố gắng nhưng không phải năm nào cũng có thể về Việt Nam ăn Tết được cho nên nếu được về ăn Tết thì chúng tôi cố gắng giữ được tinh thần như ở Việt Nam để chúng tôi cảm thấy gắn bó hơn và thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn”, chị Vũ Thu Thủy chia sẻ.
Làm ăn và sinh sống ở nước ngoài cùng với cuộc sống bộn bề nên không phải ai cũng có cơ hội được về Việt Nam đón Tết cùng gia đình và người thân. Do đó, việc quây quần cùng nhau để ôn lại các kỷ niệm về Tết, về Việt Nam cũng phần nào làm nguôi ngoai nỗi nhớ nhà.
Chị Nguyễn Thục Quyên chia sẻ: “Tôi cũng xa quê hơn 10 năm rồi và như vậy cũng đã 10 năm không được ăn Tết bên gia đình nên mỗi khi Xuân về tôi thường rất nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ ông bà, nhớ bạn bè, nhớ ngày xưa mình đã chuẩn bị Tết như thế nào. Ngày xưa ở nhà chỉ biết phục vụ bà với mẹ thôi và rửa lá, đãi đỗ sau đó thì ngồi xem bà với mẹ gói bánh còn đi sang đây thì mới bắt đầu học gói bánh chưng. Chúng tôi có một hội chị em xa nhà ở vùng Virginia và Washington DC hay tụ họp hàng năm, bận gì thì bận, chúng tôi vẫn cố gắng dành ra một ngày để cùng nhau gói bánh. Chúng tôi ở đây thường có rất nhiều kỷ niệm chung như thời ngày xưa đi học bằng xe đạp hay xe buýt, thời bắt đầu ra trường đi làm, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa. Những kỷ niệm chung đó mọi người đều cùng chia sẻ nên mỗi lần gặp nhau rất vui”.
Những buổi cùng nhau gói bánh chưng như thế này không chỉ là dịp để những người Việt tại Mỹ gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ mà còn là dịp để đưa nét đẹp của văn hóa Việt Nam đến với các bạn bè, đồng nghiệp người Mỹ. Đây là lần đầu tiên anh Clay, một giáo viên, được đồng nghiệp người Việt mời tới nhà để xem cách thức chuẩn bị đón Tết. Anh Clayton Wylie đã rất háo hức khi biết đến bánh chưng, được hướng dẫn gói bánh và được giới thiệu về Tết của Việt Nam.
“Trước đây tôi không biết gì về Tết và đây là lần đầu tiên tôi được học gói bánh chưng. Mùi vị bánh chưng khá hấp dẫn nhưng gói bánh thì rất thách thức và điều này cần phải tập nhiều. Tôi rất thích không khí như thế này khi mọi người vừa làm, vừa cười và nói chuyện rất vui. Tôi rất mong được sớm thăm Việt Nam, có thể là vào dịp Tết vì khi đó tôi sẽ biết nhiều hơn về các món ăn của Việt Nam và tham gia vào các hoạt động đón Tết. Tôi nghĩ đó là dịp tốt nhất để thăm Việt Nam”, anh Clay kể.
Tết đến, Xuân về là lúc mọi người con xa xứ, mọi người Việt ở Mỹ, lại trào dâng cảm xúc nhớ nhà, nhớ không khí đón Tết và trong thâm tâm họ vẫn luôn hướng về tổ quốc, về quê hương với những ký ức, tình cảm sâu đậm nhất.
“Năm nay lại là một năm mới nữa rồi, nhất là năm nay là năm con rồng, tôi mong rằng tất cả các gia đình sẽ có một năm mới tấn tới, nhà nào cũng ấm no, hạnh phúc và luôn luôn truyền cảm hứng cho các cháu để các cháu giữ được bản sắc của mình”, chị Thủy cho biết.
Mong mỏi của những người Việt thành danh ở Angola là xây dựng những công trình có dấu ấn Việt Nam và tạo dựng “làng người Việt” trên mảnh đất này.
18 năm trước, trên chuyến bay đến Angola, anh Nguyễn Văn Hòa (nguyên quán xã Chân Lý, Lý Nhân, Hà Nam) nhìn từ trên cao thấy những căn nhà bé như những hộp diêm và phất phơ như chiếc ô.
Ở mảnh đất châu Phi nghèo và buồn tẻ ấy, chàng thanh niên Việt Nam chỉ mong muốn được làm việc để trả món nợ ở quê nhà và tìm chút vốn dắt lưng cho tuổi già. Vậy mà 18 năm sau, anh trở thành doanh nhân đầu tiên được công nhận có đóng góp lớn nhất cho địa phương trong 40 năm qua.
Đi lên từ thợ photocopy
Hầu hết người Việt đến Angola những năm đầu 2000 khởi nghiệp với nghề photocopy và chụp ảnh cho người bản địa. Nhiều người giàu lên, có của ăn của để nhờ nghề này. Ban đầu, anh Hòa làm thuê cho một cửa hàng chụp ảnh. Nhờ chịu thương chịu khó, nhìn đâu cũng ra việc, thấy đâu cũng là cơ hội kiếm tiền, anh Hòa dần có cơ sở photocopy của riêng mình.
Từ chủ một cửa hàng nhỏ, anh Hòa dần tìm hiểu và phát triển những ngành nghề mình có thể làm được. Điểm danh mục anh đã “đầu tư” mới thấy ý chí kiên cường của chàng trai gốc Hà Nam nơi xứ người: Photocopy, chụp ảnh, chạy taxi, bán phụ tùng xe máy, “đánh hàng” từ Trung Quốc sang Angola, bán phụ tùng ô tô, mở gara sửa xe, mở siêu thị mini… Cuối cùng, anh trở thành nhà thầu xây dựng, chuyên xây dựng các công trình công tại tỉnh Huambo nơi anh sống và phát triển rộng ra toàn quốc.
Nói về lần quyết định mở rộng thêm mặt hàng phụ tùng xe máy, anh Hòa cho biết, Angola là đất nước còn nghèo, thời điểm anh sang chỉ mới kết thúc chiến tranh được ít năm nên kinh tế còn rất khó khăn. Gia đình Angola nào có xe máy lúc đó là cả một sự nỗ lực, nên các dịch vụ đi kèm chiếc xe còn rất ít. Anh nắm bắt cơ hội đó và mở ngay một cửa hàng sửa xe, rồi dần dần nhập cả phụ tùng từ Việt Nam hoặc Trung Quốc sang để bán.
Hay như khi anh quyết định mua ô tô để chạy taxi, nhu cầu đi lại ở đây rất lớn. Anh chung tiền với một người bạn Việt Nam và thuê người bản địa lái (vì pháp luật Angola quy định chỉ người trong nước mới được lái xe dịch vụ). Trong tuần, tiền công lái xe là trọn một ngày doanh thu từ taxi, 6 ngày còn lại anh và bạn chia đôi.
“Người Việt mình đi ra ngoài chỉ cần có ý thức kiếm tiền là sẽ thành công thôi. Tôi nhìn đâu cũng thấy cơ hội phát triển, chỉ là mình có tích lũy đủ vốn cho việc đó hay không thôi”, doanh nhân người Việt ở Angola nhận định.
Cái khó ló cái khôn
Năm 2009 là dấu ấn lớn của Nguyễn Văn Hòa khi anh quyết định đưa nhiều người cùng quê sang Angola để mở rộng các mô hình kinh doanh của mình. Anh duy trì tất cả các loại hình dịch vụ đã làm chủ với suy nghĩ “không dồn trứng vào một giỏ”. Khi anh mở chuỗi 3 siêu thị mini ở tỉnh, không chỉ người dân bản địa yêu thích mà người nước ngoài sinh sống ở đây cũng là khách hàng quen thuộc. Cửa hàng của anh bán những thứ hàng khô quen thuộc với người Việt như mỳ chính, hạt tiêu, đồ ăn khô…
Khi tích lũy đủ, anh mở rộng sang ngành xây dựng, thầu các công trình công như ủy ban, trường học… Công nhân viên của anh đến nay có khoảng 40 - 50 người Việt, 200 - 300 người bản địa.
Năm 2020, khi dịch COVID-19 ập đến Angola, việc kinh doanh trở nên khó khăn. Đa số người nước ngoài, bao gồm cả người Việt ở Angola tìm đường về nước, nhưng anh Hòa quyết tâm ở lại.
Ở thời điểm mọi người co cụm vốn đầu tư, anh quyết định đặt vấn đề với địa phương, xây tặng một trường dành cho trẻ mồ côi gồm 12 lớp học. Trong tính toán của anh, khi tạo dựng được niềm tin vào chính quyền và người dân, uy tín tăng cao sẽ giúp anh nhận được các công trình công ở địa phương.
Đầu năm 2022, công trình được nghiệm thu, trở thành công trình đầu tiên do người dân Việt Nam xây dựng tặng đất nước Angola.
Khánh thành ngôi trường, không chỉ quan chức cấp tỉnh mà lãnh đạo Chính phủ Angola cũng đến dự và gặp gỡ nói lời cảm ơn vị doanh nhân người Việt. Sau đó, công ty anh Hòa nhận “mưa công trình trường học”, giúp anh lo được cho công nhân viên trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Theo nhận định của doanh nhân người Việt, tiềm năng phát triển của Angola rất lớn, con người nơi đây thật thà, chất phác. Người Việt cũng không giấu nghề, hỗ trợ người bản xứ rất nhiều trong các ngành nghề như xây dựng, nông nghiệp, mộc, sửa chữa… Được người Việt sang dạy nghề, họ tiếp thu tốt và ngày càng nhiều kỹ năng phát triển. Một bộ phận người Việt ở Angola làm ăn thành công. Trong khoảng thời gian dài từ những năm 1990 - 2000, lượng kiều hối từ Angola về Việt Nam rất lớn.
Giấc mơ ấp ủ
Trong những ngày dịch COVD-19 hoành hành, anh Hòa hỗ trợ nhiều địa phương phía nam Angola xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị các ca bệnh, đón thiết bị y tế từ các quốc gia phương Tây về lắp đặt tại đây. Anh ấp ủ giấc mơ xây một bệnh viện của người Việt Nam, do người Việt Nam điều hành trên đất nước Angola.
Được sự đồng ý của chính quyền địa phương, anh dồn hết nguồn lực mua đất và đầu năm 2023 bắt tay xây dựng bệnh viện hơn 400 giường bệnh. Anh cũng tự nhập các trang thiết bị, máy móc hiện đại mà không tìm thêm nguồn lực hỗ trợ khác. Bệnh viện quy mô lớn ở miền Nam Angola rất hiếm. Vì thế công trình của anh Hòa gây ấn tượng sâu sắc với người dân.
“Thế hệ trẻ giỏi hơn tôi. Tôi chỉ biết xây dựng, còn duy trì và phát triển bệnh viện một cách bền vững hơn thì tùy thuộc hết vào lớp trẻ”
Anh Hòa cũng đóng góp không nhỏ vào việc duy trì và phát triển, giữ vững tinh thần đoàn kết trong cộng đồng người Việt ở Angola. Nhà anh luôn là nơi đón tiếp các thế hệ, các thành phần người Việt ở đất nước này, từ người dân làm công, tới lớp trẻ năng động như các vlogger Tiến Tuti, Huế Cô gái châu Phi và Quang Linh nổi tiếng với kênh Youtube Quang Linh Vlog - Cuộc sống ở châu Phi.
Trong những cuộc gặp của cộng đồng người Việt tại Angola, anh Hòa cùng mọi người ấp ủ ý tưởng sẽ hình thành các cộng đồng nhỏ có thể giúp nhau kinh doanh, từ đó tạo dựng những ngôi làng người Việt nơi đây.
Sức sống của một cộng đồng người Việt ở châu Phi
Ông Dương Chính Chức - Đại sứ Việt Nam tại Angola cho biết, vào những năm 1980, cộng đồng người Việt Nam ở Angola lên đến hơn 50.000 người. Tuy nhiên, do dịch bệnh cùng nhiều yếu tố khách quan, hiện nay cộng đồng người Việt Nam ở Angola còn khoảng hơn 8.000 người, là cộng đồng có số lượng kiều bào lớn nhất tại châu Phi. Cộng đồng đó gồm 3 nhóm: các chuyên gia y tế và giáo dục, các doanh nghiệp tư nhân và lao động làm thuê.
Nhóm doanh nghiệp tự lập hoạt động khá đa dạng, chủ yếu là xây dựng, gara ô tô, mộc, nông nghiệp, sản xuất bánh mì, may mặc, mở ki-ốt bán hàng Việt Nam và thực phẩm thường dùng.
Ông Chức cũng cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại Angola vốn dĩ hoạt động khá nhộn nhịp nhưng bắt đầu nổi lên từ cách đây vài năm nhờ một số lý do chính.
Trước hết, việc tổ chức các hoạt động cộng đồng giữa người Việt với nhau, hoặc giữa người Việt với người dân Angola vốn là truyền thống, có sẵn từ lâu. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng người Việt luôn tổ chức giao lưu để tăng cường đoàn kết, gắn bó và thực hiện nhiều hoạt động từ thiện đối với người dân địa phương, làm sâu sắc thêm tình cảm hữu nghị, đề cao hình ảnh người Việt.
Thứ hai là vài năm gần đây, xuất hiện các trang, tài khoản mạng xã hội nổi tiếng của người Việt sinh sống tại Angola, như Quang Linh Vlog, Đông Paulo, Tiến Tuti, Cô gái châu Phi…, giúp lan truyền hình ảnh cộng đồng tốt hơn. Họ nắm bắt và tận dụng rất tốt các công cụ về hình ảnh và âm thanh để làm truyền thông, đưa những hình ảnh chân thực về cuộc sống của cộng đồng người Việt và người dân Angola ra thế giới.
Thứ ba, là yếu tố nhân đạo, thiện nguyện trong các hoạt động, giúp mình, giúp người, được nhiều người khuyến khích, ủng hộ.
“Tôi cho rằng cộng đồng người Việt ta tại các nước khác cũng nhộn nhịp và ý nghĩa không kém, vấn đề là cần biết cách sử dụng khoa học công nghệ và kết hợp với truyền thông”
Bên cạnh đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola cũng từng bước phát triển cộng đồng ngày một vững mạnh hơn. Hiện nay, Đại sứ quán cùng cộng đồng người Việt tại Angola đang xây dựng Hội doanh nhân Việt Nam tại Angola, hoặc Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Angola. Việc lập hội sẽ giúp củng cố đoàn kết giữa các doanh nghiệp, hỗ trợ có tổ chức, hệ thống hơn đối với doanh nghiệp, nhất là việc đề xuất, kiến nghị chính sách đối với chính quyền trung ương và địa phương của Angola và đưa các doanh nghiệp hoạt động thống nhất theo khuôn khổ, quy tắc chung.
Băng nhóm đối tượng người Việt đang làm việc tại Campuchia lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhiều người dân trên cả nước với số tiền hơn 200 tỷ đồng.
Ngày 8/2, thông tin từ Công an Nghệ An, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố có liên quan vừa phá thành công chuyên án đấu tranh với băng nhóm đối tượng người Việt Nam đang làm việc tại Campuchia lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân ở nhiều địa phương trên cả nước với số tiền hơn 200 tỷ đồng,
Theo tài liệu CQĐT, từ tháng 7/2023 qua công tác nắm tình hình, Công an Nghệ An phát hiện có một số đối tượng, ổ nhóm có nhiều dấu hiệu nghi vấn đang làm việc cho các công ty tại nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam ở nhiều địa phương trên cả nước.
Quá trình đấu tranh, CQĐT xác định Tăng Quảng Vinh (SN 1989), trú tại quận 5, TP.Hồ Chí Minh là một trong những đối tượng chủ mưu quản lý, điều hành cấu kết với các đối tượng người Nghệ An và các đối tượng người nước ngoài tổ chức cho các đối tượng người Việt Nam hoạt động phạm tội trong các công ty tại nước ngoài.
Theo đó, băng nhóm này được tổ chức thành 3 tuyến gồm D1, D2, D3. Cụ thể, D1 là các đối tượng sẽ đóng vai cán bộ làm việc tại các cơ quan chức năng có nhiệm vụ gọi cho những người dân theo danh sách đã soạn sẵn thông báo tới “con mồi” việc bị khóa sim, phong tỏa tài khoản ngân hàng vì nạn nhân đang liên quan tới các tổ chức lừa đảo hoặc tài khoản, số điện thoại đang được các tổ chức lừa đảo sử dụng để hoạt động phạm tội. Khi bị hại đã tin tưởng vào kịch bản, các đối tượng D1 sẽ chuyển cuộc gọi của nạn nhân cho D2.
Tuyến D2 là những đối tượng xưng là Đại úy A - Cán bộ Cục Cảnh sát Bộ Công an (hoặc đơn vị khác phù hợp), thông báo cho bị hại rằng giấy tờ tùy thân của ông/bà đang bị tội phạm lợi dụng phạm tội... (phù hợp với nội dung cuộc gọi của D1), yêu cầu phối hợp điều tra, đe dọa ra lệnh bắt tạm giam, lệnh phong tỏa tài khoản của bị hại. Khi bị hại sợ hãi, đối tượng yêu cầu bị hại khai báo hiện dùng tài khoản ngân hàng gì, các tài sản (sổ tiết kiệm, tiền mặt, vàng, ngoại tệ, xe cộ...) hiện có để cơ quan chức năng xác minh, nếu không phải bị hại tiếp tay cho tội phạm sẽ trả lại. Sau khi bị hại cung cấp các thông tin về tài khoản ngân hàng, mật khẩu…các thông tin này sẽ chuyển cho D3 (là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây). Lúc này tuyến D3 yêu cầu bị hại ra ngân hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, đọc thông tin đăng nhập và các mã OTP cho đối tượng, qua đó chiếm đoạt được tài khoản ngân hàng điện tử của bị hại. Tiếp đó, các đối tượng D3 yêu cầu bị hại rút sổ tiết kiệm, vay tiền chuyển vào tài khoản ngân hàng rồi thao tác chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của bị hại đến các tài khoản ngân hàng của đối tượng để chiếm đoạt.
Toàn bộ quá trình liên hệ với bị hại, các đối tượng luôn yêu cầu bị hại ở không gian độc lập, kín đáo, không được cho ai khác biết sự việc, thường xuyên giữ liên lạc để dễ dàng thao túng tâm lý bị hại.
Quá trình theo dõi, bằng các biện pháp nghiệp vụ, từ 4h30 đến 8h ngày 6/2, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, Công an các huyện Yên Thành, Con Cuông, Diễn Châu, Tân Kỳ, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Tổ 373 (Công an Nghệ An)... và Công an TP.Hồ Chí Minh, Công an các tỉnh: Bình Thuận, Long An, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) phá thành công chuyên án, đồng loạt khám xét, bắt giữ 32 đối tượng trong đường dây tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thu giữ nhiều tang vật có liên quan.
Vinh là đối tượng cầm đầu, 31 đối tượng còn lại bị Cơ quan Công an bắt giữ có 3 đối tượng trú tại TP.Hồ Chí Minh gồm Vũ Hoàng Minh Tuấn (SN 1992); Lê Tuấn (SN 1996) và Phạm Thanh Hậu (SN1996) cùng 2 đối tượng trú tại các tỉnh Bình Thuận và Thanh Hóa gồm: Lê Văn Tâm (SN 1998), trú huyện Tánh Linh, Bình Thuận và Lê Tiến Tùng (SN 1991), trú tại huyện Đông Sơn, Thanh Hóa.
Tại Nghệ An, liên quan tới đường dây trên, Cơ quan Công an đã bắt giữ 26 đối tượng trú tại tỉnh Nghệ An gồm: 15 đối tượng trú tại huyện Yên Thành; 7 đối tượng trú tại huyện Con Cuông; 3 đối tượng trú tại huyện Diễn Châu; 1 đối tượng trú tại huyện Tân Kỳ.
Tại Cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam cư trú ở nhiều địa phương trên cả nước với số tiền lừa đảo khoảng hơn 200 tỷ đồng.
Hiện, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An đang tiếp tục đấu tranh mở rộng chuyên án. Công an Nghệ An thông báo những ai là nạn nhân của nhóm đối tượng lừa đảo trên chưa liên hệ với Cơ quan Công an thì nhanh chóng trình báo Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An để được phối hợp, giải quyết.
Nguồn: Soha; BBC; VOV; VTC; Người Đưa Tin
Hỏa hoạn lớn bùng phát tại trung tâm mua sắm Marywilska tại thủ đô Warsaw vào rạng sáng 12.05.2024 thiêu rụi hàng trăm gian hàng. Bao người Việt kinh doanh ở đây bất lực nhìn tài sản bỗng chốc tan thành mây khói.
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá