Ngoại giao khí hậu; Đổi đất rừng lấy dự án thương mại; Loạt sai phạm của tỉnh Hà Nam; Kỷ luật loạt cá nhân, tổ chức đảng

Ngoại giao khí hậu

(Ảnh minh họa).

Tại hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra nhiều cam kết mạnh mẽ trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bao gồm cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và việc tham gia Cam kết giảm phát thải khí mê tan toàn cầu với hơn 100 nước thành viên; Tuyên bố chuyển đổi điện than sang điện sạch với 46 nước tham gia; Tuyên bố Glasgow các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất với 141 nước tham gia. Những cam kết của Việt Nam tại COP26 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhiều đối tác quốc tế quan trọng đã khẳng định sẽ hỗ trợ, đồng hành của Việt Nam thực hiện các cam kết này.

Nhiều bộ, ngành với trách nhiệm thực hiện cam kết nói trên trong đó có ngành ngoại giao. Ngày 21/2/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan triển khai công tác Ngoại giao khí hậu nhằm hỗ trợ các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan huy động nguồn lực quốc tế phục vụ mục tiêu nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và đạt phát thải ròng bằng 0, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam tại các tổ chức, cơ chế và diễn đàn đa phương.

Từ ngày 01 đến ngày 03/6/2022, tại Stockholm, Thuỵ Điển diễn ra hai Hội nghị quan trọng về môi trường như :

Thứ nhất, Phiên họp cấp cao của Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại và việc tiêu huỷ chúng, Hội nghị lần thứ 10 các bên tham gia Công ước Rotterdam về thủ tục thoả thuận có thông báo trước đối với một số hoá chất nguy hại và thuốc bảo vệ thực vật trong thương mại quốc tế và Hội nghị lần thứ 10 các Bên tham gia Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ năm 2022 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp vào ngày 01/06/ 2022.

Thứ hai, Hội nghị Stockholm + 50: một hành tinh khoẻ mạnh vì sự thịnh vượng cho tất cả mọi người- trách nhiệm của chúng ta, cơ hội của chúng ta đã được tổ chức theo hình thức trực tiếp từ ngày 02 đến ngày 03/06/2022 nhằm kỷ niệm 50 năm kể từ Hội nghị đầu tiên của Liên hiệp quốc về Môi trường và Con người được tổ chức tại Stockholm, Thuỵ Điển năm 1972.

Với vai trò là Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Basel và Công ước Stockholm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Đoàn công tác tham dự Hội nghị Hội nghị Stockholm + 50. Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển đã có nhiều hoạt động cụ thể, tạo điều kiện tốt nhất để đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả đoàn công tác đã gặt hái được nhiều thành công và góp phần thúc đẩy vai trò, vị thế của Việt Nam trên diễn đàn đa phương cũng như trong lĩnh vực môi trường.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Đổi đất rừng lấy dự án thương mại: Được gì và mất gì?

Không chỉ những cánh rừng trên núi, rừng phòng hộ nằm ngay giữa đồng bằng cũng bị tàn phá nghiêm trọng, chỉ để đổi lại là các dự án nghỉ dưỡng, sân golf…

Câu chuyện quản lý, bảo vệ "lá phổi xanh" ở Việt Nam đã, đang và sẽ có nhiều vấn đề phải suy ngẫm, khi chọn kinh tế và bỏ qua những lợi ích vô giá về sinh thái mà rừng mang lại, trong dài hạn sẽ khiến chúng ta mất nhiều hơn được.

Rừng "ngã" xuống để dự án “mọc” lên

Điển hình là dự án Khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Khu đô thị Nam Đà Lạt, ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). Theo đó, Công ty CP đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh, trụ sở tại TP Đà Lạt) chủ đầu tư dự án đã để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp với tổng diện tích 368 ha. Trong đó, phá rừng 257 ha, lấn chiếm 111 ha.

Liên quan đến việc để mất rừng, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Công ty Sài Gòn Đại Ninh bồi thường theo quy định. Tuy nhiên, dù bồi thường với mức nào đi chăng nữa, cũng khó có thể trả lại phần rừng đã bị mất đi.

Tương tự, năm 2020, Công ty TNHH Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng bị phát hiện phá thông trong rừng phòng hộ tại Thung lũng tình yêu - Nơi được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích thắng cảnh cấp Quốc gia năm 1998, để phục vụ xây dựng công trình trái phép.

Cũng trên địa phận tỉnh Lâm Đồng, Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức chủ đầu tư dự án khu điều dưỡng, nghỉ dưỡng, an dưỡng cao cấp tại khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm bị phát hiện đã san ủi hơn 4.200 m2 đất rừng phòng hộ, mặc dù dự án này chỉ được cấp phép trên diện tích 1.300 m2.

Một trường hợp khác là dự án sân golf Đak Đoa (Gia Lai) được phê duyệt chủ trương đầu tư do Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư với quy mô 174,01 ha, trong đó chuyển mục đích sử dụng trên 155,9ha rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện dự án. Hàng nghìn cây thông đã được di chuyển đi trồng ở vị trí khác. Tuy nhiên, những cây thông này đang bị chết khô hàng loạt, chất thành đống.

Trước đó, từ năm 2017, dù chưa thực hiện xong các thủ tục cần thiết nhưng tỉnh Phú Yên đã cho “trảm” gần 116 ha rừng phòng hộ ven biển để Công ty TNHH New City Việt Nam làm sân golf thuộc dự án Khu du lịch cao cấp New City Việt Nam.

Hay mới đây, dư luận đang dồn sự quan tâm về câu chuyện hơn 87 ha đất có nguồn gốc là đất của vườn Quốc gia Phú Quốc tại địa bàn xã Bãi Thơm, đã được các cơ quan chức năng của tỉnh Kiên Giang cho chuyển đổi thành đất thương mại dịch vụ để phục vụ dự án sân golf do Công ty TNHH Rita Võ làm chủ đầu tư. Lời giải thích được một số cơ quan chức năng địa phương đưa ra là, thực hiện theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ (?).

Cũng là dự án sân golf, tuy nhiên, cuối năm 2022, UBND TP Buôn Ma Thuột đã lấy ý kiến của Bộ Xây dựng và các sở ngành, qua đó thống nhất loại bỏ quy hoạch đối với 59 dự án. Trong đó, đáng chú ý có dự án làm sân golf tại hồ Ea Kao, xã Ea Kao ra khỏi quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 trên diện tích hơn 138 ha.

Một thực trạng đáng buồn là khoảng 15 năm trở lại đây, cơn “ác mộng” mất rừng phòng hộ diễn ra ở nhiều địa phương khắp cả nước. Từ những cánh rừng trên núi, cho đến rừng nằm ngay giữa đồng bằng đều chịu chung “số phận” bị tàn phá nghiêm trọng.

Dư luận cho rằng, việc chặt phá diện tích lớn rừng phòng hộ để làm các dự án thương mại nguy cơ dẫn đến hiện tượng nguồn nước ngầm cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, lũ lụt, thiệt hại về người và tài sản…Trong khi đó, dù doanh nghiệp có cam kết trồng lại, cũng phải mất hàng chục năm sau cây mới có thể lớn thành rừng.

Tận dụng “kẽ hở” pháp luật!

Theo quy định của pháp luật hiện hành, để thực hiện một công trình, dự án kinh tế mà cần sử dụng diện tích rừng làm mặt bằng thì nhất thiết phải có bước quan trọng đó là “phải chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác” (tức không phải mục đích lâm nghiệp). Tuy nhiên, để làm được điều này, pháp luật đòi hỏi những nguyên tắc bắt buộc.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Lê Ngô Trung - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, Điều 58 Luật Đất đai 2013 quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư như sau: Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau đây; Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ (đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên; từ 10 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dùng trở lên; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa; dưới 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng).

Đối với dự án sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi được sự chấp thuận bằng văn bản của các bộ, ngành có liên quan.

Bên cạnh đó, Luật Lâm nghiệp cũng có quy định về trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải theo thẩm quyền. Cụ thể là tại Điều 20 luật này, “Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20 ha đến dưới 50 ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20 ha đến dưới 500 ha; rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha”. Trên mức này thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội, và dưới mức này thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Mặc dù pháp luật đã quy định rõ ràng là vậy, tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua, có không ít vụ lách luật, lợi dụng kẽ hở của luật, để lấy đất rừng làm dự án thương mại. Nhìn chung, hầu hết sai phạm mà nhiều địa phương mắc phải đều là chưa hoàn tất các thủ tục cần thiết của dự án để có điều kiện được xem xét cho phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng như: chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; dự án đầu tư chưa được Quốc hội quyết định chủ trương…

Ngoài ra, sai phạm từ phía chính quyền (các UBND, HĐND cấp tỉnh, TP trực thuộc TƯ) thường là: vượt quá thẩm quyền trong việc quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; “vội vàng” giao đất rừng cho chủ đầu tư dự án khi chưa đủ điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng…

Đa số các chuyên gia pháp luật, kinh tế đều cho rằng, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 tồn tại nhiều điểm bất hợp lý, tạo ra những kẽ hở lớn và vô tình “tiếp tay” cho nhiều dự án kinh tế “loại bỏ” rừng để phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Đơn cử là chủ trương cấm chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác (trừ phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia), song lại không có chế tài với đất rừng phòng hộ: “Chỉ cấm với rừng tự nhiên là chưa đủ, khi mà diện tích rừng tự nhiên ngày càng ít đi, cần thiết phải xem xét cấm hẳn chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trồng là một số loại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng quan trọng sang mục đích khác. Hãy để rừng mãi mãi là rừng” - một chuyên gia bày tỏ quan điểm.

Chính vì những sai phạm kể trên mà nhiều diện tích rừng đã bị triệt hạ. Trách nhiệm này thuộc về các địa phương, cần phải được xử lý nghiêm minh!

(Nguồn: Kinh tế & Đô thị)

Hàng loạt sai phạm của tỉnh Hà Nam trong giao đất cho Cty Xuân Thành thực hiện dự án

(Ảnh minh họa).

Thanh tra Chính phủ kết luận về hàng loạt sai phạm của tỉnh Hà Nam tại các dự án: Khu liên hợp thể thao tỉnh Hà Nam và tuyến đường ĐT 495B do Công ty Xuân Thành thực hiện.

Khu liên hợp thể thao hàng nghìn tỷ đồng ở Hà Nam có giá xây dựng cao hơn định mức quy định

Dự án Khu liên hợp thể thao tỉnh Hà Nam và dự án tuyến đường ĐT 495B là 2 dự án trọng điểm với mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Khu liên hợp thể thao tỉnh Hà Nam được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ các hoạt động thể dục, thể thao và văn hóa. Dự án ĐT 495B đoạn chạy qua khu công nghiệp Thái Hà được xem như “cầu nối” giúp khơi thông thị trường bất động sản và phát triển khu vực tiềm năng tại tỉnh Hà Nam.

Cả 2 dự án trên đều được tỉnh Hà Nam giao cho Công ty Xuân Thành làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, quá trình thực hiện 2 dự án có hàng loạt những vi phạm trong quá trình phê duyệt, đầu tư xây dựng.

Cụ thể, chủ trương đầu tư dự án Khu liên hợp thể thao tỉnh Hà Nam và dự án ĐT 495B được phê duyệt nhưng không thông qua HĐND tỉnh Hà Nam, vi phạm Luật Đất đai. Dự án Khu liên hợp thể thao tỉnh Hà Nam nâng quy mô từ 4.000 lên 5.000 chỗ ngồi nhưng không lấy ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định.

Dự án Khu liên hợp thể thao tỉnh Hà Nam chưa phù hợp với quy hoạch chung xây dựng TP. Phủ Lý năm 2012 nhưng được cập nhật, phê duyệt vào Quy hoạch chung điều chỉnh quy hoạch thành phố Phủ Lý năm 2016. Dự án ĐT 495B có quy mô, cấp công trình chưa phù hợp với quy hoạch Giao thông vận tải được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt năm 2008, 2011.

Khi phê duyệt dự án, phê duyệt điều chỉnh dự án có nguồn vốn không được thẩm định, không xác định rõ ràng theo quy định. Dự án thành phần số 2, 3 thuộc Khu liên hợp thể thao tỉnh Hà Nam không có ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nguồn vốn.

Dự án Khu liên hợp thể thao tỉnh Hà Nam, dự án ĐT 495B, Công ty Xuân Thành có cam kết ứng vốn trước để thực hiện giải phóng mặt bằng, thi công hoàn thành công trình (không tính lãi) xã hội hóa 2.050 tỷ đồng (dự án Khu liên hợp thể thao tỉnh Hà Nam là 1.200 tỷ đồng, dự án ĐT 495B là 850 tỷ đồng); UBND tỉnh Hà Nam cam kết bố trí 2.565 ha tại 2 bên đường ĐT 495, khu đô thị ở Bắc Châu Giang… giao cho Công ty Xuân Thành thực hiện dự án đô thị để tạo nguồn vốn thanh toán cho các dự án. Tuy nhiên, chủ trương giao đất cho nhà đầu tư xây dựng các khu đô thị trên cơ sở định giá đất để tạo nguồn vốn thanh toán cho dự án là không đúng quy định tại Mục 3 Luật Đất đai năm 2003.

Ngoài ra, dự án Khu liên hợp thể thao tỉnh Hà Nam khi phê duyệt không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường không đúng với Nghị định 29 và 18 của Chính phủ. Dự án ĐT 495B được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt điều chỉnh nhưng chưa làm rõ các yếu tố được điều chỉnh, không đúng với quy định.

Dự án Nhà thi đấu đa năng thuộc Khu liên hợp thể thao tỉnh Hà Nam, UBND tỉnh phê duyệt dự án nhưng không tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình vi phạm quy định tại Nghị định 83 (2009) của Chính phủ.

UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt tổng mức đầu tư dự toán dự án Khu liên hợp thể thao tỉnh Hà Nam đơn giá vật tư, vật liệu cao hơn thông báo giá vật liệu của tỉnh, suất đầu tư cao hơn mức công bố của Bộ Xây dựng (riêng Nhà thi đấu đa năng có suất đầu tư cao hơn 1,67 lần công bố của Bộ Xây dựng). Việc phê duyệt đơn giá cao làm tăng tổng mức đầu tư, dự toán của công trình.

Khu liên hợp thể thao tỉnh Hà Nam có 11 gói thầu lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu trong khi giá trị gói thầu lớn hơn hạn mức được chỉ định thầu, vi phạm Luật Đấu thầu.

Theo Thanh tra Chính phủ dự án Khu liên hợp thể thao tỉnh Hà Nam một số khoản chi phí nghiệm thu, quyết toán chưa đúng quy định phải giảm trừ là hơn 465,7 tỷ đồng.

Dự án đường ĐT 495B được “vuốt” vào 3 nhà máy xi măng không có trong thiết kế

Dự án ĐT 495B UBND tỉnh Hà Nam, UBND huyện Thanh Liêm vay tiền để giải phóng mặt bằng dự án là thực hiện không đúng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, không được quản lý tại Kho bạc Nhà nước, vi phạm Luật Ngân sách.

Dự án ĐT 495B thiết kế cơ sở xác định quy mô đầu tư, giải pháp thiết kế chưa tuân theo Tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô TCVN (năm 2005); không khảo sát, thu thập số liệu, tính toán các phương án thiết kế mặt đường để lựa chọn phương án tối ưu…

Việc điều chỉnh tại dự án ĐT 495B, bổ sung các đường vuốt nối vào 3 nhà máy xi măng Xuân Thành, Hoàng Long và Thành Thắng không có trong thiết kế cơ sở. Bên cạnh đó, dự án ĐT 495B cũng không lấy ý kiến thẩm định của bộ quản lý chuyên ngành theo quy định đối với những dự án nhóm A.

Dự án ĐT 495B, tỉnh Hà Nam phê duyệt định mức, đơn giá khai thác, bốc xúc, vận chuyển đất đá hỗn hợp… cao hơn đơn giá so với thông báo giá vật liệu của tỉnh và cao hơn một số địa phương (ví dụ, giá ca máy SP 500 được tỉnh Hà Nam phê duyệt cao gấp 2,4 lần đơn giá của TP Hà Nội).

Như vậy, số tiền chi phí xây dựng trong dự toán phê duyệt không đúng của dự án ĐT 495B phải giảm trừ là hơn 333,7 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ kết luận, trách nhiệm đối với những vi phạm trên thuộc UBND tỉnh Hà Nam, các sở, ngành liên quan và chủ đầu tư dự án. Ngoài trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan còn có trách nhiệm của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Hà Nam.

(Nguồn: CafeF)

THI HÀNH KỶ LUẬT MỘT SỐ TỔ CHỨC ĐẢNG VÀ ĐẢNG VIÊN VI PHẠM

Ủy ban Kiểm tra TW cảnh cáo Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2015-2020; cảnh cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021; đề nghị kỷ luật ông Đỗ Hữu Ca.

Trong các ngày 21 và 22/3, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 27.

Ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp.

Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung.

Cảnh cáo Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2015-2020

Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông và ông Ngô Đức Thọ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:

Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và công tác cán bộ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Tòa án nhân dân tỉnh và một số tòa án cấp huyện vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của ngành tòa án trong công tác xét xử; áp dụng các điều luật, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cho hưởng án treo, hoãn chấp hành hình phạt tù không đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội, trái quy định pháp luật; nhiều bản án, quyết định bị hủy, sửa; cá biệt có trường hợp xét xử, kết án oan người không có tội.

Những vi phạm, khuyết điểm nêu trên gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu trong xã hội; ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đến uy tín của các tổ chức đảng và ngành tòa án tỉnh Đắk Nông.

Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2015-2020 và ông Ngô Đức Thọ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh.

Liên quan đến các vi phạm, khuyết điểm nêu trên còn có trách nhiệm của một số tổ chức đảng, đảng viên tại Đảng bộ tỉnh Đắk Nông.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2015-2020 và ông Ngô Đức Thọ.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc, khắc phục kịp thời các vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra; chỉ đạo kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan, báo cáo kết quả về Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Cảnh cáo Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021

Thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Kỳ họp thứ 23 đối với Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai và một số tổ chức đảng, đảng viên có liên quan; căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định:

Thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021; Đảng ủy Tổng Công ty Tín Nghĩa nhiệm kỳ 2015-2020 và các ông: Cao Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Võ Văn Chánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.

Đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật ông Đỗ Hữu Ca

Xem xét đề nghị của Thành ủy Hải Phòng, Tỉnh ủy Hà Nam và Tỉnh ủy Hòa Bình về thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm đối với: Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng; ông Trương Minh Hiến, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam; ông Vũ Hữu Song, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam; ông Nguyễn Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình; Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy các đảng viên trên đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương.

Căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật các ông: Đỗ Hữu Ca, Trương Minh Hiến, Vũ Hữu Song và Nguyễn Đồng.

Cũng tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng và quyết định một số nội dung quan trọng khác.

(Nguồn: Quê Hương Online)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang